Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 1.12-20: "Biết ơn vì ân điển của Đức Chúa Trời"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Biết ơn vì ân điển của Đức Chúa Trời
I Timôthê 1.12-20
Khi chúng ta có cái nhìn đầu tiên vào phân đoạn Kinh thánh nầy, tôi muốn đưa ra hai cụm từ tỏ ra tính chất của cả đoạn. Cụm từ đầu tiên nằm trong câu 12. Phaolô nói: "Ta cảm tạ Đức Chúa Jêsus Christ". Trước hết, những câu nầy đang nói tới sự cảm tạ, thái độ biết ơn. Thứ hai, hãy chú ý câu 14: "Ân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta". Ân điển của Đức Chúa Trời, ân sũng và phước hạnh của Ngài cho người không đáng được rất là dư dật, đã tuôn tràn vào đời sống của các sứ đồ đến nỗi ông không thể tả hết được. Ông đã sống trong tình trạng kinh ngạc luôn về ân điển của Đức Chúa Trời, một thái độ biết ơn liên tục.
Một hoạ sĩ từng đưa bức tranh vẽ về thác Niagara đem ra triển lãm. Bức tranh vẽ nét oai nghi của hàng tỉ tỉ gallons nước đổ ra trên thác giữa các lớp sương mù che phủ. Nếu quí vị có mặt tại nơi ấy, quí vị sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đó. Phòng triển lãm đã ghi thêm đề tựa: "Còn chảy nhiều nữa". Hãy suy nghĩ về đề tựa ấy xem. Thác Niagara thường đổ hàng tỉ tỉ gallons nước trong hàng ngàn năm vào dòng sông ở bên dưới. Cũng một thể ấy với ân điển của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Luôn luôn còn nhiều ơn để đổ xuống nữa. Như Giacơ 4.6 mô tả "Ngài lại ban ơn lớn hơn nữa…". Hãy lắng nghe những lời lẽ rất cảm động của Martin Luther:
Giống như mặt trời không thể bị tối tăm bởi cả thế giới đang tận hưởng nguồn sáng của nó, thực vậy, nó có thể chiếu sáng mười thế giới như thế; giống như 100.000 ngọn đèn do một ngọn nến thắp lên không làm giảm ánh sáng của nó; giống như một người có học thức có khả năng làm cho hàng ngàn người khác phải học theo, và người nầy càng cung hiến thêm nhiều, nhiều nữa những gì mình biết – cũng thế với Đấng Christ, Chúa chúng ta và là nguồn vô hạn của mọi ân điển, hầu cho nếu cả thế gian sẽ rút tỉa đủ ân điển và lẽ thật ra từ nó để biến thế gian cả thảy đều thành ra những thiên sứ, thế mà nó không bị mất một giọt nào; vì dòng suối luôn luôn chảy tràn, đầy dẫy ân điển.
Ân điển của Đức Chúa Trời vốn rất dư dật, đang tuôn tràn đến nỗi chúng ta sẽ không hề mệt mỏi khi suy nghĩ về ân điển ấy, nói về ân điển và ngợi khen Những Ngày Thượng Cổ vì ân điển đó. Trong phân đoạn Kinh thánh sáng chói nầy, Phaolô bày tỏ ra thái độ biết ơn của ông cho cả hai: ơn chửng cứu của Đức Chúa Trời và ơn nâng đỡ của Ngài.
I. Biết ơn vì ơn chửng cứu của Đức Chúa Trời (các câu 12-17).
A. Ấn định ơn chửng cứu của Đức Chúa Trời (câu 12).
Trước hết, Phaolô nói: "Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta". "Thêm sức" có ý nói "làm cho mạnh mẽ" theo một ý nghĩa tương xứng với công việc. Đức Chúa Trời đã ban cho Phaolô khả năng để làm công việc mà Ngài đã kêu gọi ông phải lo làm. Đức Chúa Trời đã chỉ định ông trở thành một sứ đồ và Đức Chúa Trời đã "thêm sức" cho để lo làm công việc của một vị sứ đồ.
Bài học ở đây, ấy là Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải làm việc gì, Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta để làm việc ấy. Nếu quí vị cảm thấy sự kêu gọi của Đức Chúa Trời phải làm chứng đức tin của mình cho một người bạn hay cho một bạn cùng làm việc, đừng sợ. Khi Ngài kêu gọi chúng ta, Ngài thêm sức cho chúng ta. Nếu quí vị cảm thấy Đức Chúa Trời đang hướng dẫn quí vị dạy một bài Kinh thánh hay hướng dẫn một lớp học Kinh thánh, đừng chần chừ. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi, Ngài thêm sức cho. Chẳng có một điều gì Ngài yêu cầu quí vị phải lo làm mà Ngài không ban cho quí vị sức lực để hoàn thành. Giống như Đức Chúa Trời kêu gọi chàng thiếu niên David phải đứng trước mặt gã khỗng lồ Gôliát, giống như Ngài kêu gọi Êli phải đứng trước mặt A-háp và Giê-sa-bên, giống như Ngài kêu gọi Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô phải đứng trong lò lửa hực, quí vị sẽ không hề thất bại khi quí vị đứng trong sức lực của Ngài.
Phaolô nói Đức Chúa Trời "xét ta là trung thành". Điều nầy không có ý nói tới đức tin của ông, mà nói tới tính cách đáng tin cậy của ông. Phải chăng Phaolô nói rằng ông đáng "trung thành" hơn bất cứ ai khác, rằng không cứ cách nào đó ông đã có được ân sũng của Đức Chúa Trời? Không, không phải như vậy đâu. Thực ra, ông đã nói trong I Côrinhtô 7.25 rằng ông là "người nhờ ơn thương xót của Chúa, tôi được làm người đáng tin". Vì thế Phaolô đã được lập "làm kẻ giúp việc", làm công việc của Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời đã lập ông làm một người có lòng trung thành. Một số Cơ đốc nhân thường lấy làm lạ không biết Đức Chúa Trời kêu gọi họ bước vào chức vụ chuyên nghiệp. Nếu quí vị chưa làm chứng đạo và môn đồ hoá người khác một cách tình nguyện trong lúc bây giờ, ấy không phải là Đức Chúa Trời đang biệt riêng quí vị để lo làm những việc kia một cách chuyên nghiệp.
"Giúp việc" ở đây không đề cập nhiều tới chức vụ Mục sư như nó đề cập tới bất kỳ loại công việc gì. Ý tưởng nằm ở đàng sau từ ngữ nầy nói tới: "bày ra mạng lịnh của người khác". Hết thảy chúng ta đều được chỉ định phải "giúp việc". Hết thảy chúng ta đều đã được chỉ định phải trung tín bày ra các mạng lịnh của Đấng Christ trong chính đời sống của chúng ta.
B. Chiều sâu ơn chửng cứu của Đức Chúa Trời (các câu 13-15).
Phaolô không bao giờ quên ông đã sống như thế nào!?! Ông biết rõ rằng ông là "bức tranh loại A" trong gian triển lãm ân điển của Đức Chúa Trời. Mặc dù ông tường thuật đầy đủ phần làm chứng của mình trong các phân đoạn Kinh thánh khác, ở đây ông mô tả đời sống trước kia của mình trong ba cách thức:
Thứ nhứt, ông vốn là một kẻ "phạm thượng". Chẳng từng tìm hiểu gì hết, Phaolô đã từ chối những lời xưng nhận của Đấng Christ Ngài là Đấng Mêsi và khiến cho nhiều người khác làm theo y như vậy. Ông nhìn nhận trong Công vụ các Sứ đồ 26.11: "Vả lại, tôi thường trảy đi từ nhà hội nầy đến nhà hội kia, hà hiếp họ, để bắt họ phải nói phạm thượng, tôi lại nổi giận quá bội bắt bớ họ cho đến các thành ngoại quốc".
Thứ hai, ông là một kẻ chuyên "bắt bớ". Phaolô đã săn đuổi những Cơ đốc nhân giống như con chó săn săn đuổi con chồn nhỏ vậy. Ông chẳng chút thương xót trong sự truy đuổi của ông. Ông nói trong Công vụ các Sứ đồ 22.4: "Tôi từng bắt bớ phe nầy cho đến chết, bất kỳ đàn ông đàn bà, đều xiềng lại và bỏ tù".
Thứ ba, ông là kẻ "hung bạo". Phaolô là kẻ hay ăn hiếp người khác là cách dễ nhứt để hiểu rõ vấn đề nầy. Ông đã sử dụng sức mạnh và địa vị của mình để đem sự đau khổ đến cho nhiều người khác. Ông là kẻ “chuyên làm nhục". Luca, người viết tiểu sử của Phaolô trong sách Công vụ các Sứ đồ, mô tả ông theo cách nầy: "Bấy giờ, Sau-lơ chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi, đến cùng thầy cả thượng phẩm, xin người những bức thơ để gởi cho các nhà hội thành Đa-mách, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo bất kỳ đàn ông đàn bà, thì trói giải về thành Giê-ru-sa-lem" (9.1-2). Những Cơ đốc nhân đầu tiên được gọi là dân sự của "đường đi" vì Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 14.6: "Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha". "Hằng ngăm đe và chém giết" sát nghĩa dịch là "thở ra trong sự ngăm doạ và giết chóc". A.T. Robertson đã trình bày như sau: "Ngăm đe và giết chóc có trong từng hơi thở mà Sau-lơ đã thở, giống như một con ngựa chiến ngửi thấy mùi của trận chiến vậy". Bằng mọi đánh giá, Phaolô là một con người hay nổi nóng và ưa bạo lực. Ông muốn nhổ tận gốc rễ của Cơ đốc giáo!
Cho nên ân điển của Đức Chúa Trời quan trọng đến nỗi kẻ chuyên bắt bớ phạm thượng nầy, con người ưa thích bạo lực láo xược nầy "đã đội ơn thương xót" vì ông đã làm những việc kinh khiếp đó "đang lúc ngu muội chưa tin". Lúc đầu, điều nầy dường như là một sự cáo lỗi. Tuy nhiên, Phaolô, khi ấy là Sau-lơ đã nhìn biết rõ nét những gì ông đang làm. Cá nhân ông phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình.
Tuy nhiên, ông đã làm vậy "trong lúc ngu muội". Theo cách nói của chúng ta, Phaolô đang nói: "Ta rất ngu muội! Ta không hiểu mình đang làm gì nữa". Phaolô thực sự không biết Chúa Jêsus là ai. Thực sự ông tưởng rằng mình đang phục vụ Đức Chúa Trời bằng cách quét sạch đảng phái tôn giáo nầy. Ông không giống như những người dòng Pharisi đáng khinh kia, họ đã nhìn thấy các phép lạ của Chúa Jêsus, đã nghe sự dạy của Ngài và đã biết rõ Ngài chính là Con của Đức Chúa Trời mà lại từ chối Ngài không cứ cách nào. Phaolô đã hành động trong sự ngu muội. Trong câu 14 Phaolô nói: "Ân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta". Thậm chí trong chỗ sâu thẳm của tội lỗi ông, ân điển của Chúa chúng ta vẫn sâu đậm hơn. "Dư dật" là huperpleonazo. Tiếp đầu ngữ huper là chữ mà từ đó chúng ta có tiếp đầu ngữ "hyper" trong Anh ngữ. Con trẻ xông xáo quá mức được xem là "hiếu động thái quá". Hạng người có ý thức cao là "rất nhạy cảm". Đó là ý nghĩa của dư dật. Lượng ân điển của Đức Chúa Trời dành cho Phaolô còn hơn là "dư dật" nữa, ân điển ấy DỒI DÀO! Bản Kinh thánh NRSV dịch như sau: "Ân điển của Chúa chúng ta chảy tràn ra cho tôi". Rôma 5.20 chép: "Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa". Không một tội lỗi nào quá gian ác đối với ân điển của Ngài.
Phaolô là kẻ thấp hèn nhất trong những kẻ thấp kém, kẻ xấu xa nhất trong hàng tội nhân, tuy vậy trên con đường lên thành Đa-mách trong Công vụ các Sứ đồ 9, khi lần đầu tiên ông đối mặt với thân vị của Chúa Jêsus hằng sống, ông thấy ân điển dư dật còn lớn lao hơn tất cả tội lỗi của ông.
Trước kia, ông là kẻ vô tín và thù ghét không có Đấng Christ, còn bây giờ ông có "đức tin cùng sự thương yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ". Chính "trong Đấng Christ" mà mọi ơn phước trong ân điển của Đức Chúa Trời đã được tìm gặp. Có phải quí vị đang "ở trong Đấng Christ" hôm nay không? Nếu có, Ngài đang ban cho quí vị sự tuôn tràn không dứt ân điển dư dật của Ngài. Chính trong chính mình Ngài quí vị sẽ có "đức tin và tình yêu thương".
Trong câu 15 khi Phaolô nói: "Ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy", đây là cụm từ quen thuộc được thấy có những 5 lần trong các thư tín (đối chiếu 3.1; 4.9; II Timôthê 2.11; Tít 3.8). Dường như đấy là những câu nói rất thường được trưng dẫn giữa vòng các Cơ đốc nhân đầu tiên.
"Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội". "Đã đến" hàm ý nói Ngài đã có trước đó. Mục đích của sự đến của Ngài là "cứu vớt kẻ có tội". Ngài đã đến để tha tội và phục hồi. Ngài đã đến để thay đổi nhiều đời sống. Đây là oikonomos của Ngài, luật lệ trong nhà Ngài, công việc của Ngài mà chúng ta phải nếm trải hôm nay. Nếu Chúa Jêsus "đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội", và sau khi giải cứu chúng ta, Ngài đã để chúng ta lại đây, mục đích duy nhứt cho cuộc sống chúng ta ở đây là hiệp với Ngài trong phần việc đưa hạng tội nhân hư mất đến với đức tin.
Nếu "lời nói chắc chắn" ấy là: “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến thế gian để cứu vớt tội nhân", dường như Phaolô đã thêm thắt vào bức thư của mình. Ông nói: "trong những kẻ có tội đó ta là đầu". Kinh thánh nói "đầu" còn bản Kinh thánh Hy lạp nói "trước hết". Giữa vòng các tội nhân Phaolô đã tự xem mình là numero uno (số một)! Trong lý trí ông, ông là kẻ đầu tiên và trên hết, tội nhân tệ hại nhất trong hàng tội nhân. Ông không phải là người đầu tiên tính theo thời gian đâu, mà là kẻ trước hết trong sự trừng phạt khắc nghiệt. Phaolô đang nói: "Chẳng có ai là tội nhân tệ hại hơn tôi".
Hãy chú ý Phaolô không nói: "trong những kẻ có tội, TA ĐÃ LÀ đầu" mà ông nói: "trong những kẻ có tội TA LÀ đầu". Đây chẳng phải là vấn đề thì quá khứ đối với Phaolô, mà là vấn đề thì hiện tại. Ngay cả vị sứ đồ mạnh mẽ nầy vốn hiểu rõ nan đề với tội lỗi liên tục của ông.
Tôi đã chú ý đến điều nầy nơi hạng người tin kính trong một thời gian dài. Dường như chúng ta càng đến gần với Đức Chúa Trời hơn chừng nào, chúng ta càng nhìn biết tình trạng tội lỗi của chúng ta hơn chừng nấy. Hãy hình dung việc đi xuống con đường tối tăm lúc ban đêm xem. Một chiếc xe hơi chạy sát bên rồi làm văng nước bẩn tung toé lên quí vị. Quí vị biết mình đã bị bẩn, nhưng quí vị không thể thấy mình thực sự bẩn như thế nào. Khi quí vị tiếp tục đi đến gần với ngọn đèn đường hơn. Quí vị mới nhận ra đôi giày, vớ đã bị bẩn. Khi quí vị đến gần hơn nữa, quí vị thấy những vết bẩn trên áo sơ mi của mình.
Sau cùng, khi quí vị đứng dưới cột đèn, quí vị nhận ra mình đã bị bẩn khắp chỗ. Chúng ta càng đến gần Đấng Christ và ánh sáng của Lời Ngài chừng nào, chúng ta càng thấy rõ tình trạng tội lỗi của mình chừng nấy. Chúng ta công nhận ân điển của Ngài không những là ân điển cho tội lỗi trong quá khứ, mà là cho tội lỗi trong thì hiện tại nữa.
C. Mục đích ân điển chửng cứu của Ngài (câu 16).
Tại sao Đức Chúa Trời mở rộng ân điển Ngài cho Phaolô? Tại sao Phaolô được chọn để được cứu? Ông nói rằng ông "đã đội ơn thương xót" hầu cho qua ông "Đức Chúa Jêsus Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời".
"Nhịn nhục" là ân điển của Đức Chúa Trời đối với toàn thể nhân loại. Ngài không phạt tội nhân ngay lập tức mà chịu đựng, ban cho họ cơ hội để ăn năn. Phaolô là tấm "gương", là biểu đồ, là bức hoạ cho thấy thể nào Đức Chúa Trời đã cứu chuộc một cá nhân. Nếu Đức Chúa Trời có thể cứu một người như Phaolô, Ngài sẽ cứu bất cứ ai!
Có nhiều người nghĩ rằng họ đã phạm tội xấu xa đến nỗi Đức Chúa Trời không thể tha thứ cho họ. Khi ấy chúng ta mới chỉ cho họ thấy Phaolô là kẻ giết nhiều người đang ra sức truyền bá Tin lành. Nếu ân điển của Chúa Jêsus lớn lao đủ để cứu ai đó bị tù đày và giết chóc Cơ đốc nhân, là kẻ tìm cách quét sạch Cơ đốc giáo một cách trọn vẹn, là kẻ tấn công Ngài theo cách riêng, khi ấy ân điển của Ngài sâu sắc đủ để cứu bất kỳ một người nào khác.
Vào năm 1918, một người có tên là Tokyo Tokichi Ichii bị treo cổ về tội giết người. Ông ta đã từng bị bỏ tù 20 lần. Ông ta rất khó chịu và chai lì. Sau khi cố tình giết lính canh tù, ông bị trói gò lại, bị treo lên trần nhà, mấy đầu ngón chân của ông chạm đến sàn nhà. Trước khi nhận lãnh án chết, hai giáo sĩ Cơ đốc trao cho ông ta một quyển Kinh thánh rồi hướng dẫn ông đến với Đấng Christ. Khi ông bị kết án chết, ông đã chấp nhận bản án ấy như "sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời". Trước khi ông bị treo cổ, Tokichi đã viết ra điều nầy: "Có lẽ trong tương lai, ai đó trong thế gian nghe được rằng tên hung ác bẩn thỉu nhất đã từng sống biết ăn năn tội lỗi của mình và đã được cứu bởi quyền phép của Đấng Christ, và vì vậy nguyện họ cũng đến với sự ăn năn nữa. Mặc dù tôi chính là kẻ hèn kém, tôi sẽ cố gắng làm cho nhiều người được giàu có". Khi ông chết trên giàn giáo, lời nói sau cùng của ông là: "Linh hồn tôi, đã được luyện lọc, ngày nay trở về với Thành của Đức Chúa Trời". Đức Chúa Trời trong ân điển của Ngài đã đến với "kẻ hung ác bẩn thỉu nhất" giống như Ngài đã đến với "đầu tội nhân" 1.900 năm trước đây. Ân điển của Đức Chúa Trời sâu sắc và rộng đủ để đến với bất kỳ ai!
Điều chi đã khiến cho Phaolô động lòng về công cuộc truyền giáo và chức vụ môn đồ hoá? Điều chi đã tác động ông mở mang hết Hội thánh nầy đến Hội thánh khác? Điều chi khiến ông cứ ra đi dù bị đánh đòn, ném đá và mọi sự khác mà ông đã gánh chịu? Ông kiên quyết tin rằng nếu Đấng Christ có quyền phép và ân sũng đủ để cứu lấy ông, Ngài có thể cứu bất kỳ ai.
Điều chi khiến chúng ta cứ nhắm tới oikonomos của Đức Chúa Trời, hệ thống công việc của Ngài? Điều chi giữ công cuộc truyền giáo và môn đồ hoá là tiêu điểm của Hội thánh chúng ta? Điều chi giữ chúng ta đừng tranh cãi về những vụ việc thực sự chẳng có ích lợi? Chính là điều nầy. Nếu Đức Chúa Trời cứu tôi, Ngài sẽ cứu quí vị. Nếu Ngài yêu thương tôi, Ngài yêu thương quí vị. "Đức Chúa Jêsus Christ đã đến thế gian để cứu vớt tội nhân" và Ngài vẫn còn làm việc ấy hôm nay.
D. Sự khen ngợi ân điển chửng cứu của Đức Chúa Trời (câu 17).
Khi Phaolô suy gẫm về chiều sâu của tội lỗi ông, và lượng ân điển dư dật đầy dẫy của Đức Chúa Trời, ông không thể làm chi khác hơn là úp mặt xuống trong sự thờ phượng. Quí vị có thể hình dung ra ông, bút trên tay, cố gắng viết trên tấm giấy da dưới ngọn đèn dầu không? Ông ngửa mặt ra phía sau, ngước mắt nhìn lên trời, giơ cao hai cánh tay lên ngợi khen Đức Chúa Trời vì ân điển vô đối của Ngài. Khi ấy, ông sẽ tiếp tục viết lên bức thư trong tư thế thờ phượng bằng câu: "Nguyền xin sự tôn quí, vinh hiển đời đời vô cùng về nơi Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi! A-men".
John Calvin bình luận về phân đoạn nầy như sau:
Sự sốt sắng của ông bật ra thành câu cảm thán nầy, khi ông không tìm được một câu nào khác để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Thái độ nầy của Phaolô thình lình bộc phát ra khi sự rộng lớn của đối tượng trổi cao đối với ông và khiến cho ông phải tan vỡ thốt ra những điều ấy. Còn gì tuyệt vời hơn sự biến đổi của Phaolô? Đồng thời, ông làm cho chúng ta phải ngạc nhiên bởi tấm gương của ông, chúng ta chưa hề nghĩ tới ân điển tỏ ra trong ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời để rồi phải lạ lùng ngưỡng mộ khi thấy ông không phải chịu hư mất. Sự ngợi khen cả thể nầy về ân sũng của Đức Chúa Trời nuốt gọn hết mọi ký ức về đời sống ông trước kia. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cao cả và sâu sắc dường bao!
Sự thờ phượng thực không bị giục giã bởi âm nhạc mà là bởi ân điển! Sự thờ phượng thực đến từ việc nhìn biết chúng ta đã sống như thế nào và thậm chí chúng ta hiện đang sống như thế nào và hiểu rõ rằng Đức Chúa Trời tiếp nhận và yêu thương chúng ta không cứ cách nào!
Sam Houston là một đại biểu Quốc hội Hoa kỳ và là vị Tướng lãnh đã lãnh đạo các đạo quân ở Texas trong cuộc cách mạng chống Mễ Tây Cơ. Về sau ông trở thành Thống đốc bang Texas.
Sau nầy trong cuộc đời ông, ông đã được cứu ở một Hội thánh Báptít nhỏ. Khi ông chịu báptêm ở một con sông gần đó, vị Mục sư nói: "Sam, tội lỗi ông hết thảy đã được sạch rồi". Houston đáp: "Thế thì Đức Chúa Trời đang giúp đỡ cho bầy cá". Quí vị thấy đấy, nếu việc làm giải cứu chúng ta, chúng ta sẽ nhận lấy sự vinh hiển. Chúng ta sẽ đi dạo trong thiên đàng và ai nấy sẽ vỗ tay tán thưởng, hoan nghênh chúng ta về cách thức chúng ta thành công hoàn toàn trong đời sống chúng ta. Sự khen ngợi ấy giống như một phiên bản thiên thượng về giải thưởng của Viện Hàn Lâm vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta được cứu bởi đức tin, chúng ta không nhận lãnh bất kỳ một sự vinh hiển nào cả.
Đức Chúa Trời tiếp nhận mọi sự vinh hiển. Có người từng hỏi vị Mục sư chủ toạ của Hội thánh Moody Bible, Harry Ironside là ông đã đóng vai trò gì trong sự cứu của mình. Ironside đáp: "Tôi bị hư mất". Một tín hữu chân chính biết rõ chiều sâu của tội lỗi mình và thường lấy làm lạ bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Có sự thúc đẩy ở đàng sau sự thờ phượng đầy thẩm quyền kia. Có một người trong Hội thánh chúng tôi, ông nầy bật khóc mỗi lần ông nói tới ơn cứu rỗi của mình … thậm chí dù ông đã được cứu hơn 50 năm rồi! Bao lâu rồi, kể từ khi quí vị bật khóc, thờ phượng, và lấy làm lạ nơi sự cao cả của ân điển Đức Chúa Trời đối với quí vị? Chúng ta hãy mau mau nhìn vào bài thánh ca ngợi khen nầy. Phaolô gọi Đức Chúa Trời là "Vua muôn đời". Đức Chúa Trời là Vua tối cao trong mọi thời đại, Ngài cai trị và cai trị trong quá khứ đời đời kia, trong hiện tại và trong cả tương lai muôn đời đó nữa.
Đức Chúa Trời "không hề hư nát". Ngài luôn luôn sống động. Ngài không bao giờ thoái hoá. Ngài chưa hề suy đồi. Ngài không bao giờ thay đổi. Ngài không thể thay đổi được. "Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi" (Hêbơrơ 13.8). Đức Chúa Trời là "không thể thấy được". Chúng ta không thể nhìn thấy Ngài bằng hai con mắt xác thịt của chúng ta được. I Timôthê 6.16 chép: "một mình Ngài có sự không hề chết, ở nơi sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được".
Đức Chúa Trời là Đấng "khôn ngoan duy nhứt". Bản văn xưa nhất dịch cụm từ nầy là "Đức Chúa Trời duy nhứt". Ngài là những gì là Ngài. Ngài công bố: "Ta là Đức Giêhôva, và chẳng có thần nào khác". Phaolô kết luận lời ngợi khen Đức Chúa Trời nầy trong ân điển vô đối của Ngài bằng câu nói "Nguyền xin sự tôn quí, vinh hiển đời đời vô cùng về nơi Ngài".
"Đời đời vô cùng" sát nghĩa là: "cho đến đời đời kiếp kiếp". Đây là từ ngữ Hy lạp mạnh mẽ nhất nói tới cõi đời đời. Hết đời nầy sang đời khác, Đức Chúa Trời sẽ được chúng ta luôn luôn tôn vinh và làm vinh hiển cho Ngài.
II. Biết ơn vì ân điển nâng đỡ của Đức Chúa Trời (các câu 18-20).
Trên hết mọi sự, tôi cảm tạ vì cớ ân điển chửng cứu của Đức Chúa Trời. Không một điều gì từng làm cho tôi phải cảm động trong sự thờ phượng, không một điều gì đưa tôi đến với công cuộc truyền giáo, không một điều gì sẽ tác động tôi trong việc giảng dạy khi suy gẫm về cách thức Đức Chúa Trời cứu tôi ở giữa tình trạng hư mất đầy dẫy tội lỗi của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng luôn cảm tạ vì Đức Chúa Trời ban "ơn càng thêm ơn", ân điển cứu tôi vẫn đổ trên linh hồn tôi như một thác nước chảy hoài không dứt vậy. Ân điển của Đức Chúa Trời trong hiện tại liên tục nâng đỡ tôi.
A. Ân điển của Đức Chúa Trời nâng đỡ Timôthê (các câu 18-19a).
Kế đó Phaolô nói: "Hỡi Ti-mô-thê, con ta, sự răn bảo mà ta truyền cho con". Sự "răn bảo" nào? Đây là mạng lịnh mà chúng ta đã thấy tuần vừa qua ở các câu 3-4. Đây là sự "răn bảo" đừng "truyền dạy một đạo giáo nào khác" mà chỉ nắm lấy công việc của Đức Chúa Trời, oikonomos, sự bảo tồn Ngôi Lời và Tin lành. Đây là sự "răn bảo" đừng phủ lấp Tin lành với "phù ngôn và gia phổ vô cùng", là những thứ tạo ra sự suy đoán thay vì lẽ thật. Đây là sự "răn bảo" đừng nhầm lẫn Tin lành với "luật pháp" là thứ tạo ra chủ nghĩa thiên về với luật pháp thay vì đức tin. Đây là sự "răn bảo" phải trung thành truyền đạt và chuyển giao cho người khác "tin lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước" đã được "giao phó" cho Phaolô (câu 11).
Những sự suy đoán không thể cứu được. Luật pháp không thể cứu được. Chỉ có Tin lành mới đổi tội nhân thành thánh đồ. Đấy là lý do tại sao chúng ta phải cẩn thận bảo tồn Tin lành và chuyển giao nó. Ông nói: "Ta truyền cho con". "Truyền" có nghĩa là "cung cấp, giao cho". Tôi "giao" tiền bạc của tôi cho nhà băng khi tôi mở tài khoản. Tôi tin cậy rằng nhà băng sẽ bảo trọng số tiền của tôi và luôn sẵn có cho tôi bất cứ lúc nào tôi cần đến. Phaolô đã giao thác đức tin cho Timôthê. Chúng ta đã được giao cho đức tin nữa.
Chúng ta sẽ chuyển tài khoản ấy, đức tin ấy cho thế hệ hầu đến. Trong II Timôthê 1.14, Phaolô nói: "Hãy nhờ Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành". II Timôthê 1.13-14 chép: "Hãy lấy lòng tin và yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ mà giữ lấy mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích, là sự con đã nhận lãnh nơi ta. Hãy nhờ Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành".
Đã có "những lời tiên tri đã chỉ về Timôthê". Trong thời kỳ ấy, trước khi kết thúc phần kinh điển của Kinh thánh, khi các ân tứ thuộc linh siêu nhiên vẫn còn hiệu lực đầy đủ, Đức Chúa Trời đã kêu gọi Timôthê bước vào chức vụ Mục sư ngay nơi môi miệng của các tiên tri. Timôthê không phải là nhà lãnh đạo tình nguyện, mà là một đặc sứ có thẩm quyền đến từ Đức Chúa Trời.
Với thẩm quyền ấy, Timôthê cần phải "đánh trận tốt lành". Vị Sứ Đồ không có trong trí ở đây một trận đánh đơn sơ mà là một chiến dịch dài hạn. Khi chúng ta suy nghĩ về quan niệm chiến trận thuộc linh, hầu hết các tín đồ có khuynh hướng suy nghĩ theo chiều hướng văn hoá, về những trận chiến chính trị trong lãnh vực nằm ngoài Hội thánh. Tuy nhiên, trận chiến lớn lao nhất của chúng ta không nằm ở bên ngoài Hội thánh mà là ở bên trong. Trận chiến lớn lao nhất của chúng ta là phải giữ cho Hội thánh nhắm tới sự tin cậy thiêng liêng. Hãy suy nghĩ về điều đó, Israel không hề thua một trận đánh vì cớ sức mạnh của kẻ thù mà thua vì cớ đức tin của mình yếu đuối.
Trong câu 19, chúng ta thấy Timôthê phải đánh trận đánh tốt lành nầy như thế nào. Ông cần phải có "đức tin" dựa vào đạo lành của mình và một "lương tâm tốt" dựa vào sự thanh sạch về mặt đạo đức của ông. Nếu quí vị là ma quỉ, quí vị sẽ xuyên tạc sứ điệp như thế nào? Tôi sẽ tấn công hệ thống giảng dạy cho tới khi nào hệ thống ấy không còn quyền phép siêu nhiên nữa. Tôi sẽ bỏ chúng lại trong cái vỏ tôn giáo trống không hay một sự liên lạc văn hoá rất nhàn hạ không bao giờ vượt quá bốn bức tường của nhà thờ. Tôi sẽ tấn công họ về mặt đạo đức để chẳng một ai sẽ tin theo Tin lành vì cớ họ thiếu tin cậy. Đấy là những gì đang xảy ra tại thành Êphêsô và Timôthê phải dọn dẹp cái đống bẩn thỉu ấy.
"Mấy kẻ", rõ ràng mấy người nầy đang lãnh đạo Hội thánh đi sai đường, đã lìa khỏi đạo thật và một lương tâm tốt. Giờ đây họ đã "bị chìm đắm". "Chìm đắm" có nghĩa gì? Hãy phác hoạ nó ra trong trí xem. Đây là một con tàu bị lật úp chỉ còn thấy có thân tàu mà thôi. Tàu nầy không còn có giá trị để chở hàng hay chở khách, chẳng còn làm chi được nữa trừ phi nằm dưới đáy biển. Một người tin Chúa lìa khỏi đạo thật và sự thanh sạch về mặt đạo đức chẳng còn có giá trị gì nữa với lý tưởng của Đấng Christ.
Họ đã quá rỗi rãnh và lơ là với Kinh thánh. Như một nhà văn từng viết: "Giáo sư Kinh thánh nào không thực hành những điều mình rao giảng sẽ thấy đức tin mình khiến cho mình phải thất bại". Khi chúng ta để cho những triết lý của thế gian xâm nhập tư tưởng mình, các sự hồ nghi sẽ xuất hiện. Nếu những mối nghi ngờ đó không bị kiểm soát chúng sẽ dấy lên tới chỗ bội đạo, là sự "chìm đắm" của đức tin.
Có lẽ quí vị chưa hề nghe nói tới Charles Templeton, nhưng ông từng là một nhà truyền đạo rất nổi tiếng. Thực vậy, trong thập niên 1940, ông đã lôi kéo nhiều đoàn dân đông hơn cả Billy Graham. Khi ông thành lập một Hội thánh mới, những khán thính giả nồng nhiệt của ông đã mau mau tới dành hết 1200 chỗ ngồi trong giảng đường. Khi tổ chức “Thanh Niên Vì Đấng Christ” muốn tổ chức truyền giáo đông đảo, họ mời Charles Templeton, chớ không mời Billy Graham. Họ đi đầy những đại lộ lớn và người ta đáp ứng rất đông đảo đối với sự rao giảng Tin lành của ông. Khi ấy có việc quan trọng bắt đầu xảy ra. Những điều hồ nghi hình thành trong trí của Templeton. Thay vì đưa họ đến với Đức Chúa Trời và Lời của Ngài như chàng thanh niên Graham đã làm. Ông trở thành một kẻ yếm thế cay đắng và thậm chí đã viết một quyển sách có đề tựa là: “Tạm biệt Đức Chúa Trời. Những lý do để từ chối đức tin Cơ đốc”. Khi Lee Strobel đến phỏng vấn ông cách đây chừng hai năm vì cớ quyển sách có đề tựa: “Một trường hợp cho đức tin”, ông tìm một cụ già cay đắng tranh luận với đức tin của Alzheimer. Ông là một hình ảnh đương thời nói tới đức tin "chìm đắm" bội đạo.
B. Ân điển của Đức Chúa Trời đã nâng đỡ Phaolô (các câu 19b-20).
Phaolô cũng cần tới ân điển nâng đỡ của Đức Chúa Trời nữa. Ông phải xử lý riêng với những kẻ xuyên tạc tin lành bằng những sự dạy sai trái của họ. Ông nhắc tới hai người là tấm gương chính cho đức tin bị "chìm đắm". "Hy-mê-nê" cũng được nhắc tới trong II Timôthê 2.17-18, ở đây chép: "và lời nói của họ như chùm bao ăn lan. Hy-mê-nê và Phi-lết thật như thế, họ xây bỏ lẽ thật; nói rằng sự sống lại đã đến rồi, mà phá đổ đức tin của một vài người cách như vậy". "A-léc-xan-đơ" là một cái tên rất phổ thông. Tên ấy làm cho người ta khó nhận ra lai lịch của ông ta. Có thể ông ta là "A-léc-xan-đơ thợ đồng", là người theo II Timôthê 4.14 đã làm hại nhiều cho Phaolô. Phaolô nói về ông ta: "Tùy theo công việc hắn, Chúa sẽ báo ứng".
Trong một hành động rất can đảm và thuyết phục, Phaolô nói: "Ta đã phó [họ] cho quỉ Satan rồi, hầu cho họ học biết đừng phạm thượng nữa". Với thẩm quyền của sứ đồ, ông đã gạt họ ra khỏi Hội thánh, vào trong lãnh vực của Satan. Ở đó, Đức Chúa Trời sẽ cho phép Satan hành hại họ. Mục đích của kỷ luật Hội thánh như thế nầy không phải là hình phạt mà là có tính cách cứu chữa, "hầu cho họ học biết". Phaolô đã không mất hy vọng đối với họ mà còn ao ước rằng họ trở lại với đạo lành và sự thanh sạch về mặt đạo đức.
C. Ân điển của Đức Chúa Trời sẽ nâng đỡ chúng ta.
Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời trong việc gìn giữ Hội thánh cho được thanh sạch. Chúng ta cần sự can đảm để "lánh xa những kẻ theo tà giáo một hai lần rồi" (Tít 3.10). Tà giáo là một cách chuyển ngữ một từ Hy lạp cơ bản có nghĩa là "chọn lựa". Hạng người gây chia rẽ muốn quí vị phải chọn giữa triết lý của họ và lẽ thật của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra rồi. Ân điển của Đức Chúa Trời sẽ nâng đỡ chúng ta khi chúng ta gìn giữ đức tin, oikonomos, luật lệ trong nhà của Đức Chúa Trời, công việc của Đức Chúa Trời trong Tin lành luôn luôn kết quả trong những đời sống đã được thay đổi.
Jim Elliot, vị giáo sĩ đã tuận đạo được ghi nhớ vì đã nói: "Chúng ta là những kẻ chẳng ra gì đang làm chứng cho mọi người về Đấng có thể cứu vớt bất cứ ai".
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét