Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Công Vụ các Sứ đồ 1:15-26: "Điều gì xảy ra cho Giuđa?"



Những khuôn mặt quanh thập tự giá
Điều gì xảy ra cho Giuđa?
Người từng hôn cánh cửa thiên đàng, nhưng đã xuống địa ngục –

Công Vụ các Sứ đồ 1:15-26
"Song khốn cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn" (Mác 14:21b).
“Nếu bạn chưa lại sanh, ngày hầu đến là lúc bạn sẽ ước ao mình đừng nên sanh ra" (Warren Wiersbe).
Có lẽ chỗ phải bắt đầu là phần cuối của câu chuyện. Lúc bấy giờ là sáng sớm ngày thứ Sáu tại thành Jerusalem — có khi là giữa nửa đêm và bình minh — và người Do thái đã xong việc với Chúa Jêsus. Họ đã có phiên tòa chiếu lệ với những bản án mang tính cách vu cáo cùng những kẻ làm chứng dối của họ. An-ne đã có một vòng với Chúa Jêsus và Cai-phe cũng thế. Cáo trạng của họ rất rõ ràng — người nầy là một kẻ phạm thượng đáng chết. Sự tụ tập của các cấp lãnh đạo tôn giáo được đề ra để bắt Chúa Jêsus giải sang cho Phi-lát, quan tổng đốc Lamã. Ông ấy mới là người có thể ra lịnh tử hình Chúa Jêsus.
Có một sự chuyển dịch, ồn ào, huyên náo khi cả nhóm di chuyển hướng đến pháp đình. Trong bóng tối, có một người, giờ đây bị lãng quên, đang quan sát, gương mặt ông ta căng thẳng lên, mắt ông ta sưng húp, đầu ông ta hơi cụp xuống. Đêm ấy quả là một đêm thật dài, dài nhất trong cả cuộc đời ông ta. Có bao nhiêu giờ đồng hồ đã trôi qua kể từ bữa ăn ấy trên cái phòng cao? Sáu, có thể là bảy, ai biết được? Sau khi ông ta rời đi, ông ta đi thẳng đến với các thầy cả thượng phẩm để thực hiện sự sắp xếp sau cùng. Thế rồi có một lối đi ngắn trong bóng tối băng qua Trũng Kít-rôn đi lên dốc của Núi Ôlive. Toàn bộ sự việc đã kéo dài không đầy 5 phút. Trong chỗ lờ mờ đó, một vài lời nói, một nụ hôn, một vài lời căm giận của Phierơ và nhiều người khác nữa, thế là Chúa Jêsus đã bị bắt rồi bị giải đi.
Mặt trời mọc lên, ông ta đã đổi ý
Trong hai bàn tay của Giuđa, ông ta cầm cái túi nhỏ chứa ba mươi miếng bạc. Ông ta còn áy náy đến nỗi chưa đếm túi tiền ấy nữa. Không một ai chú ý đến ông ta lúc ấy. Sự thể giống như ông ta còn là tin tức của ngày hôm qua vậy. Không một ai buồn nói tới một kẻ phản bội.
Ông ta đã chờ đợi qua cả đêm hôm ấy, cứ bám lấy rìa của đám đông, lắng nghe coi sự việc đã diễn ra thể nào. Chính xác thì ông ta trông đợi điều gì chứ? Không một ai dám chắc. Nhưng nếu lúc nửa đêm ông ta muốn nhìn thấy Chúa Jêsus chết đi, thì khi mặt trời mọc ông ta đã đổi ý của mình.
Những ký ức kia cứ bám riết lấy lý trí ông ta. Những việc Chúa Jêsus đã nói, giống như những câu nói đùa mà các sứ đồ thường hay nói, những câu chuyện mà Chúa Jêsus đã kể lại thật nhiều lần. Những hình ảnh nhỏ đã tự chúng tô điểm trong bóng tối tăm — nụ cười trên gương mặt đứa con gái của Giairu khi Chúa Jêsus làm cho nó sống lại từ kẻ chết, cái nhìn trên gương mặt của Phierơ khi ông đi bộ trên mặt biển và hình ảnh ấy cứ khuấy đảo ông luôn, hình ảnh 12 giỏ bánh đầy kia sau khi Chúa Jêsus cho hơn 5.000 người ăn. Ông ta có thể nhìn thấy hình ảnh ấy rất rõ ràng và lắng nghe mọi sự mà ký ức đã ghi nhận lấy thật nhiều việc.
Thế rồi tiếng đồn lan nhanh là Chúa Jêsus bị kết án tử hình. Ông ta không lấy làm lạ, song ông ta đã. Trong một phút đồng hồ, có một sự chấn động trong pháp đình và Giuđa nhìn thấy Chúa Jêsus khi Ngài bị giải sang cho Phi-lát. Ông ta không nhìn thấy rõ Ngài, chỉ thoang thoáng gương mặt Ngài ở một khoảng xa xa, song ông ta biết đấy là Chúa Jêsus.
Bị áp đảo. Đấy là từ duy nhứt phải sử dụng. Giuđa bị áp đảo với tư tưởng Chúa Jêsus sắp bị tử hình. Trong giây phút ấy, tư tưởng đó thoạt đến với ông ta như một tia chớp làm lóe mắt: Ông ta đã phạm một lỗi lầm rất nghiêm trọng trong cuộc đời của mình, một lỗi lầm nghiêm trọng đến nỗi ông ta phải tìm một phương thế nào đó để sửa cho ngay lại.
Quá trễ
Với tư tưởng ấy đầy dẫy lý trí mình, ông ta cầm lấy cái túi tiền rồi tìm cách trả nó lại. Nhưng các thầy cả thượng phẩm đã cười nhạo ông ta. Họ chẳng còn cần đến ông ta hay tiền bạc của ông ta nữa. Họ đã có những gì họ mong muốn.
Trong nổi thất vọng ấy, Giuđa đã kêu la lên: “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội” (Mathiơ 27.4). Từng chữ ấy đều là sự thực cả. Ông ta đã phạm vào tội ấy; những gì ông ta đã làm là tội lỗi tệ hại nhất có thể tưởng tượng được; ông ta đã phản Chúa Jêsus, dù Ngài vô tội, là Đấng sắp sửa trả giá bằng huyết Ngài cho tội ác của Giuđa.
Với nổi thất vọng đó, ông ta đã ném số tiền lại vào trong đền thờ, những đồng tiền lăn tròn, kêu lên những tiếng leng keng khi chúng chạm xuống cái nền bằng đá kia. Khi Giuđa xây đi, 30 miếng bạc còn ở lại phía sau. Không những Giuđa đánh mất Chúa của mình, ông ta còn mất cả tiền bạc. Sau đó, ông ta còn mất mạng sống của mình nữa
Về sự tự tử của ông ta, chẳng có điều gì cần phải nói tới. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “hắn bỏ đi rồi tự treo cổ mà chết”. Đây là hành động sau cùng của một người không thể sống với chính mình và ký ức của những gì mình đã làm. Trong cái mỉa mai nhắm vào cái ngày thê thảm nầy, Giuđa đã chết trước khi Chúa Jêsus gục chết.
Sự thể là như thế
Nhưng sự thể không luôn luôn theo cách ấy. Nếu chúng ta đi từ lúc bắt đầu, chúng ta thấy một loạt những điều đáng nhớ về Giuđa:
1. Cá nhân ông ta được Đức Chúa Jêsus Christ chọn là sứ đồ.
2. Ông ta đã lìa bỏ mọi sự để theo Chúa.
3. Ông ta đã dành ra 3 năm rưỡi đi dọc đi ngang xứ Israel với Đấng Christ.
4. Ông ta đã đích thân nhìn thấy nhiều phép lạ của Đấng Christ.
5. Ông ta đã nghe Đấng Christ ban ra mọi bài giảng nổi tiếng của Ngài.
6. Ông ta đã quan sát khi Đấng Christ chữa lành kẻ đau, làm sống lại kẻ chết và đuổi tà ma.
7. Ông ta, cùng với các sứ đồ khác, đã được sai đi ra rao giảng Tin Lành.
8. Ông ta là một trong các cấp lãnh đạo của nhóm sứ đồ.
9. Không một ai có thể hồ nghi ông ta về sự phản bội.
Trong giới hạn của kinh nghiệm, bất cứ điều chi bạn có thể nói về Giacơ, Phierơ và Giăng, bạn cũng có thể nói về Giuđa. Bất cứ đâu họ đi, ông cũng đi tới. Ông đã có mặt ở đó, luôn luôn ở bên cạnh Chúa Jêsus. Ông đã nghe hết mọi sự, đã nhìn thấy mọi sự, đã kinh nghiệm mọi sự. Tuy nhiên, khi bạn giải thích sự ông ta đào ngũ, bạn không thể nói ông ta thiếu kinh nghiệm hơn các vị sứ đồ khác.
Nếu có điều chi khác, ông ta là một trong các cấp lãnh đạo. Rốt lại, các vị sứ đồ khác đã chọn ông ta cho việc giữ lấy tiền bạc. Bạn không chọn một người để trao tiền bạc cho họ giữ mà bạn nghi ngại về lòng trung thành của họ được. Làm như thế là điên. Bạn chọn người tốt nhứt, người xứng đáng nhứt, người duy nhứt bạn biết mình có thể tin tưởng. Đấy là lý do tại sao họ đã chọn Giuđa.
Phần thú vị nhất trong toàn bộ mô tả kia, ấy là các vị sứ đồ khác rõ ràng đã nhìn thấy chỉ có mặt tích cực nơi Giuđa. Cho tới chừng họ nhìn lại sự việc thì họ mới nhận ra các mặt tiêu cực. Trước khi ông ta phản bội Chúa Jêsus, ông ta trông rất tốt cũng như bao người khác còn lại, mà kỳ thực trông ông ta còn tốt nhứt nữa kìa. Theo ánh sáng đó, chúng ta hãy lưu ý phần tường trình thêm một lần nữa đi: Chẳng có ai nghi ngờ Giuđa hết. Không một ai cả.
I. Hai thắc mắc về Giuđa
Có hai việc khiến cho chúng ta phải bối rối về Giuđa. Thứ nhứt, tại sao Giuđa làm điều đó? Thứ hai, sau khi ông ta đã làm điều đó, tại sao ông ta cảm thấy có tội chứ? Ông ta gian ác đến nỗi đã bán Chúa Jêsus để lấy 30 miếng bạc. Thế rồi sau đó, ông ta cảm thấy hối hận đến nỗi phải tự tử.
Thắc mắc 1: Tại sao Giuđa phản bội Chúa Jêsus?
Tại sao Giuđa làm điều đó? Thế lực nào đã khiến ông ta phản bội Chúa của mình? Trải qua nhiều thế kỷ, những đầu óc lỗi lạc đã suy gẫm về câu hỏi ấy. Nếu bạn muốn có một nghiên cứu đầy lý thú, hãy bước vào thư viện của trường thần học, rồi đọc kỹ về Giuđa. Bạn sẽ khám phá ra cả danh mục nhiều lý thuyết rất rối rắm. Các trước giả Tin Lành hiến cho chúng ta một vài manh mối. Ấy chính họ cũng không hề biết đâu là câu trả lời. Khi Giuđa tự tử trong vài giờ đồng hồ sau khi phản Ngài, chúng ta không có câu nói nào cung ứng mặt trái câu chuyện của ông. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải suy gẫm về những động lực của ông.
Ba lý thuyết dường như luôn có sẵn:
• Ông ta phản bội Chúa Jêsus là vì tiền bạc. Điều nầy rất rõ ràng ở Giăng 12:6 cho chúng ta biết Giuđa đã lấy cắp tiền từ cái túi bạc. Nhưng nếu ông ta phản bội Chúa Jêsus chỉ để lấy tiền bạc thôi, ông ta đã bán Ngài quá rẻ. Ba mươi miếng bạc chỉ bằng 20USD ngày nay thôi.
• Ông ta phản bội Chúa Jêsus vì ông ta bị vỡ mộng. Có lẽ đây là lý thuyết được lòng người nhất. Lý thuyết nầy cho rằng Giuđa trông mong Chúa Jêsus lãnh đạo một cuộc lật đổ chống lại Rôma. Khi ông ta thấy Đấng Christ chẳng có một dự tính nào kiểu như vậy, ông ta bắt giận dữ rồi phản bội Ngài.
• Ông ta đã phản bội Chúa Jêsus vì ông ta lo sợ. Khi ông ta nhìn thấy những đám mây giông tố nhóm lại trong mấy ngày sau cùng đó, ông ta phản Chúa để cứu lấy bản thân mình.
Tất cả các lý thuyết ấy đều có ý nghĩa của nó, và tất cả ba lý thuyết nầy đang góp phần cho câu trả lời. Sau khi mọi bàn bạc đã xong, chúng ta vẫn không dám chắc lý do tại sao Giuđa đã làm những điều mà ông ta đã làm. Nhưng điều nầy là chắc nhất đây: Khi Giuđa phản bội Chúa Jêsus, ông ta đã phạm phải lầm lỗi to lớn nhất mà bất cứ người nào cũng dám phạm phải.
Thắc mắc 2: Tại sao ông ta cảm thấy hối hận?
Câu trả lời là đây: Giuđa rất giống với hết thảy chúng ta nơi người bề trong — bị xâu xé bởi những xung lực đối ngược. Ông ta phải tốt hơn hoặc ông ta sẽ tệ hại hơn. Nếu ông ta là một người tốt hơn, ông ta sẽ không bao giờ phản bội Chúa. Còn nếu ông ta tệ hại hơn, ông ta sẽ không cảm thấy hối hận như thế. Ông ta đã chết một cái chết thật thê thảm — tồi tàn và nhơ nhớp tội lỗi với huyết của Con Đức Chúa Trời trên tay mình.
II. Một thắc mắc về Giuđa
Vậy thì, Giuđa đang ở đâu hôm nay? Có phải ông ta đang ở trên thiên đàng hay ông ta đang ở trong địa ngục? Kinh Thánh nói rất rõ ràng ở điểm nầy: Giuđa đang ở trong địa ngục. Trong Công Vụ các Sứ đồ 1:25, Phierơ đã nói tới Giuđa là kẻ bỏ chức vụ sứ đồ “đặng đi nơi của nó”. Sát nghĩa, câu nầy đọc là: “đến với chỗ riêng của nó”. “Chỗ riêng của nó” là địa ngục. Nếu thấy khó hiểu, hãy xem lời lẽ của Chúa Jêsus ở Giăng 6:70-71 khi Ngài phán:
“Ta há chẳng đã chọn các ngươi là mười hai sứ đồ sao? Mà một người trong các ngươi là quỉ! Vả, Ngài nói về Giu-đa con Si-môn Ích-ca-ri-ốt; vì chính hắn là một trong mười hai sứ đồ, sau sẽ phản Ngài”.
Ngài không nói cụ thể Giuđa là một con quỉ, nhưng Giuđa khi ấy (khoảng 1 năm trước khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá) đã hành động dưới ảnh hưởng của Satan.
Hãy lắng nghe Chúa Jêsus khi Ngài cầu nguyện trên phòng cao vào tối thứ Năm. Giuđa đã rời đi để lo chuyện sắp xếp sau cùng. Ngay khi ấy những tên lính đã tụ tập lại cho cuộc diễu hành lên Núi Ôlive. Hành động sau cùng tự nó sắp sửa phô diễn ra. Đồng thời, Chúa Jêsus đang cầu nguyện cho các môn đồ Ngài: “Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ, trừ đứa con của sự hư mất ra, thì trong đám họ không một người nào bị thất lạc, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm” (Giăng 17:12).
Giuđa đang ở trong địa ngục hôm nay. Ông ta đã ở đó cả 2.000 năm và ông ta sẽ ở đó cho đến đời đời. Ông ta đã trả toàn bộ cái giá cho tội ác phản bội Con Đức Chúa Trời.
Nếu có ai hỏi: “Phải chăng Giuđa đã đánh mất ơn cứu rỗi của mình?” Câu trả lời là “Không”. Ông ta đã không đánh mất ơn cứu rỗi vì ông ta chưa hề có nó. Bất cứ điều chi khác bạn có thể nói về ông ta, ông ta chưa bao giờ là một môn đồ của Đức Chúa Jêsus Christ theo cùng một ý nghĩa giống như các môn đồ khác. Ông ta chưa được cứu và rồi bị hư mất. Ông ta bị hư mất vì ông ta chưa hề được cứu trong chỗ thứ nhứt.
Nhưng sẽ có người thắc mắc: “Phải chăng Giuđa đi địa ngục vì ông ta đã tự tử?” Thắc mắc hay đấy, và câu trả lời là “không” một lần nữa. Tự tử là một tội, nhưng đấy chẳng phải là lý do để Giuđa đi địa ngục. Giuđa đi địa ngục vì ông ta chưa hề thực sự phó chính mình cho Đức Chúa Jêsus Christ. Sự phản bội của ông ta đã minh chứng cho sự việc ấy; sự ông ta tự tử chỉ đóng ấn số phận của ông ta mà thôi.
Một thắc mắc sau cùng: “Có phải Kinh Thánh nói rằng Giuđa đã ‘ăn năn’”? Những bản dịch xưa quả thật đã sử dụng từ ngữ ấy ở Mathiơ 27:3. Một sự dịch thuật chính xác hơn là “bị hối hận bắt lấy”. Mặc dù Giuđa bị sự sai lầm nơi những gì ông ta đã làm kẹp chặt lấy, ông ta không hề van xin ơn tha thứ. Có một thế giới khác biệt giữa hai sự việc ấy. Có nhiều người thực sự cảm thấy buồn rầu vì cớ tội lỗi, song họ không hề đến với Đức Chúa Trời và van xin ơn tha thứ bao giờ. Giuđa đã tìm cách tháo gỡ sự phản bội của mình, song sự việc đã quá trễ rồi. Tôi không nghi ngờ ông đã khóc lóc với những giọt nước mắt cay đắng lúc ông ta ném số tiền trở lại đền thờ. Nhưng sự hối hận của ông ta (dù cho có thành thật đi) thì cũng chẳng phải là sự ăn năn thật và nó không dẫn tới chỗ được tha thứ. Thay vì thế, nó dẫn tới chỗ phải tự tử, là minh chứng trọn vẹn rằng Giuđa đã chết như một người không được tha thứ.
III. Ba thắc mắc dành cho chúng ta
Khi chúng ta suy gẫm lại câu chuyện lạ lùng, đáng buồn nói tới Giuđa, một vài thắc mắc nổi lên trên bề mặt. Có những thắc mắc không phải về Giuđa, mà về bạn và tôi. Chúng yêu cầu chúng ta phải xem xét Giuđa sống cở nào trong từng người chúng ta hôm nay. Và trước khi chúng ta xem xét mấy thắc mắc nầy, hãy xét điều nầy xem: Bạn càng sống tôn giáo chừng nào, bạn càng muốn làm theo những gì Giuđa đã làm. Nếu Giuđa còn sống hôm nay, chỗ tốt nhứt để gặp ông ta sẽ là ở nhà thờ vào sáng Chúa nhựt. Ông ta sẽ đến thật sớm, ngồi ở phía trước, hát những bài thánh ca với tiếng vỗ tay thưởng thức trong lúc hợp xướng, rồi nói Amen suốt cả bài giảng. Nếu Giuđa sống ở đây tại Oak Park, tôi dám chắc ông ta sẽ đến dự nhóm ở nhà thờ Calvary Memorial. Ông ta là loại người thể ấy. Ai biết được chứ? Ông ta sẽ ngồi gần bạn trên hàng ghế. Hoặc ông ta còn ngồi gần hơn thế nữa.
A. Đức Chúa Trời đã làm cho bạn thất vọng cở nào?
Nếu có bất kỳ phương thức nào để hiểu rõ Giuđa, thì chính tại điểm thất vọng riêng tư nầy đây. Có lẽ ông thực sự tin rằng Chúa Jêsus đã làm cho ông ta thất vọng và đường lối riêng cong quẹo của ông ta cảm thấy được xưng công bình trong hành động bội phản của ông ta. Song điều đó khác biệt rất nhiều so với cách chúng ta cảm nhận khi chúng ta nghĩ Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta thất vọng?
Vì vậy tôi đưa ra thắc mắc nầy: Đức Chúa Trời đã làm cho bạn thất vọng cở nào? Đối với một số người, điều đó đến từ những ước mơ bị tan tác và những hy vọng đẹp khòng còn có nữa. Đối với nhiều người khác, điều đó đến từ mối hôn nhân thất bại hay con cái xây trở nghịch lại bạn. Có lẽ bạn đã cầu nguyện và cầu thay cho người thân được chữa lành ung thư chỉ để dự đám tang của họ sau đó. Có thể bạn cảm thấy sâu sắc ở trong lòng rằng Đức Chúa Trời đã không sống theo cứu cánh dự tính của Ngài. Dù bạn không hề nói ra điều đó trong nhà thờ, bạn cảm thấy như mình đã bị Chúa bịp vậy.
Chúng ta hãy đối diện với sự thực là Đức Chúa Trời thường thất bại không sống theo mọi sự trông mong của chúng ta. Có khi Ngài không làm những gì chúng ta nghĩ Ngài sẽ làm. Chúng ta có những tiêu chuẩn nhất định về Đức Chúa Trời của vũ trụ — và Ngài không luôn luôn làm cho họ thỏa mãn. Giuđa không thể sống với nổi thất vọng, vì thế ông ta đã phản Chúa. Còn bạn thì sao?
B. Bạn sẽ đổi gì để lấy Chúa Jêsus?
Một trong những phần mỉa mai trong câu chuyện nầy, ấy là Giuđa đã không nhận được nhiều tiền bạc đâu. Vào thời buổi ấy, 30 miếng bạc là cái giá của một nô lệ — khoảng 20USD. Giuđa đi địa ngục và cái giá cho tấm vé của ông ta là 30 miếng bạc.
Bạn sẽ đổi gì để lấy Chúa Jêsus?
• Bạn sẽ phản bội Ngài là vì tiền bạc chăng?
• Bạn sẽ phản bội Ngài để lấy một việc làm khá hơn chăng?
• Bạn sẽ phản bội Ngài chỉ để ôm lấy công việc mà bạn đang có sao?
• Bạn sẽ phản bội Ngài để cứu lấy bản thân mình sao?
• Bạn sẽ phản bội Ngài để được vào một lớp khá hơn ở trong trường?
• Bạn sẽ phản bội Ngài để hẹn hò đi chơi sao?
• Bạn sẽ phản bội Ngài để lấy một hợp đồng mới sao?
• Bạn sẽ phản bội Ngài để lấy 1 triệu USD chăng?
• Bạn sẽ phản bội Ngài để kiếm một người chồng hay một người vợ sao?
• Bạn sẽ phản bội Ngài vì Ngài không sống theo những điều bạn trông mong ư?
• Bạn sẽ phản bội Ngài vì bạn tưởng Ngài đã làm cho bạn thất vọng sao?
• Bạn sẽ phản bội Ngài nếu bạn nghĩ bạn sẽ tìm được ơn của hạng người quan trọng sao?
Câu chuyện nói tới Giuđa yêu cầu chúng ta phải thăm dò lại động lực của chính chúng ta. Tại sao bạn hầu việc Chúa không cứ cách nào? Con Đức Chúa Trời xứng đáng với bạn ở tầm cở nào vậy?
C. Có phải bạn là Giuđa thứ hai không?
Cách đây nhiều năm, tôi có nghe một nhà truyền đạo giảng một bài với đề tựa rất hay: “Giuđa thứ hai”. Bài giảng ấy nhắm vào các thuộc viên của nhà thờ gồm những ai chưa thực sự được sanh lại. Như tôi nhớ, ông kể lại câu chuyện nói tới Giuđa và rồi nói về bản thân ông — thể nào ông đã lớn lên trong Hội Thánh, dự lớp trường Chúa nhựt trong nhiều năm trời, nhập học ở một trường Cơ đốc — và nếu tôi nhớ chính xác — đã trở thành Mục sư trước khi ông nhận ra ông chưa thực sự được sanh lại. Bản thân ông là Giuđa thứ hai. Thật là tầm thường và đau đớn cho ông khi đối mặt với sự thực ông đã tự lừa dối mình, song khi ông đối diện với nó, ông được biến đổi cách lạ lùng bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Điều đó có thể xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta. Giuđa đã hôn cánh cửa thiên đàng nhưng lại phải xuống địa ngục. Chúa Jêsus đã chọn ông ta làm một sứ đồ, song ông ta phải xuống địa ngục. Ông ta đã sống với Chúa Jêsus trọn ba năm ấy mà vẫn phải xuống địa ngục. Ông ta đã thấy Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển mà vẫn phải xuống địa ngục. Ông ta đã nghe Bài Giảng Trên Núi mà vẫn phải xuống địa ngục. Ông ta đã ăn uống với Chúa Jêsus, trò chuyện với Chúa Jêsus, và lắng nghe Chúa Jêsus rao giảng hết ngày nầy sang ngày khác, tháng nầy qua tháng khác, năm nầy qua năm khác. Ông ta vốn biết rõ Chúa Jêsus như một người từng nhìn biết Chúa Jêsus mà ông ta vẫn phải xuống địa ngục.
Và hãy ghi nhớ điều nầy. Không một ai trong các môn đồ đã nghi ngờ ông ta. Đấy là lý do ông ta được chọn làm người giữ tiền. Họ đã tin cậy ông ta biết giữ gìn tiền bạc của họ. Thậm chí tại bữa Tiệc Ly, khi Chúa Jêsus xác nhận Giuđa cách công khai, họ vẫn không thể hình dung ra được việc ấy.
Hãy dò xét lòng mình
Có phải bạn biết người nào là một Giuđa trong nhà thờ nầy không? Tôi đây. Là Mục sư quản nhiệm, tôi đứng trong phép loại suy gần gũi nhứt so với chỗ mà Giuđa đã đứng. Có người nói: “Mục sư ơi, chắc chắn không phải ông đâu”. Đấy là điều mà họ đã nói về Giuđa. Hãy nhớ, cú sốc phản bội của Giuđa, ấy là ông ta trông rất nhơn đức ở bề ngoài. Nếu tôi là Mục sư của bạn, có thể thuật lại cho bạn câu chuyện nầy mà không dò xét tấm lòng của chính tôi, thế thì tôi đã bỏ sót mục tiêu rồi.
Tôi muốn bạn nhìn biết rằng tôi rất tin vào sự bảo đảm ơn cứu rỗi qua Lời của Đức Chúa Trời và sự làm chứng của Đức Thánh Linh. Tôi không dám chắc về việc thường xem xét nội tâm mình có phải hay không phải là một Cơ đốc nhân. Nhưng có một chỗ cho sự tự xét rất lành mạnh trong đời sống Cơ đốc. Không một ai dám hy vọng chắc mình sẽ được lên thiên đàng. Tôi muốn nói cách rõ ràng rằng tôi đã xem xét vấn đề trong tuần nầy, tư tưởng xảy đến với tôi là nếu tôi đúng là một Cơ đốc nhân, ấy chẳng phải vì tôi là một Mục sư, một trưởng lão, một thuộc viên Hội Thánh, một người chồng, một người cha, hay một người chuyên làm lành. Không một việc nào trong các việc nầy ít nhất là vấn đề khi phải đến với sự cứu rỗi đời đời. Nếu tôi đúng là một Cơ đốc nhân, ấy là vì tôi đang tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ và chỉ một mình Ngài để được tha tội mình. Tôi đang đóng cây cọc hy vọng của tôi về thiên đàng trên sự thực Chúa Jêsus đã chịu chết vì tôi và đã sống lại từ kẻ chết. Nếu Ngài không thể đưa tôi vào thiên đàng, thế thì tôi sẽ không vào được đó.
Giuđa dành cho chúng ta một sự ưu ái nếu câu chuyện của ông ta khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại sự cam kết cơ bản của chúng ta đối với Đức Chúa Jêsus Christ. Bạn tự nhận mình là một Cơ đốc nhân. Nhưng có phải bạn là một môn đồ thật hay bạn chỉ có những động thái bề ngoài? Có phải bạn là kẻ giả vờ hay là một tín đồ thật? Có phải bạn thực sự đã xây khỏi tội lỗi mình và đã tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa? Có phải bạn là một bạn hữu tùy thời của Cứu Chúa?
Có những thắc mắc dễ hỏi hơn là dễ trả lời. Tôi yêu cầu bạn đừng xem nhẹ chúng. Bài học chính từ đời sống của Giuđa là hư mất trừ phi ít nhất chúng ta tự hỏi mình những câu hỏi ấy.
Rốt lại, nếu một người có thể trở thành một sứ đồ của Đấng Christ mà vẫn bị hư mất, bạn thì sao và tôi sẽ như thế nào đây? Có lẽ chúng ta sẽ kết luận vấn đề theo cách nầy. Một sứ đồ bị hư mất, để không một ai dám làm liều. Mười một người đã được cứu, để không ai sẽ thất vọng. Cuối cùng, hầu hết chúng ta là những người tự nhận mình là Cơ đốc nhân sẽ dò xét tấm lòng mình rồi kết luận rằng “Phải”, mặc dù chúng ta làm buồn lòng Ngài trong nhiều cách thức, chúng ta vẫn kính mến Ngài và xưng Ngài là Cứu Chúa của chúng ta. Phải đúng như vậy đấy. Câu chuyện của Giuđa có ở trong Kinh Thánh vì nhiều lý do, ít nhất là dẫu thế nào thì chúng ta cũng phải đưa ra câu hỏi mà các vị sứ đồ khác đã đưa ra trong cái đêm số phận kia:
“Lạy Chúa, có phải tôi không?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét