Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Mathiơ 13.24-43: "Một bộ ba thí dụ"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Một bộ ba thí dụ
Mathiơ 13.24-43
1. Tuần qua chúng tôi đã giới thiệu chương Kinh Thánh nầy nói về các thí dụ. Chúa Giêxu "lấy lời ví dụ mà phán những điều đó". Câu 34 cho chúng ta biết rằng "Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví dụ".
A. "Ví dụ" ra từ chữ parabole, là một từ kép gồm ballo, "ném hay đặt để", và para, có nghĩa là "kề bên". Như vậy ví dụ là một câu chuyện hay một minh hoạ được đặt kề bên một lẽ thật hay một nguyên tắc theo Kinh Thánh để so sánh, để làm cho sáng tỏ và dễ hiểu.
B. Mặc dù Chúa Giêxu đã sử dụng rồi một số minh hoạ trong phần nghiên cứu của chúng ta về sách Mathiơ, phân đoạn nầy được ghi ra vì những câu chuyện đặc biệt được xem là ví dụ và vì ý nghĩa chỉ được tỏ ra cho các môn đồ mà thôi.
2. Chúng ta cũng hãy xét lại bối cảnh trong các câu 1-2.
A. Hướng về cuối một ngày bận rộn, "cũng ngày ấy" Chúa Giêxu "ra khỏi nhà" nơi mà Ngài mới dạy dỗ và tranh cãi với các thầy thông giáo và người Pharisi rồi "ngồi bên mé biển".
B. Trong khi Ngài ngồi ở đó nhìn ra phía biển: "đoàn dân nhóm họp xung quanh Ngài đông lắm". Vì vậy, Chúa Giêxu "phải xuống thuyền mà ngồi" và dân chúng thì đứng trên “bờ”. Bờ biển ấy đã được dựng nên như một giảng đường thiên nhiên và nước vọng lại giọng nói của Ngài hầu cho hết thảy mọi người đều nghe được.
C. Trong khi ngồi trên chiếc thuyền ấy: "Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cho họ".
3. Trong mỗi thí dụ nầy, Chúa Giêxu ví "nước thiên đàng" với các sự cố hay những hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày ở xứ Palestine trong thế kỷ đầu tiên. "Nước thiên đàng" được định nghĩa là quyền cai trị và sự trị vì của Đức Chúa Giêxu Christ trong đời sống của chúng ta. Cụm từ ấy đề cập tới vương quốc thuộc linh hiện tại của Đấng Christ một ngày kia sẽ trở thành một Nước thuộc thể.
4. Chúng ta tiếp tục xem xét những sự dạy của Chúa Giêxu theo cách ví dụ: Ví dụ nói tới lúa mì và cỏ lùng, Ví dụ nói tới hột cải và Ví dụ nói về men.
I. Ví dụ nói tới lúa mì và cỏ lùng (các câu 24-30).
A. Hành động phá hoại của một vụ mùa (các câu 24-26).
1. Trước tiên Chúa Giêxu nói tới "người kia", một nông dân "gieo giống tốt trong ruộng mình". Trong Ví dụ nói về người gieo giống, Chúa Giêxu đã sử dụng hình bóng nói về đất để giải thích lẽ thật của Kinh Thánh. Lần nầy vấn đề không phải là đất nữa mà là giống.
2. Tuy nhiên, sau khi “giống tốt" đã được gieo ra, "đang khi người ta ngủ" (không phải do biếng nhác, mà vì khi ấy là đêm tối) "kẻ thù" đã đột nhập vào ruộng rồi "gieo cỏ lùng vào trong lúa mì".
3. "Cỏ lùng" ra từ chữ Hy lạp zizanion (dziz-an'-ee-on) có ý nói tới loại cỏ lúa ma hay giống giả. “Cỏ lùng” rất giống với lúa mì cho tới khi lúa mì đã chín và trổ bông. Vì “cỏ lùng” có thể làm hư hại hoặc huỷ diệt một vụ lúa, một hành động như thế bị xem là một tội ác và bị ngăn cấm bởi luật lệ của người La mã.
4. Một vài tuần sau: "khi lúa mì lớn lên và trổ bông" thì "cỏ lùng cũng lòi ra" công việc của kẻ thù quá rõ ràng.
B. Các thắc mắc của hàng tôi tớ (các câu 27-28).
1. Khi các tôi tớ nhìn thấy “cỏ lùng”, họ "bèn đến với chủ" rồi hỏi: "Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra". Họ đã lẫn lộn rồi.
2. Người “chủ” chỉ cho họ thấy manh mối khi người nói: "Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó". Không phải là bất thường cho một ít “cỏ lùng” hay các thứ cỏ khác mọc lên trong một ruộng lúa, nhưng số lượng nầy chỉ có thể có từ một sự phá hoại có chủ ý.
3. Các tôi tớ đưa ra thắc mắc khác: "Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng [cỏ lùng]?" Họ đã lo sợ “cỏ lùng” sẽ phá hoại hoàn toàn lúa mì và họ tìm cách cứu lấy những gì có thể thu hoạch được.
C. Đáp ứng của người gieo giống (các câu 29-30).
1. Người "chủ" là một nông dân rất khôn ngoan. Ông ta vốn biết rõ việc nhổ bỏ cỏ lùng cũng sẽ làm trốc rễ cây lúa mì vì rễ của chúng không nghi ngờ chi nữa đã đan quyện vào nhau. Ông ta nói: "Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng".
2. Ông ta cũng sợ rằng lúa tốt sẽ bị xem là cỏ lùng, vì vậy ông ta nói: "Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt".
3. Khi tới lúc gặt hái, ông ta sẽ đưa “con gặt” đến, họ vốn biết rõ phải làm gì khi thu hoạch hơn "các tôi tớ" của ông ta. Ông ta sẽ bảo “các con gặt trước hết hãy nhổ cỏ lùng" rồi tiếp đến "bó lại từng bó mà đốt đi". Chỉ khi đó họ mới "thâu trữ lúa mì" vào nhà "kho".
4. Giống như Ví dụ nói về người gieo giống, chúng ta sẽ trông thấy sau đó trong các câu 36-43 rằng Chúa Giêxu đã giải thích ví dụ nầy cho các môn đồ Ngài.
II. Ví dụ nói tới hột cải (các câu 31-32).
A. Hột cải là hột nhỏ nhất trong các loại giống (câu 31).
1. Một lần nữa, khi nói với “đoàn dân đông” Chúa Giêxu đã phán rằng "nước thiên đàng" thì giống như "một hột cải" đã được “gieo ra” trong “ruộng”.
2. Tính chất đặc biệt rõ ràng nhất của “hột cải” là kích cở rất nhỏ của nó. Trong câu 32, Chúa Giêxu phán rằng hột ấy "thật nhỏ hơn cả các giống khác".
3. Những kẻ hay chỉ trích Kinh Thánh đã chỉ vào câu nói nầy hầu tìm cách chứng minh rằng Kinh Thánh là sai lầm và Chúa chẳng toàn tri chi hết. Cả hai đề nghị đều là những lời giả dối được truyền ra bởi những kẻ không muốn tin theo.
4. Theo văn mạch, Chúa Giêxu đang phán về các thứ “giống” của nhà nông. Có các thứ giống khác nhỏ hơn giống cải, thế nhưng chúng không phải là loại giống để làm vườn. Tân ước sử dụng từ ngữ "hột giống" luôn luôn đề cập tới loại giống làm vườn.
5. "Cải" là một thứ hoa màu được sử dụng rộng rãi trong từng nơi trên thế giới. Ngày nay nó được sử dụng trong công nghệ thương mại về phim ảnh.
B. Hột cải lớn lên thành một cây lớn (câu 32).
1. Mặc dù "hột cải" thì nhỏ hơn mọi thứ giống làm vườn khác: "khi đã mọc lên" thì nó lớn hơn các loại cây khác trong vườn, lớn đến nỗi nó "trở thành cây cối", một cây lớn đủ "cho đến nỗi chim trời tới làm ổ trên nhành nó được".
2. Mặc dù có nhiều loại cây cải trở thành những bụi gai nhỏ, đã có một số cây cải trong xứ Palestine lớn lên cao khoảng 12 đến 15 feet.
C. Hiểu biết thí dụ nói tới hột cải.
1. Chúng ta không có một tường trình nào nói về Chúa Giêxu giải thích ý nghĩa của ví dụ nầy. Sở dĩ như vậy là vì ý nghĩa quá rõ ràng rồi.
2. Ý nghĩa của ví dụ hoàn toàn rất đơn giãn. Giống như một "hột cải", Nước khởi sự rất là nhỏ, và rồi lớn lên rất to lớn.
3. Khi Chúa Giêxu bắt đầu giảng đạo, Ngài đã có một vài môn đồ vào lúc ban đầu, kế đó họ lớn lên với một số lượng rất lớn.
4. Trong kỷ nguyên của Hội Thánh, trước ngày Lễ Ngũ Tuần, đã có chừng 120 người trong Hội Thánh. Tuy nhiên, chỉ có một vài chương sau đó các vị sứ đồ được gọi là: "những người làm đảo lộn thế gian”.
5. Khi chúng ta chia sẻ Tin lành nói tới Nước Trời, nó khởi sự thật nhỏ với những lần làm chứng của chúng ta, vững chắc đối với Kinh Thánh, ngợi khen Chúa, tuy nhiên Tin lành ấy có thể lớn lên làm thay đổi nhiều đời sống và nhiều thế hệ tân tín hữu.
6. Trong nhà thờ nầy, công tác của chúng ta dành cho Nước Trời dường như nhỏ bé lắm, mà còn đời đời nữa, nó sẽ nói ra công việc lớn lao là thể nào!
7. Bất chấp tầm cỡ, bất chấp sự chống đối, bất chấp “cỏ lùng”, "bụi gai" và "kẻ thù", Nước Trời sẽ cứ tồn tại. Chúa Giêxu đã phán trong Mathiơ 16.18: "Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó”.
III. Ví dụ nói về men (câu 33).
A. Ví dụ nầy cũng dạy cho chúng ta biết rằng những việc nhỏ có thể có ảnh hưởng rất lớn.
1. “Người đàn bà kia” đang làm bánh là một cảnh tượng thông thường trên khắp xứ Palestine trong thời của Chúa Giêxu. Mỗi ngày những người đàn bà trong các gia đình đều lo làm bánh. Công việc nầy đã và đang là yếu tố chính trong cuộc sống.
2. Theo hàng trăm năm truyền khẩu, một người đàn bà sẽ tiết kiệm một ít “men” trước khi nướng bánh rồi dùng nó qua ngày sau cho đồ ăn của ngày hôm sau. Một trong những truyền khẩu về đám cưới nói người mẹ phải ban cho con gái mình một ít “men” trong ngày cưới.
3. Mặc dù “men” giống như “hột cải” khởi sự rất nhỏ, nó ảnh hưởng đến hết thảy “các đấu bột”, cho tới chừng nào bột dậy cả lên.
4. Phần nhỏ nhất trong “Nước” của Đức Chúa Trời vẫn có ảnh hưởng rất lớn, vì ảnh hưởng của “Nước” có chứa quyền phép của Đức Chúa Trời, và Lời của Ngài.
B. Men ở trong Bánh là ảnh hưởng chính.
1. Bánh có men luôn luôn là ăn ngon hơn và đáng thưởng thức hơn bánh không men. Nó tiêu biểu cho những việc tốt lành trong cuộc sống.
2. Khi Đức Chúa Trời truyền cho dân sự Ngài phải lìa Ai cập, Ngài đã bảo họ trộn bánh không men để nhắc cho họ nhớ về những lúc khó khăn trong khi sống trong một xứ tà giáo.
3. Mặc dù men đôi khi mới được dùng trong Kinh Thánh tiêu biểu cho năng lực lan toả của tội lỗi, đấy không phải là trường hợp ở đây.
C. Ảnh hưởng tích cực của Nước Đức Chúa Trời đến từ bên trong.
1. Người đàn bà trong ví dụ đã "trộn" men trong “bột”. Bà ta ấn sâu men vào bột để nó lan rộng và khiến cho bột dậy lên.
2. Cũng một thể ấy, chúng ta phải bị “trộn” trong xã hội của chúng ta, không phải để cho chúng ta được chú ý tới, mà chúng ta cần phải xâm nhập thật sâu vào bên trong đó.
3. Mục đích chính của cả hai ví dụ nầy là giúp cho các môn đồ đầu tiên hiểu rằng Nước mà họ đã dâng mình phục vụ đó sẽ không hề thất bại, song phồn vinh và trỗi hơn mọi điều mà họ có thể suy tưởng.
IV. Mục đích và sự giải thích các ví dụ (các câu 34-43).
A. Các ví dụ làm ứng nghiệm lời tiên tri (các câu 34-35). Cách thức Chúa Giêxu khi nói ra các ví dụ không phải là một lời giải thích đến sau mà là một phần của chương trình đời đời của Đức Chúa Trời. Hàng trăm năm trước đó, Asáp đã viết ra những lời mà Chúa Giêxu trưng dẫn ở đây trong Thi thiên 78.
B. Sự giải thích ví dụ nói về lúa mì và cỏ lùng (các câu 36-43).
1. Khi Chúa Giêxu "để cho chúng về", các môn đồ đã đến cùng Ngài "trong nhà" rồi yêu cầu Ngài giải thích Ví dụ về cỏ lùng. Rõ ràng là họ hiểu rõ một phần những gì Chúa Giêxu đã phán, song không hiểu hết. Họ vốn biết rõ rằng "cỏ lùng" là những người không tin Chúa và ví dụ đã nói về sự phán xét. Tuy nhiên, thắc mắc của họ giống như thắc mắc của các tôi tớ, họ đã hỏi: "Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng?"
2. Chúa Giêxu "Con Người" là người gieo giống trong ví dụ nầy.
3. "Ruộng là thế gian". Một số học viên Kinh Thánh đã giải thích sai ruộng khi đề cập tới dân sự của Đức Chúa Trời hay Hội Thánh nói chung. Ví dụ không nói về người tin Chúa và người không tin Chúa trong nhà thờ. Ví dụ không nói tới người thế gian trong Hội Thánh, mà nói tới Hội Thánh trong thế gian.
4. Trong ví dụ nầy, "giống tốt là con cái nước thiên đàng". Chúng ta cần phải bắt rễ và kết quả. "Cỏ lùng" là “con cái quỉ dữ” không được cứu.
5. Giống như lúa mì và cỏ lùng lớn lên bên cạnh nhau. Con cái Đức Chúa Trời và con cái “quỉ dữ” sống bên cạnh nhau. Chúng ta thưởng thức cùng những phước hạnh, ăn cùng thứ đồ ăn, học cùng một trường, làm việc chung một sở làm, và thậm chí đi chung những nhà thờ. Điều nầy kết thúc cho tới lúc "mùa gặt".
6. “Con gặt", là thiên sứ báo thù của Đức Chúa Trời sẽ thiêu đốt cỏ lùng trong “lửa”, lửa là biểu tượng cho sự hành hình của địa ngục với "khóc lóc và nghiến răng".
7. Lúa mì sẽ được nhập vào kho (24.31). Ở đó, trong sự công bình đời đời của Đấng Christ, chúng ta sẽ "chói rạng như mặt trời trong Nước của cha [chúng ta] mình" (Đaniên 12.3).
8. Chúa Giêxu phán: "Ai có tai, hãy nghe". Mỗi người đang trong tâm trạng bất an, sẽ hỏi: "Có phải tôi là lúa mì hay tôi là cỏ lùng trông giống như lúa mì?”
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét