Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 5.1-2: "Mọi sự trong gia đình"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Mọi sự trong gia đình
I Timôthê 5.1-2
Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ được mô tả bằng những cách thức khác nhau trong Tân Ước. Đức Thánh Linh dẫn dắt các trước giả viết Kinh thánh sử dụng một loạt nhiều hình bóng để giúp chúng ta hiểu chúng ta là ai và chúng ta hoạt động như thế nào trong vai trò dân sự của Đức Chúa Trời. Chúng ta được gọi là một NƯỚC nhấn mạnh sự tể trị của Đấng Christ là Vua tối cao của chúng ta (Khải huyền 5.10). Chúng ta được gọi là THẦY TẾ LỄ tiêu biểu cho từng tín đồ tiếp cận trọn vẹn với ngôi của Đức Chúa Trời (I Phierơ 2.5, 9). Chúng ta được gọi là DÂN THÁNH và mỗi một người trong chúng ta là một công dân thiên quốc (I Phierơ 2.9). Chúng ta được gọi là "hòn đá sống" cùng nhau dựng nên một ĐỀN THỜ THÁNH cho Chúa (I Phierơ 2.9; Êphêsô 2.20-22). Chúng ta được gọi là NHÁNH nối với nguồn sự sống trong Gốc Nho thật, là Đức Chúa Jêsus Christ (Giăng 15.5). Chúng ta được gọi là THÂN với Đấng Christ là Đầu của chúng ta (I Côrinhtô 12.12). Chúng ta được gọi là BẦY CHIÊN, được dẫn dắt và trưởng dưỡng bởi Đấng Chăn Chiên Trưởng của mình (I Phierơ 5.2-4). Chính từ ngữ "Hội thánh" cố ý nhắc tới một HỘI CHÚNG nhấn mạnh tính cần thiết của sự chúng ta nhóm lại trên đất và chỉ ra một hội chúng đời đời gồm mọi tín đồ ở trên trời (Hêbơrơ 10.25; 12.23).
Tuy nhiên, trong mọi hình bóng nói tới Hội thánh, có lẽ mối quan hệ thân thiết nhất, cách riêng tư, ấy là hình bóng nói tới một GIA ĐÌNH. Những tín đồ gồm các anh chị em trong Đấng Christ với một Cha Đời Đời. Êphêsô 2.19 chép chúng ta là: "người nhà của Đức Chúa Trời". Trong Êphêsô 3.14-15, Phaolô nhấn mạnh mối quan hệ nầy trong lời cầu nguyện giới thiệu: "Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên". Galati 6.10 chép: "Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin".
Nếu gia đình của Đức Chúa Trời là một hình bóng nói tới tất cả các tín đồ, thì chắc chắn Hội thánh địa phương sẽ giống với, hành động và sinh hoạt như một gia đình. Phaolô viết thư cho Timôthê bảo Timôthê phải đối xử với dân sự trong hội chúng tại thành Êphêsô giống như những người sống trong nhà của Timôthê vậy. Không may thay, trong kỷ nguyên nầy, có nhiều người đã lớn lên trong những gia đình không làm tròn chức năng và chẳng có một sự hiểu biết gì về một gia đình phải sinh hoạt như thế nào cả. Gia đình phải được đánh dấu bằng tình yêu thương, sự nâng đỡ hay vui mừng. Gia đình cung hiến tình yêu thương vô điều kiện. Có người nói: "Gia đình là nơi mà họ phải đưa bạn vào đó".
Tôi đã được phước, được nuôi dạy bởi bậc cha mẹ Cơ đốc tin kính. Tôi đã lớn lên không gặp phải những nan đề đang hành hại nhiều người trong thế hệ của tôi vì cha mẹ tôi luôn luôn tiếp nhận tôi và làm cho tôi cảm thấy mình luôn được yêu thương. Tuy nhiên, tình yêu vô điều kiện và sự tiếp nhận tuyệt đối không giữ họ không chỉ ra tội lỗi của tôi … trên cái mông của tôi! Tình yêu thương của họ không bỏ qua thái độ không vâng phục của tôi nhưng đòi hỏi sự vâng lời của tôi.
Một gia đình Hội thánh yêu thương không làm bộ không để ý đến tội lỗi và bỏ qua sự bất tuân của tôi đối với lẽ thật trong Kinh thánh. Hội thánh luôn luôn là một nơi chốn của tình yêu vô điều kiện và sự tiếp nhận tuyệt đối, mà cũng khăng khăng đối mặt với tội lỗi và xử lý với thái độ bất tuân. Cha mẹ tôi vốn biết rõ rằng nếu họ không chỉnh sửa thái độ bất tuân của tôi, tôi sẽ phải chịu khổ do thái độ ấy trong suốt phần còn lại của cuộc đời mình. Họ đã kỷ luật tôi bằng tình yêu thương. Hội thánh phải hiểu rằng tội lỗi luôn luôn đem lại đau khổ và chúng ta không nên dung túng nó.
Phần việc đặt trước mặt Timôthê là phải xử lý với tội lỗi của Hội thánh Êphêsô vốn lâm vào cảnh rắc rối. Thay vì dạy dỗ lẽ thật của Tin Lành, họ đang rao giảng "những phù ngôn và gia phổ vô cùng" (1.4). Họ đang ra sức để trở thành "những thầy dạy luật" lo chăm chú thiên về với luật pháp khi họ chẳng hiểu gì về mục đích của luật pháp cả (1.7-11). Có người, giống như "Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ" đã trở thành những kẻ bội đạo và làm "chìm đắm" đức tin của họ (1.20). Một số phụ nữ đang bước ra khỏi vị trí của mình và đang tìm cách nắm lấy mọi vai trò của nam giới (2.8-15). Hội thánh không hiểu các tiêu chuẩn cao dành cho bậc trưởng lão hay chấp sự (3.1-13). Đã có sự dạy giả dối và giáo lý của quỉ dữ đang bềnh bồng trôi nổi quanh mối tương giao (4.1-5).
Một gia đình Hội thánh đừng bao giờ bỏ qua tội lỗi trong danh xưng của ân điển, mà phải đối diện với tội lỗi với danh xưng của tình yêu thương. Chúa Jêsus đã ban ta những huấn thị đặc biệt đối với việc xử lý với một anh chị em phạm tội trong Mathiơ 18.15-18: "Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời".
Khi chúng ta xem xét hai câu đầu tiên nầy trong chương 5, tôi muốn chỉ ra một sự dạy tổng quát về cách thức chúng ta cần phải đương diện với bất kỳ tín đồ nào, rồi khi ấy chúng ta sẽ xem xét cách thức xử lý với người già cả và kẻ trẻ hơn, với những người đàn bà có tuổi và trẻ tuổi hơn trong gia đình của Đức Chúa Trời.
I. Chúng ta cần phải đối xử như thế nào với tất cả các tín đồ (câu 1).
Khi quí vị xem xét câu 1, làm ơn gạch dưới hay bôi màu sáng vào hai động từ. Động từ thứ nhứt là "quở" và động từ thứ hai là "khuyên". Mặc dù được áp dụng cách trực tiếp trong cách thức Timôthê cần phải quan hệ với "người già cả", điều nầy cũng áp dụng chung cho mối quan hệ của ông với mọi người trong Hội thánh. Vì cớ đó, trước tiên chúng ta hãy hiểu rõ sự trái ngược giữa hai từ nầy. Chúng ta không phải "quở" mà phải "khuyên". Lúc đầu, câu nầy nghe như một sự lộn xộn. Có vài lần trong các thư tín Mục vụ, Phaolô bảo Timôthê và Tít phải quở trách dân sự. Thí dụ, trong II Timôthê 4.2, Phaolô nói: "hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi". Một phần trong công tác giảng dạy là quở trách tội lỗi trong hội chúng. Trong Tít 2.15, vị sứ đồ nói: "Hãy dạy các điều đó, lấy quyền đầy đủ mà khuyên bảo quở trách. Chớ để ai khinh dể con". Uy quyền của chúng ta trong việc quở trách là Ngôi Lời.
Tít 1.13 nói tới các giáo sư giả khi câu nầy chép: "Lời chứng ấy quả thật lắm. Vậy hãy quở nặng họ, hầu cho họ có đức tin vẹn lành". I Timôthê 5.20 nói tới bậc trưởng lão sai sót khi câu nầy chép: "Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ".
Bốn lần Phaolô đặc biệt bảo các vị Mục sư trẻ nầy phải thốt ra những lời quở trách theo Kinh thánh. Tuy nhiên, ở đây ông nói: "Chớ quở" Tại sao vậy? "Quở" trong 5.1 ra từ chữ epiplesso sát nghĩa là "đánh mạnh". Trong văn mạch nầy, từ ngữ nầy có ý nói tới cách chỉ trích khá mạnh bạo hay khó nghe. Từ ngữ không được sử dụng ở đâu khác trong Tân Ước mặc dù từ ngữ đã được sử dụng ở 3.3 khi mô tả một trưởng lão là kẻ "đừng hung bạo". Ở chỗ khác trong các thư tín hai từ ngữ nhẹ nhàng hơn được dịch là "bẻ trách". Chúng ta phải nói rằng có hai hình thái "bẻ trách". Một là hung bạo với dự tính gây tổn thương. Còn một là nhẹ nhàng với dự tính chỉnh sửa.
Là cha mẹ, chúng ta phải quở trách con cái mình về phần xác. Quở trách như thế nầy là làm theo Kinh thánh. Châm ngôn 22.15 chép: "Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ; Song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó". Châm ngôn 23.13 chép: "Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt". Châm ngôn 13.24 chép: "Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó". Tuy nhiên, có hai cách để kỷ luật một đứa con. Nếu chúng ta kỷ luật cách hung bạo do giận dữ, thì đây là ngược đãi. Nếu chúng ta kỷ luật xuất phát từ tình yêu thương, thì đó là sự chỉnh sửa. Cái điều chúng ta cần phải từ chối, ấy là những ngón tay hung bạo – một loại "quở".
Hãy trở lại với động từ thứ hai trong câu 1, "khuyên". "Khuyên" dịch từ chữ parakaleo. Nếu quí vị thích nghiên cứu từ ngữ, có lẽ quí vị nhìn biết từ ngữ khá quen thuộc nầy. Para có nghĩa là "sát bên" và kaleo có nghĩa là "kêu gọi". Sát nghĩa từ nầy là "gọi sát bên". Hãy hình dung vị huấn luyện viên trên đường chạy đang kêu gào sự khích lệ. Hãy hình dung một người lính đang dìu một đồng đội bị thương, đang giúp cho đồng đội trở lại tuyến sau. Một từ ngữ liên hệ, parakletos là tước hiệu của Đức Thánh Linh và từ nầy được dịch là "Đấng Giúp Đỡ" hay "Đấng Yên Ủi" (bản dịch Kinh thánh KJV – đối chiếu Giăng 14.16, 26; 15.26; 16.7).
Khi chúng ta đến bên cạnh Cơ đốc nhân khác và khích lệ họ trong Chúa, chúng ta đang làm chính công việc giống như Đức Thánh Linh! Khi xử lý với bất kỳ anh chị em nào trong gia đình của Đức Chúa Trời, đặc biệt những người đang vật lộn với tội lỗi, chúng ta không "quở" họ với những ngón tay chỉ chỏ, nhưng chúng ta "khuyên dỗ" họ với hai cánh tay quàng quanh đôi bờ vai của họ. Tại sao chứ? Vì chúng ta là gia đình.
II. Chúng ta cần phải đối với người già cả như thế nào (câu 1a).
Quan niệm đừng hành động nghiệt ngã mà phải dịu dàng đặc biệt là thực với bất kỳ "người già cả" nào trong hội chúng. Chúng ta phải đối xử với "người già cả … như cha". Kinh thánh dạy rõ ràng rằng người trẻ tuổi nên tỏ ra sự kính trọng hẳn hòi đối với người lớn tuổi hơn. Thực thế, Luật pháp Môi-se trong Lê vi ký 19.32 chép: "Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già cả, và kính sợ Đức Chúa Trời ngươi. Ta là Đức Giê-hô-va". Nói cách khác, sự tôn kính dành cho người già cả phải đi song hành với sự tôn kính Chúa! Người nào không kính trọng người lớn tuổi hơn họ chẳng có chút tôn kính nào dành cho Đức Chúa Trời cả. Châm ngôn 16.31 chép: "Tóc bạc là mão triều thiên vinh hiển, Miễn là thấy ở trong đường công bình". Mặc dù một số người trong chúng ta có tóc bạc rất sớm, vì phần lớn người tin Chúa sống đến già bạc là một người công bình đáng được tôn kính.
Những người già cả thì giống như "cha thuộc linh" trong Hội thánh. Đặc biệt, chúng ta cần phải đối xử với người già cả "như cha". Châm ngôn 4.1 chép: "Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, khá chủ ý vào, hầu cho biết sự thông sáng". Châm ngôn 30.17 chép: "Con mắt nhạo báng cha mình, khinh sự vâng lời đối với mẹ mình, các con quạ của trũng sẽ móc mắt ấy, và các chim ưng con sẽ ăn nó đi". Thực ra Luật pháp đặc biệt nói: "Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử" (Xuất Êdíptô ký 21.17).
Hỡi lớp người trẻ, quí vị cảm thấy thế nào về lớp người già cả trong hội chúng của mình? Chúng ta có cảm thấy họ được tôn trọng ra sao khi họ đang ở đây với chúng ta? Chúng ta có vui thích với sự thực họ chịu đựng chúng ta và rất yêu thương chúng ta? Chúng ta đừng bao giờ làm điều chi gây tổn thương cho họ hay làm nhục họ. Chúng ta phải chịu đựng họ và lắng nghe sự khôn ngoan mà họ đã kiếm được trong ngần ấy năm sống. Tôi có một người bạn đã mở ra một Hội thánh trong thành phố cách đây mấy năm. Sau ba hay bốn năm vất vả, Hội thánh non trẻ nhỏ bé kia sau cùng đã tan rã. Một số thuộc viên đã trở thành chi thể của Hội thánh chúng ta. Khi tôi trao đổi với người bạn ấy và các thuộc viên mới nầy về lý do tại sao Hội thánh không tồn tại, ai cũng nhất trí ấy là chẳng có một người lớn tuổi nào cả. Họ chỉ có một người trên độ tuổi 40 để cung ứng mưu luận và sự khôn ngoan tin kính.
Chúng ta đừng bao giờ, đừng bao giờ, ĐỪNG BAO GIỜ ăn nói xẳng xớm với người già cả. Hãy nhìn lại xem, một trong bốn người già cả của chúng ta đang đứng dạy một lớp Kinh thánh về thuyết mạt thế trong sách Đaniên. Một thanh niên kia tưởng mình biết rõ những thời kỳ sau rốt nên tỏ ra sự bất đồng với vị thánh đồ tin kính nầy. Thay vì bàn bạc có chừng mực những khác biệc với ý kiến của mình trong lớp học, anh ta cứ xổ sàng và tìm cách kéo vị giáo sư nầy vào vòng tranh cãi trước mặt mọi người. Tôi quở trách thanh niên ấy bằng câu nầy.
Cho dù "người già cả" trong Hội thánh có sai sót, và họ có thể sai sót, họ có thể sống trong tội lỗi, quở trách họ với một thái độ bất kỉnh, không hay ho gì như thế là không hề đúng. Chúng ta phải đến một bên người anh em lớn tuổi hơn đó, choàng tay quanh vai người và dịu dàng, tử tế, thậm chí với lòng thành khẫn chỉ rõ Kinh thánh cho ông ấy thấy. Khi làm như thế, chúng ta vừa tôn kính người anh em đứng tuổi kia, mà cũng tôn kính Chúa nữa.
III. Chúng ta cần phải đối xử với kẻ trẻ hơn như thế nào (câu 1b).
Chúng ta phải thật cẩn thận cũng chớ quở nặng "kẻ trẻ" hơn, mà nên khích lệ họ vì họ là "anh em" của chúng ta. Nói như thế có nghĩa gì? Nói như thế có nghĩa là chúng ta đồng đẳng với nhau. Hết thảy chúng ta đều là anh em và là con cái của cha. Không có một thứ bậc nào hết. Không có một địa vị cao siêu nào cả. Chúng ta đang ở trên cùng một cấp độ. Chúng ta có cùng một Chúa, một Đấng Cứu Chuộc chung. Chúng ta cùng nhau ở "trong Đấng Christ". Chúng ta có "một Chúa, một đức tin, một phép báptêm; một Đức Chúa Trời, một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người (Êphêsô 4.5-6). Chính Đức Thánh Linh đang ngự trong và đang dẫn dắt hết thảy chúng ta. Chúng ta không phải là anh em theo ý nghĩa chúng ta có cùng những nếm trải hay giá trị. Chúng ta là anh em theo ý nghĩa chúng ta được kết nối đời đời với nhau vì cớ mối tương giao với Chúa Jêsus!
Mạng lịnh bao quát trong Kinh thánh dành cho anh em là phải yêu thương nhau. Rôma 12.10 chép: "Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau". I Phierơ 2.17 chép: "Yêu anh em". I Giăng 4.21 chép: "Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình".
Yêu thương anh em của chúng ta là bằng cớ chủ yếu của sự tái sanh. I Giăng 3.14 chép: "Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết". Giăng 13.35 chép: "Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta".
Vậy thì chúng ta phải đối xử với anh em mình như thế nào? Chúng ta khuyên dỗ họ, khích lệ họ và tỏ cho họ thấy tình yêu thương tin kính ấy bằng cách nào? Chúng ta phải quan tâm đến lợi ích của anh em mình. Chúng ta phải vô kỷ đặt mọi nhu cần của người trước mọi nhu cần của chúng ta. Chúng ta phải vui mừng với người trong những lúc sung sướng và khóc lóc với người trong những lúc đầy nước mắt. Chúng ta phải lo lắng về người và cầu thay cho người. Chúng ta phải yêu thương đối diện với người khi người phạm sai lầm và cứng rắn biện hộ cho người khi người ăn ở đúng đắn.
Kết quả, chúng ta phải tránh sự nặng nề và vô nghĩa. Chúng ta phải rất cẩn thận trong sự chọc ghẹo, chúng ta đừng vô ý chạm đến một thần kinh đang ở trong chỗ dễ bị chạm mạch. Chúng ta đừng ganh tỵ với người hay ghen tương với người. Chúng ta đừng bao giờ để cho người có những cảm xúc ấy đối cùng chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời, xin Ngài cất bỏ đi bất kỳ một bầu không khí nặng nề nào ra khỏi tâm linh của chúng ta. Chúng ta phải phục vụ một cách vô kỷ đối với người.
Quí vị có bao giờ nghĩ tới những tư tưởng nầy khi chúng ta giới thiệu một thuộc viên mới vào trong mối tương giao nầy không? Có bao giờ quí vị nghĩ: "Giờ đây, tôi có trách nhiệm lớn đối với người anh em nầy" không? Hay, chúng ta có bao giờ nói "Amen" và vỗ tay tán thưởng, rồi cảm thấy rất biết ơn vì Hội thánh chúng ta liên tục lớn lên mà không hề có một tư tưởng nào về trách nhiệm càng thêm của mình không?
Quí vị ơi, quí vị cần phải phát triển những tình bạn sâu sắc trong Hội thánh. Quí vị cần chuộc lại những mối giao thông với nhiều người khác. Thái độ phụ thuộc như thế không những làm cho đời sống quí vị vững mạnh, mà còn làm cho sinh hoạt của Hội thánh cũng được mạnh mẽ nữa. Geoff Thomas viết: Tình cảm anh em là chất xi măng, là sự được ơn, và là dầu xức cho mối tương giao của Hội thánh. Đây là tiên vị của những gì chúng ta sắp sửa kinh nghiệm trên thiên đàng. Đức Chúa Trời hằng sống được biết đến và được kính yêu giống như Cha của chúng ta, và hết thảy chúng ta [là] con trai con gái của Ngài. Tình yêu anh em được thấy trong Kinh thánh mà kém cõi thì Hội thánh càng giống như địa ngục hơn. Tôi rất buồn khi nói như thế về một số Cơ đốc nhân trong thế gian nầy, Hội thánh là một gia đình không còn tồn tại nữa.
Hãy suy nghĩ về số người ở quanh Chúa Jêsus trong vòng tròn trung tâm xem. Đã có những đoàn dân đông lên đến hàng ngàn người. Đã có bầy lớn ít nhất là 500 người đã tin theo Ngài. Khi ấy đã có 120 người đã chờ đợi trong thành Jerusalem. Rồi có 70 môn đồ đi ra từng đôi một. Tất nhiên khi ấy đã có 12 sứ đồ. Giữa vòng các sứ đồ là "vòng trong" gồn có ba người, Phiêrơ, Giacơ và Giăng, họ cùng đi với Chúa Jêsus trong những giờ phút mật thiết nhất.
Và trong đó chỉ có Giăng, là "môn đồ dễ thương", ông đã dựa đầu vào ngực của Chúa Jêsus và đã lãnh lấy trách nhiệm lo cho mẹ của Ngài. Chúa Jêsus yêu thương tất cả họ. Ngài đã phó chính mình Ngài cho họ hết thảy. Tuy nhiên, số người nầy gần gũi hơn những người kia. Cũng vậy, chúng ta không thể có sự gần gũi tương ứng dành cho tất cả những anh em của chúng ta. Một số người sẽ được gần gũi hơn những người khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể có một tình yêu tự hy sinh dành cho từng người trong số họ.
Thật đáng kinh ngạc thay khi các mối quan hệ ấy lớn lên và thay đổi dường bao! Tôi nhớ khi còn là một thiếu niên, hay đỏ mặt với sự kêu gọi tôi bước vào chức vụ. Tôi dự trại hè của Hội thánh và đã nghe diễn giả nầy rao giảng. Tôi biết rõ tôi muốn sống giống như ông một ngày nào đó. Khi thời gian trôi qua, tôi tìm cách làm quen với ông nầy. Ông luôn luôn có thì giờ để trao đổi với tôi. Thậm chí ông còn viết cho tôi những bức thư thật dài nữa. Chắc chắn là tôi đã trở thành một Mục sư, chúng tôi trở thành những người bạn tốt. Tôi đã giảng trong Hội thánh của ông. Ông đến giảng trong Hội thánh của tôi. Giờ đây chúng ta là bạn đồng công. Hãy tưởng tượng xem nỗi kinh ngạc của tôi khi Đức Chúa Trời mở ra cánh cửa cho Jerry Coffman bước vào ban trị sự của Hội thánh chúng tôi! Tình cảm anh em làm thay đổi và nó đang lớn lên!
Mặt khác, tuần vừa qua tôi có cơ hội dành thì giờ với một thanh niên mà tôi đã gặp khi anh ta nhóm vào lứa tuổi của mình. Tôi là một Mục sư trẻ tại khu vực Dallas khi gia đình thanh niên nầy trở thành chi thể của Hội thánh chúng ta. Chúng tôi đã dành thì giờ cho nhau. Tôi cứ theo dõi anh ta khi anh ta đậu đại học và bắt đầu một sự nghiệp. Hãy tưởng tượng xem niềm vui của tôi khi anh ta gọi cho tôi vào một tối kia để nói cho tôi biết anh ta sắp sửa bước vào chức vụ và muốn trở thành một Mục sư. Giờ đây trong những năm cuối của tuổi 20, anh ta không còn là học trò của tôi nữa, mà là đồng sự với tôi. Tôi được nhắc nhớ về lời phán của Chúa Jêsus với các môn đồ: "Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, …nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta" (Giăng 15.15). Tình cảm anh em rất phong phú và sâu sắc.
IV. Chúng ta cần phải đối xử với đàn bà có tuổi như thế nào (câu 2a).
Cũng trong phương thức chúng ta không nên "quở nặng người già cả" mà thay vì thế phải quàng tay quanh vai người mà "khuyên dỗ họ như cha" chúng ta phải đối xử với "đàn bà có tuổi cũng như mẹ". Kinh thánh truyền phải kính trọng yêu thương đối với chức năng làm mẹ. Luật pháp chép: "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho" (Xuất Êdíptô ký 20.12). Châm ngôn 1.8 chép: "Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con". Châm ngôn 23.22 chép: "Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu".
Suốt cả Kinh thánh, chúng ta được dạy cho phải tôn kính và chăm sóc những người làm mẹ. Khi Chúa Jêsus sắp chết trên thập tự giá, Ngài đã nhìn xuống mẹ ruột của mình là Mary và người bạn thân nhất là Giăng rồi nói: "Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!" và "Đó là mẹ ngươi!" Rồi vấn đề trở nên thực khi "từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình" (Giăng 19.26-27). Có lẽ Mary là một goá phụ lúc bấy giờ và Chúa Jêsus muốn Giăng phải thế chỗ của Ngài trong việc chu cấp cho bà. Trong tiểu đoạn kế ở I Timôthê 5, Phaolô cung ứng phần chú ý đặc biệt đến con cái chăm sóc cho những người mẹ goá của họ.
Một số người trong chúng ta không còn có mẹ ruột của mình nữa. Người mẹ yêu dấu của tôi đang ở trong thiên đàng hôm nay. Không ai có thể thế được chỗ của bà ấy, tuy nhiên Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những người "đàn bà có tuổi" khác làm mẹ chúng ta. Tôi được phước khi có nhiều người dường như đang lấp vào khoảng trống đó. Phaolô vốn hiểu rất rõ. Ông đã nói trong Rôma 16.13: "Hãy chào Ru-phu, người được chọn của Chúa, và chào mẹ người, cũng là mẹ tôi". Tôi thích cách bản Kinh thánh NIV chép về việc nầy: "…người cũng là một bà mẹ đối với nữa". Mẹ của Ru-phu đã làm cho Phaolô cảm nhận giống như một trong bầy con của bà vậy. Tôi không thể làm chi khác hơn là suy nghĩ tới lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mác 10.29-30: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi chẳng một người nào vì ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đang bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau”.
Mới đây thôi, một thánh đồ quí báu của Đức Chúa Trời đã trở thành chi thể trong gia đình Hội thánh của chúng ta. Bà Helen Long là goá phụ trong nhiều năm trời. Bà đã phục vụ Chúa trong nhiều năm tháng. Bà có một con trai ở đây, anh ta chăm sóc cho bà nhưng cũng có nhiều con cái ở khắp thế giới. Những đứa con khác của bà đều là các giáo sĩ và là con cái của các giáo sĩ. Nếu quí vị đến nhà của bà, quí vị sẽ không ở đó lâu cho tới khi bà bắt đầu chia sẻ với quí vị về tất cả "những đứa con của bà".
Vậy thì đối xử với những "đàn bà có tuổi cũng như mẹ" có ý nghĩa như thế nào? Làm sao những đứa con trai con gái chăm sóc cho mẹ của họ được? Họ cần được đối xử với sự kính trọng và yêu thương. Họ cần phải được xem như một ân tứ quí báu đến từ Đức Chúa Trời. Họ cần phải được tôn kính vì sự phục vụ của họ. Một tư tưởng cuối cùng về cả hai vị thánh đồ cao tuổi. Tôi tin chúng ta phải cẩn thận khi dạy con cái mình phải tỏ ra cho họ sự kính trọng đáng phải cách. John Stott nói: Tôi tìm thấy ở đây lý do xác đáng theo Kinh thánh về sự hội chúng nhìn nhận về tính cách khác nhau trong tư tưởng giữa thế hệ đi trước và thế hệ tiếp nối. Thực vậy, hết thảy chúng ta đều là anh chị em trong Đấng Christ. Dù vậy, đối với tôi cái điều giả tạo ở phương Tây khi có những sinh viên nổi cáu với tôi và chào tôi bằng tên Cơ đốc của tôi, mặc dù tôi đủ tuổi làm ông cố của chúng!
Trong cộng đồng của Hội thánh chúng ta, chúng ta dạy con cái phải gọi là "Anh" hay "Bà" sao cũng được vì dường như không hay lắm và bất kỉnh cho lớp trẻ khi nói chuyện với các thánh đồ cao tuổi và gọi họ bằng tên tộc của họ.
V. Chúng ta phải đối xử thế nào với những thiếu nữ (câu 2b).
Sau cùng, Phaolô nói rằng chúng ta phải đối xử với những "thiếu nữ như chị em". Tuy nhiên, hãy chú ý và gạch dưới mệnh đề "…mà phải lấy [trọn vẹn, hoàn toàn, tuyệt đối] cách thanh sạch". Hỡi quí ông, chúng ta cần phải đối xử với các thiếu nữ trong Hội thánh giống như họ là chị em của chúng ta. Những mối quan hệ của chúng ta với họ cần phải được đánh dấu bằng "sự thanh sạch" trọn vẹn.
Tại sao Phaolô sử dụng lối nói nầy? Đâu là mục đích của ông. Mục đích ấy rất là rõ ràng. Cái điều ông ám chỉ dành cho người nam Cơ đốc có tư tưởng về tình dục hoặc Đức Chúa Trời cấm đoán, sinh hoạt về tình dục với một người nữ trong Hội thánh mà không phải là vợ của mình là na ná với LOẠN LUÂN và dầu trong mãng xấu xa nhất của xã hội đều bị xem là tội lỗi. Không một điều gì đánh hạ các lãnh đạo thuộc linh, cả nam và nữ cho bằng tội tà dâm. Không một điều chi có thể phá tán nhiều gia đình và làm đắm chìm cấp độ thuộc linh trong nhiều Hội thánh. Hỡi Hội thánh, đây là một lẽ thật cần được rao giảng cho thật lâu dài và lớn tiếng. Tà dâm là TỘI LỖI!
Tommy Nelson nói rằng có ba bước hướng tới sự tà dâm. HAM THÍCH, GIẢI TRÍ và KINH NGHIỆM. Hết thảy đều bắt đầu khi vợ chồng không chăm sóc mọi nhu cần của nhau trong gia đình. Họ bất chấp I Côrinhtô 7.5, ở đây chép: "Đừng từ chối nhau [về tình dục], trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng”. Khi các nhu cần ấy không được thoả mãn tại nhà, "tiết độ" sẽ ra khó khăn.
Thứ nhứt, có SỰ HAM THÍCH. Trong Hội thánh hay trong sở làm hoặc một môi trường nào khác, ở đó những người nam người nữ tụ họp lại, người nam sẽ gặp nhiều người nữ khác rất hấp dẫn và có nhiều đức tính đáng khen ngợi. Cũng một việc ấy xảy đến cho nữ giới. Sẽ có nhiều tia lửa tình cảm cho những người nầy. Mọi người đều kinh nghiệm sự việc đó. Ham thích một người thuộc phái tính khác hấp dẫn, đáng ngưỡng mộ là một việc rất bình thường. Đó là một tình cảm tốt, lành mạnh. Tuy nhiên, nếu nhu cần của người (nam hay nữ) không được thoả mãn ở nhà, người (nam hay nữ) ấy bắt đầu thấy ham thích những tia lửa tình cảm kia nhiều hơn.
Khi chúng ta tận hưởng những cảm xúc nơi một người đàn bà hay đàn ông khác hơi nhiều, chúng ta đang hướng tới bước GIẢI TRÍ, nghĩa là chúng ta bắt đầu giải trí không lành mạnh, những tư tưởng về khoái lạc đối với người nầy. Một người như thế sẽ tìm những phương thức để bỏ ra nhiều thì giờ với người đàn bà đó. Người sẽ viết cho nàng một lời cảm ơn thật đặc biệt thân mật về một đặc ân nho nhỏ nào đó. Người sẽ thân mật với nàng với một tư thế không bình thường. Nàng sẽ tìm ra nhiều phương thức để làm những việc nho nhỏ cho người và khiến cho người phải chú ý. Đây là những hành động có tính cách lãng
mạn. Họ bắt đầu trao đổi với nhau ở một cấp độ sâu sắc hơn và chia sẻ điều chi là sai quấy với cuộc hôn nhân hiện có của họ.
Bước sau cùng là KINH NGHIỆM. Ở một điểm nào đó, người sẽ nói cho nàng biết người cảm nhận thế nào về nàng. Nếu nàng đáp lại các việc đó, họ sẽ tiến đến một điểm xa hơn. Có một sự "tin cậy rất tai hại" giữa hai người. Mọi sự họ cần là một phút riêng tư và hành động của sự tà dâm họ sẽ phạm phải. Điều nầy đang xảy ra bất cứ lúc nào đối với quí Mục sư, trưởng lão, chấp sự, giáo sư, các lãnh đạo mục vụ, thương gia … quí vị có thể kể thêm, không ai được miễn trừ cả. Nó có thể xảy ra và sẽ xảy ra ở đây trong Hội thánh của chúng ta. Đừng tự đá vào mình. Hỡi quí ông, đấy là lý do tại sao chúng ta phải đối xử với phụ nữ Cơ đốc ở quanh chúng ta như chị em. Chúng ta phải nghĩ họ là chị em. Có bao nhiêu người trong số quí vị có người chị hay người em gái? Quí vị yêu thương nàng. Quí vị muốn bảo hộ cho nàng. Quí vị không nghĩ tới nàng theo sự dâm dục. Hãy đối xử với những người nữ nầy theo cùng cách ấy!
Trong gia đình của tôi và có lẽ trong phần nhiều gia đình của quí vị đều có lò sưỡi. Nó được xây bằng gạch và có bề mặt bằng kim loại. Nó cung cấp sự ấm áp tại trung tâm sinh hoạt của gia đình. Lò sưỡi được thiết kế để sử dụng hơi nóng từ ngọn lửa để làm cho ấm áp, để bảo hộ ngôi nhà tránh tính hủy diệt của ngọn lửa. Nếu tro của tia lửa từ nền lò sưỡi rớt trúng một đống báo hay một thứ chi khác dễ bắt lửa, nguồn ấm áp ấy sẽ đốt rụi cả ngôi nhà. Khi đứng trong ngôi nhà cháy rụi, quí vị nhìn thấy điều gì? Lò sưỡi. Một đời sống của kẻ phạm tội tà dâm giống như một ngôi nhà bị thiêu rụi. Tà dâm không đến từ tình trạng vô đạo đức về tình dục mà đến từ sự bất khả nắm bắt những ngọn lửa yêu thương đáng tin cậy.
Chúng ta có nhiều phụ nữ ngọt ngào, xinh đẹp, đáng ngưỡng mộ trong Hội thánh của chúng ta. Tôi yêu mến họ. Tình yêu ấy lành mạnh. Nhưng tôi không bao giờ để cho bản thân mình đi quá chặng đường vui vẻ với họ. Tình cảm của tôi đã dành cho vợ tôi và sự kính trọng của tôi dành cho chị em tôi. Dầu chúng ta già hay trẻ, anh em hay chị em, chúng ta là gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy hành động giống như gia đình ấy!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét