Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 5.17.26: "Những việc quan trọng cần phải giải quyết trước cả những điều quan trọng khác"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
SỨ ĐIỆP CỦA NHÀ VUA
Những việc quan trọng cần phải giải quyết trước cả những điều quan trọng khác
Mathiơ 5.17.26
1. Các nhà truyền đạo thật là sốt sáng. Chúng ta nghe những lời phê phán như: “Việc làm gì mà kỳ vậy, bạn chỉ làm mỗi tuần có một ngày thôi ư!” hoặc “Tôi muốn dân sự cần phải nghe bài giảng được rao ra ở đây”. Chúng ta nghe kể nhiều câu chuyện giống như câu chuyện kể trong ngày Chúa nhật nhạt nhẽo đến nỗi chỉ có một cụ già chuyên nuôi gia súc hưởng ứng mà thôi. Sau khi vị Mục sư giảng xong sứ điệp của mình, cụ già lẩm cẩm kia mới nói: “Mục sư ơi, khi chỉ có một con bò phải nuôi ăn, tôi không dành cho nó cả chiếc xe tải đâu!”. Chúng ta nghe thấy những lời phê phán về sự dài dòng, nhạt nhẽo, giọng nói đều đều, hay lặp đi lặp lại… Sự thật đáng buồn về những điều chúng ta nghe nói đều là thực cả. Có một lý do cho điều đó.
2. Thường thì giảng có nghĩa là một vị Mục sư đọc một đoạn Kinh Thánh, rồi trong một lúc đưa ra ý kiến riêng của mình, dù thích hay không thích quan điểm chung của thế gian. Thêm vào đó là những lời khuyên phải trở nên người tốt, yêu thương nhau, dâng tiền bạc, và đưa dắt người bị hư mất. Loại rao giảng nầy không có quyền lực chi hết vì nhà truyền đạo chỉ nói về Lời của Đức Chúa Trời, ông ta không rao giảng Lời ấy.
Trong một bài viết có đề tựa là: “Giá trị của việc giảng dạy” (The Value of Expository Preaching and Teaching), Roger Johnson than phiền như sau: “Thường thì người ta đọc một đoạn Kinh Thánh cho hội chúng nghe, giống một bài quốc ca tấu lên trong các trận đấu thể thao vậy. Nó thúc đẩy mọi việc khởi động, nhưng nó chẳng dính dáng gì tới bài học cả. Thẩm quyền ở đàng sau việc rao giảng không nằm ở nhà truyền đạo, mà nằm trong các phân đoạn Kinh Thánh”.
3. Việc rao giảng chỉ có quyền lực khi nhà truyền đạo để cho Lời của Đức Chúa Trời thể hiện sự sống động. Đức Thánh Linh xức dầu cho loại sứ điệp nầy rồi điều khiển sứ điệp nhập tâm người nghe theo các phương thức mà nhà truyền đạo không mong đợi hoặc hiểu thấu. Việc giảng dạy Kinh Thánh là Kinh Thánh được tỏ ra qua nhân cách của nhà truyền đạo. John Scott có nói: “Nhà truyền đạo phải trở nên nhịp cầu bắc giữa Lời Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài”.
4. Kinh Thánh đầy dẫy với những hình ảnh của các nhà truyền đạo nảy lửa. Có Giêrêmi đang khóc than khi ông rao giảng về tội lỗi của dân Ysơraên. Giôna – nhà truyền đạo lưỡng lự từng tạo ra “cuộc đổ bộ” đầu tiên từ dưới nước. Giăng Báptít trong bộ đồ kỳ cục đến rao giảng bên sông Giôđanh. Phierơ đã kêu gọi đoàn dân đông trong dịp Lễ Ngũ Tuần hãy ăn năn. Phaolô đã dẫn giải sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời với những con người tri thức giả tạo trên đồi Mars ở thành Athens. Tuy nhiên, không một người nào trong số các nhà truyền đạo nầy, sự rao giảng của họ có thể sánh với sự rao giảng của Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời.
5. Đừng quên rằng Mathiơ 5-7 là một bài giảng. Chúng ta có thể đọc lời lẽ của phân đoạn nầy theo cách ôn tồn, nhưng Chúa Jêsus đã giảng dạy bằng quyền phép được Đức Thánh Linh xức dầu. Hãy chú ý lời bình ở cuối bài giảng trong 7.28-29.
6. “Bài Giảng Trên Núi” nầy đã bắt đầu với “Các Phước Lành” ở các câu 3-12, chúng mô tả các đặc điểm trong đời sống của một người tin Chúa. Kế đó Chúa Jêsus đã phán về việc trở nên “muối” và “sự sáng” trong các câu 13-16. Điều nầy có ý nói đến ảnh hưởng của người tin Chúa trên người khác. Trong phân đoạn nầy và phần còn lại của chương, Chúa Jêsus dạy chúng ta về Kinh Thánh, là kim chỉ nam của đời sống tín đồ.
7. Hãy xét qua cùng với tôi ba nguyên tắc Kinh Thánh không thể chối cãi được.
I. KINH THÁNH CHUYÊN VỀ NỘI TẠI, CHỚ KHÔNG CHUYÊN VỀ NGOẠI TẠI (các câu 17-20).
A. Thẩm quyền của Kinh Thánh rất quan trọng.
1. Khi chúng ta nói tới Thẩm Quyền của Kinh Thánh, chúng ta muốn nói rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời thánh khiết, có uy quyền, vô địch, không thể tranh cãi. Lời ấy không thể sai sót, và cảm thúc.
2. Lời lẽ của Chúa Jêsus đặc biệt quan trọng vì là Đức Chúa Trời, lời dạy của Chúa Jêsus là sự truyền đạt trực tiếp từ môi miệng của Đức Chúa Trời cho tấm lòng của con người. Hêbơrơ 4.12 chép: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm”.
3. Trong thời của chúng ta, có nhiều người xưng mình là Cơ đốc nhân đã đem lòng hồ nghi về thẩm quyền của Kinh Thánh. Là một Cơ đốc nhân, sao lại hồ nghi về Kinh Thánh chứ?.
B. Mối quan hệ của Chúa Jêsus với Kinh Thánh (các câu 17-18).
1. Không nghi ngờ chi nữa, sau khi nghe Các Phước Lành và sự dạy về “muối” , “sự sáng”, một số khán thính giả bắt đầu lấy làm lạ vì Chúa Jêsus dạy như có thẩm quyền của Kinh Thánh. Liệu Ngài có phải là thầy chữa lành đã xuất hiện để đương diện với lối sống buông thả của họ không? Đấy là lý do tại sao Chúa Jêsus phán: “Đừng tưởng ta đến để huỷ diệt luật pháp hay lời tiên tri”.
2. Mệnh đề “Luật pháp và lời tiên tri” đã được sử dụng khắp Tân ước để nói tới toàn bộ Cựu ước.
3. Chúng ta đang sống trong thời buổi mà người ta muốn gạt Kinh Thánh qua một bên và tin phần nầy và chối bỏ phần kia. Chúa Jêsus phán rằng Ngài đến không phải để huỷ diệt bất cứ phần nào. Ngài không huỷ phá “luật pháp và lời tiên tri”.
4. Ngài đến không phải “phá, song để làm cho trọn”. Hãy chú ý thể nào Các Phước Lành đều nói tới ngôi thứ ba (Phước cho những kẻ…”). Tiếp đến Chúa Jêsus mới nhấn mạnh ngôi thứ hai (“Các ngươi là muối… Các ngươi là sự sáng…”). Trong câu 17, Ngài phán trong ngôi thứ nhất: “Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn”.
5. Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm Cựu ước theo 2 cách.
a. Thứ nhất, Ngài là sự ứng nghiệm các lời hứa của Cựu ước. Ngài là Đấng Mêsi mà Cựu ước đã nói trước trong nhiều cách thức khác nhau.
b. Thứ hai, Ngài là sự ứng nghiệm Cựu ước vì Ngài thể hiện trọn vẹn mọi đòi hỏi đạo đức của Cựu ước. Chúa Jêsus “vốn chẳng biết tội lỗi” (II Côrinhtô 5.21). Êsai 42.3 chép: “Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy”.
6. Chúa Jêsus hứa rằng mọi điều trong luật pháp sẽ “được ứng nghiệm”.
a. Chữ “chấm” tiêu biểu cho dấu nhỏ nhất trong mẫu tự Hybálai. Dấu nầy giống như dấu móc đơn vậy.
b. Chữ “nét” là một dấu nhỏ hơn. Giống như nét gạch ngang giữa hai chữ vậy.
c. Chúa Jêsus đang nói rằng Ngài tin vào Thẩm Quyền của Kinh Thánh thậm chí từng chấm từng nét một.
d. J.B. Phillips dịch: “Ta bảo đảm với các ngươi rằng, trong khi trời đất chưa qua đi, luật pháp sẽ không mất đi một dấu chấm hay dấu phết nào cho tới chừng mục đích của Kinh Thánh đã được trọn”.
7. Sẽ có một ngày khi “trời đất qua đi”. Hãy chú ý Chúa Jêsus đã phán “cho đến khi” chúng qua đi. Bao lâu chúng ta còn sống trong thế giới tội lỗi nầy, Kinh Thánh sẽ còn là một bằng chứng cho sự công bình của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một ngày kia sẽ không còn cần tới Lời Đức Chúa Trời nữa. II Phierơ 3.13 chép: “Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở”.
C. Mối quan hệ của người tin Chúa với Kinh Thánh (các câu 19-20).
1. Hãy chú ý hai từ chính trong câu 19, “huỷ” và “dạy”. Người nào “dạy” Lời của Đức Chúa Trời không phải là kẻ “huỷ” các điều răn của Đức Chúa Trời. Khi làm như thế, người ấy sẽ được gọi là “cực nhỏ trong nước thiên đàng”. Người sẽ có mặt trong nước thiên đàng, nhưng người sẽ chẳng có phần thưởng nào hết.
2. Ngược lại, người nào “giữ” theo ý muốn của Đức Chúa Trời rồi “dạy” Lời của Đức Chúa Trời sẽ được xưng là “lớn” trong nước của Đức Chúa Trời. Người sẽ được ban thưởng lớn lắm. Chúa Jêsus muốn chúng ta sống theo những điều chúng ta tin, ăn ở theo điều chúng ta nói!
3. Trong câu 20, Chúa Jêsus dạy rằng “sự công bình của chúng ta” phải trỗi hơn sự công bình của “các thầy thông giáo và người dòng Pharisi”.
a. “Các thầy thông giáo và người dòng Pharisi” là các cấp lãnh đạo trong thời đó. Họ ăn mặc trông rất tôn giáo, hành động trong một tư thế rất kỉnh kiền, và ăn nói bằng các âm điệu tôn giáo. Thường dân rất sợ họ.
b. Về bề ngoài, họ có đủ mọi thứ ấy. Còn bề trong, họ sống rất là tội lỗi. Chúng ta hãy để ý 15.7-9; 23.13-16a, 23-28…
Khi tôi còn nhỏ, tôi thường nhận ra những người chuyên nuôi heo để triển lãm. Họ rối lên với bầy heo trong nhiều tháng trời trước cuộc triễn lãm. Chúng được tắm rửa, chải lông, làm cho sạch sẽ để đi dự triển lãm. Tuy nhiên, khi chúng trở về với nông trại, chúng liền nhảy ngay vào vũng xình. Heo là heo vô luận chúng có được tắm rửa sạch sẽ đến ngần nào. Cũng một thể ấy, tội nhân là tội nhân vô luận bề ngoài có tôn giáo đến đâu đi chăng nữa!
4. Chúa Jêsus đang rao giảng rằng trừ phi đức tin của chúng ta trước hết là nội tại, chân thực, dù bề ngoài của chúng ta có ra sao đi nữa, vì chúng ta “chẳng có phương tiện gì để vào trong nước thiên đàng”.
II. GIẾT NGƯỜI THƯỜNG BỊ PHẠT BẰNG NGÔI LỜI, CHỚ KHÔNG BỊ PHẠT BẰNG GƯƠM GIÁO (các câu 21-22).
*** Trong các câu 17-20, Chúa Jêsus đã nói ra các giới hạn chung chung về Lời của Đức Chúa Trời. Trong phần còn lại của chương, Ngài sẽ tỏ ra cho chúng ta thấy rất đặc biệt SỐNG theo sự dạy của Kinh Thánh có ý nghĩa như thế nào! Ngài bắt đầu ở đây với quan niệm GIẾT NGƯỜI. Trong câu 27, Ngài phán về TỘI TÀ DÂM. Trong câu 31, Ngài dạy về SỰ LY DỊ. Trong câu 33, Ngài dạy về SỰ THỀ THỐT. Trong câu 38, Ngài dạy về SỰ ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG. Trong câu 43, Ngài dạy về TÌNH YÊU THƯƠNG. Trong mỗi chỗ đó, Chúa Jêsus phán: “Các ngươi có nghe lời phán rằng… Song ta phán cho các ngươi biết…”.
A. Cựu ước dạy “Ngươi chớ giết người” và luật dân sự dạy rằng một người sẽ “bị toà án (của dân sự) xét đoán”.
1. “Ngươi chớ giết người” ra từ 10 Điều Răn (Xuất Êdíptô ký 20.13). Điều nầy có nghĩa là đã dự tính trước cướp lấy mạng sống của người khác.
2. Khi thời gian trôi qua, luật dân sự thêm “bị toà án xét đoán” cho tội phạm. Người dòng Pharisi dạy như vậy.
B. Chúa Jêsus còn đi xa hơn các điều răn ngoại tại đến với bên trong tấm lòng. Lời lẽ của Ngài trong câu 22 tiệm tiến lên cao dần. Ngài đề ra ba bản cáo trạng.
1. Thứ nhất, Ngài phán: “Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị toà án xử đoán”. Đây là cơn giận vượt quá các lằn ranh cho phép. Êphêsô 4.26 chép: “Ví bằng anh em đang cơn giận, thì chớ phạm tội”. Giận “không lý do” là cơn giận không công bình, nó ra từ một tâm linh cay đắng. Người nầy sẽ bị đưa ra “toà” hay toà án dân sự.
2. Thứ hai, Ngài phán: “Ai mắng anh em mình rằng: Raca, thì đáng bị toàn công luận xử đoán”. “Raca” là môt từ Aram có nghĩa là “cái đầu trống rỗng”. Chúng ta sử dụng các từ ngữ tương tự “đần độn, ngốc nghếch…”. Khi bạn nỗi giận đủ với ai đó, rồi suy nghĩ hay nói: “Mày là thằng ngốc trí óc không bình thường!”. Bạn đã đi quá xa rồi.
3. Thứ ba, Ngài phán: “Ai mắng anh em mình là đồ điên! Thì đáng bị lửa địa ngục hành phạt”.
a. “Đồ điên” ra từ chữ moros, từ đó chúng ta mới có chữ “moron”, nghĩa là “khờ dại, thoái hoá”. Trong thời buổi đó, chữ nầy được dùng để mô tả ai đó đã phá sản về mặt đạo đức.
b. Khi cho rằng ai đó về mặt đạo đức là một sự thất bại hoàn toàn, và vô dụng cho Đức Chúa Trời hay cho con người, là tự lập mình làm quan án, mà thực sự chúng ta không phải là quan án.
c. Người nào nói như vầy, sẽ không nhất thiết phải đi địa ngục, song “đáng bị lửa địa ngục hành phạt”. Một hành động như vậy là tội lỗi sẽ khiến cho người ta đi địa ngục.
C. Giận khó mà tự chủ được.
Trong tuần nầy, tôi sẵn sàng rời Hội thánh để đi một chuyến qua đêm khi một trong các em học sinh quyết định quấy rối tôi. Tôi đã thất bại, không kềm được và đã nổi giận dữ lên. Khi tôi trở về, tôi đến xin lỗi em đó.
1. Giận như thế đủ xấu rồi, nhưng khi chúng ta lộ ra sự giận đó, thì giống như nhắm khẩu súng vào đầu ai đó hoặc đâm ngay tim họ. Lời nói của chúng ta trong cơn giận có thể giết chết tâm linh của người khác.
2. Có khi chúng ta bị cám dỗ mà suy nghĩ: “Nó đáng phải chịu như thế” hay “Tôi nói mà, đáng đời lắm”. Nếu chúng ta thực sự muốn sống một đời sống Cơ đốc, chúng ta đừng bao giờ lộ ra cơn giận dữ.
Clarence Darrow - một vị luật sư nổi tiếng về tội phạm nói: “Mỗi người là một tên giết người có khả năng. Tôi chưa giết ai, nhưng tôi thường thấy thoả lòng khi nghe tiểu sử của người chết”. I Giăng 3.15 chép: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình”.
III. NHỮNG CUỘC TRANH CÃI NÊN HƯỚNG VỀ SỰ LÀM HOÀ, CHỚ ĐỪNG HƯỚNG TỚI SỰ TRẢ THÙ (các câu 23-26).
*** Chúa Jêsus giảng về việc làm cho những cuộc tranh cãi phải êm đi. Ngài đưa ra cho chúng ta 2 ví dụ. Bối cảnh tôn giáo là ví dụ thứ nhất, “bàn thờ” trong các câu 23-24. Bối cảnh thứ hai là với “kẻ nghịch”.
A. Sự hoà thuận trong Hội thánh (các câu 23-24).
1. Chúa Jêsus phán rằng nếu bạn “dâng của lễ nơi bàn thờ” và trong khi bạn có mặt ở đó bạn “nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình” bạn phải “để của lễ trước bàn thờ” rồi “trở về giảng hoà với anh em” trước khi bạn “đến dâng của lễ”.
2. Hãy hình dung ra bối cảnh nầy. Bạn đến nhà thờ, nhưng khi buổi thờ phượng bắt đầu, bạn nhớ lại mình đã mắc lỗi trong cả tuần lễ. Bạn không thể tập trung vào sự cầu nguyện hay ca hát vì Đức Thánh Linh đang thuyết phục bạn về tội lỗi của bạn. Vậy thì bạn cần phải đứng dậy, trở lại nơi xe rồi đến gặp người đó mà làm hoà lại.
3. Người ấy có thể là một người bạn, một người cùng làm ăn, một nhân công, một tín hữu, một người bạn đời, một đứa con, một…
4. Khi bạn làm hoà xong, như Swindoll nói: “Mục tiêu của quý vị là đổi thù thành bạn”. Việc nầy phải làm ngay lập tức thôi.
5. Nếu bạn không làm hoà, bạn đang bất tuân đối với Đức Chúa Trời và thêm nhiều việc vô tích sự vào đời sống của bạn. Sự mất lòng ấy chỉ quấy rối và tạo ra sự cay đắng mà thôi.
6. Bạn không thể hoà lại với Đức Chúa Trời nếu không làm hoà với người khác.
Khi Leonardo da Vinci đang vẽ bức Tiệc Thánh, ông có một sự tranh cãi ghê gớm lắm với một hoạ sĩ kia. Leonardo đã giị©n đến nỗi ông quyết định vẽ khuôn mặt kẻ mình ghét thành khuôn mặt của Giuđa. Làm như thế khuôn mặt của vị hoạ sĩ bị ghét kia sẽ được giữ luôn trong khuôn mặt của người môn đồ có tánh phản bội. Khi Leonardo đã vẽ xong Giuđa, ai nấy dễ nhận ra khuôn mặt của vị hoạ sĩ kia với người mà Leonardo đã cãi cọ. Ông cứ tiếp tục làm công việc vẽ tranh của mình. Nhưng khi ông cố gắng càng nhiều, ông không thể vẽ được khuôn mặt của Đấng Christ. Có cái gì đó đã giữ ông lại, không vẽ được. Sau cùng ông quyết định thái độ thù ghét của mình đối cùng vị hoạ sĩ kia chính là vấn đề. Ông đã làm việc qua thái độ thù ghét bằng cách hoạ khuôn mặt của Giuđa, ông thay thế mặt của người bạn hoạ sĩ của mình thành một khuôn mặt khác. Chỉ khi đó ông mới có thể hoạ được khuôn mặt của Chúa Jêsus và hoàn thành kiệt tác ấy.
B. Làm hoà với người thế gian (các câu 25-26).
1. Chúa Jêsus cũng khuyên chúng ta phải “lập tức hoà với họ, khi đi đường với kẻ nghịch mình”. nói cách khác, chúng ta phải luôn luôn tìm cách “đừng ra toà”.
2. Chúng ta bị cám dỗ khi nghĩ rằng vì chúng ta đối xử với người không tin Chúa không làm hoà cũng không sao. Không phải như vậy đâu. Dân sự của Đức Chúa Trời cần phải sống cho Đức Chúa Trời ở trước mặt mọi người.
3. Chúng ta sống trong thời buổi thường hay kiện cáo. Người ta rất muốn kiện tụng nhau. Có phải bạn không? Có phải bạn có tên tuổi của vị luật sư trên danh bạ điện thoại của mình? Tôi mong là không có.
4. Lý do chúng ta không làm hoà là vì sự kiêu ngạo. Chúa Jêsus nhắc cho chúng ta nhớ trong phần cuối của câu 25 và câu 26 rằng có khi quan toà không nhìn sự việc theo cách nhìn của mình.
5. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta là phải làm hoà chớ không phải ăn miếng trả miếng.
PHẦN KẾT LUẬN:
1. Các nguyên tắc của Kinh Thánh trước nhất không phải ngoại tại, mà là nội tại. Tôn giáo bề ngoài, giống như bề ngoài của người dòng Pharisi vốn không có hậu. Thực ra bề ngoài đó sẽ đưa bạn xuống địa ngục mà thôi. Bạn có đức tin chân thật không?
2. Những lời nói giận dữ có thể giết chết tâm linh của người khác. Phải biết kềm chế tánh khí của bạn. Hãy coi chừng lời lẽ châm biếm. Hãy quyết định để cho Đức Chúa Trời giúp bạn thắng hơn tật nói năng trong lúc giận dữ.
3. Khi có sự lỗi gì, hãy tìm cách làm hoà lại, chớ đừng báo thù. Hãy làm theo y như thế. Đừng quá nhỏ nhen. Đừng để cho sự cay đắng ngấm sâu trong linh hồn bạn như một sự nguội lạnh bám chặt mãi không chịu buông ra. Hãy thu nhận cho mình một lượng lớn các đức tính tốt trong Lời của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh cung ứng cho con người sự dẫn dắt mà người cần vì đó là Lời bất biến của Đức Chúa Trời, có ích cho mọi lứa tuổi và mọi thế hệ. Tôi từng đọc về một vị nhạc sĩ, ông nầy đi gặp vị giáo sư nhạc của mình đã luống tuổi rồi. Trong khi thăm viếng, ông thầy nhiều kinh nghiệm kia đánh vào thanh âm rồi nói: “Đó là nốt LA”. Ngay lúc đó, từ dưới nhà có tiếng hát của người ca sĩ. “Cô ấy hát the thé”, vị giáo sư già kia nói. Ông dừng trong một lúc, rồi phát lại thanh âm kia một lần nữa. Lần thứ hai ông gõ thanh âm ấy, ông nói: “Đây là nốt LA. Luôn luôn là như vậy, luôn luôn với 400 lần nó rung trong một giây đồng hồ. Từ bâu giờ cho tới 5.000 năm nữa cũng y như thế”. Và cũng một thể ấy với Lời của Đức Chúa Trời: Lời ấy bền vững và không hề thay đổi.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét