Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 6.6-10: "Phải sử dụng tiền bạc cách khôn ngoan như thế nào?"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Phải sử dụng tiền bạc cách khôn ngoan như thế nào
I Timôthê 6.6-10
I Timôthê 6 là một trong những chương đầy quyền lực nhất trong tất cả Tân Ước vì nó giảng cho các tín hữu về thực tại cuộc sống trong thế giới sa ngã nầy. Sứ đồ Phaolô không thúc đẩy mạnh vị Mục sư trẻ tuổi, là Timôthê khi ông viết chương kết thúc nầy. Và lời lẽ của ông còn có thế ứng dụng hôm nay giống như khi chúng được ghi rõ trong bản thảo gốc nguyên thủy vậy.
Ở giữa chương 6 là câu 10, ở đây chép: "Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác". Nếu có một từ có thể được dùng để mô tả xã hội của chúng ta thì đó materialism (chủ nghĩa duy vật). Như tôi đã nói trước đây chúng ta vay tiền không phải để mua những thứ chúng ta không cần, mà để gây ấn tượng với những kẻ mà chúng ta không ưa. Chúng ta không biết phải thoả lòng thế nào với những gì chúng ta đang có. Chúng ta luôn luôn muốn có thêm nhiều nữa. Chúng ta muốn tiền lương nhiều hơn, loại xe đời mới hơn, nhà cửa rộng lớn hơn, quần áo tốt đẹp hơn, v.v… Kết quả là, con cái được nuôi dạy bởi những trung tâm trông nom trẻ để bố và mẹ cả hai đều đi làm và gia đình có thể có hai phần thu nhập hầu cho họ có thể mượn thêm tiền để mua sắm những thứ mà họ không có thì giờ để thưởng thức vì họ cứ lo mãi miết làm việc! Quí vị có thể nhìn thấy sự tham lam vô độ ở trong đó không? Đúng là tệ hại khi có những tín đồ thường xu hướng vào vật chất giống như những người hàng xóm không tin Chúa kia đang có.
Những gì Phaolô dạy dỗ trong phân đoạn Kinh thánh nầy đều là phản văn hoá. Phân đoạn Kinh thánh nầy hoàn toàn chống lại xu hướng của xã hội. Một số người trong quí vị chưa hề nghe một sự dạy nào giống như vầy. Phần nhiều người trong số quí vị đều nhìn biết không làm theo sự dạy ấy có ý nghĩa như thế nào rồi.
Hãy chú ý câu 10 không nói rằng "tiền bạc" là "cội rễ mọi điều ác". Câu nấy chép rằng: "Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác". Tiền bạc tự bản thân nó không có gì là ác cả. Tiền bạc chỉ là một công cụ cần thiết cho cuộc sống. Cho nên không phải tự bản thân tiền bạc, mà là do nhận định của chúng ta mới khiến chúng ta hay làm cho chúng ta phải sai lầm. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 6.21: "Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó". Là tín đồ, chúng ta cần phải học biết phải nhận định như thế nào và sử dụng tiền bạc của chúng ta theo một phương thức sẽ đem lại lợi ích sau cùng lâu dài và quan trọng nhất.
Bằng cách đối chiếu, Phaolô tô vẽ hai bức tranh trong phân đoạn Kinh thánh của chúng ta. Bức tranh thứ nhứt là thái độ của một người tin kính đối với tiền bạc. Đây là thái độ mà chúng ta cần phải học đòi. Bức tranh thứ hai là thái độ của một người theo đời nầy đối với tiền bạc và thái độ ấy đầy dẫy với nguy hiểm.
I. Hạng người tin kính nhận định về tiền bạc như thế nào (các câu 6-8).
A. Hạng người tin kính nhận biết rằng sự thoả lòng là điều có giá trị (câu 6).
Như chúng ta đã học biết trong các câu 3-5, đã có những giáo sư giả dối đang hành hại Hội thánh Êphêsô. Họ không phải là chính thống trong sự dạy của họ. Họ rất kiêu căng và ưa thích tranh cãi và mở ra những cuộc khẩu chiến. Họ là những kẻ đâm sau lưng rất đồi bại, họ thực sự chẳng yêu mến Hội thánh đâu. Họ không phải là những người chăn bầy chơn thật. Họ không quan tâm đến bầy chiên; họ chỉ muốn có lông chiên mà thôi.
Một lần nữa, hãy chú ý câu 5 thuyết giáo của họ: "họ coi sự tin kính như là nguồn lợi của họ vậy". Nói cách khác, họ là những kẻ yêu mến tiền bạc, chớ không phải những người yêu mến Hội thánh hay kính sợ Đức Chúa Trời. Họ đã sử dụng Hội thánh và dân sự của Đức Chúa Trời làm "phương tiện để trục lợi". Họ sống giống như những kẻ đổi bạc trong đền thờ dẫn đến sự phẫn nộ công bình của Chúa Jêsus. Thuộc về họ là những gì được thấy có trong từng hiệu sách Cơ đốc trong thế gian. Những nhà in đều biết rõ có nguồn lợi lớn trong thị trường tin kính. Mọi sự từ bạc hà cho đến các thứ quan trọng hơn. Hãy đặt một cây thập tự hay một con chim bồ câu hoặc một con cá lên trên đó xem. Thêm một câu Kinh thánh và giá cả tăng lên gấp hai. Tại sao giá cả cao đối với những sách báo và băng ghi âm Cơ đốc chứ? Nếu sứ điệp là quan trọng như vậy, chúng ta hãy hạ thấp lợi nhuận rồi nhận lấy giá rẻ hơn nếu có thể được từ tay của những người đang có cần. Trong các giới hạn của thị trường và lợi nhuận, quí vị không thể nói nhạc Cơ đốc khác nhạc đời thường được. Thế hệ của chúng ta đã bị thương mại hoá và vì cớ đó đã cách ly ra khỏi sự phát triển của Cơ đốc giáo.
Quí vị thắc mắc: "Có gì sai trật với lợi nhuận sao?" Không có gì hết. Hãy chú ý câu 6. Trong câu 5, kẻ tham tiền bạc coi: "sự tin kính như là nguồn lợi vậy". Câu 6 khởi sự với từ "Vả". Từ ngữ Hy lạp là de thường được dịch là "nhưng" hay "và". Vì vậy chúng ta hãy đọc từ ấy theo cách nầy: "họ coi sự tin kính là một phương tiện trục lợi … nhưng sự tin kính với sự thoả lòng là một lợi LỚN". Có một cách trong đó sự tin kính là lợi ích, nhưng chỉ nếu chúng ta học biết sống trong "sự thoả lòng" và sự giản dị.
"Sự thoả lòng" ra từ chữ autarkeias về cơ bản có ý nói "đầy đủ" hay "thoả mãn". Từ ngữ nầy mang ý tưởng thưởng thức những gì quí vị đang có mà không luôn luôn muốn có thêm nữa. Phaolô nói với người thành Philíp: "Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy" (Philíp 4.11). Hãy chú ý, ông "đã tập" biết sống thoả lòng. Sự thoả lòng không đến theo cách tự nhiên đâu!
Thế thì chúng ta sẽ "tập" sống thoả lòng như thế nào? Chúng ta phải phát triển "sự tin kính". Khi quí vị bước đi trong "sự tin kính" tình trạng thuộc linh thực, khi quí vị bước đi trong Thánh Linh, khi quí vị sống bằng Đạo, khi quí vị sống trong sự cầu nguyện, khi quí vị đang phục vụ, quí vị tìm thấy "sự thoả lòng" trong những gì Đức Chúa Trời đã tiếp trợ cho. Hãy lắng nghe một lần nữa những điều Phaolô viết cho người thành Philíp: “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Philíp 4.11-13).
Phaolô biết rõ phải làm thế nào khi có và khi không có. Ông hiểu rõ một cái bao tử no đủ và một cái bụng đói meo. Ông biết rõ sống trong cảnh dư dật và nghèo khổ có ý nghĩa như thế nào rồi. Mục đích chính là, cách nào cũng vậy, hoàn cảnh không nhằm nhò gì đối với Phaolô. Bất luận Chúa muốn thế nào cho ông đều là tốt cả, vì Chúa Jêsus sẽ ban sức lực cho ông.
Tại sao chúng ta vất vả và tranh chiến để có nhiều thứ? Mọi sự đến với chúng ta không cứ cách nào đều theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. I Samuên 2.7 chép: "Đức Giê-hô-va làm cho nghèo nàn, và làm cho giàu có; Ngài hạ người xuống, lại nhắc người lên". II Côrinhtô 3.5 chép: "không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời". II Côrinhtô 9.8 chép: "Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành". Giacơ 1.17 chép: "mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào".
Mục tiêu của chúng ta phải là "sự tin kính" chớ không phải là tiền bạc. Khi chúng ta bước đi trong sự tin kính, chúng ta thấy sự thoả mãn của mình không nằm ở những thứ vật chất mà ở nơi Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời chúc phước chúng ta với sự giàu có, khi ấy chúng ta sẽ có nhiều thứ để ban phát. Hãy chú ý Phaolô nói gì về những kẻ "giàu ở thế gian nầy" ở câu 17 và 18. Trong câu 18 ông nói: "Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có". Đức Chúa Trời đã làm cho nhiều người cao trọng trong Kinh thánh rất giàu có. Hãy suy nghĩ về Ápraham, Gióp, David và Salômôn xem. Tôi thường cầu thay cho quí vị được thịnh vượng. Tôi cầu xin rằng Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho công ăn việc làm của quí vị và thu nhập của quí vị sẽ tăng thêm để quí vị sẽ trung tín với khoản thu nhập đó mà "kíp ban phát" cho công việc của Chúa và cho công cuộc truyền giáo trên thế giới.
Mặt khác, Đức Chúa Trời có thể quyết chúng ta có ít ỏi. Nếu đây là trường hợp, thế thì chúng ta hãy tìm kiếm "sự thoả lòng" trong cái ít ỏi mà chúng ta đang có. Chúng ta hãy tập thưởng thức sự giãn dị trong cuộc sống. Một câu chuyện xưa mô tả một vị vua, ông đã chịu khổ do mắc phải một căn bịnh hiểm nghèo. Những người khôn ngoan nói cho ông biết nếu ông chịu mặc áo sơ-mi của một người biết thoả lòng ông sẽ được chữa lành. Một cuộc tìm kiếm sâu rộng lan đi khắp cả xứ để tìm một người biết thoả lòng đó. Sau cùng, họ đã tìm được một người, anh ta chẳng có một chiếc áo sơ-mi!
Có người nói theo cách nầy: "Thoả lòng là một bữa tiệc không dứt, người giàu có nhất là người đòi hỏi ít nhất". Triết gia người Hy lạp là Epicurus đã đưa ra bí quyết cho sự thoả lòng: "Đừng thêm gì vào của cải của một người, mà hãy lấy đi hết những ước muốn của người". Câu cách ngôn nói: "Người giàu có nhất ước muốn ít nhất". Hãy lắng nghe sự khôn ngoan trong lời cầu nguyện nầy ở Châm ngôn 30.8-9: “Xin dan xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, e khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng”.
Mới đây, khi giảng dạy cho các Mục sư ở nước Nga, một trong các anh em người Mỹ của chúng ta đã yêu cầu một vị giáo sĩ người Mỹ về việc đưa một trong các nhà truyền đạo người Nga sang Hoa kỳ trong một chuyến tham quan. Vị giáo sĩ nói ông sẽ không bao giờ làm thế vì điều đó sẽ phá tán một vị Mục sư nhơn đức. Nếu nhà truyền đạo người Nga nghèo thiếu kia có thể nhìn thấy sự giàu có tương đối trong đó chúng ta đang sinh sống, ông ấy sẽ không hề muốn quay trở lại để hầu việc Chúa trong quê hương của ông ấy.
Tuần nầy tôi có xem một chương trình trên kênh PBS có tên là Frontier House. Chương trình nầy nói về ba gia đình qua mùa hè trong vùng sâu vùng xa Montana, họ đến sống trong một trang trại tưởng chừng như vào năm 1883. Khi trải qua thời gian nghỉ ở đây rồi, họ trở lại với thế kỷ 21, phần nhiều người trong số họ đã than thở cuộc sống giãn đơn của đời sống hoang mạc mà họ đã trải qua. Họ đã học tập đôi điều về "sự thoả lòng".
Khi quí vị theo đuổi "sự tin kính", quí vị tìm được "sự thoả lòng". Chúng cùng nhau không những là "lợi" mà còn là "lợi lớn" nữa. Tôi biết nhiều người giàu có, họ sống rất tội nghiệp, nhưng tôi chẳng biết có ai sống thoả lòng mà tội nghiệp cả.
B. Hạng người tin kính nhận biết rằng tiền bạc chỉ là tạm thời (câu 7).
Khi dịch câu nầy từ tiếng Hy lạp, quí vị thấy từ ngữ nói tới "chẳng có gì" ouden đến trước tiên. Lẽ ra nên đọc như thế nầy: "Chúng ta bước vào thế gian nầy chẳng có gì hết". Trong tiếng Hy lạp, chữ được nhấn mạnh được đặt ở trước hết. Trong trường hợp nầy, Phaolô đang nhấn mạnh từ ngữ "chẳng có gì".
Hãy suy nghĩ về lập luận trong câu nói ấy. Khi quí vị ra đời, quí vị có điều gì? Chẳng có gì hết! Thậm chí quí vị chẳng có khả năng để tự nuôi mình nữa là. Sự thực cho thấy rằng quí vị đã sống qua thời thơ ấu là một đặc ân không thể tin được của Đức Chúa Trời. Rõ ràng là thế, thực vậy, "chắc chắn" là "chúng ta chẳng đem gì theo được". Từ ngữ Hy lạp nói tới "đem đi" là exenegkein có ý nói "kéo đi". Điều nầy khiến tôi phải liên tưởng đến câu nói xưa: "Chẳng có toa nào ở đàng sau xe tang”. Quí vị không thể lấy gì theo với mình khi quí vị ra đi. Một câu châm ngôn Tây ban Nha nói như sau: "Không có một cái túi nào trong bộ đồ liệm".
Có người thắc mắc nhà triệu phú Howard Hughes đã để lại bao nhiêu tiền bạc khi ông qua đời. Câu đáp nổi tiếng là: "Toàn bộ số tiền đó". Gióp đã nói: "Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!" (Gióp 1.21). Truyền đạo 5.15 chép về con người: "Mình lọt ra khỏi lòng mẹ trần truồng thể nào, ắt sẽ trở về thể ấy, và về các huê lợi của sự lao khổ mình, chẳng có vật gì tay mình đem theo được".
Vì tiền bạc và của cải vật chất là tạm thời, chúng ta không nên đặt một giá trị cao như thế trên chúng. Chúa Jêsus nói rất rõ điều nầy trong sự dạy của Ngài. Hãy chú ý Mathiơ 6.19-20: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”.
Ở Mác 8.36, Ngài hỏi: "Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?" Ở Luca 12, Chúa Jêsus nói tới thí dụ về Kẻ giàu mà dại, về một người giàu ruộng lúa phì nhiêu, mùa màng thật trúng. Ông ta có một vụ mùa thật trúng đến nỗi không có chỗ chứa. Ông ta phá những kho vựa cũ ra rồi xây lên những kho vựa lớn hơn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán với ông ta: "Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?" (câu 20). Chúa Jêsus giới thiệu thí dụ bằng cách nói: "Hãy giữ cẩn thận chớ hà tiện gì hết; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu" (Luca 12.15).
John Piper minh hoạ sự dạy nầy bằng cách vẽ ra hai bàn tay trống không thò qua hai cánh cửa của một viện bảo tàng lớn kia. Ngay lập tức ông lấy hai bức hoạ vô giá xuống khỏi bức tường rồi cặp chúng dưới nách mình. Quí vị nói với ông ấy: "Ông làm gì vậy?" Ông ấy đáp: "Tôi là nhà sưu tầm tranh". Quí vị nói: "Nhưng các bức tranh kia không thực sự là của ông và họ sẽ không để cho ông đem chúng ra khỏi viện bảo tàng đâu". Nhưng ông ấy đáp: "Chắc thật chúng là của tôi đấy. Quí vị không thấy chúng sao? Tôi đã đưa chúng đến đây. Người ta biết rõ tôi là một nhân vật quan trọng vì tôi có hai bức tranh nầy". Chúng ta biết rõ sự thực rồi đó. Chúng ta biết người nầy sẽ rời viện bảo tàng y như lúc ông ta đến đấy – tay không. Ông ta chỉ đang tự làm cho mình ra dại dột đấy thôi.
C. Hạng người tin kính nhận biết tính cách giãn dị đem lại sự vui mừng (câu 8).
Câu 8 chép: "Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng". Có bao giờ quí vị nghĩ đến sự thực, càng có thêm của cải thì đời sống quí vị càng thêm rắc rối không? Càng thêm tiền bạc và của cải càng thêm sự đầu tư của quí vị về thì giờ và năng lực.
Hãy suy nghĩ về các gia đình đi nghĩ ở nơi xa xôi kia một lần nữa xem. Nếu quí vị có thể, quí vị có chịu bỏ đi một số tiện nghi trong đời hiện đại nầy để sống một đời sống giãn dị với gia đình của quí vị không? Cuộc sống ấy sẽ đòi hỏi lao động khó nhọc và nhiều sự khó khăn, sẽ có nhiều phần thưởng phong phú lắm đấy.
Giờ đây Phaolô không nói rằng được giàu có là sai lầm đâu. Cơ đốc giáo theo Kinh thánh không buộc một lời thề về sự nghèo khó. Phaolô không nói rằng ao ước có thêm nhiều của cải giống như người kia uống nước biển mà không dập tắt cơn khát của mình là sai đâu. Đây là ba lý do Cơ đốc nhân sẽ thấy thoả lòng với tính cần thiết cơ bản của cuộc sống.
 Thứ nhứt, khi quí vị bước đi với Đức Chúa Trời, quí vị không cần nhiều của cải đâu. Nhà cửa, xe cộ, và tiền bạc rất hữu ích nhưng là phụ thuộc. Hêbơrơ 13.5-6 chép: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu. Như vậy, chúng ta được lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa giúp đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?”
 Thứ hai, chúng ta có thể thấy thoả lòng với sự giãn dị vì những thứ tốt đẹp nhất trong cuộc sống là miễn phí. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nhiều ân tứ để hết thảy chúng ta đều vui hưởng, vẽ đẹp của bình minh, trò chuyện lâu dài với người bạn già hay niềm vui thích nơi nụ cười tinh nghịch của một đứa con. Còn lo chất đống của cải chỉ làm giảm đi tiên vị của những niềm vui giãn dị trong cuộc sống mà thôi.
 Thứ ba, sống thoả lòng với những điều cơ bản sẽ khiến cho chúng ta được tự do để lo thực hiện một cuộc đầu tư đời đời với phần còn lại của tiền bạc. Hãy suy nghĩ tới hàng triệu triệu người chưa bao giờ nghe Tin lành hay đọc Kinh thánh xem. Hai phần ba dân cư trên thế giới chưa bao giờ nghe một sự giới thiệu nào về Tin lành cả. Quí vị có biết lý do tại sao có nhiều người chưa nghe như thế không? Vì Cơ đốc nhân ở nước Mỹ quan tâm nhiều đến DVD mới nhất hơn việc chia sẻ đức tin cho thế gian. Chúng ta cũng lo tiêu thụ bởi những ham muốn của mình là khách hàng chuyên tiêu thụ đến nỗi chúng ta dâng hiến cho lý tưởng truyền giáo chẳng nhiều hơn của dâng vì tội lỗi bao nhiêu. John MacArthur đưa ra 5 nguyên tắc thực tế giữ chúng ta được tự do đối với của cải vật chất.
 Thứ nhứt, chúng ta phải nhìn biết rằng Đức Chúa Trời sở hữu mọi sự. Chúng ta chỉ là những quản gia về sự giàu có của Ngài.
 Thứ hai, chúng ta phải học biết dâng lời cảm tạ vì những gì đang có thay vì cứ tham muốn càng thêm.
 Thứ ba, chúng ta phải tập phân biệt thứ nào cần thứ nào không.
 Thứ tư, chúng ta phải tập chi tiêu ít hơn chúng ta làm ra.
 Thứ năm, chúng ta phải tập dâng hiến một cách hy sinh cho công việc của Chúa.
Một vị Mục sư tuyên bố rằng ông đã tìm được câu trả lời cho các nan đề về tài chính của Hội thánh mình. Ông tìm được đủ số tiền cần thiết làm thoả mãn nhu cần. Ông nói số tiền đang nằm trong túi của dân sự. Nan đề duy nhứt, ấy là họ có chịu dâng số tiền ấy hay không mà thôi!
II. Hạng người thế gian nhận định về tiền bạc (các câu 9-10).
A. Hạng người thế gian yêu mến tiền bạc (các câu 9a,10a).
Bây giờ, hãy chú ý hai mệnh đề trong những câu kế tiếp nầy. Thứ nhứt, câu 9 đề cập tới: "kẻ muốn nên giàu có". Câu 10 mô tả ước muốn nầy đầy đủ hơn khi câu ấy chép: "Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác". Ham muốn giàu có không phải là công việc của Đức Thánh Linh. Yêu mến tiền bạc là sự hấp dẫn tự nhiên của xác thịt được nuôi dưỡng bởi lòng ham mến thế gian. I Giăng 2.16 chép: "Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra".
Có phải chúng ta đang tách tâm trạng của chúng ta ra khỏi Chúa hay ra khỏi thế gian? Khi nhắm vào tiền bạc, chúng ta đang bước đi trong Thánh Linh hay theo xác thịt? Có phải chúng ta ham muốn giàu có không? Có phải chúng ta yêu mến tiền bạc? Chúng ta hãy làm một thử nghiệm nho nhỏ xem! Hãy thành thật trả lời các câu hỏi nầy trong lòng quí vị:
 Có phải tôi bằng lòng sống thành thực khi kiếm tiền không? Tôi sẽ đầu cơ chăng? Tôi sẽ gian lận một chút để kiếm một ít chăng?
 Tôi có thấy thoả lòng với những gì tôi đang có chưa? Có phải tôi luôn luôn muốn có thêm, thêm, thêm nữa không?
 Có phải tôi ưa phô trương những gì tôi có không? Có phải tôi thấy khoái lạc khi khoe của cải hay tiền bạc của tôi trước mặt người khác không? Có phải tôi hay khoe về những thứ tôi mua sắm không?
 Tôi có vật vã khi dâng hiến không? Có phải tôi cảm thấy không vui khi dâng hiến cho Chúa không? Có phải tôi vật vã với lòng mình khi bố thí cho ai đó đang có cần không? Có phải tôi hợp lý hoá việc dâng hiến của tôi không? Có phải tôi cảm thấy mình dâng chưa đủ không? Nếu quí vị vật vã với những thắc mắc nầy, quí vị đang vật vã với lòng ham muốn giàu có và lòng yêu mến tiền bạc. Có lẽ hết thảy chúng ta đều vật vã với chúng ở một cấp độ nào đó. Cho phép tôi chỉ cho quí vị thấy lý do tại sao chúng ta phải tranh đấu chống lại những ham muốn đó. Đây là 5 nguy hiểm dành cho hạng người thế gian, là những kẻ ham mến tiền bạc.
B. Hạng người thế gian đang sa vào bẫy (câu 9b).
Phaolô nói trong câu 9: "Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò". Thì động từ cho thấy họ đang "sa vào" trong sự cám dỗ và bẫy dò. Họ lặp lại chính những lầm lỗi ấy nhiều lần. Họ bị bẫy bởi tánh tham lam của chính họ.
C. Hạng người thế gian chìu theo tư dục của họ (câu 9c).
Câu 9 cũng nói họ "ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia". Bức tranh ở đây nói về một con thú đang lọt vào một cái bẫy. Những "tham muốn" của họ là "vô lý" vì chúng không đem lại sự thoả lòng. Chúng là "thiệt hại" vì trong việc kiếm tiền họ tin cậy vào chính mình mà không tin theo Đức Chúa Trời.
D. Hạng người thế gian khăng khăng trong sự hủy diệt của chính họ (câu 9d). Đúng là lòng ham muốn tiền bạc có nhiều như thế nầy sẽ "là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất". Hãy hình dung một người đang ở trên một con tàu đang chìm dần xuống nước. Ông ta hy vọng được cứu, nhưng ông ta muốn bám lấy sự giàu có của mình. Ông ta chất đầy vàng vào những túi áo của mình khi con tàu chìm xuống. Sau cùng, khi ông ta bị lôi xuống nước, ông ta cũng bắt đầu chìm xuống vì sức nặng của vàng. Lòng ham muốn tiền bạc của ông ta mạnh đến nỗi ông ta không thể rời khỏi số vàng ấy, vì vậy ông ta chìm xuống khi sự cứu rỗi sẽ thuộc về ông ta nếu ông ta chịu bỏ số vàng ấy đi. Người ta đang chìm xuống và chết đuối trong những sự giàu có của họ ở chung quanh chúng ta.
"Hủy diệt" đề cập tới những gì tham lam thực hiện cho họ trong đời nầy. Ly dị, gia đình phân tán, nợ nần, xấu hổ, tội ác hết thảy đang hành hại kẻ yêu mến tiền bạc. "Hư mất" thường đề cập tới sự hủy diệt đời đời. Con người yêu mến tiền bạc vì họ nghĩ tiền bạc cung ứng sự an ninh cho họ. Thay vì thế, lẽ ra phải tin cậy Đức Chúa Trời, họ đem lòng tin cậy nơi tiền bạc. Họ không hề hướng sang Đức Chúa Trời. Họ từ chối Ngài và sau cùng họ thấy mình đang ở trong địa ngục.
E. Hạng người thế gian sai lạc đối với đức tin (câu 10b).
Phaolô nói trong câu 10 rằng vì cớ lòng ham muốn tiền bạc "có người vì đeo đuổi nó mà bội đạo". "Đạo" đề cập tới toàn bộ tín điều Cơ đốc như trong Giuđe 3. Có bao giờ quí vị nhìn thấy có người xây lưng họ lại với Đấng Christ, Cơ đốc giáo và Hội thánh vì cớ lòng ham muốn tiền bạc chưa? Còn về những kẻ làm việc trọn thời gian. Họ ra sức tìm kiếm nhiều, nhiều, nhiều nữa nhưng bất chấp điều chi là quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Họ sẽ nói rằng họ phải làm việc. Có thể lắm, nhưng họ không nên có công việc ấy. Làm việc không nên trở thành thần của họ. Họ sống giống như Giu-đa và đã bán Đấng Christ chỉ vì mấy miếng bạc.
F. Hạng người thế gian chuốc lấy nhiều điều đau đớn (câu 10c).
"Trong nhiều sự tham muốn của họ", hạng người thế gian sẽ "chuốc lấy nhiều điều đau đớn". Khi họ với tới đoá hoa hồng của sự giàu có, họ bị "đâm" với nhiều mũi gai của chính tội lỗi họ. Điều nầy phác hoạ ra một con thú bị cọc đâm xuyên qua cơ thể của nó trong một cái hố. Hỡi Hội thánh, nhiều Cơ đốc nhân trong xứ sở của chúng ta đang chạy dọc theo lòng ham mến tiền bạc và ham muốn sự giàu có. Chúng ta phải nhớ rằng "sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn".
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét