Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 4.1-5: "Bội đạo – Lìa khỏi đức tin"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Bội đạo – Lìa khỏi đức tin
I Timôthê 4.1-5
Có phải quí vị rất quen thuộc với cụm từ "bội đạo" không? Quyển tự điển Webster định nghĩa cụm từ nầy là "từ bỏ một niềm tin tôn giáo, bỏ đi lòng trung thành trước đây, bỏ đạo". Sát nghĩa thì cụm từ nầy có ý nói: "một sự ly khai". Theo Kinh thánh, "bội đạo" là nhìn biết lẽ thật về Đức Chúa Jêsus Christ và sứ điệp Tin lành, thế rồi bằng lòng xây khỏi lẽ thật ấy để tin theo một lời nói dối.
Kinh thánh nói rất chi tiết về sự bỏ đạo của nhiều kẻ bội giáo. Thí dụ, trong Cựu Ước, có Vua Amaxia, ông đã cai trị trên xứ Giu-đa. II Sử ký 25.2 chép về ông: "Người làm điều thiện tại trước mặt Đức Giê-hô-va, song lòng không được trọn lành". Lúc đầu ông tỏ ra mình là một vị vua biết dâng mình cho Đức Giêhôva, song đấy chỉ là bề ngoài mà thôi. Không lâu sau đó, ông dính díu vào sự thờ lạy hình tượng. Lời cáo phó nói về ông rất buồn bã: "Vả từ khi A-ma-xia xây bỏ Đức Giê-hô-va …" (câu 27).
Tân ước cho chúng ta biết về Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ đã bán Chúa để lấy 30 miếng bạc. Phaolô nói về Đê-ma là kẻ đã được nhắc tới hai lần như một nhân sự Cơ đốc biết dâng mình (Côlôse 4.4; Philêmôn 24). Trong II Timôthê 4.10, vị sứ đồ viết rất buồn như sau: "vì Đê-ma đã lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời nầy". Không những ông đã quên Phaolô, mà còn quên cả Chúa nữa. Ở đây trong I Timôthê 1.18-20, chúng ta học biết về "Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ", đức tin của họ "bị chìm đắm" và bị Phaolô "phó cho quỉ Satan rồi, hầu cho họ học biết đừng phạm thượng nữa".
Quí vị có biết điều chi đã làm cho Hội thánh của chúng ta ra khác biệt với nhiều Hội thánh khác trong cộng đồng của chúng ta không? Chính là lập trường theo Kinh thánh của chúng ta. Chúng ta đặt Kinh thánh lên trên truyền khẩu, hệ phái và sự đúng đắn về mặt chính trị. Tôi là chi thể của Hội thánh nầy và tôi hy vọng rằng quí vị là chi thể của Hội thánh đặc biệt nầy vì lý do nền tảng ấy. Chúng ta tìm cách dạy dỗ thật chính xác và vâng theo dứt khoát Lời không sai trật của Đức Chúa Trời. Quí vị không thể nói như thế về tất cả các nhà thờ trong cộng đồng nầy.
Phân đoạn Kinh thánh nầy gọi chúng ta là Hội thánh, là những cá nhân tín đồ đang tỉnh thức và sẵn sàng chống chọi lại sự bội đạo. Phaolô kết thúc chương 3 với bài thánh ca đượm đầy đức tin tin kính, cốt lõi những điều Hội thánh được dạy dỗ từ khi còn thơ ấu: "sự mầu nhiệm của sự tin kính", là thân vị và công tác của Đức Chúa Jêsus Christ. Ông bắt đầu chương 4 bằng cách nhắc cho chúng ta nhớ rằng "có mấy kẻ sẽ bội đạo". Sẽ có một số người, họ sẽ bằng lòng xây khỏi lẽ thật nói tới thiên đàng và tin theo những lời dối trá của địa ngục. Chúng ta hãy xét qua TÌNH TRẠNG CHẮC CHẮN, NGUYÊN NHÂN, PHẠM VI và CHỈNH ĐỐN sự bội đạo.
I. Tình trạng chắc chắn của sự bội đạo (câu 1a).
Phaolô nói: "Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo". Đây không phải là lời ra từ Phaolô dựa theo suy đoán của trí khôn đâu. Nguồn của thông tin nầy là "Đức Thánh Linh". Và Đức Thánh Linh đã phán "tỏ tường", dứt khoát, rõ ràng hay trong sáng rằng "có mấy kẻ sẽ bội đạo".
Kinh thánh không nói cho chúng ta biết Đức Thánh Linh, Thánh Linh của lời tiên tri đã phán như thế nào về điều nầy. Có thể điều nầy có liên quan tới lời dạy của Chúa Jêsus. Có thể nó đề cập tới đôi điều mà Đức Thánh Linh đã phán dạy qua Phaolô hoặc qua một trong các tiên tri khác trong Hội thánh đầu tiên. Lời nầy đến như thế nào hay đến từ ai thì không quan trọng lắm đâu! Đức Chúa Trời đã tỏ ra sự chắc chắn về tình trạng bội đạo qua sự khải thị rõ ràng, dứt khoát của Đức Thánh Linh.
Khi Đức Chúa Trời tỏ ra sự thực không thể tránh được nầy, Ngài đã phán điều nầy sẽ diễn ra "trong đời sau rốt". Kinh thánh sử dụng cụm từ ấy để mô tả toàn bộ kỷ nguyên giữa Sự Đến Lần Thứ Nhứt và Sự Đến Lần Thứ Hai, cao điểm của mọi sự trong tương lai mạt thế. Thí dụ, Phierơ nói: "đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em" (I Phierơ 1.20). Hêbơrơ 1.2 chép Đức Chúa Trời: "rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài". Trong I Giăng 2.18, vị sứ đồ cao tuổi đã nói: "Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi…".
Kinh thánh dường như muốn ám chỉ rằng mặc dù sẽ luôn luôn có sự bội đạo, nó sẽ ngày càng tệ hơn khi chúng ta đến gần với sự cuối cùng. Trong thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, Phaolô cảnh cáo: "Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn" và "Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn" (II Timôthê 3.1; 4.3-4).
Từ ngữ "bội" mang ý tưởng "dời một người ra khỏi địa vị nầy và chiếm lấy một địa vị khác". Tôi sử dụng quan điểm ấy trong một câu đại loại như sau: "Tôi sẽ rời khỏi Amarillo mà đi đến Albuquerque". Tôi bỏ chỗ nầy mà đến với chỗ kia. Chữ ấy nói tới một sự ra đi cố ý, có mục đích, dứt khoát.
Trong văn mạch ở đây, chữ nầy ám chỉ đến kẻ nào đã tin theo Chúa Jêsus, hiểu rõ Tin lành, là chi thể trong mối tương giao của Hội thánh nhưng lại là kẻ không "bội", chuyển từ điểm tin đến điểm không tin theo trí khôn. Hãy hiểu rõ rằng người nào đang phấn đấu với "đạo" và đang vật vã với những thắc mắc thì không phải là một người bội đạo. Một kẻ bội đạo là kẻ từng tuyên xưng Đấng Christ giờ đây đã lìa bỏ đức tin, Kinh thánh và Hội thánh.
Cách đây không lâu lắm, nhân vật có thế lực trong lãnh vực truyền thông Ted Turner đã phát biểu với Hội Nghiên Cứu Nhân Văn Mỹ (The American Humanist Association) rằng ông đã nhận một lề lối giáo dục Cơ đốc nghiêm ngặt và từng được xem là sẽ trở thành giáo sĩ. Ông nói: "Tôi đã được cứu bảy hay tám lần". Nhưng ông đã xa lánh với Cơ đốc giáo sau khi chị ông mất, bất chấp những lời cầu nguyện của ông. Turner nói ông càng xa lánh đức tin, "tôi cảm thấy khá hơn". Đấy là một bức tranh trọn vẹn về sự bội đạo.
II. Nguyên nhân của sự bội đạo (câu 1b-2).
Phân đoạn Kinh thánh gốc cho chúng ta biết rằng thực sự có hai nguyên nhân hay nguồn gốc của sự bội đạo nầy. Thứ nhứt là sự dối gạt của ma quỉ và thứ hai là sự giả hình của xác thịt.
A. Sự dối gạt của ma quỉ (câu 1b).
Phaolô nói rằng người nào lìa khỏi đức tin được đánh dấu bằng cách "theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ". "Theo" ra từ một chữ có ý nghĩa rất mạnh. Chữ nầy có ý nói: "thuộc quyền sở hữu" hay "dính sát vào". Họ vốn hiểu rõ sự dạy Cơ đốc. Bề ngoài họ khẳng định Đấng Christ. Họ sinh hoạt với Hội thánh. Tuy nhiên, ở bên trong, họ vẫn sống theo xác thịt. Họ chưa hề thực sự được cứu và Đức Thánh Linh không ngự vào lòng họ. Vì thế, họ bị quyến dụ bởi việc "theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ". Giu-đe 19 gọi họ là "kẻ gây nên phe đảng, thuộc về tánh xác thịt, không có Đức Thánh Linh".
"Đạo lý của quỉ dữ" không ám chỉ đến sự dạy về ma quỉ mà ám chỉ đến những gì chính ma quỉ truyền dạy. Mọi sai trái, mọi sự đứng ngược lại với lẽ thật của Đức Chúa Trời là công việc của thế lực ma quỉ địa ngục. Ma quỉ là những thiên sứ sa ngã liên kết với Satan. Tất cả sự dạy giả dối toàn bộ đều có thể quy hết cho chúng. John MacArthur viết: “Những kẻ bội đạo không hẳn là nạn nhân của các giáo sư ngụy biện cấp đại học, những nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình, hay các nhà văn hoặc diễn giả xấu rất có tài. Họ là nạn nhân của các tà linh, những lời dối trá phát ra từ sâu thẳm địa ngục qua những con người như thế. Sự dạy giả dối còn sâu xa hơn một sự lầm lạc của con người, đúng đấy là đạo lý của quỉ dữ… Satan cùng các sứ giả nó đã bịa đặt tất cả những học thuyết giả trá để làm cho nhầm lẫn và lừa gạt”.
Hãy tưởng tượng một thanh niên kia lớn lên trong và quanh nhà thờ xem. Anh ta nghe Tin lành vô số lần. Anh ta biết lẽ thật nói về thần tính của Đấng Christ và trong lý trí khẳng định sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ. Thậm chí anh ta còn đưa ra lời tuyên xưng công khai và đã chịu phép báp-têm nữa. Tuy nhiên, mọi sự nầy là thứ tôn giáo bề ngoài mà chẳng có một sự thay đổi thực nào ở bên trong cả. Đức Thánh Linh không ngự vào lòng anh ta. Anh ta từng tham dự một lớp nào đó hoặc bắt đầu đọc loại sách báo khiến cho anh ta dễ lạc sai đối với lẽ thật bởi sự dụ dỗ của việc chạy "theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ".
Đấy là lý do tại sao II Côrinhtô 13.5 chép: "Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng. Hãy tự thử mình: anh em há không nhận biết rằng có Đức Chúa Jêsus Christ ở trong anh em sao? miễn là anh em không đáng bị bỏ".
Phải biết chắc quí vị đang "có đức tin" và từ chối sự dạy của ma quỉ. Chẳng có việc gì phải làm với các giáo sư giả. Kinh thánh chép trong II Giăng 1.7-11: "Trong thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà đến: ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ. Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ. Hễ ai đi dông dài, chẳng bền lòng theo đạo Đấng Christ, thì người ấy không có Đức Chúa Trời. Còn ai bền lòng trong đạo ấy, thì người đó có Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ. Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ”.
Đức Chúa Trời không xem thường việc bội đạo đến nỗi trong Cựu Ước, bất cứ đâu người trong bất kỳ thành thị Do thái nào dẫn người khác vào sự thờ lạy hình tượng hay tà giáo, họ phải "giết dân sự thành ấy bằng lưỡi gươm". Tất cả mọi vật lấy được, những giá trị của thành ấy phải bị thiêu trong lửa để cho mọi người và mọi vật đều bị tiêu hủy. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy sự dạy giả dối và sự bội đạo là một chứng ung thư cần phải bị cắt bỏ bởi phẩu thuật khẫn cấp.
B. Sự giả hình của xác thịt (câu 2).
Sự dụ dỗ của "các thần lừa dối và đạo lý của quỉ dữ" tìm được đất tốt trong tấm lòng của những ai đã được đánh dấu "bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì". Hãy nhớ, những kẻ bội đạo là những người, giống như Ted Turner từng giả vờ là hạng tín đồ chân chính. Họ hoạt động với "sự giả hình" giống như nghệ sĩ đang hoá trang vậy. Họ là những kẻ giả dạng chuyên nghiệp khi đến với đạo. Họ có thể liên tục "nói dối" mà không có một sự hối tiếc nào vì họ có "lương tâm đã lì".
"Lì" dịch từ kauteraizo và ám chỉ đến "chai cứng". Hết thảy chúng ta đều đã xem các cuộn phim xưa về miền Viễn Tây, trong đó gã cao bồi nung nóng thanh sắt đốt vết thương bị đạn để làm cho ngưng chảy máu. Về mặt lịch sử, đây là một việc làm thông thường bởi các nhà giải phẩu trong thời buổi trước khi có y khoa hiện đại. Tuy nhiên, ý tưởng ở đây có ý nói tới một sự tê liệt, chai cứng của "lương tâm" đến nỗi nó không còn biết điều chi là đúng hay sai. Có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo, nhiều giáo sư đại học (thậm chí giáo sư trường Cơ đốc), nhiều nhà văn, nhiều Mục sư ở nhiều toà giảng trong thời buổi của chúng ta rất xứng hiệp với phần mô tả nầy. Dường như họ sống rất thuộc linh, nhưng họ đã xem thường lý tưởng của Đấng Christ bằng những lời dối trá của họ. Với thế lực của ma quỉ, họ xâm nhập vào Hội thánh và tìm cách làm cho những Cơ đốc nhân chân chính bị sai lạc.
Thực sự thì họ không tin và họ cũng không muốn nhiều người khác tin. Trong Philíp 3.18 Phaolô nói tới họ khi ông phát biểu như sau: "Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ". Quí vị sẽ nói: "Thưa Mục sư, làm sao chúng tôi nhận biết họ?" Chúa Jêsus phán: "Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được" (Mathiơ 7.20). Trái số một tôi nhìn thấy là những gì họ tin về Kinh thánh? Có phải Kinh thánh cảm thúc, không sai trật theo quan điểm của họ? Hãy suy nghĩ xem.
III. Phạm vi của sự bội đạo (câu 3a).
Quí vị mong thấy "đạo lý của quỉ dữ" sẽ thể hiện ra rõ nét. Quí vị sẽ mong "thần nói dối" lãnh đạo những kẻ giả hình dối trá tấn công thần tính của Đấng Christ, sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh, Ba Ngôi Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi bởi ân điển nhờ đức tin hay một vài lẽ đạo chính khác nữa. Tuy nhiên, Satan vốn rất xảo quyệt không mở ra một cuộc tấn công trực diện đâu. Hắn thích lén lút ở sau cánh cửa và làm suy yếu đức tin từ bên trong hơn.
Trong thời của chúng ta, chiến trận được dành cho Kinh thánh, uy quyền của Kinh thánh. Hắn thích đưa người của hắn, những kẻ không ủng hộ Kinh thánh, vào trong những vị thế có ảnh hưởng lớn trong các hệ phái và các thần học viện. Họ không tấn công trực diện đạo đức tin thật. Họ chỉ tấn công nền tảng trên đó họ đã được dựng lên, là chính Kinh thánh. Nếu họ có thể thuyết phục sinh viên của họ đem lòng hồ nghi tính đáng tin của cả Kinh thánh, khi ấy họ sẽ nghi ngờ tính đáng tin nơi bất kỳ phần nào của Kinh thánh. Rồi làm sao họ tin được thần tính của Đấng Christ, sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh, Ba Ngôi Đức Chúa Trời, quyền tể trị của Đức Chúa Trời hoặc bất cứ lẽ đạo cải chánh nào trong lịch sử vì tất cả những lẽ đạo nầy đã được thấy có trong cốt lõi của Kinh thánh.
Trong thời của chúng ta, còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa về Kinh thánh. Trong thời của Phaolô, sự phấn đấu nhắm vào cưới gả, và kiêng cử các thức ăn. Phaolô nói rằng những giáo sư bội đạo nầy đang "cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn". Sự dạy nầy ai nấy đều biết là chủ nghĩa khổ hạnh. Những nhà tu khổ hạnh dạy rằng con đường dẫn đến chỗ thuộc linh là tự chối bỏ mình. Họ tin rằng sự được ơn Đức Chúa Trời có thể kiếm được bằng cách từ chối không cưới gả và không quan hệ tình dục bởi nhiều luật lệ nghiêm ngặt. Đây là sự dạy của chủng viện Qumran ở gần Biển Chết, là nơi người ta tìm được Cuộn Giấy Kinh Thánh. Sự dạy của họ tương tự với thuyết nhị nguyên (dualism), thuyết nầy dạy rằng mọi sự thuộc linh là tốt và mọi sự thuộc thể đều là xấu. Từ thuyết nầy mà ra thuyết ngộ đạo (Gnosticism) trong thế kỷ thứ hai, thuyết nầy dạy những lẽ mầu nhiệm kín giấu chỉ có những kẻ thụ giáo mới biết rõ mà thôi. Họ từ chối bất cứ thứ chi thuộc về phần xác và thế giới vật chất là độc dữ.
Để chỉ cho quí vị thấy thể nào các ý tưởng nầy đã bao vây Hội thánh, hãy nhìn vào II Timôthê 2.15-18: "Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật. Nhưng phải bỏ những lời hư không phàm tục; vì những kẻ giữ điều đó càng sai lạc luôn trong đường không tin kính, và lời nói của họ như chùm bao ăn lan. Hy-mê-nê và Phi-lết thật như thế, họ xây bỏ lẽ thật; nói rằng sự sống lại đã đến rồi, mà phá đổ đức tin của một vài người cách như vậy”.
Dường như là trong Hội thánh Êphêsô, Hy-mê-nê (là kẻ mà Phaolô đã kỷ luật trong 1.20) và Philết đã tin và đang dạy một giáo lý lạ lùng nào đó cho rằng sự sống lại đã diễn ra rồi. Vì họ hiểu rằng sẽ chẳng có cưới gả trong sự sống lại (Mathiơ 22.30) và vì họ không ăn thịt trong Vườn Ê-đen, họ đang "cấm cưới gả và kiêng cử các thức ăn" trong Hội thánh. Nào, trong thời buổi của chúng ta thì sao cũng được và chẳng chối bỏ mình, một ít chối bỏ mình dường như chẳng sao. Tại sao không? Có chi sai với việc không cưới gả và cứ giữ lấy sự đồng trinh trọn đời? Điều chi sai trái với ăn chay (vegetarianism)? Trong bản thân chúng, chẳng có gì sai cả. Mặc dù hôn nhân là thánh khiết, Đức Chúa Trời ấn định cho ai đó được sống độc thân (I Côrinhtô 7.25-35). Về Kinh thánh, chẳng có gì sai trái với việc chỉ ăn trái cây và rau cải. Tuy nhiên, khi xem cách thực hành nầy là một phương tiện đạt tới sự tin kính thì đấy là tà giáo! Chúng ta không thể kiếm được sự công bình riêng bằng cách chối bỏ mình.
Chúng ta chỉ trở nên công bình là nhờ Đấng Christ mà thôi! Hãy lắng nghe Côlôse 2.16-23: “Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ. Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy thi, là kẻ giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ. Họ theo những sự mình xem thấy, và bởi tình xác thịt nổi lòng kiêu ngạo vô ích, không liên lạc với đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo, và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến. Ví bằng anh em chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian: Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ? Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt”.
Nói cách khác, bất luận chúng ta chối bỏ thân thể mình như thế nào đi nữa, chúng ta không thể giải phóng mình ra khỏi tội lỗi của xác thịt và của lý trí. Hughes nhắc cho chúng ta nhớ rằng những sự dạy theo kiểu tu khổ hạnh nầy đã hành hại nhiều Cơ đốc nhân trong nhiều thế kỷ. Ông viết: “Các giáo phụ của Hội thánh đều đồng lòng ngợi khen sự trong trắng là điều rất tốt trong hôn nhân. Việc nầy là cực điểm trong Giáo Hội Nghị Trent vào thế kỷ thứ 16, điểm nầy tố cáo những kẻ nào chối không nhận sự trong trắng là điều rất tốt cho cưới gả. Hội thánh Rôma đã giữ thêm nhiều ngày trong đó cử chỉ mật thiết [hôn] đã bị cấm đoán cho tới hơn phân nửa số ngày bắt buộc trong năm. Không có gì phải ngạc nhiên khi có một cuộc Cải Chánh!”
IV. Chỉnh đốn việc bội đạo (các câu 3b-5).
Trong câu 3, Phaolô nói tới cử chỉ mật thiết và các thức ăn mà "Đức Chúa Trời đã dựng nên" chúng và chúng cần phải "tạ ơn mà dùng lấy bởi kẻ có lòng tin và biết lẽ thật".
Trong câu 4, vị sứ đồ nói rằng "mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được". Trở lại Sáng thế ký 1.31, Kinh thánh công bố: "Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành". Chúa Jêsus phán trong Mác 7.18-20: "Vậy chớ các ngươi cũng không có trí khôn sao? Chưa hiểu chẳng có sự gì ở ngoài vào trong người mà làm dơ dáy người được sao? Vả, sự đó không vào lòng người, nhưng vào bụng, rồi bị bỏ ra nơi kín đáo, như vậy làm cho mọi đồ ăn được sạch. Vậy, Ngài phán: Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người!” Chúa nhấn mạnh điều nầy với Phierơ trong sự hiện thấy của ông ở Công vụ Các Sứ đồ 9.15, ở đây Ngài phán: "Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch [sát nghĩa, tuyên bố là sạch], thì chớ cầm bằng dơ dáy [ô uế]".
Chẳng có một thứ gì ở trên đất mà chúng ta nhận lãnh với sự tạ ơn sẽ phân rẽ chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời. Với thái độ biết ơn chúng ta cần phải tán tụng điều tốt lành của sự sáng tạo. Chúng ta cần phải tận hưởng các thứ rau cỏ và ngửi mùi hương của các loài hoa. Chúng ta cần phải ăn thịt nướng, cá chiên và gà quay trong khi khen ngợi Chúa. Chúng ta cần phải tận hưởng mùi vị của cơn mưa, nấn ná bên cảnh mặt trời mọc hay xem đàn ngỗng trời bay qua trong khoảng không.
Chúng ta cần phải tận hưởng mọi thứ sáng tạo của Đức Chúa Trời, kể cả cử chỉ yêu thương trong hôn nhân. Hêbơrơ 13.4 chép: "Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế". Câu 5 nói, không những chúng ta cần phải nhận lãnh tất cả những món quà của công cuộc sáng tạo "với sự tạ ơn" mà còn phải hiểu rằng mọi sự đã "được nên thánh [thánh hoá, làm nên thánh] nhờ Lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện".
Tôi có nghe nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của câu nầy. Tôi có nghe nhiều vị giáo sĩ nói tới sự cầu nguyện về thức ăn đã làm cho người ta phải nôn mửa và không làm cho họ phải bịnh tật. Có thể như thế lắm. Tôi biết rõ Kinh thánh dạy rằng chúng ta nên tạ ơn Đức Chúa Trời khi chúng ta ăn. Chúng ta không "xin một ơn phước" vì Đức Chúa Trời đã chúc phước rồi. Chúng ta cảm tạ Ngài vì những gì Ngài đã chúc phước rồi cho chúng ta. Chúa Jêsus đã cảm tạ Đức Chúa Trời trước khi dùng bữa. Ngay cả Phaolô đã dâng lời cảm tạ vì một bữa ăn trên tàu ngay giữa trận bão (Công vụ Các Sứ đồ 27.35).
Chúng ta được nên thánh nhờ vào "Lời của Đức Chúa Trời" qua sự cứu rỗi. Khi chúng ta nhận lãnh thức ăn với những lời cầu nguyện tạ ơn đối với Đức Chúa Trời và tận hưởng thức ăn đó, sử dụng nó để kiếm sức lực hầu phục vụ Đức Chúa Trời, khi ấy thức ăn đó sẽ được "nên thánh" vì Đức Chúa Trời ban cho. Khi chúng ta kết thúc, chúng ta hãy chuyển từ những lời cầu nguyện và thức ăn mà trở lại với đề tài chính về sự bội đạo. Chuyện kể rằng nhà văn nổi tiếng Mark Twain đã cưới một người nữ Cơ đốc. Lúc đầu bà không muốn thành hôn, song về sau lại muốn. Lúc đầu ông vận dụng những động lực tôn giáo với bà, nhưng về sau ông nói ông không thể cứ giữ sự giả hình mãi được. Đúng lúc, bà đạt tới chỗ bà không còn tin nơi Đức Chúa Trời nữa. Trong suốt thời gian buồn khổ nhất, Twain nói với vợ mình: "Nếu đức tin Cơ đốc của em yên ủi được em, thì hãy quay lại với nó". Bà đáp: "Em không có đức tin gì hết". Bà không thể quay lại với những gì bà không hề có và nếu bà từng có nó, bà sẽ không bao giờ lìa bỏ nó! Hãy tự thử mình xem!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét