Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 6.1-2: "SỐNG CHO ĐỨC CHÚA TRỜI Ở NƠI LÀM VIỆC"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
SỐNG CHO ĐỨC CHÚA TRỜI Ở NƠI LÀM VIỆC
I Timôthê 6.1-2
I Timôthê nói về sự gây dựng hay bản chất của Hội thánh. Cùng với II Timôthê và Tít, các thư tín Mục vụ nầy dạy cho chúng ta biết Hội thánh hoạt động như thế nào ở giữa một thế giới sa ngã. Chúng ta hãy chú ý một lần nữa I Timôthê đã được phân chia hợp lý như thế nào!
 Chương 1 cung ứng cho chúng ta SỨ MỆNH của Hội thánh. Chúng ta không bị ngăn trở bởi hình thức thiên về với luật pháp hay sự phóng túng, mà phải lo công bố "Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước" (1.11).
 Chương 2 và 3 dạy chúng ta về PHƯƠNG PHÁP của Hội thánh. Sự cầu nguyện rất quan trọng. Nữ giới cần phải lo dạy dỗ con cái biết tin kính. Bậc trưởng lão cần phải dạy dỗ và lãnh đạo. Chấp sự phải phục vụ cách trung tín.
 Chương 4 nói về CẤP LÃNH ĐẠO THUỘC LINH trong Hội thánh. Chương nầy cung ứng cho chúng ta những đặc điểm của cấp lãnh đạo tin kính.
 Chương 5 nói tới BẢN CHẤT GIA ĐÌNH trong Hội thánh. Chúng ta cần phải đối xử với người lớn tuổi như cha, người trẻ tuổi như anh em, các bà già như mẹ và những người nữ trẻ tuổi hơn như chị em. Những bà goá tin kính cần phải được kính trọng khi họ hầu việc Chúa. Bậc trưởng lão đặc biệt được kính trọng khi họ "khéo cai trị" và "lo giảng đạo".
Nếu chúng ta vâng theo mọi điều mà chúng ta đã tiếp thu trong các chương 1-5, quả thực chúng ta là một Hội thánh lành mạnh và tốt đẹp. Cái rắc rối là, hầu hết các Hội thánh đều không vâng theo các chương 1-5. Đức Thánh Linh vốn hiểu rõ điều nầy. Đấy là lý do tại sao chúng ta có chương 6. Chương 6 gắn chúng ta với lý do tại sao có nhiều thất bại trong sinh hoạt của Hội thánh. Lý do ấy lần xuống đến tham lam và ích kỷ. Có nhiều người "coi sự tinh kính như là nguồn lợi vậy" (câu 5). Họ nghĩ họ có thể hưởng lợi về tiền bạc từ đức tin. Có nhiều người trong Hội thánh, họ "muốn được giàu có", đây là điều đã khiến cho nhiều người khác "bởi … tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn".
Người tin kính cần phải "tránh những sự đó" (câu 11). Người ấy cần phải hiểu rằng "sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn" (câu 6). Người ấy không nên "để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng" (câu 17). Người ấy cần phải "làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có" (câu 18).
Mới đây, có ai đó nói với tôi: "Người giàu nhất không phải là người sống với nhiều tiền bạc nhất, mà là người có thể sống như kẻ có ít tiền bạc nhất". Ôi, Hội thánh đương thời cần tới sứ điệp của chương 6 dường bao! Chúng ta đã công khai vi phạm các nguyên tắc nầy là ngần nào! Ồ, khi phấn đấu để có được tiện nghi và danh tiếng chúng ta đã bỏ đi tình yêu ban đầu. Chúng ta cần phải tái học biết yêu thương con người và sử dụng tiền bạc thay vì yêu mến tiền bạc và sử dụng con người. Đấy là lý do tại sao chúng ta sẽ không chạy nhanh đến phần cuối của quyển sách. Chúng ta sẽ không an định ở đây vì trong mấy tuần lễ chúng ta rút tỉa được phần ứng dụng từ những câu Kinh thánh nầy.
Phaolô khởi sự bằng cách mô tả cảnh khốn khó của những người nào sống "dưới ách đầy tớ" hay nô lệ trong những thời kỳ Tân Ước. Khi chúng ta nghe từ ngữ "nô lệ", lý trí chúng ta thường nghĩ ngay đến bối cảnh trước cuộc Nội Chiến ở miền Nam, ở đó các nô lệ người châu Phi đã bị sử dụng để duy trì sự thịnh vượng kinh tế ở miền Nam. Chúng ta đã đọc quyển "Túp Lều của Chú Tom". Chúng ta đã nhìn thấy "gốc rễ" cùng vô số phim ảnh khác làm cho chúng ta tỉnh thức về cách thức đối đãi tồi tệ với hạng người nô lệ. Kết quả là, chúng ta cự tuyệt với tư tưởng nô lệ.
Tuy nhiên, tình trạng nô lệ trong thời của Phaolô rất là khác biệt. Nô lệ là giai cấp lao động trong Đế Quốc La mã. Nhiều bảng đánh giá cho thấy có đến 50, 60 triệu người là nô lệ, một phần ba cho đến phân nửa dân số của cả Đế quốc. Không những họ là các bàn tay lao động ngoài đồng áng, mà còn là giáo sư, thợ thủ công cùng những viên quản gia. Nhiều người có học vấn rất cao. Họ thường trở thành một phần trong các gia đình mà họ phục vụ và được xem trọng. Một số nô lệ thậm chí đã chọn ở lại với chủ của họ ngay sau thời gian phục vụ có giao kèo đã hoàn tất. Họ được nuôi dưỡng, được cho ăn mặc, cấp nhà ở và thường được trả công, có lương hẳn hòi. Họ thường sống khá hơn những người lao động bình thường. Mặc dù đã có những ngược đãi, hầu hết các nô lệ đều được đối xử công bằng và được trả công. Một trường hợp trong Tân Ước nói về chủ và tớ là Philêmôn và Ônêsim.
Có điều nầy, "những kẻ dưới ách đầy tớ" trong kỷ nguyên Tân Ước tương đương với những kẻ làm công trong thời hiện tại của chúng ta. Thay vì tớ và chủ, chúng ta có người chủ thuê và người làm thuê. Khi ấy cho tới bây giờ, cả hai thường là một phần tử trong cùng Hội thánh địa phương. Mặc dù họ rất khác biệt trong thế giới thương mại, họ đều có chân tương đương nhau trong Nước của Đức Chúa Trời. Vì lẽ đó chúng ta có thể áp dụng hai câu Kinh thánh nầy cho nghề nghiệp của chúng ta và học biết từ nơi họ cách thức sống cho Đức Chúa Trời tại nơi làm việc.
Điều nầy là thích nghi. Rất nhiều lần, tôi nói với những người không thấy thoả lòng trong công việc làm ăn của họ. Nhiều người trong quí vị đã đến gặp tôi hết lúc nầy đến lúc khác để nói về tính khả thi của sự thay đổi nghề nghiệp hay nơi làm ăn. Một nghiên cứu cho thấy rằng 70% người dân Mỹ không thích việc làm của họ. Đối với hạng người có mức sống trung bình, việc làm là phương tiện để đạt được một cứu cánh. Chúng ta làm việc để chúng ta có tiền bạc hầu mua được những tiện nghi mà chúng ta nghĩ chúng ta cần. Thật là tệ hại, chúng ta làm việc để chúng ta có thể trang trải các món nợ mà chúng ta đã mắc để mua sắm những thứ chúng ta tưởng chúng ta cần. Có người đã mô tả rất hay hầu hết người Mỹ khi ông ta nói: "Chúng ta tiêu xài số tiền mà chúng ta không có, để mua sắm các thứ chúng ta không cần hầu gây ấn tượng với những kẻ mà chúng ta không thích".
Kinh thánh phác hoạ những tín đồ là người lao động. Ngay trong Vườn Ê-đen, Sáng thế ký 2.15 chép: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn". Lao động có trước Sự Sa Ngã. Lao động không phải là một phần của sự rủa sả tội lỗi. Tính khó khăn trong lao động là một phần của sự rủa sả.
Đối với Cơ đốc nhân thời Tân Ước, mọi sự chúng ta làm cần phải được thực thi trong sự hầu việc Đức Chúa Trời. I Côrinhtô 10.31 chép: "Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm". Những nhà cải chánh dạy rằng chẳng có hoạt động nào bị cách ly ra khỏi sự chúng ta phục vụ Đức Chúa Trời. Truyền đạo 9.10 chép: "Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình". Bất cứ việc làm nào của quí vị, Đức Chúa Trời đã khôn ngoan đặt để quí vị ở đó và mong mỏi quí vị phải làm hết sức mình để phục vụ Ngài giống như quí vị phục vụ chủ của mình vậy. Tất nhiên, chúng ta có một ưu thế hơn "những kẻ dưới ách đầy tớ" trong thế kỷ đầu tiên. Nếu chúng ta thực sự không thoả lòng, chúng ta có thể tìm một công việc khác.
Trong hai câu Kinh thánh nầy, chúng ta hãy chú ý phần dạy dỗ cho cả hai hạng tín đồ, một người làm việc cho chủ không tin và một người làm việc cho chủ là tín đồ.
I. Sự dạy dành cho tín đồ nào đang làm việc cho chủ không tin Chúa (câu 1).
Một lần nữa, câu 1 chép: "Hết thảy những kẻ dưới ách đầy tớ phải coi chủ mình là đáng trọng mọi đàng, hầu cho danh hiệu và đạo lý của Đức Chúa Trời khỏi bị làm trò cho người phạm thượng".
Hãy tưởng tượng một "người dưới ách đầy tớ" hay nô lệ vào thế kỷ đầu tiên mới vừa trở thành Cơ đốc nhân xem. Người ấy đã học biết lời lẽ của Chúa Jêsus mà Ngài đã phán ở Giăng 8.36: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do". Mặc dầu người ấy vẫn còn là một nô lệ, người ấy sẽ nghĩ mình siêu việt hơn người chủ của mình không phải là Cơ đốc nhân. Người ấy sẽ phát triển một bầu không khí tự mãn. Người ấy sẽ bắt đầu suy nghĩ đến những phần việc nhất định nào đó đang nằm dưới vẻ oai nghi của mình là một Cơ đốc nhân. Chủ của người nầy sẽ cảm nhận về Cơ đốc giáo như thế nào? Liệu thái độ của đầy tớ mình có kéo người đến với Đấng Christ hay từ chối Ngài?
Chúng ta hãy đặt vấn đề vào một trường hợp mà chúng ta có thể sẵn sàng hiểu được. Hãy tưởng tượng một người vừa trở thành Cơ đốc nhân xem. Người ấy là người làm công cho tới thời điểm đó. Giờ đây, người nầy đã trở thành một Cơ đốc nhân, người nghĩ việc làm của mình chẳng quan trọng đối với đức tin mình. Người đọc quyển Kinh thánh bỏ túi khi người đang làm việc. Người làm chứng cho những kẻ làm công khác về Đức Chúa Trời khi người đang làm việc và cũng khiến cho họ thôi làm việc nữa. Người làm cho một số người làm công khác phải chậm lụt lao động bằng cách thường xuyên làm cho họ phải xao lãng với Tin lành. Người ấy là người làm công rất năng nổ trước khi người đến với Đấng Christ. Giờ đây mọi sự đà thay đổi. Những thứ tự ưu tiên của người đã thay đổi. Người xem trọng vấn đề của đức tin mình đến nỗi người xao lãng trong công việc và làm ngăn trở các người làm công khác trong việc làm của họ. Sự làm chứng cho ông chủ chưa được cứu của mình là vậy sao? Liệu chủ của người nầy sẽ nghĩ về Cơ đốc giáo ra sao? Liệu ông ta sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời vì những thay đổi kỳ diệu nơi người làm công của mình hay ông ta sẽ phạm vào "danh hiệu và đạo lý của Đức Chúa Trời" vì sa thải một công nhân trung thành?
Ngược lại, việc trở thành một Cơ đốc nhân sẽ khiến cho người làm công phải "coi chủ mình đáng trọng mọi đàng". Chúng ta đã nói về việc kính trọng những người đàn bà goá (5.3) và các trưởng lão (5.17), nhưng ở đây chúng ta cần phải "kính trọng" hay coi những người ở trên chúng ta trong công việc làm ăn là đáng trọng một cách đầy đủ.
Hãy suy nghĩ về Giô-sép. Quí vị nhớ ngay rằng ông trở thành một tôi tớ trong nhà của Phô-ti-pha đầy quyền lực, là thủ lĩnh về an ninh ở chung quanh Pha-ra-ôn. Giô-sép là một tôi tớ trung tín và Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông. Phô-ti-pha đã nhìn thấy các đức tính nầy nơi Giô-sép và đã đưa ông lên vị trí quản lý hay quản gia mọi tài sản của mình. Sáng thế ký 39.6 chép: "Người giao hết của cải mình cho Giô-sép coi sóc, chẳng lo đến việc nào nữa, trừ ra các phần vật thực của mình ăn mà thôi". Giô-sép có thể tước đoạt của cải của Phô-ti-pha. Ông có thể ngủ với vợ của Phô-ti-pha. Khi Bà Phô-ti-pha lắm quyến rũ kia gạ gẫm muốn ăn nằm với Giô-sép, ông đã nói: "Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng thế ký 39.9). Ông sẵn sàng chịu xấu hổ rồi bị tống vào ngục thay vì làm mất mặt chủ mình và phạm tội với Đức Giêhôva.
Một số người trong quí vị đã được chúc phước cho. Quí vị làm việc vì sự hiểu biết và làm việc cho những chủ nhân tử tế. Có thể họ không phải là tín đồ, nhưng họ là những người đáng kính trọng. Thật là dễ đầu phục và kính trọng đối với ai đó sống nhơn đức và giàu ơn đối với quí vị.
Sống như thế không có gì khó đâu. Chúa Jêsus phán: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao?” (Mathiơ 5.44-46).
Ngay cả hạng người bị hư mất đã đối xử tốt với những kẻ tử tế và rời rộng đối với họ. Yêu những người đối xử tốt với quí vị chẳng có gì là lớn lao đâu. Cái khó là phải có một thái độ tích cực khi quí vị phải làm việc cho một kẻ độc đoán kìa.
Có bao giờ hay có phải quí vị đang làm việc cho những chủ nhân, họ hay đòi hỏi, bất công, khinh suất, bất lương, hay gắt gỏng, tự phụ, cay đắng, v.v…? Một số người trong quí vị đang đối mặt với những môi trường lao động rất kinh khủng mỗi ngày. Làm sao chúng ta chấp nhận được chứ? I Phierơ 2.18-20 chép: “Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình, chẳng những phục những chủ hiền lành mà thôi, lại phải phục người chủ khó tánh nữa. Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước. Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì: Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời”.
Chúng ta cần phải có cùng thái độ đối với một chủ nhân "khó tánh" giống như chúng ta có đối với một người chủ "hiền lành"? Tại sao chứ? Vì một thái độ như vậy là "ơn phước" hay đẹp lòng đối với Đức Chúa Trời. Bị đánh đập khi làm việc là một việc vì quí vị đã làm sai công đoạn nào đó. Còn “làm lành và nhịn chịu sự khốn khó” là một việc khác vì Đức Chúa Trời sẽ nhìn thấy sự thể nầy và sẽ ban thưởng cho quí vị. Rôma 12.21 chép: "Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác".
Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, ấy là chúng ta phải làm hết sức mình bất chấp môi trường lao động. Chúng ta lo làm công việc của mình như "làm cho Chúa". Chúng ta không trả đủa. Chúng ta chấp nhận cách giàu ơn sự chỉ trích không phải lẽ. Chúng ta trình những lời phàn nàn của mình cho Chúa và tiếp tục lo công việc của mình cách trung tín.
Có phải chúng ta sử dụng thái độ nầy vì chúng ta bị chà đạp, yếu đuối, là những con người không thể bênh vực mình? Không! Chúng ta cần phải sống "nhu mì", điều nầy có nghĩa là "có đủ sức kềm chế". Chúng ta đã học biết phải chủ động tánh khí và cách nói năng của mình. Chúng ta đã học biết phải bỏ đi tánh ăn miếng trả miếng và báo thù. Chúng ta đã học biết dầu chủ nhân của mình chẳng màng gì đến Đức Chúa Trời và "thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại" (Hêbơrơ 4.13).
Phaolô dặn dò Timôthê phải dạy cho những kẻ tôi tớ trong Hội thánh Êphêsô phải "coi trọng chủ của mình". Đây chính là sứ điệp mà ông đã giảng dạy bốn năm về trước: “Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng Christ, không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Hãy đem lòng yêu mến hầu việc chủ, cũng như hầu việc Chúa, chẳng phải như hầu việc người ta, vì biết rằng bất luận tôi mọi hay tự chủ, mỗi người đều sẽ nhận lãnh của Chúa tùy việc lành mình đã làm” (Êphêsô 6.5-8).
Tại sao là tín đồ thì phải chu đáo khi làm việc? Tại sao chúng ta cần phải cẩn thận về mọi hành động và thái độ trong việc làm của chúng ta? Phaolô nói trong câu 1: "hầu cho danh hiệu và đạo lý của Đức Chúa Trời khỏi bị làm trò cho người phạm thượng". Ông đã nói cùng một việc ấy với Tít, với một tư thế tích cực hơn: "… để làm cho tôn quí đạo Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, trong mọi đường" (Tít 2.10).
Đối với hầu hết chúng ta, nơi làm việc là công trường truyền giáo của chúng ta. Đây là nơi mà chúng ta có sự tiếp xúc với một thế giới tội lỗi. Chính ở nơi làm việc mà người ta quan sát chúng ta. Họ nhìn thấy cách thức chúng ta xử lý với áp lực và sự căng thẳng. Họ quan sát để nhìn xem coi chúng ta lương thiện hay bất lương. Họ nhìn biết chúng ta có tầm phào, rên rỉ, hoặc có than vãn hay không!?! Họ đưa ra quyết định về Đức Chúa Trời không dựa theo Kinh thánh hay thần học, mà dựa theo những quan sát của họ về đời sống của quí vị. Vì vậy, hãy sống theo những gì quí vị đang tin ở trước mặt họ.
II. Sự dạy dành cho những tín đồ nào đang làm việc cho chủ là tín đồ (câu 2).
Trong câu 2, Phaolô nói: "Ai có chủ là tín đồ, thì không nên lấy cớ anh em mà khinh dể, nhưng phải càng hầu việc hơn, vì kẻ được công của mình là tín đồ và người rất yêu dấu. Đó là điều con phải dạy dỗ khuyên bảo họ". Nếu quí vị làm việc cho một Cơ đốc nhân, có cả sự dạy tiêu cực và tích cực dành cho quí vị trong câu Kinh thánh nầy. Về mặt tiêu cực, quí vị không nên "khinh dễ" hay ít tôn trọng đối với chủ chỉ vì người là một tín hữu với mình. Về mặt tích cực, quí vị cần phải "hầu việc" người không những vì người trả lương cho quí vị, mà còn vì hầu việc anh em mình là điều phải lẽ. Chúng ta lấy hai ý tưởng nầy theo cách riêng.
A. Những tín đồ là người làm công không được khinh dễ chủ nhân là tín đồ.
Sự cám dỗ ở đây đối với người làm công tín đồ là luôn trông mong những đặc ân từ chủ nhân tín đồ. Sẽ có loại làm chứng nào dành cho những người làm công khác chưa được cứu? Trong một trường hợp như vậy, họ sẽ xem Cơ đốc giáo là một câu lạc bộ thay vì là phương tiện dẫn đến sự cứu rỗi cho họ.
"Khinh dễ" ra từ một chữ Hy lạp có ý nói "suy nghĩ nghịch lại" hoặc "suy nghĩ thấp hơn". Từ nầy ngược lại với sự quý trọng. Trong sách Êphêsô, có một vài tôi tớ thay vì nhìn lên và cảm kích chủ nhân của họ là tín đồ, họ lại đem lòng khinh khi các chủ nhân ấy, họ nhìn xuống và suy nghĩ những tư tưởng loạn nghịch đối cùng các người chủ là tín đồ đó. Khi ấy và bây giờ chẳng có gì là bất thường cho một tín đồ trưởng thành làm công cho một tín đồ chưa trưởng thành. Có thể một cấp lãnh đạo thuộc linh trong Hội thánh, tỉ như một trưởng lão hay một chấp sự làm công cho một Cơ đốc nhân hãy còn là con đỏ. Nếu người làm công không làm chủ được xác thịt mình và suy nghĩ theo Kinh thánh về vai trò của mình, điều nầy có thể dẫn tới nhiều nan đề tại nơi làm việc đến nỗi bất kỉnh và phạm thượng đối với "danh hiệu và đạo lý của Đức Chúa Trời" (câu 1).
Một trong những sự dạy rất hay của Tân Ước là tính bình đẳng của hạng tín đồ. Thí dụ, Galati 3.28 chép: "Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một". Tuy nhiên, tính bình đẳng của chúng ta trong Đấng Christ không phủ nhận các vai trò khác biệt của chúng ta. Những người nam và người nữ đều có chỗ đứng tương đương với nhau trong Đấng Christ, nhưng vai trò của họ không thể hoán đổi cho nhau được. Tất cả các thuộc viên trong Hội thánh đều bình đẳng với nhau dưới quyền của Đấng Christ, nhưng quí Mục sư và những trưởng lão, họ có thẩm quyền thuộc linh cao hơn những tín hữu khác (I Têsalônica 5.12; Hêbơrơ 13.17). Tương tự, những người làm công tín đồ và các chủ nhân tín đồ đều bình đẳng với nhau dưới quyền Đấng Christ, nhưng vai trò của họ cũng không thể hoán đổi được.
Khi tôi còn là sinh viên, tôi đã làm công vài năm cho một công ty nhỏ do một thương gia Cơ đốc làm chủ. Người nầy đã trở thành tín đồ sau khi ông ta đến tuổi trưởng thành. Ông ta rất xem trọng đức tin của mình. Ông ta rất tích cực dấn thân vào một Hội thánh địa phương và đã hầu việc trong vai trò một chấp sự. Trước khi ngày làm việc bắt đầu, ông nhóm mọi công nhân lại với nhau đặng cầu nguyện. Tất cả trừ một trong 5 hay 6 công nhân tự xưng mình là tín đồ. Tuy nhiên, đôi khi họ và tôi đem ông chủ của mình riêng ra vì chúng tôi dễ nhìn thấy nhiều hành động trước sau không như một nơi đức tin của ông ta. Chúng tôi cẩn thận lưu ý và bàn bạc mỗi lần cách ăn ở của ông ta không phù hợp với những gì ông ta nói. Chúng tôi thường nghĩ ông ta là đạo đức giả. Sau đó, 20 năm sau, tôi nhận ra rằng ông chủ của mình trước kia là một người nhơn đức, lương thiện. Ông ấy đang phấn đấu để thể hiện ra đức tin giống như bao nhiêu người trong chúng ta. Thái độ của tôi đối cùng ông ta thường là bất công và hay xúc phạm phân đoạn Kinh thánh nầy.
Tóm lại, nếu quí vị được Đức Chúa Trời ban phước cho khi làm công cho một tín hữu, dầu tín hữu ấy có là một phần trong Hội thánh của chính chúng ta hay không, dầu người tín hữu ấy có trưởng thành trong đức tin hay chưa trưởng thành, dầu quí vị có gần gũi với người anh chị em đó hay không, cũng ĐỪNG BAO GIỜ "KHINH DỄ" hay nghĩ xấu đối với người ấy. Đừng buộc Cơ đốc giáo của người phải có được những tiêu chuẩn mà bản thân quí vị đương chưa nỗi.
B. Người làm công tín đồ phải cẩn thận hầu việc các chủ nhân tín đồ.
Thay vì "khinh dễ" các chủ nhân tín đồ, những người tín đồ làm công nên "phải càng hầu việc hơn, vì kẻ được công của mình là tín đồ và người rất yêu dấu". Câu 1 đề ra tiêu chuẩn mà các tín hữu cần phải đề ra tiêu chuẩn tại nơi làm việc thậm chí khi họ đang làm công cho những người chưa tin Chúa, họ vốn bất công và khó chịu. Tiếp nữa, nếu chúng ta phải chịu khó làm việc trong sự phục vụ cho các chủ nhân chưa tin Chúa, thì chúng ta càng phải chịu khó làm việc trong công tác của mình cho những chủ nhân là tín đồ càng hơn!
Galati 6.10 chép: "Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin".
Nếu quí vị có chủ nhân là tín đồ, khi ấy hãy ngợi khen Chúa rồi đề ra tiêu chuẩn của sự hạ mình, chịu khó làm việc và kỷ luật cho tất cả những người làm công khác. Tại sao? Vì không những quí vị nhận lương cho việc làm của mình, quí vị còn nhận lãnh phần thưởng của sự phục vụ cho một người anh em vì: "kẻ được công của mình là tín đồ và người rất yêu dấu". Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho quí vị vì sự hầu việc khôn khéo của quí vị còn trổi hơn cả số tiền lương mình có nữa!
Trên hết mọi sự ấy, khi công ty của chủ nhân mình phát đạt và khi người ấy sử dụng sự phát đạt đó làm lợi cho Nước Trời, sự phục vụ của quí vị đối với người ấy sẽ được phước của Đức Chúa Trời.
Cho phép tôi kết luận với sự dạy của Phaolô cho Timôthê ở cuối câu 2: "Đó là điều con phải dạy dỗ khuyên bảo họ". Thì của động từ là phải "giữ luôn sự dạy và khuyên dỗ họ mọi sự nầy". Chúng ta cần phải được nhắc nhớ liên tục về mọi trách nhiệm theo Kinh thánh ở nơi làm việc.
I Timôthê 6 sẽ thách thức chúng ta. Chương nầy kêu gọi chúng ta không nên sống ích kỷ và tham lam, mà phải xem xét việc làm, tham vọng và cách sử dụng tiền bạc của chúng ta theo ánh sáng của Nước Trời. Bài học nầy sẽ rất là đau đớn, nhưng nó sẽ trở thành nỗi đau có ích lợi. Nó sẽ gây đau đớn để được chữa lành.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét