Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 2.1-8: "Cầu nguyện cho mọi người"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Cầu nguyện cho mọi người
I Timôthê 2.1-8
Có một thời trên vùng biển nguy hiểm kia, ở đấy những vụ đắm tàu thường hay xảy ra, một nhóm dân cư có lòng quan tâm đã dựng lên một trạm cứu nạn. Trạm nầy rất đơn sơ, chỉ là một mái nhà đóng bằng ván sơ sịa với một chiếc thuyền cứu nạn cũ. Tuy nhiên, nhóm người nầy rất cẩn thận và họ luôn trông chừng dọc bờ biển cả ngày lẫn đêm, đưa nhiều người nam, người nữ và trẻ con đến chỗ an toàn tránh biển cả đang sôi động.
Chắc chắn là nhiều người đã được cứu cũng trở thành thuộc viên trong nhóm nầy. Dân chúng ở khu vực chung quanh nghe nói tới việc lành đã được làm ra và họ cũng tham gia vào cộng đồng chuyên cứu nạn nầy nữa. Khi nhiều sự dâng hiến đã được đổ vào, họ đã khôi phục lại cái chòi nhỏ bé kia và mua sắm thêm mấy chiếc thuyền cứu hộ kiểu mới nữa. Loại giường nhà binh cũ đã được thay thế bằng loại giường tiện nghi hơn. Một căn phòng lớn được thêm vào với đồ đạt tiện nghi và những trang thiết bị rất tốt. Thực vậy, trạm ấy đã trở thành tiện nghi đến nỗi hầu hết các thành viên đều hài lòng nhóm lại ở đó và tương giao với nhau. Chỉ có một ít người bằng lòng đương đầu với biển cả để tìm kiếm kẻ bị hư mất. Chắc chắn họ đã thuê một nhóm chuyên cứu hộ để các thuộc viên sẽ không phải lo toan với phần việc nầy. Một đêm giông bão kia, chiếc tàu lớn đã bị đắm ngoài biển. Nhóm thợ thuê kia đã đưa lên thuyền cứu hộ hết chiếc nầy tới chiếc khác nhiều người bị ướt lạnh. Rốt lại, họ chẳng giống với các thuộc viên kia chút nào cả.
Họ đã đến từ nhiều nơi khác nhau; họ ăn mặc rất khác và đã có nhiều từng trải khác nhau. Điều nầy đã mang lại nhiều lộn xộn lớn trong vòng các thuộc viên. Một số đề nghị rằng những ngôi nhà khác phải được dựng lên để chứa những người lạ mới vừa được giải cứu ra khỏi biển. Nhiều người muốn trạm cứu hộ đó phải được dành cho việc cứu vớt, như đấy là một công việc không dễ chịu và là một mối cản trở đối với sinh hoạt chung của cả nhóm. Có một ít người cho rằng mục tiêu chính của trạm cứu hộ là cứu mạng người ta. Người ta nói cho họ biết rằng nếu họ thực sự muốn giữ việc cứu người làm mục tiêu chính, thế thì họ phải dời cái trạm cứu hộ kia ra xa phía biển một chút nữa. Và họ đã làm như vậy.
Thời gian trôi qua và trạm cứu hộ thứ nhì lại rơi vào chính những thử thách giống như trạm thứ nhứt, lo toan nhiều về mọi tiện nghi của chính họ hơn là cho những kẻ bị mất mạng ngoài biển khơi. Vì thế, một đề nghị khác đã được đưa ra và trạm cứu hộ khác nữa đã mọc lên xa thêm chút nữa ngoài phía biển. Việc như thế cứ tiếp diễn nhiều lần, nếu quí vị đến tham quan bờ biển ấy ngày nay, quí vị sẽ thấy một số trạm cứu hộ rất ấn tượng lấm chấm ở trên biển. Nhiều vụ đắm tàu vẫn còn xảy ra trong vùng biển đó, nhưng hầu hết người ta đều được cứu.
"Trạm cứu hộ" là một thí dụ minh hoạ chính xác điều chi đang xảy ra cho Hội thánh Êphêsô, là nơi mà Timôthê được phái đến để phục vụ. Đây là một bức tranh trọn vẹn của những gì đã diễn ra cho nhiều Hội thánh và cho một mức độ những gì sẽ diễn ra trong Hội thánh nầy. Toàn bộ mục đích của chương một là khích lệ Timôthê đứng vững và đưa Hội thánh trở lại với công cuộc truyền giáo. Điều nầy xoay quanh một từ đơn ở 1.4, oikonomos hay sát nghĩa "luật lệ ở trong nhà". Bản Kinh thánh NKJV dịch từ ngữ nầy là "sự gây dựng tin kính". Bản Kinh thánh NIV dịch từ nầy là "công việc của Đức Chúa Trời". Cách đây mấy tuần, một trong các trưởng lão của chúng ta nói về từ nầy như sau: "Từ nầy có ý nói hãy biến công việc của Đức Chúa Trời thành công việc của chúng ta".
Phaolô bảo Timôthê đừng để công việc của Đức Chúa Trời, là tin lành phải bị chôn vùi trong thứ "phù ngôn và gia phổ vô cùng". Chúng ta đừng để cho những chuyện tầm phào chôn vùi tin lành "vì tin lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin" (Rôma 1.16). Tương tự, vị Sứ đồ chỉ ra rằng chúng ta đừng bao giờ để cho Tin lành bị trôi lạc do việc tuân giữ luật pháp, do thiên về với luật pháp. Chúng ta đừng bao giờ để cho những truyền thống của chúng ta trở nên quan trọng hơn sứ điệp nói tới thập tự giá làm thay đổi đời sống.
Phaolô tiếp tục minh họa quyền phép của Tin lành trong chính đời sống của ông. Dù ông từng là một kẻ "phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo", ông đã "đội ơn thương xót" và "ân điển của Chúa đã dư dật" đối cùng ông. Mặc dầu ông tự xem mình là "đầu" hay là kẻ tệ hại nhất trong hàng tội nhân, đời sống ông là tấm "gương" cho những ai chịu tin. Phaolô kết luận phần làm chứng của chính mình bằng một bài ngợi khen đối với "Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi!"
Vì lẽ đó, Phaolô ban cho Timôthê một "mạng lịnh" trong câu 18 rằng ông phải "đánh trận tốt lành". Trận đánh không diễn ra ở bên ngoài Hội thánh, mà là ở bên trong. Người đánh trận luôn luôn và sẽ luôn luôn xem công việc của Đức Chúa Trời là công việc của chúng ta. Người đánh trận sẽ luôn luôn nắm lấy việc rao giảng Tin lành, là mục tiêu chính của Hội thánh. Phải, chúng ta hãy đưa ra một câu hỏi thật thích đáng … tại sao chúng ta không chứng đạo? Nếu việc cứu người là mục đích của chúng ta, tại sao chúng ta không chứng đạo nhiều thêm nữa? Nếu chúng ta tuyệt đối thành thật, chúng ta phải nhìn nhận rằng có rất ít người thực sự muốn đi ra và nói cho nhiều người khác biết về Tin lành. Nếu tôi nói: "Tôi muốn hết thảy chúng ta đều hãy đứng dậy ngay bây giờ rồi đi ra, khởi sự tại góc phố nầy, chúng ta sẽ gõ cửa từng nhà một và làm hết sức mình để nói cho mọi người biết chúng ta thoả mãn về sự cứu rỗi ở trong Đức Chúa Jêsus Christ", có bao nhiêu người trong quí vị sẽ thấy phấn khích mà đi ra? Phần nhiều người trong số quí vị sẽ chịu đi. Phần nhiều người trong số quí vị sẽ trung tín gõ cửa và ra sức nói cho người ta biết về Chúa Jêsus. Đấy chưa phải là câu hỏi. Tôi không nói: "Có bao nhiêu người trong số quí vị sẽ đi ra?" Tôi nói: "Có bao nhiêu người trong số quí vị sẽ thấy phấn khích mà đi ra?"
Có lẽ không nhiều đâu! Đừng cảm thấy quá tệ hại. Chúng ta đang đứng trong một hàng dài gồm những con người đã vật vã với sự chia sẻ Tin lành. Giô-na không muốn đi đến thành Ninive. Phierơ không muốn bước vào nhà của Cọt-nây. Những người Do thái có đức tin trong Hội thánh đầu tiên không muốn đến với những người Ngoại chưa tin.
Mục tiêu là HẦU HẾT CHÚNG TA TỰ NHIÊN KHÔNG MUỐN ĐẾN VỚI KẺ BỊ HƯ MẤT. Một trong những vị Mục sư tiền nhiệm của tôi thường thuật lại câu chuyện nói về một trong những bạn học trong thần học viện của ông ấy, người nầy đã rời bỏ chức vụ trong một thị trấn nhỏ của mình để đến với thủ phủ Houston rất thịnh vượng vào kỷ nguyên dầu hoả nầy. Thành phố đang phát triển và nhà truyền đạo trẻ nầy lại tin rằng thành phố cần có thêm nhiều Hội thánh hơn. Anh cứ giữ việc lôi kéo những nhà truyền đạo cùng đi với mình. Anh ta nói: "Chúng ta hãy đi đến Houston và dựng lên nhiều Hội thánh. Hàng triệu người ở đó đang dãy chết và sẽ đi đến địa ngục". Sau hai năm truyền đạo ở cùng ngoại ô, nhà truyền đạo trẻ kia đã chấp nhận lời mời của một Hội thánh nhỏ ở Đông Texas. Vị Mục sư tiền nhiệm của tôi đã hỏi anh ấy: "Còn hàng triệu người kia ở Houston đang dãy chết và sắp đi địa ngục thì sao?" Anh ta đáp: "Hãy để cho họ đi địa ngục, tôi sẽ ở chỗ nào mà tôi thuộc về".
Làm sao Đức Chúa Trời phân phát Tin lành ra với những chứng nhân không tích cực hợp tác như thế cho được? Ngài phải làm thay đổi tấm lòng của họ. Chúng ta thấy rất rõ ràng trong câu 4 rằng Đức Chúa Trời "muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật". Đức Chúa Trời phải thay đổi tấm lòng của chúng ta hầu cho những ước muốn của chúng ta phải song hành với ước muốn của Ngài. Phương tiện chính mà Ngài thường sử dụng để thực hiện là đời sống cầu nguyện của chúng ta. Phân đoạn Kinh thánh nầy cung ứng cho chúng ta ba lẽ thật quí báu về sự cầu nguyện và chứng đạo.
I. Chúng ta cần phải cầu nguyện cho mọi người (các câu 1-2).
A. Ưu tiên một của sự cầu nguyện (câu 1a).
Câu 1 bắt đầu bằng "vậy". Trên cơ sở của mọi sự chúng ta đã tiếp thu trong chương 1, sự hiểu biết lẽ đạo cho rằng công việc của Đức Chúa Trời cũng phải là công việc của chúng ta, Phaolô đang khích lệ chúng ta thực hiện sự cầu thay cho mọi người trước và trên hết trong lý trí của chúng ta. Phaolô không ra lịnh hay “truyền” cho chúng ta phải cầu nguyện mà ông nói: "ta dặn rằng" có ý nói "khích lệ, nài xin". Tôi có thể khuyên quí vị phải làm thế trên hai đầu gối của mình. Tôi có thể khiến cho quí vị phải cầu nguyện trên hai đầu gối của quí vị nhưng tôi không thể ra lịnh hay bắt quí vị phải cầu nguyện được. Tôi chỉ có thể "dặn" quí vị phải cầu nguyện như vậy. "Trước hết mọi sự", Phaolô dường muốn nói: "trước khi chúng ta bước vào các phần đặc biệt của Hội thánh lo liệu công việc của Đức Chúa Trời, trước khi chúng ta nói tới những vai trò khác nhau của những người nam người nữ, trước khi chúng ta nói tới các trưởng lão, chấp sự cùng những giáo sư-mục sư, trước khi chúng ta nói tới bất cứ điều chi khác, tôi dặn quí vị trong bổn phận hàng ngày phải cầu thay để cho những kẻ bị hư mất được cứu rỗi".
"Trước hết mọi sự" ra từ chữ Hy lạp proton có ý nói tới "trước tiên về thì giờ, địa điểm, thứ tự, hay tầm quan trọng". Công việc trước tiên và trên hết của Hội thánh là cầu nguyện cho thế giới chưa được cứu.
B. Cấu trúc của lời cầu nguyện (câu 1b).
Vị Sứ đồ liệt kê ra bốn thành phần trong lời cầu nguyện ở đây "khẩn nguyện, cầu xin, kêu van và tạ ơn". Chúng ta hãy mau mau phân tích và định nghĩa chúng. Trước tiên "khẩn nguyện" là từ ngữ có ý nói tới việc đưa ra một thỉnh cầu. Từ ngữ nầy ra từ một chữ Hy lạp có gốc rễ của nó mang ý nghĩa "thiếu". Cho nên, đây là lời cầu nguyện phát xuất từ một nhận thức về nhu cầu. Chúng ta cần phải cầu xin các nhu cầu của mọi người đang có cần, đặc biệt là nhu cần về ơn cứu rỗi.
Thứ hai, "cầu xin" ra từ một từ ngữ rất phân biệt về mặt tôn giáo, từ nầy chỉ được sử dụng nói tới những lời cầu xin với Đức Chúa Trời. Cho nên, từ ngữ nầy mang ý tưởng rất tôn kính trong sự cầu nguyện.
Thứ ba, "kêu van" có ý nghĩa của nó là một sự kêu nài với nhà vua hay với một bậc cao trọng nào đó. Trong phạm trù nầy, từ ngữ mang ý tưởng cầu xin với sự dạn dĩ rất lớn. Hêbơrơ 4.16 chép: "Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng".
Thứ tư, "tạ ơn" là điều rất rõ ràng. Từ ngữ nầy đề cập tới thái độ mà với nó chúng ta quì gối xuống trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta đến gần Ngài với lòng biết ơn vì những gì Ngài đã làm rồi và vì những gì Ngài sẽ làm trong khi đáp ứng lại lời cầu nguyện của chúng ta.
C. Tính bao quát trong lời cầu nguyện (câu 1c).
Bây giờ, chúng ta đang cầu thay cho ai? Câu một chép: "cho mọi người". Nhân vật viết tiểu sử lỗi lạc F.B. Meyer đã thuật lại về việc tham dự một hội nghị với A.B. Simpson, nhà sáng lập Hội Phước Âm Liên Hiệp. Ông thức dậy rất sớm một sáng kia thì thấy Simpson bật khóc trong sự cầu nguyện khi ông ôm lấy quả địa cầu trong ngực mình. Đấy là hình ảnh chính xác những gì Phaolô đang có trong trí ở đây. Tôi muốn quí vị để ý một việc trong phân đoạn Kinh thánh nầy. Từ ngữ "mọi" đã được sử dụng 5 lần trong 8 câu. Câu 1 chép chúng ta cần phải cầu nguyện "trước hết mọi sự" cho "mọi người". Câu 2 chép chúng ta cần phải cầu nguyện cho "hết thảy [mọi] các bậc cầm quyền". Câu 4 chép rằng Đức Chúa Trời "muốn cho mọi người được cứu rỗi". Câu 6 chép rằng Chúa Jêsus đã "phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người". Một nguyên tắc trong sự lý giải Kinh thánh là phải chú ý vào sự lặp đi lặp lại các từ ngữ. Rõ ràng cầu nguyện cần phải được thực hiện cho "mọi người".
Chúng ta cần phải cầu thay cho mọi người ở khắp mọi nơi được nghe Tin lành và được cứu rỗi. Chúng ta thường cầu thay cho những người mà chúng ta biết họ cần được cứu. Chúng ta cầu thay cho các thành viên trong gia đình, người láng giềng, bạn bè và bạn cùng làm việc, xin cho họ được đến với Đấng Christ, nhưng giờ đây chúng ta thường vâng theo lời dặn dò của Kinh thánh phải cầu thay cho mọi người như thế nào?
Hơn nữa, chúng ta biết rằng "mọi người" ở khắp mọi nơi sẽ không được cứu rỗi. Ngay cả một sự hiểu biết ít ỏi về Kinh thánh đang thuyết phục chúng ta rằng chẳng có một sự cứu rỗi bao quát nào cả. Đức Chúa Trời biết rõ mọi người sẽ không được cứu. Phaolô biết rõ rằng mọi người sẽ không được cứu. Chúng ta biết rõ rằng mọi người sẽ không được cứu. Vậy, tại sao chúng ta được dặn rằng phải cầu thay cho mọi người đều được cứu, khi chúng ta biết rất rõ rằng điều nầy sẽ không xảy ra? Trong một phút thôi, vị Sứ dồ sẽ bật ra câu trả lời. Vì lúc bây giờ, chúng ta phải hiểu rằng thường thường cầu xin ơn cứu rỗi cho mọi người ở khắp mọi nơi chính là bổn phận của chúng ta.
D. Những điểm đặc biệt trong lời cầu nguyện (câu 2).
Khi chúng ta cầu nguyện xin cho "mọi người" đặc biệt chúng ta cần phải cầu thay cho "các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền". Đặc biệt chúng ta cần phải cầu thay cho những người đang lãnh đạo các nước trên thế giới và cho bất kỳ ai đang nắm quyền dân sự trên nhiều người. Tại sao chứ? "… để chúng ta được lấy điều nhân đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn".
Điều nầy không có ý nói rằng mục đích của sự cầu thay cho các bậc cầm quyền không phải để chúng ta có thể có một cung cách sống đẹp đẽ, yên tịnh, trung lưu, ở ngoại ô, không bị căng thẳng. Ngược lại, nếu chúng ta cầu thay và sống như chúng ta sẽ sống, đời sống của chúng ta sẽ rất nhơn đức, trừ ra yên tịnh và không có căng thẳng. II Timôthê 3.12 chép: "Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ". Đúng ra câu nầy có ý nói rằng chúng ta cần phải cầu thay cho các tình trạng an bình hầu cho Cơ đốc nhân có thể sống loại đời sống mẫu mực "nhân đức và thành thật" để chúng ta có thể thu phục được khả năng chịu nghe theo của những người chưa tin. I Têsalônica 4.11-12 chép chúng ta phải: "…ráng tập ăn ở cho yên lặng, săn sóc việc riêng mình, lấy chính tay mình làm lụng, như chúng tôi đã dặn bảo anh em, hầu cho ăn ở với người ngoại cách ngay thẳng, và không thiếu chi hết…". Chúng ta cần phải cầu thay cho các bậc cầm quyền để chúng ta có được những tình trạng đãi ngộ hầu rao giảng những tin tức tốt lành nói tới tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ.
II. Tại sao chúng ta cần phải cầu thay cho mọi người (các câu 3-7).
Giờ đây, để chúng ta hiểu được bổn trận trước hết và trên hết của chúng ta là khẩn nguyện "cho mọi người", Phaolô cung ứng cho chúng ta ba lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện:
A. Cầu nguyện cho mọi người sống phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời (câu 3).
Trước tiên Phaolô nói rằng cầu nguyện cho "mọi người" là "một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta". Khi chúng ta cầu xin ơn cứu rỗi cho người khác, thì chẳng phải tôi, chẳng phải Phaolô, mà là Đức Chúa Trời, Đấng phán điều ấy là một sự "lành". Hơn nữa, chúng ta dám chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận hay tiếp nhận những lời cầu nguyện đó.
Các Hội thánh phải quạt lên những ngọn lửa chứng đạo. Không may, nhiều lần đấy là loại tủ lạnh chứa kẻ "được chọn nguội lạnh". Thay vì làm tăng lên tình cảm dành cho sự cầu nguyện và chứng đạo, họ đang sai phái nhiều linh hồn vào trong một tình trạng nguội lạnh bất động. Vì họ không muốn có ai khác ("Hội thánh nầy lớn đủ rồi") hoặc bất cứ người nào khác nữa cả, họ toan tính sự tiện nghi của trạm cứu hộ và không hề mạo hiểm ra đi để cứu vớt kẻ bị hư mất. Trong tiến trình ấy, họ hoàn toàn bỏ qua ý muốn của Đức Chúa Trời.
Bầu không khí nầy chẳng có gì mới. Bầu không khí nầy hiện đang có tại Êphêsô trong thời của Timôthê. Bầu không khí nầy hiện có ở Anh quốc khi các cấp lãnh đạo của Hội thánh bảo chàng thanh niên William Carey: "Anh ơi, nếu Đức Chúa Trời muốn biến đổi kẻ theo tà giáo, Ngài sẽ làm mà chẳng cần sự giúp đỡ của anh hay của chúng ta". Đáp ứng nguội lạnh ấy đã đẩy anh ra khỏi Hội thánh rồi lên đường sang Ấn độ, ở đó anh trở thành nhà sáng lập những hội truyền giáo hiện đại.
Bất cứ ai, bất kỳ Hội thánh nào từ chối, quên hay bất chấp sự kêu gọi cầu nguyện cho kẻ bị hư mất, họ đã quên mất ý muốn của Đức Chúa Trời. Lẽ đạo có ngay thẳng hoặc sự rao giảng có cuốn hút ngần nào thì không phải là vấn đề, nếu chúng ta không cầu nguyện và theo đuổi kẻ bị hư mất, chúng ta đã quên mất thuyền cứu hộ.
B. Cầu nguyện cho mọi người phù hợp với ước muốn của Đức Chúa Trời (câu 4).
Đức Chúa Trời, Ngài là "Cứu Chúa của chúng ta" Ngài là Đấng "muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật". Chúng ta nhắm vào Đức Chúa Trời là "Cứu Chúa của chúng ta" song lại bỏ qua mục tiêu cả dặm đường nếu chúng ta nghĩ rằng Ngài cũng không muốn trở thành Cứu Chúa CỦA HO nữa. Tôi được uỷ thác phải nói tới lẽ thật sự tể trị của Đức Chúa Trời. Tôi dạy cách công khai rằng đối với Cơ đốc nhân: "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ" (Êphêsô 1.4). Rõ ràng Kinh thánh dạy rằng Đức Chúa Trời đã chọn rồi những ai chọn Đấng Christ làm Cứu Chúa. II Têsalônica 2.13 chép: "Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em…". Rôma 8.30 chép: "còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển".
Một số Cơ đốc nhân đã áp sát vào phương trình đó. Họ thôi không ù lì nữa. Họ hiểu rằng "Sự cứu đến từ Đức Giê-hô-va!" (Giô-na 2.10), ơn cứu nầy hoàn toàn là một hành động của ân điển giáng trên hạng người gian ác, họ không xứng đáng được hưởng ơn ấy, tách ra khỏi ân điển của Đức Chúa Trời "chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời" (Rôma 13.11). Cái điều họ quên, ấy là dù Đức Chúa Trời đang thực thi sự cứu rỗi, Ngài công bố rằng Ngài sẽ cứu qua sự làm chứng trung tín của Tin lành. Thực vậy, một nhận định đúng đắn về sự tể trị của Đức Chúa Trời sẽ kích thích lòng sốt sắng chứng đạo của chúng ta, vì sự tể trị của Đức Chúa Trời bảo đảm cho sự thành công của chúng ta!
Quí vị thắc mắc: "Được thôi, thưa Mục sư, câu nầy nói rằng Đức Chúa Trời ‘muốn cho mọi người được cứu rỗi’, còn Kinh thánh thì nói rằng Ngài đã chọn cứu duy nhứt MỘT SỐ người mà thôi. Ông giải thích thế nào về sự ấy?" Tôi không giải thích. Tôi không thể giải thích. Mọi đường lối của Ngài cao hơn mọi đường lối của tôi và trổi hơn việc tìm tòi nữa (Êsai 55.9; Rôma 11.33). Sau đây là những gì tôi được biết. Trong Êxêchiên 33.11, Đức Giêhôva phán: "Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống". II Phierơ 3.9 nói rằng: "Chúa … lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn". Cái điều Đức Chúa Trời mong muốn rất khác biệt với những gì Đức Chúa Trời công bố ra. Trong đời nầy chúng ta sẽ không bao giờ tạo được sự cân đối giữa quyền tể trị của Chúa và trách nhiệm của con người. Chúng ta không được truyền cho phải làm việc ấy. Chúng ta được dặn dò phải cầu nguyện và được truyền cho phải chia sẻ ân điển của Đức Chúa Trời với mọi người.
Charles Spurgeon từng nói đôi điều về vấn đề nầy: "Nếu mọi người được chọn đều có những đường sọc màu vàng dọc theo lưng của họ, tôi sẽ đi trên những đường phố của Luân đôn vén phần áo dưới thắt lưng lên. Khi họ không có một đường sọc nào, tôi giảng tin lành cho từng người và tin cậy Đức Chúa Trời kêu gọi người nào mà Ngài muốn".
C. Cầu nguyện cho mọi người phù hợp với chương trình của Đức Chúa Trời (các câu 5-7).
Ý muốn của Đức Chúa Trời và ước ao của Ngài đều được tỏ ra trong chương trình cứu chuộc của Ngài. Trong ba câu kế nầy, chúng ta thấy ba yếu tố trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại là nền tảng cho lẽ đạo Cơ đốc.
+ Chương trình của Đức Chúa Trời là một ĐẤNG TRUNG BẢO cho mọi người (câu 5).
Câu 5 chép: "Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người". Trước hết, chúng ta không phục vụ nhiều thần, mà là "một Đức Chúa Trời", là "Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được". Đây là lẽ thật trong Cựu Ước đã phân biệt dân Israel với các dân khác và rất thực cho hôm nay.
Đức Chúa Trời đứng ở một bên bờ vịnh rất lớn và con người sa ngã ở bên kia. Chúng ta không thể qua tới Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời không thể qua tới bên nầy của chúng ta. Chúng ta cần một "Đấng Trung Bảo", một Đấng đi giữa làm cho chúng ta được phục hoà lại với Đức Chúa Trời. Đấng Trung Bảo của chúng ta là "Đức Chúa Jêsus Christ, là người". Chúa Jêsus vừa là Đức Chúa Trời vừa là người trọn vẹn. Gióp từng kêu lên: "Chẳng có người nào phân xử giữa chúng ta, đặt tay mình trên hai chúng ta" (Gióp 9.33). Lời nài xin của Gióp được mặc lấy trọn vẹn nơi thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài có một tay bên Đức Chúa Cha và tay kia trên con cái của Ngài. Ngài đưa chúng ta vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nếu quí vị tra xét kỹ Kinh thánh, quí vị sẽ thấy rằng "Người" được in nghiêng. Như vậy có nghĩa là, đây là một từ ngữ không thấy có trong bản gốc. Chúa Jêsus không phải là "CON người" cũng không phải là "một người". Ngài đã được mô tả là "Đức Chúa Jêsus Christ, là Người". Điều đó là quan trọng đấy. Bernard nói: "Trong Ngài mọi người được gồm tóm lại, và vì thế Ngài là đại biểu, không chỉ cho người nầy hay người kia, mà là cho mọi người". Ngài là "Đấng Trung Bảo" duy nhứt của mọi người, nhơn đó Ngài mở ra cho mọi người lối tiếp cận với Đức Chúa Trời.
+ Chương trình của Đức Chúa Trời là một CỨU CHÚA cho mọi người (câu 6).
Câu 6 chép thêm rằng Chúa Jêsus "đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Ấy là lời chứng đã làm đúng kỳ". Chúa Jêsus biết rõ Ngài là "Đấng Trung Bảo" duy nhứt cho mọi người, cho nên Ngài chủ ý "phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người".
Tôi thích cụm từ đó: "phó chính mình Ngài". Cụm từ ấy không giới hạn sự ban cho. Cụm từ ấy không nói Ngài phó sự sống Ngài hay Ngài phó ân điển Ngài, hoặc Ngài phó sự bình an của Ngài. Cụm từ ấy nói Ngài "phó chính mình Ngài" trong sự trọn vẹn tuyệt đối. Chúa Jêsus đã "phó chính mình Ngài làm giá chuộc". "Giá chuộc" ra từ chữ antilutron. Anti có nghĩa là "thay cho". Lutron có nghĩa là "giá chuộc". Ngài là sự thay thế của chúng ta. Ngài đặt chính mình Ngài vào chỗ của chúng ta, chịu án phạt cho tội lỗi của chúng ta thay cho chúng ta. Ngài không chết vì một vài người, mà vì "mọi người". “Giá chuộc” của Ngài, đã được trả bằng huyết trên thập tự giá là đủ cho mọi người, nhưng có hiệu quả cho những ai chịu tin nơi danh của Ngài. I Giăng 2.2 chép: "Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa". I Timôthê 4.10 chép: "Vả, nếu chúng ta khó nhọc và đánh trận, ấy là đã để sự trông cậy ta trong Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài là Cứu Chúa của mọi người, mà nhất là của tín đồ".
Đức Chúa Trời ao ước mọi người đều được cứu rỗi. Chúa Jêsus là Đấng Trung Bảo cho mọi người. Chúa Jêsus đã chịu chết cho mọi người. Vì lẽ đó, tuyệt đối là đẹp lòng và đáng nhận đối với Đức Chúa Trời khi chúng ta cầu xin ơn cứu rỗi cho mọi người.
+ Chương trình của Đức Chúa Trời là một SỨ ĐIỆP cho mọi người (câu 7).
Chúng ta bước sang cụm từ then chốt ở cuối câu 6: "đã làm đúng kỳ". Nói như vậy có ý cho rằng có một thời kỳ mà Đức Chúa Trời đã ấn định trong đó sứ điệp nói tới địa vị trung bảo của Đấng Christ và giá chuộc đã được "làm" ra và được công bố rộng rãi. Phaolô đã sống vào lúc bắt đầu "kỳ" ấy. Có lẽ chúng ta đang sống ở cuối kỳ ấy. Đây là kỳ của ân điển. Đây là kỳ mà trong đó mỗi một người chúng ta giống như Phaolô đã được "định" cho phải cầu nguyện và công bố ra những tin tức tốt lành của Tin lành. Đức Chúa Trời đã chọn Phaolô trong số mọi người để trở thành "thầy giảng và sứ đồ". Ông đã trở thành "giáo sư cho dân Ngoại". Đức Chúa Trời không hề dự trù cho sứ điệp phải bị che giấu mà phải được loan báo ra!
Điều nầy đưa chúng ta trở lại với thắc mắc mà chúng ta đã đưa ra trước đây. Nếu chúng ta biết là mọi người sẽ không được cứu. Nếu Phaolô biết như thế và tất nhiên Đức Chúa Trời vốn biết như thế, tại sao chúng ta lại cầu xin cho mọi người đều được cứu? Đây là một thắc mắc rất hợp lý. Tại sao chúng ta cầu xin cái điều mà chúng ta dám chắc sẽ không xảy ra. Tôi đã vật vã, vật vã với thắc mắc ấy mấy tuần lễ qua. Tôi nghĩ tôi có câu trả lời. Cầu nguyện không làm thay đổi Đức Chúa Trời nhiều giống như cầu nguyện làm thay đổi chính mình tôi. Đức Chúa Trời vốn biết tôi sẽ không bao giờ làm công việc của một nhà truyền đạo, tôi sẽ không bao giờ nói cho những kẻ chưa tin biết về Tin lành cho tới chừng Ngài thay đổi tấm lòng của tôi. Giống như Giô-na, tôi là một chứng nhân không sẵn lòng. Vì thế, thay vì truyền cho tôi phải làm chứng đạo, Ngài kêu gọi tôi nên cầu nguyện. Ngài bảo tôi phải khẩn nguyện cho mọi người khắp mọi nơi. Đây là điều đang xảy ra khi tôi vâng theo mà cầu nguyện.
Khi tôi cầu nguyện cho mọi người ở khắp mọi nơi, tôi phát triển một gánh nặng về mọi người ở khắp mọi nơi. Khi tôi có một gánh nặng về mọi người ở khắp mọi nơi, tôi sẽ dạn dĩ làm chứng cho bất cứ ai ở bất cứ đâu! Dwight L. Moody từng đi xe lửa qua khắp cả xứ. Một nhân viên trên xe lửa nhận ra ông và hẹn gặp ông để trao đổi. Anh ta nói: "Thưa ông Moody, tôi muốn được nên giống như ông. Tôi muốn đi khắp thế giới và làm chứng cho mọi người về Đức Chúa Jêsus Christ". Moody nhìn thẳng vào chàng trai trẻ nầy rồi hỏi: "Một kỹ sư có phải là một Cơ đốc nhân không?" Chàng thanh niên ấy suy nghĩ một chút rồi nhìn nhận rằng mình không biết về tình trạng thuộc linh của bạn cùng làm việc với mình. Moody đáp: "Vậy thì anh chưa sẵn sàng cho thế gian đâu!" John Stott viết: "Chính sự hiệp một của Đức Chúa Trời và tình trạng có một không hai của Đấng Christ đòi hỏi tính bao quát của Tin lành. Ước muốn của Đức Chúa Trời và sự chết của Đấng Christ có liên quan tới mọi người; vì lẽ ấy bổn phận của Hội thánh cũng phải quan tâm đến mọi người nữa, phải đi ra gặp gỡ họ bằng sự cầu nguyện sốt sắng và bằng cả sự chứng đạo sốt sắng nữa".
III. Chúng ta cần phải cầu nguyện cho mọi người như thế nào (câu 8)?
Phaolô luôn luôn có phần ứng dụng rất thực tế. Ông kết luận tiểu đoạn nầy bằng cách nói cho chúng ta biết CÁCH THỨC chúng ta cần phải cầu nguyện luôn cho "mọi người". Ông làm thế với cả hai phần: tích cực lẫn tiêu cực.
A. Mặt tích cực, Chúng ta cần phải cầu nguyện với hai bàn tay thánh sạch (câu 8a). Phaolô nói: "Vậy, ta muốn những người đàn ông đều giơ tay thánh sạch lên trời". Đây là cách làm thông thường khi Hội thánh nhóm lại để "những người đờn ông" (chúng ta sẽ xử lý với những người đờn bà vào tuần tới!) phải cầu nguyện cách công khai. "Giơ tay thánh sạch" mô tả cả về thân thể và về tấm lòng của họ. Người Do thái thường cầu nguyện với hai bàn tay giơ lên trời. Điều nầy được thấy khắp cả Cựu Ước, đặc biệt các câu như Thi thiên 28.2: "Khi tôi giơ tay lên hướng về nơi chí thánh Chúa mà kêu cầu cùng Chúa, Xin hãy nghe tiếng khẩn cầu của tôi". Ellicott nói rằng việc chấp tay lại trong sự cầu nguyện có nguồn gốc "Đức- Da đỏ".
Cái điều quan trọng ở đây không đặt nặng vào nơi quí vị đặt bàn tay khi quí vị cầu nguyện, mà ở tình trạng của tấm lòng. Hai bàn tay của chúng ta phải là "thánh sạch", không bị vết, bị tì bởi tội lỗi chưa xưng ra.
B. Mặt tiêu cực, Chúng ta phải cầu nguyện không có giận dữ và cãi cọ (câu 8b).
Chúng ta không thể đến với ngai của Đức Chúa Trời nếu chúng ta chất chứa "giận dữ" hay căm giận ở trong lòng mình. Chúng ta không thể thực sự cầu nguyện cho kẻ nào mà với họ chúng ta đang căm giận, chúng ta cũng không thể căm giận người nào mà chúng ta thực sự cầu thay cho họ được. "Cãi cọ" tốt hơn phải dịch là “bất hoà”. Chúng ta không thể cầu nguyện nếu chúng ta cứ căm giận mãi ở trong lòng và chúng ta không thể cầu nguyện nếu mối tương giao của chúng ta đầy dẫy với bất hoà và cãi cọ. Đây là lý do tại sao một Hội thánh đầy sự tranh cạnh không bao giờ là một Hội thánh truyền giáo cho được.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét