Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Mathiơ 10.1-15: "Hạng người trong công cuộc truyền giáo"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Hạng người trong công cuộc truyền giáo
Mathiơ 10.1-15
1. Ở cuối chương 9, chúng ta đọc thấy những lời lẽ nổi tiếng của Chúa Giêxu về "mùa gặt" trong các câu 37-38. Chúa Giêxu phán với các môn đồ Ngài rằng: "Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít". Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã sửa soạn mọi sự quanh chúng ta ở mọi thời đại, để gặt lấy con người, Ngài kéo họ ra để cho họ được cứu. Vấn đề ở đây, ấy là có ít Cơ đốc nhân bằng lòng làm “con gặt”, có ít người bằng lòng làm chứng nhân để thuật lại cho dân “sẵn lòng” nầy biết về Chúa Giêxu. Thực ra, Chúa Giêxu tiếp tục dạy dỗ các môn đồ Ngài nên "cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình". Từ những câu đi trước, tôi tiếp thu ý kiến cho rằng họ đang đứng bên sườn núi nhìn xuống thành phố hay nhìn xuống đoàn dân đông kia. Mặc dù điều nầy đặc biệt không được nhắc tới, tôi đoán hết thảy họ đều quì gối xuống và Chúa Giêxu hướng dẫn họ cầu xin cho có những "con gặt" ngay khi đó.
2. Suốt cuộc đời tôi, tôi đã nghe mấy câu nầy được sử dụng trong vô số bài giảng và các bài học Kinh thánh dạy cho nhân sự biết cầu xin Đức Chúa Trời kêu gọi thêm nhiều vị Mục sư, Truyền đạo, các Nhà truyền giáo cùng những vị Giáo sĩ. Vì một lý do nào đó, chúng ta kết từ ngữ “con gặt” với những vị Mục sư chuyên nghiệp. Mặc dù Đức Chúa Trời chắc chắn đang kêu gọi những con người đặc biệt bước vào các công trường truyền giáo đặc biệt, tôi tin mấy câu nầy đã được áp dụng cho con cái của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải cầu xin Đức Chúa Trời “sai phái” từng con cái của Đức Chúa Trời.
3. Tới điểm nầy, Chúa Giêxu đã một mình phục sự. Mười hai môn đồ đã theo Ngài nhưng chẳng tham dự vào chức vụ của Ngài, họ giống như những sinh viên và quan sát viên mà thôi. Trong khi dạy họ phải cầu xin về "con gặt", Chúa Giêxu đã kêu gọi họ phải trở thành “con gặt”.
4. Tôi chưa nhấn mạnh đủ về tầm quan trọng thiết thực của sự cầu nguyện trong công cuộc truyền giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ cầu xin Đức Chúa Trời sai phái nhân sự đi ra để thuật cho kẻ bị hư mất biết về Chúa Giêxu, nhưng tự chúng ta chưa sẵn lòng để làm chứng cho Ngài, những lời cầu nguyện của chúng ta là không thành thật và giả hình. Nếu chúng ta có lòng chân thành quan tâm đến kẻ bị hư mất, chúng ta cũng sẽ cầu nguyện bằng những lời cầu nguyện xưa kia do tiên tri Êsai thốt ra: "Có tôi đây! Xin hãy sai tôi” (Êsai 6.8).
5. Từ mấy câu nầy, chúng ta sẽ tiếp nhận sự dạy mà Chúa Giêxu đã ban ra cho các môn đồ Ngài về công cuộc truyền giáo ngắn hạn tại xứ Galilê. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản của chức vụ được thấy ở đây là rất phổ thông và áp dụng cho từng chức vụ hôm nay.
I. CHÚA GIÊXU KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỒ NGÀI (các câu 1a, 2-4).
A. Chúa Giêxu đã ký thác tin lành cho các môn đồ Ngài (câu 1a).
1. Động từ theo sau chữ "gọi" rút ra từ chữ proskaleo (pros-kal-eh'-o) sát nghĩa là "gọi trước".
2. Về mặt thực tế, chữ nầy có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Nó có nghĩa là: "kêu gọi ai đó đến gặp hầu cho giáp tận mặt". Trong quân đội, nó có nghĩa là báo cáo cho cấp trên các thứ lịnh lạc.
3. Khi câu nầy nói rằng Chúa Giêxu: "gọi mười hai môn đồ đến", gọi như thế không phải để nói chuyện tùy tiện đâu. Gọi như thế với mục đích nhận lịnh lạc, để được uỷ nhiệm công vụ. Hãy chú ý trong câu 1, họ được gọi là "mười hai môn đồ" nhưng trong câu 2 họ được gọi là: "mười hai sứ đồ". "Môn đồ" là những người học việc; "sứ đồ" là những người được sai đi. "Môn đồ" là những học viên. "Sứ đồ" là các giáo sĩ. Chúa Giêxu đã ký thác cho họ với một chức vụ riêng biệt.
4. Cũng một thể ấy, Chúa Giêxu ký thác cho từng tín đồ với đặc ân trở thành một con gặt (Mathiơ 28.19-20; Công vụ các sứ đồ 1.8). Hãy đưa ra những câu hỏi quan trọng nầy: “Tôi có minh chứng mình xứng đáng với sự tin cậy của Chúa Giêxu chưa? Tôi có chịu ra đi không?
5. Chúng ta là một Hội thánh ai cũng biết là đang dạy dỗ Kinh thánh. Chúng ta có sự thờ phượng, sự hiệp một, sự dạy dỗ rất trang trọng. Tuy nhiên, trừ phi chúng ta đi ra với tin lành, chúng ta chưa phải là một Hội thánh trưởng thành. Trong đời sống cầu nguyện của tôi cho Hội thánh của chúng ta, tôi dám chắc về sự thiếu lòng quan tâm đối với kẻ bị hư mất trong cộng đồng của chúng ta. Chúng ta cần phải tan vỡ với “lòng thương xót” của Chúa Giêxu dành cho kẻ bị hư mất.
B. Chúa Giêxu gọi đích danh các môn đồ (các câu 2-4).
1. Trong các câu 2-4, chúng ta thấy danh sách đầu tiên đích danh các môn đồ trong các sách Tin lành. Từng sách Tin lành cũng như sách Công vụ các sứ đồ đều có danh sách đó. Chúng ta có thể dành một số thời gian để học biết về từng nhân vật nầy, rồi chúng ta sẽ học tiếp.
2. Bảng danh sách tên tuổi của những người nầy cho tôi thấy rằng sứ mệnh nầy rất cá nhân đối với Chúa Giêxu, Ngài khiến cho số người nầy trở thành hạt nhân của Hội thánh Ngài.
3. Giống như Chúa Giêxu đang gọi đích danh các tín hữu nầy, để đi ra bước vào mùa gặt. Ngài cũng đang gọi đến tên của quí vị đấy. Nếu quí vị đã được cứu, quí vị đang có một trách nhiệm cá nhân, một lịnh lạc trực tiếp của Chúa Giêxu là phải chia sẽ sứ điệp Tin lành.
C. Chúa Giêxu gọi các môn đồ không phải vì họ ra gì đâu, mà là họ sẽ ra thể nào đấy thôi.
1. Quí vị có thể nói: "Thưa Mục sư, tôi không biết sẽ ra sao. Tôi chưa chuẩn bị. Tôi sợ cách những người nầy đáp ứng lại với tôi lắm!” Chúa Giêxu không gọi quí vị vì quí vị là ai, mà vì điều mà Ngài sẽ biến quí vị phải trở thành!
2. Mấy gã du đảng nầy thực chất chẳng có giá trị chi hết. Bản thân họ chẳng có một thứ chi để mang tới dâng cho Chúa Giêxu. Giống như người thợ gốm nơi cái bánh xe, Chúa Giêxu bắt lấy mấy người nầy rồi từ từ nắn đúc họ thành những chiếc bình đáng dụng cho Ngài!
3. Chúa Giêxu không yêu cầu chúng ta phải sống xứng đáng, có khả năng, hay có năng khiếu. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta phải bằng lòng để được sử dụng. Còn chúng ta thì sao?
II. CHÚA GIÊXU MẶC LẤY QUYỀN PHÉP CHO CÁC MÔN ĐỒ NGÀI (Câu 1b).
A. Từ ngữ "quyền phép" trong câu 1 rút ra từ chữ exousia. Đây là một từ có nghĩa là: "quyền theo luật pháp, pháp quyền, quyền lực". Khi một sĩ quan cảnh sát chận quí vị lại vì chạy quá tốc độ, anh ta đang sử dụng “quyền lực” hay thẩm quyền. Tôi không có thứ “quyền lực” đó.
B. Chúa Giêxu đã ban cho các môn đồ "quyền lực” mà họ không có trước đó. Họ có thẩm quyền trên "tà linh ô uế, đuổi chúng đi”. Ma quỉ giờ đây trốn tránh họ y như chúng đã trốn tránh Chúa Giêxu vậy. Họ có "quyền phép ... chữa các thứ tật bịnh". Giống như Chúa Giêxu, giờ đây họ có quyền chạm đến thân thể kẻ bịnh, và khiến thân thể ấy được lành mạnh.
C. Tại sao Chúa Giêxu lại ban cho họ các khả năng nầy? Xuyên suốt kỷ nguyên các sứ đồ, sức sống của các sứ đồ tiên khởi, Đức Chúa Trời đã ban cho con người quyền phép kỳ diệu nầy giống như "các ân tứ bằng dấu hiệu". Không một phần tham khảo nào trong Tân ước mà các dấu nầy không xác định uy quyền cho sứ điệp mà họ đang rao giảng. Đây là giấy uỷ nhiệm, là môn bài, là chứng từ, v.v...
D. Chúa Giêxu ban cho từng tín đồ uy quyền của Đức Thánh Linh. Trong Công vụ các sứ đồ 1.8, Chúa Giêxu phán: "Nhưng các ngươi sẽ nhận lãnh quyền phép khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi". Khi quí vị được cứu, quí vị sẽ chịu báptêm bởi Đức Thánh Linh và Ngài sẽ ngự trong lòng của quí vị. Ngài cư trú thường trực ở trong mỗi tín đồ. Quyền phép của Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới đang hiện hữu trong chính thân thể của quí vị.
E. Đức Chúa Trời sẽ không buộc quí vị phải làm một việc gì mà Ngài không mặc quyền phép cho quí vị lo làm. Khi Đức Chúa Trời yêu cầu quí vị phải làm chứng cho ai đó biết về Chúa Giêxu, Ngài không để cho quí vị thực thi công việc ấy bằng chính sức riêng của quí vị đâu! Đức Thánh Linh sẽ mặc lấy quyền phép cho những gì quí vị làm chứng trong danh Chúa Giêxu.
III. CHÚA GIÊXU ĐIỀU KHIỂN CÁC MÔN ĐỒ NGÀI (các câu 5-6).
A. Các môn đồ đã nhận lãnh lịnh lạc của Chúa Giêxu (câu 5a).
1. Chức vụ nầy có lẽ là truyền giáo ngắn hạn. Mác 6.7 nói rằng Chúa Giêxu sai phái họ ra đi “từng đôi một”. Chúa Giêxu cẩn thận giám sát họ. Giống như một con chim mẹ đưa bầy con của nó ra khỏi ổ an toàn. Chúa Giêxu đã sai phái họ ra đi giống như "con gặt vào trong mùa của mình".
2. Hãy lưu ý rằng trước tiên Chúa Giêxu "truyền" lịnh cho họ. "Truyền" ra từ chữ Hy lạp có nghĩa là: "chuyển một thông điệp”. Bản NASV dịch từ nầy là "dạy dỗ". Đó là một từ ngữ được sử dụng trong nhiều cách thức vào thế kỷ thứ nhứt.
a. Chữ nầy nói tới lịnh lạc của viên sĩ quan cao cấp trong quân đội.
b. Chữ nầy nói tới sự triệu tập phiên toà chính thức, một trát đòi.
c. Chữ nầy nói tới một lời thề thốt giữa hai người bạn, một lời nói danh dự.
d. Chữ nầy nói tới một đơn thuốc được vị bác sĩ ghi ra cho bịnh nhân.
e. Trong từng cách dùng, chữ nầy mang ý tưởng buộc phải vâng theo.
3. Quí vị có bao giờ tìm cách làm một việc gì đó mà không có phần hướng dẫn chưa? Chúa không sai phái chúng ta vào trong mùa gặt mà không có huấn thị bao giờ. Chúng ta đến với Hội thánh để nhận lãnh lời huấn thị, nghiên cứu Kinh thánh, cầu nguyện. Chúng ta ra đi để làm chứng đạo.
B. Các môn đồ không được phép gặp người dân Ngoại mà phải đi gặp người Do thái (câu 5b-6).
1. Chúa Giêxu phán rằng khi họ ra đi, họ đừng "đi đến dân Ngoại" hoặc "vào một thành nào của dân Samari cả”. Thực ra, Chúa Giêxu đã ban cho họ một mạng lịnh đặc biệt để lo rao giảng Tin lành chỉ cho người Do thái mà thôi.
2. Phải chăng Chúa Giêxu không yêu thương “dân Ngoại” và "người Samari"? Chắc là Chúa có yêu thương họ! Thực ra trong nhiều trường hợp Chúa Giêxu đã phục vụ cho họ. Sứ đồ Phaolô đã nói, Chúa: “đã chọn người nầy [Phaolô] làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại".
3. Cho phép tôi đưa ra ba lý do tại sao Chúa Giêxu đã đưa ra mạng lịnh nầy:
a. Thứ nhứt, nếu trước tiên họ đến với người không phải là người Do thái, người Do thái sẽ không tiếp rước họ.
b. Thứ hai, sẽ có khó khăn đủ để giảng đạo cho người ta theo chính văn hoá của họ, mà sứ điệp chẳng phải vượt quá các hàng rào văn hoá.
c. Thứ ba, các môn đồ cần phục vụ cho một nhóm người có hạn định. Những phần việc sẽ dễ dàng hơn khi họ là một dân đặc biệt nào đó.
4. Chúa Giêxu đã giới hạn họ chỉ "đến với chiên lạc mất của nhà Israel". Thực ra, mặc dù Ngài phục sự cho nhiều sắc tộc khác nhau, Ngài không bao giờ rời khỏi xứ Palestine. Ngài phán với một người đờn bà xứ Canaan: "Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Ysơraên đó thôi" (Mathiơ 15.24).
C. Mặc dù Sứ Mệnh Cao Cả rất phổ thông và bao quát, địa chỉ của chúng ta rất là đặc biệt và cá nhân.
1. Nếu Chúa Giêxu có một phần việc đặc biệt, nhất định, nếu Ngài ban cho các môn đồ Ngài một phần việc đặc biệt, nhất định, thì chúng ta càng phải cần tới một phần việc đặc biệt, nhất định là dường nào!
2. Nguyên tắc nầy áp dụng cho Hội thánh chúng ta. Bất cứ một chức vụ nào mà không có các mục tiêu trước, sau thì chỉ là chức vụ tầm thường mà thôi. Những chức vụ không có mục tiêu là loại chức vụ thấp kém. Chúng ta cần phải nhắm mọi nổ lực của mình vào việc tiếp cận với hạng người đặc biệt nào đó. Tôi tin rằng nhóm người đó là những gia đình chưa tin Chúa.
3. Nguyên tắc nầy áp dụng cho từng cá nhân Cơ đốc. Quí vị không thể làm hết mọi việc được đâu! Quí vị không thể dạy một lớp học, lái xe bus, hát trong ca đoàn, phục vụ 5 ban ngành, năng động trong sự thăm viếng – chứng đạo, rồi lãnh đạo một câu lạc bộ Kinh thánh Tiền Phong và có hiệu quả. Hãy xét lại các ân tứ thuộc linh của quí vị đi! Hãy cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn cho quí vị đến với những chức vụ đặc biệt có hạn và chúc phước mọi sự cho quí vị. Khi ấy quí vị sẽ đi mà có kết quả.
IV. CHÚA GIÊXU ĐANG PHÁN DẠY QUA CÁC MÔN ĐỒ CỦA NGÀI (các câu 7-8).
A. Các môn đồ phải rao giảng trong danh Chúa Giêxu (câu 7).
1. Chúa Giêxu đã ban cho họ sứ điệp họ phải rao giảng: "Nước Đức Chúa Trời đã đến gần". Tất nhiên là họ cần phải được chuẩn bị và trau chuốt cẩn thận, phải biết giải thích và làm cho sứ điệp được sáng tỏ, nhưng đó là phần chủ động của họ.
2. Người bị hư mất không cần phải học về thời kỳ tiền thiên hi niên hoặc hậu thiên hi niên. Họ không cần phải nghe tranh cãi về thần học tân hay cựu phái. Họ không cần phải nghe thuyết nầy hay thuyết kia (như thuyết Calvin chẳng hạn). Họ cần phải nghe biết về tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa Giêxu!
3. Người bị hư mất không quan tâm gì tới Hội thánh. Người bị hư mất không quan tâm đến tín điều của chúng ta. Người bị hư mất không quan tâm đến chức vụ của chúng ta. Họ đang quan tâm đến họ sẽ sống đời đời ở đâu mà thôi! Họ đang quan tâm đến việc làm sao kéo đời sống của họ lại. Chúng ta đến với Hội thánh để học hỏi, chúng ta đi ra để làm chứng.
4. Khi chúng ta chia sẻ tin lành, Chúa Giêxu đang phán qua chúng ta (I Côrinhtô 2.1-5).
B. Các môn đồ phải phục vụ trong danh Chúa Giêxu (câu 8).
1. Chúa Giêxu đã ban cho họ “quyền phép” hay uy quyền rồi. Ngài truyền cho họ phải: “chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ".
2. Mỗi phép lạ do Chúa Giêxu làm ra là một sự bày tỏ ra lòng thương xót và tình yêu thương của Ngài dành cho con người. Khả năng của sứ đồ để làm ra các việc làm lạ lùng nầy không những là xác định uy quyền trong chức vụ của họ, mà còn là những dấu hiệu chỉ ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
3. Người thế gian tiếp thu, và nhận lãnh mà chẳng hề ban cho. Các tiên tri cùng những chức vụ giả đều lấy cái tôi làm trung tâm và rất ích kỷ, luôn luôn đòi hỏi sự cúng dường mà chẳng hề bố thí. Ngược lại, là môn đồ của Đấng Christ, chúng ta cần phải động lòng thương xót cứu giúp cho những ai đang bị tổn thương. Điều nầy cung ứng uy tín cho sứ điệp của chúng ta.
4. Chúa Giêxu phán: "Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không". Các vị sứ đồ không sử dụng khả năng của họ vì lợi lộc cá nhân ích kỷ, mà vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban cho “không” các ân tứ lớn lao cho mỗi một người chúng ta. Chúng ta đang có những khả năng, sức lực, thì giờ và tài nguyên được Đức Chúa Trời ban “không” cho chúng ta. Khi chúng ta "cho không" các ân tứ nầy để giúp đỡ cho nhiều người khác, chúng ta kiếm được khả năng lắng nghe.
5. Chúa Giêxu phán qua các việc lành của chúng ta với những người khác. Trong Mathiơ 10.42, Chúa Giêxu phán: "Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu".
V. CHÚA GIÊXU TIẾP TRỢ CHO CÁC MÔN ĐỒ CỦA NGÀI (các câu 9-10).
A. Các môn đồ không phải lo lắng về tiền bạc (câu 9).
1. Chúa Giêxu phán: "Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi".
2. Khi quí vị đi nghĩ hè, có lẽ quí vị dùng loại ngân phiếu của du khách, thẻ tín dụng và có thể một số lớn tiền mặt. Bố tôi luôn luôn nói: "Đừng bao giờ ra khỏi nhà đi đâu mà không đủ tiền để trở về nhà”.
3. Chúa Giêxu đã ban cho các môn đồ Ngài một mạng lịnh ngược lại. Khi họ đi ra, họ cần phải tin cậy Chúa tiếp trợ cho mọi nhu cần của họ.
4. Tất cả các Hội thánh đều đối diện với nhu cần tài chánh từng hồi từng lúc. Tôi chẳng thường lo lắng qua các thời điểm nầy vì Đức Chúa Trời tiếp trợ cho mọi nhu cần của chúng ta, chớ không phải người ta.
B. Các môn đồ không phải lo lắng về các khoản tiếp trợ (câu 10).
1. Cái "bao" được nhắc tới trong câu 10 có lẽ là một túi đựng đồ ăn mà người ta thường mang theo khi “đi đường”. Thực vậy, Chúa Giêxu đang phán: "Thậm chí đừng mang theo túi đồ ăn trưa”.
2. Họ không nên mang theo "hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy". Áo ở đây là áo khoác ngoài đóng vai trò như áo choàng và như vai trò chiếc giường ngủ. Thường thì các du khách mang giày vì cớ địa hình địa vật. Chúa Giêxu phán họ không phải đem theo các thứ phụ thuộc, chỉ đem theo những cái cần thiết mà thôi.
3. Chúa Giêxu phán: "vì người làm việc đáng được đồ ăn" hay sự ủng hộ. Ngài đang dạy cho họ biết tin cậy nơi Đức Chúa Trời tiếp trợ cho các nhu cần của họ.
4. Tôi thích Philíp 4.19, ở đây chép: "Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ".
C. Các môn đồ không phải lo về nơi ở (các câu 11-13).
1. Chúa Giêxu bảo họ rằng khi họ vào "thành nào hay là làng nào" họ phải "hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình". "Đáng" chỉ ra bổn tánh thuộc linh hay đạo đức của chủ nhà.
2. Họ từng thấy một ngôi nhà “đáng” để cư ngụ trong đó, họ phải "ở nhà họ" cho tới lúc họ rời khỏi thành ấy. Họ không cần phải tìm kiếm loại phòng ốc đủ tiện nghi mà chi.
3. Là tín đồ chúng ta cần phải học biết sự thoả lòng. Trong xã hội chúng ta, có một sự phấn đấu liên tục để đạt cho kỳ được sự sung túc, giàu có, và nhiều của cải.
a. I Timôthê 6.6 chép: "Vả, sự tôn kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn”.
b. Trong Philíp 4.11-13, Phaolô viết: "Không phải tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.
VI. CHÚA GIÊXU ĐƯỢC TIẾP NHẬN QUA CÁC MÔN ĐỒ CỦA NGÀI (các câu 11-15).
A. Người nào tiếp nhận các môn đồ của Chúa Giêxu là tiếp nhận Chúa Giêxu.
1. Chúa Giêxu nói rằng khi các môn đồ được tiếp nhận trong trong một “ngôi nhà” họ phải “cầu bình an” cho nhà đó và nếu nhà đó "xứng đáng" cho họ ở thì “sự bình an của họ xuống cho” nhà đó.
2. Việc “cầu bình an” là từ ngữ Shalom theo tiếng Hybálai. “Sự bình an” nầy còn có ý nghĩa sâu sắc hơn, nó đề cập tới sự toàn vẹn của cả thân, hồn, thần.
3. Nói cách khác, khi người ta tiếp nhận các sứ đồ, họ phải phục vụ cho những người ấy theo một phương thức đầy đủ nhất. Họ không giữ lại một ơn phước nào đối với những người sẵn lòng tiếp rước họ.
4. Mathiơ 10.41 chép: "Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri".
5. Đôi khi Đức Chúa Trời đặt chúng ta vào những lãnh vực mà người ta không nhiệt tình lắm với Tin lành. Tuy vậy, vô luận vị trí của chúng ta là ở chỗ nào, chúng ta nên tập trung vào những người sẵn lòng tiếp đón mình nhất.
B. Người nào chối bỏ các môn đồ của Chúa Giêxu, họ đang chối bỏ Chúa Giêxu.
1. Nếu nhà ấy không “xứng đáng”, Chúa Giêxu phán: “thì sự bình an các ngươi trở về các ngươi". Đây là cách nói: "Hãy rút lại ơn phước”. Khi rời khỏi một thành hay một làng như thế, họ phải: "phủi bụi đã dính chơn các ngươi".
2. Người nào chối bỏ các tôi tớ của Chúa Giêxu, họ đang chọn chối bỏ Chúa Giêxu. Chúa Giêxu phán sự tệ hại giáng trên những kẻ nầy trong ngày phán xét còn tồi tệ hơn những gì đã xảy ra cho “thành Sôđôm và Gômôrơ”, là nơi Đức Chúa Trời đã mưa lửa và diêm sinh xuống.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét