Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 5.9: "PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ LÀM CHO NGƯỜI HOÀ THUẬN"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
SỨ ĐIỆP CỦA NHÀ VUA
PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ LÀM CHO NGƯỜI HOÀ THUẬN
Mathiơ 5.9

1. Dường như thế giới đang ở trong cảnh lóng ngóng. Âu châu đã bị thiệt hại nhiều do tai hoạ của Đệ II Thế Chiến. Từ Anh quốc cho đến nước Ý, các thành phố, làng mạc đều có những toà nhà mang dấu tích của bom đạn, nhiều nghĩa trang mọc lên. Ở phía bên kia, những hòn đảo của Biển Nam còn dấu tích của những trận đánh ác liệt. Hiroshima và Nagasaki trông giống như bề mặt của sự chết vậy. Hoà bình của thé giới đã đến, nhưng nó đến với một giá thật là ghê khiếp. Cách đây năm mươi năm, lúc Đệ II Thế Chiến kết thúc, Tướng Doulas MacArthur đã nói ra mấy lời về sự hoà bình cho một thế giới đang trông đợi.
“Ngày hôm nay súng ống đã lặng im… bầu trời không còn mưa sự chết xuống nữa… các đại dương chỉ dành cho thương mại… con người khắp nơi nơi đang bước thẳng vào ánh sáng mặt trời. Cả thế giới yên ổn trong hoà bình… Một kỷ nguyên mới đang giáng trên chúng ta. Thậm chí bài học chiến thắng tự nó đem tới cho nó một mối lo cả về sự an ninh trong tương lai và sự tồn tại nền văn minh. Sức huỷ diệt của chiến tranh, qua những tiến bộ của khai phá trong khoa học, giờ đây kỳ thực đã lên tới một điểm cần phải xét lại khái niệm xưa về chiến tranh… Từ khi bắt đầu thời gian cho tới nay con người đã tìm kiếm sự hoà bình, (nhưng) các liên minh quân sự, sự cân đối về quyền lực, sự kết hợp của các nước, hết thảy đều đi tới chỗ thất bại, chỉ còn có một con đường duy nhất: ấy là con đường dẫn tới lò lửa chiến tranh. Chúng ta đã có cơ hội cuối cùng. Nếu chúng ta giờ đây không nghĩ ra một hệ thống lớn lao hơn và công bằng hơn. Armageddon sẽ tới ngay bên cửa của chúng ta. Nan đề, cơ bản thuộc phạm vi thần học và bao gồm một sự hoạt động về mặt thuộc linh và sự cải thiện tâm tính của con người. Đây là vấn đề của tâm linh nếu chúng ta muốn cứu lấy xác thịt”.
2. Hoà bình dường như rất khó nắm được. Khi xem xét về hoà bình ở vùng Trung đông, Thủ tướng Dothái – Ytzak Rabin đã bị một người Dothái ám sát chết. Tuần lễ nầy tờ báo Toàn Cầu (Globe Times) có đăng một bài viết về một nhóm người đi bộ ngang qua nước Mỹ trong một sứ mệnh về hoà bình. Thật là thú vị thay, họ không thể xoay sở được và đã chia ra làm hai nhóm ở Arkansas! Chúng ta thường ngờ nghệch quá về sự hoà bình.
Một thiếu nữ đang loay hoay với bài tập ở nhà, thì bố cô ấy lấy làm tò mò đến hỏi thăm cô đang làm gì. Cô ta đáp: “Con đang viết thuyết trình về tình trạng của thế giới và làm cách nào để đem lại sự hoà bình”. Người bố hỏi: “Đề tài này có quá lớn cho một thiếu nữ không?”. Cô ta đáp: “Ồ, không ạ! Và đừng lo. Chỉ có ba đứa chúng con trong lớp đang làm đề tài nầy đấy ạ!”.
3. Trong phần giới thiệu Bài Giảng Trên Núi của Chúa Jêsus, trong cái mà chúng ta gọi là Tám Phước Lành, Chúa nói cho chúng ta biết rằng dân sự Ngài cần phải sống sao cho người ta nhìn biết họ là “những kẻ làm cho người hoà thuận”. Chúng ta hãy đưa ra ba câu hỏi quan trọng nầy về sự hoà thuận và “những kẻ làm cho người hoà thuận”.
I. HOÀ THUẬN LÀ GÌ?
A. Hoà bình là một khái niệm quan trọng theo Kinh Thánh.
1. Thứ nhất, Kinh Thánh gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời Bình An”trong ba phân đoạn khác nhau (Rôma 15.33; II Côrinhtô 13.11; Philíp 4.9). Kinh Thánh chứa khoảng 400 tham khảo trực tiếp đến hoà bình và nhiều tham khảo gián tiếp khác.
2. Sáng thế ký khởi sự với ngôi vườn Êđen xinh đẹp. Đây là một nơi thật an bình. Rồi thế giới mất đi sự an bình của nó qua Sự Sa Ngã vào trong tội lỗi. Đấng Christ đã phục hồi lại sự an bình ấy qua sự chết của Ngài trên thập tự giá. Sách Khải huyền kết thúc với kỷ nguyên đời đời trong đó sự hoà bình được phục hồi và được “Chúa Bình An” tể trị. Hoà bình đánh dấu cách ứng xử của Đức Chúa Trời đối với loài người.
B. Hoà bình không biểu thị đặc điểm con người.
1. Theo thống kê cho biết, trong hơn 3100 năm lịch sử thế giới đã được ghi lại, thế giới chỉ sống trong hoà bình 8% thời gian hoặc tổng cộng 286 năm và 8000 hiệp ước đã được ký kết và bị phá vỡ. Có người nói: “Hoà bình là giây phút vinh quang trong lịch sử khi ai nấy thôi không nạp đạn vào súng nữa”.
2. Không những chúng ta không có hoà bình đối với chiến tranh trên toàn cầu, chúng ta không có hoà bình về kinh tế, hoà bình về tôn giáo, hoà bình về chủng tộc, hoà bình giữa cá nhân với nhau. Thuật ngữ thông dụng trong thời đại của chúng ta là CĂNG THẲNG.
3. Lý do có ít hoà thuận trên thế giới là vì Satan. Hắn là kẻ đối lập với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban ra sự hoà bình và Satan lột bỏ hắn. Hắn bảo chúng ta phải cướp lấy cho bản thân mình, phải đặt “tôi” lên trên hết, phải tức tối, phải thù hận, và phải chiến đấu. Hắn là động lực tối hậu cho mọi sự hỗn loạn trên thế giới.
C. Sự bình an của Đức Chúa Trời rất khác biệt với sự bình an của thế gian.
1. Quan niệm về sự bình an của con người cho mọi người là thôi không chiến đấu nữa, phải thoả hiệp, hạ cánh tay xuống mà bắt lấy nhau. Việc nầy không bao giờ xảy ra vì cớ bổn tánh tội lỗi của chúng ta.
2. Sự bình an mà Chúa Jêsus đang nói tới lại khác đi. Ngài đã phán trong Giăng 14.27: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho”. Sự bình an của Ngài chẳng dính dáng gì với sự hoà bình của Liên Hiệp Quốc, NATO, các hiệp ước, những cuộc ngừng bắn, hay phân xử.
3. Sự bình an của Đấng Christ là sự thanh bình bên trong tự nó tỏ ra trong sự tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời cao cả và yêu thương. Philíp 4.7 chép rằng sự bình an của Đức Chúa Trời “vượt quá mọi sự hiểu biết”.
D. Sự bình an của Đức Chúa Trời đến từ sự hiện diện của Ngài trong đời sống của chúng ta.
1. Chúng ta có sự bình an trong tấm lòng vì chúng ta đã được cứu. Rôma 5.1 chép: “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta”.
2. Khi chúng ta được cứu, Đức Chúa Trời làm đầy dẫy tấm lòng chúng ta với một sự khôn ngoan thanh sạch, ưa thích sự bình an. Giacơ 3.17 chép: “Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận”.
3. Chúng ta có sự hoà thuận vì Đức Chúa Trời đã làm sự công bình cho chúng ta. Cả hai bước đi tay trong tay. Thi thiên 85.10 chép: “Sự thương xót và sự chân thật đã gặp nhau; Sự công bình và sự bình an đã hôn nhau”.
E. Sư bình an luôn luôn đến với một giá phải trả.
1. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 10.34: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo”. Điều nầy dường như đối ngược lại với phước lành ngày hôm nay. Chúa Jêsus muốn nói bình an có một giá phải trả.
2. Trước khi một người có sự hoà thuận với Đức Chúa Trời, người ấy phải đến với lẽ thật và sự công bình. Lẽ thật là tin lành. Trong đó người ấy tìm gặp sự công bình của Đức Chúa Trời. Trong sự công bình của Đức Chúa Trời, người ấy tìm gặp mình là tội nhân. Ở đây người gặp một nhu cần phải ăn năn và tin cậy nơi Đấng Christ.
3. Trước khi có sự hoà bình giữa các nước, giữa chồng và vợ, giữa bạn bè, cần phải có một sự nhìn nhận thành thật về tội lỗi và chạy đến với sự công bình.
4. Chúa Jêsus đã đến để đem “gươm dáo” của sự phân rẽ. Tội lỗi chúng ta gạt bỏ sự hoà thuận đi. Sứ điệp của Ngài phân rẽ những người tin cậy Đức Chúa Trời ra khỏi những kẻ không chịu tin, những người chịu vâng theo Đức Chúa Trời và những người không vâng theo. Ngài kêu gọi chúng ta phải đương diện với tội lỗi.
F. Cái giá trả cho sự bình an của chúng ta là thập tự giá của Đấng Christ.
1. Côlôse 1.19-20 chép: “Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài, và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời”.
2. Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi chúng ta rồi hiến cho chúng ta sự công bình của Ngài (II Côrinhtô 5.21), sự công bình đó khiến cho chúng ta được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời.
II. TÔI SẼ TRỞ THÀNH KẺ LÀM CHO NGƯỜI TA HOÀ THUẬN BẰNG CÁCH NÀO?.
A. Hạng người đem lại hoà bình cho thế gian nầy không phải là Ytzak Rabin, Henry Kissenger hay Jommy Carter. Nhánh bình an của họ cũng tốt đấy song chưa phải là đời đời đâu. “Những kẻ làm cho người hoà thuận” thật chính là hạng người có sự bình an của Đức Chúa Trời.
1. I Côrinhtô 7.15 chép: “Đức Chúa Trời đã gọi anh em ăn ở trong sự bình an”. Bước sang II Côrinhtô 5.18, Đức Chúa Trời kêu gọi dân sự Ngài bước vào một “chức vụ giảng hoà”.
2. “Chức vụ giảng hoà” nầy đúng là chức vụ làm ra sự hoà thuận, giúp cho nhiều người khác tìm gặp sự bình an của Đức Chúa Trời. Hãy chú ý II Côrinhtô 5.19-20. Giờ đây chúng ta là hàng “khâm sai” hoà bình của Đức Chúa Trời trong một thế giới không có sự hoà bình.
B. Chúng ta hãy chú ý bốn đặc điểm của “những kẻ làm cho người hoà thuận”.
1. Thứ nhất, một kẻ làm cho người hoà thuận đã hoà thuận lại với Đức Chúa Trời.
a. Người ấy là người đã được cứu và nhơn đó đã làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Mặc dù người là kẻ thù của Đức Chúa Trời, người đã “được hòa thuận với Ngài [Đức Chúa Trời] bởi sự chết của Con Ngài” (Rôma 5.10).
b. Vì cớ người đã được cứu, người nhìn biết “sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt quá mọi sự hiểu biết” (Philíp 4.8; Côlôse 3.15). Helen Steiner Rice viết:
Khi tôi bối rối và phiền ưu trong thất vọng,
Tôi gói ghém mọi rối rắm lại rồi gặp Đức Chúa Trời
Trong sự cầu nguyện,
Tôi cũng nói cho Ngài biết rõ nỗi lòng, sự hư mất và nỗi cô đơn của tôi,
Rằng tôi đầy gánh nặng và chẳng biết phải làm gì.
Nhưng tôi biết Ngài đã quở gió và làm cho biển nổi sóng phải yên lặng,
Tôi hạ mình xuống hỏi không biết Ngài có làm như thế
Cho tôi trong tình yêu của Ngài hay không!?!
Tôi chỉ biết giữ yên lặng và suy nghĩ về sự bình an,
Rồi khi tôi ở trong sự yên lặng, tiếng than phiền không dứt của tôi bèn ngưng lại.
c. Mặc dù người đã được cứu, người biết mình vẫn có tội. Người không muốn tội nầy tác động vào sự bình an trong đời sống mình, vì vậy người xưng tội nầy ra với Đức Chúa Trời (I Giăng 1.9). Cơ đốc nhân ích kỷ, lấy cái tôi làm trọng, ít quan tâm đến tội lỗi không thể trở thành một khâm sai cho hoà bình được.
2. Thứ hai, một kẻ làm cho người ta hào thuận hướng dẫn người khác làm sự hoà thuận lại với Đức Chúa Trời.
a. Êphêsô 6.15 cho chúng ta biết rằng hết thảy những tín hữu đều phải xỏ chơn vào “tin lành bình an”. Chúng ta cần phải sẵn sàng và bằng lòng chia sẻ tin lành trong cách chúng ta sinh sống và trong sự làm chứng bằng môi miệng, cả hai.
b. Người nào tin tin lành đều phải chia sẻ tin lành đó. Quý vị có tin điều đó chăng!?!
Một bà kia tìm gặp con chó nhỏ trong sân nhà mình, nó bị một chiếc xe hơi đụng phải. Bà ta đem nó vào nhà rồi thấy rằng nó chỉ bị choáng, bị tím bầm và xây xát đôi chút thôi. bà ta lau sạch cho con chó rồi cho nó ăn để nó đủ sức chạy đi khi bà ra mở cửa. Bà ta nghĩ: “Con chó nhỏ nầy chẳng biết ơn gì cả!”. Bà ta hoàn toàn ngạc nhiên khi nghe tiếng cửa sột soạt vài phút sau đó. Có con chó nhỏ và nó đã mang theo về một con chó đi lạc khác đứng nơi cửa nhà bà.
3. Thứ ba, một kẻ làm sự hoà thuận lo giúp cho tha nhân làm hoà với người khác.
a. Khi một người đến với Đấng Christ, người ấy có sự hoà thuận với Đức Chúa Trời và trở thành kẻ làm sự hoà thuận cho thế gian. Người bắc một nhịp cầu giữa Đức Chúa Trời và loài người. Người cũng bắc những cây cầu giữa người nầy và người kia nữa.
b. Rôma 12.18 chép: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người”.
c. Đôi khi làm sự hoà thuận sẽ dính díu với một quở trách. Điều nầy đòi hỏi một tâm linh biết hạ mình và một ao ước về sự hoà bình và ý chỉ của Đức Chúa Trời (Mathiơ 18.15-17).
4. Thứ tư, một kẻ làm hoà thuận trông đợi sự tán thành.
a. Chúng ta không nên đem lẽ thật của Đức Chúa Trời mà thoả hiệp; tuy nhiên, chúng ta có thể tìm được sự tán thành với bất kỳ ai.
b. Chúng ta phải phấn đấu mà không phải tranh cãi, bất đồng mà không có sự gắt gỏng, đương đầu mà không có sỉ nhục.
c. Chúng ta không nên tìm kiếm “sự bình an rẻ tiền”, hãy đoàn kết theo sự dạy của Kinh Thánh. Chúng ta phải đạt cho kỳ được một sự cân đối.
d. Êphêsô 4.15 dạy chúng ta phải “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật”. Chúng ta không nên thối lui trước lẽ thật, nhưng chúng ta phải luôn luôn phân phát lẽ thật trong một tinh thần yêu thương.
e. Nhiều lần, dân sự của Đức Chúa Trời muốn tranh đấu và bàn cãi. Có những lúc phải kiếm một chỗ đứng, nhưng chỗ đứng ấy phải tìm trong sự hoà bình. Chúng ta đừng làm sự hoà thuận bằng cách tranh đấu. Tôi rất vui sướng khi chúng ta có nhiều kẻ làm sự hoà thuận trong nhà thờ nầy.
Charles Swindoll viết: “Những kẻ làm sự hoà thuận lo làm dịu sự căng thẳng, họ không đào cho sâu thêm. Những kẻ làm sự hoà thuận tìm kiếm những giải pháp và chẳng thấy ham thích chi trong sự cãi vả. Những kẻ làm sự hoà thuận làm cho sóng biển phải im lặng, họ không làm cho chúng dậy lên. Những kẻ làm sự hoà thuận chịu khó làm việc để giữ cho đừng xảy ra sự mất lòng. Và nếu sự mất lòng xảy ra, họ phấn đấu tìm cho ra giải pháp. Những kẻ làm sự hoà thuận hạ thấp giọng của họ xuống hơn là cất cao giọng lên. Những kẻ làm sự hoà thuận phát ra ánh sáng hơn là hơi nóng. Những linh hồn nào có tấm lòng như thế thật phước thay! Chúng ta cần nhiều người như họ trong hàng ngũ những kẻ có đức tin. Chúng ta cần nhiều chiến sĩ, nhiều người sẵn sàng để xông tới”.
5. Thứ năm, một kẻ làm sự hoà thuận lo làm sự hoà thuận bất cứ đâu người đi đến. Chúng ta không chỉ làm sự hoà thuận ở trong nhà thờ thôi. Chúng ta cần phải thực hiện nguyên tắc nầy ở tại gia, trong sở làm, tại trường học…
Tôi thích phần tiểu luận rất hay có đề tựa “Kẻ lăng xăng thánh khiết”:
Smith và Jones sắp “to tiếng” về một vấn đề không đáng kể chi hết. Điều nầy khiến cho Chấp sự Brown phải để ý, vì vậy ông đã cầu nguyện rằng ông sẽ trở thành kẻ làm cho người hoà thuận. Ông gọi Smith đến hỏi: “Anh nghĩ sao về Jones?”. “Hắn ta là kẻ lập dị nhất trong xóm”. Brown nói: “Nhưng, ông phải thừa nhận rằng ông ấy rất tốt đối với gia đình của ông ta”. Ngày hôm sau Brown đến gặp Jones rồi hỏi: “Ông có biết Smith nói sao về ông không?”. “Không, nhưng tôi có thể hình dung ra thằng xỏ lá đó sẽ nói dối thế nào về tôi!”. “Điều nầy sẽ làm ông ngạc nhiên đấy, nhưng ông ta nói ông rất tốt đối với gia đình ông”. “Sao chứ! Smith nói thế à?”. “Phải, ông ta nói thế đấy!”. “Được, nếu ông không nói ra, tôi sẽ chẳng tin như vậy đâu!”. Chấp sự Brown hỏi: “Ông nghĩ sao về Smith?”. “Thực ra, tôi tin ông ta là một kẻ cư xử hạ cấp, nhưng ông phải nhìn nhận rằng ông ta rất thành thật trong công việc”. “Phải, không phải bàn chi về điều nầy; trong công việc ông ta là một người mà ông có thể tin cậy”. Ngày hôm sau Brown gọi lại Smith một lần nữa: “Ông đã biết Jones nói gì về ông rồi, có phải không? Ông ấy cho rằng ông là một người đáng tin cậy trong công việc, và ông rất thành thật tuyệt đối”. “Ông chắc thế sao?”. “Phải tôi chắc đấy!” Brown nói. Smith đáp với một nụ cười vui sướng: “Chắc trăm phần trăm há”. Ngày Chúa nhật sau đó “hai kẻ thù” trước kia đã gật đầu chào nhau. Brown tiếp tục việc “lăng xăng” của mình cho tới buổi nhóm hàng năm của nhà thờ khi Smith và Jones bắt tay nhau và sau cùng đồng ý đứng chung với nhau trong kỳ bỏ phiếu. Đức Chúa Trời yêu “kẻ lăng xăng thánh khiết”.
III. NHỮNG LỢI ÍCH NÀO TRONG VIỆC TRỞ THÀNH KẺ LÀM CHO NGƯỜI TA HOÀ THUẬN?
A. Thứ nhất, chúng ta được “phước”. Chúa Jêsus phán: “Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận”. Từ ngữ có ý nói “hạnh phước” hay “may mắn”. Nguyện Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho quý vị!
B. Thứ hai, chúng ta được “gọi là Con Đức Chúa Trời”.
1. Tôi rất biết ơn vì cơ nghiệp của gia đình của chúng tôi. Trong cây gia đình của tôi, tôi có nhiều chiến sĩ, nhiều nhà tiền phong, những nhà truyền đạo, những nhà nông… những người yêu xứ sở nầy và phụ giúp biến nó thành một quốc gia to lớn.
2. Tôi rất tự hào về bố mẹ tôi. Họ đã dạy tôi kính sợ Đức Chúa Trời và sống với tính ngay thẳng và bộc trực. Tôi rất tự hào khi được làm con cái của họ.
3. Quan trọng hơn hết, tôi rất tự hào khi được làm con cái của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời là Chúa bình an và tôi là con cái của Ngài, tôi phải trở thành một “kẻ làm cho người hoà thuận”.
4. Từ ngữ “con cái” chỉ ra một mối quan hệ lắm vinh dự và đáng tôn trọng giữa đứa con và bố mẹ của nó. Hỡi quý bà, quý vị được gọi là con gái của Đức Chúa Trời. Từ ngữ nầy bao gồm hết thảy dân sự của Đức Chúa Trời.
5. Trở thành một “kẻ làm cho người hoà thuận” là trở thành một Cơ đốc nhân. Người nào thường cãi vả, tranh chấp, làm mất lòng không phải là Cơ đốc nhân hoặc là môt Cơ đốc nhân đang sống trong loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời.
6. Hãy chú ý chúng ta “sẽ được gọi là” con cái của Đức Chúa Trời. Thế gian sẽ gọi chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời bởi phương thức bình an mà chúng ta đang sinh sống trong đó.
IV. NHỮNG CÂU HỎI.
A. Quý vị đã làm sự hoà thuận lại với Đức Chúa Trời chưa? Quý vị có biết rằng quý vị đã được cứu và đã được định cho ở trong thiên đàng cho đến đời đời, hoặc quý vị vẫn còn đánh trận chống nghịch Ngài không?
B. Quý vị có sự bình an của Đức Chúa Trời chưa? Nguyện quý vị sẽ được cứu, nhưng quý vị thường lo toan về nhiều việc. Quý vị cần phải trao mọi điều lo lắng cho Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện và kinh nghiệm sự bình an của Ngài trong tâm trí của quý vị.
C. Quý vị có làm hoà với nhiều người khác không? Có phải đời sống của quý vị được đánh dấu bằng tranh chấp và vãi vả không? Có phải quý vị thường gây gỗ với người khác? Quý vị cần phải được cứu hoặc đầu phục mới mẻ đối với Chúa.
D. Có phải quý vị giúp cho người khác tìm được sự bình an? Khi quý vị giới thiệu cho ai đó biết Chúa Bình An, việc nầy có dài lâu không?
MacArthur đã nói đúng. Nan đề bình an đúng là nan đề về mặt thần học. Đây là vấn đề của tâm linh nếu chúng ta muốn cứu lấy xác thịt.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét