Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Mathiơ 12.22-32: "Tội không đáng tha thứ"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Tội không đáng tha thứ
Mathiơ 12.22-32
1. Hết lúc nầy đến lúc khác, có người đến hỏi tôi: "Thưa Mục sư, ông có tin vào tội không đáng tha thứ không?" Những điều họ muốn nói là tôi có tin rằng có người phạm tội tồi tệ đến nỗi Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ tha thứ cho người ấy chăng? Liệu có người trở thành tay giết người, say xỉn, hư hỏng, lừa đảo, v.v... đến nỗi người ấy đã đi quá mức ân điển của Đức Chúa Trời không? Không, tôi không tin như thế đâu!
2. Đức Chúa Trời của chúng ta được đánh dấu bằng sự tha thứ.
A. Thi thiên 86.5 chép: "Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha thứ cho, ban sự nhơn từ dư dật cho những người kêu cầu cùng Chúa".
B. Thi thiên 103.3 cho biết: "Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bịnh tật ngươi".
C. Đaniên 9.9 nhắc cho chúng ta nhớ: "Những sự thương xót và tha thứ đều thuộc về Chúa là Đức Chúa Trời chúng tôi; bởi chúng tôi đã bạn nghịch cùng Ngài".
D. Xuất Êdíptô ký 34.6-7 chép: "Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhơn tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời".
3. Kinh Cựu Ước đầy dẫy với những điển hình về sự tha thứ của Đức Chúa Trời, nào là Ađam và Êva, Ápraham, Ysác, Giacốp, Môise. Di sản của nước Israel là di sản của tội lỗi và sự tha thứ.
4. Kinh Tân Ước có nhiều sự dạy về ơn tha thứ của Đức Chúa Trời.
A. Êphêsô 1.7 chép: "Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài".
B. 1 Giăng 1.9 chép: "Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác".
C. Tội lỗi tệ hại nhất mà chúng ta có thể hình dung được là tội giết chính Con một của Đức Chúa Trời đang khi Ngài ra sức tìm cứu chúng ta. Ấy là từ trên thập tự giá, Chúa Giêxu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. Đoạn, họ bắt thăm chia nhau áo xống của Ngài" (Luca 23.34).
5. Ở một chừng mực nào đó, thậm chí Đức Chúa Trời tha thứ cho tội chối bỏ Đấng Christ, vì trước khi chúng ta trở thành người tin Chúa, hết thảy chúng ta đều là hạng người chối bỏ Đấng Christ.
6. Mặc dù ít nhất là một năm trước khi Chúa Giêxu bị người ta đóng đinh trên thập tự giá, các cấp lãnh đạo tôn giáo đã xem Ngài là một mối đe doạ cho Do thái giáo và bắt đầu tỏ vẽ thù nghịch tấn công vào Ngài.
I. Một sự chữa lành đáng ngạc nhiên (các câu 22-23).
A. Chúa Giêxu chữa lành cho kẻ mắc nhiều chứng bịnh (câu 22).
1. Câu 15 cho chúng ta biết rằng "có nhiều người" đã đi theo Chúa Giêxu và "Ngài chữa lành cả". Có lẽ người nầy mới vừa đến. Ông ta không thể tự mình đi theo Chúa Giêxu nên có mấy kẻ "đem" ông ta đến với Ngài.
2. Ngày nay, người ta hiếm khi tìm gặp Chúa Giêxu bằng sức lực riêng của họ. Họ phải được "đem đến".
3. Người nầy có hai nan đề: về thuộc linh và về thuộc thể. Nói theo cách thuộc linh, ông ta đã bị "quỉ ám". Về mặt thuộc thể, ông ta bị "đui" và "câm" , và chắc chắn là điếc nữa, một khi điếc hay đi đôi với câm.
4. Chúa Giêxu đã thực thi quyền phép của Ngài trên cả hai lãnh vực và đã “chữa lành’ cho người đó. Ông ta là người đã bị “đui và câm” giờ đây đã "nói và thấy được".
B. Đoàn dân đông lấy làm lạ (câu 23).
1. Thật là lạ lùng và ngay lập tức, linh hồn đáng thương nầy đã được giải phóng cho. “Đoàn dân đông” nhận rõ sự chữa lành nầy.
2. "Lấy làm lạ" ra từ một từ ngữ Hy lạp không phổ thông lắm có nghĩa là "không giữ bình tỉnh được". Những định nghĩa khác bởi các nhà ngôn ngữ học, tỉ như: "hoàn toàn kinh ngạc", "trong lòng lấy làm lạ và kinh ngạc", "ý thức bị đánh gục", “vẽ kinh ngạc lộ ra nơi tâm trí".
3. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta không thể thấy rõ hết, phép lạ đặc biệt nầy đã thắng hơn họ, đoàn dân đông. Phép lạ nầy được phân biệt hiển nhiên với nhiều phép lạ khác.
4. “Đoàn dân đông” trong chính ngày đó đã nhìn thấy Chúa Giêxu làm ra nhiều sự chữa lành. Không một ai phản kháng khả năng chữa lành của Ngài. Tuy nhiên, vì cớ phép lạ phi thường nầy, người ta đã lấy làm lạ khi hỏi: "Có phải người đó là con cháu vua Đa-vít chăng?"
5. "Con cháu David" là tước hiệu của Đấng Mêsi.
II. Một lời vu cáo lố bịch (các câu 24-30).
A. Người Pharisi chỉ ra nguồn quyền phép của Chúa Giêxu (câu 24).
1. Có lẽ chính thắc mắc về địa vị của Đấng Mêsi khiến cho người Pharisi góp ý cho chúng ta thấy một lời đề nghị lố bịch như thế. Rõ ràng đây là câu nói mà lẽ ra không nên nói ra.
2. Họ nói Chúa Giêxu "nhờ Bêên-Xêbun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi". Đây là câu nói tương phản với cách nói cho Ngài là “Con cháu David’. “Bêên-Xêbun” là danh xưng của một vị thần xứ Canaan mà dân xứ ấy gọi là “chúa quỉ".
3. Với sự thù ghét, họ đang ra sức đầu độc “đoàn dân đông” chống lại Chúa Giêxu.
B. Chúa Giêxu chỉ ra sự lố bịch trong lời vu cáo của họ (các câu 25-26).
1. Thứ nhứt, hãy chú ý rằng Chúa Giêxu "biết ý tưởng họ". Mặc dù họ cứ đẩy đưa lời nói vu lố bịch nầy qua đám dân đông, Chúa Giêxu vốn biết rõ họ đang suy nghĩ và đang nói gì. Vì vậy Ngài đã giảng cho họ nghe.
2. Ngài phán rằng bất kỳ "nước" nào "tự nó chia xé nhau" sẽ dẫn tới chỗ "bị phá hoang" và bất kỳ "một thành hay một nhà mà chia xé nhau thì không còn được". Sự tranh chấp nội bộ dẫn tới sự hủy diệt. Abraham Lincoln đã trưng dẫn câu nói nầy để chỉ ra thảm họa của cuộc Nội Chiến.
3. Mặc dù Satan là cha của kẻ nói dối, chắc chắn hắn sẽ không để cho các thế lực của hắn đánh đấm lẫn nhau hoặc hắn sẽ hủy diệt chương trình của hắn.
4. Hiểu như thế nầy thì rất là hợp lý: "nếu Satan đánh đuổi Satan, hắn sẽ tự chia xé mình" và "nước" của hắn sẽ không sao “còn” được.
C. Chúa Giêxu chỉ ra lời vu cáo của họ là quá thành kiến (câu 27).
1. Chúa Giêxu phán rằng nếu họ nói Ngài đã đuổi quỉ bằng quyền phép của Satan là đúng, thế thì bởi đâu “các con” của họ trừ quỉ cho được?
2. "Các con" có ý ám chỉ đến các môn đồ hay những kẻ theo họ. Chắc chắn có những người Do thái đã luyện tập phù phép. Josephus nói cho chúng ta biết là họ thường sử dụng bùa ngải phù chú cùng các nghi thức thờ lạy hình tượng để đuổi quỉ.
3. Hãy mở ra Công Vụ các Sứ Đồ 19.13-14 để thấy rõ bằng chứng về cách thực hành nầy.
4. Chúa Giêxu chỉ ra là họ đã chấp nhận các thứ phù chú mà “các con” của họ đã ra sức thực thi như một phần đức tin của họ, nhưng đã từ chối không chấp nhận quyền phép trọn vẹn của Ngài thắng hơn các thế lực của ma quỉ và khả năng của Ngài chữa lành mọi thứ tật bịnh, họ tố cáo Ngài đang làm việc cho Satan!
5. Khi một lý trí có thành kiến, nó không nhìn thấy một điều chi tốt đẹp hết. Một số tín đồ có thành kiến với nhà thờ hay hệ phái khác đến nỗi mọi lập luận của họ không cho phép họ nhìn thấy một việc làm nào tốt đẹp đã được làm ra.
D. Chúa Giêxu chỉ ra lời vu cáo của họ là loạn nghịch (các câu 28-30).
1. Vì rất là lố bịch khi cho rằng quyền phép của của Chúa Giêxu đã ra từ Satan, Ngài nói cho họ biết chỉ có một nguồn khả thi duy nhất mà thôi: "Thánh Linh của Đức Chúa Trời".
2. Nếu Chúa Giêxu đã “cậy Thánh Linh Đức Chúa Trời” mà làm công việc của Ngài thì công việc của Ngài chính là công việc của Đức Chúa Trời và Ngài chính là “con cháu David", là Đấng Mêsi. Nếu Ngài thực sự là “Con cháu David” thì “Nước Đức Chúa Trời " đã đến với họ rồi.
3. Lý do chính mà họ đã đưa ra một sự giải thích lố bịch như thế là vì họ đã ở trong sự loạn nghịch với Đức Chúa Trời. Các Hội thánh, những vị Mục sư, và các giáo sĩ ngày nay chắc chắn không phải là không phạm sai lầm; tuy nhiên, hầu hết những kẻ chỉ trích họ vì những kẻ ấy, bản thân họ đang ở trong sự loạn nghịch với Đức Chúa Trời rồi.
4. Chúa Giêxu đưa ra một câu hỏi có tính cách thăm dò trong câu 29. Để cướp của từ "một người mạnh sức", trước tiên người ta phải "trói người mạnh sức" lại, Satan là kẻ "mạnh sức". Để cho một người “cướp” lấy nước của Satan, người ấy cần phải mạnh sức hơn, để "trói" hắn lại.
5. Rất nhiều lần, Chúa Giêxu đã trói Satan và đã cướp lấy nhà của hắn. Ngài đã giải cứu kẻ bị quỉ ám, đã chữa lành cho người què, kẻ bị mù, người câm điếc và tật bịnh. Thậm chí Ngài còn làm cho kẻ chết sống lại nữa! Chúa Giêxu đã bước đi trên mọi lãnh vực của Satan và hắn đã vô quyền không cản chi được Ngài! Tuy nhiên, với sự loạn nghịch có trong tấm lòng của họ, người Pharisi đã từ chối không chịu tin.
6. Chúa Giêxu phán: "Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta". Chúng ta không công khai chống đối Chúa Giêxu để bị xem là “nghịch” Ngài, chúng ta chỉ “không” ở “với” Ngài mà thôi. Nếu quí vị không ở “với” Chúa Giêxu, quí vị đang “nghịch” lại với Chúa Giêxu.
7. Chúa Giêxu cũng phán: "Ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra". Người nào không thâu hiệp” với Ngài, cho dù họ không chống đối Ngài, vẫn "tan ra" nghịch lại Ngài.
8. Chúng ta không thể nói rằng Chúa Giêxu chỉ là một người lành, một giáo sư hay một vị lãnh đạo thuộc linh lỗi lạc. Một là Ngài làm Vua và làm Chúa của đời sống chúng ta hoặc không phải thế. Không có vùng đất trung lập nào hết. Một là chúng ta làm việc “với” Ngài hoặc “nghịch” lại Ngài. Thật là tệ hại khi vẫn có một số người “nghịch” Ngài trong danh nghĩa của tôn giáo.
III. Một tội không thể tha thứ (các câu 31-32).
A. Chúa Giêxu tha thứ từng tội lỗi và sự phạm thượng, trừ ra một tội (câu 31a).
1. Nhờ ân điển và sự thương xót của Ngài, Chúa Giêxu tha thứ mọi hình thái của “tội lỗi”. Thiên đàng có những kẻ giết người, những kẻ hư hỏng đồi trụy đã được chuộc và đã được tha thứ, họ được định cư ở đó. Nếu Đức Chúa Trời không tha thứ cho họ, Ngài không thể tha thứ cho chúng ta.
2. "Phạm thượng" là một loại “tội lỗi”, nhưng cả hai được phân ra riêng biệt trong phân đoạn nầy. Có người định nghĩa "phạm thượng" theo cách nầy "bất kính cố ý, tội cố ý ghê khiếp và công khai nói xấu nghịch lại Đức Chúa Trời thánh khiết hay chế giễu nhạo báng Ngài". Những kẻ phạm thượng đã bị ném đá trong thời kỳ Cựu Ước (Lêvi ký 24.16).
3. Chúa Giêxu phán rằng ngay cả "phạm thượng" cũng sẽ được “tha” khi tội nhân xưng tội và ăn năn.
a. Hãy lắng nghe lời lẽ của sứ đồ Phaolô trong I Timôthê 1.13-14: "ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin. Ân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta, với đức tin cùng sự thương yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
b. Khi Phierơ chối Chúa Giêxu, ông đã rủa sả và đã thề thốt, đã phạm thượng với Chúa. Tuy nhiên, Phierơ đã tìm gặp ơn tha thứ và được phục hồi.
B. Phạm thượng nghịch lại Đức Thánh Linh thì không thể tha thứ được (các câu 31b-32).
1. Hỏi: “Lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh” là lời gì?" Đáp: "Phạm thượng đến Đức Thánh Linh" là lời từ chối được lặp đi lặp lại, sau khi xem xét mọi chứng cớ, cố ý bất chấp không tiếp nhận Đấng Christ làm Chúa. Người Pharisi đã phạm phải tội không đáng được tha thứ nầy.
2. Chúa Giêxu phán rằng cho dù có ai "nói phạm đến Con Người, thì sẽ được tha". Nếu do sự thiếu hiểu biết, không hiểu Ngài là ai, ai đó chối bỏ Chúa Giêxu hoặc sử dụng danh thánh của Ngài như một sự rủa sả, người ấy vẫn có thể được “tha”. Người ấy đã nói năng hoặc hành động mà không có sự hiểu biết.
3. Tuy nhiên, người nào "nói phạm đến Đức Thánh Linh" sẽ không bao giờ được tha thứ. Tại sao? Đâu là sự khác biệt?
a. Đức Thánh Linh mong muốn nhiều người được cứu. Ngài thuyết phục chúng ta, kêu gọi và buộc chúng ta phải đến với Đấng Christ.
b. Khi có người nào, sau khi nghe và hiểu biết Tin lành, đã cố tình quay mặt đi, người ấy đã phạm thượng đến Đức Thánh Linh và bị hư mất cho đến đời đời.
4. Một người thể ấy còn có thể được cứu không? Chúa Giêxu phán người thể ấy “thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha".
5. “Làm sao một người biết mình ‘đã phạm thượng đến Đức Thánh Linh?’" Nếu một người vẫn còn tìm kiếm, vẫn còn rộng mở, vẫn có lòng tin... người ấy không chối bỏ Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, người ấy chịu phục quay trở lại trước khi đi quá xa.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét