Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Mathiơ 9.8-26: "Lòng thương xót của Nhà Vua"



MATHIƠ - VUA CÁC VUA
Lòng thương xót của Nhà Vua
Mathiơ 9.8-26
1. Thương xót có nghĩa gì? Theo tự điển Webster, thương xót được định nghĩa là: "ý thức cảm thông nỗi đau của người khác kèm theo ước muốn làm vơi đi nỗi đau đó”. Cả hai từ ngữ Hybálai và Hy lạp dịch là: "thương xót" có ý nói tới "sự khao khát ở trong lòng". Như vậy, có lòng thương xót là có lòng tan vỡ đối với ai đó hoặc việc gì đó.
2. Bạn có cảm thấy thương xót đối với ai đó chưa?
A. ...những đứa trẻ đau ốm.
B. ...những đứa trẻ có cha mẹ dường như chẳng lo gì cho chúng.
C. ...người già cả, sức khoẻ yếu kém hay những người bị gia đình bỏ rơi.
D. ...người mắc bị nan y.
E. ...người đau khổ vì mất mát người thân.
F. ...công dân của thế giới thứ ba chậm phát triển thiếu ăn.
G. ...Cơ đốc nhân bị bắt bớ.
H. ...kẻ yếu thế cô... một người mẹ bị chồng bỏ rơi lao động với công việc mức lương thấp và hy sinh sự sống mình lo cho con cái.
I. Cá nhân tôi có một thương xót rất lớn đối với những người làm vợ của các vị Truyền đạo, Mục sư, Giáo sĩ.
3. Bạn không thấy thương xót đối với người nào?
A. ...những kẻ chuyên ức hiếp trong sân trường.
B. ...những công ty lớn, họ chỉ biết nhắm vào giới hạn lợi nhuận hơn là khách hàng của họ.
C. ...hạng người khó thương: những kẻ hay kiêu căng, khó chịu & ích kỷ.
D. ...những tên tài xế chuyên lái ẩu trong thành phố.
E. Chắc chắn chúng ta không cảm thấy thương xót đối với những kẻ chuyên phá thai, những gã điều hành các câu lạc bộ khiêu dâm, những kẻ đâm thuê chém mướn, hạng người chuyên gạ gẫm trẻ em. Thực ra chúng ta lập một danh sách thật dài hạng người xứng đáng với việc xấu xảy đến cho họ.
4. Một trong những điểm khác biệt lớn giữa Đức Chúa Trời và dân sự của Đức Chúa Trời: ấy là chúng ta thể hiện ra lòng thương xót có chọn lựa. Đức Chúa Trời thì không phải vậy! Ngài cảm thương đối với mọi người và thể hiện ra tình yêu thương không điều kiện của Ngài và sự sống đời đời cho bất kỳ ai bằng lòng tiếp nhận tình yêu ấy nhơn đức tin nơi Chúa Giêxu.
5. Trong phân đoạn nầy, chúng ta sẽ học biết Chúa Giêxu có cùng một sự thương xót đối với mọi người. Từ cấp lãnh đạo Do thái có chức có quyền, giàu có, cho tới người nghèo đều như nhau. Chúng ta hãy tiếp thu ba lẽ thật nói về ơn thương xót của Cứu Chúa chúng ta.
I. CHÚA GIÊXU ĐÁNG TIẾP NHẬN VÌ ƠN THƯƠNG XÓT CỦA NGÀI (các câu 18-19).
A. Trong sự thương xót, Chúa Giêxu đã tiếp một quan cai nhà hội của người Do thái (câu 18).
1. Khi câu 18 chép: "Đang khi Đức Chúa Jêsus phán các điều đó", câu nầy chỉ ngược lại phần đối đáp giữa Ngài với các thầy thông giáo, người dòng Pharisi, các môn đồ của Giăng Báptít trong mấy câu đi trước. Mấy kẻ nầy đang chỉ trích Chúa Giêxu vì quyền tha tội của Ngài, vì Ngài đã trò chuyện và ăn uống với hàng tội nhân và vì Ngài không dạy các môn đồ noi theo các truyền khẩu tôn giáo của người Do thái do con người lập ra.
2. Ở giữa cuộc đối đáp đó, "xảy có người cai nhà hội kia bước vào, quì lạy trước mặt Ngài". Luca 8.41 cho chúng ta biết tên của người nầy là "Giairu" và ông là "người cai nhà hội". Chữ Hy lạp được dùng ở đây dường như có ý nói rằng ông là đầu của quan cai nhà hội, nghĩa là ông có quyền chỉ huy công việc của các thầy tế lễ khác, các thầy thông giáo và người dòng Pharisi.
3. Vị quan cai cao cấp nầy đã đến và "quì lạy trước mặt Ngài". Ông đã quì lạy trước mặt Chúa Giêxu và có lẽ đã hôn chơn của Ngài nữa. Đây là dấu hiệu hạ mình và tôn kính lắm lắm.
4. Hãy xem xét điều mỉa mai ở đây. Khi "người cai nhà hội", người nầy đã ở trong sự chống báng đối với Chúa Giêxu. Những tay bộ hạ của ông ta đã chỉ trích Chúa Giêxu một cách miệt mài, có lẽ họ làm thế là do sự điều động của ông ta nữa là. Thật là hợp lý khi kết luận rằng ông ta đã xem Chúa Giêxu là một kẻ thù đối với truyền thống của người Do thái. Thế mà, ở đây, nơi bệ chơn của Ngài, ông ta đang quì lạy trong sự hạ mình.
5. Người "cai" nói: "Con gái tôi mới chết". Đây là một bé gái còn nhỏ. Mác cho chúng ta biết rằng nó mới 12 tuổi. Hãy tưởng tượng xem tấm lòng tan nát của người cha nầy. Một trong những phần hành khó khăn nhất của bậc làm cha làm mẹ là nhận biết có một số việc mà chúng ta chẳng thể làm gì được cho con cái của mình.
6. Có lẽ ông đã có mặt tại ngôi nhà khi người đau bại được tha thứ và được lành. Có lẽ ông đã có mặt ở đó, khi Chúa Giêxu chữa lành cho tôi tớ của thầy đội Lamã. Có thể ông đã nom thấy Chúa Giêxu đuổi quỉ. Dù ở cấp độ nào, ông ta đã biết Chúa Giêxu là nguồn hy vọng duy nhất của mình, cho nên ông ta mới nói: "xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống”.
7. Nhu cần của Giairu là chính ông ta phải đến với Chúa Giêxu. Ở điểm nầy, địa vị cao trọng của ông không còn là vấn đề nữa rồi. Đẳng cấp tôn giáo của ông không còn là vấn đề nữa. Mọi luật lệ theo luật pháp không còn là vấn đề nữa. Ông thấy mình vô quyền, không làm sao thay đổi được hoàn cảnh. Chúa Giêxu là nguồn hy vọng duy nhất của ông ta.
8. Đức tin của Giairu cũng buộc ông phải đến với Chúa Giêxu. Mặc dù Chúa Giêxu đã khiến cho ai đó sống lại từ kẻ chết, người “cai” nầy có đức tin tin rằng Chúa Giêxu có thể làm được điều đó.
B. Chúa Giêxu làm thoả mãn nhu cần của quan cai nhà hội người Do thái (câu 19).
1. Tin lành rất đơn giản ở đây. Kinh thánh chép: "Đức Chúa Jêsus bèn đứng dậy, cùng môn đồ Ngài đều đi theo người”.
2. Hãy tưởng tượng các môn đồ đã nghĩ gì!?! "Sao Chúa Giêxu lại đi giúp cho người nầy. Ông ta là kẻ thù mà! Ông ta là kẻ luôn luôn chỉ trích chúng ta. Chúa Giêxu đâu có mắc nợ gì ông ta đâu".
3. Vì Chúa Giêxu đã động lòng thương xót, người kia là ai thì chẳng thành vấn đề đối với Ngài. Ông ta có nhu cầu và Ngài bằng lòng phu phỉ nhu cầu đó.
C. Chúa Giêxu sẽ tiếp lấy bất kỳ ai chịu đến với sự hạ mình và với đức tin.
1. Giăng 1.14 dạy chúng ta rằng "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta". Ngài đã trở thành một người giữa vòng loài người để Ngài có thể bày tỏ chính mình Ngài ra dễ gần gũi và dễ tiếp nhận. Toàn bộ chương trình cứu chuộc đã được soạn sẵn trong cõi đời đời bởi Đức Chúa Trời rất dễ cho con người tiếp nhận.
2. Roma 10.13 bảo đảm với chúng ta: "Vì AI kêu cầu danh CHÚA thì sẽ được cứu”.
3. Đức Chúa Trời không hề chối bỏ người nào, nhưng muốn tiếp nhận hết thảy mọi người. II Phierơ 3.9 chép: "Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn”.
4. Chúa Giêxu đã phán trong Giăng 6.37: "Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta THÌ TA KHÔNG BỎ RA NGOÀI ĐÂU”.
5. Nầy bạn tôi ơi, có thể bạn đang sống xa cách Đức Chúa Trời. Có thể bạn tự xem mình là kẻ thù của Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giêxu vẫn động lòng thương xót đối với bạn đấy! Ngài sẽ tiếp nhận bạn nếu bạn chịu đến với Ngài trong sự hạ mình và đức tin.
D. Giống như Chúa Giêxu, dân sự của Đức Chúa Trời cần phải tiếp đón hết thảy những ai chịu đến.
1. Còn Hội thánh, chúng ta cần phải gạt qua một bên mọi thành kiến của con người chúng ta, các thành kiến đó đều có gốc rễ trong hố sâu địa ngục. Chúng ta cần phải gạt qua một bên sự kiêu ngạo cùng các thái độ trịch thượng của mình mà tiếp nhận hết thảy mọi người cách bình đẳng. Chúng ta không thể giống với Chúa Giêxu được cho tới chừng nào chúng ta tiếp nhận người ta theo cách Chúa Giêxu tiếp nhận họ.
2. Có thể bạn nói: "Nhưng thưa Mục sư, chúng ta đang làm như thế đây. Mọi người đều được tiếp đón trong Hội thánh nầy!" Bạn nói đúng đó! Tôi rất tự hào vì dân sự của chúng tôi luôn có tư thế tiếp đón mọi người. Nhiều lần các vị khách của chúng tôi nói cho tôi biết quí vị mến khách như thế nào và tình cảm mà họ nhận được ở đây.
3. Tôi muốn đề nghị một việc còn sâu sắc hơn là làm cho người ta cảm thấy họ luôn được tiếp đón trong Hội thánh nầy. Muốn được tiếp đón giống như Chúa Giêxu, chúng ta cần phải ra khỏi các bức tường của nhà thờ. Chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta tấm lòng biết thương xót đối với mọi người, thậm chí với hạng người mà chúng ta không ưa thích kia. Hạng người mà chúng ta thường không ưa thích là hạng người đang cần đến Chúa Giêxu nhiều nhất.
4. Chúng ta cần phải bày tỏ ra sự tiếp đón có tính thương xót bất cứ đâu: trong nơi lân cận, nơi sở làm, trường học, v.v...
II. CHÚA GIÊXU CÓ THỂ RỜ ĐỤNG ĐƯỢC VÌ ƠN THƯƠNG XÓT CỦA NGÀI (các câu 20-22).
A. Hành động của người đờn bà bị bịnh mất huyết (câu 20).
1. Khi Chúa Giêxu bước theo Giairu hầu thực thi sứ mệnh thương xót của Ngài, có một việc lạ lùng đã xảy ra. Thực ra, đây là một phép lạ trong một phép lạ.
2. Phép lạ nầy xảy ra một cách mau chóng. Kinh thánh chép phép lạ nầy diễn ra "liền trong giờ đó”.
3. Người đờn bà mắc một chứng bịnh được mô tả ở đây là "mất huyết" lại gần sau lưng mà “rờ trôn áo Ngài”.
B. Tình trạng của người đờn bà nầy (câu 20).
1. Chứng bịnh nầy được gọi là "mất huyết" ở đây và “rong kinh” trong một bản dịch Kinh thánh Anh ngữ, được dịch từ cùng một chữ Hy lạp, từ đó chúng ta có chữ "hemorrhage" (xuất huyết) có ý nói tới chứng rong kinh.
2. Có lẽ nan đề của bà ta bắt nguồn từ một khối u hay một chứng bịnh khác của tử cung. Bất luận là lý do nào, nó làm cho bà ta bị ô uế về mặt nghi thức dưới luật pháp Cựu ước. Hãy xem Lêvi ký 15.25-27.
3. Vì cớ bà ta bị ô uế, bà ta không nên có một sự rờ đụng nào với bất cứ ai. Bà ta không được bước vào nhà hội hay đền thờ. Nỗi xấu hổ về sự ô uế của chứng bịnh nầy chỉ đứng hàng thứ hai đối với nỗi xấu hỗ của bịnh phung mà thôi.
4. Bà ta đã chịu khổ từ chứng “mất huyết nầy đã mười hai năm”. Mác 5.26 chép: bà ta "bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm”. Bà ta đã đi hết thầy nầy đến thầy khác, hao tốn tiền của cho tới chừng bà ta lâm vào cảnh nghèo khó. Thể xác không thấy đỡ gì, bịnh lại càng nặng thêm.
C. Đức tin của người đờn bà (các câu 20-21).
1. Trong lý trí của người đờn bà lâm cảnh tuyệt vọng nầy một tia sáng vừa len qua cuối đường hầm. Một tia hy vọng xuyên qua bóng tối tăm đau khổ của bà ta. Mọi người ở xung quanh bà ta đều nói tới Giêxu nầy, Ngài phán dạy với quyền phép như thế nào, thể nào Ngài đã chữa lành đủ thứ tật bịnh kể cả bịnh phung. Có người nói Ngài là Đấng Mêsi.
2. Trong lý trí của bà ta một kế hoạch mới vừa ló dạng. Nếu Chúa Giêxu thực sự là Đấng Mêsi, nếu Ngài thực sự có quyền phép chữa lành như thế thì mọi sự bà ta cần phải lo làm là “rờ” đến trôn áo Ngài. Ngài sẽ không nhận biết được đâu! Bà ta có thể đến gần Ngài và chỉ "rờ đến trôn áo Ngài". Bà ta không dám làm ô uế Ngài do cái chạm đến thân thể Ngài.
3. Hãy lưu ý các tư tưởng của bà ta trong câu 21: "Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành”. Ngôn từ Hy lạp dịch sát nghĩa là: "Bà ta nhũ lòng". Bà ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong trí suy nghĩ đơn sơ đó.
4. Mác 5.24 chép rằng khi Chúa Giêxu đi theo Giairu: "đoàn dân đông cùng đi theo và lấn ép Ngài". Dân chúng ở khắp mọi nơi. Không cứ cách nào đó, bà ta đã đến gần đủ để rờ “trôn áo” Ngài.
5. Bà ta không muốn cho người khác trông thấy. Bà ta tin Chúa Giêxu có quyền phép đến nỗi bà ta sẽ được lành mà chẳng phải làm phiền Ngài. Vì vậy bà ta đã thực thi kế hoạch của mình một cách trọn vẹn.
D. Phản ứng của Chúa Giêxu (câu 22).
1. Có hai việc xảy ra cùng một lúc: Bà ta được chữa lành và Chúa Giêxu nhận biết bà ta.
2. Thứ nhứt, bà ta được chữa lành. Câu 22 chép: "Liền trong giờ đó, người đờn bà lành bịnh". Mác 5.29 chép: "Cùng một lúc ấy, huyết lậu liền cầm lại; người nghe trong mình đã được lành bịnh". Luca 8.44 chép: "tức thì huyết cầm lại”.
3. Thứ hai, Chúa Giêxu nhận biết bà ta. Luca 8 cung ứng một cái nhìn rất tức cười vào bối cảnh nầy. Chúa Giêxu đã hỏi các môn đồ: "Ai sờ đến ta?" Phierơ đáp: "Thầy thấy đám đông lấn ép thầy, thầy còn hỏi rằng: Ai rờ đến ta?" Khi ấy Chúa Giêxu phán: "Có người đã rờ đến ta, vì ta nhận biết có quyền phép từ ta mà ra".
4. Hãy lưu ý ở đây, câu 22, Chúa Giêxu gọi bà ta là “con gái”. Đây là cách gọi rất tình cảm và thân thương. Đức tin của bà ta nơi Chúa Giêxu đã đem lại cho bà ta còn hơn cả được chữa lành nữa, đức tin ấy đã đem lại sự cứu rỗi cho bà ta, một mối tương giao yêu thương với Chúa hằng sống!
5. Ngài phán: "đức tin con đã làm cho con được lành". Bà ta đã được lành rồi, cả thuộc thể và thuộc linh vì bà ta đã bởi đức tin rờ đến Chúa Giêxu.
E. Bạn có thể đến gần và rờ đến Chúa Giêxu hôm nay.
1. Nhiều người đã đến gần Chúa Giêxu, nhưng chỉ có một vài người đến gần và rờ tới Ngài. Mỗi Chúa nhật, người ta đi nhà thờ và đến gần Chúa Giêxu nhưng họ không rờ đụng Ngài. Mỗi ngày người ta đọc Kinh thánh và lắng nghe phát thanh Cơ đốc hay nghe một người bạn làm chứng rồi đến gần Chúa Giêxu song lại chẳng rờ đụng Ngài.
2. Nếu có một ngàn bước giữa bạn và Chúa Giêxu, Ngài sẽ thực hiện 999 bước. Ngài sẽ đến gần bạn, nhưng bạn phải thực hiện bước sau cùng, bạn phải bước tới và rờ đụng Ngài.
3. Có nhiều người ở đây hôm nay đã đến gần Chúa Giêxu, nhưng họ phải bước tới và rờ đụng Ngài. Bạn còn chờ cái gì nữa chứ?
III. CHÚA GIÊXU BÀY TỎ RA QUYỀN PHÉP VÌ ƠN THƯƠNG XÓT CỦA NGÀI (các câu 23-26).
A. Ở đám tang, cơn đau đầu và hỗn độn đang ngự trị (câu 23).
1. Đức tin của người đờn bà bịnh hoạn kia đã khích lệ Giairu, người “cai” , là dường nào. Tôi dám chắc ông ta đã vịn lấy cánh tay Chúa Giêxu rồi hối thúc Ngài len qua đám đông đi tới nhà của ông ta.
2. Ngày nay, các đám tang của người Mỹ thường buồn rười rượi và có vẻ cung kính. Ai nấy thầm thì cách yên tỉnh khi họ nói chuyện với nhau. Trong thời buổi ấy tại xứ Palestine, các đám tang thì ồn ào, và “om sòm”.
3. Câu 23 chép có bọn “thổi sáo” nữa. Bọn nầy được các gia đình Do thái thuê để thổi cho lớn tiếng, thứ nhạc gây bối rối để cho khán thính giả phải suy gẫm về nỗi đau và sự bối rối mà gia đình người chết cảm nhận được.
4. Cũng có “những kẻ khóc mướn” ở đó nữa. Tôi có nghe thấy tiếng kêu gào tận đáy lòng của người mẹ được tin con gái mình đã chết. Còn đây là chuyện khác nữa. Những kẻ khóc mướn chuyên nghiệp thường được các gia đình giàu có thuê để “khóc lóc” lớn tiếng. Đám tang mà có tiếng khóc lớn tiếng thì người chết càng được yêu quí hơn, theo truyền thống thì là như vậy.
B. Trong nhà của người cai nhà hội, nghi ngờ và sự nhạo báng được tỏ ra (câu 24).
1. Khi Giairu, Chúa Giêxu cùng các môn đồ tới gần bọn "làm om sòm” nầy, Chúa Giêxu phán: "Sao các ngươi làm ồn ào và khóc lóc vậy? Đứa trẻ chẳng phải chết, song nó ngủ”.
2. Bạn có thể hình dung ra bạn bè và người thân cảm nhận như thế nào không? Bạn có thể hình dung những kẻ khóc mướn nghĩ gì không? Điều nầy tương đương với việc vào một ngôi nhà có tang chế rồi nói với gia đình ấy ngày nay: "Đừng sợ, cha của anh chỉ ngủ mà thôi”.
3. Khi Laxarơ chết, Chúa Giêxu đã dặn gia đình: "Laxarơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người" (Giăng 11.11). Chúa Giêxu đã phán về sự chết như đang ngủ chỉ ra cái chết là một trạng thái tạm thời mà thôi.
4. Kinh thánh chép: "Chúng nghe thì chê cười Ngài". Sát nghĩa câu nầy đọc là: "nhạo báng, chế giễu, cười, khinh mạn". Tôi dám chắc rằng họ đã nói đại loại như thế nầy: "Đúng, Ngài có thể chữa lành đủ thứ tật bịnh, khiến kẻ đui thấy được, kẻ què đi được, nhưng đứa gái nầy đã chết, C-H-Ế-T, CHẾT RỒI! Không có ai làm cho kẻ chết sống lại được đâu!"
5. Có nhiều người chế nhạo quyền phép của Đức Chúa Trời ngày hôm nay. Quyền phép đáng kinh sợ của Ngài một ngày kia sẽ tỏ ra số phận của họ!
C. Trong căn phòng của đứa gái, quyền phép và uy quyền đã được tỏ ra (câu 25).
1. Chúa Giêxu truyền rằng bọn làm om sòm kia phải "lui ra". Đem theo bố mẹ đứa gái, cùng với Giacơ, Giăng và Phierơ, Chúa Giêxu bước vào căn phòng nơi thi thể của nó đang nằm đó.
2. Tôi hình dung ra bối cảnh thật dịu dàng ở đây. Chúa Giêxu "cầm lấy tay đứa gái" y như tôi cầm lấy tay con gái của tôi lúc tôi nhẹ nhàng đánh thức nó.
3. Ngài phán trong Mác 5.40: "Talitha, cumi" nghĩa là "Chiên con nhỏ ơi, hãy chờ dậy!"
4. "Thì nó liền chờ dậy". Hãy tưởng tượng ra bối cảnh lúc Ngài trao nó cho bố mẹ nó! Hãy tưởng tượng những kẻ khóc mướn kia, là những người đã chế nhạo Chúa Giêxu khi đứa gái nhỏ đó chẳng còn động đậy chi nữa ở trên giường!
D. Khắp cả xứ, người ta đã chia sẻ cho nhau nỗi kinh ngạc và sự lạ lùng ấy (câu 26).
1. Mathiơ nói thêm vào: "Tin nầy đồn ra khắp cả xứ đó”. Lâu nay chẳng có một tin gì mới mẻ giống như tin nầy kể từ khi Êli làm cho con trai của người đờn bà goá sống lại!
2. Chúa Giêxu đã minh chứng, không những ơn thương xót của Ngài có cả cho người cai nhà hội nhiều quyền thế kia và người đờn bà bị bịnh mất huyết nọ, mà quyền phép Đấng Mêsi của Ngài cũng có cho kẻ chết nữa!
E. Chúa Giêxu vẫn còn làm cho kẻ chết sống lại ngày hôm nay!
1. Giăng 11.25: "Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”.
2. Mỗi người được sanh ra trong thế gian nầy đều chết về mặt thuộc linh. Chúa Giêxu bởi ơn thương xót của Ngài làm cho kẻ chết về mặt thuộc linh được sống lại về mặt thuộc linh!
3. Ngài có thể ban cho bạn sự sống ngay hôm nay!
PHẦN KẾT LUẬN: Bạn có bao giờ để ý tới Giêxu nầy chưa? Ngài chưa hề dự một đám tang trọn vẹn nào hết! Ngài làm cho mỗi đám tang mà Ngài đến dự bị hư hỏng đi. Ngài có thể nắm lấy tang lễ của bạn rồi biến nó thành một sự hồi cư đầy vui mừng nếu bạn chịu đến với Ngài bằng sự hạ mình và đức tin!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét