Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 5.9-16: "Chức vụ thương xót – Phần 2"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Chức vụ thương xót – Phần 2
I Timôthê 5.9-16
Chúng ta vừa viếng qua phần nghiên cứu nầy về I Timôthê, chúng ta đã trải qua một phân đoạn Kinh thánh dài và chi tiết nói về sự chăm sóc và chức vụ của những người đàn bà goá trong Hội thánh. Một trong những điểm mà tôi đã suy gẫm là từ câu 4, ở đây nói rằng con và cháu "trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ”. Con cái lớn khôn cần phải chăm sóc cha mẹ của chúng khi họ càng luống tuổi hơn. Tuần rồi, một trong những thuộc viên của Hội thánh đã gửi cho tôi câu chuyện nầy.
Dường như là có ba người con đã rời khỏi gia đình, họ lo làm ăn theo công việc riêng của mỗi người, và đã thịnh vượng. Sau khi gặp lại nhau, họ bàn bạc xem coi họ có thể dâng món quà nào cho người mẹ già đã luống tuổi của mình. Người đầu tiên nói: "Tôi sẽ xây một ngôi nhà lớn cho mẹ chúng ta". Người thứ hai nói: "Tôi sẽ gửi cho bà chiếc xe Mercedes kèm theo là tài xế". Người thứ ba mĩm miệng cười nói: "Tôi sẽ làm cho cả hai anh phải bối rối. Hai anh biết thể nào mẹ rất thích quyển Kinh thánh và hai anh biết mẹ không thể nhìn rõ được, tôi sẽ gửi cho mẹ một con vẹt màu nâu, nó có thể kể ra toàn bộ Kinh thánh. Phải cần đến 20 thầy tu trong một chủng viện dạy cho nó biết thành thạo trong 12 năm. Tôi đã hứa góp 100.000USD một năm trong 10 năm trời, nhưng hứa như thế rất xứng đáng có được con vẹt ấy. Mẹ chỉ cần nói tên của chương và câu thôi, thì con vẹt sẽ đọc lên cho mẹ nghe". Sau đó không lâu, bà mẹ gửi đi những bức thư cảm ơn. Bà viết cho người con thứ nhứt: "Milton ơi, ngôi nhà con xây thật là lớn lắm. Mẹ sống chỉ mỗi một căn phòng thôi, nhưng mẹ phải lau hết cả nhà". Bà viết cho người con thứ hai: "Marvin ơi, mẹ quá già rồi không đi đâu được hết. Mẹ suốt ngày chỉ ở trong nhà, vì vậy mẹ không hề sử dụng chiếc Mercedes. Và ông tài xế thì thô lỗ lắm!" Bà viết cho người con thứ ba: "Melvin yêu dấu ơi, con là đứa con duy nhứt có nhận thức rất tốt khi biết những điều mẹ mình thích. Con gà con ấy ngon lắm".
Tối nay, chúng ta sẽ ôn lại những gì chúng ta đã tiếp thu về việc phục vụ cho những người đàn bà goá trong các câu 3 - 8 rồi kế đó đi thẳng vào các câu 9 - 16 để khám phá chức vụ đặc biệt của những người đàn bà goá trong Hội thánh. Chương 5 nói về những mối quan hệ của chúng ta trong Hội thánh là những thuộc viên trong ngôi nhà đức tin, gia đình của Đức Chúa Trời. Trong các câu 1 - 2, chúng ta học biết rằng một người "già cả" cần phải được đối đãi cách tôn trọng "như cha". Còn "kẻ trẻ" thì như "anh em". "Đàn bà có tuổi" cũng "như mẹ" và "thiếu nữ" tất nhiên là "như chị em". Phaolô thêm một điều cấm chống lại bất cứ một sự phi luân nào về tình dục với mệnh đề "phải lấy cách thanh sạch trọn vẹn". Nếu chúng ta đối xử với những thiếu nữ Cơ đốc "như chị em" chúng ta sẽ không có bất kỳ một tư tưởng bất khiết nào đối với họ.
Trong câu 3, vị Sứ đồ sang số để nói tới giai cấp khác trong gia đình của Đức Chúa Trời, "những người đàn bà goá" và đặc biệt những ai "thật là goá". Ngôi Lời truyền cho chúng ta phải "kính" những người đàn bà nầy. "Kính" (timao) có ý nói "đánh giá cao, quí trọng". Không những từ ngữ nầy bao gồm việc tỏ ra sự tôn trọng, mà còn giúp đỡ về mặt tài chính nữa. Thậm chí chúng ta có từ honorarium [tiền thù lao] ra từ chữ "honor" [kính] có ý nói tới một món quà giúp đỡ.
Rõ ràng là qua cả Cựu và Tân Ước, Đức Chúa Trời vốn có lòng thương xót rất lớn dành cho những người đàn bà goá. Trong những thời kỳ Kinh thánh, người phụ nữ nào mất chồng thường thiếu thốn, cơ cực. Họ chỉ có nước đi ăn xin và không nghi ngờ chi nữa nhiều người đã đói mà chết. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã dạy cho dân Israel phải chăm sóc cho đàn bà goá không có ai bảo vệ. Thi thiên 68.5 mô tả Ngài là "là Cha kẻ mồ côi, và quan xét của người góa bụa".
Luật pháp Cựu Ước lập ra những điều khoản dành cho những người đàn bà goá. Thí dụ, Những người làm nông phải để cho họ gặt lấy lúa từ mấy góc ruộng của họ. Nếu có thể được, một người em chưa lập gia đình phải lấy vợ goá của anh mình đã chết. Sự lo toan cho Na-ô-mi và Ru-tơ là một trường hợp điển hình. Chúa Jêsus vốn có một tình cảm đặc biệt dành cho những người đàn bà goá. Ngài từng chặn một đám tang lại để làm cho con trai của bà goá nghèo sống lại từ kẻ chết. Ngài sử dụng một người đàn bà goá, là người đã dâng hai đồng xu cuối cùng mình có cho Đức Chúa Trời làm một tấm gương cho sự thờ phượng cao độ. Công vụ các sứ đồ 6 tỏ ra thể nào Hội thánh địa phương đầu tiên đã lo liệu cho những người đàn bà goá. Chức vụ của chấp sự đã được lập ra chủ yếu là để ý tới các nhu cần của những người goá bụa. Từ hết thảy những điều nầy và phân đoạn Kinh thánh ở trước mặt chúng ta, chúng ta học biết không nghi ngờ rằng, Hội thánh cần phải quí trọng và làm thoả mãn các nhu cần về tài chính của những người đàn bà goá khi có cần.
Phải, Hội thánh cần phải làm thoả mãn các nhu cần của những người đàn bà goá, nhưng không phải tất cả những người đàn bà goá đâu. Trong các câu 4 – 8, chúng ta chú ý sự phân biệt ba loại goá bụa mà Hội thánh không phải giúp đỡ. Thứ nhứt, Hội thánh không phải giúp đỡ cho những người đàn bà goá nào có gia đình sống chung quanh họ. Câu 4 chép: "Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ". Con cái lớn khôn cần phải tỏ ra sự tôn kính đối với cha mẹ chúng và cần phải trả lại cho họ trong lúc tuổi già bằng cách làm thoả mãn các nhu cần về phần xác của họ. Tôi đã nói cho quí vị biết vừa qua, thể nào cha mẹ tôi đã chăm sóc cho ông bà Ngoại của tôi tại nhà của chúng tôi cho tới khi ông bà qua đời.
Đức Chúa Trời tôn vinh sự đầu phục như thế nầy. Câu 4 chép: "vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời". Câu 8 cung ứng quan điểm ngược lại. Ở đây chép: "Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa". Mathiơ 15 và Mác 7 nói tới các thầy thông giáo, những người Pharisi trong thời của Chúa Jêsus, họ dâng những của lễ gọi là "co-ban" cho Đức Chúa Trời thay vì tiếp trợ cho cha mẹ của họ. Một người có thể đi nhà thờ, dâng hiến tiền bạc, dạy một lớp học Kinh thánh, ra đi trên những chuyến hành trình truyền giáo hay bất cứ một chuyến đi nào khác với bề ngoài dường như tôn giáo lắm. Tuy nhiên, nếu người ấy không chăm sóc gia đình của chính mình, đặc biệt là người mẹ goá của mình, người là một kẻ bội đạo. Quí vị là sự bảo đảm tốt nhất cho mẹ của quí vị.
Thứ hai, Hội thánh không phải giúp đỡ cho những người đàn bà goá có lối sống theo đời nầy. Câu 6 nói tới người đàn bà goá nào "ưa sự vui chơi" và “dẫu sống cũng như chết". Đây là một người đàn bà goá đang chi xài cơ nghiệp của người chồng đã quá cố, sống trong xa hoa và theo đuổi những khoái lạc riêng của mình thay vì hầu việc Chúa. Người goá bụa nầy rõ ràng bởi lối sống đó cho thấy bà ta đã "chết" về mặt thuộc linh và không sống theo đức tin.
Thứ ba, Hội thánh không phải giúp đỡ cho những người đàn bà goá nào có thể tự lo liệu cho bản thân mình. Câu 9 chép rằng người đàn bà goá được Hội thánh giúp đỡ phải không được "dưới sáu mươi" là tuổi hưu hạ. Một người đàn bà goá nào có thể làm lụng được thì hãy nên đi làm. Người đàn bà goá nào có lương hưu nên sống theo lương hưu ấy. Hội thánh chỉ giúp đỡ hay cứu giúp cho người nào chẳng còn có phương tiện nào khác.
Trong câu 5 chúng ta thấy ba đặc điểm của hạng goá bụa mà Hội thánh cần phải giúp đỡ, bà goá nào "thật goá".
Thứ nhứt, bà ta đang "ở một mình". Bà ta là người duy nhứt còn lại trong gia đình của bà ta. Chồng bà ta đã mất rồi. Nhà cửa bà ta thiếu vắng sự sống. Con cái của bà ta một là đã qua đời hoặc đang sống giống như những kẻ vô tín chẳng đoái tưởng gì đến bà ta hay nhu cần của bà ta. Thứ hai, bà ta "để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời". Mặc dù bà ta sống đạm bạc và có thể không đủ tiền để chi trả các hoá đơn, bà ta biết rõ rằng không cứ cách nào đó Đức Chúa Trời sẽ tiếp trợ cho bà ta. Thứ ba, bà ta "ngày đêm bền lòng cầu nguyện nài xin". Bà ta là người phụ nữ mà toàn bộ đời sống được gói ghém trong sự cầu nguyện. Bà ta cầu nguyện không thôi. Bà ta trò chuyện với Đức Chúa Trời thường xuyên. Bà ta cầu nguyện về mọi sự thậm chí cho những vấn đề tính từng phút một. Với phạm vi ấy, chúng ta hãy xem xét tiêu chuẩn để giúp đỡ cho những người đàn bà goá trong các câu 9 - 10, những huấn thị về các bà goá hãy còn trẻ trong các câu 11-15 và trách nhiệm của các gia đình của người goá bụa trong câu 16.
I. Tiêu chuẩn để giúp đỡ cho những người đàn bà goá (các câu 9-10).
Nói chung, những người đàn bà goá cần được Hội thánh giúp đỡ là những người cô độc, những người chỉ để lòng trông cậy nơi Chúa và họ đang sống trong sự cầu nguyện liên tục (câu 5). Các câu 9-10 cung ứng cho chúng ta vài tiêu chuẫn đặc biệt để nhìn biết ai sẽ được giúp đỡ và ai sẽ không được.
Một lần nữa, hãy chú ý "con số" hay sổ trong câu 9. Tôi cần nói cho quí vị biết là có một sự phân chia giữa vòng những nhà giải kinh khi lý giải câu nầy. Một số người tin rằng câu nầy có ý nói tới một giai cấp đặc biệt "những người đàn bà goá với chức năng giáo sĩ" trong Hội thánh đầu tiên chớ không phải nói tới những người goá bụa được giúp đỡ về tài chính. Những người đàn bà nầy được truyền cho phải dạy dỗ các phụ nữ trẻ tuổi hơn, chăm sóc trẻ mồ côi cùng các hành động từ thiện khác nữa. Lịch sử Hội thánh đầu tiên và các tác phẩm của những Giáo Phụ Hội thánh góp phần vào sự lý giải nầy.
Một sự lý giải khác chỉ nói rằng "con số" đề cập tới một danh sách những phụ nữ đã nhận được sự giúp đỡ về tài chính từ Hội thánh. Theo nhận định của tôi, thì văn mạch tự nó thích ứng với phần lý giải sau nhưng không có ý nói không có những người đàn bà tin kính nào nắm lấy các chức vụ đặc biệt trong Hội thánh. William Barclay trình bày như sau:
Từ phân đoạn nầy, rõ ràng là Hội thánh đã có một danh sách chức viên gồm những người đàn bà goá; và dường như chữ “goá” đã được sử dụng theo hai ý. Những phụ nữ nào có tuổi và chồng của họ đã mất và đời sống của họ dễ thương và có ích là trách nhiệm của Hội thánh; nhưng cũng rất thực là, có lẽ chắc chắn về sau trong Hội thánh đầu tiên, đã có một phẩm cấp goá bụa, một phẩm cấp những người đàn bà lớn tuổi họ biệt riêng ra để nắm lấy các vai trò đặc biệt.
Dầu thế nào đi nữa, câu nầy có ý nói rằng chỉ có hai trường hợp trong Tân Ước, ở đó Hội thánh được truyền cho phải có một ban chấp sự. Trường hợp thứ nhứt nằm ở vai trò của trưởng lão hay Mục sư nắm lấy chức vụ dạy dỗ. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết trong các câu 17-18. Trường hợp kia là người đàn bà goá "thật goá", người nầy có thể dâng mình vào các chức vụ đặc biệt trong Hội thánh. Vấn đề nầy đang bay là là ở bề mặt cách thực hành hiện đại hôm nay!
Chúng ta hãy xem xét vài tiêu chuẩn đặc biệt nói tới những người đàn bà goá cần được giúp đỡ và đã nắm lấy một vai trò đặc biệt trong sinh hoạt của Hội thánh. Thứ nhứt, bà ta phải đủ "sáu mươi tuổi". Sáu mươi đánh dấu tuổi hưu hạ trong thế giới thời xưa. Plato nói rằng ở tuổi nầy trong xã hội Hy lạp, đàn ông và đàn bà sẽ trở thành nam tế lễ và nữ tế lễ. Trên 60, bà ta sẽ có kinh nghiệm sống và thì giờ để tấn tới trong sự tin kính. Tình cảm của bà ta về những việc đời nầy sẽ không còn có nữa. Bà ta có thể dâng đời sống mình trọn vẹn cho Chúa.
Thứ hai, bà ta phải là "vợ của một chồng mà thôi". Điều nầy tương xứng với 3.2 trong phần đức tính của một trưởng lão là "chồng của một vợ". Một trưởng lão phải là người nam của một người nữ và người nữ được Hội thánh giúp đỡ phải là người nữ của một người nam. Trong câu 14, Phaolô bảo những goá bụa hãy còn trẻ nên tái hôn, cho nên câu nầy chắc chắn không nói tới người nữ chỉ thành hôn có một lần. Nó nói tới người nữ nào tuyệt đối đã thành hôn với chỉ một người nam và không được lăng nhăng hay tà dâm. Người nữ nầy phải làm gương xứng đáng cho những người trẻ tuổi hơn noi theo.
Thứ ba, bà ta phải "được tiếng khen vì việc phước đức mình". Nói chung, bà ta cần phải "không vết" hay không bị quở trách, bà ta phải có tiếng tốt là một phụ nữ tin kính. Phaolô đặc biệt nhắc tới vài "việc phước đức" mà bà ta làm ra trong đời sống của mình. Việc phước đức số một, ấy là bà ta đã "nuôi con cái". Đúng vậy, bà ta đã nuôi nấng con cái của mình. Bà ta chăm sóc mọi nhu cần về thể xác, tình cảm, và thuộc linh của chúng. Bà ta đã nuôi dưỡng chúng "bằng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa" (Êphêsô 6.4). Tất nhiên điều nầy không có ý nói rằng Hội thánh không nên giúp đỡ cho những người đàn bà goá nào chưa hề có con cái hay người phụ nữ nào còn độc thân.
Tuy nhiên, trong giới hạn của chức năng lãnh đạo, chỉ duy người đàn bà nào đã nuôi nấng con cái của riêng mình thì mới đủ tư cách dạy dỗ những người nữ trẻ tuổi hơn về sự nuôi dạy con cái của họ. Việc phước đức khác nữa, ấy là bà ta phải biết "đãi đằng khách lạ". Giống như các trường lão trong 3.2, bà ta là một người được ơn tiếp khách. Vì có một số khách sạn hay nhà quán hiếm khi tìm được hơn là những nhà thổ, Cơ đốc nhân thường mở rộng cửa nhà họ để tiếp những Cơ đốc nhân khác, họ đúng là "những khách lạ". Một phụ nữ như thế sẽ bằng lòng chia sẻ bất cứ điều gì bà ta có với kẻ mà bà ta chưa quen biết vì mối dây liên lạc của họ trong Đấng Christ.
Bà ta cũng phải "rửa chơn thánh đồ". Trong kỷ nguyên Tân Ước, đồ đi ở chân dễ nhận thấy nhất là đôi dép. Hai bàn chân lấm bẩn đầy bụi bặm từ những con đường. Khi quí vị bước vào một ngôi nhà trong vai trò người khách, thường thì một nô lệ sẽ buộc phải đem ra một chậu nước, một cái khăn rồi rửa chơn cho quí vị. Người rửa chơn là nô lệ thấp hèn nhất trong hệ thống tôn ti của ngôi nhà đó. Khi nói người nữ tin kính sẽ "rửa chơn thánh đồ" thì có ý nói rằng bà ta đã hạ mình đến nỗi nếu chẳng có ai khác làm công việc ấy, không những bà ta cho khách lạ vào nhà trú ngụ, mà bà ta còn rửa chơn cho họ nữa. Tất nhiên là Chúa Jêsus đã nêu gương loại hạ mình phục vụ khiêm nhường nầy trong đêm có Tiệc Thánh (Giăng 13.5-17).
Một việc lành khác nữa, ấy là bà ta đã "cứu giúp kẻ khốn nạn". "Khốn nạn" có ý nói tới "bị chèn ép". Một goá phụ là một người đã biết rõ việc làm thoả mãn những nhu cần của người nào đã lọt vào cảnh rắc rối. Có thể bà ta che giấu ai đó đang chịu cảnh bắt bớ. Có thể bà ta được mọi người nhìn biết là đã bố thí cho người nghèo trải qua nhiều năm tháng. Có thể bà ta đã cộng tác với viện mồ côi. Giờ đây, đến phiên bà ta được "cứu trợ".
Một lần nữa, bà ta là người đã "làm đủ các việc phước đức". Trải qua nhiều năm tháng, bà ta đã dâng mình hay "sốt sắng" phục vụ trong danh của Chúa. Bà ta sống y như người nữ trong Châm ngôn 31. Bà ta là một con người rất xuất sắc.
Tiêu chuẩn nầy cần phải được sử dụng để quyết định hai việc: được trợ giúp từ Hội thánh và chức năng lãnh đạo trong Hội thánh. Cho nên các đức tính nầy phải được theo đuổi và tỏ ra bởi tất cả những người nữ Cơ đốc. Dầu độc thân, đã có gia đình, ly dị hay ở goá, họ phải tìm cách để trở thành loại phụ nữ nầy.
Cho phép tôi nói một lời trực tiếp với những phụ nữ cao tuổi hơn. Tuổi 60 của quí vị không phải là mùa trượt dốc của quí vị đâu. Tuổi 70 của quí vị không phải là thời điểm hưu hạ rời khỏi công việc của Đức Chúa Trời đâu. Quí vị đã dành cả cuộc đời của mình để đến được một chỗ như bây giờ. Quí vị đã kiếm được những phẩm chất của mình. Những mái tóc hoa râm ấy không đến cách rẻ rúng đâu. Quí vị biết nhiều đến nỗi những người nữ trẻ tuổi hơn cần phải học biết. Tôi rất tự hào vì chức vụ đối với người cao tuổi của chúng tôi đang tiến triển, nhưng tôi nài xin quí vị rằng quí vị đừng lui đi khỏi những người nữ trẻ tuổi hơn, mà xin quí vị dâng mình vào việc dạy dỗ họ.
Hãy cùng xem với tôi ở Tít 2.3-5. Tôi đã giảng phân đoạn nầy năm ngoái, nhưng chúng ta hãy xem lại phân đoạn ấy: …Các bà già cũng vậy, phải có thái độ hiệp với sự thánh; đừng nói xấu, đừng uống rượu quá độ; phải lấy điều khôn ngoan dạy bảo; phải dạy đàn bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình, có nết na, trinh chánh, trông nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào.
Quí vị có nắm hết được câu Kinh thánh ấy chưa? Những người nữ lớn tuổi cần phải nêu gương cho những người nữ trẻ tuổi hơn trong cách họ ứng xử. Họ cũng cần phải trở thành "giáo sư của những việc lành". Hơn nữa, họ cần phải "khuyên những người nữ trẻ tuổi". "Khuyên" có ý nói tới "chỉnh đốn hay kỷ luật". Những mái tóc vàng hoe, tóc đen, tóc đỏ đang cần tới những mái tóc bạc của quí vị dấn thân vào đời sống của họ. Tại sao chứ? Vì tôi không thể dạy cho họ những việc nầy. Tôi không tìm cách dạy dỗ những việc nầy. Có nhiều Mục sư đã phạm phải tội lỗi về tình dục vì họ bước vào mối quan hệ tư vấn với nữ giới. Tôi không làm như thế đâu. Tôi giúp ý cho phụ nữ một lần và sau đó, một là chồng họ đến hay họ tìm ai khác để trao đổi. Nhưng trên hết, tôi không đủ tư cách để dạy dỗ loại sự việc nầy cho những người nữ trẻ tuổi hơn. Tôi không biết phải nói với họ như thế nào khi phải "yêu chồng mình" lúc chồng họ về nhà, rơi tõm xuống trước TV và chẳng nói năng gì đến họ cả. Hết thảy quí vị đều đã kinh nghiệm việc ấy. Quí vị có thể dạy cho họ biết phải làm gì! Tôi không biết phải nói với họ như thế nào về cách phải "yêu con cái của mình" qua sự chán nãn. Tôi không hề nói được điều đó. Hơn nữa, tôi không thể dạy họ làm thế nào để trở thành kẻ "trông nom việc nhà". Tôi không biết cách thức để làm bánh nướng nữa. Tôi không biết hết những mẹo để điều khiển những người trong gia đình. Tôi không biết phải nói với họ như thế nào để "vâng phục chồng mình" ngay khi họ biết chồng mình là sai trái.
Hỡi những người nữ lớn tuổi có đức tin của tôi ơi, tôi đến với quí vị giống như Phaolô bảo Timôthê phải làm trong câu 2, tôi đến với quí vị "như mẹ" và khuyên quí vị nên biết và hiểu cho rằng những người nữ trẻ tuổi nầy trong Hội thánh chúng ta đang cần quí vị bước vào đời sống của họ. Chúng ta không cần bất kỳ một lớp học nào khác hơn. Chúng ta cần thêm nhiều mối quan hệ. Hãy đến với một hay hai người trong số họ. Hãy gọi cho họ. Hãy mời họ đến nhà của quí vị. Hãy trao đổi với họ. Hãy khích lệ họ, Hãy khuyên bảo họ. Quí vị đã hầu việc Chúa cả cuộc đời của quí vị để được xứng đáng cho chức vụ nầy, đừng từ chối nó. Giống như Hoàng hậu Ê-xơ-tê, Đức Chúa Trời đã ban cho quí vị một thời kinh nghiệm và một thế giới tri thức "vì cớ cơ hội hiện lúc nầy" (Êxơtê 4.14). Những người nữ trẻ tuổi nầy thực sự đang cần tới quí vị đấy.
II. Những lời dạy dành cho những người goá bụa trẻ tuổi (các câu 11-15).
Phaolô đã đề ra cách cẩn thận rằng những người đàn bà goá nào "thật goá" sẽ nhận được sự trợ giúp từ Hội thánh và cũng có thể phục vụ trong một chức vụ có năng lực. Tuy nhiên, "những đàn bà goá còn trẻ quá" chúng ta cần phải "từ chối" không đưa vào danh sách. Chúng ta không phải giúp đỡ họ về mặt tài chính, cũng không để họ vào những chức vụ cao. Tại sao? Phaolô liệt kê ra vài lý do:
Thứ nhứt, họ sẽ "vì lúc thú vui xui họ lìa khỏi Đấng Christ" và "muốn lấy chồng". Bây giờ "lúc thú vui" không có gì phải làm với món soup tại một nhà hàng Trung hoa. Từ ngữ nầy đề cập tới những ham muốn về khoái lạc, tình dục. Cho phép tôi giải thích. Phaolô đang phác hoạ ra một người nữ còn trẻ tuổi chồng của nàng đã qua đời trong một tai nạn hay từ một chứng bịnh hiểm nghèo. Nỗi buồn do mất mát và thái độ biết ơn đối với sự nâng đỡ tạm thời của Hội thánh, nàng sẽ lập một lời thề không lấy chồng nữa mà chỉ lo phục vụ Chúa qua Hội thánh. Vì nàng còn "trẻ" và vì nàng sẽ gặp gỡ nhiều người đàn ông trẻ tuổi, nàng lại sẽ có những cảm xúc ham muốn về tình dục mà nàng từng có đối với chồng của mình. Để phá vỡ một lời thề như thế sẽ khiến cho nàng "lìa khỏi Đấng Christ". Nàng sẽ lìa bỏ đức tin và Hội thánh mà đi theo người đàn ông nào đó, là kẻ đã xoay chuyển cái đầu của nàng. Nàng sẽ nhận lãnh "sự xét đoán" hay sự phán xét của Đức Chúa Trời vì nàng đã "lìa khỏi" [giống như chiếc tàu lìa khỏi cái neo] "đức tin đầu tiên" của nàng hay lời thệ hứa long trọng hay lời thề với Chúa.
Nói cách khác, Hội thánh không nên cứ trợ giúp tài chính cho goá phụ trẻ tuổi và dành cho nàng một chỗ trong chức vụ vì nàng sẽ đưa ra một lời thề mà nàng không thể giữ được. Thứ hai, chúng ta thấy trong câu 13 rằng một goá phụ trẻ tuổi sẽ "hay ở không, quen thói chạy nhà nầy sang nhà khác; nào những họ ở không thôi đâu, lại còn thày lay thóc mách, hay nói những việc không đáng nói nữa". Một người đàn bà trẻ không thể nắm giữ trách nhiệm phải đi từ nhà nầy sang nhà khác để phục vụ cho những người nữ khác. Nàng chưa có đủ sự trưởng thành để nắm lấy công việc của Chúa. Nàng sẽ nói chuyện vơ vẩn. Trong sự khó chịu của nàng, nàng sẽ chẳng làm gì và hay "ở không". Khi tìm kiếm một việc gì để thoả mãn, nàng sẽ chìm vào sự thày lay thóc mách và trở thành kẻ bận rộn hay xỉa mũi vào công việc của người khác. Chỉ có người nữ lớn tuổi, tin kính mới có đủ trưởng thành để tránh né những cám dỗ đó.
Cho nên, Phaolô nói trong các câu 14-15: "Vậy ta muốn những gái góa còn trẻ nên lấy chồng, sanh con cái, cai trị nhà mình, khỏi làm cớ cho kẻ thù nghịch nói xấu. Vì đã có một vài bà góa bội đi mà theo quỉ Sa-tan". Mặc dù có những ngoại lệ, Đức Chúa Trời đã đặt để trong hầu hết những người nữ một sự ham muốn mạnh mẽ phải lấy chồng và nuôi dạy con cái. Một sự nghiệp sẽ không thể thay thế được ước muốn nầy. Đấy là lý do tại sao chúng ta thấy những người nữ rời khỏi công việc sau vài năm để sinh con đẻ cái. Chúng ta dạy dỗ những người nữ trẻ tuổi phải lập thân nhưng chúng ta không dạy cho họ biết phải sống như thế nào!
Rất là hợp lý cho một tín đồ mất đi người bạn đời của họ khi tái hôn với một tín hữu khác bất luận tuổi tác của họ. I Côrinhtô 7.39 chép: "Chồng còn sống bao lâu, thì vợ phải buộc chặt với chồng bấy lâu; nếu chồng chết, vợ được tự do, muốn lấy ai tùy ý, miễn là theo ý Chúa". Tôi đã nói với cha tôi 79 tuổi rằng nếu ông muốn có một người bạn nữ hay thậm chí tái hôn đi nữa, đối với tôi điều nầy tốt đẹp thôi. Ông bật cười rồi nói ông không nghĩ ông có thể nếm trải lại được mọi thứ đâu!
Vì lẽ đó chỉ có ý nghĩa khi một goá phụ còn trẻ có ước muốn tự nhiên phải có một người chồng và một gia đình nên tìm kiếm cơ hội để tái hôn lại với một tín hữu mạnh mẽ. Thật là đáng buồn khi những goá phụ trẻ tuổi khi họ mau chóng ổn định với ai đó mà không phải theo ý Chúa.
Một lần nữa, trong phân đoạn nầy, chúng ta thấy trách nhiệm lớn lao của chức năng của nữ giới theo Kinh thánh. Trong I Timôthê có giảng nhiều về nữ giới hơn nam giới! Chủ yếu ông nói rằng những người đàn bà trẻ tuổi nên quan tâm tới việc tái hôn và sanh con cái. Hãy nhớ từ 1.15 rằng một người nữ không có sự kêu gọi nào long trọng hơn là làm một người mẹ tin kính. Người cũng phải "cai trị nhà mình" hay là quản gia những tài nguyên mà chồng nàng đem về nhà.
Khi làm theo như thế, nàng sẽ "khỏi làm cớ cho kẻ thù nghịch nói xấu". Nói cách khác, nàng sẽ không làm cớ cho Satan cùng những kẻ theo hắn có cơ hội để nói xấu công việc của Hội thánh bởi những tội lỗi về tình dục hay bởi việc trở thành kẻ thày lay thóc mách của nàng.
Từ câu 15, dường như là một số "bà goá" đã "bội đi mà theo quỉ Satan". Họ đã sa vào bẫy rập rồi. Kết quả là, họ không hầu việc Đấng Christ, mà đang phục vụ cho kẻ ác.
III. Trách nhiệm của gia đình những người đàn bà goá (câu 16).
Một lần nữa trong câu cuối nầy, Phaolô lặp lại tính cần thiết của gia đình trong sự chăm sóc những người đàn bà goá. Ông nói: "Nếu tín đồ nào có đàn bà góa trong nhà mình, thì phải giúp đỡ họ, cho khỏi lụy đến Hội thánh, hầu cho Hội thánh có thể giúp đỡ những người thật góa". Trong khi có một số bản thảo không nhất quán với nhau về câu nầy, ý nghĩa của nó rất là rõ ràng. Khi các gia đình nhìn thấy nhu cần của những người đàn bà goá của họ, ngân sách của Hội thánh không bị tắc nghẽn và có thể được sử dụng để chăm lo cho những ai "thật goá". Hỡi quí phụ nữ, dầu thành hôn, ly dị, độc thân hay goá bụa, quí vị có một vai trò quan trọng trong sinh hoạt của Hội thánh. Đừng tránh né cai trò ấy. Chúng tôi đang cần quí vị đấy.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét