Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

I Côrinhtô 15:17-19: "Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: “Tôi theo”: “Ngày Thứ Ba Ngài Sống Lại Từ Kẻ Chết”



Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
“Tôi theo”: “Ngày Thứ Ba Ngài Sống Lại Từ Kẻ Chết”
I Côrinhtô 15:17-19
Mục sư Billy Graham từng nói với tạp chí Time: “Nếu tôi là kẻ thù của Cơ đốc giáo, tôi sẽ nhắm ngay vào sự sống lại, vì đấy là trọng tâm của Cơ đốc giáo”.
Người sáng lập ra Thần Học Viện Jesus, Mục sư Robert Funk, đưa ra một thí dụ trọn vẹn về điều Billy Graham đã nói tới. Đây là cách Mục sư Funk giải thích những gì đã xảy ra cho thi thể Chúa Jêsus sau khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá: “Những câu chuyện nói tới sự chôn cất và sự sống lại là cách suy nghĩ mong mỏi của ngày hôm nay. Thay vì thế, thi hài của Chúa Jêsus phải đi theo hướng của tất cả các thi thể của hạng tội phạm, chúng phải bị vứt bỏ: có lẽ nó sẽ lấm đầy bụi đất, dễ lắm cho bầy chó hoang gậm nhấm, chúng thường xuất hiện chỗ đất hoang nơi bãi hành hình”.
Khi Thomas Jefferson viết quyển sách của ông nói tới đời sống của Đấng Christ, ông đã không màng tới những điều siêu nhiêu, kể cả các phép lạ của Đấng Christ, sự ra đời bởi nữ đồng trinh, và sự sống lại. Đây là cách “Kinh Thánh Jefferson” kết thúc: “Giờ đây, tại nơi Ngài bị đóng đinh có một ngôi vườn; và trong vườn là một ngôi mộ mới, chưa một người nào được đặt vào đó. Tại nơi ấy họ đã đặt Chúa Jêsus, rồi lăn một hòn đá lớn chặn cánh cửa mộ lại, rồi ra về”. Chỉ bấy nhiêu thôi. Hết. Ngài đã chết và họ đã chôn Ngài. Không nhắc gì tới sự sống lại cả.
Thậm chí có một số Cơ đốc nhân nói sự ấy chẳng ăn nhằm gì cả. Có người nói như vầy: “Không chút nghi ngờ, Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết. Chẳng có gì ăn nhập với tôi nếu Ngài ‘theo phần xác’ đã sống lại từ kẻ chết”. Một tác giả khác thì viết như sau: “Tôi nghĩ sự sống lại của Chúa Jêsus thực sự đã xảy ra, nhưng tôi chẳng có ý kiến gì cả nếu có điều chi xảy ra với thi hài của Ngài, rồi vì lẽ ấy, tôi chẳng có ý kiến gì với ngôi mộ trống … vì vậy tôi sẽ chẳng có gì phải lo với những nhà khảo cổ tìm kiếm thi hài của Chúa Jêsus cho tôi. Điều đó sẽ không phải là một sự nghi ngờ về đức tin Cơ đốc hay truyền thống Cơ đốc”.
Điều nầy làm dấy lên một thắc mắc rất quan trọng. Điều chi sẽ xảy ra cho đức tin của bạn nếu sáng mai tờ Chicago Tribune cho đăng những dòng tít nầy: “Thi thể của Chúa Jêsus đã được tìm gặp gần thành Jerusalem"? (Khi tôi đưa ra câu hỏi ấy vào buổi thờ phượng lúc 10 giờ sáng, có người hô to lên: “Không có đâu”. Có lẽ ông ta hô lên quá sớm — nhưng tôi biết ông ấy muốn nói gì rồi. Dòng tít kia sẽ chẳng ăn nhập gì vì đấy chẳng phải là sự thật. Chưa đúng với ý của tôi — nhưng ông ấy đã đúng — tin ấy chẳng phải là sự thật cho dù tờ báo có đăng nó). Nhưng giả sử tờ báo cho đăng dòng tít ấy vì có ai đó thực sự đã tìm gặp hài cốt của Chúa Jêsus trong cái hộp ở Đất Thánh. Đức tin Cơ đốc của chúng ta sẽ ra sao chứ? Tin tức đó sẽ chạm đến mọi thứ? Hay chúng ta sẽ tiếp tục giống như thể chẳng có gì xảy ra?
Ở điểm nầy, Bài Tín Điều Các Sứ Đồ đưa ra một lời khẳng định rõ ràng: “ngày thứ ba Ngài sống lại từ kẻ chết”. Không có một chữ “nếu” “và” hay “nhưng” nào hết về sự ấy. Chúa Jêsus đã chịu chết vào ngày thứ Sáu; đến sáng ngày Chúa nhựt Ngài đã sống lại từ kẻ chết.
I. Nói như thế thì có nghĩa gì?
Khi chúng ta nói rằng Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết vào ngày thứ ba, chúng ta muốn nói như thế nầy: Chúa Jêsus thực sự đã chết vào trưa ngày thứ Sáu, rồi đến sáng Chúa nhựt, cá nhân Ngài, về phần xác, về thuộc thể, hiển nhiên, chắc chắn đã sống lại từ kẻ chết, không còn chết nữa. Ngài đã sống lại — ấy là chính mình Chúa Jêsus, chớ không phải ai khác. Về phần xác, Ngài đã sống lại — nghĩa là chính thân thể của Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, thân thể ấy đã sống lại từ kẻ chết. Ngài đã sống lại theo phần xác — nghĩa là Ngài không phải là một con ma hoặc là một mảng suy tưởng của ai đó. Khi nói rằng Ngài đã sống lại chắc chắn và hiển nhiên có nghĩa là sự thể ấy thực sự đã xảy ra. Và cụm từ “sự sống lại” có ý nói rằng Ngài đã sống lại bất tử và không hay hư nát, không còn chết nữa. Trong suốt chức vụ trên đất của Ngài, Chúa chúng ta đã làm cho vài người sống lại từ kẻ chết, điển hình là Lazarơ. Nhưng các phép lạ ấy chỉ là những sự lai tỉnh, chớ không phải sự sống lại thực. Laxarơ đã bị định phải chết lại. Còn Chúa Jêsus, đã từng kinh nghiệm sự chết và đã đắc thắng nó, sẽ không còn chết nữa. Ngài đã sống lại bất tử — sống lại từ kẻ chết — và Ngài vẫn sống hôm nay. Đấy là điều chúng ta muốn nói khi chúng ta nói rằng vào ngày thứ ba Ngài đã sống lại từ kẻ chết.
Tại sao điều nầy lại là vấn đề chứ? Thứ nhứt, đây là điều Kinh Thánh dạy dỗ. Để cho chẳng có một sự nhầm lẫn nào về vấn đề nầy. Mọi sự trong các bản tường trình Tin Lành, mọi sự trong sách Công Vụ các Sứ đồ, mọi sự trong các thư tín đều hài hòa với luận điểm nầy: Chúa Jêsus đã chịu chết và rồi đã sống lại từ kẻ chết. Thứ hai, đây là điều thực sự đã xảy ra. Nếu bạn có mặt ở đó, vào sáng Chúa nhựt, bạn sẽ nhìn thấy ngôi mộ trống. Nếu bạn có mặt cùng với các môn đồ, bạn đã nhìn thấy Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết. Giống như Thôma, bạn có thể kiểm tra lại chứng cớ cho chính mình. Thứ ba, đây là điều mà Kinh Thánh luôn luôn tin theo. Sự sống lại của Đấng Christ luôn luôn là một lẽ thật cơ bản của đạo Cơ đốc. Đó là một phần nhỏ trong những việc luôn luôn được tin theo bởi tất cả Cơ đốc nhân ở khắp nơi nơi. Lẽ thật nầy kết hiệp mọi Cơ đốc nhân của các hệ phái lớn và nhỏ. Nếu bạn không tin vào sự sống lại của Chúa Jêsus, bạn đã đặt mình ở ngoài đường ranh của Cơ đốc giáo chính thống rồi. Nếu bạn thực sự không tin điều nầy, bạn chưa phải là Cơ đốc nhân đâu — và bạn sẽ không được đối xử như một Cơ đốc nhân cho dù bạn là Mục sư hay giáo sư thần học viện.
Thứ tư, đây là sứ điệp của Hội Thánh. Hãy đọc sách Công Vụ các Sứ đồ. Hãy nghiên cứu các bài giảng của Phierơ và Phaolô. Cao điểm không phải là “Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá” mà là “Đấng Christ đã sống lại từ kẻ chết!” Đấy là sứ điệp đã lật đổ cả thế giới. Con của Đức Chúa Trời đã trở lại từ kẻ chết! Không một điều nào như thế từng xảy ra trước đó. Chúng ta không thờ lạy một Chúa Jêsus chết. Chúng ta thờ lạy một Đấng Christ phục sinh. Đấy là lý do tại sao thập tự giá trong nhà thờ là trống không. Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên thập tự giá một lần đủ cả — và thập tự giá trống không để nhắc cho chúng ta nhớ rằng mặc dù Ngài đã chết, Ngài đã không chết luôn.
II. Sẽ ra sao nếu điều nầy không xảy ra?
Trong Hội Thánh đầu tiên, một số tín đồ đã nhầm lẫn khi người thân của họ qua đời và được đem chôn. Rõ ràng một niềm tin lan rộng cho rằng Cơ đốc nhân nào đã chết sẽ không được sống lại từ kẻ chết. Phaolô nhắc tới vấn đề nầy ở I Côrinhtô 15 bằng cách nhắc cho độc giả của ông nhớ rằng sự sống lại của tín đồ nương vào chỗ chính mình Chúa có sống lại từ kẻ chết hay không! Khi chúng ta đứng tại mộ địa của người thân, thật là dễ cho sự chết thắng hơn chúng ta với quyền lực đáng sợ của nó. Ngạc nhiên không biết chúng ta có còn gặp lại họ nữa hay không chẳng phải là điều bất thường đâu. Chúng ta biết rồi, chẳng có ai từng trở lại từ kẻ chết bao giờ. Có lẽ sẽ chẳng có một sự sống lại nào hết nữa là. Những tư tưởng như thế nầy — rất dễ hiểu, chính là tư tưởng của con người — đầy dẫy lý trí của những tín đồ đầu tiên và dẫn họ đến chỗ thất vọng.
Cái điều đáng nhớ là trong đáp ứng của ông, Phaolô không quở trách người thành Côrinhtô vì những nổi lo âu và hồ nghi của họ, ông cũng không tìm cách để “chứng minh” sự sống lại của kẻ chết trong một số bàn luận chi tiết. Ông chỉ ngược lại về ngôi mộ trống cho những tín hữu lạc sai nầy rồi nói: “Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời đã làm cho Con Ngài sống lại. Mọi sự đều xoay quanh ở chỗ đó”. Thế rồi trong một vài câu, ông luận về trường hợp ngược lại. Sẽ ra sao nếu Chúa Jêsus không sống lại từ kẻ chết? Sẽ ra sao nếu hài cốt của Ngài còn đựng trong cái hộp nào đó ở vùng Trung Đông? Vậy thì sao nào? Bốn kết luận nối theo sau:
A. Đức tin của chúng ta là vô ích.
Ông nói dứt khoát điều nầy ở câu 17. Chữ “vô ích” có ý nói “luống công, hư không, chẳng có giá trị gì hết”. Đức tin Cơ đốc mà không có sự sống lại là một cách thực hành trong hư không. Nếu Chúa Jêsus không sống lại từ kẻ chết, đức tin ấy không thật và chúng ta chỉ phí thì giờ khi tin vào sự đó. Khi Billy Graham mới bắt đầu nổi bật lên từ thập niên 1940, có một nhà truyền đạo trẻ khác, là người cũng nổi danh thời bấy giờ. Nhiều người tưởng ông ta là một nhà truyền đạo tài ba hơn cả Billy Graham. Tên của ông là Charles Templeton. Ông và Billy Graham đã trao đổi với nhau ở diễn đàn Tuổi Trẻ Dành Cho Đấng Christ trên khắp nước Mỹ và Anh quốc. Charles Templeton rất được ơn, sáng láng, nói năng lưu loát, lịch sự, và là một truyền đạo Tin Lành rất có năng quyền. Trong những năm tháng theo sau cuộc Đệ II Thế Chiến, Templeton và Graham bắt đầu chuyển theo những hướng khác nhau. Templeton trở nên đam mê với thần học tự do rồi bắt đầu thắc mắc nhiều phương diện về đức tin Cơ đốc của mình. Ở một lần kia, ông bảo Billy hãy cất mũi ra khỏi quyển Kinh Thánh hay ông sẽ không bao giờ gắn bó được với người ta trên thế giới. Templeton đến dự một chủng viện tự do, làm chủ tọa ở Canada trong mấy năm, và hiển nhiên đức tin Cơ đốc của ông đã lui đi. Về sau ông trở thành người điều hành một chương trình trao đổi lúc cuối ngày, điều nầy khiến ông trở thành “Johnny Carson của Canada”. Trong nhiều năm sau đó, ông đã tấn công đức tin Tin Lành mà ông từng rao giảng. Ở một điểm kia, ông cho in một quyển tiểu thuyết có đề tựa là Act of God được xây dựng trên lời hứa cho rằng hài cốt của Chúa Jêsus đã được khám phá ra tại Đất Thánh, nhưng Hội Thánh phổ thông đã bác đi câu chuyện vì họ biết rõ nó sẽ hủy diệt Cơ đốc giáo. Đến cuối đời của ông (ông qua đời cách đây mấy năm), Templeton được Lee Strobel phỏng vấn về quyển sách của ông The Case for Faith. Quyển sách nói rõ rằng dù ai đó hối tiếc, ông không hề bỏ đi sự vô tín phê phán của mình. Tôi nhắc lại câu chuyện nầy vì tôi muốn dành cho Charles Templeton công trạng xứng đáng, đặc biệt là vì quyển tiểu thuyết của ông. Ông đã hiểu chính xác những gì sứ đồ Phaolô đã nói. Nếu Đấng Christ không sống lại từ kẻ chết, thế thì đức tin Cơ đốc sụp đổ giống như chiếc tàu bằng giấy vậy.
B. Chúng ta vẫn còn sống trong tội lỗi mình.
Điều nầy cũng có ở trong câu 17. Sự chết của Đấng Christ không thể cứu chúng ta nếu Ngài vẫn còn ở trong mồ mả. Cách đây không lâu lắm, tôi có nghe một người cầu nguyện như thế nầy: “Lạy Chúa Jêsus, nếu Ngài không sống lại từ kẻ chết, ít nhất chúng con biết tội lỗi của chúng con đã được tha”. Nhưng đấy là sự mâu thuẫn chính xác với những gì Phaolô nói. Chẳng có một sự tha thứ nào hết và chúng ta bị hư mất đời đời nếu Đấng Christ vẫn còn ở trong mồ mả.
C. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy lại người thân của mình.
“Vậy, những kẻ ngủ trong Đấng Christ cũng phải hư mất đời đời” (I Côrinhtô 15:18). Sự chết đã thắng trận đánh sau cùng nếu Đấng Christ không sống lại. Vậy thì những nổi lo sợ tệ hại nhất của chúng ta đã được công nhận khi chúng ta đặt người thân của mình vào chỗ yên nghỉ, với lòng nhìn biết rằng chúng ta sẽ không còn gặp lại họ nữa.
D. Chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.
“Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” (I Côrinhtô 15:19). Đôi khi hạng người hiểu biết lại nói như thế nầy: “Cho dù Cơ đốc giáo là không thật, nó vẫn là đạo tốt để sống theo”. Từ ngữ thần học thích ứng cho sự việc nầy là Vớ Vẩn. Nếu Cơ đốc giáo không thật, tại sao có người lại muốn tin theo hay sống theo nó chứ? Tôi không muốn tốn thì giờ cho những việc như thế, chạy theo những chuyện huyễn. Cuộc sống quá ngắn ngủi không thể làm được việc gì trừ ra tìm kiếm lẽ thật và phó mình vào đấy 100%. Nếu Chúa Jêsus không sống lại vào ngày thứ ba, thế thì “giai điệu Hallelujah” chỉ là khúc nhạc hay nào đó thôi. Giai điệu ấy hay thật, song nó không dựa vào lẽ thật. Nếu Chúa Jêsus không sống lại, thế thì những lời cầu nguyện của chúng ta rơi vào hư không, sự rao giảng của chúng ta rơi vào luống công, công tác truyền giáo của chúng ta là vô ích, và bản thân Hội Thánh là một mối nguy hiểm vì nó đứng cho một việc không có thật. Nếu Chúa Jêsus vẫn còn ở trong mồ mả, thế thì chúng ta đang nói ra điều vô nghĩa vào sáng Chúa nhựt Phục sinh. Đấy là những gì Phaolô muốn nói — và ông đã đúng!
Mọi sự đang treo trên cái chữ “nếu” nhỏ xíu kia. Nếu Chúa Jêsus không sống lại … Nhưng sẽ ra sao nếu Ngài sống lại?
III. Sự sống lại tạo ra những khác biệt nào?
Sau khi trình bày theo cách tiêu cực rồi, giờ đây Phaolô đắc thắng tích cực nhắm vào lẽ thật ở câu 20: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ”.
Chúng ta chỉ cần đảo lộn mọi quan điểm trước đây của Phaolô. Giờ đây Đấng đã sống lại …
A) Đức tin của chúng ta có ý nghĩa.
B) Chúng ta có sự tha thứ.
C) Chúng ta sẽ gặp lại người thân của mình đã chết trong Đấng Christ.
D) Chúng ta dám chắc về tương lai của chính chúng ta.
Đúng đây là những tin tức thật kỳ diệu. Giờ đây, có hy vọng cho kẻ vô vọng. Giờ đây ánh sáng từ trời đang chiếu rọi vào giữa những góc tăm tối nhất của thế gian. Giờ đây chúng ta có thể nói với ai đó: “Nếu bạn đến với Đấng Christ, Ngài sẽ không xua bạn đi đâu”. Không một ai vượt quá tầm với của ân điển Đức Chúa Trời. Dù tội lỗi “của bạn” có là gì đi nữa, bất luận bạn sống ở đâu hay bạn đã làm gì, huyết của Đức Chúa Jêsus Christ có thể tha thứ cho bạn và tẩy sạch bạn trong một phút biến đổi quan trọng. Giờ đây thiên đàng trở nên hiện thực và sự chết đã mất đi chiến thắng của nó rồi. Chúng ta vẫn chết — nhưng chúng ta không chết đời đời đâu. Có những tin tức tốt lành từ mồ mả vì Chúa Jêsus đã trở về từ kẻ chết.
“Ông có từng nghi ngờ không?”
Cách đây mấy tuần, nhóm độc thân 20/20 yêu cầu tôi đến dự buổi tối “Hỏi Mục Sư Ray”. Buổi tối đó thật là vui vì cả nhóm rất sống động và họ dồn dập hỏi tôi với nhiều thắc mắc không thể lường trước được. Đêm hôm ấy 50-60 người chúng tôi đã ngồi thành một vòng tròn lớn trong phòng khách. Tôi nói cho họ biết, tôi rất vui sướng khi giải đáp những thắc mắc về Kinh Thánh, đời sống Cơ đốc, các vấn đề thần học, hay họ có thể hỏi về đời tư của tôi, và nếu họ muốn, họ có thể hỏi tôi về nhóm Cubs và White Sox sẽ hoạt động thế nào trong năm nay. Về mặt cơ bản, thì đề tài rất rộng mở và không giới hạn chi hết. Gần cuối buổi tối đó, một phụ nữ đã giơ tay lên rồi nói như sau: “Thưa Mục sư Ray, khi tôi nghe ông giảng, ông luôn luôn nói chắc về mọi sự. Ông có từng nghi ngờ không?”
Tôi nói cho cô ấy biết rằng tôi nghĩ cô ấy đã hỏi một câu rất quan trọng. Tôi biết khi tôi giảng hay khi tôi viết, tôi làm ra chắc chắn lắm. Một phần trong đó là cố ý. Về một việc, tôi biết tôi tin điều gì và tôi không thẹn về việc trình bày quan điểm của mình với một tư thế thật sinh động. Tôi cũng nghĩ rằng khi một người đứng lên để giảng luận, người ấy phải rao giảng đức tin của mình, chớ không phải giảng những điều mình nghi ngờ. Con người có nhiều rắc rối đủ cho chính họ không cần tôi thêm vào điều chi cho gánh nặng của họ. Có những người đến với nhà thờ nầy với những nổi lo, nổi sợ và những điều nghi ngờ không thể nói ra được. Họ không cần nhờ tôi thêm vào gánh nặng đó nữa. Một số nhà truyền đạo muốn lột trần linh hồn họ khi họ rao giảng. Họ đổi tòa giảng thành một diễn đàn cho những xưng nhận riêng tư và liệu pháp cho cả nhóm. Nếu tôi phải đến với nhà thờ mỗi Chúa nhựt và lắng nghe một người nói về những nổi lo sợ và ưu tư của người ấy, tôi nghĩ tôi nên đi tới cây cầu nào gần đó rồi nhảy xuống cho rồi. Người ta đến với nhà thờ vì họ muốn nghe một lời từ Chúa — chớ không phải nghe những vấn đề tư riêng của nhà truyền đạo.
Nhưng sau khi nói như thế, tôi nghĩ thắc mắc xứng đáng với một câu trả lời. Phải, tôi có những điều nghi ngờ. Tôi không nói nhiều về chúng, nhưng tôi nghi ngờ mỗi ngày. Chẳng phải đôi lúc, bèn là mỗi ngày. (Sau khi tôi giảng bài nầy, một trong các trưởng lão của Hội Thánh vốn quan tâm đến câu nói đó — thực sự tôi có ý nói gì chứ? Tôi đã nói, thật chắc y như thế. Tôi có những điều nghi ngờ và thắc mắc, chúng đến với lý trí tôi mỗi ngày). Tôi không biết làm thể nào một người có thể trở thành Cơ đốc nhân mà không có những điều nghi ngờ hết lúc nầy tới lúc khác. Đức tin đòi hỏi nghi ngờ mới là đức tin. Nếu bạn từng đến một chỗ mà ở đó mọi hồ nghi của bạn đã qua rồi, bạn sẽ biết rằng bạn đang ở trên thiên đàng. Còn ở trên đất, nhiều điều nghi ngờ ràng rịt quanh đây. Như một chú thích bên lề, tôi thấy rằng chính phần nầy của bài giảng vào ngày Chúa nhựt đã lôi kéo người ta chú ý nhiều nhất. Tôi đã nhận một số e-mails từ những người cảm ơn tôi vì nói rằng tôi cũng có những điều nghi ngờ. Có người nghi ngờ và rồi cảm thấy tội lỗi. Đôi khi thậm chí họ còn lấy làm lạ không biết họ có thực là Cơ đốc nhân hay không nữa vì những điều họ nghi ngờ.
Khi tôi giải đáp thắc mắc cho buổi nhóm 20/20 đó, tôi đã nhắc lại trưa hôm đó tôi đã giảng cho một đám tang cho Leif Jonasen, một người đàn ông tuyệt vời và là một người bạn tốt, ông ấy đã qua đời cách đây mấy ngày trước. Sau khi đánh trận với chứng bạch cầu, ông đã thuyên giảm. Mấy tuần trước tôi đã gặp ông tại nhà thờ và trông ông rất khỏe mạnh. Mấy ngày sau chứng bạch cầu trở lại với một sự báo thù. Một tuần rưỡi sau đó chúng tôi đã tổ chức tang lễ cho ông. Trong 26 năm trong vai trò Mục sư quản nhiệm, tôi đã chủ tọa nhiều tang lễ mà tôi có thể nhớ. Thật là không dễ dàng chút nào. Phần khó nhất đối với tôi là lái xe ra khỏi nghĩa trang. Sự cuối cùng để ai đó lại dưới đất đè nặng linh hồn tôi. Tôi đã nói với nhóm 20/20 rằng tôi rời khỏi mộ của Leif, tôi nói với Marlene: “Anh hy vọng chắc rằng lời lẽ dũng cảm của anh ở đó là thật, vì anh đang gửi một người nhơn đức trong ngôi mộ”. Bây giờ tôi nhìn biết — và tôi tin hết lòng — rằng ra khỏi thân thể là đi ở với Chúa. Nhưng tôi nhìn biết và tin điều ấy chỉ bởi đức tin mà thôi. Cái tôi thấy bằng đôi mắt của mình là một người được chôn trong lòng đất. Khi tôi xây đi, tôi có thêm tư tưởng nầy: “Tôi rất vui sướng khi sự sống lại của ông ấy không nương vào lời lẽ của tôi, vì lời lẽ của tôi chẳng có quyền lực làm cho kẻ chết sống lại”. Trải qua nhiều năm tháng, tôi đã nhìn thấy sự chết như tôi muốn nhìn thấy — mặc dù tôi sẽ thấy nhiều hơn nữa trước khi thời khắc của mình trên đất qua đi. Mọi người mà tôi từng chôn cất vẫn còn nằm trong mồ mả. Tôi đang trông đợi sự sống lại đầu tiên của tôi.
Chúng ta sẽ tìm hy vọng ở đâu trên bề mặt quả đất nầy?
“Tôi theo”
Tôi chia sẻ một minh họa đã làm cho nhóm 20/20 phải ngạc nhiên và rồi khiến họ phải bật cười. Câu chuyện gây sốc cho một số người đã nghe tin tức ấy vào sáng Chúa nhựt. Ai biết? Câu chuyện ấy làm cho tôi phải bối rối với một số người đã đọc bài giảng nầy, nhưng nó quả thật vậy. Đây là một sự thực nói về tôi cho đến bây giờ, hầu như chưa có ai biết được cả. Năm ngoái tôi thường miệt mài xem một chương trình trên TV. Tôi không xem chương trình ấy mỗi ngày hay thậm chí mỗi tuần, nhưng khi tôi thấy chương trình ấy khi tôi bật qua lại các kênh, tôi sẽ dừng lại rồi chú mắt nhìn xem. Năm rồi, tôi đã khởi sự xem thi đấu chuyên nghiệp về bài phé trên TV. Đôi lúc trên kênh ESPN và có lúc trên kênh Travel. Tôi không biết có bao nhiêu lần tôi đã xem Giải Bài Phé cấp thế giới 2003, nhưng có đến hơn 2 hay 3 lần. Và tôi cũng đã xem giải World Poker nữa. Vì vậy tôi biết về Sam Farha, Chris Moneymaker, Doyle Brunson, Phil Helmuth, Phil Ivey, Annie Duke và tất cả những người còn lại trong số họ. Họ chơi ván bài gọi là “No Limit Texas Hold-’em”. (Tôi không chơi bài phé, tôi chỉ xem trên TV thôi). Đúng là một nghiên cứu đáng ngạc nhiên về chiến lược và những phức tạp trong cách ứng xử của con người. Có khi cúp thưởng rất là lớn — hơn cả triệu đôla bằng thẻ ở giữa bàn.
Đây là phần minh họa. Trong từng ván bài phé, sẽ đến một phút quyết định phân biệt kẻ thắng người thua. Bạn không bao giờ biết lúc nào giây phút ấy sẽ đến vì phải tùy theo những cá nhân đang cầm bài. Có một thời điểm khi một người chơi nói ra hai từ — "Tôi theo”. Khi nói thế, người ấy nghĩ mình có quân bài tốt nhứt trong tay, vì thế người ấy lấy những thẻ lệnh rồi đẩy chúng ra giữa bàn. Người ấy ngửa mấy lá bài ra để cho mọi người nhìn thấy chúng, và rồi người ấy đứng dậy. “Tôi theo” có nghĩa là bạn liều mọi sự bạn có chỉ có một tay bài thôi. Nếu bạn thắng, bạn đoạt được tất cả. Nếu bạn thua, bạn thua hết. Đấy là lý do tại sao phải gọi đó là giờ phút cao điểm. Bạn không thể thắng một ván bài trừ phi bạn bằng lòng “tôi theo” ở một điểm nào đó. Bạn sẽ chấm đúng thời điểm, bạn phải tin rằng những lá bài của bạn sẽ thắng hơn những lá bài khác, và khi ấy bạn mới dám liều mọi sự để thắng hơn. Và bạn không biết mình sẽ thắng hay thua cho tới chừng nào bạn thốt ra hai chữ “tôi theo”.
Là một Cơ đốc nhân và là một Mục sư, tôi xưng nhận rằng tôi đang có những điều nghi ngờ. Tôi biết rằng người ta sẽ đặt lòng tin cậy của họ vào những gì tôi nói và điều đó làm gánh nặng ở trong lòng tôi. Tôi ngạc nhiên có khi mọi sự tôi nói là nói về sự sống và sự chết, về Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi, về thiên đàng và địa ngục, và thật một cách thực sự. Cuối cùng tôi trở lại với điều nầy: Cách đây lâu lắm rồi tôi quyết định “tôi theo” về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ. Tôi lấy hết thẻ lệnh tôi có rồi đẩy chúng ra giữa bàn, liều hết những gì mình có nhắm vào ngày thứ ba Ngài sống lại từ kẻ chết. Tôi đã chiếm lấy chỗ đứng gần ngôi mộ trống, tôi đã ném những lá bài lên bàn cho cả thế gian nhìn thấy, và tôi không xấu hổ khi đứng với những Cơ đốc nhân trải bao thế kỷ và nói: “Tôi tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã sống lại từ kẻ chết”. Tôi dám nói “tôi theo” về sự sống lại của Chúa Jêsus.
Tôi mời bạn hãy làm theo y như thế. Nếu Ngài đã sống lại từ kẻ chết, thế thì chúng ta sẽ yên tâm thôi. Chúng ta có thể có những điều nghi ngờ, lo âu, sợ hãi, và thậm chí khi chúng ta rời khỏi đám tang, chúng ta có thể có nhiều thắc mắc không giải đáp được. Song đấy chưa phải là vấn đề đâu. Đức tin của chúng ta không được quyết bằng những điều chúng ta nghi ngờ. Đức tin của chúng ta yên nghỉ trên những gì đã xảy ra tại ngôi mộ trong vườn ở bên ngoài thành Jerusalem cách đây 2.000 năm.
Nếu Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết, thế thì chúng ta đang ở về phía chiến thắng. Sự chết đã có một vài ngày trong một thời gian dài. Rất nhiều người đi vào trong nghĩa trang — chưa có ai ra khỏi đó. Không một ai, nghĩa là, trừ ra Chúa Jêsus. Tôi đã đặt cược cả tương lai tôi và mọi sự tôi tin vào lẽ thật nầy — rằng Chúa của tôi đang sống hôm nay vì Ngài đã chiến thắng sự chết vào sáng Chúa nhựt phục sinh. Phần còn lại chỉ là những tiểu tiết.
Arnold Toynbee, sử gia lỗi lạc người Anh, từng nói: “Nếu thi hài của một người Do thái, Jêsus ở thành Naxarét, có thể được tạo ra, thế thì Cơ đốc giáo sẽ vụn nát thành một thứ tôn giáo không có sự sống”. Toynbee đã đúng. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Đấy là lý do tại sao người nào hô to lên trong buổi thờ phượng lúc 10 giờ sáng đã đúng. Thậm chí nếu tờ Chicago Tribune đang rằng ai đó đã tìm gặp hài cốt của Chúa Jêsus, điều đó sẽ không thành vấn đề vì đấy không phải là sự thật.
Cảm tạ Đức Chúa Trời vì ngôi mộ trống. Tôi lấy làm lạ rất nhiều y như tôi lấy làm lạ vào sự ra đời bởi nữ đồng trinh của Chúa Jêsus, nhiều y như tôi lấy làm lạ nơi đời sống vô tội của Chúa Jêsus, nhiều như tôi khoe về thập tự giá của Chúa Jêsus, chính sự sống lại của Chúa Jêsus đã làm cho Cơ đốc giáo ra có một không hai giữa vòng các tôn giáo trên thế giới. Hãy đến với mộ địa của những nhà sáng lập các tôn giáo lớn trên thế giới và lập danh sách xem:
Mohammed "ở đây”
Đức Phật "ở đây”
Khổng Tử "ở đây”
Môise "ở đây”
Jesus Christ
Không có câu trả lời … Vì Ngài không có ở đó. Ngôi mộ trống trơn. Hãy nghi ngờ nếu bạn muốn, nhưng ngôi mộ vẫn trống trơn vì Ngài không có ở đó. Ngài đã sống lại, y như Ngài đã phán.
Trong Hội Thánh đầu tiên, nhiều Cơ đốc nhân đã chào nhau theo cách nầy: Một người nói: “Ngài đã sống lại rồi”. Người kia đáp: “Thật, Ngài đã sống lại”.
Đó là sự thật … và chúng ta đã liều mạng sống mình vì sự thật đó. Không một ai có thể giữ trung lập mãi cho đến đời đời được. Bạn có thể đem những điều hồ nghi đến với ngôi mộ trống … nhưng bạn phải đưa ra một sự lựa chọn. Bạn không thể cứ ở tại lằn phân cách mãi được.
Nghi ngờ không phải là tội lỗi, nhưng ở một điểm nào đó, bạn phải thôi không nghi ngờ nữa rồi hãy khởi sự tin theo. Một là bạn tin hoặc giả bạn không tin.
Đây là sáng Chúa nhựt phục sinh. Đây là một ngày tuyệt vời để đưa ra một sự lựa chọn. Đây là một ngày quan trọng để thôi không nghi ngờ nữa và hãy khởi sự tin theo.
Bạn biết rõ Chúa Jêsus đã chịu chết … không có hồ nghi chi về sự ấy nữa. Bạn biết rõ Ngài đã chịu chết vì bạn. Bạn biết rõ Ngài đã sống lại từ kẻ chết. Thắc mắc mà Đức Chúa Trời đang hỏi bạn rất là đơn sơ: Ngươi đã làm gì với Con của Ta?
Chúa Jêsus phán: “Đừng nghi ngờ nữa, song hãy tin”.
Tôi đã dọn tâm trí mình. Tôi dám nói “tôi theo” về sự sống lại của Chúa Jêsus. “Ngày thứ ba Ngài đã sống lại từ kẻ chết”. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét