Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Mathiơ 15.21-28: "Đức tin chân chính"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Đức tin chân chính
Mathiơ 15.21-28
1. Có nhiều định nghĩa về đức tin. Hêbơrơ 11.1 cung ứng cho chúng ta một định nghĩa theo Kinh Thánh: "Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy". Các học giả Kinh Thánh thuộc mọi thời đại đã phấn đấu để định nghĩa đức tin theo thần học. Tuy nhiên, để bắt đầu, chúng ta hãy suy nghĩ một vài định nghĩa về đức tin:
Tin tưởng cậu con trai của mình ở tuổi thiếu niên với chiếc xe hơi vào ngày hẹn hò đầu tiên của nó.
Tin tưởng đứa con gái tuổi thiếu niên của mình vào ngày hẹn đầu tiên của nó với con trai của người khác.
Tin vào người thợ máy đã móc cái thắng của xe sau khi sửa chữa chúng.
Tin tưởng đứa con nói: "Mẹ nói sẽ không sao nếu con…"
Tin vào đơn thuốc của bác sĩ mà bạn không thể đọc được và tin một dược sĩ mà bạn không quen biết khi ông ta pha trộn các thứ hoá chất mà bạn không thể đọc tên chúng.
2. Có người từng phát biểu: "Những định nghĩa thật khó đã thông, song các tấm gương thì thật phong phú". Tối nay tôi không muốn nhắm vào một định nghĩa về đức tin, mà nhắm vào một tấm gương cụ thể về đức tin chân chính. Theo cảm hứng đó, có nhiều tấm gương rất hay nói về đức tin chân chính khắp cả Kinh Thánh.
A. Ápraham đã lìa bỏ quê hương mình ở tuổi 75 để đi theo Đức Giêhôva đến Đất Hứa. Mặc dù tuổi ông đã lớn, ông đã tin Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông một đứa con trai.
B. Môise đã dẫn dắt con cái Israel mặc dù sự thật cho thấy rằng họ đã hành động giống như con trẻ, luôn luôn than phiền và lằm bằm.
C. Ghiđêôn đã tin Đức Chúa Trời khi đoàn quân đông của ông bị rút lại còn võn vẹn có 300 người.
D. Đaniên đã tin Đức Chúa Trời khi ông bị bỏ xuống hang sư tử.
E. Chúa Giêxu đã ban ra hai thí dụ quan trọng nói tới đức tin bền đỗ, chân chính: Người đờn bà goá bền đỗ (Luca 18.1-8) và Người bạn bền đỗ (Luca 11.5-8).
F. Giuđe khuyên chúng ta phải "vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi" (Giuđe 3).
3. Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta là một thí dụ kỳ diệu nói về một người có đức tin rất bền đỗ. Từ đó chúng ta có thể học biết ba đặc điểm của đức tin chân chính: đức tin ấy tỏ ra nhu cầu, nhìn thấy ở bên kia nan đề và tin cậy nơi bổn tánh của Đức Chúa Trời.
I. Đức tin chân chính tỏ ra nhu cầu (các câu 21-22).
A. Chúa Giêxu đem các môn đồ riêng ra (câu 21).
1. Khi chúng ta nhìn ngược lại hai chương sau cùng, chúng ta thấy Chúa Giêxu đang chịu đựng một áp lực rất lớn, ít nhất là từ bốn phía.
a. Ngài đang chịu áp lực từ đoàn dân đông. Họ đã công nhận Ngài là Đấng Mêsi và mong muốn lập Ngài làm Vua (Giăng 6.15).
b. Ngài đang chịu áp lực từ Hêrốt Antiba. Vua chư hầu xứ Galilê vốn tin rằng Chúa Giêxu là sự báo ứng của ông ta, là Giăng Báptít "đã sống lại từ kẻ chết" (14.2). Tánh ganh tỵ cực mạnh của Hêrốt có tính cách huyền thoại.
c. Ngài đang chịu áp lực từ các cấp lãnh đạo người Do thái. Các thầy thông giáo và người dòng Pharisi đã "bàn với nhau, lập mưu giết Ngài" (12.14). Sau lần đối mặt mới đây, các môn đồ đã hỏi Chúa: "Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?" (15.12).
d. Ngài đang chịu áp lực từ chính thân thể vật lý của Ngài. Chúa Giêxu rất mệt mỏi. Ngài cần một nơi để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho các môn đồ thân tín nhất của Ngài cho mọi điều sẽ xảy đến. Hết thảy chúng ta đều cần phải lui lại nghỉ ngơi giữa hai lần làm việc.
2. Câu 21 nói Ngài "đi từ đó", nghĩa là Ngài rời khỏi Galilê. Ngài đi từ phía tây bắc đến "bờ cõi thành Tyrơ và Siđôn". Ngài rời khỏi đám đông và di hành qua các khu vực của Hêrốt và các nhà lãnh đạo Do thái.
3. Thật là thú vị, nhiều thế kỷ trước, đại tiên tri Êli đã trốn vào chính khu vực nầy và đã tìm được sự thoải mái trong nhà của bà goá "Sarépta, thuộc Siđôn" (I Các Vua 17.9).
4. Chúa Giêxu không rời khỏi Israel để thi hành chức vụ, mà là để nghỉ ngơi. Mác 7.24 chép Ngài "vào một cái nhà" (có lẽ đã thuê ngôi nhà ấy) "và không muốn cho ai biết mình". Giống như nhiều người nổi tiếng, Ngài đã đi không muốn cho ai biết.
5. Dầu thơm không thể che giấu mùi vị của nó. Mặt trời không thể che giấu ánh sáng của nó và Con Đức Chúa Trời không thể đi mà người ta chẳng nhận biết. Mác nói: "Song Ngài không thể ẩn được". Đã có một sự rò rỉ. Có ai đó đã thấy Ngài.
B. Chúa Giêxu bị một người mẹ theo bén gót (câu 22).
1. “Xảy có một người đờn bà xứ Canaan, từ xứ ấy đến” cầu xin Chúa Giêxu giúp đỡ. Mác 7.26 chép bà ta là "người Gờréc, [sát nghĩa, là dân Ngoại], dân Sirôphênixi". Bà ta chẳng phải là người Do thái. Bà ta chẳng có một lời hứa nào của tuyển dân Đức Chúa Trời hết, nhưng dẫu thế nào thì bà ta vẫn cứ đến với Chúa Giêxu.
2. Cái điều đã khiến cho đức tin của người đờn bà nầy dường như lớn lao hơn đức tin của phần nhiều người Do thái, ấy là niềm tin ấy đã dựa vào một chút ánh sáng đó. Bà ta đã lớn lên trong một xã hội theo tà giáo. Bà ta xuất thân từ hạng người mà dân Israel được truyền cho phải "tiêu diệt hoàn toàn" (Phục truyền luật lệ ký 7.2). Bà ta không có Lời của Đức Chúa Trời để noi theo.
3. Dường như là bà ta đã nhận ra rằng các thứ hình tượng của dân tộc bà ta đều vô dụng chẳng giúp chi được cho đứa con gái "mắc quỉ ám" của mình. Không nghi ngờ chi nữa, bà ta đã nghe nói về khả năng làm phép lạ của Chúa Giêxu qua nhiều người khác.
4. Bà ta "kêu lên". Phân tích văn phạm cho thấy rằng bà ta không nói ra câu nầy mà cứ kêu lên câu nói ấy. Hãy chú ý phần đáp ứng của các môn đồ ở câu 23: "Xin thầy truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta".
5. Bà ta đã kêu cầu nơi Chúa Giêxu xin "thương xót tôi cùng". Mặc dù bà ta biết rõ mình chẳng xứng đáng chi với sự vùa giúp của Chúa Giêxu, bà ta đã tin nơi "sự thương xót" của Ngài để cứu vớt đứa con gái của mình.
6. Bà ta đã gọi Ngài bằng tước hiệu Đấng Mêsi "Lạy Chúa, con cháu vua David". Không một người Canaan bình thường nào biết được tước hiệu đó. Có ai đó đã nói cho bà ta biết về Chúa Giêxu và bà ta đã tin theo. Bà ta có đức tin nơi Ngài và đã tỏ ra nhu cầu của mình.
C. Có phải chúng ta nhơn đức tin mà bày tỏ ra nhu cầu của mình cho Chúa biết không?
1. Giacơ 4.2-3 chép: "… anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình".
2. Nhiều lần khi chúng ta đối diện với nan đề và khó khăn, việc cuối cùng chúng ta làm là cầu nguyện. Chúng ta thử mọi sự và trao đổi với mọi người để định liệu mọi việc theo ý riêng của mình. Đấy là sự nương cậy vào bản ngã, chớ không nương cậy vào Đức Chúa Trời.
3. Bước đi bởi đức tin có nghĩa là chúng ta bày tỏ ra mọi nhu cầu của mình cho Chúa biết rồi bước đi với lòng tin chắc Ngài sẽ làm thoả mãn các nhu cầu đó (Philíp 2.19; Hêbơrơ 11.6).
4. Đức tin có nghĩa là tiếp tục kêu cầu nơi Chúa giống như người đờn bà nầy. Đôi khi, Đức Chúa Trời kéo dài việc đáp trả những lời cầu nguyện của chúng ta vì thời điểm duy nhứt chúng ta thực sự cầu nguyện là khi chúng ta gặp phải các nan đề.
II. Đức tin chân chính nhìn thấy bên kia các nan đề (các câu 23-24).
A. Người đờn bà tin mặc dù có ba nan đề lớn.
1. Thứ nhứt, bà ta không phải là người Do thái. Bà ta là "người đờn bà xứ Canaan". Bà ta là người dân Ngoại. Bà ta nói tiếng của người Ngoại, sống theo văn hoá của dân Ngoại, và thực hành theo tôn giáo đa thần của người Ngoại. Trong con mắt của hầu hết người Do thái, bà ta chẳng khác gì hơn một con chó. Dù vậy, bà ta đã tin Chúa Giêxu sẽ giúp đỡ cho bà ta.
2. Thứ hai, Chúa Giêxu đã bất chấp bà ta. Câu 23 chép: "Ngài chẳng đáp một lời". Ngài đang hành động phù hợp với Do thái giáo truyền khẩu. Đối với rabi Do thái, người đờn bà nầy không sao bằng một con người cho được. Khi Ngài phán, đáp ứng của Ngài dường như riêng biệt và xa xôi: "Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Isarel đó thôi". Bà ta vẫn quấy rầy Ngài.
3. Thứ ba, các môn đồ đã tìm cách làm cho bà ta nản lòng. Họ đã "cố nài xin" Chúa Giêxu "truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đàng sau chúng ta". Chúng ta thường muốn nhơn đức tin tin theo Đức Chúa Trời, nhiều người khác tìm cách tạo ra mưa trên cuộc diễu hành của chúng ta.
B. Có phải chúng ta mất đức tin trong ánh sáng của các nan đề hay có phải đức tin chúng ta tấn tới bất chấp các nan đề của chúng ta không?
1. Cốt lõi của đức tin là biết nhìn qua bên kia thật rõ ràng. Một lần nữa, Hêbơrơ 11.1 chép đức tin là "bằng cớ của những điều chẳng xem thấy". Có người mô tả đức tin như thế nầy: "Đức tin là dám đưa linh hồn đi xa hơn nó có thể trông thấy".
2. Quí bạn tôi ơi, trong đời nầy chúng ta sẽ luôn luôn có những nan đề. Sẽ luôn luôn có nhiều ngăn trở. Chúng ta sẽ luôn luôn gánh chịu nhiều giông bão. Điều nầy là thực cho đời sống cá nhân chúng ta và cũng cho đời sống tập thể của chúng ta trong vai trò một Hội thánh nữa.
3. Đức Chúa Trời sử dụng các nan đề của chúng ta để củng cố cho đức tin chúng ta được vững mạnh. Chúng ta biết chúng ta đang ở đúng lằn chạy khi chúng ta nói: "Nếu Đức Chúa Trời không lộ diện, chúng ta sẽ thất bại".
4. Chúng ta thôi không nhìn vào các nan đề nữa và hãy đặt chúng trên giải pháp: ấy là Chúa Giêxu. Mọi nan đề của chúng ta không phải là tiền bạc hay con người, mà là không hướng mắt nhìn xem Chúa Giêxu.
Geoffrey Gorsuch viết về việc lái một chiếc máy bay nhỏ ở giữa trận bão lớn vào năm 1989: "Tôi có thể nhìn thấy 20 feet ở đằng trước máy bay. Tôi buộc phải nương cậy duy nhứt vào các dụng cụ phi hành chỉ phương hướng của mình. Các dụng cụ nầy đã dẫn tôi qua cơn bão đến với đường băng. Có những lúc khi sự nhầm lẫn trong các đám mây sẽ gây ra tai vạ, có nhiều lúc khi mọi ý thức của tôi dường như chỉ ra rằng các dụng cụ đều không đúng, tạo ra hoảng loạn và viên phi công lầm lẫn không thể tránh được. Nhưng tôi đã được huấn luyện để tin theo các dụng cụ đó. Và tôi đã... khi chúng tôi rẽ khỏi các đám mây chừng 100 feet cách đường băng và trong một tư thế hạ cánh thật ngon lành, mọi sự còn lại phải làm là giảm tốc độ máy rồi đưa nó vào chỗ đậu trên đường băng. Khi mấy cái bánh xe đáp khẫn cấp tiếp cận với những hàng đèn chiếu sáng, tôi biết chúng không còn cần thiết nữa. Tôi đã tin vào các dụng cụ, tôi là một phi công và đó là ngày mà tôi biết chắc đã được an toàn rồi". Đức Chúa Trời ban hiến cho mỗi người tin Chúa với công cụ đức tin để nhìn xem Ngài qua mọi giông bão của cuộc sống.
III. Đức tin chân chính tin vào bổn tánh của Đức Chúa Trời (các câu 25-28).
A. Người đờn bà đã tin vào bổn tánh thật của Chúa Giêxu (các câu 26-27).
1. Mặc dù Chúa Giêxu dường như từ chối lời nài xin của bà ta, người đờn bà vẫn không thối lui. Bà ta không cho phép bản thân tin rằng Chúa Giêxu sẽ hất hủi mình. Thực vậy, bà ta "đã lạy Ngài" mà thưa rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng!"
2. Thái độ cay độc của Chúa Giêxu dường như thêm phần tệ hại nữa. Khi sử dụng phép loại suy nói dân Ngoại là “chó”, Ngài đã phán với âm điệu phân biệt chủng tộc: "Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn". Từ ngữ “chó con” không có ý đề cập tới loài chó lai hoang dã, mà là chó nhà.
3. Phần lớn trong chúng ta đều sẽ thấy khó chịu về câu nói đó. Chúng ta sẽ đứng dậy mà trở về nhà với sự thua thiệt. Tuy nhiên, đức tin chân chính vốn bền đỗ. Bà ta đã nhìn nhận tình trạng của mình và cứ tiếp tục nài xin cho được thương xót bằng cách nói: "Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống". Bà ta vui sướng chấp nhận vai trò của con chó nhỏ, trông đợi miếng bánh vụn rớt xuống từ bàn của chủ mình.
B. Chúa Giêxu ưa thích đức tin chân thật của người đờn bà (các câu 27-28).
1. Tôi dám cuộc nụ cười của Chúa Giêxu đã phá vỡ bối cảnh ấy ngay giây phút đó. Quyền phép của thiên đàng không hể ngăn cản được nụ cười đó! Giống như mặt trời xuyên thủng qua các đám mây sau một trận bão, lời lẽ của Chúa Giêxu đã ban thưởng cho đức tin của bà ta: "Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!"
2. Câu 20 chép rằng lời nài xin của bà ta đã được nhậm ngay tức thì vì "cũng một giờ đó, con gái người liền được lành". Hêbơrơ 11.6 chép: "Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài". Chúng ta cũng phải nói thêm rằng không có điều chi đẹp lòng Ngài cho bằng đức tin chân chính.
Một người bị lạc trong sa mạc và sắp chết vì thiếu nước. Không bao lâu sau đó ông ta đi ngang qua một máy bơm với cái bi đông đựng nước treo trên cán bơm và một lời ghi chú. Lời ghi chú ấy đọc như sau: "Bên dưới bạn là tất cả nước trong mát mà bạn sẽ cần đến, và cái bi đông chắc chứa đủ nước để mồi vào máy bơm". Điều nầy cần tới ĐỨC TIN LỚN để đổ số nước mồi chứa trong bi đông để lấy một lời hứa về nguồn nước vô hạn kia. Quí vị sẽ làm gì nào?
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét