Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 5.3-8: "Chức vụ thương xót – Phần 1"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Chức vụ thương xót – Phần 1
I Timôthê 5.3-8
Khi tôi xem xét phân đoạn Kinh thánh nầy trong tuần, tôi thấy là trừ phi quí vị có mặt trong một nhà thờ chuyên giảng dạy Kinh thánh, nghĩa là một nhà thờ phục theo sự dạy có hệ thống suốt Kinh thánh từng câu một, quí vị sẽ không bao giờ nghe được một bài giảng căn cứ trên phần câu gốc nầy. Tại sao vậy? Vì các nhà truyền đạo cứ loanh quanh một ít chỗ nầy rồi một ít chỗ kia khắp Kinh thánh sẽ không bao giờ chọn phân đoạn Kinh thánh nầy. Cho nên, đây là năng lực rao giảng khắp Kinh thánh, chúng ta đối mặt với "toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời" chớ không phải chỉ có từng mãng manh mún đâu.
Lẽ đạo của mười bốn câu nầy, một phân đoạn khá dài so với tầm cở của quyển sách đặc biệt nói tới chức vụ của Hội thánh đối với những người đàn bà goá và nói chung chức vụ thương xót của chúng ta cho bất cứ ai đang có cần. Cái điều dường kỳ lạ là Phaolô nói tới cách xử sự của Timôthê đối với những người già cả, lớp người trẻ, những người đàn bà lớn tuổi và các thanh thiếu nữ trong câu 2, rồi kế đó dành trọn thì giờ nầy nói tới những người đàn bà goá. Rõ ràng, có một nan đề về những người đàn bà goá trong Hội thánh.
Đôi khi một số Mục sư bị tác động. Chúng ta để cho những việc nhỏ gây khó chịu cho chúng ta. Chúng ta lo lắng và bực bội trước những vấn đề lặt vặt thực sự có rất nhiều rồi xao lãng những vấn đề to lớn. Như Chúa Jêsus đã phán, đôi khi chúng ta "lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà!" (Mathiơ 23.24). Đối với tôi dường như nan đề lớn lao trong Hội thánh ở thành Êphêsô là che giấu Tin lành ở dưới "những phù ngôn và gia phổ vô cùng" (1.4a) cũng như sự dạy và ứng dụng sai thiên về với "luật pháp" (1.7-11) thay vì "sự gây dựng tin kính", tiềm lực của Đức Chúa Trời về Tin Lành tạo ra công cuộc truyền giáo và môn đồ hoá (1.4b-5). Phaolô từng giữ vững cốt lõi của sứ điệp Tin lành, tính cần thiết của sự cầu nguyện, vai trò của nữ giới, những đức tính của bậc trưởng lão và chấp sự, những ưu tiên một của cấp lãnh đạo thuộc linh và các trách nhiệm chúng ta có với nhau trong gia đình của Đức Chúa Trời, sau cùng ông đến với việc xử lý nan đề dường như gây bối rối cho Timôthê, những gì cần phải làm đối với những người đàn bà goá.
Làm ơn đừng nghĩ phân đoạn nầy là vô mục đích đối với chúng ta ngày nay. Chúng ta phải đưa sự dạy của nó trực tiếp vào chức vụ dành cho những người đàn bà goá đang sống giữa vòng chúng ta. Tôi cũng nghĩ quí vị sẽ đồng ý rằng có một số nguyên tắc phát sinh ở đây giúp chúng ta trong chức vụ thương xót dành cho bất cứ ai đang có cần.
I. Bổn phận giúp đỡ cho những người đàn bà goá (câu 3).
Phaolô đề ra lẽ đạo cho cả phân đoạn khi ông nói trong câu 3: "Hãy kính những người đàn bà góa thật là góa". "Goá" là một từ ngữ bao gồm, ý nói tới những người đã mất chồng. Trong một số trường hợp, từ ngữ nầy có thể áp dụng cho một người đàn bà bị bỏ rơi hay đã ly dị. "Kính" ra từ chữ timao và mang ý tưởng ban thưởng hay đánh giá cao một việc gì đó. Chữ nầy bao gồm cả sự tỏ ra lòng kính trọng và giúp đỡ về mặt tài chính. Từ chữ "honor" “kính” chúng ta có chữ honorarium [tiền thù lao], có ý nói tới một món quà giúp đỡ với lòng kính trọng.
Trong những thời xa xưa, và ngay cả hôm nay ở phần nhiều các quốc gia trên thế giới, những người đàn bà goá là những người dễ bị tấn công [yếu đuối] nhất trong xã hội. Trong kỷ nguyên Tân Ước, đời sống của một người đàn bà hoàn toàn bị cuốn hút vào chồng con của mình. Nàng không có một cơ nghiệp gì ngoài gia đình của mình và chẳng có phương thế chi để làm ra tiền. Khi chồng nàng qua đời, nàng nương vào sự dành dụm của chồng và rồi nương vào con cái của mình. Vì sự nghèo khó quá lớn, những người đàn bà goá có tuổi thường phải đi ăn xin. Trong khi phần lớn những người đàn bà goá trong thời của chúng ta ít nhất đều có an ninh xã hội hay trợ cấp nho nhỏ, họ hoàn toàn túng thiếu.
Đức Chúa Trời là Cha yêu thương hay thương xót. Những người đàn bà goá có một chỗ đặc biệt trong tấm lòng của Ngài. Thi thiên 68.5 mô tả Ngài là: "Cha kẻ mồ côi, và quan xét của người góa bụa". Cho nên, không có gì phải ngạc nhiên khi thấy suốt cả Kinh thánh, cả Cựu và Tân Ước đều có sự dạy khăng khăng rằng dân sự của Đức Chúa Trời cần phải giúp đỡ mọi nhu cần của người đàn bà goá bất lực.
Trong Luật pháp Môise, Đức Chúa Trời phán trong Xuất Êdíptô ký 22.22-24: “Các ngươi chớ ức hiếp một người góa bụa hay là một kẻ mồ côi nào. Nếu ức hiếp họ, và họ kêu van ta, chắc ta sẽ nghe tiếng kêu của họ; cơn nóng giận ta phừng lên, sẽ lấy gươm giết các ngươi, thì vợ các ngươi sẽ trở nên góa bụa, và con các ngươi sẽ mồ côi”.
Phục truyền luật lệ ký 27.19 chép: "Đáng rủa sả thay người nào làm cong vạy pháp chánh của khách lạ, kẻ mồ côi, và người góa bụa!" Phục truyền luật lệ ký 14.28-29 dạy cho người làm nông phải biệt riêng một phần mùa gặt của mình để nuôi những người goá bụa cùng kẻ mồ côi. Êsai 1.17 mô tả quan điểm của Đức Chúa Trời về sự công bình. Ở đây chép: "Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa". Thi thiên 146.9 chép: "Đức Giê-hô-va bảo hộ khách lạ, Nâng đỡ kẻ mồ côi và người góa bụa; Nhưng Ngài làm cong quẹo con đường kẻ ác".
Thêm nữa, Cựu Ước dạy rằng khi có thể được, một người đàn bà goá nên lấy chồng. Nếu đấy không phải là một sự lựa chọn, nàng nên trở lại nhà cha của mình (Sáng thế ký 38.11) hay đến nhà của người bà con gần nhất như với Naômi và Rutơ (Rutơ 1.16). Nếu chồng nàng có người em kế chưa lấy vợ, người em ấy phải lấy nàng làm vợ. Nếu không có người em chồng nào, một người bà con gần phải chấp nhận nàng như trong trường hợp của Rutơ và Bôô (Phục truyền luật lệ ký 25.5-10; Rutơ 3.12; 4.1-10).
Chúa Jêsus khăng khăng làm chứng về sự quan tâm và sự thương xót đặc biệt của Đức Chúa Cha dành cho những người đàn bà goá. Luca 7 ghi lại một bối cảnh cảm động tấm lòng trong đó Chúa Jêsus chặn một đám tang lại vì đứa con trai duy nhứt của người đàn bà goá khốn cùng. Câu 13 đặc biệt chép: "Chúa động lòng thương xót người". Ngài bảo bà ta đừng khóc nữa khi Ngài chạm đến quan tài rồi truyền cho con trai bà ta sống lại từ kẻ chết. Tôi tưởng tượng niềm vui mừng trên gương mặt Ngài khi Ngài "giao người lại cho mẹ" (câu 15).
Trong Luca 18, Ngài nói ra một thí dụ về bà goá khăng khăng kia trước mặt vị quan án không công bình. Trong Luca 20.45-47, Ngài cảnh cáo các môn đồ về tội lỗi của các thầy thông giáo "làm bộ đọc lời cầu nguyện dài, mà nuốt gia tài của đàn bà góa". Ngài phán: "Họ sẽ bị đoán phạt nặng hơn". Ở Mác 12.41-44, Ngài chúc phước cho một bà goá nghèo khó đã dâng "hai đồng xu cuối cùng" cho Chúa. Như chúng ta đã lưu ý tuần vừa qua, Mary mẹ Chúa Jêsus không nghi ngờ chi nữa là một goá phụ trong lúc Ngài thi hành chức vụ công khai của Ngài. Từ thập tự giá, Ngài đã ban cho sứ đồ Giăng trách nhiệm chăm sóc cho bà.
Sự chăm lo cho những người đàn bà goá là chức vụ chính yếu của Hội thánh đầu tiên. Trong Công vụ các sứ đồ 6, chúng ta đọc thấy sự "phàn nàn" bởi những người đàn bà goá Hy lạp gốc Do thái về sự bất công trong sự cấp phát hàng ngày cho họ. Kết quả là, các vị sứ đồ đã chọn 7 người tin kính để giao phó chức vụ nầy để nêu gương và có lẽ là một tiền lệ cho chức vụ chấp sự của chúng ta. Đô-ca là một trường hợp nói tới một tín hữu đầu tiên đã dâng mình vào việc phục sự cho các nhu cần của những người đàn bà goá (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 9.36-41). Giacơ, Mục sư/Giáo sư của Hội thánh địa phương đầu tiên đã viết trong thư tín của mình: "Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian" (Giacơ 1.27).
Luật pháp Hy lạp đòi hỏi con cái phải chịu trách nhiệm đối với bậc cha mẹ đã luống tuổi của họ. Hội thánh không thể sống thấp hơn tiêu chuẩn đó. Hãy nhớ, Hội thánh là một gia đình. Người trẻ tuổi hơn phải đối xử với "những người đàn bà có tuổi cũng như mẹ". Khi ấy Hội thánh mới xem trọng trách nhiệm chăm lo cho những người đàn bà goá.
Giờ đây, hãy chú ý một khía cạnh quan trọng hơn ở câu 3. Chúng ta cần phải "kính những người đàn bà goá thật goá". Ông không nói đến hết thảy những người đàn bà goá, thay vì thế ông nói tới những người nào thực sự không có ai khác giúp đỡ cho họ. Một số người làm chồng để lại sự tiếp trợ cụ thể cho những bà goá của họ. Một số người làm con cái bằng lòng chăm sóc mẹ của họ. Một số người có nhiều bạn hữu. Tuy nhiên, Hội thánh phải giúp đỡ cho những người đàn bà goá tin kính nào không còn có phương tiện nào khác.
Chúng ta sẽ nghĩ rằng có ít ứng dụng ở đây cho Hội thánh của chúng ta. Rốt lại, chúng ta đang sống trong thời điểm của An Sinh Xã Hội cùng nhiều nguồn trợ giúp khác nữa. Chúng ta cũng sống trong thời điểm rất ích kỷ, một kỷ nguyên trong đó người cao tuổi hơn không còn được xem trọng nữa. Kết quả là, những năm hầu đến sẽ tỏ ra nhu cần nhiều hơn cho Hội thánh, không còn năng động trong sự trợ giúp cho những người đàn bà goá. John MacArthur bình luận như sau: “Thật đáng buồn vì trong xã hội của chúng ta số đàn bà goá bụa cần được trợ giúp đang tăng lên. Sự tan rã trong gia đình không những tạo ra nhiều đàn bà như vậy, mà còn hủy diệt mạng lưới giúp đỡ của gia đình hiện họ đang nương tựa vào. Sự mất đi nguồn trợ giúp ấy sẽ làm tăng gánh nặng trên Hội thánh trong những năm hầu đến. Tuy nhiên, gánh nặng ấy không làm thay đổi trách nhiệm của Hội thánh đâu. Nhiều Hội thánh phải thành thực và cẩn thận tìm kiếm cho ra nhiều tiền để họ có thể chi tiêu vào các hoạt động không có sự ủy nhiệm theo Kinh thánh. Những hoạt động như thế chi tiêu tiền bạc không có sẵn cho những người đàn bà goá”.
II. Sự phân biệt trong sự cấp phát cho những người đàn bà goá (các câu 4-8).
Kèm theo với mạng lịnh của Phaolô về sự trợ giúp bằng tiền bạc cho những người nào "thật goá" thì phải có một vài sự phân biệt giúp chúng ta nhìn biết người nào là "thật goá" cần được trợ giúp và người nào không cần.
A. Ba loại đàn bà goá mà Hội thánh không phải trợ giúp (các câu 4, 6, 8, 9). Thứ nhứt, Hội thánh không phải trợ giúp những bà goá nào có gia đình sống quanh họ. Trong câu 4, Phaolô nói tới những bà goá nào "có con hoặc cháu". Những đứa con nầy là thịt bởi thịt của bà, sanh ra từ thân thể của bà, họ phải "học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời”.
Giúp đỡ cho cha mẹ chính là bổn phận của con cái. Trong khi làm như vậy, họ đang "làm điều thảo đối với nhà riêng mình", nghĩa là họ tỏ ra sự hiếu kính phải lẽ đối với cha mẹ của họ. Chúng ta cần phải kính trọng họ, lắng nghe họ và để thì giờ ra với họ. Quí vị không đánh mất mạng lịnh phải hiếu kính cha mẹ khi quí vị rời khỏi gia đình.
Con cái cũng cần phải "báo đáp cha mẹ" nữa. Chúng ta không bao giờ "báo đáp" đầy đủ mọi sự mà cha mẹ chúng ta đã làm cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có một trách nhiệm ở trước mặt Đức Chúa Trời phải chăm sóc họ khi họ càng có tuổi hơn theo đúng cách mà họ đã chăm sóc chúng ta khi chúng ta còn nhỏ tuổi. Kent Hughes nói: “Sự thực không thể tránh được, đó là, với nhịp điệu của các thế hệ một sự hồi báo đến với chúng ta cả thảy. Chúng ta từng ẳm bồng con cái khi chúng còn nhỏ trong vòng tay của mình và nuôi nấng, chu cấp cho chúng từng nhu cần để rồi một ngày kia chúng ta sẽ được giữ lấy trong đôi vòng tay của chúng khi chúng nuôi dưỡng chúng ta vào lúc cuối cuộc đời mình. Trách nhiệm sẽ đến với chúng ta hết thảy. Và khi chúng ta, những người làm con, dù trai hay gái, thực hiện điền nầy, chúng ta đang chỉ "báo đáp cha mẹ, ông bà mình". Chúng ta sống thể hiện điều răn thứ năm. Chúng ta sẽ đưa "tôn giáo vào thực hành". Chúng ta sẽ không có sự tán thưởng của Đức Chúa Trời nếu không có sự quan phòng yêu thương gia đình như thế – "vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời".
"Báo đáp" cha mẹ của quí vị chính xác là như thế đấy. Báo đáp có nghĩa là chu cấp cho họ trong lúc tuổi già giống như họ đã chu cấp cho quí vị khi quí vị còn trẻ tuổi. Bố mẹ quí vị đã chi cho quí vị bao nhiêu tiền trong những năm tháng quí vị còn thiếu thời? Nếu chúng ta muốn có đủ số lượng và tính toán hàng năm với 8% thôi … bao nhiêu năm? Quí vị làm con số đi. Chúng ta sẽ không bao giờ "báo đáp" đủ đâu, nhưng chúng ta sẽ bằng lòng hy sinh để làm thoả mãn các nhu cần của họ giống như họ đã từng hy sinh để làm thoả mãn mọi nhu cầu của chúng ta vậy. Hãy xem lại câu 8: "Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. Tôi có nghe giảng câu ấy nhiều lần rồi. II Têsalônica 3.10 chép: "nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa". Tôi có nghe giảng cả hai câu nầy thường là để răn đe những kẻ sống lang thang hay đến ăn xin tại văn phòng của nhà thờ. Chắc chắn ai nấy đều sẽ làm việc. Mục đích văn mạch của câu 8 không phải chỉ thẳng vào một số gia đình không có nhà cửa. Mà nó chỉ thẳng vào người con (trai hay gái) rất giàu có song không trợ giúp cho người mẹ tin kính của mình.
Một người có thể đi nhà thờ, dâng hiến tiền bạc, dạy Kinh thánh, tham dự những chuyến hành trình truyền giáo và bất cứ đâu khác, nhưng nếu người ấy đặt một ngôi nhà xinh đẹp hay một chiếc xe hơi đời mới trước việc làm thoả mãn các nhu cần về tài chính của cha mẹ mình, đặc biệt là người mẹ goá, thực ra người ấy đã "chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa". Tại sao chứ? Vì ngay cả những kẻ không có đức tin chút nào, họ còn chu cấp cho gia đình của họ. Thậm chí những kẻ vô tín còn mua những chính sách bảo hiểm. Chính sách bảo hiểm tốt nhất cho người mẹ không phải là công ty bảo hiểm Prudential hay Allstate. Chính sách bảo hiểm của người mẹ được gói ghém trong những đứa con trai con gái của bà. Chính sách ấy có thể là đắt giá lắm, có thể nó bất tiện lắm, nó không luôn luôn làm cho vừa ý đâu, nhưng tránh né nó có nghĩa là chối bỏ Chúa Jêsus.
Như chúng ta đã nghiên cứu sứ điệp nầy cả tuần lễ nay, tôi lấy làm tiếc trước sự thực mẹ tôi không còn ở đây để cho tôi chăm sóc. Tôi còn có mẹ vợ, khi nào và nếu cần thiết tôi sẵn sàng chăm sóc bà ấy. Tại sao? Vì Đức Chúa Trời truyền cho tôi phải làm như vậy. Khi tôi được bốn tuổi, ông bà ngoại của tôi đến sống với chúng tôi. Họ đều có sức khoẻ kém và không còn tự lo cho mình được nữa. Mẹ tôi dành cho ông bà một căn phòng trong ngôi nhà của chúng tôi. Bà nấu ăn cho họ và giúp đỡ tắm rửa cho họ cho tới chừng họ qua đời. Bà đã không đưa họ đến đâu khác để cứ hai tháng kiểm tra họ một lần. Bà làm cho mọi nhu cần của họ được thoả mỗi ngày. Họ được phước bởi sự hy sinh của bà. Là một thiếu niên dễ bị ảnh hưởng, tôi đã để ra nhiều thì giờ với bà ngoại đã từng hầu việc Chúa trong nhiều năm liền. Tôi đã được phước. Ngày nay bà đã được phước ở trên thiên đàng với một phần thưởng vì sự trung tín với nguyên tắc theo Kinh thánh nầy.
Thứ hai, Hội thánh không nên giúp đỡ những ngừoi đàn bà goá với cuộc sống theo đời nầy. Hãy chú ý câu 6. Câu nầy đối ngược với câu 5, chúng ta sẽ suy nghĩ trong một phút xem. Có người đàn bà nào là "thực goá" (câu 5) và người đàn bà nào "ưa sự vui chơi" (câu 6). "Vui chơi" ra từ một chữ spatalao có nghĩa là "xa hoa, ưa nhục dục, phóng đảng". Tôi hình dung ở đây một người đàn bà goá đi dạo quanh Hội thánh trong một thời gian nào đó. Chồng bà ta đã để lại cho bà ta một cơ nghiệp hoặc bà ta có một phương tiện khác rất mạnh về tài chính. Không những bà ta đã thoả mãn các nhu cần của mình rồi, bà ta còn sống trong sự xa hoa nữa. Bà ta đang lái chiếc Cadillac mới toanh, ăn mặc loại y phục đẹp đẽ nhất và tìm kiếm những đàn ông mà bà ta ưa thích. Hội thánh ai cũng biết tới bà ta, song bà ta đã "chết khi còn sống". Mặc dù bà ta còn sống theo phần xác, lối sống của bà ta, những giá trị của bà ta giờ đây tỏ ra rằng bà ta đã “chết” về mặt thuộc linh. Bà ta chưa hề được cứu và vì lẽ đó chẳng có phần gì sự sự gtrợ giúp của Hội thánh đối với những người đàn bà goá.
Thứ ba, Hội thánh không nên trợ giúp cho những người đàn bà goá nào có thể tự chu cấp cho bản thân mình. Trong câu 9, Phaolô nói tới một quyển "sổ" hay danh sách những đàn bà goá do Hội thánh cất giữ. Hãy chú ý rằng "người đàn bà phải đủ sáu mươi tuổi" không được ghi vào sổ. Tại sao chứ? Vì bà ta có lẽ vẫn còn sung sức và tráng kiện. Bà ta có thể vẫn còn tìm một phương thức chu cấp cho bản thân mình. Bà ta sẽ tìm một người chồng khác làm người trợ giúp cho mình.
B. Loại đàn bà goá Hội thánh cần phải trợ giúp (các câu 5, 7).
Câu 5 mô tả người đàn bà nào "thực sự goá" trong ba phương thức. Thứ nhứt, bà ta "ở một mình". Cụm từ nầy dịch mono-o từ đó chúng ta có "mono" là "đơn độc". Bà ta là người duy nhứt còn lại trong gia đình của mình. Chồng bà ta đã qua đời. Ngôi nhà của bà ta trống vắng sự sống. Con cháu của bà ta một là qua đời hay sống như những kẻ vô tín chẳng nghĩ gì tới bà ta hay nhu cần của bà ta.
Thứ hai, bà ta "để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời". Bà ta không hề than phiền. Quí vị thăm viếng gia đình mong mỏi phục vụ cho bà ta, nhưng lại nhìn thấy sự bà ta phục vụ cho quí vị. Bà ta làm chứng về sự thành tín của Đức Chúa Trời và sự nhơn từ của Ngài đối cùng bà ta. Bà ta chỉ cho quí vị nhiều người khác còn có hoàn cảnh tồi tệ hơn. Mặc dù bà ta sống đạm bạc và có thể sẽ không có đủ tiền bạc để chi trả các tờ hoá đơn của mình, bà ta biết rõ không cứ cách nào đó Đức Chúa Trời sẽ tiếp trợ cho bà ta.
Thứ ba, bà ta "ngày đêm bền lòng cầu nguyện nài xin". Bà ta là một phụ nữ cả đời sống của bà đã gắn bó với sự cầu nguyện. Bà ta cầu nguyện không thôi. Bà ta trò chuyện với Đức Chúa Trời cách thường xuyên. Bà ta cầu xin mọi sự có cần. Bà ta cẩn thận ghi chép lại những nhu cần phải cầu nguyện của nhiều người khác rồi cầu thay cho họ với Chúa. Chúng ta cần phải được chúc phước khi có một số đàn bà goá lo cầu nguyện và xem đây là chức vụ của họ. Sức khoẻ và thời tiết thường khiến cho họ không đến dự nhóm các buổi thờ phượng, nhưng họ không thôi cầu thay cho Mục sư và Hội thánh của họ. Phaolô nhắc cho Timôthê nhớ trong câu 7 rằng ông cần phải "nhắc lại" "những điều đó". Mục sư cần phải đề ra mọi sự nầy trong Hội thánh hầu cho họ "không chỗ trách được" hay bị quở trách về các nan đề nầy.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét