Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Mathiơ 5.4: "SỨ ĐIỆP CỦA NHÀ VUA "



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
SỨ ĐIỆP CỦA NHÀ VUA
PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ THAN KHÓC
Mathiơ 5.4
1. Có bao giờ buồn khổ phủ lút bạn chưa? Có lẽ bạn mới mất đi một người thân, một người cha, một đứa con, hay một người bạn rất thân. Một cách đối xử bất công hay một tật bệnh làm cho cơ thể suy nhược có thể đem lại đau buồn. Buồn khổ đến từ sự mất mác. Có thể bạn bị mất của cải, là thứ rất quan trọng đối với bạn. Có lẽ bạn rơi vào cảnh bị phá sản và mất đi tiêu chuẩn sống của mình. Chắc chắn việc mất đi người bạn đời hay con cái qua ly dị có thể đem lại nỗi buồn ghê gớm lắm.
2. Buồn khổ dường như giống với con đường hầm tăm tối, không thấy được đầu kia. Hình như bạn cảm thấy mình sẽ không còn thấy lại được ánh mặt trời. Trong khi nhiều người khác đang sống sung sướng với cuộc sống của họ, bạn lấy làm lạ không biết cuộc sống của mình đến bao giờ sẽ trở lại như xưa. Thi thiên 55 mô tả sự than khóc của Đavít về tình trạng thời buổi của ông. Ông nói trong các câu 6-8: “Tôi có nói: Ôi! chớ chi tôi có cánh như bò câu, Ắt sẽ bay đi và ở được yên lặng. Phải, tôi sẽ trốn đi xa, Ở trong đồng vắng. Tôi sẽ lật đật chạy đụt khỏi gió dữ, Và khỏi dông tố”. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy mình đang ở trong chính tình trạng đó vậy. Hết thảy chúng ta đều ao ước rằng chúng ta sẽ tránh thoát được nỗi đau đến từ sự buồn rầu, sự thất vọng và tai vạ của chúng ta, đến nỗi chúng ta “ắt sẽ bay đi” và được ở yên lặng.
3. Câu gốc của chúng ta đến từ Bài Giảng Trên Núi của Chúa Jêsus và là Phước Lành Thứ Hai. Tất cả những Phước Lành dường như là rất mâu thuẫn hay là nghịch lý. Làm thế nào những người than khóc và buồn đau là có phước được? Làm thế nào con đường buồn khổ lại là con đường dẫn đến phước hạnh cho được chứ? Làm sao con đường vui mừng phải là con đường than khóc?
4. Hãy nhớ, từ ngữ “Phước cho” có nghĩa là “hạnh phúc” hay là “may mắn”. Trong “vườn chơi lý trí” của chúng ta, nếu chúng ta lấy ý kiến từ dân chúng Mỹ rồi hỏi họ về danh mục chính dẫn tới hạnh phúc là gì!?! Tôi dám chắc rằng tiền bạc, ảnh hưởng, và sự được lòng người ta sẽ đứng đầu danh mục đó. Tuy nhiên, người nào có tất cả những sự ấy lại thường là hạng người đau khổ nhất.
5. Ngược lại với dư luận của con người, Chúa Jêsus phán: “Phước cho các ngươi nghèo khó”. Thực ra, trong Luca 6.25, Ngài phán: “Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang no, vì sẽ đói! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang cười, vì sẽ để tang và khóc lóc!”. Chúa Jêsus đã đến để làm đảo lộn các nguyên tắc.
6. Nếu chúng ta thực sự muốn đi theo Đấng Christ, chúng ta sẽ quên đi các ý tưởng của thế gian mà cứ bám chặt lấy lẽ thật của Ngài. Ngày nay chúng ta sẽ xem xét Ý NGHĨA sự than khóc, KẾT QUẢ của sự than khóc, QUÁ TRÌNH của sự than khóc, và NHỮNG THỬ NGHIỆM của sự than khóc.
I. Ý NGHĨA CỦA SỰ THAN KHÓC.
** Kinh Thánh dạy chúng ta rằng có nhiều loại buồn đau lắm. Một số thì đúng đắn và bình thường, những cái khác thì không đúng và thường thì lấy cái tôi làm trung tâm.
A. Sự than khóc BẤT XỨNG.
1. Đôi khi người ta đau khổ vì họ không thể làm thoả mãn các tư dục cùng mọi chương trình ích kỷ của riêng họ. Nỗi đau ấy lấy cái tôi mình làm trung tâm và Đức Chúa Trời không dành một sự yên ủi nào cho hạng người thể ấy.
2. Trong II Samuên 13.2, chúng ta thấy con trai của Đavít: “Am-nôn mê mệt vì cớ Ta-ma em gái mình; đến đỗi thành bịnh; vì nàng là đồng trinh, lấy làm khó cho Am-nôn được chi với nàng”.
3. Tương tự vậy, khi Nabốt từ chối không trao vườn nho mình cho vua Aháp, Aháp bèn “vào đền mình, buồn và giận” và ông “nằm trên giường, xây mặt đi, không chịu ăn” (I Các vua 21.4).
4. Có khi người ta mang lấy nỗi buồn đúng đắn cực độ đến nỗi họ không thể làm được việc gì nữa hết. Sở dĩ như vậy là vì cớ tội lỗi và thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời.
5. Khi con trai của Đavít, Apsalôm đã bị giết chết, Đavít đã nói: “Oi, Ap-sa-lôm, con trai ta! Ap-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Oi, Ap-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!”. Vì nỗi đau thương bất xứng của Đavít: “chính trong ngày đó sự thắng trận bèn đổi ra sự thảm sầu cho cả dân sự” (II Samuên 18-19.4). Đavít là một người cha đã gây ra đau khổ và cảm thấy mình có tội. Giôáp đã nói với vua: “Ngày nay vua làm hổ mặt các kẻ tôi tớ vua, là những người chính ngày nay đã cứu mạng sống của vua, của các con trai và các con gái vua, luôn đến cứu mạng sống của các vợ và hầu vua nữa”.
B. Sự khóc than XỨNG ĐÁNG.
1. Dĩ nhiên có những lúc khi đau buồn và khóc than là hoàn toàn thích nghi. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta khả năng khóc lóc giống như chiếc van áp lực mở ra giúp chúng ta trút bỏ được mọi cảm xúc và giúp chúng ta được lành.
2. Khi chúng ta đối mặt với buồn rầu và khó khăn, chúng ta lớn lên và học biết tin cậy Đức Chúa Trời càng thêm. Một câu châm ngôn của người Ảrập nói: “Tất cả ánh nắng mặt trời tạo thành một bãi sa mạc”. Robert Browning Hamilton đã viết:
Tôi mỉm cười bước đi với “Vui Sướng”,
Nàng nói năng líu lo,
Song tất cả mọi đều nàng thốt ra
Chẳng để lại trong tôi một điều gì.
Tôi đi một dặm với “Buồn Rầu”
Và nàng chẳng hé môi nói một lời nào,
Nhưng mà, tôi học được nhiều điều
Khi “Buồn Rầu” cùng đi với tôi.
3. Khi Sara – vợ của Ápraham qua đời, ông “đến chịu tang cho Sara và than khóc người” (Sáng thế ký 23.2).
4. Tác giả Thi thiên kể lại nỗi cô độc của ông cần tới mối tương giao của Đức Chúa Trời trong Thi thiên 42.1: “Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa, như con nai cái thèm khát khe nước”.
5. Timôthê đau buồn với nỗi thất vọng. Phaolô đã viết thư gửi cho Timôthê: “Ta cảm tạ Đức Chúa Trời mà ta hầu việc bằng lương tâm thanh sạch như tổ tiên ta đã làm, cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ con không thôi trong khi cầu nguyện. Vì ta nhớ đến nước mắt con, muốn đến thăm con quá chừng, để được đầy lòng vui vẻ” (II Timôthê 1.3-4).
6. Tiên tri Giêrêmi cảm thấy đau buồn vì cớ tội lỗi của Ysơraên, ông nói: “Ôi! ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn luỵ! Hầu cho tôi vì những kẻ giết của con gái dân ta mà khoc suốt ngày đêm” (Giêrêmi 9.1).
7. Phaolô rất quan tâm đến tình trạng trưởng thành thuộc linh của người Êphêsô đến nỗi ông buộc miệng nói trong Công vụ các sứ đồ 20.31: “Vậy, hãy tỉnh thức, nhớ lại rằng trong ba năm hằng đêm và ngày, tôi hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người luôn”.
8. Khi Phaolô phải rời khỏi thành Êphêsô, họ đã nhóm lại bên mé biển để nói lời giã từ. Công vụ các sứ đồ 20.37 chép: “Ai nấy đều khóc lắm, ôm lấy cổ Phao-lô mà hôn”.
9. Một người đờn bà tội lỗi đến tại nhà của Simôn để rửa chơn cho Chúa Jêsus bằng chính nước mắt của mình. Bà ta quá đau buồn vì cớ tội trọng của mình. Chúa Jêsus nói về bà ta trong Luca 7.47: “Vậy nên ta nói cùng ngươi, tội lỗi đàn bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều; song kẻ được tha ít thì yêu mến ít”.
10. Giăng 11.35 cho chúng ta biết “Chúa Jêsus khóc” với nỗi đau buồn về cái chết của Laxarơ bạn Ngài.
C. Sự than khóc TIN KÍNH.
1. Mặc dù có nhiều trường hợp cả thích nghi và bất xứng trong Kinh Thánh, phước lành nầy không nói tới bên nào.
2. Mặc dù Chúa sẽ yên ủi dân sự Ngài khi họ khóc than xứng đáng, ở đây Ngài đề cập tới nỗi đau buồn tin kính, một nỗi buồn đối với tội lỗi. II Côrinhtô 7.10 chép: “Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết”.
3. Phương thức duy nhất con người sẽ bước vào Nước của Đức Chúa Trời là “có lòng khó khăn” (câu 3), bằng cách công nhận tình trạng phá sản thuộc linh của họ và ăn năn.
4. Trong chín chữ Hy lạp ở Tân ước nói đến buồn rầu, đây là chữ mạnh mẽ nhất và gay gắt nhất. Chữ nầy tiêu biểu cho nỗi đau thương trầm lắng ở bên trong.
5. Chúng ta không được “phước” hay hạnh phúc qua chính sự than khóc, mà đúng hơn qua sự tha thứ mà nó đem lại. Thi thiên 32.1-2: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối!”.
6. Hết thảy chúng ta đều là tội nhân. Hết thảy chúng ta đều vật vã với mọi nỗi yếu đuối cùng những điều ham muốn xấu xa. Thế gian muốn chúng ta phải xưng công bình tội lỗi chúng ta, tìm cách quên lãng, che giấu nó đi. Tuy nhiên, không một người nào thực sự sống hạnh phúc cho tới chừng người ấy than khóc tội lỗi đó, xưng nó ra và nhận lãnh ơn tha thứ của Đức Chúa Trời (đối chiếu Giacơ 4.8-10).
7. Có một tình trạng hay nhẹ dạ trong nhiều Hội thánh ngày nay. Có tấn hài kịch Cơ đốc. Tôi nghe nói có một hiện tượng gọi là “nụ cười thánh khiết”. Khi chúng ta nhìn xem thế giới qua ánh mắt của Chúa Jêsus, ít có người cười được lắm. Chúng ta cần phải than khóc.
8. Kinh Thánh chép trong Châm ngôn 17.22: “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay; Còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo”. Dù vậy niềm vui mà chúng ta đang có đều dựa vào mối tương giao của chúng ta với Đấng Christ, chớ không phải dựa vào sự vui chơi của thế giới sa ngã đâu.
9. Có rất nhiều Cơ đốc nhân bị thế gian lôi kéo đến nỗi họ đã cười nhạo những điều khiến cho Đấng Christ phải đau buồn. “Cái đáng cười của quý vị là nói quá nhiều về đời sống thuộc linh của quý vị”.
10. Chẳng có một chỗ nào ghi lại Chúa Jêsus đang cười trong Kinh Thánh. Tôi dám chắc có nhiều lúc vui cười với các môn đồ, song Ngài lấy làm buồn về tình trạng thuộc linh của con người. Ngài hiếm khi có một nụ cười lắm.
11. Bạn có than khóc về tội lỗi trong đời sống của bạn và trong thế gian chăng?
II. KẾT QUẢ CỦA SỰ THAN KHÓC.
A. Khi chúng ta khóc về tội lỗi, câu chuyện hứa rằng chúng ta sẽ được “yên ủi”.
1. Cũng chữ nầy được dịch là “Đấng yên ủi” để mô tả Đức Thánh Linh trong Giăng 14.26.
2. Chúa Jêsus than khóc về tội lỗi. Vì thế, khi chúng ta than khóc về tội lỗi, chúng ta được kéo đến gần Ngài và nhận lãnh sự yên ủi của Ngài.
3. Nếu chúng ta muốn nhìn thấy sự phấn hưng trong Hội thánh nầy, dân sự phải đến với Đấng Christ và nhiều đời sống được Đức Chúa Trời thay đổi, chúng ta cần phải than khóc với Ngài!
B. Chúng ta “sẽ được yên ủi”.
1. Khải huyền 21.4 cho chúng ta biết rằng trên thiên đàng: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.
2. Đức Chúa Trời “sẽ” yên ủi chúng ta trên thiên đàng, nhưng Ngài đang yên ủi chúng ta ở đây, hiện nay qua chức vụ của Đức Thánh Linh, qua sự phong phú của Lời Ngài, qua mối tương giao với các tín hữu khác.
3. Chúa Jêsus phán trong Mathiơ 11.28: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”.
4. I Phierơ 5.7 chép: “Lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em”.
III. QUÁ TRÌNH CỦA SỰ THAN KHÓC.
A. Chúng ta phải gạt qua một bên NHỮNG NGĂN TRỞ. Một trong những lý do các tín đồ không than khóc đối với tội lỗi vì tình trạng tội lỗi trong đời sống chúng ta. Hêbơrơ 12.1 buộc chúng ta phải: “quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”. Chúng ta hãy lưu ý một số ngăn trở sau đây:
1. Yêu mến tội lỗi. Chúng ta hãy xét điều nầy. Trong một thời điểm nào đó, tội lỗi có thể rất đáng thích thú. Thật khó mà than khóc đối với sự việc mà bạn đang yêu thích. Một lần nữa, chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời làm tan vỡ tấm lòng chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy thực sự đang phạm sai lầm như thế nào!?!
2. Thất vọng. Nhiều người rơi vào chỗ ngã lòng. Họ cảm thấy Đức Chúa Trời và mọi người khác đã từ bỏ họ. Điều nầy chỉ ra thái dộ thiếu tin cậy.
3. Tự cao tự đại. Thái độ nầy đang tìm cách che giấu tội lỗi chúng ta bằng cách giả vờ không biết nó đang có ở đây vậy. Có người không thích gặp bác sĩ của họ vì những gì họ sẽ được nói cho biết. Có người không muốn đi nhà thờ cũng vì một lý do đó.
4. Chủ nghĩa tuân theo luật pháp. Điều nầy có nghĩa là nếu tôi có thể tuân giữ những luật lệ và lời truyền khẩu tôi sẽ không hề gì. Chúa Jêsus dạy rằng tội lỗi xuất phát từ bên trong (Mác 9).
5. Sự chần chừ. Có nhiều người nói: “Một trong những ngày nầy, tôi sẽ đưa đời sống tôi làm hoà lại với Đức Chúa Trời”. Chần chừ như thế nầy là liều lĩnh và dại dột. Hêbơrơ 3.13 cảnh cáo: “Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là "Ngày nay," hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng”. Nếu bạn bị hư mất, II Côrinhtô 6.2 chép: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!”.
B. Chúng ta phải nghiên cứu KINH THÁNH.
1. Lời của Đức Chúa Trời là Lời đầy quyền năng khi chỉ ra tội lỗi. Đức Chúa Trời bày tỏ ra cho số người thuộc linh nhất thấy được tình trạng tội lỗi trong đời sống họ. Êsai nói: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy” (6.5). Phierơ nói: “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội” (Luca 5.8). Phaolô tự xem mình là đầu của hạng tội nhân (I Timôthê 1.15).
2. Giacơ 1.23-25 mô tả một người nghiên cứu Kinh Thánh giống như người kia đang nhìn xem trong gương, gương ấy cho chúng ta thấy thực sự chúng ta đang như thế nào. Câu 22 chép: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình”.
C. Chúng ta phải dâng mình vào SỰ CẦU NGUYỆN.
1. Nếu bạn chưa tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa, là lời cầu nguyện duy nhất Đức Chúa Trời mong muốn nghe thấy từ nơi bạn để được cứu.
2. Cơ đốc nhân nào cầu nguyện bền đỗ là một người luôn tỉnh thức về tội lỗi của chính mình. Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ ra tội lỗi qua sự thì giờ cầu nguyện của chúng ta với Ngài.
IV. NHỮNG THỬ NGHIỆM CỦA SỰ THAN KHÓC.
A. THỬ NGHIỆM 1: Có phải tôi luôn ý thức về tội lỗi không?.
1. Chúng ta phải ý thức trước TỘI LỖI CỦA CHÍNH CHÚNG TA. Khi bạn phạm tội, tình trạng ấy giống như “ngọn đèn tắt chớp tắt chớp” trong chiếc xe hơi của bạn vậy. Có phải “các ánh đèn thuộc linh” của bạn đang chớp tắt không? Nếu không có, bạn cần phải làm hoà lại với Đức Chúa Trời.
2. Chúng ta phải ý thức trước tội lỗi của CÁC TÍN HỮU. Ý thức nầy sẽ làm cho chúng ta tan vỡ khi nhìn thấy tội lỗi trong đời sống của những người khác. Chúng ta sẽ than khóc với tác giả Thi thiên: “Những suối lệ tuôn chảy từ mắt tôi, vì người ta không giữ luật pháp của Chúa” (Thi thiên 119.136).
3. Chúng ta phải ý thức trước tội lỗi của THẾ GIỚI HƯ MẤT. Chúng ta phải đau buồn vì bạn bè, gia đình, người láng giềng, và bạn cùng làm việc bị hư mất. Ý thức ấy làm tan vỡ lòng chúng ta khi họ hư mất và sẽ đi địa ngục vì cớ tội lỗi của họ!
B. THỬ NGHIỆM 2: Tôi có biết ơn tha thứ và sự bình an của Đức Chúa Trời chưa?.
1. Bạn có định rõ đặc điểm mối tương giao của bạn với Đức Chúa Trời là tự do và đầy sự an bình không? Đức Chúa Trời có thực sự làm cho bạn được vui mừng không? Tôi hy vọng là như vậy.
2. Mặt khác, bạn có thấy lòng mình đang cầu nguyện chỉ khi nào cần thiết, cũng như đọc Kinh Thánh cách miễn cưỡng hoặc chẳng đọc gì hết, miễn cưỡng đến nhà thờ hay chẳng đi nhà thờ mà chi? Nếu thực thế, bạn cần phải được cứu hoặc cần phải than khóc trước tội lỗi của mình hầu cho bạn “được phước” và “được yên ủi”.
Trong Thi thiên 126.5-6, Đức Chúa Trời phán cùng chúng ta: “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, Sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, At sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình”. Chúng ta hãy than khóc ngay bây giờ vì như Thi thiên 30.5 dạy: “Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét