Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 6.25-34: "Thắng hơn lo lắng"



MATHIƠ - VUA CÁC VUA
Thắng hơn lo lắng
Mathiơ 6.25-34
1. Trải qua nhiều tuần lễ, chúng ta đã nghiên cứu về Bài Giảng Trên Núi, chúng ta đã nhìn thấy Chúa Giêxu chỉ ra tình trạng giả hình trong nhiều lãnh vực khác nhau. Chúng ta đã nhìn thấy sự giả hình của tư dục bên trong, của cơn giận dữ không giải quyết được, của những lời cầu nguyện thành kính, của sinh hoạt tôn giáo phục vụ bản ngã và sự kiêng ăn nhăn mặt nhăn mày. Trong tất cả mọi hình thái giả hình, có lẽ điều tinh vi nhất và phổ biến nhất là lo lắng.
2. Quí vị có bao giờ nếm trải một nan đề nào đó nung nấu tâm can của quí vị chưa!?! Có thể quí vị nói: "Đức Chúa Trời ơi, Ngài cần phải quan tâm đến vấn đề nầy. Con tin cậy Ngài. Con không còn lo lắng về vấn đề đó nữa”. Tuy nhiên, sau nầy khi quí vị yếu đuối, ma quỉ đang thì thào những nỗi nghi ngờ vào hai lỗ tai của quí vị. Hắn nói: "Phải đấy, nhưng nếu...". Giữa đêm hôm, khi quí vị nhìn lên chiếc quạt trần, hắn sẽ làm cho lý trí của quí vị đầy dẫy với những tai vạ khả thi đẩy lui giấc ngủ và khiến cho quí vị phải căng thẳng. Đấy là cái bẫy, tội lỗi và sự giả hình của sự lo lắng.
3. Chữ Hy lạp được dịch là "lo lắng” ra từ một từ ngữ kép có ý nghĩa là "lý trí phân hai". Ví cớ đó một người có lòng lo lắng là người có lý trí bị phân làm hai. Chữ “lo lắng” theo tiếng Anh ra từ một chữ cổ của tiếng Đức, có nghĩa là "bị kìm hãm hay bị nghẹt ngòi". "Lo lắng" hìm hãm hay làm nghẹt ngòi đức tin và sự chúng ta kết quả cho Đức Chúa Trời.
4. Một trong những minh hoạ hay nhất về lo lắng ra từ mấy người bạn của Chúa Giêxu.
A. Trong Luca 10.38-42, chúng ta thấy Chúa Giêxu đang mời mọc mấy người bạn của Ngài trong thành Bêthany. Chúa Giêxu, cùng với các môn đồ của Ngài rất mệt mỏi và kiệt sức khi phục vụ dân chúng và đón đỡ với các nan đề của người dòng Pharisi.
B. Mathê mời mọi người đến nhà nàng dự một bữa ăn. Trong khi nàng quá bận rộn lo sửa soạn bữa ăn ngon lành nhất, em gái của nàng, là Mary "đến ngồi bên chân Chúa Giêxu và nghe lời của Ngài”. Nàng say sưa trong sự hiện diện của Ngài. Chúa Giêxu vốn hiện diện ở đó, và không một điều gì, thậm chí không một thứ đồ ăn nào có thể tách nàng ra khỏi Ngài cho được.
C. Đồng thời, Mathê, luôn bận bịu với nhiều công việc ở trong bếp và “bối rối về nhiều việc”. Nàng lo kiểm tra mấy chiếc bình, lo nhào bột, dọn bàn ăn v.v…Chẳng có một bàn tay nào phụ giúp hết. Nàng đem lòng LO rằng Chúa Giêxu sẽ không đẹp lòng với sự tiếp đãi của nàng và nàng đã đổ thừa cho em gái mình.
D. Nàng nói: "Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi”. Thiệt là buồn cười làm sao! Chắc là Chúa Giêxu nghĩ vậy!
E. Ngài phán: "Hỡi Mathê, ngươi CHỊU KHÓ và BỐI RỐI về nhiều việc". Chữ "chịu khó" ở đây chính là cùng một chữ ở Mathiơ 6 có nghĩa là "lý trí phân hai". Sự căng thẳng của nàng lên rất cao. Gương mặt nàng đỏ ửng lên. Nàng làm việc rất vất vả. Nàng không thể chịu nổi nữa.
F. Đây là giải pháp của Chúa Giêxu: "nhưng có một việc cần mà thôi. Mari đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được". Có người nói Chúa Giêxu đã nhắc tới chỉ một cái đĩa thôi. Ngài phán: "Chỉ cần đặt một cái bánh sandwich vào thôi, hỡi Mathê, hãy đến mà dự phần với chúng tôi".
5. Nếu quí vị giống như tôi, quí vị sẽ giống với Mathê hơn và chẳng thích giống như Mary đâu. Quí vị nói quí vị tin Đức Chúa Trời sẽ lo toan cho mọi nhu cần của quí vị, nhưng ở trong tấm lòng của mình quí vị chưa thực sự tin cậy Ngài. Hôm nay chúng ta sẽ xét qua bốn lý do tại sao lo lắng là vô ích và rồi hãy tiếp thu một số phương thức thắng hơn sự sợ hãi.
I. LO LẮNG PHỦ NHẬN MỌI GIÁ TRỊ CỦA CHÚNG TA (các câu 25-26).
A. Chúa Giêxu bảo chúng ta đừng lo lắng (câu 25a).
1. Hãy chú ý từ ngữ "Vậy nên". Cần phải lui lại câu 24, ở đây Chúa Giêxu dạy rằng Đức Chúa Trời là “chủ” duy nhất của chúng ta. Chúng ta phải diễn giải như thế nầy: "Vì Đức Chúa Trời là Chủ của các ngươi, đừng lo lắng!"
2. Trong bản Tân ước tiếng Hy lạp, mệnh đề nầy mang ý nghĩa kết thúc công việc mà quí vị đang lo làm. Vì cớ chúng ta có lòng lo lắng rồi, Đức Chúa Trời phán: “Thôi, đừng lo nữa”.
3. Xin đừng quên, đây là một mạng lịnh. Đây không những là một ý kiến tốt. Đây không những là một lời đề nghị cao quý. Đây không những là một lời bàn rất hợp lý. Mà đây còn là một mạng lịnh ra từ Đấng Sáng Tạo của vũ trụ nữa. Ba lần trong mười câu Ngài phán: "Đừng lo lắng" (câu 25, 31, 34). Hãy nhớ, Ngài đang phán: "Đừng phân tâm trong tâm trí của ngươi". Giacơ 1.8 chép rằng: “một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định”.
4. Nếu một viên cảnh sát ra lịnh cho quí vị phải cập xe vô lề, quí vị phải cập xe vô lề ngay. Nếu vị giáo sư ra lịnh cho quí vị phải làm bài kiểm tra, quí vị phải làm bài kiểm tra. Nếu toà án ra lịnh cho quí vị phải nghe theo bồi thẩm đoàn, quí vị phải nghe theo. Thế thì chúng ta phải vâng theo mạng lịnh của Đấng đã dựng nên chúng ta và đã chịu chết vì chúng ta nhiều là dường nào?
B. Chúa Giêxu ra lịnh cho chúng ta bởi nhu cần của chúng ta, chúng ta không được đi sai đường (câu 25b).
1. Chúa Giêxu phán rằng quí vị không nên lo lắng về “sự sống của quí vị”. Chúng ta không nên lo lắng về bất cứ điều chi trong đời sống của chúng ta, thậm chí các nhu cần cơ bản của chúng ta.
2. Chúng ta không nên lo lắng về những gì chúng ta “ăn” hay “uống” hoặc về những gì chúng ta sẽ “mặc”. Đây là những nhu cần cơ bản mà hầu hết Cơ đốc nhân đều lo nghĩ tới. Trong thời của Chúa Giêxu, cấp độ nghèo khó rất là cao. Nhiều người trước tiên nghe những lời nói nầy đều mắc nợ ít nhiều hoặc không có gì hết.
3. Chúa Giêxu hỏi: "Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao?” Nói cách khác: "Sự sống há chẳng quí trọng hơn việc chăm sóc cho thân thể và phu phỉ các nhu cần của nó sao?”
C. Chúa Giêxu ra lịnh cho chúng ta phải nhìn biết chúng ta có giá trị nhất trong mọi loài thọ tạo của Đức Chúa Trời (câu 26).
1. Có lẽ, khi họ ngồi trên ngọn đồi đó, họ đã nghe thấy tiếng hót của các loài chim và nhìn thấy loài chim chiền chiện đập cánh ở trên đầu. Có thể Chúa Giêxu đã chỉ ra cho họ khi Ngài phán: "Hãy xem loài chim trời".
2. Chúa Giêxu đã mô tả thể nào loài chim không : “chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trử vào kho tàng”. Chắc chắn một số người đã chế nhạo ở tư tưởng loài chim đang gieo và gặt các vụ mùa. Dĩ nhiên là không rồi! Loài chim ăn thức ăn nào mà chúng tìm thấy.
3. Chúa Giêxu nhắc cho họ nhớ rằng đồ ăn mà loài chim ăn không phải tình cờ mà có ở trước mặt chúng đâu. Không, “Cha các ngươi trên trời nuôi nó” .
4. Hãy đọc Gióp 38.39 – 39.2
5. Kế đó Chúa Giêxu hỏi: "Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?" Dĩ nhiên là quí vị quí trọng hơn rồi. Nếu Đức Chúa Cha chịu khó chăm sóc cho loài vật nhỏ nhất và vô nghĩa nhất trong các loài thọ tạo thì chắc chắn Ngài sẽ chăm sóc cho chúng ta là những kẻ được dựng nên theo ảnh tượng của chính Ngài!
Thánh Augustine đã nói: "Con người đi đó đi đây lấy làm lạ trước chiều cao của núi non, trước những lượn sóng to lớn của biển cả, trước chiều dài của những dòng sông, trước tầm rộng lớn của đại dương, trước chu kỳ chuyển động của các vì sao".
6. Loài chim không được dựng nên theo chính ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Không một con chim nào từng được sanh lại. Chúa Giêxu không chết thay cho các loài chim. Không một con chim nào có một quê hương được sửa soạn cho nó trên thiên đàng cả. Nếu Đức Chúa Cha chăm sóc cho loài chim, Ngài sẽ chăm sóc cho quí vị nhiều hơn là ngần nào! Chúa Giêxu đã hỏi: "Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?"
Elizabeth Cheney đã viết ra phân đoạn nầy: “Nghe lõm trong vườn”:
Robin nói với chim sẻ: “Ta thực sự muốn biết
Tại sao con người hay lo lắng nầy cứ hối hả và vất vả như vậy
Chim sẻ nói với Robin: “Nầy bạn ơi, tôi nghĩ là tại vì
họ không có Cha trên trời để chăm sóc giống như bạn và tôi
7. Quí vị cực kỳ quí trọng đối với Đức Chúa Trời. Vì lẽ đó, đừng lo lắng. Hãy tin cậy và Ngài sẽ chăm sóc cho quí vị.
II. LO LẮNG KHÔNG THAY ĐỔI ĐƯỢC ĐIỀU GÌ (câu 27).
A. Chúa Giêxu hỏi: "Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?" Chúng ta không thể thêm một cm nào vào chiều cao của mình hoặc một giờ vào đời sống của chúng ta bởi lo lắng. Lo lắng chẳng được tích sự gì hết.
B. Một số bản dịch giải thích điều nầy đề cập tới khoảng thời gian sống. Nền văn hoá của chúng ta bị chìm đắm với việc làm gia tăng khoảng thời gian sống. Mọi thứ quanh chúng ta là chế độ ăn kiêng, thực tập các chương trình, các thứ sinh tố, khoáng chất cùng vô số những thứ khác phải thực thi hay làm theo với hy vọng kéo dài cuộc sống ra.
Khi vào đến thiên đàng, có người nói: "Nếu tôi biết thiên đàng là nơi kỳ diệu như thế nầy, tôi sẽ chẳng hề ăn kiêng đâu". Thiên sứ đáp: "Ông sẽ có mặt ở đây sớm hơn nếu ông không ăn các thứ trộn với cháo!"
C. Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã đặt một giới hạn quanh đời sống chúng ta và một mình Ngài đếm số các ngày của chúng ta. Lo lắng về việc chúng ta sống bao lâu là vô ích vì lo như thế cũng chẳng thay đổi được sự sống đó!
D. Tấn sĩ Charles Mayo của Bịnh viện Mayo nổi tiếng từng viết: "Lo lắng tác động vòng tuần hoàn, tim mạch, các tuyến và toàn bộ hệ thần kinh. Tôi chưa hề gặp ai hoặc biết người nào chết vì làm việc quá tải hết, nhưng tôi có biết một số người đã chết vì lo lắng" (MacArthur).
E. Khi tự hành hạ mình, việc ấy sẽ giết quí vị chết với lo lắng. Lo lắng chẳng làm thay đổi được việc gì.
III. LO LẮNG LÀM CHO ĐỨC TIN CHÚNG TA BỊ SUY GIẢM ĐI (các câu 28-32).
A. Chúa Giêxu chỉ ra trường hợp của hoa huệ (các câu 28-29).
1. Ngay trước đó, khi Ngài chỉ ra con chim sẻ của người Palestine đang bay trên đầu, giờ đây Chúa Giêxu chỉ đám cỏ và hoa huệ mọc dại tự nhiên trên sườn núi. Có thể Ngài đã ngắt lấy một bông hoa đó.
2. Ngài hỏi: "Còn về quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi?" Hãy nhớ rằng con người thời ấy có rất ít quần áo. Một hay hai bộ đồ là chỉ tiêu. Quần áo tiêu biểu cho một sự đầu tư chủ yếu và đó là nổi lo thường trực đối với thường dân.
3. Có lẽ khi đang cầm lấy một hoa huệ xinh đẹp, Chúa Giêxu đã phán: “Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào". Loài hoa dại không bao giờ than phiền hay ví sánh chúng với loài hoa khác. Chúng lớn lên ở nơi chúng được gieo trồng và nở ra. Chúng làm công việc của chúng dù chúng có được ưa thích hay là không.
4. Chúa Giêxu phán: "Chúng chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ". Chúng không tự mình làm đẹp đâu, Đức Chúa Trời làm cho chúng xinh đẹp. Thực ra, Đức Chúa Trời làm cho chúng xinh đẹp đến nỗi "ngay cả vua Solomon" là một trong những vì vua lỗi lạc nhất và chắc chắn giàu có nhất trong lịch sử Israel "cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó".
5. Hãy suy nghĩ tới phương thức chúng ta ăn mặc cho mình ngày hôm nay. Phần nhiều người trong chúng ta là hạng nô lệ cho thời trang đấy. Chúng ta muốn ăn mặc hợp thời trang vì hợp thời trang khiến cho chúng ta cảm thấy tốt đẹp về mình. Đó là sự kiêu ngạo. Nếu Chúa Giêxu nói với người nào chỉ có một bộ quần áo thôi đừng lo lắng về quần áo, Ngài sẽ nói gì với chúng ta?
B. Chúa Giêxu đưa ra phần ứng dụng cho rằng Đức Chúa Trời sẽ làm thoả mãn mọi nhu cần của chúng ta (câu 30a).
1. Loài hoa chỉ nở ra trong một mùa thôi. Chắc chắn chúng sẽ chết và nét đẹp của chúng sẽ phôi phai đi. Chúng chẳng có ích cho cái gì trừ ra cho lò lửa. Phụ nữ sẽ đẩy thứ cỏ và hoa khô, không có sự sống kia để chụm lửa trong mấy cái lò bằng đất nung của họ.
2. Chúa Giêxu lý luận: "loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi?" Cho phép tôi dùng mệnh đề nầy: "Nếu Đức Chúa Trời mặc cho loài hoa ở ngoài đồng, là thứ chỉ sống tạm chỉ trong một mùa thôi, Ngài sẽ mặc cho quí vị còn nhiều hơn và làm thoả mãn các nhu cần của quí vị khi nhìn thấy quí vị được dựng nên cho cõi đời đời và vì quí vị là kẻ kế tự nước thiên đàng!"
C. Chúa Giêxu sánh lo lắng với việc thiếu đức tin (câu 30b).
1. Ngài đang mô tả hạng người lo lắng là "Hỡi kẻ ít đức tin". Theo Chúa Giêxu, người nào lo lắng nhiều thì là người có đức tin ít. Người nào có đức tin lớn thì là người lo lắng ít. Hãy nhớ, lo lắng là giả hình. Mặc dù quí vị nói quí vị có đức tin, lo lắng ở trong lòng để lộ ra sự thiếu đức tin của quí vị.
2. Nếu quí vị tin Đức Chúa Trời có quyền giải cứu, cứu chuộc, tái tạo, cất bỏ xiềng xích của tội lỗi và giữ gìn quí vị an toàn, hãy tin Ngài sẽ làm phu phỉ mọi nhu cần của quí vị ngay bây giờ.
3. Khi chúng ta lo lắng, chúng ta đang nói: "Tôi chưa hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời với nan đề nầy". Oswald Chambers đã viết: "Mọi nổi lo xuất đầu lộ diện do tính toán mà không có Đức Chúa Trời".
4. Một số binh lính của Solomon đều có loại khiên bằng vàng. Phải tốn đến 87.000 người làm việc trong 5 năm rưỡi để xây dựng đền thờ cho ông. Phải tốn đến 5 tỉ đô la. Thế mà mọi sự giàu có của Solomon không thể sánh với những bông hoa mọc ở dưới chân Chúa Giêxu. Cũng một thể ấy, mọi nan đề và nhu cần trong đời sống của quí vị chẳng là gì hết mà chỉ là một giọt nước sánh với cả đại dương. Đức Chúa Trời vốn có quyền và Ngài muốn làm thoả mãn từng nhu cần của quí vị.
5. Trong II Các Vua 6, chúng ta đọc thấy tiên tri Êlisê cùng với tôi tớ của người. Kẻ thù đang bao vây họ, chắc chắn họ sẽ bị giết. Tên đầy tớ lấy làm lo và sợ hãi. Êlisê đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời mở mắt tên đầy tớ và giúp cho hắn nhìn thấy đội quân thuộc linh của Đức Giêhôva đang đóng ở xung quanh.
D. Một lần nữa, Chúa Giêxu truyền cho chúng ta đừng lo lắng (câu 31).
1. Bất cứ lúc nào quí vị nhìn thấy một mệnh đề được lặp lại trong Kinh thánh, điều nầy tuyên bố tầm quan trọng của vấn đề đó. Chúa Giêxu đang nhấn mạnh mạng lịnh của Ngài.
Một lớp sương mù dày đặc rộng đủ để che phủ 7 lô đất trong thành phố dày 100 feet gom lại không đầy một ly nước – chia thành 60.000 triệu giọt nhỏ. Chỉ cần vài gallon nước, theo hình thái hư ảo đó có thể làm ngưng trệ hoạt động của một thành phố lớn. Cũng một thể ấy, những gì chúng ta lo lắng đến gần như không tệ hại bằng tầm cở nó tạo ra trong lý trí chúng ta và thiệt hại nó tác động trong đời sống của chúng ta. Có người đã nói như vầy: "Lo lắng và một dòng sông sợ hãi mong manh chảy từ từ trong trí, nếu được kích động, nó sẽ cắt một eo biển rộng đến độ mọi dòng tư tưởng khác sẽ bị cạn vơi hết".
2. Hầu hết những gì quí vị lo lắng đều sẽ không bao giờ xảy ra. Chúng ta đừng lo về chúng ta phải “ăn”, “uống”, hay “mặc” gì hoặc bất cứ một việc gì khác. Lo lắng biểu lộ cho sự thiếu đức tin.
E. Chúa Giêxu nhắc cho chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời vốn biết rõ mọi nhu cần của chúng ta rồi (câu 32).
1. Chúa Giêxu dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không nên sống như “người Ngoại”. Đây là lần tham khảo đến hạng người vô tín ở ngoài sự thịnh vượng của dân Israel.
2. Chúng ta không nên sống giống như hạng người vô tín ở ngoài nước Đức Chúa Trời. Họ “tìm cách” chạy theo những gì họ "ăn", "uống", và "mặc". Tiêu điểm của hạng người bị hư mất luôn luôn nhắm vào việc ở đây và bây giờ, những gì cần phải tận hưởng trong đời nầy. Họ chẳng có một hy vọng gì trong cuộc sống hầu đến, vì vậy họ chỉ hy vọng vào đời nầy mà thôi.
3. Chúng ta không nên lo lắng giống như hạng người bị hư mất. Chúng ta cần phải biết rõ là "Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi".
4. Tôi thích Philíp 4.19. Câu nầy chép: "Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
5. Khi tôi còn nhỏ, bố tôi lo chu cấp mọi nhu cần của tôi vì tôi là con của ông. Dù tôi đẹp trai hay xấu trai thì không phải là vấn đề. Tôi đã là con của ông mà. Cũng một thể ấy, Cha của tôi ở trên trời thường xuyên chu cấp cho mọi nhu cần của tôi, không dựa vào tôi có trung tín với Ngài hay không, mà chỉ dựa vào sự Ngài thành tín đối với tôi mà thôi.
IV. LO LẮNG XA RỜI MỤC ĐÍCH CỦA CHÚNG TA (các câu 33-34).
A. Mục đích của chúng ta là "trước hết tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài" (câu 33a).
1. Lý trí của chúng ta cần phải đặt vào Đức Chúa Trời và Nước của Ngài. Ưu tiên một của chúng ta không phải là cần thoả mãn các nhu cầu đời nầy, mà trở thành hạng người mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải trở thành.
2. Côlôse 3.1-3 chép: "Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời".
3. Tìm kiếm Nước của Ngài có nghĩa là tìm cách đưa người ta đến với Đấng Christ. Như vậy có nghĩa là dấn thân vào sự chứng đạo và công cuộc truyền giáo.
4. Hãy chú ý chữ “trước tiên”. Chúng ta có nhiều ưu tiên khác nhau: gia đình, công ăn việc làm, v.v…Chúng ta phải nhớ rằng điều “trước tiên”của chúng ta luôn luôn là Đức Chúa Trời.
5. Chúng ta cũng cần phải nhìn thấy "sự công bình của Ngài" hay sự nên thánh. Chúng ta cần phải sống đời sống thánh khiết. I Phierơ 1.16 chép: "Hãy nên thánh, vì ta là thánh". II Phierơ 3.11 chép: "Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tôn kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào".
B. Chúng ta cần phai biết rằng mọi nhu cần của chúng ta sẽ được "thêm lên" cho chúng ta (câu 33b).
C. Chúng ta được truyền cho đừng lo lắng về "ngày mai".
1. Có người đã phạm phải sự lo lắng đến độ nếu họ không tìm được điều gì để lo cho hôm nay, họ lo về những điều mà ngày mai sẽ đem tới.
2. Trong quyển “Tốt hơn vàng”, Gordon MacDonald đã viết: "Không một người nào bị lún dưới gánh nặng của ban ngày. Khi gánh nặng của ngày mai thêm vào gánh nặng của hôm nay, thì sức nặng càng nhiều thêm một người có thể mang lấy".
3. Chúa Giêxu, lần thứ ba Ngài phán: "Đừng lo lắng". Lần nầy chúng ta không nên lo lắng về “ngày mai”.
4. Ca thương 3.22-23 chép: "Ấy là nhờ sự nhơn từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Mổi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm".
5. Mỗi "ngày là rắc rối của chính ngày ấy". Có đủ những thứ rắc rối, thử thách và cám dỗ mỗi ngày mà không có sự lo lắng về những thứ mà ngày mai mang tới.
V. BỐN NGUYÊN TẮC ĐỂ THẮNG HƠN LO LẮNG.
A. Trước tiên, hãy thành thực dâng mọi nan đề của quí vị cho Đức Chúa Trời. Quí vị đã cầu nguyện về nan đề đó nhưng quí vị đã trao phó nó vào trong tay của Ngài và tránh xa nó ra.
B. Thứ hai, khi Satan khởi sự làm cho quí vị phải lo lắng, hãy nhắc cho hắn nhớ tới Đấng biết rõ mọi điều quí vị lo lắng. Hãy nói cho hắn biết quí vị đã trình cho Chúa biết về nan đề của quí vị rồi (Giacơ 4.7).
C. Thứ ba, hãy sống trọn vẹn cho một ngày. Đừng lấy làm bối rối về ngày mai.
D. Thứ tư, hãy đồng đi với Chúa. Quí vị càng gần gũi với Đức Chúa Trời, thật là khó lấy làm lo lắng lắm.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét