Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Mathiơ 8.25-34: "Thắng hơn bóng tối tăm"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Thắng hơn bóng tối tăm
Mathiơ 8.25-34
1. Kể từ buổi bình minh của cuộc sáng tạo, một cuộc chiến lớn lao đã diễn ra thật khốc liệt... Đó là cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa sáng và tối, giữa đúng và sai, giữa công bình và tội lỗi. Đó là cuộc chiến giữa thiên đàng và địa ngục... giữa Đức Chúa Trời Toàn Năng và, Đấng Dựng Nên vũ trụ và chúa của những lãnh vực tăm tối của địa ngục, là Satan.
2. Đức Chúa Trời và Satan không luôn luôn có mặt trong cuộc chiến. Thực ra, có một thời gian, khi Satan, lúc ấy được gọi là Lucifer, là một trong những thiên sứ mạnh sức nhất của Đức Chúa Trời. Êxêchiên 28 và Êsai 14 ghi lại thể nào thay vì phục sự Đấng Tạo Hoá của mình, Lucifer đã dấy lên với sự kiêu ngạo tự dối mình khi hắn lãnh đạo một cuộc nổi loạn chống lại ngôi của Đức Chúa Trời, dẫn theo một phần ba thiên binh thiên sứ đi theo hắn. Trong sự xét đoán, Đức Chúa Trời đã đuổi họ ra khỏi thiên đàng. Họ đi tìm một chỗ ở mới trên hành tinh quả đất. Từ khi xảy ra vụ Vườn Êđen, Satan cùng các thiên sứ sa ngã kia, giờ đây chúng ta gọi họ là ma quỉ đã hành hại con người, là loài thọ tạo cao trọng nhất của Đức Chúa Trời.
3. Cuộc chiến đang diễn ra thật ác liệt. Mỗi ngày, khắp mọi nơi quanh chúng ta, chúng ta đang nhìn thấy những kết quả của cuộc chiến lớn lao nầy. Tôi nhìn thấy nó mỗi buổi sáng khi tôi đọc thấy những tít quan trọng trên báo chí. Tôi nhìn thấy nó trên từng bối cảnh chiếu ra trên màn hình TV. Tôi nhìn thấy nó khi tôi lái xe trên các đường phố của chúng ta. Nó làm cho tôi phải nổi giận dữ khi tôi nghe nói một bé gái bị lạm dụng tình dục, một nhân viên siêu thị bị bắn chết, một người chồng và một người cha bỏ vợ con mình lại vì ham vui với một người đờn bà sẽ bỏ ông ta để đi tìm một người đờn ông khác. Tôi cảm thấy những tác dụng của cuộc chiến nầy khi tôi khoá cửa nhà lúc ban đêm, khi tôi cầu nguyện bên giường của mấy đứa con tôi, chúng đang ngủ, khi tôi lo lắng về sự an ninh của vợ tôi.
4. Quí vị có để ý tới tính chất khốc liệt của cuộc chiến nầy không? Quí vị có để ý thấy điều ác dường như ngày càng mạnh thêm với từng năm tháng trôi qua không? Chúng ta trông mong một thời điểm tốt đẹp hơn, dịu dàng hơn... một kỹ nguyên khi quí vị ra khỏi nhà mà không cần khoá trái cửa lại, khi chẳng còn có ai sử dụng ma túy hay chẳng còn có những bức tường đầy chữ viết của từng băng nhóm du đảng nữa, khi lũ trẻ sẽ đến trường và vui đùa trong các công viên với sự an toàn tuyệt đối. Giống như những kẻ than khóc trong các đám tang, chúng ta buồn rầu với sự trôi đi của thời gian.
5. Tại sao điều ác bùng lên dữ dội như thế? Đức Chúa Trời lẽ nào lại thua trong cuộc chiến đó sao? Không. Trong cuộc đời của Đấng Christ, đã có một sự bộc phát lớn lao về hoạt động của ma quỉ. Quí vị đọc nhiều về ma quỉ trong mối quan hệ với chức vụ của Chúa Giêxu hơn bất cứ đâu khác trong Kinh Thánh. Trong sự hiện diện của Con Đức Chúa Trời, chúng xuất hiện gây xáo trộn luôn. Tôi tin rằng vì chúng ta đang sống trong những ngày sau rốt, khi Chúa Giêxu không bao lâu nữa sẽ tái lâm, ma quỉ sẽ mở hết âm lượng của chúng. Trong II Timôthê 3.1, Phaolô đã nói tiên tri: "Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn”.
6. Đấy là những tin xấu. Giờ đây hãy lắng nghe những tin tốt lành. Hôm nay chúng ta sẽ học biết Chúa Giêxu có quyền phép thắng hơn mọi quyền phép của địa ngục kết hợp lại! 1 Giăng 4.4 chép: "Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian".
7. Khi chúng ta xem xét vấn đề nầy và tiếp thu vài bài học quan trọng, hãy nhớ 1 Giăng 3.8: "Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ".
I. Sự ám của ma quỉ (các câu 28-31).
A. Nội dung câu chuyện quỉ ám (câu 28a).
1. Đây là lúc sớm sủa trong chức vụ của Chúa Giêxu. Ngài đã làm ra nhiều phép lạ và rao giảng Bài Giảng Trên Núi. Để tránh né "đoàn dân đông", câu 18 nói rằng Ngài và các môn đồ của Ngài lên một chiếc thuyền qua bờ bên kia Biển Galilê.
2. Trong câu 28, Mathiơ cho chúng ta biết rằng Chúa Giêxu "đã qua bờ bên kia" của Biển Galilê rồi. Có lẽ khi ấy trời đã chiều, khi chiếc thuyền dong buồm lên. Qua đêm tối, họ đã đối diện với "bão lớn” (câu 24). Chúa Giêxu đã quở bảo yên lặng với một lời phán. Tôi tin lúc ấy trời đã sáng, có lẽ là lúc bình minh khi họ qua đến “bờ bên kia”.
3. Chúng ta đọc thấy có những chiếc thuyền đậu trong "miền Giêrasê" (gher'-ghes-senz). Có hai thị trấn nhỏ trong khu vực. Giêrasê nằm trên triền núi khoảng 6 dặm ngang Biển Galilê tính từ thành Cabênaum. Gađara là thị trấn thứ hai nằm xuôi về phía Nam trong nội địa. Đấy là lý do tại sao Mác và Luca nói tới chỗ nầy là miền "Giêrasê" (Mác 5.1; Luca 8.26). Có lẽ miền nầy nằm giữa hai thị trấn nhỏ đó.
B. Sự xuất hiện của hai người bị quỉ ám (câu 28b).
1. Thứ nhứt, hãy lưu ý đã có "HAI người bị quỉ ám". Trong các câu chuyện tương tự, Mác 5.2 và Luca 8.27 nhắc tới chỉ MỘT người bị quỉ ám mà thôi. Phái phê bình đã chỉ ra sự mâu thuẫn nầy. Tôi muốn quí vị để ý Mác cũng như Luca đều không nói chỉ có một người có mặt thôi đâu. Vì mọi mục đích của họ, họ chỉ nhắm vào nhân vật có ảnh hưởng lớn trong cả hai người.
2. Thứ hai, hãy hiểu rõ họ bị “quỉ ám” là có ý nghĩa gì đã. Chữ Hy lạp ở đây có ý nói "chịu dưới quyền điều khiển của ma quỉ".
a. Bị “quỉ ám” có nghĩa là có một hay nhiều con quỉ đến ở và đang nắm quyền điều khiển một con người. Ma quỉ tấn công con người về mặt thuộc linh, về trí khôn, và về thể xác.
b. Bị quỉ ám là việc rất thông thường trong các thời kỳ Tân ước. Trong kỷ nguyên Hội Thánh đầu tiên, các Sứ Đồ đã có thẩm quyền và quyền phép để đuổi quỉ.
c. Bị quỉ ám vẫn còn có và rất thịnh hành ngày nay. Vấn đề nầy có thể thấy rõ trong các tôn giáo thờ lạy hình tượng trong nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Đối với phần nhiều người, ai bị ma quỉ quấy rối bị coi là mất trí hay bịnh tật về trí khôn.
3. Thứ ba, hãy để ý là họ sinh sống nơi "mồ mả". Không nghi ngờ chi nữa, họ bị đuổi ra khỏi làng mạc và nơi duy nhất họ có thể tìm được nơi trú ẩn là giữa "mồ mả", những nơi ấy thường được đục sâu vào sườn núi đá, giống như ngôi mộ mà thi thể Chúa Giêxu được đặt ở đó vậy. Họ sinh sống giữa những người đã chết.
4. Thứ tư, chúng ta nhìn thấy họ "bộ dữ tợn lắm". Phần nghiên cứu của tôi ở đây chuyển sang một việc khác. Từ ngữ Hy lạp nói tới "dữ tợn" là chalepos (khal-ep-os'). Chữ nầy có nghĩa là "bạo lực dữ dội, hay nguy hiểm". Ở một thời điểm khác từ ngữ đó được sử dụng trong Tân ước Hy lạp ở câu 1 mà tôi đã trưng dẫn trên đây, II Timôthê 3.1: "Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ [dữ tợn] khó khăn”.
5. Thứ năm, họ rất dữ tợn "đến nỗi không ai dám đi ngang qua đường đó". Cư dân thành phố vốn rất sợ họ. Trẻ con đã có những ác mộng về họ. Mác 5.4-5 nhắc tới một trong hai người ấy: "vì nhiều lần người bị cùm chơn hoặc bị xiềng, rồi bẻ xiềng tháo cùm, không ai có sức trị được. Người cứ ở nơi mồ mả và trên núi, ngày đêm kêu la và lấy đá đánh bầm mình”. Hãy tưởng tượng xem các môn đồ đã lui lại trong sự sợ hãi hai người đó.
C. Các thắc mắc của ma quỉ (câu 29).
1. Khi ma quỉ ám vào một người, chúng có thể nói qua thân thể của người đó. Tôi đã có một cuộc chạm trán với quỉ ám và điều nầy rất quái đản.
2. Chúng hỏi: "Lạy Con Đức Chúa Trời, chúng tôi với Ngài có can hệ gì chẳng?" Nói cách khác: "Ngài đang làm gì ở đây và sao Ngài quấy rối chúng tôi?" Mấy con quỉ nầy đã nhận ra Chúa Giêxu. Chúng gọi Ngài là "Con Đức Chúa Trời".
3. Chúng cúi lạy trước mặt Chúa Giêxu. Ma quỉ thù ghét Đức Chúa Trời, tuy nhiên chúng lại vô quyền không làm chi được chỉ có cúi lạy trước mặt Ngài mà thôi. Philíp 2.10 chép: "hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, BÊN DƯỚI ĐẤT, thảy đều quì xuống".
4. Hai con quỉ nầy đều là những cựu thiên sứ đã thờ lạy Chúa Giêxu trên thiên đàng. Khi công nhận Ngài, chúng e sợ Ngài trong vai trò Quan Án của chúng. Đấy là lý do tại sao chúng cất tiếng hỏi: "Có phải Ngài đến đây để làm khổ chúng tôi trước kỳ không?"
5. Chúng biết rõ Kinh Thánh. Chúng biết rõ thời kỳ mạt thế. Chúng biết rõ "kỳ" sắp đến. Chúng vốn biết rõ một ngày kia Chúa Giêxu sẽ xét đoán chúng và theo Khải huyền 20, chúng sẽ bị ném vào “hồ lửa”. Chúng muốn biết lý do tại sao Chúa Giêxu đến với chúng trước “kỳ” thiêng liêng đã ấn định nầy.
D. Lời thỉnh cầu của ma quỉ (các câu 30-31).
1. Vì chúng sợ hãi Chúa Giêxu, chúng đã nhìn quanh để tìm một lối thoát thân. Chúng trông thấy "ở đàng xa có một bầy heo đông đương ăn". Mác 5.13 chép: "Có độ hai ngàn” con heo trong bầy nầy.
2. Chúng vốn biết Chúa Giêxu không bao giờ để cho chúng hành hại hai người nầy, vì vậy chúng xin: "Nếu Chúa đuổi chúng tôi ra, xin cho nhập [sai chúng tôi] vào bầy heo đó".
3. Chúng ta biết từ sách Mác rằng khi Chúa Giêxu hỏi tới danh của ma quỉ, hắn đáp: "Tên tôi là Quân đội; vì chúng tôi đông". Một quân đoàn La mã là một đội quân gồm có 6.000 binh sĩ. Bầy heo đông nầy sẽ chứa được họ.
4. Tôi không thể hình dung một con quỉ lại khao khát ám vào một con heo. Tuy nhiên, ở trong thân thể một con heo sẽ là một cuộc trốn chạy đáng hoan nghênh tránh khỏi sự hiện diện của Chúa Giêxu!
II. Quyền phép của Chúa Giêxu (câu 32).
A. Chúa Giêxu cho phép ma quỉ nhập vào bầy heo (câu 32a).
1. Chúa Giêxu đã ban cho các môn đồ Ngài quyền phép để đuổi quỉ. Tuy nhiên, hơn một lần, chúng ta thấy rằng họ đã gặp phải sự khó khăn đáng kể trong việc đánh đuổi chỉ một con quỉ mà thôi. Hãy chú ý phần tương phản ở đây khi Chúa Giêxu đánh đuổi một đạo binh ma quỉ bằng một lời phán thôi. Ngài chỉ phán: "Hãy đi đi".
2. Ma quỉ là những tạo vật có quyền phép. Là thể linh, chúng không bị giới hạn bởi thời gian, không gian hay hình thức. Đúng là đáng kinh ngạc và vượt quá mọi sự hiểu biết của chúng ta về lượng quyền phép có cần để đuổi một đạo binh ma quỉ. Thế mà Chúa Giêxu chỉ làm thế với một lời phán mà thôi!
B. Bầy heo bị quỉ ám tự tử tập thể (câu 32b).
1. Trong một phút bầy heo bị quỉ ám, rồi phút kế đó "tức thì cả bầy ở trên dốc núi nhảy xuống biển, thảy đều chết chìm dưới nước".
2. Chúng ta không biết lý do tại sao bầy heo lạnh lùng lao thẳng từ dốc núi xuống biển. Chúng ta không biết là ma quỉ có khiến chúng làm vậy hay không hay những gì xảy ra cho ma quỉ sau khi bầy heo chết chìm dưới nước.
3. Chúng ta biết rằng bầy heo chết chìm đã mang lại thất thoát đáng kể về tài chính cho chủ heo. Một số học giả cho rằng mấy người chủ heo có thể là người Do thái nuôi heo để bán thịt cho dân Ngọai, như họ đã từng làm, và Chúa Giêxu đã ngăn họ không còn phá vỡ luật pháp của Đức Chúa Trời nữa.
4. Mặt khác, cái giá của linh hồn hai người nầy không thể tính được, họ có giá trị hơn 2.000 con heo.
5. Lẽ thật thiêng liêng ra từ sự cố nầy và mục đích chính của Chúa trong việc đánh đuổi ma quỉ là bày tỏ ra quyền phép của Ngài cao cả hơn Satan và các thế lực của hắn.
III. Tình trạng của cư dân thành phố (các câu 33-34).
A. Những đứa chăn heo chạy về báo cáo cho thành phố biết (câu 33).
1. Có lẽ họ đã nghe cuộc đối đáp ở một khoảng xa xa, có thể là các môn đồ đã nói cho họ biết, nhưng không cứ cách nào: "những đứa chăn heo" đều hiểu rõ điều chi đã xảy ra và chúng "trở về thành, thuật các chuyện đã xảy ra".
2. Rõ ràng, chúng đã kể lại những gì đã xảy ra cho bầy heo. Một số người có lẽ đã nặng lòng lo âu. Một số có lẽ đã vui mừng khi đã loại bỏ được bầy thú hôi thối.
3. Dù vậy, hãy chú ý mục tiêu chính trong báo cáo của họ không phải là bầy heo mà là "chuyện hai người bị quỉ ám". Điểm thú vị không đặt nặng ở chỗ mất mát bầy heo hay sự chữa lành cho hai con người đáng thương nầy, mà là Đấng có quyền phép làm những việc như thế.
B. Cư dân thành phố đến gặp Chúa Giêxu (câu 34a).
1. Câu chuyện lan nhanh qua “cả thành” (có lẽ là Giêrasê). Những cửa tiệm, chợ búa đều đóng cửa hết. Trường học giải tán. Trẻ sơ sinh được ẳm ra khỏi nôi và "cả thành" có lẽ vài trăm người "liền ra đón Chúa Giêxu" khi Ngài đứng đợi tại khu mộ địa.
2. Nhiều nhà giải kinh cho rằng họ ra đấy vì cơn giận mất bầy heo. Tôi nghi như thế. Họ hướng mắt nhìn về nhân vật có thể làm những việc như thế với chỉ một lời phán mà thôi. Họ đã bị Ngài mê hoặc. Vấn đề không nằm ở ma quỉ, hay bầy heo, mà là Chúa Giêxu.
3. Khi họ ra đến, Luca 8.35 chép: "Thiên hạ bèn đổ ra xem việc mới xảy ra; khi họ đến cùng Đức Chúa Jêsus, thấy người [có lẽ là hai người] mà các quỉ mới ra khỏi ngồi dưới chơn Đức Chúa Jêsus, mặc áo quần, bộ tỉnh táo, thì sợ hãi lắm”.
4. Hãy tưởng tượng bối cảnh ấy xem. Đây là cơn kinh khủng gấp đôi của thành Giêrasê, hai người điên kia đã ám ảnh nhiều giấc chiêm bao của họ và làm cho họ sợ hãi phải trốn khỏi triền núi đó. Đây là hai người không mặc lấy một tấm vải nào, họ la hét, kêu gào, và lấy đá nhọn tự cắt da thịt mình.
5. Họ nhìn thấy hai kẻ điên được làm cho tỉnh táo và Luca nói: "Họ sợ hãi lắm". Họ không sao hiểu nổi quyền phép đó lại rất hiển nhiên nơi Chúa Giêxu.
C. Dân chúng yêu cầu Chúa Giêxu rời khỏi nơi đó (câu 34b).
1. Rất sợ hãi, viên thị trưởng và có thể các giới chức có thẩm quyền của thành phố đã bước tới trước. Mathiơ nói: "họ xin Ngài đi khỏi xứ mình".
2. Quí vị nghĩ họ sẽ mời đón Ngài vào trong nhà của họ, đối đãi với Ngài như một khách danh dự và giống như dân cư thành Cabênaum, họ sẽ đem đến cho Ngài những kẻ đau bịnh, khốn khó. Họ đã không làm như thế. Họ "xin" (parakelao, thường được dịch là "cầu") Ngài đi khỏi xứ họ.
3. Đây là sự chống đối Chúa Giêxu lần đầu tiên được ghi lại trong các sách tin lành. Họ không tỏ ra giận dữ hay tức tối, họ đã "sợ hãi" Ngài.
4. Mác 5.18-19 ghi lại một bối cảnh kết thúc trong sự cố nầy.
a. Ít nhất một trong hai người đã được sạch "xin" Chúa Giêxu cho phép được đi theo Ngài. Thật là thú vị dường bao! Cư dân thành phố đã "xin" Chúa Giêxu đi khỏi đó, còn người nầy "xin" đi theo Ngài.
b. Chúa Giêxu phán với ông ta: "Hãy về nhà ngươi, nơi bạn hữu ngươi, mà thuật lại cho họ điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho ngươi..."
IV. Bốn sự kiện sau cùng về ma quỉ và về Chúa Giêxu.
A. Ma quỉ có quyền phép lớn hơn con người.
1. Ma quỉ là các thiên sứ đã sa ngã. Họ vẫn còn có nhiều quyền phép của thể linh thiên sứ.
2. Đaniên 10.13 thuật lại về một thiên sứ được sai đến cùng tiên tri Đaniên, nhưng đã bị chậm trễ trong ba tuần lễ bởi một con quỉ nhiều quyền phép nhất gọi là "vua nước Pherơsơ". Thiên sứ nầy đã bị chậm trễ cho tới chừng Đức Chúa Trời sai một trong các thiên sứ mạnh sức nhứt là Michael đến giúp.
3. Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết rằng giống như các thiên sứ, ma quỉ có tri thức, sức lực và quyền phép rất lớn. Đặc biệt họ chuyên ám thị, áp bức và dối gạt loài người.
B. Chúa Giêxu mạnh sức hơn tất cả ma quỉ.
1. Còn nhớ phân đoạn Kinh Thánh không? Chúa Giêxu đánh đuổi một đạo binh, có thể nhiều khoảng 6.000 ma quỉ chỉ với một lời phán thôi! Đấy là quyền phép rất đáng sợ.
2. Nếu quí vị là con cái Đức Chúa Trời đã được cứu, đã được sanh lại, chính Chúa Giêxu nầy đang sống động trong quí vị. Hãy nhớ thể nào ma quỉ đã cúi lạy ở trước mặt Ngài? Chúng có thể không ám vào thân thể của quí vị vì thân thể của quí vị là "đền thờ của Đức Thánh Linh" (I Côrinhtô 6.19). Ma quỉ không thể sống ở nơi Chúa Giêxu ngự được.
3. Mặc dù công việc của ma quỉ dường như rất lớn lao, chúng ta có thể nhớ lời hứa kỳ diệu ở 1 Giăng 4.4: "vì Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian".
C. Chúa Giêxu vẫn là Đấng duy nhất Giải Cứu ra khỏi quyền lực của sự tối tăm.
1. Tôi có đọc một quyển sách tuần lễ nầy nói về cách dân sự ở vùng Trung đông thường dùng để đuổi quỉ. Họ thường đánh đập hay hành hại bản thân với hy vọng ma quỉ sẽ bị đuổi đi. Có lúc họ đem chôn sống nữa, với hy vọng ma quỉ sẽ ra khỏi.
2. Không một phương pháp nào trong số nầy giúp cho ai đó được thoải mái ra khỏi bóng tối tăm. Cũng một thể ấy, chẳng một việc gì trong thế gian nầy sẽ cung ứng cho quí vị sự khuây khoả tránh khỏi sự tăm tối trong linh hồn của quí vị. Không phải rượu, ma tuý, tình dục, quyền thế, danh tiếng, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ... chỉ có Chúa Giêxu mới làm thoả mãn linh hồn của quí vị mà thôi.
3. Khi quí vị sợ hãi quyền lực của sự tăm tối, hãy thì thầm danh Ngài.
D. Người nào cần Chúa Giêxu nhất muốn Ngài ít nhất.
1. Hãy nhớ cư dân thành phố, họ đã “xin” Chúa Giêxu đi khỏi xứ của họ. Họ đang đứng đối mặt với người đã “xin” được phép đi theo Ngài. Quí vị giống với người nào trong số họ hôm nay?
2. Địa ngục có rất nhiều ma quỉ trong đó. Quí vị có muốn dự phần với chúng trong cõi đời đời chăng?
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét