Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 8.1-17: "Quyền phép vô hạn của Chúa Giêxu"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Quyền phép vô hạn của Chúa Giêxu
Mathiơ 8.1-17
1. Tôi thích các phép lạ của Chúa Giêxu. Mỗi lần tôi đọc những truyện tích tin lành nói tới cách Ngài chìa tay ra chạm đến người què, kẻ mù, người có bịnh, kẻ đang hấp hối và người chết, tôi rất cảm động. Các phép lạ là phần ưa thích nhất của tôi trong các bối cảnh lịch sử của Kinh Thánh.
A. Các phép lạ chỉ ra cách Chúa Giêxu làm thay đổi nhiều đời sống. Một người bị mù từ thuở sanh ra đột nhiên nhìn thấy được. Một người đờn bà bị bịnh ngặt nghèo trong 12 năm, bà ta đã tiêu pha bao nhiêu tiền tiết kiệm của mình vào hết chuyên gia nầy đến chuyên gia khác đã được chữa lành bởi cái chạm vào áo xống của Ngài. Một bà goá thật buồn thảm trong đám rước tang chế kia nhìn thấy con trai mình đã chết bật sống lại bởi lời phán của Ngài.
B. Các phép lạ bày tỏ ra tình yêu thương và sự thương xót của Chúa Giêxu. Tôi tưởng tượng ra ánh mắt của Ngài khi Ngài phán với hai vợ chồng kia rằng đứa con gái của họ không phải chết mà là ngủ. Tôi tin Ngài đã bật cười thật vui khi một người què được dòng xuống từ ngả mái nhà bật đứng dậy và nhảy múa, vác lấy giường mình mà trở về nhà! Chúa Giêxu đã yêu thương những người nầy dường bao. Nỗi đau khổ của họ cũng là nỗi đau khổ của Ngài!
C. Các phép lạ đang phô bày ra quyền phép đáng sợ, vô hạn của Chúa Giêxu. Với một lời nói, Ngài quở biển đang gầm rống, bão tố phải im lặng. Với một cái chạm, ánh sáng liền chiếu vào đôi mắt từng chỉ có bóng tối ở đó mà thôi. Trong sự hiện diện của Ngài mọi quyền lực của ma quỉ ở địa ngục đều run rẩy.
2. Chương 8 bắt đầu chỗ chương 4 chừa lại... với các phép lạ của Chúa Giêxu. Hãy cùng xem với tôi 4.23-25. Các chương 5-7 là phần ở trong dấu ngoặc đơn chứa Bài Giảng Trên Núi.
3. Trong phân đoạn kế tiếp nầy, các chương 8-9, Mathiơ ghi lại cho chúng ta chín phép lạ. Thật là quan trọng khi nhớ rằng Đức Thánh Linh đã hướng dẫn Mathiơ chọn lấy chín trong số hàng trăm phép lạ như thế nầy, có lẽ hàng trăm phép lạ do Chúa Giêxu làm ra trong suốt ba năm rưỡi chức vụ của Ngài. Sứ đồ Giăng kết luận câu chuyện ông viết về đời sống của Chúa Giêxu bằng câu nói ở Giăng 21.25: “Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy”.
4. Thế giới của con người sống ở xứ Palestine trong thời Chúa Giêxu không có một thứ gì hết thậm chí sự chăm sóc y tế cơ bản nhất cũng không có. Bịnh tật thì lan tràn. Nếu có người sống qua cơn bạo bịnh, sở dĩ được như thế là vì sự lây nhiễm đã chạy theo con đường của nó. Thường thì kẻ mắc bịnh hay bị thương tật. Khắp nơi nơi người ta đi, đâu cũng có người bị sẹo, biến dạng, què, mù và nhiều chứng tật khác nữa. Cho nên chẳng có gì lạ lùng khi tấm lòng của Chúa Giêxu đã hướng vào hạng người cùng khổ nầy.
5. Tại sao Đức Thánh Linh cảm thúc Mathiơ và các trước giả khác nhắc tới họ trong Kinh Thánh? Câu trả lời rất là đơn giản. Các phép lạ mà Chúa Giêxu đã tỏ ra quyền phép vô hạn của Ngài, khẳng định thần tính của Ngài và sự Ngài tuyên xưng mình là Đấng Mêsi, là Con Đức Chúa Trời.
6. Từ bốn phép lạ nầy, chúng ta sẽ tiếp thu bốn phương thức trong đó quyền phép của Chúa Giêxu hiện hữu không giới hạn.
I. Quyền phép của Chúa Giêxu không bị hạn chế bởi lòng thương xót (các câu 1-4).
A. Một người phung đến gần Chúa Giêxu (các câu 1-2a).
1. Chúng ta vừa hoàn tất Bài Giảng Trên Núi. 7.28-29 mô tả thể nào dân chúng "lấy đạo Ngài làm lạ". Ngài không làm cho họ phải ngủ mê nhưng thách thức họ. “Vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo”. Họ đã nghe Chúa Giêxu rao giảng với thẩm quyền hay uy quyền và bây giờ họ nhìn thấy Ngài hành động với uy quyền!
2. Sau khi hoàn tất bài giảng của mình, “Ngài ở trên núi xuống". Khi Ngài xuống rồi: "có đoàn dân đông lắm theo Ngài". Thường thì khi dân chúng tham dự vào các sự cố gây hứng thú cao, họ không muốn rời khỏi đó. Họ muốn gặp diễn giả, người chơi nhạc, hoặc người quản trò. Họ muốn một "kéo sang màn khác”. Khi sứ điệp kết thúc rồi, Chúa Giêxu đã có hàng trăm, có lẽ là hàng ngàn người kêu gào đòi Ngài phải chú ý tới họ.
3. Tôi có thể tưởng tượng các môn đồ đang hành động giống như những người bảo vệ, họ đứng bao xung quanh Chúa Giêxu khi Ngài đi xuyên qua đám đông người. Đột nhiên, đoàn dân đông chia ra làm hai giống như Biển Đỏ vậy, họ há hốc miệng vì kinh ngạc và đứng lui lại, té ngã lên nhau trong hoảng loạn. Từ giữa sự hỗn loạn nầy có một “người phung” đang bước tới.
4. Bịnh phung, ngày nay người ta nhận biết đó là bịnh Hansen là một chứng bịnh đáng sợ nhất trong thời buổi ấy. Bịnh nầy lây nhiễm rất cao và có thể lan rộng bởi vi trùng trong không khí. Trong quyển “Ô uế! Ô uế!” (Unclean! Unclean!), L.S. Huizenga viết:
“Chứng bịnh mà ngày nay chúng ta gọi là bịnh phung nói chung bắt đầu với nỗi đau nhức ở các phạm vi nhứt định của cơ thể. Tình trạng tê liệt nối theo sau. Không lâu sau đó da ở những chỗ đó mất đi màu sắc của nó. Nó mỏng dần đi, bóng láng, và như có vảy cá vậy... Khi bịnh trạng tiến triển, những chỗ da mỏng đó trở nên bẩn thỉu nhức nhối và lở loét có rỉ máu. Phần da, đặc biệt quanh con mắt và lỗ tai bắt đầu tụm lại thành vết nhăn lõm sâu giữa các chỗ sưng, rồi gương mặt của người bịnh bắt đầu giống như mặt của con sư tử. Những ngón tay teo lại từ từ hay rỏ nước; mấy ngón chân cũng bị ảnh hưởng tương tự. Hai đường chân mày và lông mi rụng mất. Đến thời điểm nầy một người có thể nhìn thấy nhân vật đang ở trong tình trạng đáng thương như thế là một người phung. Bởi cái chạm của ngón tay người ta cũng có thể cảm nhận được căn bịnh ấy. Một người có thể ngửi được chứng bịnh đó, vì người phung toả ra một mùi rất khó chịu. Hơn nữa, khi quan sát thì thấy tác nhân tạo ra chứng bịnh cũng thường tấn công thanh quản, giọng nói của người phung cũng nghe thấy rất là khó chịu. Cổ họng của người trở nên khàn khàn, và giờ đây quí vị có thể không những nhìn thấy, cảm biết, và ngửi thấy người phung, mà quí vị còn nghe thấy giọng nói khàn khàn của người nữa. Và nếu quí vị ở lại với người trong một lúc, quí vị có thể tưởng tượng một mùi vị thật kỳ cục nơi miệng của mình có lẽ thích ứng với mùi hôi thối đó”.
5. Không có phương thuốc chữa nào hết. Theo luật Cựu ước, thầy tế lễ tuyên bố nạn nhân là một người phung và người nầy sẽ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng. Họ thường bị đánh đập rất nghiệt ngã mới đưa họ ra khỏi gia đình được. Họ không thể đến gần bất kỳ một người thanh sạch nào. Sự tiếp xúc về mặt con người đối với họ chính là sự tiếp xúc với những người phung khác.
6. Đây là phần tiểu sử khủng khiếp của nhân vật đã chạy đến với Chúa Giêxu trên đường. Thầy tế lễ đã đuổi ông ta đi, nhưng Chúa Giêxu lại đưa người quay trở lại. Đoàn dân đông chẳng thấy hy vọng gì nơi người nầy. Họ đã đứng lui lại trong sự hốt hoảng. Còn Chúa Giêxu thì yêu thương người.
B. Chúa Giêxu bị người phung chất vấn (câu 2b).
1. Hãy chú ý trước khi nói ra câu nói ấy, người phung đã "lạy" Chúa Giêxu. Tôi tưởng tượng ông ta đang úp mặt xuống đất trước mặt Chúa. Có lẽ ông ta đã nghe sứ điệp từ một khoảng xa xa. Có lẽ ông ta đã nghe nói rằng Chúa Giêxu đã chữa lành các thứ bịnh tật khác. Ông ta đã tin theo Chúa Giêxu. Ông ta vốn biết rõ Ngài chính là Con toàn năng của Đức Chúa Trời.
2. Hãy chú ý câu nói của ông ta: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được”. Ông ta đã gọi Ngài là "Chúa", ông ta vốn biết rõ Ngài là ai rồi! Ông ta không hồ nghi về thẩm quyền của Chúa Giêxu. Ông ta không hồ nghi về quyền phép của Chúa Giêxu. Thắc mắc duy nhất của ông ta là sự thương xót của Chúa Giêxu. Ấy không phải Chúa Giêxu có thể chữa lành cho ông ta, mà Chúa Giêxu sẽ chữa lành cho ông ta hay không mà thôi!
3. Các thầy tế lễ đã đuổi người nầy ra khỏi gia đình của ông ta. Ông ta không thể đến tại nhà hội được, cũng không thể vào trong thành thánh và đến đền thờ được. Ông ta biết rõ cách mà người Pharisi và thầy tế lễ nhận ra ông ta. Ông ta muốn biết Chúa Giêxu có “khứng” hay không , không biết Ngài có chịu thương xót hay không nữa.
C. Chúa Giêxu đáp ứng với người phung (các câu 3-4).
1. Đừng bỏ qua phần đầu của câu 3, “Đức Chúa Jêsus giơ tay rờ người”. Chưa có ai từng làm như thế cả. Người ta luôn tránh né khỏi ông ta. Có người đã ném đá vào ông ta để giữ khoảng cách với ông ta, nhưng chưa từng có ai dám chạm đến ông ta.
2. Quí vị có nghe thấy đám đông há hốc miệng vì kinh ngạc khi Chúa Giêxu chìa tay ra rờ đến da lở loét của người bịnh nầy không? Chắc họ đã nghĩ: "Sao ông ta dám tiếp xúc với căn bịnh ấy từ người phung nầy?"
3. Tôi tưởng tượng Chúa Giêxu đang khom người xuống, nâng cằm của người nầy lên, trìu mến nhìn thẳng vào mắt của ông ta rồi nói: "Ta khứng, hãy sạch đi".
4. Hãy chú ý mệnh đề kế tiếp: "Tức thì người phung được sạch". Khi Chúa Giêxu giúp người nầy đứng dậy, ông ta đã nhìn xuống rồi thấy rõ da mình đã được sạch, mấy ngón tay và ngón chân đều y nguyên trở lại, ông ta đã được chữa lành!
5. Chúa Giêxu bảo ông ta đừng nói cho ai biết. Vì một lý do nào đó, Ngài chưa hẳn lộ diện ra trước vùng ánh sáng. Tuy nhiên, Ngài muốn người phung phải làm theo những điều đã được kê ra trong luật Môise, phải đi tỏ mình cùng thầy tế lễ để "làm chứng cho họ".
D. Chúa Giêxu vẫn còn đáp ứng với lòng thương xót.
1. Quí vị không phải là một người phung, nhưng quí vị là một tội nhân. Giống như bịnh phung, tội lỗi là một căn bịnh đang lan khắp đời sống của quí vị. Quí vị không thể làm gì được với căn bịnh ấy, nhưng Chúa Giêxu thì có thể!
2. Vô luận tình trạng của quí vị có là gì đi nữa, nếu quí vị trở nên giống như người phung đó, hãy đến với Chúa Giêxu trong sự tin cậy, tôn kính, hạ mình, và đức tin, Ngài sẽ chữa lành cho quí vị ngay.
II. Quyền phép của Chúa Giêxu không bị hạn chế bởi thời gian và không gian (các câu 5-13).
A. Lời nài xin của viên thầy đội (các câu 5-7).
1. Có lẽ chính ngày ấy, Chúa Giêxu “đã vào thành Cabênaum" , thành nầy lúc bấy giờ là một ngôi làng giàu có bên bờ biển Galilê, là quê hương của Phierơ và Anhrê.
2. Khi Ngài đã vào trong thành nầy rồi, "một thầy đội" đã đến cùng Ngài. "Thầy đội" là một viên quan trong quân đội La mã, là người chỉ huy hơn 100 lính. Không có chút hồ nghi nào, người nầy là một người dân Ngoại, ông ta phục vụ trong đội quân chiếm đóng đồn trú tại Israel. Ông ta đã bị thù ghét, bị xem khinh, và bị người Do thái ghê sợ.
3. Trong một phân đoạn tương ứng ở Luca 7.1-10, dường như nhân vật nầy đã đến cùng Chúa Giêxu qua các trung gian người Do thái. Tuy nhiên, ông ta đã đến, ông ta đã đến “xin” hay khẩn khoản xin Chúa Giêxu.
4. Ông ta nói: "Lạy Chúa, đứa đầy tớ tôi mắc bịnh bại, nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm". Từ ngữ nói đến "đứa đầy tớ" ở đây sát nghĩa có ý nói tới một đứa trẻ. Có lẽ nó là đứa con của một tên tôi tớ ở trong nhà của ông ta.
5. Người La mã thường nghiệt ngã với hàng tôi tớ của họ và rất ít quan tâm đến họ, trừ phi giá trị và khả năng làm việc của họ. Viên thầy đội nầy dường như rất khác biệt. Mặc dù ông ta là một người lính trừ bị, một cựu chiến binh, tình cảm của ông ta dành cho con cái hàng nô lệ như thế nầy là quá rõ rệt.
6. Hãy lưu ý rằng ông ta không xin Chúa Giêxu đến với đứa trẻ. Ông ta nói rõ nan đề. Chúa Giêxu đáp ứng nhanh chóng: "Ta sẽ đến, chữa cho nó được lành”.
B. Đức tin của viên thầy đội (các câu 8-9).
1. Có lẽ sở dĩ như vậy là vì ông ta không muốn làm phiền Chúa Giêxu, hay khiến cho Chúa bị ô uế về mặt nghi thức do việc vào nhà của người dân Ngoại, nhưng ông ta nói: "Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà". Giống như người phung kia, ông ta đã tỏ ra sự tôn kính và sự hạ mình rất cao.
2. Hãy chú ý cả hai lần viên thầy đội nói chuyện với Chúa Giêxu, trong các câu 6 & 8, ông ta đã gọi Ngài là "Chúa". Đây không phải là xã giao xuông đâu! Tước hiệu "Chúa" đề cập tới Đấng đang tể trị hay một ông chủ. Người nầy đã công nhận Chúa Giêxu là Con của Đức Chúa Trời.
3. Sau khi nhìn biết và hiểu rõ một việc, ấy là uy quyền vô hạn của Chúa Giêxu, ông ta nói: "xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành”. Ông ta đã nhìn nhận quyền phép của Chúa Giêxu không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Ông ta vốn biết rõ Chúa Giêxu sẽ chữa lành và ông ta tin Chúa Giêxu sẽ chữa lành bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào.
4. Nền tảng cho niềm tin của ông ta nằm trong câu 9, ông ta nói: "Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi! thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! thì nó làm”.
a. Là kẻ có người "dưới quyền", ông ta có thể khiến lính tráng và nô lệ của mình làm bất cứ điều chi ông muốn chỉ bằng cách ra lịnh cho họ mà thôi.
b. Ông ta lý luận rằng Chúa Giêxu là "Chúa" và có uy quyền cao tột hơn ông ta nhiều. Nếu ông ta với uy quyền có hạn, có thể đưa ra lịnh lạc và ý chỉ ông ta sẽ được thực hiện, còn Chúa Giêxu chỉ với một lời thôi sẽ có hiệu quả còn nhiều hơn nữa!
C. Khoái lạc của Chúa Giêxu (các câu 10-13).
1. Là Đức Chúa Trời toàn tri trong một thân thể của con người, Chúa Giêxu biết rõ mọi tấm lòng của con người, nhưng trong nhân tính của Ngài, Ngài đã "lấy làm lạ". Ngài phán với những người Do thái đứng vây quanh Ngài: “Ta chưa hề thấy ai trong dân Ysơraên có đức tin lớn dường ấy”. Có nhiều người Do thái tin vào quyền phép của Ngài, thế nhưng không giống với viên thầy đội người La mã nầy.
2. Chúa Giêxu tiếp tục dạy rằng viên thầy đội La mã không phải là một mình trong đức tin của ông ta đâu! Ngài phán: "có nhiều người từ đông phương, tây phương sẽ đến" có ý nói tới các dân Ngoại. Họ sẽ: "ngồi đồng bàn với Ápraham, Ysác và Giacốp trong nước thiên đàng”. Ngài cũng phán rằng có nhiều "con bổn quốc”, là người Do thái sẽ bị "liệng ra chốn tối tăm ở ngoài" ở đó có "khóc lóc và nghiến răng".
3. Sự cứu rỗi không nhằm vào con cái của Ápraham, mà nhắm vào việc tin theo Đức Chúa Giêxu Christ. Roma 4.3 chép: "Ápraham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người”.
4. Chúa Giêxu đã nhìn viên thầy đội La mã với một nụ cười trên gương mặt Ngài và một ánh mắt sáng khi phán: "Hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy”. Mathiơ nói thêm rằng tên đầy tớ đã “được lành, chính trong giờ đó".
D. Quyền phép của Chúa Giêxu vẫn không bị giới hạn bởi thời gian và không gian.
1. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là toàn tại. Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi. Ngài là ubiquitous nghĩa là Ngài đồng hiện diện ở khắp mọi nơi.
2. Do quyền phép vô hạn nầy, chúng ta có thể cầu thay cho ai đó ở mặt bên kia của thế giới và Đức Chúa Trời Ngài lắng nghe và đáp trả. Chúng ta có thể cầu thay cho việc chi đó ngay bây giờ và sau đó Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng.
III. Quyền phép của Chúa Giêxu không bị giới hạn đối với tha nhân (các câu 14-15).
A. Chúa Giêxu chữa lành cho bà gia của Phierơ (các câu 14-15).
1. Có lẽ vào cuối bữa trưa ngày đó, Chúa Giêxu "vào nhà Phierơ" trong thành Cabênaum. Mác thuật lại cho chúng ta biết Ngài đã vào nhà với Phierơ, Anhrê, Giacơ và Giăng.
2. Khi bước vào nhà, họ mới thấy mẹ vợ của Phierơ bị "đau rét". Sự thật là bà đang nằm ở đó, không thể chổi dậy, cho thấy bà bịnh nặng lắm. Cơn “rét” của bà không được xử lý bằng aspirin hay thuốc kháng sinh. Trong thời buổi đó, bịnh tật như vậy có thể đe doạ mạng sống.
3. Chúa Giêxu bước lại gần người bịnh và "rờ tay" bà giống như quí vị cầm tay của người bạn đang nằm viện vậy. Ngay chính giây phút đó, "rét liền mất đi".
4. Hãy chú ý sau khi bà khoẻ trở lại, bà đã "đứng dậy giúp việc hầu Ngài". Phút nầy, bà đang nằm trên giường đau rét, qua phút sau bà đang có mặt ở trong bếp lui cui nấu món thịt hầm rồi!
B. Quyền phép của Chúa Giêxu không chỉ dành cho tha nhân.
1. Thường thì trong chúng ta, những người đang nắm chức vụ, có xu hướng phục vụ cho các nhu cần của mọi người trừ ra gia đình của chính chúng ta. Tôi đã nhìn thấy có người đã bị hất hủi vì Mục sư/cha của mình đã dành thì giờ cho mọi người trừ ra anh ta.
2. Không những đấy là thực trong các gia đình của Mục sư, mà còn thực trong các gia đình Cơ đốc nữa. Các thành viên trong gia đình bị đặt vào thứ tự ưu tiên “chót”.
3. Nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta sẽ bắt đầu suy nghĩ rằng Đức Chúa Trời giống như một người cha không lưu tâm. Không phải như vậy đâu. Quyền phép của Ngài không những hướng vào tha nhân, mà quyền phép ấy cũng dành cho quí vị nữa đấy.
4. Chúa Giêxu có quyền phép và lòng thương xót chữa lành cho một người phung và tôi tớ của viên thầy đội La mã. Ngài cũng có thì giờ để chữa lành cho một người trong gia đình của các môn đồ Ngài.
5. Đôi khi chúng ta đến với Hội Thánh và nghe những điều Đức Chúa Trời đang thực thi ở khắp mọi nơi và chúng ta nghĩ Ngài không hiện diện ở đây với chúng ta. Ngài đang hiện diện ở đây! Ngài có nhiều chương trình lớn lao dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ nên tin cậy nơi Ngài mà thôi!
6. Đôi khi chúng ta nghe nhiều điều kỳ diệu mà Đức Chúa Trời đang làm trong đời sống của nhiều người khác. Thậm chí chúng ta lấy làm ganh tỵ vì đời sống chúng ta dường như quyền phép ấy chẳng đụng đến được. Đừng thối lui. Hãy hướng vào Ngài. Hãy xưng ra tội lỗi của quí vị. Ngài đang ở gần y như những lời cầu nguyện của quí vị đấy!
IV. Quyền phép của Chúa Giêxu không bị giới hạn ở một ít người (các câu 16-17).
A. Chúa Giêxu chữa lành cho đoàn dân đông (các câu 16-17).
1. Mathiơ cho biết "đến chiều", có lẽ sau buổi ăn chiều khi cả thành Cabênaum theo sát bước chân của Phierơ.
2. Người ta "đem cho Đức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh".
3. Quí vị có thể hình dung ra bối cảnh ấy chăng? Chúa Giêxu ngồi ngay thềm của ngôi nhà, một đám dân đông bao phủ toàn bộ mặt tiền sân. Từng người bịnh, đau khổ trong thành có mặt ở đó với những người thân và bạn hữu. Từng người một, xếp hàng dài trong bóng đêm, Chúa Giêxu gặp gỡ và chữa lành cho từng người một.
4. Mathiơ nhắc cho chúng ta nhớ rằng chức vụ chữa lành bằng phép lạ của Chúa Giêxu đã làm ứng nghiệm một lời tiên tri nói về Đấng Mêsi trong Êsai 53.4: "Chính NGÀI đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta”.
B. Quyền phép của Chúa Giêxu không phải chỉ dành cho một ít người.
1. Có nhiều người trong Cơ đốc giáo tin rằng Chúa Giêxu đã đến chỉ vì họ hay họ là nhóm duy nhất thực sự đang làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn họ nhóm lại. Thái độ duy nhất nầy đang thịnh hành trong nhiều Hội Thánh. Sự nầy như muốn nói: "Nếu quí vị không tin mọi sự đúng y như chúng tôi tin thì Đức Chúa Trời sẽ không chúc phước cho đời sống hay chức vụ của quí vị".
2. Phierơ cùng các môn đồ khác đã bị cám dỗ khi có một tâm tình thiển cận mà tự mãn như thế nầy. Họ tưởng rằng họ có Chúa Giêxu làm mọi sự dành cho họ. Nếu họ nghĩ thế, Chúa Giêxu đã dạy họ một bài học rất có giá trị. Ngài không những chữa lành cho bà gia Phierơ. Ngài đã chữa lành cho mọi người trong thành phố.
3. Chúng ta cần phải nhớ rằng tình yêu và quyền phép của Đức Chúa Trời không những dành cho quí vị và tôi, mà còn dành cho cả thế giới nữa đấy!
Longfellow có thể lấy một mãnh giấy vô giá trị, viết lên đó một bài thơ, rồi ngay lập tức biến nó ra có giá trị hàng ngàn đô la – và người ta gọi đấy là thiên tài. Rockefeller có thể ký tên ông lên mãnh giấy rồi khiến nó ra có giá trị thành hàng triệu đô la – và người ta gọi đó là sự giàu có. Một người thợ máy có thể lấy vật liệu có giá trị bằng 5 đô la rồi biến nó ra có giá trị 500 đô la – và người ta gọi đó là tài khéo. Một hoạ sĩ có thể lấy một tấm vải bạt đáng giá 50 xu rồi vẽ lên đấy một bức tranh, rồi biến tấm bạt đó ra có giá trị hàng ngàn đô la – và người ta gọi đó là nghệ thuật. Chúa Giêxu có thể lấy một đời sống vô giá trị, tội lỗi, tẩy rửa đời sống ấy bằng huyết của Ngài, đặt Thánh Linh Ngài vào trong người ấy, rồi biến đời sống đó ra có giá trị cho Đức Chúa Trời – và người ta gọi đó là sự cứu rỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét