Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Mathiơ 9.1-17: "Chúa Giêxu đối diện với những kẻ hay phê phán"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Chúa Giêxu đối diện với những kẻ hay phê phán
Mathiơ 9.1-17

1. Giả sử thay vì đến với xứ Palestine vào thế kỷ thứ nhứt, Chúa Giêxu đã đến với nước Mỹ vào thế kỷ thứ 20, Ngài sẽ làm gì đây? Ngài sẽ sống ra sao? Ai sẽ là thân hữu của Ngài... và kẻ thù của Ngài? Nếu Chúa Giêxu hôm nay đến sống tại Amarillo, Texas, liệu chúng ta có công nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời hay không? Nếu chúng ta công nhận, chúng ta sẽ làm gì về điều đó?
2. Nếu sự đến không có thực nầy của Chúa Giêxu hôm nay rập khuôn giống như lần đến thực sự của Ngài đã được ghi chép trong Kinh thánh, chúng ta có thể nhìn biết chắc chắn một vài sự kiện:
A. Thứ nhứt, Ngài sẽ vào đời có bố mẹ nghèo nàn từ chỗ sai quấy “phải” lấy nhau.
B. Thứ hai, Ngài sẽ kêu gọi các môn đệ từ giữa vòng cặn bã của xã hội: những kẻ hút chích ma túy, hạng ma cô, thành viên băng nhóm du đảng, mấy tay móc túi...
C. Thứ ba, Ngài sẽ để nhiều thì giờ ở các quán bar, những khu chung cư và khu da đen hơn là trong các khu nhà kính sạch sẽ…
D. Thứ tư, số người tự xưng công bình trong xã hội chúng ta sẽ xem khinh Ngài và gán cho Ngài cái nhãn “bạn của hạng tội nhân” có tính anh hùng và là một thanh niên nổi loạn cần bị dập tắt.
E. Thứ năm, dù có nhiều đám đông mến thích Ngài trong một thời gian, cuối cùng họ sẽ thấy sự kêu gọi của Ngài là quá khó, những sự dạy của Ngài là quá hạn chế, rồi họ lìa bỏ Ngài.
3. Chúng ta không quá kinh ngạc nơi dân sự xứ Palestine, họ đã chối bỏ Chúa Giêxu. Tuần lễ qua chúng ta đã tiếp thu từ những cư dân xứ Giêrasê và Gađara quá đỗi “sợ hãi” Ngài và đã cầu xin Ngài lìa khỏi khu vực của họ (Luca 8.35).
4. Từ thời điểm nầy trở đi trong chức vụ của Chúa Giêxu, sẽ có nhiều người hay chỉ trích, phê phán, họ đã nghiên cứu cẩn thận từng lời nói và hành động của Ngài.Từ phân đoạn Kinh thánh nầy, chúng ta hãy để ý ba hình thức phê phán về Chúa Giêxu rồi tiếp thu một số lẽ thật mà chúng ta có thể áp dụng cho chính đời sống chúng ta.
I. CHÚA GIÊXU BỊ PHÊ PHÁN VỀ QUYỀN THA TỘI CỦA NGÀI (các câu 1-8).
A. Chúa Giêxu gặp một người đau bại (các câu 1-2a).
1. Chúa Giêxu bị nhiều đám dân đông chen lấn trong thành Cabênaum, vì vậy Ngài cùng với các môn đồ đã băng ngang qua Biển Galilê đến "xứ dân Giêrasê [hay Gađara]" (câu 8.28). Sau khi đuổi quỉ ra khỏi hai người sinh sống trong khu mồ mả, Chúa Giêxu "xuống thuyền" rồi Ngài "qua bờ bên kia" Biển Galilê trở lại với bờ phía Tây.
2. Ngài đã "đến thành mình", nghĩa là đến trung tâm đầu não tạm thời của Ngài tại thành Cabênaum. Thành phố quê hương của Chúa Giêxu, Nazarét đã chối bỏ Ngài. Thực ra họ đã xô Ngài xuống bờ vực nếu Ngài không tránh thoát. Hầu hết thời gian khi Ngài ở tại thành Cabênaum, Ngài đã ở tại nhà của Phierơ.
3. Chúa Giêxu đã rời khỏi thành Cabênaum lần sau cùng vì những đoàn dân đông. Cho nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Ngài trở lại, nhiều đoàn dân đông đã quay trở về. Họ tập trung lại trong nhà của Phierơ cho tới chừng chẳng một ai có thể xen vào được.
4. Mác 2.2 mô tả bối cảnh theo cách nầy: "Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống; Ngài giảng đạo cho họ nghe".
5. "Họ" mấy người bạn của người đau bại đã mang ông ta "nằm trên giường" đến với Chúa Giêxu. Đây là những người bạn rất tận tâm. Họ đã có lòng tin rằng nếu họ có thể đưa người bạn của họ đến với Chúa Giêxu, thì người bạn nầy sẽ được chữa lành.
6. Họ không thể đi qua cửa cái vì cớ đám đông, như các sách tin lành khác giải thích, họ đã khoét một cái lỗ trên mái nhà. Mái nhà theo kiểu mẫu của người Palestine được dựng bằng mấy cây đòn tay cách nhau 2 hay 3 feet, che phủ bằng nhiều nhánh cây sậy rồi phủ lên đó là một feet đất trên mái. Vì người đau bại đang “nằm trên giường”, họ phải khoét một cái lỗ thật lớn.
7. Hãy tưởng tượng số người ngồi bên dưới, khi đất cùng những mãnh vỡ rơi xuống qua cái lỗ và tia nắng mặt trời chiếu vào gian phòng tối xem. Có người đã nổi giận, còn Chúa Giêxu thì mĩm miệng cười. Người ấy được chữa lành "khi Chúa Giêxu thấy đức tin của các người đó".
8. Chúng ta cần phải sống giống như mấy người bạn nầy. Họ đã liều mọi sự vì việc đưa người bạn của họ đến với Chúa Giêxu là việc quan trọng nhất. Có phải đưa dẫn bạn bè, người lân cận và gia đình của bạn đến với Chúa Giêxu là ưu tiên một đối với bạn không?
B. Chúa Giêxu tha thứ cho người đau bại (câu 2b).
1. Trong xã hội Do thái, người ta tin rằng bất toàn về phần xác thể là những sự trừng phạt về tội lỗi. Theo ý nầy, người đau bại có lẽ đã tin mình bị bại vì cớ tội lỗi nào đó trong đời sống của mình. Có lẽ ông ta đã tin như thế.
2. Chúa Giêxu phán: "Hỡi con, hãy vững lòng". Bản Kinh thánh NASV thì chính xác hơn khi chép: "Hỡi con, hãy can đảm lên". Từ Hy lạp nói tới lòng can đảm loại trừ sự sợ hãi. Giống như Chúa Giêxu đang phán: "Ta yêu con. Con không phải sợ Ta".
3. Chúa Giêxu phán: "Tội lỗi con đã được tha". Người nầy được đưa tới Chúa Giêxu vì nan đề về phần xác: bịnh bại. Đối với Chúa Giêxu ưu tiên một là nan đề thuộc linh của ông ta: tội lỗi. Không những ông ta được lành phần xác thể mà linh hồn của ông ta cũng được lành nữa.
4. Nầy bạn tôi ơi, có thể bạn không có một nan đề nào về xác thể, nhưng bạn đang có nan đề về mặt thuộc linh. Giống như hết thảy mọi người chúng ta, bạn là tội nhân đang có cần một Cứu Chúa!
C. Chúa Giêxu phản ứng trước những kẻ hay phê phán (các câu 3-6).
1. Câu 3 chép: "Khi ấy" ngay lập tức "có một vài thầy thông giáo" hay các chuyên gia tôn giáo "đều nghĩ thầm" chớ không nói ra lớn tiếng: "Người nầy nói lộng ngôn!”
2. Họ không biết Chúa Giêxu là ai!?! Họ không tin Ngài là Con Đức Chúa Trời. Nếu tôi tha thứ cho mọi tội lỗi của bạn thì có nghĩa là tôi lộng ngôn. Tôi không phải là Đức Chúa Trời. Vì Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời, Ngài có quyền tha tội (Thi thiên 103.12; Michê 7.19).
3. Chúa Giêxu vốn biết "ý tưởng mấy thầy đó". Ngài hỏi: "Nhơn sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy?" Thật là kỳ lạ khi có ai đó nhìn biết ý tưởng bạn đang suy nghĩ. Bạn cảm thấy giống như thể họ đã đọc được lý trí của bạn vậy. Các thầy thông giáo nầy đã tỏ ra lúng túng vì Chúa Giêxu đã đọc được lý trí của họ.
4. Ngài đã hỏi họ điều nào dễ hơn, khi nói: "Tội lỗi con đã được tha” hay nói: "hãy đứng dậy mà đi". Chỉ có câu nói bảo người kia rằng tội lỗi ngươi đã được tha là dễ hơn mà thôi. Tôi dám nói như thế đó. Chúa Giêxu phán với họ: "hầu cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội" và Ngài đã phán cùng người đau bại rằng: "Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi".
5. Sự chữa lành cho người đau bại là minh chức tích cực về quyền phép của Ngài là Đức Chúa Trời có quyền tha tội.
6. Chúa Giêxu vẫn còn tha tội ngày hôm nay! Ngài đã chịu chết trên thập tự giá để tha tội cho bạn đấy! (1 Giăng 1.9).
D. Chúa Giêxu chữa lành cho người đau bại (các câu 7-8).
1. Người kia “liền dậy” ngay... là việc làm mà trước đây ông ta không làm được. Hãy tưởng tượng xem những cái miệng há hốc lên vì kinh ngạc và vui mừng khi ông ta nhảy múa vui đùa quanh căn phòng đông người đó. Hãy tưởng tượng xem mấy cái hàm răng của các thầy thông giáo đang nghiến chặt lại!
2. Dân chúng tụ tập trong ngôi nhà, họ nhìn xuyên qua cửa cái và cửa sổ, họ đang lắng nghe diễn giả đứng trước thềm "đã lấy làm lạ" [sát nghĩa là `lấy làm sợ hãi’ phobeo] rồi "ngợi khen Đức Chúa Trời" vì họ đã trông thấy “quyền phép” đó nơi một con người. Họ vốn biết Chúa Giêxu đến từ Đức Chúa Trời rồi.
II. CHÚA GIÊXU BỊ PHÊ PHÁN VÌ NGÀI HỘI HIỆP VỚI HẠNG TỘI NHÂN (các câu 9-13).
A. Chúa Giêxu kêu gọi Mathiơ (câu 9).
1. Đức Chúa Giêxu “đã đi khỏi nơi đó rồi”, nghĩa là, Ngài đang rời khỏi thành Cabênaum. Khi Ngài đang bước đi trên các đường phố bận rộn, gạt qua một bên những kẻ chuyên tìm tòi hạch sách, Chúa Giêxu đã làm một việc thật lạ lùng. Ngài bước vào “sở thu thuế” nói chuyện với một người có tên là "Mathiơ".
2. Rõ ràng, Mathiơ (cũng còn gọi là Lêvi) là một nhân viên thu thuế hoặc một người thu thuế. Mặc dù ông sẽ trở thành một Sứ đồ và là trước giả về mặt con người của sách Tin lành rất cảm động nầy, khi ấy ông là một trong những kẻ bị hiềm thù nhất trong cộng đồng Do thái.
3. Những nhân viên thu thuế hay những người thu thuế đã mua việc làm của họ từ chính quyền La mã. Họ đã có quyền thu thập các thứ thuế trên mọi thứ. Rôma đòi hỏi các thứ thuế nhất định, còn những người thu thuế Do thái được tự do thêm thắt các thứ thuế để họ giữ lại cho bản thân họ. Vì họ bị dân chúng xem là hạng người phản bội, hạng người nầy bị ngăn chặn không cho vào nhà hội và bất kỳ một sinh hoạt nào bình thường hay tôn giáo.
4. Hãy chú ý là chẳng có một bài giảng nào, không có một phép lạ nào trừ ra một lời mời gọi phủ quanh một mạng lịnh đượm đầy tình yêu thương: "Hãy theo Ta".
5. Cũng hãy chú ý rằng không có một lời cáo lỗi, một tranh luận nào từ phía Mathiơ. Ông chỉ : "liền đứng dậy, mà theo Ngài”. Công việc giấy má bị bỏ lại trên cái bàn giấy của ông. Máy tính đã không kịp tắt. Ly cà phê của ông còn nguội lạnh trong chiếc tách kia. Luca 5.28 chép: "Lêvi bỏ hết mọi sự, đứng dậy đi theo Ngài".
6. Phaolô đã nhắc lại quan điểm của Mathiơ khi ông nói trong Philíp 3.7: "Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy”.
7. Đi theo Chúa Giêxu, trở thành một môn đồ có nghĩa là lìa bỏ đời sống cũ của bạn ra sau lưng. Bất luận điều chi bạn bỏ lại sau lưng vì cớ Chúa Giêxu, bạn không nên nhớ tới nữa. Bạn đã bỏ lại sau lưng điều chi vì cớ Ngài?
B. Chúa Giêxu hội hiệp với hạng tội nhân (câu 10).
1. Dường như là từ câu nầy Mathiơ đã tổ chức một bữa tiệc, một bữa tiệc truyền giáo. Ông đã cho mời: "nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết" đến nhà mình. Ở giữa đám đông phức tạp nầy, "Chúa Giêxu ngồi ăn". Lớp cặn bã nầy trong xã hội Do thái "ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài”.
2. Chúng ta có thể tiếp thu từ chiến lược của Mathiơ. Hết thảy chúng ta đều biết con người cần được cứu rỗi. Nếu họ không chịu đến tại nhà thờ, hãy mời họ đến tư gia của bạn. Kế đó hãy mời một số bạn hữu Cơ đốc khác đến làm chứng về Chúa Giêxu!
C. Những kẻ phê phán đã thắc mắc với Chúa Giêxu (câu 11).
1. Mọi sự Chúa Giêxu đã làm đều đã được tỏ ra công khai, minh bạch. Phương tiện truyền thông đã săn lùng Ngài giống như các luật sư tại phiên toà xử một vụ trọng án vậy. “Người dòng Pharisi” các cấp lãnh đạo tôn giáo đã hỏi han về bàn tiệc nầy. Một lần nữa khi thiếu thành thật không nói với Chúa Giêxu cách trực tiếp, họ đã nói với “các môn đồ Ngài”.
2. Họ đã hỏi: "Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?" Đây không phải là một câu hỏi với lòng chân thành mà là một lời quở trách. Câu nầy chính là một câu tra gạn chớ không phải là một câu hỏi thăm đơn thuần đâu.
3. Giống như một số người ngày nay, người dòng Pharisi không tìm được lỗi lầm gì trong chính đời sống của họ, mà rất mau mắn chỉ ra sai lầm nơi ai đó, là những người không sống giống như họ. Chức vụ của họ chỉ nhắm vào truyền khẩu, chớ không nhắm vào lẽ thật, họ xét đoán, chớ không yêu thương, họ phán xét, chớ không làm sự phục hồi.
D. Chúa Giêxu trả lời cho những kẻ hay phê phán kia (các câu 12-13).
1. Câu hỏi được đưa ra cho các môn đồ. Câu 12 chép: "Đức Chúa Jêsus nghe đều đó, bèn phán rằng..." Tôi nghĩ rằng Chúa Giêxu đã nghe họ hỏi rồi. Ngài nhìn thẳng vào họ rồi đối chất ngay với thái độ tự xưng công bình của họ.
2. Ngài phán: "Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh". Nói cách khác: "Nếu các ngươi trọn vẹn như các ngươi tưởng, các ngươi không cần ta. Nói cách khác, hạng người tội lỗi nầy vốn biết rõ nhu cần của họ là được cứu rỗi. Đấy là lý do tại sao ta có mặt ở đây " (đối chiếu 23.23).
3. Nếu đây là một cuộc tranh luận theo lôgic, phần bàn bạc tiếp theo của Chúa Giêxu được rút ra từ Kinh thánh. Ngài phán: "Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì". Đây là một mệnh đề có tính sĩ nhục vì người Pharisi cho rằng họ vốn biết câu ấy có nghĩa gì rồi.
4. Chúa Giêxu trưng dẫn từ Ôsê 6.6: "Vì ta ưa sự nhơn từ và không ưa của lễ, ưa sự nhận biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu". Chúa Giêxu đang nói rằng còn hơn cả việc tuân giữ tất cả mọi luật lệ trong luật pháp, họ cần phải có lòng quan tâm cùng với sự thương xót, và tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời.
5. Chúa Giêxu cũng phán: "Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội". Ngài không đến vì cớ người tự xưng công bình, là người nghĩ mình là tốt đủ đẹp lòng Đức Chúa Trời theo công trạng riêng của họ. Ngài đã đến vì cớ những kẻ nhìn biết tội lỗi của họ và sẵn sàng chịu “ăn năn”.
E. Vì vậy chúng ta thường lấy làm vui mừng khi có người được cứu cho đến chừng nào họ trông giống, nói năng giống và hành động giống như chúng ta.
1. Có bao nhiêu người trong chúng ta có thứ tình cảm dành cho những bà mẹ chưa có chồng được hưởng trợ cấp phúc lợi?... cho những kẻ nghiện rượu?... cho những kẻ nghiện ma túy?... cho hạng đĩ điếm?... cho những kẻ đồng tính luyến ái?...cho số người hành nghề vũ thoát y?... cho các bác sĩ và y tá đang giết chết những trẻ sơ sinh qua sự phá thai?... Chúa Giêxu vốn yêu thương họ!
2. Bạn cảm thấy thế nào nếu bạn bước vào ngôi nhà thờ nầy hôm nay rồi nhìn thấy hạng người thể ấy? Hãy nhìn nhận đi... họ có làm cho bạn lên thần kinh không!?! Một số người trong chúng ta sẽ nghĩ: "Họ không thuộc về chỗ nầy". Tuy nhiên, Chúa Giêxu sẽ phán rằng họ sẽ thuộc về chỗ nầy, còn cao tột hơn tất cả những hạng người khác nữa đấy!
3. Hỡi Hội thánh, chúng ta cần có một tình yêu rộng rời hơn dành cho kẻ không đáng được yêu. Chúng ta cần một gánh nặng cho thành phố nầy. Chúng ta cần mượn lời cầu nguyện của Bob Pierce, nhà sáng lập Hội Hoàn Cầu Khải Tượng: "Hãy khiến cho lòng tôi tan vỡ bởi những việc làm tan nát tấm lòng của Đức Chúa Trời".
George MacLeod nói rất rõ khi ông viết: "Tôi muốn nói rằng thập tự giá cần phải dựng lên một lần nữa tại trung tâm khu chợ cũng như trên nóc chuông nhà thờ, tôi muốn lặp lại lời xưng nhận rằng Chúa Giêxu không bị đóng đinh trên thập tự giá trong ngôi thánh đường giữa hai cây nến: Mà trên một cây thập tự giữa hai tên cướp; trên một đống rác của thành phố; Ở chỗ gặp gỡ của các nhà chính trị trên toàn thế giới họ đã viết tước phẩm của Ngài bằng tiếng Hêbơrơ, bằng tiếng latinh và bằng tiếng Hy lạp... Rồi ở chỗ mà kẻ hoài nghi ngồi ăn tục nói phét, những tên cướp rủa sả, và mấy tên lính bóc thăm chia chác. Vì đó là chỗ Ngài chịu chết, và đó là những gì Ngài đã chịu chết thay cho. Và đấy là chỗ mà người của Đấng Christ phải chết, và đấy là chỗ mà người của Hội thánh phải chịu chết".
III. CHÚA GIÊXU BỊ PHÊ PHÁN VÌ SỰ Ngài TRÁNH NÉ LỜI TRUYỀN KHẨU (các câu 14-17).
A. Người theo truyền khẩu thắc mắc Chúa Giêxu (câu 14).
1. Giăng Báp tít là người tiền khu của Chúa Giêxu lo dọn đường cho Chúa. Ông đã nói trong Giăng 3.30: "Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống".
2. Khi Giăng bị bỏ tù, phần nhiều các môn đồ của ông đã đi theo Chúa Giêxu (đối chiếu 11.2-6). Tuy nhiên, cũng có một số người không đi theo. Họ đã đi theo người Pharisi.
3. “Các môn đồ của Giăng” nầy có lòng quan tâm vì Chúa Giêxu không tuân giữ những lời truyền khẩu của người Do thái. Họ hỏi: "Cớ sao chúng tôi và những người Pharisi kiêng ăn, còn môn đồ thầy không kiêng ăn?" Cựu ước dạy rằng người Do thái chỉ kiêng ăn một năm một lần (Lêvi ký 16.29, 31) còn người Pharisi đã phát triển lời truyền khẩu nói tới sự kiêng ăn một tuần lễ hai lần.
4. Họ muốn biết lý do tại sao Chúa Giêxu không giữ những lời truyền khẩu do con người lập ra.
B. Chúa Giêxu trả lời với thí dụ nhỏ nói tới chàng rễ (câu 15). Ngài mô tả một đám cưới của người Do thái. Các môn đồ Ngài không "buồn rầu" vì Ngài đương còn ở với họ. Không bao lâu nữa, Ngài sẽ bị "đem đi khỏi", điều nầy có ý nói tới sự Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.
C. Chúa Giêxu trả lời với các thí dụ nhỏ nói tới việc vá miếng nỉ mới vào chiếc áo cũ và rượu cũ chứa trong bầu da cũ (các câu 16-17).
1. Kế đó Chúa Giêxu phán: "Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ". Cái áo trong thời đó chủ yếu là bằng len hay bằng vải lanh bị rút lại khi đem giặt. Khi việc nầy xảy ra: "miếng nỉ mới sẽ chẳng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn".
2. Tương tự như thế, trong câu 17 Chúa Giêxu phán rằng không ai "đổ rượu mới vào bầu da cũ". Rượu chưa lên men thường được đặt trong cái túi làm bằng da dê. Khi rượu tới tuổi rồi lên men, hơi gas nở rộng và bầu da phải chai cứng đi, cuối cùng trở nên giòn và dễ vỡ. Nếu bạn đổ "rượu mới" vào bầu da cũ, trạng thái lên men sẽ làm cho nó "nứt ra”. Kết quả "rượu mới" luôn luôn được đổ vào “bầu da mới”.
3. “Áo cũ” và "bầu da cũ" không phải là luật pháp (đối chiếu 5.17), thay vì thế, chúng là những lời truyền khẩu của người dòng Pharisi.
D. Một số Cơ đốc nhân rất mệt mõi vì những lời truyền khẩu của họ, họ không thể vận dụng được "rượu mới" của Đức Chúa Giêxu Christ. Họ sẽ không bao giờ biết được quyền phép của Đức Chúa Trời. Chúng ta không nên hy sinh Lời Đức Chúa Trời hay sự dẫn dắt của Thánh Linh Đức Chúa Trời để lấy những lời truyền khẩu do con người lập nên.
PHẦN KẾT LUẬN: Ở phần đầu của sứ điệp nầy, chúng ta đã duy gẫm về việc sẽ ra sao nếu Chúa Giêxu có mặt ở đây trong thời đại và trong xã hội của chúng ta. Đừng quên sự kiện nầy, CHÚA GIÊXU ĐANG HIỆN HỮU Ở ĐÂY trong thời đại và trong xã hội của chúng ta. Các thắc mắc cách đây 2000 năm cũng y như thế cho hôm nay. Thứ nhứt: "Bạn có tin rằng Ngài là Con của Đức Chúa Trời không?" Thứ hai: "Nếu bạn tin, bạn bằng lòng làm gì cho niềm tin đó?"
A. Bạn có bằng lòng sống giống như mấy người bạn của kẻ đau bại kia, dâng hiến mọi sự và làm bất cứ điều chi cần thiết để đưa người ta đến với Ngài không?
B. Bạn có bằng lòng rời bỏ khu vực an nhàn của mình để đến với những kẻ đang sống khác biệt với bạn bằng sứ điệp hy vọng và yêu thương không?
C. Bạn có bằng lòng gạt qua một bên những năm tháng của đường lối sống theo tập quán và lời truyền khẩu hầu kinh nghiệm thực sự quyền phép của Đức Chúa Trời và sự xức dầu của Đức Thánh Linh khi Ngài kêu gọi một thế hệ mới những người tin đến với chính mình Ngài không?
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét