Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 6.20-21: "Phải canh giữ đức tin như thế nào?"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Phải canh giữ đức tin như thế nào?
I Timôthê 6.20-21
Có phải quí vị có một món đồ gia bảo nào trong nhà, những của cải quí báu mà tổ phụ của quí vị đã truyền lại không? Tôi có một vài món đấy. Khi mẹ tôi qua đời, tôi đã nhận lấy quyển Kinh thánh của bà, trong đó có ghi nhiều chú thích riêng. Bố của mẹ tôi là một Mục sư. Trước khi bà qua đời, bà đã trao cho tôi một trong những quyển Kinh thánh cũng như vài quyển sách từ thư viện thần học của ông ấy, kể cả một quyển sách ghi các bài giảng của Mục sư Spurgeon vào năm 1890. Tôi có được những món quà nầy, chúng nhắc cho tôi nhớ tới đức tin có trong ông ngoại và mẹ tôi, giờ đây đức tin ấy đang ở trong tôi.
Tôi có nhiều thứ gia bảo truyền cho từ phía bên gia đình của cha tôi nữa. Bên trên chiếc áo khoác của tôi treo hai cây súng hai nòng của ông cố tôi. Khẩu súng ấy đã được mua khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Ông nội tôi là một cựu binh của Đệ I Thế Chiến. Tôi thấy những tấm ảnh ông mặc đồ bộ binh và cả đống thư từ ông viết từ những giao thông hào ở nước Pháp gửi cho mẹ, anh chị em của ông còn ở trong nước. Bố tôi là một cựu binh Đệ II Thế Chiến. Tôi có vài tấm ảnh cùng những vật lưu niệm khi ông phục vụ ở hải ngoại. Thậm chí tôi có một vài mẫu đất thuộc gia đình Wylie trong vài thế hệ. Bản thân đất đai là một của thừa kế.
Tất cả những khoản nầy nhắc cho tôi nhớ tới cơ nghiệp của tôi, về tôi là ai và tôi xuất thân từ đâu. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải bảo hộ chúng tránh khỏi hư hại và chuyển giao chúng cho con cái của tôi và con cái của con cái chúng nó, hầu cho chúng nhìn biết đôi điều về tổ phụ của chúng và đặc biệt để chúng đứng sắp theo hàng ngũ của những con người có đức tin.
Tuy nhiên, khi tôi nghĩ tới những thứ của cải nầy của gia đình, tôi nhận biết tôi có thứ gia bảo khác có giá trị chẳng có điều chi sánh được. Tôi là người nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời. Tôi được đưa vào làm con nuôi trong gia đình đời đời của Ngài. Tôi là kẻ kế tự của Đức Chúa Trời và đồng kế tự với Đấng Christ. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời qua Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ, tôi có phần trong những sự giàu có khôn xiết của thiên đàng! Ơn cứu rỗi của chúng ta là một món gia bảo vô giá phải được cất giữ, tôn trọng, gìn giữ, bảo hộ và chuyển giao.
Cách đây vài tháng, khi chúng ta bắt đầu phần nghiên cứu nầy về thư tín thứ nhứt của Phaolô viết cho Timôthê, tôi đã giới thiệu quyển sách bằng cách phác hoạ ra một đội đua tiếp sức, trong đó một vận động viên chuyền cây gậy cho vận động viên khác. Chúng ta hình dung những vận động viên mang ngọn đuốc Olympic từ thành phố nầy sang thành phố khác, chuyền nó từ vận động viên nầy sang vận động viên khác. Thực vậy, tôi đã gọi phần nghiên cứu nầy là Chuyển Giao Ngọn Đuốc.
Khi chúng ta đến với hai câu kết thúc sau cùng, chúng ta trở lại với lẽ đạo bao quát ấy. Đạo cứu rỗi của chúng ta là một món gia bảo rất quí báu được phó thác cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời. Chúng ta không giữ lấy món gia bảo ấy cho bản thân mình. Chúng ta không phải chôn nó trong hình thức thiên về với luật pháp, hay chủ nghĩa truyền thống. Chúng ta phải canh giữ của gia bảo đó và công bố nó cho thế hệ hầu đến và hiệp với Đức Chúa Trời trong công tác xây dựng vương quốc đời đời của Ngài. Trong hai câu sau cùng của I Timôthê, chúng ta sẽ xem xét bổn phận phải canh giữ đức tin và mối nguy hiểm của việc canh giữ đức tin.
I. Bổn phận phải canh giữ đức tin (câu 20a).
Phaolô rất sâu sắc trong những câu nói sau cùng nầy đến nỗi ông gọi đích danh Timôthê và phó thác cho Timôthê phần việc theo cách riêng: "Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao phó đã nấy cho con". Tên của Timôthê ra từ chữ timan và theos có ý nói tới "tôn vinh Đức Chúa Trời". Thực vậy, Phaolô đang nói: "Hỡi Timôthê, hãy sống theo tên của con! Hãy nhớ tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách canh giữ những gì Ngài đã giao thác cho con".
Chúng ta thấy Timôthê cần phải "giữ lấy" (phulakson) hay bảo vệ của cải quí giá trong lẽ thật của Đức Chúa Trời. Bức tranh bằng lời ở đây là một tốp lính La mã đang canh giữ một báu vật với mạng sống của họ. Cho nên, Hội thánh là một người lính canh. Chúng ta là "trụ và nền của lẽ thật" (3.15). "...sự giao phó đã nấy cho con" là một từ trong bản văn tiếng Hy lạp (parathekev). Đây đúng là một từ kép có ý nghĩa: "đặt bên cạnh". Từ ngữ nầy thường được sử dụng trong tiếng Hy lạp có ý nói tới một tài khoản. Khi quí vị mở một tài khoản ở ngân hàng, quí vị đang phó thác tiền bạc đã kiếm được trong sự khó nhọc cho ngân hàng. Quí vị dám giao thác, vì sự thực quí vị có thể tin cậy ngân hàng nắm giữ tiền bạc thay cho mình và hồi nó lại khi quí vị có cần.
Cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời đã mở một tài khoản với chúng ta. Ngài đã giao thác lẽ thật đã được tỏ ra của Ngài cho lòng tin cậy của chúng ta. Theo một ý nghĩa đặc biệt, tài khoản mà chúng ta phải nắm giữ, của gia bảo mà chúng ta phải giữ lấy là Tin Lành nói tới Đức Chúa Jêsus Christ, những sự thực về sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài. Chúng ta phải nhớ đến lời lẽ của Phaolô trong Rôma 1.16: "Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc". Tuy nhiên, theo một ý nghĩa rộng rãi hơn, toàn bộ lẽ thật đã được tỏ ra về Đức Chúa Trời là tài khoản của chúng ta. Chúng ta có y như Giuđe 3 chỉ ra: "là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi". Chúng ta có "hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời" và "mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính" (Công vụ các sứ đồ 20.27; II Phierơ 1.3)
Khi nói tới paratheke, là tài khoản tốt lành đã được ký thác cho chúng ta, Giáo phụ Hội thánh Vincent xứ Lerins đã hỏi: “Tài khoản ấy nói đến điều gì? Tài khoản ấy đã được giao thác cho bạn, tài khoản ấy không do bạn nghĩ ra; tài khoản ấy bạn đã nhận lãnh, tài khoản ấy bạn không tạo ra được; một thứ không thuộc về trí khôn, mà về sự học biết; không phải là điều chi riêng tư, mà là truyền thống chung; một thứ đã được đem đến cho bạn, chớ không phải là thứ mà bạn đã sáng chế ra; bạn không phải là tác giả, mà là một kẻ chỉ giữ lấy; không phải là người hướng dẫn, mà là kẻ làm theo. Hãy giữ lấy tài khoản. Hãy giữ lấy ta-lâng đức tin sao cho an toàn và không bị suy giảm đi; thứ đã phó thác cho bạn phải còn nguyên, và chuyển giao. Bạn đã nhận lãnh vàng, phải giao vàng.
Canh giữ đức tin là trách nhiệm tối cao của chúng ta. Đức tin từng được trao cho các thánh đồ đã bị tấn công từ nhiều phía, từ bên trong và từ bên ngoài. Nhiều Hội thánh chẳng dạy gì khác hơn một thứ triết lý theo đời nầy khiến cho người cảm thấy nhơn đức nhấp nháy với một vài câu Kinh thánh. Những Hội thánh khác dạy một hình thức huyền bí thuộc linh, ở đó đời sống thuộc linh dựa theo kinh nghiệm chủ quan cá nhân thay vì lẽ thật khách quan. Những Hội thánh khác giải thích lẽ thật mầu nhiệm về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời để điều chỉnh theo nhận định tiến hoá của thế gian. Vẫn có những Hội thánh khác nữa thèm khát sự thành công theo đời nầy, những đám đông, ngân sách to lớn cùng những nhà thờ lộng lẫy, họ ký thác nhiều vào công việc hơn là lẽ thật. Ở nhiều phòng tuyến, Cơ đốc nhân ngày nay rất giống với Ê-sau, họ bán đi quyền con trưởng chỉ vì một tô canh phạn đậu.
Quí vị chẩn đoán sức khoẻ của một Hội thánh như thế nào? Có nhiều người nghĩ, nếu một nhà thờ rộng lớn, nó phải mạnh khoẻ thôi. Nhà hàng McDonald là một nhà hàng lớn nhưng nó thường không làm đồ ăn ngon. Nhiều người khác tìm kiếm nhạc hay, sự thân mật dịu dàng, những chương trình thật sôi nổi và những cá tánh ân cần của Mục sư và Ban Trị Sự. Tuy nhiên, theo I Timôthê, ưu điểm quan trọng nhất cho một ngôi nhà thờ là phải công bố rõ ràng lẽ thật của Đức Chúa Trời, canh giữ tốt tài khoản và chuyển giao nó nguyên vẹn cho thế hệ kế tiếp.
Chúng ta canh giữ đức tin như thế nào? John MacArthur cung ứng một vài đề nghị
 Thứ nhứt, chúng ta phải TIN theo Lời của Đức Chúa Trời. I Giăng 2.14 chép: "Hỡi phụ lão, tôi đã viết cho các ông, vì các ông đã biết Đấng có từ lúc ban đầu. Hỡi kẻ trẻ tuổi, ta đã viết cho các ngươi, vì các ngươi là mạnh mẽ, lời Đức Chúa Trời ở trong các ngươi, và các ngươi đã thắng được ma quỉ".
 Thứ hai, chúng ta phải TÔN CAO Lời của Đức Chúa Trời. Gióp 23.12 chép: "Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài, vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi".
 Thứ ba, chúng ta phải YÊU MẾN Lời của Đức Chúa Trời. Thi thiên 119.97 chép: "Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy".
 Thứ tư, chúng ta phải VÂNG THEO Lời của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.31: "Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta".
 Thứ năm, chúng ta phải CÔNG BỐ Lời của Đức Chúa Trời. II Timôthê 4.2 chép: "hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi".
 Thứ sáu, Chúng ta phải BẢO VỆ Lời của Đức Chúa Trời. Giuđe 3 chép: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi".
 Thứ bảy, chúng ta phải HỌC HỎI Lời của Đức Chúa Trời. II Timôthê 2.15 chép: "Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật".
Thật vậy, hơn hết bất cứ điều chi khác, chúng ta muốn Hội thánh của chúng ta được mọi người biết đến là một Hội thánh vốn yêu mến và giảng dạy Kinh thánh. Sẽ ra sao nếu chúng ta mất đi lòng tin quyết ấy? Sẽ ra sao nếu chúng ta không cẩn thận canh giữ đức tin? Khi ấy sứ điệp sẽ tuột dốc. Hình thức thiên về với luật pháp sẽ phát sinh. Chủ nghĩa truyền thống sẽ nắm lấy quyền bính. Chủ nghĩa đổi mới sẽ luồn lách vào. Chúng ta có một sự tin tưởng thánh. Chúng ta có một của gia bảo quí báu. Chúng ta đừng hạ cây gậy xuống, song phải dạn dĩ chuyển giao ngọn đuốc cho thế hệ các tín đồ nối tiếp.
II. Mối nguy hiểm của việc canh giữ đức tin (các câu 20b-21).
Không những chúng ta có bổn phận thực thi sự canh giữ đức tin, mà chúng ta còn có mối nguy hiểm phải lẫn tránh nữa. Phaolô bảo Timôthê rằng Timôthê phải "tránh những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ bằng tri thức ngụy xưng là tri thức" rồi kế đó nói thêm "Ấy vì muốn luyện tập tri thức đó, nên có người bội đạo".
Chúng ta muốn nắm chặt lấy đạo chính thống của Kinh thánh và dầu gì đi nữa cũng không bội đạo ấy. "Tránh" ra từ chữ có nghĩa là "gạt qua một bên, xây khỏi". Hãy hình dung một võ sĩ quyền anh theo tiếng chuông đã xây khỏi cú đấm của đối thủ. Hãy tưởng tượng việc chuyển hướng chiếc xe của bạn tránh khỏi một chướng ngại vật nào đó trên đường xa lộ. Đấy là ý nghĩa ở đây. Là tín đồ, chúng ta sẽ gặp gỡ nhiều sự dạy tìm cách lôi kéo chúng ta ra khỏi đức tin theo Kinh thánh. Khi chúng ta gặp những mối nguy hiểm như vậy, chúng ta cần phải lách khỏi chúng mà tránh né chúng.
Đặc biệt chúng ta cần phải tránh né những điều nào? Trước tiên, chúng ta phải tránh né, "những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ". "Những lời hư không phàm tục" ra từ chữ bebelos và cơ bản nó có nghĩa là "vô thần" hay "thế tục". Chữ nầy được sử dụng nguyên để đề cập tới bất cứ điều chi ở ngoài đất thánh của đền thờ người Hy lạp. "Những lời hư không" là từ kép kenophonias. Kenos có nghĩa là "hư không". Phone có nghĩa là "giọng nói" hay "âm điệu". Kết lại với nhau thì có nghĩa là nói năng hư không, thấp hèn, vô mục đích.
Phaolô cũng bảo Timôthê phải tránh "những sự cãi lẽ". Chữ nầy ra từ chữ antitheseis từ đó chúng ta có chữ "antithesis" có nghĩa là "đối lập". Chữ nầy đề cập tới những sự dạy giả dối mâu thuẫn hay đối lập với lẽ thật chính thống. Cả người Hy lạp và người Do thái đều thích tranh luận các quan điểm thần học và lý luận. Họ sẽ tiếp diễn trong nhiều ngày tranh luận nhiều vấn đề ít nhiều gì phải mang lấy trong cuộc sống. Những cuộc đấu khẩu về sau tranh cãi những thắc mắc như: làm thể nào các thiên sứ có thể đứng trên đầu một ngón chân. Phaolô đang bảo Timôthê không nên lao vào những cuộc luận lẽ hư không của họ, đừng dấn thân vào những cuộc tranh luận vô mục đích với hạng người thể ấy. Thay vì thế, Timôthê cần phải nắm chặt lấy đức tin bằng cách biến những người không tin Chúa thành ra hạng môn đồ của Ngài.
Timôthê không cần phải dấn thân vào quá sâu với những cuộc tranh luận như thế vì "muốn luyện tập tri thức đó, nên có người bội đạo". Có người đã bị lừa dối bởi sự dạy giả dối như thế đến nỗi họ đã xây khỏi lẽ thật của Kinh thánh và vặn cong Tin Lành. Điều nầy vẫn còn đương tiếp diễn hôm nay.
Trải qua hai tuần vừa qua, quí vị đã được giới thiệu kiểu bội đạo xưa kia tái hiện với danh xưng hiện đại "thuyết hữu thần mở rộng". Về mặt cơ bản, thuyết nầy dạy rằng tương lai thì chẳng ai biết, kể cả Đức Chúa Trời. Thuyết thần học mở rộng (Open theism) chối bỏ quyền tể trị của Đức Chúa Trời, sự toàn năng của Ngài và tính siêu việt của Ngài. Êsai 46.10 mô tả bổn tánh của Đức Chúa Trời như sau: "Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý'".
Thuyết thần học mở rộng đang hoạt động lan tràn giữa vòng những nhà thần học tự do, họ không nắm chắc tính không thể sai lầm của Kinh thánh. Họ vặn cong Kinh thánh để tạo ra một Đức Chúa Trời theo sự sáng chế riêng của họ. Cho phép tôi trưng dẫn cho quí vị thấy từ bài viết từ tờ báo Baptist có đề tựa là Cooperative Baptists, Texas Partners Ponder Whether God Knows the Future: “Có phải Đức Chúa Trời biết rõ điều chi sẽ xảy ra ở kỳ Hội đồng Cooperative Baptist Fellowship vào năm tới không? Có thể lắm, mà cũng có thể không, đã kết thúc kỳ họp vào ngày 28-6 ở buổi họp quốc nội CBF năm nay. Buổi họp, dưới quyền chủ toạ của nhà thần học Fisher Humphreys và Mục sư Phil Wise, trên diễn đàng của Cooperative Baptists kêu gọi phải chú ý đến ý tưởng cho rằng Đức Chúa Trời không biết được tương lai gì hết...Humphreys là một giáo sư tại Trường Thần Học Beeson của Đại học đường Samford và Wise là Mục sư của Hội thánh Báptít Đầu Tiên ở Dothan, Ala. Buổi hội thảo về thuyết Thần học mở rộng, được Humphreys và Wise trình bày rất chi tiết căn cứ theo những mốc lịch sử, của giáo lý và theo Kinh thánh về thuyết thần học mở rộng, cùng với một sự phân tích tình trạng tranh luận hiện tại..
Ngược lại với tình trạng mà các nhà lãnh đạo Southern Baptist và những nhà truyền đạo thuộc phái bảo thủ đang nắm giữ, họ lưu ý những nhà truyền đạo như Clark Pinnock, John Sanders và Gregory Boyd đề nghị rằng Đức Chúa Trời không biết được tương lai vì tương lai chưa thể hiện ra cho người ta biết. Những người theo thuyết thần học mở rộng tương tự cho rằng Đức Chúa Trời đôi khi trong Kinh thánh đã rất ngạc nhiên, học được các thông tin mới và đổi ý của Ngài. Trong khi Humphreys và Wise chưa hoàn toàn sẵn sàng khi đưa ra thuyết thần học mở rộng tại buổi họp chẳng có ai đưa tay tán thành, họ kêu gọi Cooperative Baptists phải thăm dò có thể khả năng của Đức Chúa Trời biết rõ mọi sự trong quá khứ, hiện tại và tương lai có thể là phi Kinh thánh. Humphreys nói: "Chúng ta không tin chắc thuyết thần học mở rộng là theo Kinh thánh, nhưng chúng ta nghĩ thuyết ấy cần được xem xét trong Hội thánh và các trường học của chúng ta".
...Các nhà lãnh đạo cùng những kẻ tham dự hội nghị dường như được tiêu khiển bởi tính trầm trọng với đó phe bảo thủ từ chối đề nghị thuyết thần học mở rộng. Wise chỉ vào đề tựa: "Lập Đức Chúa Trời theo hình ảnh con người", một sách nói về thuyết hữu thần do nhà thần học Norman Geisler viết, ông nói: "Nghe đáng ngại quá, có phải không?" phòng họp đã đáp lại với tiếng cười. Khi ấy ông chỉ vào "lời tựa đầy đe doạ" của quyển "God's Lesser Glory", do Bruce Ware viết ra, ông là giáo sư thần học và chủ nhiệm khoa Thần học viện Báptít Nam Phương ở Louisville, Ky. Tương tự, những người tham dự đã bật cười khi Wise trưng dẫn đánh giá của Roger Nicole, một tín đồ Báptít Nam Phương, rằng thuyết thần học mở rộng là "chứng ung thư " trong công cuộc truyền giáo của nước Mỹ.
"Ông ta không phải là nhà phẫu thuật mà tôi muốn có" Wise đã châm biếm. Wise cũng chỉ ra những cuộc tranh luận của trưởng khoa Thần học viện Báptít Đông Nam L. Russ Bush ở lần họp năm rồi của Hội Thần Học Tin Lành rằng thần học mở rộng làm suy yếu tính không sai sót của Kinh thánh. Đức Chúa Trời là Đấng chẳng biết chi hết về tương lai, Bush bàn bạc, không thể bảo đảm cho quyển Kinh thánh không sai sót vì Đức Chúa Trời đưa ra những lời tiên tri đặc biệt mà, trong nhận định rộng rãi, Ngài không chắc sẽ ứng nghiệm.
"Tôi sẽ để mặc ông ta", Wise nói, trước tiếng cười đùa của khán thính giả. Wise đã sánh sự chống báng của phe bảo thủ đối với thần học mở rộng với những tranh luận về Kinh thánh khi nhắm vào tính chính xác của Kinh thánh. Phòng họp đầy tiếng cười đùa khi Wise cho rằng những sự bàn bạc của phe bảo thủ chống lại thần học mở rộng đôi khi "sử dụng cách bàn bạc, chiều hướng hành động có thể dẫn đến tai hoạ, tất nhiên là điều mà tất cả chúng ta đều rất quen thuộc với".
Wise nói rằng có người từ chối thần học mở rộng chỉ vì họ đã bị đồng nhất trong những cuộc tranh luận về thần học và theo Kinh thánh về địa vị, chỉ tin cậy vào cuộc tranh luận của những kẻ chống đối thuyết thần học mở rộng. Wise kể rằng người bạn giáo sư của ông, mới đây khi nói tới cuộc tranh cãi về thần học mở rộng, đã đáp lại rằng ông ta tin "Đức Chúa Trời nhìn biết mọi sự".
Wise nói: "Sau khi chúng tôi trao đổi xong, ông ta kết luận rằng ông ta có một nhận định rất thành kiến". Trong lúc đối đáp với nhau, hầu hết những kẻ tham dự dường như bằng lòng ôm lấy quan điểm của thuyết thần học mở rộng. Một người bình luận: "Khi có điều chi chưa xảy ra, nó không có ở đó, và chẳng có ai biết được điều đó, thậm chí Đức Chúa Trời cũng không biết". Một người khác chỉ vào trưng dẫn do nhà thần học Frank Tupper rằng: "Đức Chúa Trời luôn luôn làm mọi sự mà Ngài có thể" để ngăn cản những việc xấu xa đừng xảy ra. Tupper là một cựu giáo sư thần học tại Thần học viện Nam Phương, giờ đây ông đang dạy ở Trường Thần Học Wake Forest, một học viện bạn của CBF. Quyển sách của Tupper có đề tựa: "Một xì căng đan" luận rằng Đức Chúa Trời bị giới hạn không những trong tri thức của Ngài về tương lai, mà còn trong quyền phép của Ngài để ngăn ngừa điều ác nữa.
...Một người khác thắc mắc, ông ta nói thuyết thần học mở rộng hiểu về việc Đức Chúa Trời kiếm được thông tin mới và đã đổi ý của Ngài sẽ giúp hiểu biết lẽ đạo nói tới ơn cứu rỗi. "Đức Chúa Trời phán với Ápraham: 'Ta sẽ chúc phước cho người nào chúc phước ngươi và ruả sả kẻ nào rủa sả ngươi' và khi ấy Đức Chúa Trời đã ném cho Ápraham một quả banh, rồi nói: 'Ta sẽ đổi ý – ngươi cần phải tin theo Đức Chúa Jêsus Christ thì mới được cứu" người tham dự hội nghị nói: "Cần phải có một phương thức khác để hiểu biết câu nói nầy".
Hỡi Hội thánh, những thứ tà giáo như "thuyết thần học mở rộng" là lý do tại sao chúng ta cần đạo thật. Muốn canh giữ đạo thật, chúng ta phải nhìn biết lẽ thật. Thần học bản thân nó không phải là một cứu cánh. Nó là một dấu chỉ đường cho chúng ta biết chúng ta đang đi đúng đường. Chúng ta không đến với một dấu chỉ đường và suy nghĩ chúng ta đã đến tại thành phố. Chúng ta đi theo những dấu chỉ đường mà đến tại thành phố. Chúng ta không tôn vinh thần học. Chúng ta để cho thần học chính thống dẫn dắt chúng ta vào một sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và khi ấy chúng ta ca tụng sự hiện diện của Ngài.
Chúng ta có một Tin Lành thanh sạch hôm nay vì tổ phụ chúng ta trong đức tin đã nắm giữ đạo thật ở giữa đủ thứ bắt bớ và tà giáo. Cho phép tôi kết thúc với một khổ thơ từ bài thánh ca Đức tin của Tổ phụ chúng ta. Nguyện khổ thơ ấy thách thức chúng ta cứ tiếp tục bước trên đường:
Đức tin của tổ phụ chúng ta! Vẫn còn sống động
Bất chấp ngục tối, lửa và gươm.
Trái tim chúng ta hoà nhịp với vui mừng
Bất cứ khi nào
chúng ta nghe thấy từ vinh hiển đó!
Tổ phụ chúng ta, bị xiềng xích trong ngục tối,
Vẫn thấy tự do trong tấm lòng và lương tâm.
Số phận của con cái họ êm đềm dường bao,
Nếu họ, giống như tổ phụ dám chịu chết cho Ngài!
Đức tin của tổ phụ chúng ta!
Là đức tin thánh khiết!
Chúng ta sẽ trung tín với Ngài cho đến chết!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét