Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Mathiơ 10.24-31: "Những dấu hiệu của một môn đồ - Phần 1"



MATHIƠ - VUA CÁC VUA
Những dấu hiệu của một môn đồ - Phần 1
Mathiơ 10.24-31
1. “Môn đồ” là gì? Chúng ta nghe thấy từ ngữ nầy rất thường trong vòng Cơ đốc nhân ngày nay. Có nhiều sách vỡ, đề tài, và nghiên cứu Kinh thánh viết về lẽ đạo nói tới chức năng môn đồ. Giữa các tác phẩm và sự dạy dỗ nầy, tôi có cảm giác là phần nhiều người trong dân sự của Đức Chúa Trời vẫn chưa biết môn đồ thực sự có ý nghĩa như thế nào!?!
2. Từ ngữ "môn đồ" sát nghĩa là: “người học việc”. Trong thời của Chúa Giêxu, một môn đồ là người tự mình gắn bó với thầy rồi học hỏi mọi sự mà người có thể học. Chẳng có một trường lớp nào theo hình thức cả, vì vậy các vị giáo sư lỗi lạc tự nhiên nhóm các môn đồ lại xung quanh mình, giống như các nhà truyền đạo và giáo sư Kinh thánh ngày nay có các khán thính giả trung thành của họ vậy.
3. Khi từ ngữ "môn đồ" được áp dụng cho Cơ đốc giáo, nó có ý nghĩa nhiều hơn một sự gắn bó với một vị thầy, nó có nghĩa là suốt đời, mỗi ngày, qua đồi núi đồng trũng, qua mọi thứ đầu phục đối với Đức Chúa Giêxu Christ. Môn đồ là một giá trị cốt lõi theo Kinh thánh. Sứ Mệnh Cao Cả truyền cho chúng ta phải "môn đồ hoá muôn dân" (28.19). Sứ mệnh của Hội thánh là "để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ" (Êphêsô 4.12), đây là phần định nghĩa tối ưu của chức năng môn đồ.
4. Theo một ý nghĩa thực tế, trở nên môn đồ của Chúa Giêxu không những có nghĩa là thêm Chúa Giêxu vào trong đời sống của quí vị, mà Chúa Giêxu còn trở thành sự sống của quí vị nữa! Môn đồ có nghĩa là sống từng phút một chỉ để làm đẹp lòng Chúa Giêxu mà thôi. Môn đồ có nghĩa là tiếp nhận Ngài làm Chúa cũng như làm Cứu Chúa của quí vị. Môn đồ có nghĩa là sống mỗi ngày đưa ra câu hỏi của Charles Sheldon: "Chúa Giêxu đã làm gì?" Môn đồ có nghĩa là sống trên cấp độ của một tín đồ trung bình. Môn đồ không phải là chỉ đến với nhà thờ, mà là sống mỗi ngày theo ánh sáng của cõi đời đời. Nếu một người là một môn đồ thực của Đức Chúa Giêxu Christ, Ngài là sự sống; mọi sự khác chỉ là chi tiết thôi. Đặc biệt tôi thích câu nói của Phaolô trong Roma 8.29 hơn, chúng ta cần phải "nên giống như hình bóng của Con Ngài".
Florence Nightingale đã viết trong nhật ký của mình: "Tôi đã 30 tuổi rồi, độ tuổi mà Đấng Christ đã bắt đầu sứ mệnh của Ngài. Giờ đây không còn có những vụ việc của trẻ con nữa, không còn có những việc hư không nữa". Nhiều năm về sau khi bà kết thúc cuộc đời anh hào trong sự phục vụ và là một tấm gương cho nhiều người, người ta yêu cầu bà đưa ra lời giải thích lý do tại sao bà đã hoàn thành được nhiều việc như vậy, bà đáp: "Tôi có thể đưa ra một lời giải thích duy nhất, và đó là: Tôi không giữ lại một điều gì đối với Đức Chúa Trời". Đó là “môn đồ” nói theo cách ngắn gọn, không giữ lại một điều gì đối với Đức Chúa Trời.
5. Trong sứ điệp nầy và sứ điệp nối theo sau, chúng ta sẽ xét qua lời lẽ của Chúa Giêxu một vài dấu hiệu của một môn đồ thực.
I. Môn đồ bắt chước thầy của mình (các câu 24-25).
A. Chúng ta bắt chước Đấng Christ khi chúng ta đầu phục Ngài (câu 24).
1. Khi Chúa Giêxu phán "môn đồ không hơn thầy", Ngài muốn nói rằng một môn đồ thấp kém hơn thầy của mình về tri thức và sự khôn ngoan. Khi Ngài phán: "tôi tớ không hơn chủ", Ngài muốn nói rằng một tôi tớ thấp kém hơn chủ của mình trong xã hội và ở mặt kinh tế.
2. Một "môn đồ" là người chân thành học hỏi từ thầy của mình. Một "tôi tớ" là người chân thành vâng theo chủ của mình.
3. Hai minh họa chỉ ra rằng môn đồ dưới quyền Đức Chúa Giêxu Christ đòi hỏi sự vâng phục tuyệt đối. Lẽ đạo chính trong tin lành của Mathiơ: ấy là Chúa Giêxu là Vua các vua, Đấng tể trị tối cao của muôn vật. Ngài đòi hỏi và đáng được chúng ta vâng phục.
4. Sự kêu gọi bước vào chức năng môn đồ là phải bỏ lại sau lưng các thái độ cơ bản, ích kỷ, tự lo liệu rất phổ thông trong mỗi một người chúng ta và bước theo Chúa Giêxu cách hoàn toàn.
Vị giáo sĩ nổi tiếng Jim Elliot từng viết trong nhật ký của mình: "Lạy Đức Chúa Trời, con cầu xin Ngài, hãy đốt bỏ những thanh cũi biếng nhác trong đời sống con hầu cho con nóng cháy cho Ngài. Hãy thiêu đốt đời sống con, lạy Chúa của con vì đời sống nầy là của Ngài. Con không tìm cách sống lâu mà tìm kiếm một đời sống trọn vẹn giống như Ngài, lạy Chúa Giêxu".
5. I Phierơ 4.3 chép như sau: "Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc”.
6. Trở nên một môn đồ có nghĩa là từ bỏ từng chi tiết nào trong chúng ta không phản ảnh Đấng Christ và dâng cho Ngài sự vâng phục hoàn toàn của chúng ta.
B. Chúng ta bắt chước Đấng Christ khi chúng ta học hỏi từ Ngài (câu 25a).
1. Chúa Giêxu phán rằng: "Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi". Mục đích của một môn đồ: ấy là người tiếp thu đủ để người sẽ "được như thầy mình" không những trong tri thức mà còn trong bổn tánh nữa. Một tôi tớ phải thấy "được như chủ mình" trong sự vâng phục hoàn toàn.
2. Chúa Giêxu đã phán một câu tương tự trong Luca 6.40: "Môn đồ không hơn thầy; nhưng hễ môn đồ được trọn vẹn thì sẽ bằng thầy mình”.
3. 1 Giăng 2.6 chép: "Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm”.
4. Một người tin Chúa không trở thành một môn đồ do đầu phục một thời gian tại bàn thờ, mặc dù đấy là nơi khởi sự đúng đắn. Môn đồ được dựng nên bởi sự nghiên cứu và áp dụng hàng ngày các sự dạy của Chúa Giêxu.
5. Các môn đồ nguyên thuỷ của Chúa Giêxu đã đồng đi với Ngài mỗi ngày, cũng một thể ấy đối với chúng ta.
6. Sứ Mệnh Cao Cả truyền chúng ta phải "giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi" (28.20).
C. Chúng ta bắt chước Đấng Christ khi chúng ta bị đối đãi giống như Ngài bị đối đãi vậy (câu 25b).
1. "Bêên Xêbun" là danh xưng của một vị thần của người Canaan. Danh xưng có nghĩa là "chúa của loài ruồi". Người Do thái vốn thù ghét tà thần nầy nhiều lắm, họ thường sử dụng danh xưng nầy ám chỉ Satan, là chúa quỉ. Trong 9.34, người Pharisi đã nói Chúa Giêxu "cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ".
2. Mục đích của Chúa Giêxu là nếu người ta sánh Ngài với Satan, các môn đồ Ngài không trông mong được đối xử khả quan hơn. Ngài phán: "Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà!"
3. Phaolô đã cầu nguyện trong Philíp 3.10: "cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài”. Chỉ có người môn đồ chân thành mới dâng lên một lời cầu nguyện như thế.
4. Có nhiều Cơ đốc nhân, nhiều cấp lãnh đạo Cơ đốc muốn có danh tiếng và sự nổi bật. Tôi phải xưng rằng tôi cũng có ước ao những việc như thế. Tuy nhiên, nếu thế gian từ khước, đánh đập và đóng đinh Chúa của tôi, tại sao tôi lại trông mong được mến mộ và được tôn trọng bởi thế gian. Nếu tôi là một môn đồ của Chúa Giêxu, tôi sẽ bị thế gian chối bỏ.
5. Các môn đồ thực bắt chước Đấng Christ trong mọi sự, thậm chỉ cả sự bắt bớ nữa. Chúng ta không thể có hết ơn phước của Đấng Christ mà không có những sự chịu khổ.
II. Một môn đồ không sợ hãi thế gian (các câu 26-31).
- 3 lần trong 6 câu nầy Chúa Giêxu phán: "Đừng sợ". Trong các câu 16 - 25, Chúa Giêxu đã nói cho các môn đồ biết về những sự bắt bớ và thương khó mà họ sẽ đối diện với. Ngài không muốn họ sống trong sợ sệt đến nỗi họ không trung tín được. Châm ngôn 29.25 chép: "Sự sợ loài người gài bẫy; Nhưng ai nhờ cậy Đức Giêhôva được yên ổn vô sự”. Sợ những gì người ta suy nghĩ, nói hay làm đang ngăn trở nhiều tín đồ không hầu việc Chúa.
- Chúng ta thường làm giảm đi quan điểm Cơ đốc giáo để khiến cho Cơ đốc giáo được dễ chịu hơn đối với người thế gian. Chúng ta phải nhớ 1 Giăng 2.15-16.
- Trong 6 câu kế, Chúa Giêxu cung ứng cho các môn đồ Ngài 3 lý do tại sao họ không nên sợ hãi.
A. Chúng ta không nên sợ hãi vì SỰ XÁC MINH của Đức Chúa Trời (các câu 26-27).
1. Chúa Giêxu giải thích rằng chúng ta không nên sợ hãi thế gian vì "vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết”.
2. Satan là một chuyên gia trong sự dối gạt. Hắn làm cho trường hợp rất có ấn tượng và biện hộ cho tội lỗi bằng cách làm cho tội lỗi ra đẹp mắt, sung mãn và có ích lợi. Mặt khác, hắn có thể làm cho sự tin kính giả hình và tự xưng công bình ra “đạo đức lắm”. Người thế gian có thể khoác lấy gương mặt gian ác đẹp nhất và gương mặt công bình tệ hại nhất.
3. Chúa Giêxu phán chúng ta không nên "sợ hãi" vì đến một ngày kia, khi sổ sẽ được trình ra! Sẽ đến một ngày khi Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho sự công bình và hình phạt tội lỗi. I Côrinhtô 4.5 chép: "Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh”.
4. Thay vì sợ hãi, với sự nhận biết lẽ thật của Đức Chúa Trời sẽ chiến thắng, chúng ta cần phải: "nói ra nơi sáng láng" những gì chúng ta được dạy dỗ "trong nơi tối tăm". Chúng ta cần phải "giảng ra trên mái nhà" những gì chúng ta "nghe kề lỗ tai".
5. Trong các thời kỳ Tân ước, các rabi thường huấn luyện các học trò của mình nói năng công khai bằng cách đứng sau lưng họ và thì thầm bên lỗ tai của họ. Những lời tuyên bố công khai thường được người ta hô lên lớn tiếng từ bao lơn của một ngôi nhà.
6. Không giống như một số câu lạc bộ và nhà nghỉ xưng mình là Cơ đốc nhân, các tín đồ cần phải chia sẽ lẽ thật mà họ đã tiếp thu cách tự do. Chẳng có gì bí mật trong Vương quốc của Đức Chúa Trời.
7. Khi chúng ta nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời, trong chỗ “tối tăm” theo nghĩa bóng kia, Đức Thánh Linh đang chiếu ra lẽ thật và đang thì thầm bên hai lỗ tai của chúng ta. Những gì chúng ta tiếp thu thì chúng ta cần phải chia sẻ.
8. Chia sẽ lẽ thật của Đức Chúa Trời với người thế gian không phải là dễ dàng đâu! Mặc dù chúng ta không dám để bị mích lòng, chúng ta phải nhận biết rằng người thế gian sẽ bị mích lòng bởi lẽ thật của Đức Chúa Trời. Lời Chúa không nên để bị “suy yếu” hầu thoả hiệp với cộng đồng.
B. Chúng ta không nên sợ hãi vì QUYỀN PHÉP của Đức Chúa Trời (câu 28).
1. Trong câu nầy, chữ "sợ" được sử dụng để tiêu biểu cho sự kinh hoảng và để tiêu biểu cho kinh sợ và tôn trọng.
2. Nếu chúng ta trung tín: "giảng ra trên mái nhà" và "nói ra nơi sáng láng" chúng ta sẽ đối diện với sự bắt bớ, thậm chỉ sự hành quyết nữa.
3. Phaolô đã nói trong Công vụ các sứ đồ 21.13: "Vì phần tôi sẵn lòng chẳng những để bị trói thôi, lại cũng sẵn lòng vì danh Đức Chúa Jêsus chịu chết tại thành Giêrusalem nữa”.
4. Kể từ thời Hội thánh đầu tiên, hàng triệu triệu các môn đồ đã ngã chết vì cớ đức tin của họ. Họ chẳng kinh hoảng đối với kẻ "giết thân thể".
5. Satan rất có quyền lực, phạm vi gây hại hắn có thể làm đối với bất kỳ một tín đồ nào, ấy là "giết thân thể". Hắn không thể đụng đến “linh hồn”. Kinh thánh cũng quyết chắc với chúng ta rằng Đức Chúa Trời một ngày kia sẽ làm cho “thân thể” sống lại.
6. Thay vì sợ hãi những kẻ có thể bắt bớ chúng ta, chúng ta nên kính sợ Đức Chúa Trời, là Đấng "làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục”. Sợ đây không có nghĩa là kinh khủng, mà là nể sợ và kính trọng.
7. Nói cách khác, câu nầy dạy về sự hình phạt thân thể trong “địa ngục”.
8. Jim Elliot, là người bằng lòng tuận đạo giữa vòng dân da đỏ ở miền Nam nước Mỹ đã nói: "Người nào bỏ đi những gì mình không giữ được để có được những gì mình không thể mất, không phải là kẻ dại đâu!"
C. Chúng ta không nên sợ vì SỰ QUAN PHÒNG của Đức Chúa Trời (các câu 29-31).
1. Đức Chúa Trời yêu thương những ai thuộc về Ngài. Vì lý do nầy, Ngài sẽ không để cho bất kỳ một sự tổn hại thường trực nào xảy đến cùng chúng ta.
2. Chúa Giêxu nhắc cho chúng ta nhớ rằng "hai con chim sẻ" thường bị người ta bán bằng "một đồng tiền". Từ Hy lạp là assarion chỉ ra đồng tiền nhỏ nhất trong hàng tiền tệ, chỉ đáng giá bằng 1/16 đồng đơniê, tiền công trung bình của một ngày.
3. Mục đích ở đây là, loài chim sẻ thực ra chẳng có giá trị bao nhiêu. Một số học giả cho rằng chúng là đồ ăn cho người rất nghèo. Tuy nhiên Chúa Giêxu nói rằng: "ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất”. Đức Chúa Trời vốn biết rõ sự sống và sự chết của loài tạo vật vô giá trị nhất.
4. Chúa Giêxu cũng phán: "Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi”. Con người trung bình có 140.000 sợi tóc. Tất nhiên con số nầy thay đổi hàng ngày. Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta, Ngài giữ gìn chi tiết vô nghĩa nhất. Nếu Ngài để ý tới những vấn đề vụn vặt như thế, Ngài còn quan tâm đến những vấn đề thuộc linh quan trọng hơn là dường nào.
5. Một lần nữa Chúa Giêxu phán: "Đừng sợ chi hết". Ngài nhắc cho tôi nhớ rằng chúng ta "quí trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Lời cầu nguyện của tôi: ấy là chúng ta thực sự trở nên môn đồ, noi theo gương Đấng Christ chỉ kính sợ một mình Đức Chúa Trời mà thôi.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét