Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Sự liều lĩnh lớn lao nhất mà bạn từng có: “Tôi tin Đức Chúa Trời”
“Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hêbơrơ 11:6).
Kinh Thánh công bố sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không nổ lực để minh chứng sự ấy. Có những việc thực sự nhất định đến nỗi các triết gia gọi chúng là những điều “hết sức cơ bản”. Chúng thực sự đến nỗi bạn không thể hiểu rõ thực tại mà không có chúng. Từ một nhận định theo Kinh Thánh, sự hiện hữu của Đức Chúa Trời rơi vào phạm trù đó.
Một là bạn tin Đức Chúa Trời hoặc là bạn không tin. Nếu bạn tin, thế thì bạn đang ở trong một hội đoàn đúng đắn đấy. Theo nghiên cứu mới đây của Fox News, 92% những người được hỏi đều trả lời rằng họ tin Đức Chúa Trời. Những nghiên cứu khác trong mấy năm gần đây đều cho thấy tỉ lệ phần trăm đều y như thế. Chín trong mười người Mỹ đều nói họ tin Đức Chúa Trời. Có một số nhà vô thần ở đó nữa, và con số của họ có tăng lên, song họ vẫn nằm trong một thiểu số ít ỏi. Hầu hết người Mỹ đều tin theo Đức Chúa Trời, cho dù họ không nhất trí vào loại Đức Chúa Trời nào mà họ tin theo. Nếu điều đó là thật, thì dường như là không cần thiết để trình ra một bài giảng với cụm từ đầu tiên trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: “Tôi tin Đức Chúa Trời”. Và theo một ý nghĩa, đúng là không cần thiết vì chúng ta là một Hội Thánh đang tin theo Kinh Thánh. Điều nầy dường giống với một bài học sơ cấp vậy, một lẽ thật mà chúng ta đã học ở Lớp Trường Chúa Nhựt cách đây nhiều năm. Nhưng tôi nghĩ luôn luôn là nguy hiểm khi cứ cho đức tin là điều hiển nhiên. Có thể chúng ta không biết hết mọi sự mà chúng ta nghĩ là chúng ta biết.
Chúng ta gói ghém cụm từ: “Tôi Tin Đức Chúa Trời” bằng cách chia nó ra thành 5 ý.
I. Lời công bố cơ bản: “Đức Chúa Trời hằng hữu” là sự kiện chính của vũ trụ.
Chính câu đầu tiên của Kinh Thánh lập ra lẽ thật nầy bằng câu nói thật đơn sơ nhưng rất oai nghi: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất” (Sáng thế ký 1:1). Có những nguồn gốc trong sự khải thị thiêng liêng. Mọi sự Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải biết đều khởi từ đây. Câu nầy là một lời công bố — chớ không phải một sự bàn luận. Cách đây mấy năm, E. V. Hill đã giảng một bài thật đầy năng quyền ở Promise Keepers tại Chicago. Theo phong cách khó quên được của chính ông, ông đã giảng trong 40 phút chỉ có hai từ: “God is” (Đức Chúa Trời hằng hữu). Ông đã lặp đi lặp lại hai từ ấy thật nhiều lần. Ông đã thì thầm rồi ông hô lớn tiếng hai từ ấy. Ông minh họa, công bố, chỉ ra, và thách thức ai dám chối hai từ ấy. Bạn không nghĩ bạn sẽ giảng thật dài chỉ với hai từ đó, nhưng ông ấy đã, và khi bạn suy gẫm về hai từ ấy, bạn có thể giảng dài hơn một khi đề tài của bạn vang dội y như câu “God is”. Bạn từng tiếp lấy rồi ổn định hai từ ấy ở trong lòng mình “God is”, thì cũng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết nữa đấy.
II. Ám chỉ rất hợp lý: Sự sinh tồn của muôn vật mắc nợ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa.
Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài cũng là chủ của muôn vật. Nếu tôi làm một chiếc thuyền đồ chơi, tôi có thể nói: “Chiếc tàu nầy là của tôi. Tôi đã làm ra nó và tôi là chủ của nó”. Một khi Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta, Ngài có quyền làm chủ tuyệt đối trên chúng ta. Ngài có thể làm gì với chúng ta theo như Ngài đẹp lòng. Đấy chẳng phải là một đề tài được ưa chuộng trong đời sống của người Mỹ đương thời đâu. Chúng ta muốn làm việc theo ý riêng mình, đi đường riêng mình, sống theo cách chúng ta mong muốn, làm bất cứ điều chi chúng ta cảm thấy mình thích làm, chúng ta muốn làm việc ấy vào bất cứ thời điểm nào, và không một ai có quyền bảo chúng ta những điều phải làm. Nhưng nếu Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta, Ngài là chủ của chúng ta. Nếu Ngài là chủ của chúng ta, thế thì chúng ta phải tính sổ với Ngài về mọi sự chúng ta nói hay làm. Đấy chẳng phải là một tư tưởng vui vẻ đối với nhiều người đâu.
Như đấy thường là trường hợp, chúng ta rút tỉa một vài sự trợ giúp rất hay ở điểm nầy từ cụ Martin Luther yêu dấu của chúng ta. Viết ra cách đây hơn 450 năm, cụ hỏi nói như thế nầy là có ý nói gì: “Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất?” Đây là câu trả lời của cụ: “Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên tôi và muôn vật đang tồn tại; rằng Ngài đã ban cho và vẫn bảo tồn thân thể và linh hồn, hai con mắt và hai lỗ tai, và tất cả các chi thể, cớ tích và mọi năng lực của linh hồn tôi, cùng với thức ăn và quần áo, nhà cửa và gia đình, cùng mọi tài sản của tôi nữa; rằng Ngài tiếp trợ dư dật cho mọi nhu cần của đời sống tôi, bảo hộ tôi tránh mọi nguy hiểm, canh chừng và giữ gìn tôi tránh mọi điều ác; và Ngài làm thế khi đổ ra ơn thương xót và sự nhơn từ của một người cha, chẳng cần gì đến công trạng hay tình trạng xứng đáng nơi tôi; vì mọi sự ấy tôi chỉ còn có nước cảm tạ, ngợi khen, phục vụ, và vâng theo Ngài. Điều nầy nhất định là sự thực cả thảy”.
Với câu nói ấy, tôi phải buộc miệng nói: đúng rồi, anh ơi!
III. Sự khải thị không thể lờ đi được: Lẽ thật về Đức Chúa Trời phải để cho mọi người nhìn biết.
Sự thực nầy đến từ Rôma 1:19-20: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bản tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được”. Hai lần trong câu 19, Phaolô sử dụng từ ngữ “plain” (đơn giản) {trong khi dịch sang tiếng Việt, thì từ ngữ nầy không thấy có ở bản Kinh Thánh Việt ngữ trong câu 19. Như vậy, nếu đọc theo nguyên văn có từ nầy, thì câu 19 sẽ đọc là: ““Vì điều chi [đơn giản] có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã [đơn giản] tỏ điều đó cho họ rồi”} mô tả sự khải thị của Đức Chúa Trời về chính mình Ngài cho toàn thể nhân loại. Tiếp đến trong câu 20, ông thêm rằng lẽ thật về Đức Chúa Trời là “sờ sờ như mắt xem thấy” trong tự nhiên. Chúng ta có thể nói điều nầy như sau: Ai nấy đều biết có một Đức Chúa Trời, và người nào nói họ không tin Đức Chúa Trời là đang tự dối mình. Đức Chúa Trời đã dựng nên muôn vật mà chúng ta đang nom thấy ở chung quanh chúng ta. Ngài đã dựng nên mặt trời cùng các ngôi sao, mặt trăng cùng các hành tinh. Ngài đã dựng nên những sao chổi và các ngôi sao nhỏ khác. Ngài đã dựng nên những ngôi sao ở thật xa, thật nhỏ và những cái lỗ đen trong không gian. Các nhà khoa học ước tính có 400 tỉ ngôi sao trong dãy Ngân hà. Họ ước lượng có hơn 100 tỉ thiên hà, mỗi cái với ít nhất 100 tỉ ngôi sao. Hãy tưởng tượng xem. Và Đức Chúa Trời treo từng cái một trong không gian và gọi tên từng cái một (“Ngài đếm số các vì sao, Gọi từng tên hết thảy các vì ấy” [Thi thiên 147:4]). Không có gì là lạ khi Kinh Thánh chép: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi thiên 19:1).
Đức Chúa Trời đã để dấu tay của Ngài lại trên toàn cõi vũ trụ. Bạn chắc là bị mù nên mới không nhìn thấy chúng. Cho phép tôi minh họa. Giả sử bạn đến thăm viếng ngôi nhà của tôi trong khi tôi không có ở đó. Bạn có thể biết được về gia đình tôi với chỉ cần cái nhìn xung quanh thôi không? Có thể bạn nghi chúng tôi có nhiều con trai từ cột bóng rỗ ở trên cửa nhà để xe. Bạn sẽ biết ngay chúng tôi yêu bóng đá từ tấm hình của Mark trong bộ đồng phục đứng bên cạnh cái tủ lạnh và từ bút tích của Eli Manning trong phòng ngủ của Nick. Mặc dù bạn chưa biết tôi là một Mục sư, chắc chắn bạn sẽ nhận ra tôi đã nghiên cứu Kinh Thánh khi nhìn thấy những quyển Kinh Thánh và sách chú giải rải chung quanh máy tính đặt ở góc phòng khách kia. Khắp cả ngôi nhà, bạn sẽ tìm gặp nhiều hình ảnh và hình gốm chiếc tàu của Nôê. Trong phòng ngủ của chúng tôi, bạn sẽ tìm gặp những món đồ tạo tác từ các chuyến hành trình của chúng tôi đến Đất Hứa và các tài liệu liên quan tới Học viện Cơ đốc Oak Park. Bằng cách đếm mấy chiếc giường, bạn sẽ hình dung ra có lẽ chúng tôi có ba đứa con trai. Và nếu bạn nhìn vào tủ của tôi, bạn sẽ khám phá ra tôi cao chừng ấy so với chiếc áo choàng nầy. Có nhiều điều nữa mà một nhà quan sát tỉ mỉ có thể khám phá ra về gia đình Pritchard chỉ bằng cách liếc nhìn quanh qua những kệ sách và những bức tranh của chúng tôi. Cuối cùng, bạn đã biết thật nhiều về tôi mặc dù bạn chưa quen biết riêng với tôi. Những manh mối có khắp mọi nơi cho những ai chịu quan sát.
Thế giới nầy là nhà của Đức Chúa Trời. Ngài đã để lại nhiều manh mối ở khắp mọi nơi cho thấy Đức Chúa Trời Ngài thuộc vào loại gì! Khi bạn đứng ở Thác Grand, bạn không thể làm chi khác, chỉ bị phủ lút với quyền phép toàn năng của Đức Chúa Trời khi dựng nên một cảnh hùng vĩ như thế. Ngài phải có một bàn tay mạnh sức để xới tung đèo Royal ở Colorado. Ngài đúng là vô hạn giống như những cái hốc sâu của Thái Bình Dương bao la kia. Từng đóa bông tuyết chứng tỏ sự có một không hai của Ngài. Những màu sắc thay đổi của đồi núi Great Smoky công bố tính sáng tạo của Ngài.
Những dãy Ngân Hà hô lên lớn tiếng: “Ngài đang ngự ở đây”. Những bông hoa dại cùng nhau hát: “Ngài hiện diện ở kia”. Những dòng khe róc rách hiệp vào: “Ngài đang hiện diện kìa”. Loài chim hót lên lời ấy, bầy sư tử rống lên lời đó, loài cá viết câu ấy ra trong biển: — “Ngài đang hiện diện kìa”. Mọi tạo vật đều hiệp nhau ca hát ngợi khen Ngài. Các từng trời công bố ra lời ấy, đất lặp lại nó và ngọn gió thì thào câu nói đó — “Ngài đang hiện diện kìa”. Từ sâu thẳm vang dội câu nói ấy, cây tùng mạnh mẽ kia nói ra câu ấy cho chim phượng hoàng là loài chim xòe cánh bay vút lên cao, chiên và sói đều nhất trí với nhau về một việc — “Ngài đang hiện diện kìa”. Không một loài nào dám quên sứ điệp đó. Đức Chúa Trời đã để lại những dấu tay của Ngài trên khắp thế giới nầy. Thật vậy, “Đây là thế giới của Cha ta”, và từng vầng đá, từng nhánh cây, từng con sông và từng ngọn núi đều mang lấy dấu tay Ngài. Ngài ký tên Ngài trên mọi sự mà Ngài đã dựng nên. Đất được đánh dấu: “Do Đức Chúa Trời làm nên” bằng những mẫu tự lớn đến nỗi chẳng một người nào là không nhìn thấy. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi thiên 19:1).
Đấy là mục tiêu của Rôma 1: Không một ai là không nhìn thấy. Ai nấy đều biết đôi điều về Đức Chúa Trời! Không một người nào từng sống mà dám bỏ qua sự khải thị nầy. Dù họ có suy nghĩ về sự ấy hay không thì chẳng là vấn đề. Sự thật rành rành cho mọi người xem thấy, nó đơn giản đến độ không một ai dám quên được nó. Dù bạn có là thợ săn đầu người trên quần đảo Nam Thái Bình Dương hoặc là kẻ kẻ trẻ tuổi nhiều hoài bảo trên phố Chicago thì chẳng phải là vấn đề đâu. Không một ai dám quên sự thực về Đức Chúa Trời … và không một người nào từng quên sự ấy vì Đức Chúa Trời dựng nên lẽ thật về chính mình Ngài đơn giản như ban ngày. Đấy là lý do tại sao Phaolô nói ở câu 20: “Họ không thể chữa mình được”. Ông có ý nói toàn thể dòng giống con người đều biết về Đức Chúa Trời. Không ai dám nói: “Tôi không biết”. Mọi người đều biết. Điều đó giải thích lý do tại sao từng nền văn hóa trên đất đều có một quan niệm về Đấng Tối Cao — tuy nhiên, quan niệm ấy có thể còn thiếu sót. Con người được dựng nên để tìm kiếm những câu trả lời ở bên ngoài mình. Tự nhiên, con người mắc bịnh nan y về tôn giáo. Triết gia người Pháp là Pascal, đã nói rằng bên trong tấm lòng của mỗi con người có một “khoảng trống do Đức Chúa Trời hình thành”. Và Augustine đã nói: “Ôi lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con cho chính mình Ngài. tấm lòng của chúng con sẽ bất ổn cho tới chừng nào chúng tìm được sự yên nghỉ trong Ngài”. Truyền đạo 3:11 chép rằng Đức Chúa Trời đã khiến cho “sự đời đời ở nơi lòng loài người”, ý nói rằng sự ao ước những câu trả lời đầy đủ đều đến từ chính mình Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đặt sự khao khát ấy (“khoảng trống do Đức Chúa Trời hình thành”) trong tấm lòng con người để khiến cho con người tìm kiếm Ngài.
Điều nầy giải thích lý do tại sao chủ nghĩa vô thần không hề tạo ra sở thích nơi con người. Chủ nghĩa vô thần là triết lý phi tự nhiên nhất trên bề mặt địa cầu. Sự thờ lạy hình tượng thì tự nhiên hơn chủ nghĩa vô thần vì ít nhất kẻ thờ lạy hình tượng đang công nhận một quyền phép cao hơn ở bên ngoài bản thân hắn. Đối với một người muốn trở thành một người vô thần, người ấy không những phải chối bỏ lẽ thật về Đức Chúa Trời mà người ấy đang nhìn thấy trong tự nhiên, mà người ấy còn cố ý lấp liếm lẽ thật về Đức Chúa Trời được thấy có trong chính lương tâm của người. Cuối cùng thì người phải có nhiều đức tin hơn để đừng tin nơi Đức Chúa Trời. Cách đây mấy năm, Ray Comfort đã viết một quyển sách với đề tựa rất kêu, Đức Chúa Trời Không Tin Nơi Kẻ Vô Thần. Ông đã đúng. Đức Chúa Trời tồn tại cho dù bạn tin hay không tin vì Đức Chúa Trời không tin nơi kẻ vô thần. “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi thiên 14:1). Đức Chúa Trời yêu kẻ vô thần giống như Ngài yêu hết thảy tội nhân trên thế gian, và một kẻ vô thần có thể được cứu giống như bao người khác. Sâu lắng bên trong, kẻ vô thần biết rằng có một Đức Chúa Trời — hắn sẽ không nhìn nhận điều đó.
IV. Tỏ ra ơn cứu: Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài ra nơi Con của Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ.
Chúng ta không bị bỏ lại để đơn thân quyết định Đức Chúa Trời là ai. Ngài tự tỏ chính mình Ngài ra trong tự nhiên, và Ngài tự tỏ chính mình Ngài ra trong tấm lòng của con người. Nhưng Cơ đốc giáo công bố rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài ra cách siêu việt nơi Chúa Jêsus. Nếu chúng ta muốn biết Đức Chúa Trời, chúng ta phải đến theo giới hạn của Ngài — qua Con của Ngài. Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 14:6: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Câu Kinh Thánh ấy không được ưa chuộng hôm nay — nhưng sự thật không được quyết bằng lá phiếu của đa số đâu. Tuần nầy tôi bay đến Florida, ở đó tôi giảng cho một nhóm giáo sĩ SIM hưu hạ ở Sebring, Florida. Tuổi trung bình của quí giáo sĩ nầy là 80. Hầu hết đều phục vụ ở châu Phi trong 30 hay 40 hoặc 50 năm. Sự phục vụ trong công tác truyền giáo của họ tổng cộng có tới vài ngàn năm. Phần nhiều trong số họ đã thực thi công tác truyền giáo tiên phong trong các khu vực Hồi giáo sâu nặng lắm. Tôi đã ăn trưa với một bà cụ đã làm việc tại một trạm truyền giáo ở khu vực đạo Hồi, ở đó bà đã dạy một lớp Kinh Thánh lôi cuốn một nhóm thiếu nhi Hồi giáo. Ngày kia, trong bài học bà đề cập tới Chúa Jêsus là “Con của Đức Chúa Trời”. Một trong mấy đứa thiếu nhi nam nổi giận lên, khạc nhổ dưới đất tỏ ra tánh khí của nó, rồi bước ra ngoài. Hầu hết mấy đứa kia đều làm theo nó. Vị giáo sĩ cảm thấy buồn về việc ấy, nhưng rồi bà nói: “Tôi có thể làm chi được chứ? Sứ đồ Phaolô đã không lui đi đối với lẽ thật”. Trong thời buổi thỏa hiệp về thần học và sự yếu ớt về mặt truyền giáo, chúng ta phải công bố lại sứ điệp cho thấy tình yêu của Đức Chúa Trời đang giang rộng, với đến các đầu cùng đất, hầu cho nhiều người được cứu. Nhưng chúng ta cũng phải nói tới lẽ thật nữa — rằng sự cứu rỗi đến qua Đức Chúa Jêsus Christ và đối với những ai không chịu đến với Đức Chúa Trời qua Chúa Jêsus, chẳng còn một lối nào khác nữa. Nếu bạn chối bỏ Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời không có một chương trình cứu rỗi nào khác nữa đâu.
V. Biến đổi cá nhân: Chúng ta từng gặp gỡ Đức Chúa Trời, đời sống chúng ta được thay đổi cho đến đời đời.
Hêbơrơ 11:6 chép rõ ràng như sau: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài”. Có một sự khát khao về Đức Chúa Trời trong thời buổi của chúng ta không sao thỏa mãn được. Đấy là lý do tại sao người ta đọc quyển The Da Vinci Code (Mật Mã Da Vinci) và đấy là lý do tại sao 12 triệu người đã mua sách của Rick Warren, The Purpose-Driven Life (Sống Có Mục Đích). Hai quyển sách ấy đều nằm trên danh sách bán chạy nhất của Tờ Thời Báo Nữu Ước.
Trên đường trở về lại phi trường Orlando vào ngày thứ Sáu, Tôi cùng đi với John & Anne Ockers, hai vị giáo sĩ của Hội Thánh Calvary, họ đã hầu việc Chúa ở Niger trong nhiều năm trời. John nói cho tôi biết thể nào người vợ đầu tiên của ông là Evelyn, đã qua đời tại công trường truyền giáo và thể nào ông đã chôn cất bà tại nghĩa trang của hội truyền giáo ở Miango, Nigeria. Khi Marlene và tôi đến viếng thăm Greg & Carolyn Kirschner ở Jos, Nigeria cách đây mấy năm, chúng tôi đến viếng nghĩa trang của hội truyền giáo. Ở đây chứa khoảng 60 ngôi mộ của những người nam người nữ, họ đã hy sinh hết mức vì cớ Tin Lành. Phân nửa hay nhiều hơn là các ngôi mộ của trẻ em — hầu hết chúng đều chết trong những ngày đầu hay tuần lễ đầu của cuộc sống. Ở phần đầu của thế kỷ 20, tuổi thọ của một giáo sĩ cho châu Phi chỉ có 8 năm mà thôi.
Tôi nhìn thấy một ngôi mộ với tên của một người và kế đó là số năm — 1919-1953. Tấm bia ghi như sau: “Được đặt để trong ký ức đầy tình thương bởi vợ con của ông" — rồi sau đó là tên của họ. Bên dưới là hai chữ — "Abundantly Satisfied” (Đã thỏa lòng lắm). Kế đó, tôi thấy ngôi mộ của Evelyn Ockers. Có nhiều hàng chữ lắm. Đây là một đứa trẻ đã chết sau một ngày. Rồi người khác đã sống được vài ngày. Và ở chỗ kia là một người cha và con trai được chôn bên cạnh nhau. Ông đã qua đời khi tìm cách cứu con của mình ra khỏi một con lạch. Cả hai đều bị chết đuối.
Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho điều nầy xảy ra chứ? Tại sao Ngài lại cho phép nổi thương tâm như thế cho các tôi tớ Ngài, họ đã hy sinh quá nhiều vì cớ Tin Lành? Nghĩa trang của hội truyền giáo ở Miango gửi đi sứ điệp nầy: Ân điển của Đức Chúa Trời là miễn phí nhưng ơn ấy không rẻ rúng đâu. Các vị giáo sĩ và con cái của họ được chôn ở đó làm bằng chứng cho cái giá cao của Sứ Mệnh Cao Cả. Việc đến với trần gian không hề là dễ dàng và Chúa Jêsus vốn biết rõ sự ấy chẳng dễ dàng chút nào. Đấy là lý do tại sao Ngài phán: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16:33). Điều nầy luôn luôn là thật kể từ ngày đầu tiên ấy. Cách đây nhiều thế kỷ, Tertullian đã tuyên bố rằng “huyết của những nhà tuận đạo là hột giống của Hội Thánh”. Bất cứ Hội Thánh đi tới đâu, cái giá của một công trường mới luôn luôn được trả bằng huyết. Tôi đã nhìn thấy tấm bia của một đứa trẻ ở Miango — một đứa con trai, tôi nghĩ — nó đã qua đời vào thập niên 1950. Tấm bia ghi như sau: “Chúng tôi gieo hột giống nầy với sự hy vọng rằng một ngày kia nó sẽ mang lại cả cánh đồng những linh hồn cho Nước Trời”. Khi tôi quay trở về phòng, mắt tôi đẩm nước mắt, tôi nói với Marlene: “Khi tôi nghĩ mình đã đặt quá ít ỏi trên bàn thờ…” Khi sánh với những người nam người nữ nầy, tôi thấy mình chưa dâng của lễ nào cho Đấng Christ cả.
Chuyến viếng thăm nghĩa trang của hội truyền giáo đã diễn ra vào năm 1998. Giờ đây, chúng tôi đang vặn đồng hồ chạy tới. Hết ngày nầy sang ngày khác, tôi đã lắng nghe những vị giáo sĩ cao niên quay nhìn lại một thời hầu việc Đấng Christ. Tôi chưa hề nghe lời hối tiếc đầu tiên nào bởi bất cứ vị nào đối với những thập niên phục vụ ở những vùng đất xa xôi. Không chút hối tiếc. Bất cứ ai trong số họ đều có thể có một cuộc sống thoải mái ở Hoa kỳ, nhưng họ đã nghe theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời và sự nghe theo ấy đã định liệu vấn đề cho họ. Một số người trong họ đã gánh chịu nhiều năm tháng nhọc nhằn, và những ai đã lao động trong các vùng đất Hồi giáo thường nhìn thấy một ít người trở lại đạo ở phần cuối chức vụ đó. Bà cụ mà tôi nhắc tới ở trên đã nói rằng ngay phần cuối thời gian bà cụ ở châu Phi, bà đã biết chừng “ba hay có lẽ bốn người” Hồi giáo trở lại đạo. Bà cũng nói trong thập niên 1940, khi bà vừa mới khởi sự, bà đã gặp cụ giáo sĩ SIM, ông cụ nói: “Hãy nhắm vào thập tự giá chớ đừng nhắm vào sự cứng lòng của đạo Hồi”. Đấy là những gì họ đã làm — và họ đã xây nhiều bịnh viện, dưỡng đường, trường học, nhà thờ, và những trạm truyền giáo ở những khu vực rất xa xôi. Giờ đây họ đã 75, 80, 85, 90 tuổi rồi và đang sống những năm tháng cuối cùng của họ trong ngôi làng của Hội truyền giáo SIM.
Bên cạnh những người “không chút hối tiếc” đó, tôi để ý cả tuần lễ thấy họ luôn “vui vẻ ở trong lòng”. Y như rằng: “Hãy hầu việc Chúa với sự vui mừng, hãy đến trước sự hiện diện của Ngài mà ca hát”. Đấy là mặt bên kia của sự việc. Niềm vui, sự thỏa lòng với những việc rồi đây sẽ biến đổi. Thật lấy làm tốt cho linh hồn được ở kề cận với các thánh đồ của Đức Chúa Trời, những con người không chút hối tiếc và luôn vui vẻ ở trong lòng. Quí vị giáo sĩ đã biết rõ họ dự phần vào sự khó nhọc, sự ngã lòng, sự chống đối, sự bịnh tật, sự mất mát, sự thất bại, sự cô độc, đau đớn về phần xác, và chiến trận thuộc linh. Nhưng họ không trụ lại trên các vấn đề nầy. Họ nói năng với sự phấn khích về việc nhìn thấy Đức Chúa Trời đang vận hành làm thay đổi mọi lòng, nhiều đời sống, nhiều gia đình, các làng mạc và những bộ tộc kia bởi quyền phép của Tin Lành. Họ đã “kể điều đó là sự vui mừng” vì cớ được hầu việc Đấng Christ. Và mỗi buổi sáng, họ sốt sắng cầu xin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban bố nhiều đắc thắng hơn cho Tin Lành trên khắp thế giới. Thật là cảm động và nhìn thấy sự hạ mình ở quanh các thánh đồ cao trọng nầy của Đức Chúa Trời. Thế gian đâu biết họ có mặt ở đây. Ở trên trời danh tánh của họ đã được ghi ra bằng vàng.
Họ đã tìm kiếm và đã gặp gỡ lời hứa của Hêbơrơ 11:6. Họ đã minh chứng rằng Đức Chúa Trời thực sự ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm Ngài. Bạn có cách giải thích nào khác về những gì họ đã làm không? Chẳng có một lý do nào khác để rời sự an nhàn của quê nhà để đổi lấy những thập niên khó khăn ở các vùng đất xa xôi. Vì họ tin rằng “Đức Chúa Trời hằng hữu”, họ đã nghe theo tiếng gọi của Ngài và đã đáp ứng lại với tấm lòng sẵn sàng. Họ đã tìm kiếm Ngài, họ đã gặp được Ngài, và giờ đây ở cuối cuộc hành hương, họ chẳng chút hối tiếc, vui vẻ luôn ở trong lòng, và một sự sốt sắng bùng cháy lên khi nhìn thấy cả thế gian đến với Đấng Christ.
Bài Tín Điều Các Sứ Đồ bắt đầu với lời nầy: “Tôi Tin Đức Chúa Trời”, vì một lý do xứng đáng. Đấy là sự liều lĩnh lớn lao nhất mà bạn sẽ có. Nếu bạn chưa hề gặp Ngài, tôi thách bạn hãy trao tấm lòng bạn cho Chúa Jêsus ở đây và ngay bây giờ đi. Hãy tin cậy Chúa Jêsus và bạn sẽ có mối quan hệ với Đức Chúa Trời của vũ trụ ngay giờ nầy. Và như John & Anne Ockers và Greg & Carolyn Kirschner và tất vả những vị giáo sĩ của chúng tôi đã minh chứng — Đức Chúa Trời ban thưởng cho những ai thực sự tìm kiếm Ngài. Đây chẳng phải là một con đường dễ dàng đâu, nhưng có sự vui vẻ dọc theo con đường và sự mừng rỡ ở cuối con đường. Hãy khởi sự tìm kiếm Đức Chúa Trời với hết lòng và đời sống của bạn sẽ không còn như trước nữa đâu. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét