Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 5.17-18: "Kính trọng các trưởng lão - Phần 1"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Kính trọng các trưởng lão - Phần 1
I Timôthê 5.17-18
Đức Chúa Trời luôn luôn làm cho tôi phải kinh ngạc bởi sự dạy Kinh thánh từng câu một. Thật là đáng kinh ngạc khi thấy các đề tài có liên quan với Hội thánh cứ theo từng thời điểm mà đến. Bằng chứng quá mạnh mẽ không nhất thiết phải suy diễn nữa. Đây là trường hợp với phân đoạn Kinh thánh tối nay của chúng ta. Trong mấy năm vừa qua, tôi đã tiến hành một sự nghiên cứu riêng về quan điểm của Kinh thánh nói chức vụ trưởng lão. Từ cách tra xét cẩn thận các phân đoạn Kinh thánh đến việc đọc, nghe sự dạy dỗ về những điểm thực tế, tôi tin chắc rằng Hội thánh địa phương phải được dạy dỗ và hướng dẫn bởi một nhóm người tin kính, được ơn xứng đáng.
Cách đây khoảng một năm, tôi đã đưa kết quả của sự tìm tòi riêng của mình lên toà giảng. Chúng ta đã chú giải cẩn thận sách Tít, đặc biệt là chương đầu tiên có liên quan tới sự xức dầu và các đức tính của hàng trưởng lão tại Hội thánh Cờ-rết.
Trên hết mọi sự, mục tiêu của tôi, động lực của tôi trong vai trò Mục sư/Giáo sư của Hội thánh nầy, ấy là chúng ta làm theo thật sát với tấm gương của Kinh thánh như có thể được. Khi nhắm tới mục tiêu ấy, chúng ta cẩn thận, khẫn nguyện khi chú vào nhóm trưởng lão đầu tiên của Hội thánh chúng ta. Kể từ lúc đó, số người nầy, cùng với nhiều người khác hưởng được lợi ích hầu như mỗi tuần lễ khi để thì giờ ra cầu nguyện và nghiên cứu Kinh thánh. Công việc của Đức Thánh Linh rất hiển nhiên trong mối giao thông ngọt ngào và đào sâu những mối quan hệ giữa số người nầy. Rốt lại, các trưởng lão đã đưa ra một số quyết định về chức vụ quản lý hầu bảo hộ cho Hội thánh. Trong tiến trình nầy, quan niệm được kéo dài ra và được thử nghiệm. Tôi không tin là vì tình cờ mà chúng ta đến với phân đoạn nầy tối nay, mà là do sự tể trị khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
Lẽ đạo của thư tín I Timôthê, ấy là việc chuyển giao ngọn đuốc đức tin cho các thế hệ Cơ đốc nhân tiếp nối. Để thực thi điều nầy, chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa điều chi Kinh thánh dạy và điều chi là truyền thống. Chúng ta phải gạt qua một bên: "những phù ngôn và gia phổ vô cùng" và theo đuổi "sự gây dựng tin kính" hay "công việc của Đức Chúa Trời", những ưu tiên một của Đức Chúa Trời về đức tin (1.1-5).
Sứ đồ Phaolô đã làm việc qua nhiều vấn đề trong các chương 1-4, nhưng trong chương 5 ông nhắc tới vài nhóm nhân sự khác nhau trong Hội thánh địa phương và cách thức họ cần phải gắn bó với nhau. Trong các câu 1-2, ông nói tới người "già cả" và những "kẻ trẻ". Ông nói tới "đàn bà có tuổi" và "bọn thiếu nữ". Trong các câu 3-16, một phân đoạn khá dài, Phaolô nói cho chúng ta biết thể nào Hội thánh cần phải đáp ứng với "những người đàn bà goá" đặc biệt những người nào là "thật goá", là những kẻ chẳng có một phương tiện giúp đỡ nào khác ngoài Hội thánh.
Giờ đây là một vài câu cuối cùng của chương 5, vị Sứ đồ trở lại với đề tài nhắm vào chức vụ trưởng lão. Khi quí vị đọc qua các Thư tín Mục vụ, I Timôthê, II Timôthê và Tít, quí vị để ý những gì dường như là nỗi ám ảnh đối với hàng trưởng lão. Sở dĩ như thế là vì Phaolô trong chương nào cũng nhắc tới họ cả. Tại sao chứ? Vì cấp lãnh đạo có sức sống thì Hội thánh mới có sức sống. Timôthê quả thực đã vất vả với cấp trưởng lão trong Hội thánh tại thành Êphêsô. Đấy là lý do tại sao Phaolô cẩn thận đề ra những đức tính của cấp trưởng lão trong chương 3. Đấy là lý do tại sao ông tóm tắt trách nhiệm của cấp lãnh đạo thuộc linh, đặc biệt những người chăn, họ đang hướng dẫn và trưởng dưỡng bầy chiên của Đức Chúa Trời trong chương 4.
Giờ đây, trong chương 5, chúng ta học biết nhiều về chức vụ trưởng lão bằng cách nhìn xem thể nào Hội thánh phải đáp ứng với hàng trưởng lão đang chịu khó làm việc, đủ tư cách. Tôi thực sự dự tính đi từ câu 17 qua hết chương. Tuy nhiên, thời gian không cho phép chúng ta nắm lấy nhiều thông tin hay có được từ đó những tư tưởng cần thiết. Vì lẽ đó, tôi muốn làm việc cách cẩn thận qua các câu 17 và 18 tối nay và chúng ta sẽ nhắm tới phần còn lại của chương vào tuần tới. Chúng ta hãy tiếp thu ba lẽ thật nói về sự kính trọng hàng trưởng lão.
I. Trưởng lão có trách nhiệm gấp bằng hai (câu 17a).
A. Các trưởng lão cần phải khéo cai trị.
Câu 17 chép: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Trước khi chúng ta đi xa hơn, tôi muốn quí vị gạch dưới hai trách nhiệm chính của những người đang lãnh đạo Hội thánh. Họ cần phải "khéo cai trị" và họ cần phải "chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Có người dạy rằng có hai giai cấp trưởng lão, những người nào "cai trị" và những ai chịu chức dạy "đạo". Một số Hội thánh có một trưởng lão chuyên dạy dỗ – Mục sư và một bộ phận các trưởng lão có tài cai trị, một ban bệ để đưa ra những quyết định. Tôi không nghĩ đó là những gì Phaolô đã có trong trí ở đây. Tất cả các trưởng lão cần phải "có tài dạy dỗ" (3.2) và có tài "cai trị" và "cai trị Hội thánh của Đức Chúa Trời" (3.5). Một số trưởng lão có một vai trò dạy dỗ hiển nhiên, nhưng tất cả các trưởng lão cần phải có tài cai trị và dạy dỗ.
Trước hết, các trưởng lão "khéo cai trị", điều nầy có ý nói gì? Các trưởng lão phải "cai trị" Hội thánh như thế nào? Trước tiên, chúng ta hãy học biết xem những gì cai trị không nói tới. Nó không nói tới một loại cai trị theo cách độc tài hay quân chủ. Các trưởng lão không phải là bậc vua chúa đang ngồi trên ngôi đưa ra những quyết định cách chuyên chế, độc đoán để đạt tới khoái lạc riêng của họ. Phierơ mô tả chính mình là "trưởng lão như họ" và đang: "chăn bầy của Đức Chúa Trời …"
Ông nói thêm rằng chúng ta không cần phải hành động như "quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy" (I Phierơ 5.1-3). Các trưởng lão là "bậc tiên kiến" chớ không phải là "chúa tể". Từ ngữ "cai trị" ở đây trong phân đoạn Kinh thánh của chúng ta đến từ chữ proistemi, sát nghĩa có ý nói "đứng trước" hay "đứng hàng đầu". Nó phác hoạ ra những người lính đang sánh vai nhau thành hàng ngũ. Từ nầy được dịch là "cai trị" ở Rôma 12.8; “chỉ dẫn” trong I Têsalônica 5.12, sử dụng từ nầy khi chép: "Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em". Chữ nầy được sử dụng trong I Timôthê 3 mô tả thể nào cả hai: trưởng lão và chấp sự đều cần phải "cai trị" hay lãnh đạo gia đình của họ sao cho xứng đáng.
Như chúng ta đã nghiên cứu nhiều lần trước đó, có ba từ khác biệt đề cập tới cùng một chức vụ. Thứ nhứt, "trưởng lão" đến từ chữ presbuteros đề cập tới một người tin kính, trưởng thành. Thứ hai, "Mục sư" đến từ chữ poimen có nghĩa là "chăn bầy". Sau cùng, có chữ episkopos đôi khi được dịch là "giám mục" hay sát nghĩa là "đấng tiên kiến". Cho nên sự hiểu biết theo Kinh thánh về bậc trưởng lão cai trị Hội thánh đề cập tới sự giám sát dịu dàng của họ về công việc của Chúa, chớ không phải độc tài khó chịu.
Cho phép tôi cung ứng cho quí vị những phần mô tả và bốn phân đoạn Kinh thánh thiết lập cho hạng trưởng lão cái điều được gọi là "khéo cai trị".
 "Khéo cai trị" có nghĩa là BẢO VỆ Hội thánh. Phaolô đã nói với các trưởng lão thành Êphêsô trong Công vụ các sứ đồ 20.28-29: "Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu". Hãy hình dung các trưởng lão là những người chăn bầy, họ đang cảnh giác đề phòng những cuộc tấn công của Satan.
 "Khéo cai trị" có ý nói tới LÃNH ĐẠO Hội thánh. I Phierơ 5.2 chép: "hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm". Các trưởng lão là những người chăn bầy, họ giám sát sức khoẻ của bầy chiên bằng cách hướng dẫn chúng vào những đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh.
 "Khéo cai trị" có ý nói tới CHỈ DẪN Hội thánh. I Têsalônica 5.12 chép: "Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em". "Chỉ dẫn" là quở trách hay cảnh giác nhẹ nhàng. Bậc trưởng lão không phải là vua chúa đang ngồi trên ngai, chuyên la rầy mắng mỏ dân sự, mà là những người chăn bầy, họ "có công khó" hay đang làm việc giữa vòng bầy chiên.
 "Khéo cai trị" có ý nói tới CHỊU TRÁCH NHIỆM vì Hội thánh. Hêbơrơ 13.17 chép: "Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em". Bậc trưởng lão là cấp phó trong sự chăn bầy. Chúa Jêsus là "Đấng Chăn Chiên Trưởng" (I Phierơ 5.4). Bậc trưởng lão phải "khai trình" với Chúa Jêsus về tình trạng của bầy chiên.
Thắc mắc thoạt đến trong trí về mọi sự nầy, đặc biệt về những ai trong chúng ta với lai lịch hội chúng là bậc trưởng lão có quyền đưa ra những quyết định vì ích cho Hội thánh. Câu trả lời là “Phải”. Tôi là người chăn bầy đối với Hội thánh nầy trong 10 năm rồi.
Mỗi ngày tôi đưa ra những quyết định cho Hội thánh. Những người chăn canh giữ, dẫn dắt, dạy bảo, nuôi dưỡng, khuyên dỗ bầy phải chịu trách nhiệm về bầy chiên như thế nào khi không đưa ra các quyết định về bầy!?!
Có lẽ phần phấn đấu của chúng tôi với câu nầy và nhiều câu khác giống như nó được rút tỉa từ gốc rễ dân chủ của chúng tôi. Về mặt lịch sử, bầu bán đa số chủ yếu là phát minh của người Mỹ. Chúng ta không thấy trường hợp về luật đa số nào khác trong Tân Ước và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhiều trường hợp về luật ấy trong lịch sử Hội thánh trong các nước khác. Vì cớ vấn đề dân chủ, chúng ta tranh đấu với ý niệm để cho những nhân vật nhất định nào đó đưa ra quyết định vì ích cho chúng ta.
Có bao giờ quí vị xem xét thấy chính phủ Mỹ không dân chủ chăng? Chính phủ ấy sẽ không hoạt động như một sự dân chủ đâu. Chính phủ Mỹ là chính phủ Cộng hoà, có ý nói chính phủ ấy là một chính phủ theo chính thể đại nghị. Chúng ta chọn các Tổng Thống, Thượng Nghị Sĩ, và Dân biểu cũng như các quan toà để lập, quyết định và cũng cố luật pháp của chúng ta. Nếu các giới chức của chính phủ nầy khôn ngoan, họ sẽ cẩn thận lắng nghe cử tri của họ. Họ sẽ đưa cảm xúc của chúng ta vào trong sự xem xét khi họ đưa ra những quyết định. Nếu không, họ sẽ không ở lại chức vụ ấy lâu dài đâu. Chính phủ cai trị bởi sự đồng ý của dân chúng.
Theo một hình thức tương tự, bậc trưởng lão củng phải có tư cách xứng đáng (I Timôthê 3.1-7; Tít 1.5-9), hạng người tin kính cần phải biết đưa ra những quyết định giàu ơn, công bình và xứng đáng dựa trên sự nghiên cứu của họ về Ngôi Lời và sự cầu nguyện. Những quyết định của họ sẽ phản ảnh điều tốt đẹp của cả Hội thánh và công việc của Nước Trời.
Vấn đề chính, ấy là một số tín đồ sợ rằng có một nhóm nhỏ ai đó sẽ "khởi động" Hội thánh. Đấy là lý do tại sao Phaolô nói chúng ta cần phải "kính trọng" họ, không những họ "cai trị" mà còn "khéo cai trị" nữa. Mặc dù điều đó có thể xảy ra trong một vài Hội thánh, song đấy chưa phải là kiểu mẫu theo Kinh thánh. Các trưởng lão không cần phải "khởi động" Hội thánh, mà phải "cai trị" theo ý nghĩa bảo hộ, dạy dỗ, chỉ dẫn và chịu trách nhiệm. Thẩm quyền của họ là Ngôi Lời. Trách nhiệm chính của họ là giúp đỡ Hội thánh biết làm theo Ngôi Lời. Họ cần phải nghiên cứu Kinh thánh và giải thích Kinh thánh và đưa ra những sự xét đoán hợp lẽ dựa theo Kinh thánh. Khi ấy có thắc mắc như sau: Hội thánh có tin cậy các trưởng lão đưa ra những quyết định hợp lẽ dựa theo sự nghiên cứu Kinh thánh và cầu nguyện không?
Có người nói: "Nhưng thưa Mục sư, sẽ ra sao nếu các trưởng lão sai lạc? Sẽ ra sao nếu họ sa vào tội lỗi? Sẽ ra sao nếu họ tìm cách làm ‘chúa tể’ trên Hội thánh?" Lời của Đức Chúa Trời không bỏ chúng ta lại mà không có huấn thị. Khi chúng ta xem xét những câu 19-21, Kinh thánh đề ra các huấn thị rất rõ ràng về việc xử lý các trưởng lão phạm lỗi. Trên hết, sự khôn ngoan cho thấy Hội thánh sẽ tái xác nhận các trưởng lão theo từng năm hầu cho không có một sự chỉ định nào là trọn đời trong chức vụ cả. Hơn nữa, các câu 22-25 tái nhấn mạnh tính cần thiết việc xem xét cẩn thận các đức tính của những người có thể nắm lấy chức vụ nầy.
Một câu hỏi sau cùng cần phải được đưa ra về sự cai trị của cấp trưởng lão, một số trong quí vị có thể suy nghĩ: "Có chỗ nào trong Kinh thánh nói tới Hội thánh có cả những quyết định của cấp trưởng lão không?" Có ngay đây! Công vụ các sứ đồ 15 là bối cảnh của giáo hội nghị Jerusalem quyết định vấn đề dân Ngoại trở lại đạo có chịu phép cắt bì và truyền cho họ giữ Luật pháp Môise hay không!?! "Các sứ đồ và các trưởng lão bèn họp lại để xem xét về việc đó" (câu 6). Họ lắng nghe, chứng kiến tận mắt rồi bắt đầu nghiên cứu Kinh thánh Cựu Ước. Giacơ, Mục sư đã rao giảng cho số người nầy khi ông nói: "Theo ý tôi" (câu 19). Câu 22 chép: "Kế đó, các sứ đồ và trưởng lão cùng cả Hội thánh…". Cả Hội thánh đã khẳng định quyết định khôn ngoan của Kinh thánh – đưa ra thủ tục về các trưởng lão.
B. Các trưởng lão cần phải làm việc chiếu theo Ngôi Lời và Đạo.
Chúng ta quay trở lại với câu 17. Mặc dù tôi đã quần thảo với động từ thứ nhứt "cai trị". Chúng ta hãy xem xét động từ thứ hai: "chịu chức" như trong "chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Cấp trưởng lão cần phải "cai trị" Hội thánh, mà còn phải "làm việc chiếu theo đạo" nữa. "Chịu chức" đến từ chữ kopiao, có ý nói "chịu khó làm việc, lao khổ, làm việc tới khi kiệt lực". Cấp trưởng lão cần phải chịu khó làm việc trong sự nghiên cứu Ngôi Lời và công bố sự dạy lành mạnh hay "đạo".
Mục sư/Giáo sư là một trưởng lão, là người "đặc biệt" chịu khó làm việc "theo Ngôi Lời và đạo". Công việc của tôi là phải cẩn thận nghiên cứu và ứng dụng Ngôi Lời vào đời sống của quí vị. Tôi dạy dỗ quí vị mọi sự. Tuy nhiên, các trưởng lão khác của chúng ta cần phải chịu khó làm việc trong sự nghiên cứu nữa. Họ cần phải trở nên hạng giáo sư, thậm chí khi họ không dạy dỗ cho cả gia đình Hội thánh. Tôi cảm thấy rằng mỗi trưởng lão cần phải dấn thân vào chức vụ dạy dỗ một cách liên tục.
II. Bậc trưởng lão cần phải được kính trọng bội phần (câu 17b).
Bậc trưởng lão có trách nhiệm gấp bằng hai, khéo cai trị và chịu khó trong chức vụ giảng dạy. Nhưng hãy chú ý, họ cần phải được "kính trọng bội phần". Đặc biệt, họ cần phải được "kể xứng đáng được kính trọng bội phần". "Kính trọng" ở đây là time, cùng một chữ được sử dụng ở câu 3 trong sự kính trọng những người đàn bà goá. Từ ngữ nầy mang hai ý nghĩa: kính trọng và giúp đỡ về tài chính. Khi chúng ta dâng hiến một món quà giúp đỡ về tài chính cho một vị giáo sĩ hay đi thăm viếng Mục sư, chúng ta gọi đó là một số tiền thù lao (honorarium).
Nếu bậc trưởng lão biết cẩn thận đưa ra những quyết định quan trọng và chịu khó làm việc để dạy dỗ Ngôi Lời, khi ấy Hội thánh cần phải tỏ ra sự kính trọng và khi cần thiết cung ứng cho họ phần giúp đỡ về tài chính dư dật. Hai trong số các trưởng lão của chúng ta đã được Hội thánh chu cấp và ba trưởng lão thì không chu cấp. Chúng ta hãy đọc câu 17 một lần nữa: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh [với sự xuất sắc] thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Một số trưởng lão có sự kêu gọi rất đặc biệt về sự dạy dỗ và rao giảng và họ cần phải được trợ giúp về mặt tài chính "cách đặc biệt".
Việc chăn dắt Hội thánh không phải là một việc làm đâu. Nó cũng không phải là một sự nghiệp. Nó cũng chẳng phải là một nghề nghiệp. Chăm sóc bầy chiên của Đức Chúa Trời là một ơn kêu gọi. Tôi sẽ rao giảng dù được cung lương hay không. Đúng là một ơn phước cho tôi khi có khả năng chu toàn ơn kêu gọi và đồng thời được cung lương. Tuy nhiên, Hội thánh sẽ không cung lương cho ai để thực thi chức vụ. Sở dĩ như thế là vì họ lo làm chức vụ để chúng ta trả lương cho họ. Chẳng có một kẻ làm thuê nào trong Hội thánh cả.
Cho phép tôi cung ứng cho quí vị ba lý do bậc trưởng lão nào khéo cai trị được "kính trọng bội phần".
 Thứ nhứt, chúng ta kính trọng bậc trưởng lão vì họ là những ƠN đến từ Đức Chúa Trời. Trong Êphêsô 4, vị Sứ đồ nói tới ơn của Đức Chúa Trời đã được ban cho con người trong sự sống lại của Ngài. Tiếp đến, ông tóm tắt bốn thứ ơn đã được ban cho Hội thánh trong câu 11: "Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư". "Mục sư và giáo sư" dường như đề cập tới một chức vụ chớ không phải hai, và đây là công tác của trưởng lão phải chăn dắt và phải dạy dỗ Hội thánh.
 Thứ hai, chúng ta kính trọng bậc trưởng lão vì họ là TÔI TỚ của Đức Chúa Trời. II Timôthê 2.24-25 chép: "Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật". Khi người nào là tôi tớ của Chúa, người ấy bởi sự mở rộng trở thành tôi tớ của dân sự Đức Chúa Trời. Người ấy theo gương của Chúa và phục vụ cách khiêm nhường.
 Thứ ba, chúng ta kính trọng bậc trưởng lão vì họ là NHỮNG NGƯỜI CHĂN BẦY của Đức Chúa Trời. Một lần nữa, Phaolô nói với các trưởng lão thành Êphêsô trong Công vụ các sứ đồ 20.28: "Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình". Chăn bầy là một trăm phần trăm phó thác cho bầy chiên. Mối quan tâm chính của họ là chăm sóc và bảo hộ cho bầy. Trong Giăng 10.11-14, Chúa Jêsus nói về tình cảm của người chăn bầy như sau: “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình. Kẻ chăn thuê chẳng phải là người chăn, và chiên không phải thuộc về nó, nếu thấy muông sói đến, thì nó bỏ chiên chạy trốn; muông sói cướp lấy chiên và làm cho tản lạc. Ấy vì nó là kẻ chăn thuê, chẳng lo lắng chi đến chiên. Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta”.
Trong một kỷ nguyên mà Hội thánh phát triển trong đó với "những kẻ chăn thuê", thật là một ơn phước khi được hầu việc Chúa với những người nào biết yêu thương dân sự của Đức Chúa Trời, biết phó thác đối với Lời của Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trờ.
III. Sự chu cấp cho bậc trưởng lão là sự dạy dỗ theo Tân Ước (câu 18).
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc các Mục sư chuyên giảng dạy chịu khó làm việc có được cung lương hay không, Phaolô trình bày thẳng trong câu 18, ở đây ông trưng dẫn các tham khảo trong Kinh thánh từ cả Cựu và Tân Ước.
Trước tiên, Phaolô nói: "Vì Kinh thánh rằng…". Kinh thánh mà ông nói tới là Phục truyền luật lệ ký 25.4: "Chớ khớp miệng con bò trong khi nó đạp lúa". Đây là hình ảnh đạp lúa trên sân đạp lúa. Bò được dùng từng cặp sẽ được dẫn đi đạp lúa đã được bó chất thành vòng tròn trên sân. Theo luật pháp, đôi bò không bị khoá mõm lại, nhưng được phép ăn nhiều bao nhiêu chúng muốn giống như trả công khó nhọc của chúng vậy. Đây là một sự bàn bạc fortiori, nghĩa là bàn từ thấp lên cao hơn. Ý nghĩa rất rõ ràng là nếu một con vật đơn sơ như con bò được chu cấp vì công việc của nó, thì người làm công việc chức dịch đáng được chu cấp càng hơn.
Thứ hai, Phaolô trưng dẫn từ lời của Chúa Jêsus trong Luca 10.7: "vì người làm công đáng được tiền lương mình". Phaolô đề cập tới Tin lành của Luca là "Kinh thánh". Ông đang đặt Tin lành ấy lên cùng cấp độ như sách Phục truyền luật lệ ký, là Lời đã được cảm thúc của Đức Chúa Trời. Ý ở đây, ấy là người nào chịu khó làm việc trong sự phục vụ người khác sẽ được trả công cho. Nếu chúng ta trả công cho một con thú và một người làm thuê, thì chúng ta càng phải chu cấp cho người nào cung ứng thức ăn thuộc linh cho chúng ta càng hơn.
Phaolô còn nói đặc biệt hơn nữa trong I Côrinhtô 9.7-14: “Vậy thì có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình? Tôi nói vậy, nào phải chỉ theo thói người ta quen nói đâu? Luật pháp há chẳng nói như vậy sao? Vì chưng có chép trong luật pháp Môi-se rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? Quả thật Ngài nói câu đó về chúng ta phải không? Phải, ấy là về chúng ta mà có chép rằng ai cày ruộng phải trông mà cày, ai đạp lúa phải trông cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa. Nếu chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, mà muốn thâu lại của vật chất của anh em, thì nào có phải một việc quá lẽ đâu? Người khác còn có quyền ấy trên anh em, huống chi là chúng tôi? Dầu vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự, hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ chút nào. Anh em há chẳng biết rằng ai hầu việc thánh thì ăn của dâng trong đền thờ, còn ai hầu việc nơi bàn thờ thì có phần nơi bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành”.
Các Mục sư chuyên giảng dạy sẽ được cung lương bao nhiêu? Tôi có nghe vài người cho trường hợp "kính trọng bội phần" thì được cung lương bội phần. Tôi không đồng ý như thế. Tôi nghĩ nói như thế có nghĩa là họ nhận lãnh sự "kính trọng bội phần" trong cả hai: sự kính trọng và tiền thù lao. Kent Hughes đưa ra một đề nghị công bằng về việc lương bỗng của Mục sư.
Tiền lương công bằng, tiền thù lao với sự kính trọng thì phải như thế nào? Theo luật, quí Mục sư cần phải được cung lương theo cùng cấp độ như những người khác trong hội chúng ở cùng tuổi, cùng học vấn, cấp độ kinh nghiệm, và các trách nhiệm. Họ không nên sống trên hay dưới hội chúng. Hội thánh sẽ lạc sai khi cứ nhắm vào bên có (của sổ tài khoản).
Hội chúng ơi, tôi phải tuyên dương quí vị nơi sự quan tâm của quí vị đối với tôi trong vai trò Mục sư chủ toạ. Quí vị luôn luôn trung tín chăm lo cho các nhu cần về tài chính của tôi trong sự tốt nhứt mà quí vị có thể chăm lo. Khi Hội thánh tấn tới, quí vị đã nhìn thấy sự tấn tới đó, thu nhập của tôi cũng tăng lên theo nữa. Mới đây, tôi có nghe nói rằng có ba loại người trong thế gian: hạng người ăn cướp mới có, hạng người lao động mới có và những người làm việc để bố thí. Hầu hết trong đời sống tôi, tôi đã ở trong phạm trù thứ hai. Tôi không màng việc khó. Tôi tin vào việc làm của một ngày lương thiện sẽ nhận được tiền công của một ngày lương thiện. Tuy nhiên, tôi đang chuyển vào nhóm thứ ba. Tôi đang có mọi sự mà tôi cần. Thực sự tôi không thiếu thốn gì cả, Tôi đang học biết niềm vui của sự rời rộng. Trong chương 6, chúng ta sẽ bàn về điều nầy trong chi tiết, đặc biệt là câu 6: "Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn".
Tôi được nhắc nhớ tới một câu chuyện mà tôi đã nghe John MacArthur chia sẻ cách đây mấy năm. Trong những năm đầu chức vụ của ông, thu nhập của ông đã tăng lên tương xứng với tầm cỡ đông đúc của Hội thánh mà ông làm chủ toạ. Sau cùng, ông đến với các trưởng lão khác trong Hội thánh rồi nói đôi điều đại khái như sau: "Tôi không cần tiền nhiều như vậy. Tôi cảm thấy tội lỗi khi có được tiền nhiều như thế nầy. Tại sao các ông cứ tăng lương cho tôi hoài vậy?" Các trưởng lão đáp: "Thưa Mục sư, chúng tôi muốn nhìn thấy ông sẽ làm gì với những gì ông không cần đến".
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét