Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 5.6: "PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ ĐÓI KHÁT"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
SỨ ĐIỆP CỦA NHÀ VUA
PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ ĐÓI KHÁT
Mathiơ 5.6
1. Có chàng thanh niên kia từng quỳ gối trước mặt một thiếu nữ xinh đẹp bên bờ hồ yên tĩnh. Anh ta nói: “Em yêu, anh mong em biết rõ là anh yêu em hơn cuộc sống nầy. Anh muốn em hãy lấy anh. Anh không phải là người giàu có. Anh chẳng có chiếc du thuyền nào, không có xe Rolls-Royce hay nhiều tiền bạc giống như Johnny Green, nhưng anh yêu em bằng cả chân tình”. Thiếu nữ kia dừng lại trong một phút rồi nói: “Anh yêu, em cũng yêu anh bằng cả chân tình nữa. Song trước khi em nói đồng ý, hãy nói cho em biết thêm một chút về Johnny Green”.
2. Câu chuyện hỏm hỉnh kia đã phác hoạ ra một sự thật rất phổ thông; người ta đang có một nỗi khát khao sâu sắc về nhiều thứ. Chúng ta được đánh dấu bằng một sự theo đuổi tham vọng với tư thế thật háo hức. Chúng ta muốn tiền bạc, danh tiếng, quyền lực, ảnh hưởng, sự tán thưởng, và sự công nhận. Giống như một con chó săn hăng mồi, chúng ta luôn giữ mũi của mình theo dấu vết, chạy sau ngọn gió lùng kiếm thứ gì có ở trước mặt chúng ta.
A. Gần như từng tin tức đăng trên báo nói về vụ bê bối hay hành động tội ác đang chỉ về ai đó đang ra sức làm thoả mãn cơn khao khát bên trong của mình bằng cách kiếm cho kỳ được quyền lực hay tiền bạc.
B. Các bộ môn thể thao luôn luôn nói về cơn khát khao chiến thắng, phải là người hạng nhất. Tôi vẫn còn nhớ vị huấn luyện viên môn bóng đá ở Trường trung học, ông hay nói cho chúng tôi biết rằng để chiến thắng, chúng ta cần phải có cái nhìn háo hức trong đôi mắt của mình.
C. Thậm chí phương tiện truyền thông cũng hay đưa ra ai đó đã tạo ra một thành tích mới hoặc có phần biểu diễn hay nhất.
D. Mỗi ngày các công ty hoạch định các chiến dịch mới, các cách chi trả mới, các liên doanh mới để trở thành loại chó săn hàng đầu.
Một nhóm thương gia người Hàn quốc đến tham quan phân xưởng dệt của người Mỹ. Người chủ xưởng thuật lại một câu chuyện hóm hỉnh đã được dịch ra rồi. Mấy người Hàn quốc bật cười lắng nghe. Người Mỹ kia liền hỏi, muốn dịch lại câu chuyện đó bằng mấy từ thôi, các bạn sẽ dịch như thế nào!?! Người Hàn quốc đáp: “Tôi muốn dịch là: Ông kia với quyển sổ tay thật lớn đã kể một câu chuyện hài. Ông thấy có được không!?!’”.
E. Các bảng thống kê cho thấy rằng 40% dân chúng trong quốc gia nầy không chung thuỷ với người bạn đời của họ. 50% trong chúng ta đang ly dị. Chúng ta khao khát sự thoả mãn và thoả lòng trong các mối quan hệ mới.
F. Có người tìm cách làm thoả mãn lòng khát khao của họ bằng cách sử dụng chính thân thể mình. Họ làm việc nhiều giờ trong phòng thể dục, hạn chế thực đơn của họ, chỉ có các thức ăn lành mạnh nhất mà thôi, họ tưởng rằng nếu thân thể họ coi được và sức khoẻ họ mạnh mẽ đủ, thì lòng khao khát bên trong của họ sẽ được thoả mãn.
G. Chúng ta làm hết sức mình để kiếm cho kỳ được thứ mà chúng ta đang tìm kiếm. Thực ra, trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, ở đó bảo đảm cho chúng ta quyền “mưu cầu hạnh phúc”. Các tổ phụ không chắc kiếm được hạnh phúc vì điều đó vượt quá khả năng của họ. Đáng buồn thay, hầu hết chúng ta đang sống đời sống mình trong quốc gia rộng lớn nầy và không bao giờ đạt được hạnh phúc thật cả.
3. Vấn đề là, suy tưởng của chúng ta không tới mức. Giống như bài quốc ca xưa, chúng ta “đang tìm kiếm tình yêu ở những chỗ không đúng”. Không một lượng tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, các mối quan hệ hay thành công nào khả dĩ có thể làm đầy được phần đói khát trong linh hồn của chúng ta.
4. Đức Chúa Trời đã dựng nên bên trong mỗi một chúng ta ý thức về sự trống không và nhu cần ở bên trong. Hết thảy chúng ta đều có một sự khát khao muốn làm cho đầy nhu cần nầy. Tuy nhiên, khoảng trống ấy không thể làm đầy được một khi sống xa cách Đức Chúa Trời.
5. Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta phải nhận biết rằng đây là một sự khao khát về mặt thuộc linh. Câu 3 dạy chúng ta rằng chúng ta phải “có lòng khó khăn” nhìn biết tình trạng tội lỗi và nghèo khó về mặt thuộc linh của chúng ta. Sự nhìn biết ấy khiến cho chúng ta phải “than khóc” (câu 4). Kế đó chúng ta phải ý thức Đức Chúa Trời đáng sợ là dường nào và chúng ta phải trở nên “nhu mì” ở trước mặt Ngài. Khi ấy chúng ta nhìn biết rằng cơn khao khát thuộc linh ở bên trong chúng ta thuộc về bổn tánh thuộc linh, và cơn khao khát ấy sẽ được “làm đầy” khi chúng ta “đói khát sự công bình”.
I. Ý NGHĨA CƠN ĐÓI KHÁT THUỘC LINH.
A. Hầu hết chúng ta đều chưa biết tới cơn đói khát đe doạ sự sống.
1. Đói và khát là những hệ thống cảnh báo của cơ thể.
2. Trong những lúc cầu nguyện và lo nghĩ về mặt thuộc linh, tôi thường kiêng một bữa ăn hoặc trong một ngày hay hai ngày. Tôi mới biết rằng mình đã đói trong một lúc, nhưng rồi cơn đói cũng qua đi.
3. Tôi chưa hề chịu đói đến mức cơn đói trở thành một nỗi ám ảnh bao giờ.
Trong một bài viết nói về Cõi đời đời, E. M. Blaiklock đã viết về cuộc giải phóng xứ Palestine theo W.W.I. Một lực lượng đồng minh truy kích quân Thổ Nhĩ Kỳ qua một sa mạc bao la. Khi đoàn quân băng qua Beersheba, họ đã vượt quá xa đoàn lạc đà chở nước cho họ. Miệng lưỡi họ bị khô đi, đầu của họ bị đau rồi họ bị choáng váng và lả người ra. Hàng trăm người ngã chết. Đến khi đêm xuống, họ quyết định đi tới chỗ có giếng nước ở Sheriah. Do có một số người đi lạc hướng, nhiều người khác phải chờ đợi cả 4 tiếng đồng hồ trước khi rút nước ra khỏi mấy cái bình chứa. Một trong các sĩ quan đã nói: “Tôi tin rằng hết thảy chúng ta đều đọc được bài học thực tế đầu tiên trong Kinh Thánh từ Beersheba đến giếng nước Sheriah. Nếu cơn khao khát của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời là cỡ đó, muốn tìm cầu sự công bình và ý chỉ của Ngài trong đời sống chúng ta, một khát khao nung nấu, thì trái của Thánh Linh sẽ đậu nhiều là dường nào!?! (MacArthur, pp.180-181).
B. Chúa Jêsus sử dụng phép ẩn dụ nói tới lòng khát khao mạnh mẽ nhất trong lãnh vực xác thịt để chỉ ra sự khát khao sâu sắc nhất trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời.
1. Theo ngôn ngữ Hy lạp, ở đây muốn nói tới một sự mong mỏi liên tục muốn nhận được “sự công bình”.
2. Càng đồng đi gần gũi với Đức Chúa Trời, người ta càng muốn trở nên giống như Ngài hơn. Một người càng muốn biết rõ sự công bình của Đức Chúa Trời, người ấy càng khát khao muốn sống công nghĩa hơn. Đây là một cảm xúc nung nấu thật mạnh mẽ.
3. Trong phân đoạn tương ứng ở Luca 6.21, Chúa Jêsus phán: “Phước cho các ngươi hiện đang đói, vì sẽ được no đủ!”. Vấn đề là, có nhiều người không muốn sống công nghĩa đang lúc bây giờ. Họ muốn tìm cách trám đầy nỗi trống không bên trong họ với một thứ gì đó đang lúc bây giờ và tìm kiếm sự công bình sau.
C. Một sự khát khao nung nấu muốn sống “công nghĩa” rõ ràng đang ở trong lòng tất cả những tín đồ thật.
1. MÔISE khao khát muốn biết thêm về Đức Chúa Trời.
a. Ông đã trò chuyện với Đức Chúa Trời qua bụi gai cháy. Ông đã nhìn thấy quyền phép của Đức Chúa Trời qua các trận dịch lệ và qua việc chia Biển Đỏ ra làm hai. Ông đã nhìn thấy trụ mây và trụ lửa. Ông đã lo xây đền tạm của Đức Chúa Trời.
b. Xuất Êdíptô ký 33.11 chép: “Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình”. Môise đã trông thấy Đức Chúa Trời nhiều rồi, thế nhưng ông vẫn xin: “Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!” (câu 18).
c. Đức Chúa Trời đặt Môise bên vầng đá rồi sự vinh hiển Ngài đi ngang qua, cho phép ông nhìn thấy phía sau lưng.
2. ĐAVÍT đã khát khao muốn biết thêm về Đức Chúa Trời. Ông đã nói trong Thi thiên 63.1: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; Trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước, Linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa”.
3. PHAOLÔ đã khát khao muốn biết thêm về Đức Chúa Trời.
a. Ông đã bỏ đi sư công bình riêng của mình “là sự công bình ra từ luật páhp” và tìm cầu sự công bình “bởi tin đến Đấng Christ mà được” (Philíp 3.9).
b. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa phải là đủ, ông còn nói trong câu 10 rằng ông muốn “biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài”.
c. Ông là một người đã được đưa lên tới “từng trời thứ ba”, ở đó ông “nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra” (II Côrinhtô 12.2-4). Thế mà ông vẫn khao khát muốn nhìn xem Đấng Christ. Ông nói: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Philíp 1.21).
4. PHIERƠ đã khát khao muốn biết thêm về Đức Chúa Trời. Ông đã đồng đi và đồng trò chuyện với Chúa, ông nói ông vẫn khát khao muốn “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ” (II Phierơ 3.18).
D. Vô luận một người biết rõ Đức Chúa Trời tới đâu, vẫn có nhiều điều cần phải biết thêm nữa. Vô luận một người thực thi “sự công bình” tới cỡ nào đi nữa, vẫn còn phải biết thêm nhiều điều nữa. Đây là một thắc mắc chỉ kết thúc trên thiên đàng mà thôi! Phải chăng điều nầyy đang đánh dấu đời sống của bạn?
D. Martyn Lloyd-Jones đã viết mấy câu nầy: “Nếu câu nầy được viết ra cho bạn, một trong những câu nói phước hạnh nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, bạn có thể biết chắc mình là một Cơ đốc nhân. Nếu không biết chắc, thì bạn đáng phải xét lại mọi nền tảng một lần nữa” (MacArthur, p.180).
II. CÁC MỤC TIÊU CỦA CƠN ĐÓI KHÁT THUỘC LINH.
A. Mục tiêu cơn đói khát thuộc linh dành cho người chưa tin Chúa là SỰ CỨU RỖI.
1. Khi một người “có lòng khó khăn” hoặc nhìn biết thực trạng tội lỗi của mình rồi “than khóc” tội lỗi đó, và “nhu mì” trước mặt Đức Chúa Trời rồi bắt đầu “đói khát” “sự công bình” của Ngài, người ấy sẽ được cứu.
2. Chúa Jêsus đang phán với hạng người Dothái vốn nung nấu với sự tự xưng công bình của họ.
3. Một người phải lìa bỏ mọi hy vọng tự cứu mình, lìa bỏ mọi công đức riêng và khao khát Đức Chúa Trời để được cứu.
4. Không những Đức Chúa Trời ban hiến cho cõi đời đời trên thiên đàng, mà còn ban cho sự yên ủi, sự bình an, vui mừng và tình bạn trong đời nầy nữa. Sự ban hiến ấy luôn miễn phí. Đúng là một sự ban cho!
B. Mục tiêu cơn đói khát thuộc linh dành cho người tin Chúa là SỰ NÊN THÁNH.
1. Đối với những tín hữu nào đã tiếp nhận sự công bình của Đấng Christ vào trong đời sống của họ, về địa vị thì họ là thánh, song vẫn hay phạm lỗi lầm trong khi còn sống. Cơn “đói” và “khát” của họ không những là thánh khiết ở bên trong, mà cũng có ở bên ngoài nữa.
2. Không một người nào chưa tin Chúa mà “đạt tới” cấp độ thuộc linh trong đời nầy. Chúng ta phải luôn luôn đánh trận với xác thịt của mình. Phaolô đã cầu nguyện cho người thành Philíp để tình yêu của họ “càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ” (Philíp 1.9-10).
3. Hãy nhớ thì của động từ là một cơn đói khát liên tiến.
4. Trong Thi thiên 23, vì Đức Giêhôva là Đấng Chăn Giữ chúng ta, Ngài “khiến tôi yên nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi; dẫn tôi đến mé nước bình tịnh” (câu 2).
III. KẾT QUẢ CỦA CƠN ĐÓI KHÁT THUỘC LINH.
A. Người nào “đói khát… sẽ được no đủ!”.
1. Chữ Hy lạp nói tới no đủ là chorazo, chữ nầy thường được sử dụng để mô tả việc cho thú vật ăn cho tới chừng chúng no nê không còn ăn được nữa.
2. Chúng ta đói khát về Đức Chúa Trời, Ngài sẽ biến mỗi ngày ra giống như: “Ngày Cảm Tạ”. Chúng ta có thể ngồi lại, no nê với sự công bình của Đức Chúa Trời!
3. Nếu câu nầy nói tới sự đói khát liên tục, thì làm thế nào chúng ta no đủ cho được? Bạn có món ăn nào ưa thích không? Có khi bạn thèm muốn được ăn nó. Bạn ăn thức ăn ấy và cứ ăn cho tới chừng bạn no nê. Ăn như thế mới thoả mãn hơn là chỉ có nếm sơ qua. Người nào thèm khát sự công bình của Đức Chúa Trời sẽ được “no đủ”, nhưng no đủ như thế sẽ còn làm cho người “đói khát” thêm nữa. Đây là một sự nghịch lý về mặt thuộc linh.
B. Có nhiều phân đoạn Kinh Thánh phản ảnh sự thoả lòng của chúng ta trong việc tìm kiếm Đức Chúa Trời.
1. Thi thiên 107.9 chép: “Vì Ngài làm cho lòng khao khát được thoả thích, khiến cho hồn đói được đầy dẫy vật tốt”.
2. Thi thiên 34.10 chép: “Sư tử bị thiếu kém, và đói; nhưng người nào tìm cầu Đức Giêhôva sẽ chẳng thiếu của tốt gì”.
3. Thi thiên 23.1 chép: “Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì”.
4. Giêrêmi 31.14 chép: “Ta sẽ làm cho lòng các thầy tế lễ chán chê vì đồ ăn béo; dân ta sẽ no nê về ơn phước của ta, Đức Giêhôva phán vậy”.
5. Chúa Jêsus đã phán với người đờn bà Samari trong Giăng 4.4 rằng: “Hễ ai uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời”.
6. Ngài phán với đoàn dân đông, họ đã ăn no sau khi Ngài cho 5.000 người ăn: “Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát” (Giăng 6.35).
IV. CÁC DẤU HIỆU CỦA SỰ ĐÓI KHÁT THUỘC LINH.
A. Thứ nhất, có SỰ KHÔNG THOẢ LÒNG về đời sống thuộc linh của một người.
1. Giống như người Dothái trong thời của Chúa Jêsus, người nào thấy thoả lòng với công đức riêng của mình sẽ không bao giờ nếm được “sự công bình” của Đức Chúa Trời.
2. Thomas Watson đã viết: “Sự công bình luôn luôn là điều mà người thể ấy cần nhất” (MacArthur, p.184).
3. Bạn muốn có điều chi thêm vào đời sống thuộc linh của mình không, hay bạn chỉ muốn dầm mình trong sự ô uế của tội lỗi? Cả hai loài mèo và heo đều dính bẩn. Cái khác biệt là con heo thích ở bẩn và con mèo muốn mình được sạch.
4. Chúng ta phải cùng nói với sứ đồ Phaolô: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rôma 7.24).
B. Thứ hai, có SỰ KHÔNG THOẢ LÒNG với các vấn đề thuộc về đời nầy.
1. Tôi thích nhạc hay, thích trò chuyện, thích đọc sách và thích xem xinê. Tuy nhiên, nếu tôi khao khát, không một thứ nào trong các thứ nầy làm cho tôi thoả lòng được. Tôi cần đồ ăn, chứ không cần giải trí.
2. Chẳng có gì sai với các loại hình giải trí. Tuy nhiên, giải trí không thể làm thoả mãn mọi điều mà linh hồn khao khát.
3. Không một điều gì khác hơn sự công bình của Đức Chúa Trời mới có thể trám đầy khoảng trống trong đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta theo phương thức đó.
C. Thứ ba, có một sự KHÁT KHAO Lời Đức Chúa Trời.
1. Lời của Đức Chúa Trời là đồ ăn cho linh hồn đang đói khát. Kinh Thánh chép: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Phục truyền luật lệ ký 8.3; Mathiơ 4.4, Luca 4.4). Thật là đáng ngạc nhiên lúc người ta bị thương tổn thì Kinh Thánh thường được đem ra đọc. Đấy là lý do tại sao những quyển Kinh Thánh Ghêđêôn lại được đem đặt trong các phòng ở khách sạn. Một phòng khách sạn có thể trở thành một nơi cô độc.
2. Giêrêmi đã nói: “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy” (Giêrêmi 15.16).
3. Khi chúng ta tìm kiếm sự công bình, chúng ta có một sự thèm khát nhiều về LỜi của Đức Chúa Trời.
D. Thứ tư, có SỰ VUI THÍCH trong mọi phương diện của Đức Chúa Trời.
1. Thưởng thức mọi ơn phước của Đức Chúa Trời là điều rất đáng ưa thích: gia đình, sự thịnh vượng, một việc làm tốt, sức khoẻ…
2. Tìm được niềm vui trong các thử thách và kỷ luật của Đức Chúa Trời là một việc khác.
a. Châm ngôn 27.7 chép: “Kẻ no nê giày đạp tàng mật dưới chơn mình; song điều gì đắng cũng lấy làm ngọt cho kẻ đói khát”.
b. Giacơ 1.2 chép: “Hỡi anh em, hãy coi sự trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn”.
c. Hêbơrơ 12.6 chép: “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt”.
d. Watson viết: “Kẻ đói khát theo đuổi sự công bình có thể hưởng lấy hương thơm của tin lành cũng như đang nếm mật ong vậy”.
E. Thứ năm, có SỰ QUYẾT ĐỊNH trong sự phục vụ Đức Chúa Trời.
1. Khi chúng ta thực sự khao khát lẽ công bình, chúng ta tìm kiếm và tiếp nhận sự công bình của Đức Chúa Trời mà chẳng cần một điều kiện tiên quyết nào. Chúng ta không cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn… con sẽ…”. Chúng ta tìm kiếm Ngài và vâng theo Ngài với đức tin thật đơn sơ.
2. Người trai trẻ giàu có chỉ mong muốn có sự công bình của Đức Chúa Trời nếu sự công bình ấy phù hợp với mọi tính toán của anh ta. Chúng ta không thể tìm kiếm Đức Chúa Trời theo cách đó. Chúng ta tiếp nhận bất cứ điều chi Ngài chọn ban cho chúng ta. Mathiơ 6.33 chép: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.
3. Chúng ta phải quyết định hầu việc Đức Chúa Trời và để cho Ngài cung ứng cho mọi kết quả. Chúng ta đang có đủ để thuộc về Ngài.
F. Thứ sáu, chúng ta đang có một NGÂN HÀNG phần thưởng đang chờ đón.
Sigmund Freud có một câu chuyện rất hay kể về một chàng thuỷ thủ đã bị đắm tàu ở một hòn đảo nằm phía Biển Nam xa xôi. Những người bản xứ bắt lấy anh ta, vác lên vai rồi đặt anh ta lên một cái ngai rất thô sơ. Sau đó anh ta mới hay rằng theo tục lệ, họ lập anh ta làm vua trong một năm. Các vị vua mới đều được bợ đỡ, tôn vinh và vâng theo chẳng cần một thắc mắc gì hết trong 12 tháng. Tuy nhiên, đến cuối năm, họ bị trục xuất sang một đảo khác rồi bị bỏ ở đó cho tới chết. Chàng thuỷ thủ không thích như thế, nhưng anh ta là một vị vua rất thông minh. Mỗi ngày trong suốt sự trị vì của mình, anh ta kêu mọi người lại đóng các chiếc thuyền, trồng các loại cây ăn trái bên hòn đảo hoang kia, gieo các thứ ngũ cốc, dựng nhiều nhà ở… Đến cuối sự trị vì của mình, anh ta không bị trục xuất sang một hòn đảo có sự đói kém, mà sang một địa đàng vùng nhiệt đới. Đây là một thí dụ hay cho chúng ta. Nếu chúng ta tốn thì giờ ngay lúc bây giờ để theo đuổi khoái lạc, quyền lực, sự chấp nhận, may rủi và danh tiếng, chúng ta sẽ có rất ít hoặc chẳng có gì trong cõi đời đời. Nếu chúng ta tung đời sống mình vào cuộc theo đuổi sự công bình, chúng ta sẽ được ban thưởng cho đến đời đời. Chúa Jêsus phán: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy” (Mathiơ 6.19-20).
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét