Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Mathiơ 4.1-11: "SỰ THỬ THÁCH CỦA NHÀ VUA"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
SỰ THỬ THÁCH CỦA NHÀ VUA
Mathiơ 4.1-11
1. Joseph Mallord Turner – vị hoạ sĩ người Anh đã mời Charles Kingsley đến phòng vẽ của mình để xem một bức tranh họa về một trận bão trên biển cả. Kingsley kêu lên: “Bức tranh đẹp quá! Trông thực làm sao! Làm sao ông vẽ được trận bão đó vậy?”. Nhà danh hoạ kia bèn đáp: “Tôi ra bờ biển Hà Lan rồi hẹn với một ngư phủ đưa tôi ra biển trong trận bão kế đó. Bước vào chiếc thuyền của ông ta khi trời vầy mây tụ bão, tôi yêu cầu ông ta cột tôi chặt vào cột buồm. Thế rồi ông ta lái con thuyền vào ngay hàm răng của cơn bão. Cơn bão vần vũ trong cơn điên tiết của nó đến nỗi nhiều lúc tôi muốn xuống dưới lòng thuyền, nơi những con sóng sẽ thổi qua tôi. Tuy nhiên, tôi không làm thế. Tôi đã bị cột chặt vào cột buồm. Không những tôi nhìn thấy cơn bão đang trong cơn điên tiết giận dữ của nó, tôi cảm nhận điều đó. Nó thổi vào tôi, thực vậy, cho tới chừng tôi trở thành một phần trong cơn bão đó. Sau thử thách khủng khiếp nầy, tôi trở về phòng rồi hoạ lại bức tranh ấy”.
Hêbơrơ 4.15 nói về Chúa Jêsus: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội”. Chúa Jêsus đã tự buộc mình vào cột buồm của nhân loại chúng ta rồi đối mặt với những trận bão cám dỗ khủng khiếp nhất mà Satan có thể phóng mạnh vào Ngài. Ngài đã chịu thế vì tình yêu thương hầu cho Ngài có thể cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta.
2. Ở từng trường hợp trong Kinh Thánh, chúng ta thấy sự thử thách đến bằng một trong các lãnh vực:
A. I Giăng 2.16 tóm tắt lãnh vực nầy: “Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra”.
B. Ở Sáng thế ký 3.6, khi Satan cám dỗ Êva trong vườn Êđen, nàng đã thấy trái cấm ấy “bộ ăn ngon” phù hợp với “mê tham của xác thịt”. Nàng cũng tưởng trái ấy là “đẹp mắt” gắn với “sự mê tham của mắt”. Sau cùng nàng bị lời nói dối của Satan thuyết phục trái ấy “có thể khiến cho người ta khôn ngoan”, là “sự kiêu ngạo của đời”.
C. Trong một phút, chúng ta thấy Satan đã đến bên Chúa Jêsus với cùng những cơn thử thách đó. Chúa Jêsus là con người trọn vẹn, vì thế Ngài đã bị thử thách.
3. Trước khi chuyển sang những cơn thử thách, chúng ta hãy xét xem Chúa Jêsus đã sửa soạn bản thân như thế nào đối với sự thử thách trong các câu 1-2.
A. Thứ nhất, hãy nhớ THỨ TỰ THỜI GIAN (câu 1a).
1. Từ ngữ “bấy giờ” gắn biến cố nầy với phép báptêm của Chúa Jêsus.
2. Mặc dù Chúa Jêsus không có tội lỗi, Ngài vẫn đòi chịu phép báptêm từ Giăng “để làm trọn mọi việc công bình”.
3. Khi Chúa Jêsus ra khỏi nước, Thánh Linh của Đức Chúa Trời “giống như chim bồ câu”, đã xức dầu cho Ngài bằng quyền phép để phục vụ. Kế đó Tiếng của Đức Chúa Cha, xác minh chắc chắn lai lịch của Ngài, phán như sau: “Nầy là Con yêu dấu Ta, đẹp lòng ta mọi đàng”.
B. Thứ hai, hãy lưu ý ĐỊA ĐIỂM (câu 1b).
1. Chúa Jêsus được “Đức Thánh Linh đưa đến nơi đồng vắng”. Phép báptêm giống như một sự uỷ thác hay lễ đăng quang vậy. Quý vị sẽ nghĩ một nhà vua mới đăng quang được dẫn đến ngai vàng, chớ không phải dẫn tới một đồng vắng hoang vu, trơ trọi.
2. Một trong những sự thật khó có thể chối cãi về việc trở thành một Cơ đốc nhân: ấy là chúng ta không luôn luôn được dẫn tới các đại lộ huy hoàng. Trước khi chúng ta lên tới đỉnh núi, chúng ta phải đi xuống vùng đồng trũng thử thách.
3. Satan gặp gỡ Ađam trong một ngôi vườn xinh đẹp. Hắn đã gặp Chúa Jêsus trong “đồng vắng”. Ađam đã thua trận. Còn Chúa Jêsus thì thắng trận!
C. Thứ ba, hãy xét mặt THUỘC LINH (câu 2a).
1. Ngài được “Đức Thánh Linh đưa đến… đặng chịu ma quỷ cám dỗ”. Thật là thú vị khi thấy Đức Thánh Linh đã chọn từ ngữ “ma quỷ” ở đây. Đó là một trong các danh xưng của Satan. Nó xuất thân từ chữ diabolos, có nghĩa là “kẻ vu cáo” hay “kẻ phỉ báng”.
2. Có người xưng mình là Cơ đốc nhân lại không tin kẻ gian ác nầy. Hắn hầu như chuyên dối gạt và thắng hơn khi người ta không chịu tin theo hắn.
3. Chúa Jêsus đã sửa soạn cho “sự cám dỗ thuộc linh” nầy khi kiêng ăn “40 ngày và 40 đêm” trong đồng vắng. Kiêng ăn là phương pháp theo Kinh Thánh tập trung vào những lời cầu nguyện của chúng ta và tâm trí xu hướng về mặt thuộc linh. Chúng ta không biết Ngài đã làm chi khác trong suốt thời gian nầy, nhưng tôi đoán Ngài đã bỏ ra nhiều thời gian để cầu nguyện.
D. Thứ tư, hiểu biết về PHẦN XÁC THỂ (câu 2b).
1. Sau khi kiêng ăn hơn một tháng trời, “Ngài bị đói”. Đó là một câu nói chưa xác đáng lắm. Đi trong một thời gian dài không có đồ ăn khiến cho xác thể của một người ra yếu đuối lắm. Vô luận Chúa Jêsus có yếu đuối về phần xác như thế nào, thì giờ cầu nguyện sôi nổi đã làm cho Ngài thật đầy sinh khí về mặt thuộc linh.
2. Êphêsô 6.10 truyền cho chúng ta phải “làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài”. Chúa Jêsus phán trong Mác 14.38: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối”.
4. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta thấy rằng Chúa Jêsus là Vua trên kẻ ác. Thực tế hơn, chúng ta thấy thể nào Satan đã tấn công Nước của Đức Chúa Trời và tìm kiếm một số công cụ hòng đánh bại Ngài. Hãy xét qua ba lãnh vực của sự cám dỗ.
I. Sự cám dỗ của sự mê tham của xác thịt (các câu 3-4).
A. Quỷ cám dỗ xuất hiện (câu 3a)
1. “Quỷ cám dỗ” là một trong các tước hiệu của Satan. Chúng ta không biết hắn đã lấy hình thức nào khi hắn nói với Chúa Jêsus. II Côrinhtô 11.14 chép: “Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng”.
2. Satan vốn biết Chúa Jêsus là ai rồi. Hắn đã tìm cách giết Ngài ít nhất là một lần rồi, có lẽ là nhiều lần. Giờ đây Chúa Jêsus đã bước vào cuộc sống cách công khai, thử thách sẽ bắt đầu với một sự đối diện cá nhân.
B. THẮC MẮC của Quỷ cám dỗ (câu 3b).
1. Satan hỏi: “Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời…”. Hắn vốn biết Chúa Jêsus là “Con Đức Chúa Trời”. Hắn như đang muốn nói: “Hãy chứng minh điều đó”. Hắn đang tìm cách khuyên Chúa Jêsus hãy hành động độc lập với Đức Chúa Cha. Làm thế sẽ là bất tuân, phạm tội và làm thế sẽ khiến Chúa Jêsus ra không xứng đáng.
2. Hắn thì thầm những câu hỏi tương tự vào hai lỗ tai chúng ta. Hắn biết quý vị sẽ được cứu, nhưng hắn sẽ nói: “Nếu các ngươi thực sự được cứu, tại sao các ngươi lại làm thế? Các ngươi có chắc các ngươi là Cơ đốc nhân thật không?”
C. LỊNH LẠC của Quỷ cám dỗ (câu 3c).
1. Hãy nhớ, Chúa Jêsus đã “đói” lắm rồi. Hàm ý của Satan là “Nếu Đức Chúa Trời yêu ngươi nhiều lắm, tại sao Ngài lại để cho ngươi phải đói trong đồng vắng chứ?”. Hắn nói cùng chúng ta: “Nếu Đức Chúa Trời yêu các ngươi nhiều lắm, tại sao các ngươi phải bệnh tật… tan vỡ… cô độc… mệt mỏi…”.
2. Mặc dù Chúa Jêsus có thể hoá đá thành bánh rất dễ dàng, Ngài đã không làm vậy vì ba lý do rất quan trọng:
a. Thứ nhất, Chúa Jêsus không đến với trần gian đặng hoá đá thành bánh, Ngài đến để chịu chết thay cho chúng ta. Ngài đã đến để khiến hạng tội nhân hoá ra thánh đồ!
b. Thứ hai, Chúa Jêsus không có thói quen nhận lịnh lạc từ Satan!
c. Thứ ba, Chúa Jêsus là tấm gương của chúng ta. Ngài vốn biết chúng ta không thể hoá đá thành bánh được. Ngài tỏ ra cho chúng ta thấy làm thế nào để đánh bại Satan mà không cần có quyền phép lạ lùng.
D. ĐÁP ỨNG của Nhà Vua (câu 4).
1. Chúa Jêsus đã đáp trả Satan bằng Kinh Thánh. Ngài phán: “Có lời chép rằng…”. Ngài có thể huỷ diệt ma quỷ ngay tại đó! Ngài có thể tỏ ra cho hắn thấy sự vinh hiển cực kỳ của Ngài. Ngài có thể trao đổi vấn đề bằng trí khôn.
2. Thay vì thế, Ngài đã sử dụng Kinh Thánh. Ngài đã trưng dẫn Phục truyền luật lệ ký 8.3, ở đây dạy chúng ta vâng theo Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài tiếp trợ cho chúng ta, chớ không nắm lấy để được ban thưởng.
3. Khi Satan đến với quý vị và nói:
a. “…các ngươi không được CỨU đâu”, quý vị nên nói với hắn: “Có lời chép… Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu (Rôma 10.9).
b. “…các ngươi không được THA THỨ đâu”, quý vị nên nói với hắn: “Có lời chép… Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rôma 8.1).
c. “… các ngươi không DÁM CHẮC”, quý vị nên nói với hắn: “Có lời chép… Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta (Giăng 10.28).
d. “… các ngươi chẳng QUAN TRỌNG chi hết”, quý vị nên nói với hắn: “Có lời chép… Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài (Giăng 1.12).
II. Sự cám dỗ của sự mê tham của mắt (các câu 5-7).
A. VỊ THẾ của sự cám dỗ (câu 5).
1. Chúng ta không thể nói chính xác “nóc đền thờ” là ở đâu! Có lẽ đó là mái vòm cung điện Hêrốt.
2. Sử gia Josephus vào thế kỷ đầu tiên nói rằng chiều cao của vị thế nầy là 450 feet. Chiều cao ấy bằng một lần rưỡi sân bóng đá.
B. THẮC MẮC và LỊNH LẠC của Quỷ cám dỗ (câu 6a).
1. Satan nói: “Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi”. Hãy tưởng tượng xem người ta sẽ lũ lượt kéo tới với Chúa Jêsus nếu Ngài còn sống khi gieo mình xuống như vậy. Có nhiều người mạo nhận làm Đấng Mêsi đã thử qua những việc như thế.
2. Chúa Jêsus vốn biết rõ người nào sẽ theo Ngài vì một dấu lạ như thế sẽ đòi có nhiều dấu lạ thêm nữa. Ngài đã phán trong Mathiơ 12.39: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na”. Giăng 12.37 chép: “Vả, dẫu Ngài đã làm bấy nhiêu phép lạ trước mặt chúng, họ cũng không tin Ngài”.
C. Quỷ cám dỗ sử dụng KINH THÁNH (câu 6b).
1. Vì Chúa Jêsus đã sử dụng Kinh Thánh, Satan muốn thi đấu với Ngài rồi ném quyển Kinh Thánh vào mặt Ngài. Hắn trưng dẫn Thi thiên 91.11-12. Satan cũng biết Kinh Thánh nữa!
2. Điều Satan muốn ám chỉ là: “Khi ngươi không sử dụng quyền năng mà chẳng có phép của Đức Chúa Cha, hãy minh chứng ngươi tin cậy Ngài bằng cách nhảy xuống đi”.
D. Sự CỰ TUYỆT của nhà Vua (câu 7).
Chúa Jêsus không đáp trả với Phục truyền luật lệ ký 6.16. Từ ngữ “cám dỗ” có thể được phiên dịch là “thử nghiệm”. Quý vị chỉ thử những gì quý vị chưa tin.
III. Sự cám dỗ của sự kiêu ngạo của đời (các câu 8-11).
A. VỊ THẾ của sự cám dỗ (câu 8a). Sự cám dỗ đã xảy ra “trên núi rất cao”. Chúng ta không có ý kiến đây là hòn núi nào!?! Trong Kinh Thánh, núi non đồng nghĩa với ngai quyền lực. Có lẽ đây không phải là hòn núi thuộc thể đâu.
B. KHẢI THỊ của sự cám dỗ (câu 8b).
1. Bằng cách nào đó, Satan đã cho Chúa Jêsus thấy “các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy”. Có lẽ họ đã nhìn thấy sự vinh hiển của Aicập với các kim tự tháp và đền thờ của nó. Có thể họ đã nhìn thấy quyền lực của Đế quốc La mã và văn hoá Hy lạp hoặc sự oai nghi của thành Jêrusalem.
2. Satan vốn biết một ngày kia Chúa Jêsus sẽ trị vì hết thảy các nước như Vua các vua. Hắn muốn nói: “Tại sao phải chờ đợi chứ? Ngươi xứng đáng trị vì ngay bây giờ mà!?!”
3. Thi thiên 2.8 chép: “Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất làm của cải”.
4. Satan luôn luôn sử dụng các chiến thuật nầy, hắn nói cho chúng ta biết chúng ta cần phải đòi hỏi sự giàu có, danh tiếng và quyền lực, bằng mấy cây kèn chiếm lấy thế giới và trở thành ai đó bằng mọi giá.
5. Khi chúng ta đặt mục tiêu vào các thứ ưu tiên một của thế gian, chúng ta đang làm theo chính xác mọi điều Satan đang mong muốn. Chúa Jêsus phán: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Mathiơ 6.33).
C. CÁI GIÁ của sự cám dỗ (câu 9).
1. Satan nói: “Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy”. Mọi sự nầy đã thuộc về Chúa Jêsus rồi. muôn vật đã được dựng nên “bởi Ngài và vì Ngài” (Côlôse 1.16).
2. Satan đã bị đuổi ra khỏi thiên đàng vì hắn đã cố sức chiếm lấy ngai của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã có mặt ở đó! Ngài đã phán trong Luca 10.18: “Ta đã thấy quỉ Sa-tan từ trời sa xuống như chớp”. Chúa Jêsus không muốn nhường ngôi báu cho hắn bao giờ.
D. ĐÁP ỨNG THÁNH KHIẾT trước sự cám dỗ (câu 10).
1. Chúa Jêsus phán: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra!”. Hắn không nên đưa ra những đề nghị quá phạm thượng nữa! Bởi uy quyền thiêng liêng của Ngài, Ngài đã ra lệnh cho Satan phải lìa khỏi Ngài.
2. Giacơ 4.7 chép: “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em”. Khi chúng ta “phục theo Đức Chúa Trời” và “chống trả Satan” bằng cách sử dụng Kinh Thánh, vì uy quyền của Chúa Jêsus, hắn sẽ “lánh xa” chúng ta!
3. Một lần nữa Chúa Jêsus đã trưng dẫn Cựu ước: “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”. Nếu chúng ta hầu việc bất cứ điều chi hay ai khác, chúng ta đang hầu việc Satan đấy thôi!
E. CHỨC VỤ sau khi chịu cám dỗ (câu 11).
1. Chúa Jêsus đã trải qua những cơn thử nghiệm, vì vậy “Ma quỉ bèn bỏ đi”. Ngài đã giữ lòng trung tín với Đức Chúa Cha. Satan đã thua trận “cám dỗ thuộc linh” rồi.
2. Thế rồi “thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài”. Chắc chắn họ đã mang đến cho Ngài đồ ăn và sự đảm bảo tình yêu của Cha Ngài.
3. Thắng hơn sự cám dỗ là một cảm xúc thật kỳ diệu. Chẳng có gì giống như giấc ngủ bình an của người có lòng trung tín!
IV. Bốn bài học sau cùng.
A. Chúng ta có một kẻ thù dối gạt nơi Satan. Hắn là kẻ chuyên lừa gạt. Hắn muốn lừa gạt chúng ta làm theo những việc theo đường lối của chúng ta hơn là đường lối của Đức Chúa Trời.
B. Chúng ta có một kinh nghiệm bình thường trong cơn cám dỗ.
1. Mọi người đều bị cám dỗ. Hãy suy nghĩ về những cơn cám dỗ giống như các thử nghiệm về lòng trung tín của quý vị.
2. I Côrinhtô 10.13 chép: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”.
3. Hãy mong đợi sự cám dỗ. Hãy phản ứng thích đáng và vui mừng trong sự đắc thắng của Đức Chúa Trời.
C. Chúng ta có vũ khí mạnh sức trong Kinh Thánh.
1. Hêbơrơ 4.12 chép: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng”.
Joseph Parker kêu gọi chú ý tới vài đặc điểm thú vị trong những câu trả lời của Chúa chúng ta trước những đề xuất của Satan. “Chúng không phải là kết quả của tri thức sắc sảo nơi phần của Đấng Christ mà những kẻ hay chết như chúng ta không dám xưng nhận mình có. Chúng không phải là hậu quả của mưu trí sẵn sàng cũng không phải là ánh chớp bất ngờ của ngọn lửa từ sự cọ xát. Chúng không mang những dấu hiệu của hạng thiên tài có óc sáng tạo đâu. Chúng không phải là những câu trả lời do sự thôi thúc của tình thế như một kết quả sự khôn ngoan vô hạn của Ngài. Chúng không phải là những cuộc tranh luận suông đã được tổ chức đâu. NHƯNG chúng đơn sơ đủ cho một đứa trẻ trung bình hiểu được. Chúng là những trưng dẫn từ Lời của Đức Chúa Trời mà Ngài đã suy gẫm ngày và đêm ở đó. Chúng là lời có quyền phép, không phải trong hình thức những đề nghị buộc phải vâng theo đâu. Cách lý luận của con người vốn yếu ớt trong cuộc tranh chấp với Satan vì chúng thiếu quyền phép”.
2. Quý vị có thể đánh bại Satan từng thời điểm bằng Kinh Thánh!
3. Đây là lý do tại sao nghiên cứu và học thuộc lòng Kinh Thánh là quan trọng. Thi thiên 119.11 chép: “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa!”
D. Chúng ta có một sự đồng cảm trong Đấng Cứu Thế.
1. Ở phần đầu của sứ điệp nầy, tôi đã trưng dẫn Hêbơrơ 4.15: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội”.
2. Vì Chúa Jêsus đã trải qua cơn bão cám dỗ, Ngài hiểu rõ chúng ta. Ngài có thể tha thứ và yên ủi chúng ta.
G. H. Charnley trong quyển “Mặc cả của loài chim chiền chiện” (The Skylar’s Bargain), thuật lại câu chuyện nói về một con chim chiền chiện (skylar) còn nhỏ, nó khám phá ra một ngày kia có người đến cho nó những con trùng ăn đặng đổi lấy một chiếc lông. Nó lập một phương án, một cái lông cho hai con trùng. Qua ngày sau, con chim đang bay cao trên bầu trời với bố của nó. Con chim bố nói: “Nầy con, con biết không, chúng ta loài chim chiền chiện đáng phải là loài chim phước hạnh nhất trong tất cả các loài chim. Hãy xem đôi cánh vẫy vùng của chúng ta! Chúng đưa chúng ta lên cao trên không, đến càng gần Đức Chúa Trời hơn”. Nhưng con chim nhỏ kia không nghe thấy, vì mọi sự nó nhìn thấy là một cụ già với cả đống trùng. Nó bay thấp xuống, nhổ hai chiếc lông ra khỏi đôi cánh rồi có một bữa ăn. Hết ngày nầy qua ngày khác, việc nầy cứ tiếp tục. Mùa thu đã đến và đến lúc phải bay về Nam. Nhưng con chim chiền chiện kia không thể bay đi được. Nó đã đánh đổi quyền phép của đôi cánh trẻ trung của nó để lấy mấy con trùng. Đấy là sự cám dỗ thường xuyên có trong cuộc sống – đổi đôi cánh lấy mấy con trùng.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét