Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Mathiơ 13.1-23: "Chúa Giêxu và các thí dụ"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Chúa Giêxu và các thí dụ
Mathiơ 13.1-23
1. Khi chúng ta trở lại với phần nghiên cứu đời sống của Đấng Christ trong sách Mathiơ, chúng ta đến với phần nhắc nhở đầu tiên về các thí dụ trong sách. Thí dụ là kỹ năng giảng dạy quan trọng của Chúa Giêxu và chúng ta sẽ học hỏi nhiều về chúng sau khi chúng ta xem xét kỹ phần nội dung.
2. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh (các câu 1-2).
A. Câu 1 bắt đầu bằng cách thuật lại cho chúng ta biết các sự cố trong chương 13 đã diễn ra "cũng ngày ấy" như một phần của các sự cố trong chương 12. Chính "cũng ngày ấy" mà mẹ và các em của Chúa Giêxu đã đến nói chuyện với Ngài (các câu 46-47). Chính "cũng ngày ấy" một đám đông người đau bịnh và có nhu cầu đã kéo đến cùng Ngài và Ngài "đã chữa lành cả" (câu 15). Chính cũng ngày ấy Ngài đã làm ra nhiều phép lạ chữa lành khác khiến cho người ta phải thắc mắc: "Có phải người đó là con cháu Vua David chăng" (Đấng Mêsi)?
B. Cũng trong chính ngày ấy Chúa Giêxu "ra khỏi nhà", nơi mà Ngài đã giảng dạy mà đi ra mé biển. Thật là thú vị khi thấy ngay từ đầu chức vụ của Chúa Giêxu, Ngài đã để ra nhiều thì giờ để ở trong: nhà dân, nhà hội, trụ sở công cộng, còn bây giờ chúng ta thấy Ngài giảng dạy ở ngoài trời. Sở dĩ như vậy là vì có hai tình huống. Thứ nhứt, người Do thái đã bắt đầu chối bỏ Ngài. Ngài không còn được tiếp đón, hoan nghênh tại nhà của họ nữa. Thứ hai, vì dân chúng yêu mến Ngài và đến với Ngài bằng "đoàn dân đông".
C. Vì "đoàn dân đông" đến với Ngài, Chúa Giêxu "phải xuống thuyền mà ngồi" còn dân chúng thì đứng trên “bờ". Bờ biển biến thành giảng đường tự nhiên và biển khuếch đại giọng nói của Ngài hầu cho ai nấy có thể nghe thấy được.
3. Kế đó, hãy tiếp thu phần định nghĩa về từ "thí dụ" (câu 3a).
A. Chúa Giêxu "dùng thí dụ mà giảng nhiều điều". Câu 34 cho chúng ta biết rằng "Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví dụ".
B. "Thí dụ" [parable] ra từ chữ parabole, đây là một từ kép ra từ chữ ballo, "đưa vào hay đặt vào" và para, có nghĩa là "kế bên". Vì thế, thí dụ là một câu chuyện được đưa vào kề bên một lẽ thật của Kinh Thánh hay một nguyên tắc để so sánh, để soi sáng và làm cho dễ hiểu. Đây là một hình thái thông thường trong sự giảng dạy của người Do thái. "Thí dụ" được nhắc tới khoảng 45 lần trong bản Kinh Thánh 70 hay bản Kinh Thánh Cựu ước Hy lạp.
C. Giảng dạy bằng các thí dụ vẫn còn là một kỹ năng rất có hiệu quả.
D. Mặc dù Chúa Giêxu đã sử dụng rồi một số minh họa trong phần nhgiên cứu sách Mathiơ của chúng ta, phân đoạn nầy đề xướng ra vì các câu chuyện đặc biệt được đồng hoá như các thí dụ và vì ý nghĩa chỉ được tỏ ra cho các môn đồ mà thôi.
4. Trong sứ điệp nầy, chúng ta sẽ thấy Phần giới thiệu thí dụ, Mục đích của thí dụ, và phần giải thích thí dụ.
I. Giới thiệu thí dụ (các câu 3-9).
Chúa Giêxu nói cho họ biết rằng có "người gieo giống đi ra đặng gieo". Đây là bối cảnh thường hay có ở xứ Galilê, một người với cái túi hột giống đeo trên vai đang dùng tay gieo ra những hột giống trên các luống đất. Kế đó, chúng ta học về bốn loại đất mà hột giống rơi trên đó.
A. Một phần giống rơi “dọc đường" (các câu 3-4).
1. “Dọc đường” tiêu biểu cho các con đường, lối đi chữ chi trong các cánh đồng ruộng xứ Galilê. Chúa Giêxu và các môn đồ đang đi trên một con đường, khi ấy họ bứt bông lúa mì mà ăn trong 12.1.
2. Vì đất “dọc đường” sẽ rất thô cứng do người ta đi lại nhiều trên đó, hột giống không thể châm rễ vào đất được, mà nằm đó chờ "chim bay xuống và ăn".
B. Một phần khác rơi nhằm chỗ “đất đá sỏi" (các câu 5-6).
1. Nhà nông luôn luôn cẩn thận di dời các hòn đá ra khỏi ruộng của họ. Tuy nhiên, vì địa thế của xứ Galilê, đã có nhiều lớp đá cứng nằm bên dưới. Có đất đủ cho cày cấy, song không sâu đủ cho lúa bắt rễ.
2. Hột giống rơi trên chỗ "đất đá sỏi" như thế, ở đó "ít đất thịt, bị lấp không sâu" nên chúng liền "mọc lên" nhưng "phải héo" và mau chóng chết đi vì bị mặt trời "đốt" và vì chúng "không có rễ".
C. Một phần khác rơi nhằm “bụi gai" (câu 7).
1. Đôi khi đồng ruộng ở xứ Palestine song hành với những hàng bụi gai. Những bụi gai nầy trở thành loại hàng rào tự nhiên giữ cho thú vật không đột nhập vào ruộng lúa.
2. Lúc nào cũng vậy, một phần hột giống "rơi nhằm bụi gai". Vì khi gặp đất tốt, chúng liền mọc lên, lớn lên. Tuy nhiên, trước khi chúng có thể lớn đủ để kết quả, "gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi".
D. Một phần khác nữa rơi nhằm “chỗ đất tốt" (các câu 8-9).
1. “Đất tốt” nầy nằm giữa ruộng, ở xa "dọc đường", "đất đá sỏi" và "bụi gai".
2. Vì chúng rơi trên "đất tốt" và không bị ngăn trở, chúng liền "sanh trái". Đã có một mùa gặt thật trúng.
3. Cần phải nói rằng ở xứ Palestine trong thời đó tỉ lệ giống gieo gặt là 8/1. Tuy nhiên Chúa Giêxu mô tả kết quả là "một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục". Nói cách khác, đã có vụ mùa 100%, vụ 60% và vụ 30%. Tỉ lệ phần trăm nầy thực sự có thể nhận thức được bằng giác quan.
4. Kế đó Chúa Giêxu phán: "Ai có tai, hãy nghe!" Nói cách khác: "Nếu các ngươi hiểu thí dụ, thì hiểu đi". Cần phải có sự sáng láng về mặt thuộc linh mới hiểu được thí dụ. Tôi nghĩ Chúa Giêxu đang mời mọc người nào muốn hiểu thêm nên đến gặp Ngài theo cách riêng, như các môn đồ đã làm.
II. Mục đích của thí dụ (các câu 10-17).
Các môn đồ đã hỏi Chúa Giêxu một câu rất riêng tư: "Sao thầy dùng thí dụ mà phán cùng chúng vậy?". Tôi đoán là họ đang nghĩ: "Sao Ngài không nói thẳng ra cho họ biết, để ai nấy có thể hiểu được?"
A. Thí dụ chúc phước cho người nào tin (các câu 11-12).
1. Trong câu 11, Chúa Giêxu đưa ra hai lý do cho việc chia sẻ các thí dụ không thể lý giải được: để tỏ ra ý nghĩa cho những ai đã tiếp nhận Ngài và để che giấu ý nghĩa đối với những kẻ đã chối bỏ Ngài.
2. Chúa Giêxu định nói cho các môn đồ "biết những điều mầu nhiệm của Nước thiên đàng". "Những điều mầu nhiệm" không có ý nói tới một số mưu đồ quái dị hay khó hiểu, mà nói tới các lẽ thật của Đức Chúa Trời chưa được tỏ ra trong quá khứ. ”Nước” có ý nói tới sự tể trị của Chúa Giêxu trong tấm lòng của loài người.
3. Người nào tin thì được ban cho sự hiểu biết. Người nào chối bỏ không được "ban cho" sự hiểu biết. Thực ra "Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có". Người tín đồ nào có sự sáng láng hiểu biết của Đức Chúa Trời sẽ nhận lãnh thêm tri thức khi người ấy chịu khó nghiên cứu và học hỏi.
4. Mặc khác, người không tin, "kẻ nào không có" ngay cả sự sáng láng tối thiểu hay sự hiểu biết, “thì lại bị cất luôn điều họ đã có nữa”.
5. Về mặt thuộc linh, dù là cao hay thấp. Người nào "đói khát sự công bình" sẽ được "no đủ". Người nào chối bỏ ân điển của Đức Chúa Trời sẽ mất đi điều họ đã có nữa.
B. Thí dụ làm cho kẻ không tin phải lầm lẫn (câu 13).
1. Chúa Giêxu phán về hạng người vô tín, những kẻ đã nghe giảng sứ điệp của Ngài: "xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết". Lời của Ngài là sự nhắc lại lời nói của Êsai, Ngài trưng dẫn ở các câu 14-15.
2. Tại sao họ không thể thấy hay nghe hoặc hiểu chứ? Vì họ chọn không thấy, không nghe và không hiểu. Đặc biệt nói về người Do thái trong câu 15, Êsai đã nói tiên tri: "dân nầy nặng tai…"
3. Họ đã chối bỏ Đấng Mêsi của họ, rồi vì cớ đó họ không thể hiểu được. Cũng thực như thế với những người vô tín ngày nay. Vì họ chối bỏ Đấng Christ, họ không có chức vụ của Đức Thánh Linh. Không có Đức Thánh Linh họ sẽ chẳng biết chi về “những lẽ mầu nhiệm” trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã ấn định theo chiều hướng đó.
C. Thí dụ làm ứng nghiệm lời tiên tri (các câu 14-15). Sự ứng nghiệm đầu tiên lời tiên tri của Êsai là sự phu tù ở Babylôn. Sự ứng nghiệm tối hậu là chức vụ của Chúa Giêxu.
D. Thí dụ bày tỏ ra lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời (các câu 16-17).
1. “Mắt” và “tai” của Cơ đốc nhân đều được phước vì chúng có sự hiện diện ở bên trong của Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng (I Côrinhtô 2.9-10).
2. Ở cuối loạt thí dụ nầy, Chúa Giêxu đã hỏi các môn đồ Ngài ở câu 51: "Các ngươi có hiểu điều đó chăng?" Họ đáp: "Có hiểu" không phải vì họ thông minh siêu đẳng đâu, mà vì họ có Đức Thánh Linh dẫn dắt!
3. Chúa Giêxu nhắc cho họ nhớ trong câu 17, thậm chí "có nhiều Đấng tiên tri, nhiều người công chính" đời xưa "đã ước ao" song không thể thấy hoặc nghe những gì họ đã thấy và nghe.
III. Phần giải thích thí dụ (các câu 18-22).
A. Hiểu hột giống rơi "dọc đường" (các câu 18-19).
1. Lý do người nầy "không hiểu" đạo là vì người không muốn hiểu. Giống như con đường khó hột giống không thể bắt rễ được, người nầy làm cho tấm lòng mình chai cứng đối với Tin lành.
2. Tiếp đến Satan, "quỉ dữ" giống như bầy chim trong thí dụ "cướp đi" sứ điệp “đã gieo trong lòng mình".
3. Giống như “dọc đường” chai cứng do người ta đi lại nhiều, Satan giúp làm chai cứng tấm lòng của nhiều người với “sự đi lại nhiều” của thuyết duy lý trí [intellectualism], sự bận rộn, và phương tiện truyền thông đại chúng…
4. Satan thậm chí “cướp đi" lẽ thật ra khỏi những người tin Chúa. Có bao nhiêu lần quí vị chẳng nhận được gì từ Kinh Thánh? Quí vị đã làm chai cứng tấm lòng mình rồi đấy!
B. Hiểu hột giống rơi trên “đất đá sỏi” (các câu 20-21).
1. “Đất đá sỏi” tiêu biểu cho tấm lòng nông cạn. Mặc dù người nầy lúc đầu "liền vui mừng chịu lấy [đạo]" chỉ “tạm thời” mà thôi, vì không có gốc rễ đào sâu vào vùng đất ân điển của Đức Chúa Trời.
2. Vì một số ảnh hưởng bên ngoài như "sự cực khổ, sự bắt bớ" người nầy liền "vấp phạm". Có bao nhiêu lần quí vị gặp một người tuyên xưng đức tin, nhận lãnh phép báptêm, chịu khó làm việc vì mùa vụ rồi chỉ thấy trắng tay không?
3. Có thể đây chính là quí vị đấy. Quí vị chưa thực sự được cứu.
C. Hiểu hột giống rơi giữa “bụi gai" (câu 22).
1. Giống như hột giống bị nghẹt ngòi giữa “bụi gai”, có người nghe giảng Tin lành, bị Đấng Christ kích thích, nhưng lại nghẹt ngòi do "lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải".
2. Chúng ta hãy xem xét trường hợp của "người trai trẻ giàu có” ở Mác 10.17-23.
D. Hiểu hột giống rơi trên “đất tốt” (câu 23).
1. Người nào là “đất tốt” vì hột giống thuộc linh đáp ứng theo ba cách: người "nghe đạo", "hiểu" (người không chối bỏ đạo), và "được kết quả" đức tin hiển nhiên trong đời sống của mình.
2. Chúng ta hãy xem xét kết quả của một tín đồ thực trong Galati 5.22-25.
3. Không những một tín đồ thực "được kết quả", mà người sẽ "một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục". Mặc dù những ai kết trái thuộc linh đều là hạng tín đồ chơn thật, một số người vì sự đầu phục và vâng lời của họ mà kết quả nhiều người các người khác.
Hai lẽ thật sau cùng: Thứ nhứt, chúng ta không chịu trách nhiệm về mùa gặt, chỉ chịu trách nhiệm về việc gieo mà thôi. Thứ hai, chúng ta chịu trách nhiệm về bông trái của mình.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét