Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 6.3-5: "Làm thế nào để phát hiện giáo sư giả"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Làm thế nào để phát hiện giáo sư giả
I Timôthê 6.3-5
Phaolô bắt đầu thư tín nầy bằng cách thúc giục Timôthê phải "răn bảo những người kia đừng truyền dạy một đạo giáo khác" (1.3). Rõ ràng, từ những gì chúng ta đã tiếp thu ở chương 1, đã có những giáo sư giả nổi lên trong Hội thánh Êphêsô. Họ đang lôi kéo Hội thánh ra khỏi sứ mệnh chính của Tin lành bằng cách giới thiệu "những phù ngôn và gia phổ vô cùng, là những điều gây nên sự cãi lẫy". Những giáo sư giả nầy đã tự coi mình là "thầy dạy luật", tuy nhiên họ chẳng hiểu những điều mà họ đang ra sức giảng dạy.
Các Hội thánh ngày nay đối mặt với cùng sự tranh chiến đó. Ngày nay, đây là những kẻ vẫn ưa thích "phù ngôn và gia phổ vô cùng". Họ làm cho Hội thánh phải lạc sai bằng cách nhấn mạnh những cuộc cãi lẫy không cần thiết. Họ bàn bạc những vấn đề thuộc tâm lý học, những cuộc cãi lẫy về triết học hoặc các phương pháp tiếp thị thay vì Kinh thánh. Mặt khác, vẫn còn có nhiều người mong được làm "thầy dạy luật". Bất chấp những điều Kinh thánh nói, họ muốn chạy theo truyền thống.
Phaolô bảo Timôthê trong chương 1 phải "răn bảo" hay truyền cho họ đừng "dạy một đạo giáo nào khác". Giờ đây trong chương 6, khi Phaolô gói ghém bức thư, ông quay lại với lẽ đạo đó. Nếu chúng ta muốn có một Hội thánh lành mạnh, chúng ta phải chỉ rõ kẻ nào đang dạy một đạo giáo khác.
I. Dập tắt những giáo sư giả (câu 3).
Phaolô dạy rằng tất cả những giáo sư giả đều có cùng con dấu, một dấu hiệu dễ nhận ra, nhưng ông mô tả dấu ấy theo hai cách. Thứ nhứt, họ "dạy dỗ đạo khác" và thứ hai, họ không "theo lời có ích". Ghép hai cụm từ nầy lại cho chúng ta thấy rằng con dấu cơ bản của một giáo sư giả, ấy là ông ta đang dạy một đạo giáo khác hơn đạo thật. "Dạy đạo khác" ra từ một chữ trong Tân Ước Hy lạp, là heterodidaskalei. Hetero có nghĩa là "khác". Một người thích giao hợp với kẻ khác giới là người gắn bó với những kẻ thuộc phái tính khác. Didaskelei có ý nói tới "người ấy dạy". Cho nên, sát nghĩa từ chữ nầy đề cập tới một người đang dạy dỗ một đạo giáo khác. Sự dạy của ông ta không thể tìm đâu trong Kinh thánh và thậm chí còn ngược lại với Kinh thánh. Những điều các giáo sư giả dạy là "khác" hơn Kinh thánh dạy và sự dạy ấy không phù hợp với Kinh thánh. Sự dạy của họ "không theo lời có ích". Sát nghĩa "theo" có nghĩa là "đến gần". Nó mang ý tưởng ai đó đang đi tới, cùng đi với họ. Hãy hình dung một tốp diễu hành trên sân bóng đá, nhưng ban kèn không hoạ "theo". Họ đi không đúng nhịp. Kết quả là lộn xộn. Lộn xộn kết quả trong Hội thánh khi quí vị có ai đó đang lạc bước với đạo thật.
Chúng ta cần phải đi "theo", bước theo điều gì? Phaolô cung ứng cho chúng ta ba việc: "đạo lý" "lời của Đức Chúa Jêsus Christ" và "đạo lý theo sự tin kính". "Đạo lý" dịch từ hugiainousin logios từ đó chúng ta mới có chữ hygiene có nghĩa là vệ sinh. Giống như thân thể cần thức ăn và những điều kiện vệ sinh để lớn lên, cũng vậy, người tin Chúa cần trưởng dưỡng lý trí mình bằng những câu nói lành mạnh. Đấy là lý do tại sao Phaolô nói với Hội thánh tại thành Êphêsô: "chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến" (Êphêsô 4.29).
"Lời của Đức Chúa Jêsus Christ" đề cập nhiều hơn những câu chỉ in bằng mực đỏ trong các quyển Kinh thánh của chúng ta. Thực vậy, cả Kinh thánh đều là lời của Đấng Christ. Chính mình Ngài được gọi là "Ngôi Lời" là đạo của Đức Chúa Trời ở trong Giăng 1.1. Chúng ta tấn tới khi chúng ta trưởng dưỡng bằng những lời lẽ của Chúa Jêsus. I Phierơ 2.2 chép: "thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn".
Các giáo sư giả không những chối bỏ những lời lành mạnh và lời của Đấng Christ, mà họ còn chối bỏ "đạo lý theo sự tin kính" nữa. "Tin kính" dịch từ chữ eusebeia có ý nói: "mộ đạo, thánh khiết". Sự thử nghiệm phần dạy dỗ của ai đó chính là những điều sự dạy ấy tạo ra trong đời sống của những kẻ nghe theo sự dạy đó. Chỉ có lẽ thật của Đức Chúa Trời mới sản sinh ra bông trái của sự thánh khiết. Chúa Jêsus cũng dạy như vậy. Hãy lắng nghe những gì Ngài phán dạy trong Mathiơ 7.15-20: “Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt, thì phải đốn mà chụm đi. Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được”.
Thế gian luôn luôn xem trọng điều chi mới và đã cải thiện. Quí vị có thể mua sắm điều chi đó nếu quí vị gọi thứ ấy là "mới và đã cải thiện". Những nhà quảng cáo vốn biết rõ điều nầy. Nhiều nhà thờ cũng sắm sửa các thứ nầy. Họ rao báo một nhà thờ "mới và đã cải thiện" và một Cơ đốc giáo "mới và đã cải thiện". Với cách nói xa xưa, chúng ta không cần một Cơ đốc giáo mới và đã cải thiện, chúng ta cần Cơ đốc giáo cũ và "không thể cải tạo".
Quí vị cải thiện Đấng Christ như thế nào? Quí vị cải thiện Đức Thánh Linh ra sao? Quí vị cải tổ Kinh thánh bằng cách nào? Quí vị cải thiện sứ điệp Tin lành như thế nào? Quí vị cải từ ân điển qua đức tin bằng cách nào? Chúng ta không cải thiện những điều nầy, chúng ta nắm chặt lấy chúng! Tôi từng đứng dạy lớp về môn từ nguyên học (etymology), môn học về gốc chữ. Khi dạy lớp đó, tôi đã thưởng thức việc tách chữ ra để khám phá ý nghĩa của nó. Hãy suy nghĩ về chữ orthodoxy (chính thống) xem. Chữ nầy ra từ chữ orthos có ý nói "ngay thẳng" và doxa hay đạo giáo, có ý nói "đạo ngay thẳng". Heterodoxy (tính chất không chính thống) đề cập tới "đạo khác". Phaolô đang nói rằng dấu hiệu để nhận dạng, con tem của một người không tin Chúa, ấy là người đang ủng hộ tính chất không chính thống (heterodoxy) chớ không phải là chính thống (orthodoxy).
II. Sự kiêu căng của các giáo sư giả (câu 4a).
Tại sao giáo sư giả "dạy đạo khác?" Phaolô nói sở dĩ như thế là vì "người lên mình kiêu ngạo". Người rất kiêu căng và tự phụ. "Người lên mình kiêu ngạo" ra từ chữ tetuphotai. Chữ nầy ra cùng một chữ được sử dụng ở 3.6 nói một trưởng lão không được "tự kiêu" hay Cơ đốc nhân chưa trưởng thành vì người sẽ "tự kiêu" mà "sa vào án phạt của ma quỉ". Chúng ta sử dụng chính tư tưởng trong nền văn hoá của chúng ta khi chúng ta nói tới kẻ có “cái đầu to" hay một cái đầu "tự cao tự đại".
Một người như thế hay "lên mình" với tầm mức quan trọng của bản thân họ. Giáo sư giả luôn "kiêu ngạo" và cảm thấy sự dạy của mình là siêu việt. Người ấy sẽ không nghe theo ai khác cả. II Phierơ 2.18 chép: "Chúng nó dùng những lời văn hoa hư đản…". Thuật sĩ Simôn trong Công vụ các sứ đồ 8.9 là một điển hình. Ông ta đi ra "khoe mình là một người danh tiếng". Côlôse 2.18 cảnh cáo chúng ta: "Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy thi, là kẻ giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ. Họ theo những sự mình xem thấy, và bởi tình xác thịt nổi lòng kiêu ngạo vô ích".
Khi một người lên mình với tầm mức quan trọng của bản thân mình, người ấy không bằng lòng thay đổi. Thay vì bước theo Kinh thánh với một tinh thần dễ dạy và chia sẻ Ngôi Lời cách đúng đắn, người ấy đến với Kinh thánh bằng một tâm trí đóng kín và lạm dụng Kinh thánh để tìm cách chứng minh quan điểm riêng của mình.
III. Thái độ của các giáo sư giả (câu 4b).
Các giáo sư giả luôn luôn xưng mình là rất hiểu biết, nhưng theo nhận định của Đức Chúa Trời, họ được mô tả là "không biết chi hết". Trong thực tế, họ rất ít hoặc chẳng hiểu biết chính xác về Ngôi Lời và đạo thật. Điều nầy rất giống với 1.7: "… muốn làm thầy dạy luật, mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tự quyết". Khi họ dạy, sự dạy đó không nằm trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, mà chỉ là triết lý của con người.
Khi Phaolô nói một người như thế chẳng hiểu biết gì, ông không có ý nói người ấy dốt nát đâu. Ông không có ý nói người đó chẳng biết gì hết đâu. Ông nói người ấy chẳng biết gì hết khi họ đến với những vụ việc của Đức Chúa Trời. Có thể người ấy có học vấn rất cao và nhiều bằng cấp. Tuy nhiên, trừ phi người ấy biết phục theo lẽ thật của Kinh thánh, mọi sự hiểu biết của người ấy là "chẳng có gì hết" ở trước mặt Đức Chúa Trời. Giacơ 3.15-17 sánh sự khôn ngoan theo đời nầy với sự khôn ngoan thiên thượng: “Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình”.
Vì người chẳng biết gì hết, một người thể ấy dễ dàng: "có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy". "Gạn hỏi" ra từ một chữ nói tới một căn bịnh. Người ấy có một chứng bịnh hay ham muốn ngang ngạnh chú về một sự tranh cãi vô mục đích. "Cãi lẫy" ra từ chữ zeteseis đề cập tới những thắc mắc và suy đoán. "Tranh luận" ra từ chữ logomachias có ý nói tới "khẩu chiến". Một người thể ấy thích tranh luận và khẩu chiến. Tôi biết có nhiều người đang làm chủ toạ các Hội thánh rất ưa thích sự tranh luận như thế nầy. Họ tự thuyết phục mình về một sự dạy nhất định nào đó và sẽ chịu chết còn hơn thắc mắc về sự dạy đó. Họ sẽ bỏ qua ý nghĩa giãn đơn của văn mạch Kinh thánh. Họ sẽ chối bỏ phần chú giải Kinh thánh cách vững chắc, hợp lý, và đơn giãn, rồi cứ bám chặt vào các lập luận của họ. Mới đây, tôi dính vào một cuộc tranh cãi trên email với một Mục sư Báptít, ông nầy tin rằng Đức Thánh Linh không ngự trong một Cơ đốc nhân cho tới chừng nào Cơ đốc nhân ấy trở thành một chi thể trong Hội thánh Báptít! Không một điều gì làm thay đổi được tâm ý của ông ta cả. Ông ta sẽ cãi lẫy với quí vị suốt cả cuộc đời đấy!
Căn bịnh thực sự không phải là họ "chẳng hiểu biết gì" hoặc họ "có bịnh hay gạn hỏi cãi lẫy". Căn bịnh thực sự, ấy là hạng người thể ấy ưa thích những cuộc tranh chấp như thế nầy. Họ say sưa trong những cuộc khẩu chiến như thế. Họ bàn bạc về những việc vốn có ít tầm quan trọng. Động lực của họ không phải là theo đuổi lẽ thật, mà là cảm thấy siêu đẳng hơn đối thủ của mình. Có lẽ Bản Kinh thánh New English Bible không sai trật khi dịch cụm từ nầy "người ấy là một kẻ ngu dốt mà hay phô trương".
IV. Những ảnh hưởng của các giáo sư giả (các câu 4c-5a).
Thay vì tạo ra "đạo lý theo sự tin kính" (câu 3), các giáo sư giả nầy tạo ra "ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa" và "cùng những lời cãi lẽ hư không". Một sự nhận dạng chính về sự dạy giả dối là những gì nó tạo ra. Hãy nhìn vào đời sống của vị giáo sư giả xem. Hãy nhìn vào đời sống của những kẻ mà ông ta dạy đạo cho. Đây là lý do tại sao có một tiêu chuẩn cao dành cho các trưởng lão có tài dạy dỗ. Phaolô tóm tắt 5 kết quả của sự dạy giả dối đó:
Thứ nhứt, có "ghen ghét", điều nầy đề cập tới một tư dục tham muốn được lòng của nhiều người khác. Vì các giáo sư giả bị tác động về mặt vật chất, chớ không bị tác động về mặt thuộc linh, họ luôn luôn ghen ghét những người khác, là những người đạt được nhiều thành tựu hơn. Đúng là tệ hại, họ dạy các học trò của họ phải sống ghen ghét y như thế. Tôi biết một số Mục sư, họ rất ghen ghét Mục sư hay Hội thánh khác đến nỗi họ dạy cho dân sự họ gần như là thù ghét Hội thánh khác trong cùng cộng đồng đang duy trì lập trường tương tự!
Thứ hai, có "tranh cạnh", điều nầy đề cập tới những cuộc tranh cãi thường xuyên. Thay vì dạy Ngôi Lời, họ luôn luôn tranh luận nghịch lại lập trường của người khác. Thứ ba, có "gièm chê". Từ nầy ra từ chữ blasphemia. Nó có ý nói tới việc réo tên ra mà mắng, sĩ nhục. Quí vị biết đấy, có người đã bỏ đi việc tìm kiếm lẽ thật trong một cuộc tranh cãi khi họ không sao cãi lại các đối thủ của họ. Thay vì sánh Kinh thánh với Thánh Kinh, bài bác đối thủ của mình là kẻ dị giáo là điều rất dễ dàng.
Thứ tư, có "nghi ngờ xấu xa". Cụm từ nầy có ý nói tới việc thắc mắc sự thành thực và ngay thẳng của người khác. Trong một cuộc tranh cãi, mánh lới bẩn thỉu nhất là hạ thấp người ta xuống để sĩ nhục và đâm sau lưng.
Thứ năm, ở phần đầu của câu 5, Phaolô nhắc tới "những lời cải lẽ hư không". Cụm từ nầy ra từ chữ paradiatribia. Một học giả Hy lạp đã ví từ nầy với "xung đột vô ích". Tôi phác hoạ ra một người tài xế trên xa lộ 5 giờ đồng hồ liền. Anh ta đụng vào người khác vô tội vạ! Trong Hội thánh, đây là hạng người đi quanh quẩn đụng với hết thảy mọi người, khởi sự tranh luận và tạo ra nhiều cuộc khẩu chiến. Tác dụng tối hậu của giáo sư giả, ấy là sự hiện diện của họ trong nhà thờ không tạo ra sự hiệp một, mà tạo ra sự xích mích giữa vòng tất cả các tín đồ.
V. Căn nguyên của các giáo sư giả (câu 5b).
Trong câu 5, Phaolô mô tả hai căn nguyên trong sự phân tích. Thứ nhứt, họ có "lòng hư xấu" và thứ hai, họ "thiếu mất lẽ thật". "Lòng hư xấu" ra từ chữ diephtharmenon từ nầy có ý nói "tâm trí vớ vẩn". Từ ngữ nầy phác hoạ ra một thi hài đang thối rửa. Rôma 12.2 chép: "Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào". Thay vì làm mới lại tâm thần mình bằng lẽ thật, họ đã xây khỏi lẽ thật và giờ đây tâm thần họ đang rơi vào chỗ vớ vẩn.
Đúng là tệ hại khi họ "thiếu mất lẽ thật". "Thiếu mất" ra từ chữ apostereo có nghĩa là "cướp, hay lấy mất". Thì động từ cho thấy rằng họ bị kéo ra khỏi lẽ thật. II Timôthê 2.18 nói tới những ai đã "xây bỏ lẽ thật".
Kinh thánh chứa nhiều lời cảnh cáo nghịch lại hạng giáo sư giả thể ấy. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 7.15: "Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé". Phaolô nói với các trưởng lão thành Êphêsô: "Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu" (Công vụ các sứ đồ 20.29). Quí vị sẽ thắc mắc: "Các giáo sư giả nầy xuất thân từ đâu? Điều chi khiến họ có ‘ý đồi bại’ và ‘thiếu mất lẽ thật’ như thế?" Tôi tin rằng hầu hết họ đều là những con người chưa được cứu. Họ là thứ cỏ lùng mà Chúa Jêsus đã phán dạy đã được gieo vào đồng lúa mì. Họ trông giống như những Cơ đốc nhân lắm, nói năng y như Cơ đốc nhân và hành động giống như Cơ đốc nhân, nhưng trong thực tế họ là những kẻ chưa được chuộc.
Thậm chí họ còn tự dối mình nữa. Có người đã được cứu rồi, nhưng đã bị kẻ xấu dối gạt rằng họ nên gạt qua một bên, nên đi theo hắn cùng những tư dục đời nầy. Đức Chúa Trời một là sẽ đưa người trở lại với lẽ thật hoặc Ngài sẽ đưa họ ra khỏi thế gian nầy. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao vị Sứ đồ cảnh tĩnh chúng ta phải liên tục dò xét lòng mình. Chúng ta cần phải biết chắc rằng chúng ta thực sự đang nhìn biết Đấng Christ chớ không phải chỉ có "đi nhà thờ ". II Côrinhtô 13.5 chép: "Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng. Hãy tự thử mình: anh em há không nhận biết rằng có Đức Chúa Jêsus Christ ở trong anh em sao? miễn là anh em không đáng bị bỏ".
VI. Động lực của các giáo sư giả (câu 5c).
Dòng cuối nói tới các giáo sư giả là tham lam và ích kỷ. Họ "coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy". Họ mong được lợi bởi sự hiệp tác của họ với các tín đồ. Có người tìm kiếm tiền bạc. Có người tìm kiếm tiếng tăm. Có người tìm kiếm cả hai thứ. Phaolô nói với các trưởng lão thành Êphêsô trong Công vụ các sứ đồ 20.33: "Tôi chẳng ham bạc, vàng, hay là áo xống của ai hết". Những người nầy sống giống như thuật sĩ Simôn trong Công vụ các sứ đồ 8. Trong những ngày tháng còn non trẻ, chuyển biến nầy của Hội thánh, sự ngự trị của Đức Thánh Linh thường xảy đến trên con người qua sự đặt tay của các vị sứ đồ. Simôn đã nhìn thấy chứng cớ về sự nầy khi Phierơ và Giăng đến tại thành Samari. Ông ta mau mắn bèn "lấy bạc dâng cho" rồi nói: "Cũng hãy cho tôi quyền phép ấy, để tôi đặt tay trên ai thì nấy được nhận lấy Đức Thánh Linh". Ông ta muốn có một môn bài. Phierơ đáp: "Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời! Ngươi chẳng có phần hoặc số trong việc nầy; vì lòng ngươi chẳng ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Vậy, hãy ăn năn điều ác mình, và cầu nguyện Chúa, hầu cho ý tưởng của lòng ngươi đó họa may được tha cho. Vì ta thấy ngươi đang ở trong mật đắng và trong xiềng tội ác" (các câu 20-23).
Có nhiều Simôn trong thế gian ngày nay, họ xem "sự tin kính như là nguồn lợi vậy". Họ sử dụng danh Chúa và Lời của Ngài để thu lời từ dân sự của Ngài. Họ rất dễ tin và yếu đuối. Hãy bật TV của quí vị qua những kênh tôn giáo thì quí vị sẽ thấy điều nầy 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần ngay.
Đồng hạng với họ không bị hạn chế nơi nhà nhà truyền giáo trên TV. Có nhiều vị Mục sư, thành viên ban trị sự và các giáo sĩ, họ sử dụng chức vụ vì lợi riêng của họ. Vì không một ai nhìn thấu qua bờ vai của họ là họ đang tốn thì giờ với sự nhàn rỗi hoặc những theo đuổi cá nhân thay vì chịu khó làm việc cho Chúa. Lông cừu thì quan trọng hơn bầy cừu. Họ quên rằng: "… Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại" (Hêbơrơ 4.13). Thà là đi ra rồi nhận lấy một công việc đời thường mà chân thật còn hơn là sử dụng dân sự của Đức Chúa Trời cách ích kỷ để giúp cho sự nhàn rỗi của chính họ.
Vấn đề của tôi không phải là tìm đủ việc để làm, mà tìm đủ thì giờ để làm những gì tôi phải làm! Luôn luôn có những phân đoạn để nghiên cứu và những sứ điệp phải được viết ra. Luôn luôn có những con người cần được thăm viếng và nhiều buổi nhóm phải tham dự. Trên hết mọi sự ấy, ưu tiên một phải là vợ con của tôi. Tôi rất biết ơn khi tôi sống một cuộc sống hợp lẽ, lúc tôi dâng đời sống mình vào công việc của Chúa, nhưng tôi làm công việc của mình với ý thức được kêu gọi, chớ không phải vì tiền công.
Phaolô nói chúng ta cần phải làm gì đối với hạng người thể ấy? Mặc dù cụm từ sau cùng nầy không phải là xưa nhất trong bản kinh Tân Ước, chắc chắn nó ăn ý với phần còn lại của Kinh thánh. Câu 11 chép: "Hãy tránh những sự đó đi". Nếu quí vị gặp các giáo sư giả trong Hội thánh, hãy "răn bảo" họ "đừng truyền dạy một đạo giáo khác" (1.3). Nếu quí vị gặp các giáo sư giả trên toà giảng với chức vụ giảng dạy, hãy bỏ qua đi rồi hãy tìm những vị Mục sư chịu khó làm việc, tin kính. Nếu quí vị thấy họ trên TV, hãy đổi kênh khác. Nếu quí vị gặp họ trong chỗ sở làm hay trên mạng Internet hoặc ở một bối cảnh nào khác, đừng phí thì giờ với họ. Khi Chúa Jêsus sai phái các môn đồ Ngài đi từng đôi một, Ngài phán: “Nếu có chỗ nào, người ta không chịu tiếp các ngươi, và cũng không nghe các ngươi nữa, thì hãy đi khỏi đó, và phủi bụi đã dính chân mình, để làm chứng cho họ (Mác 6.11).
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét