Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 1.3-11: "Những trưởng lão sai trái"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Những trưởng lão sai trái
I Timôthê 1.3-11
Công vụ các sứ đồ 20, theo ý của tôi là một trong những bối cảnh cảm động nhất trong Tân Ước. Sứ đồ Phaolô đang đưa ra một lời từ giả đầy nước mắt với các trưởng lão của Hội thánh ở thành Êphêsô. Ông đã để ra ba năm ở đó trong một chức vụ đầy quyền phép đã làm chao đảo xã hội tà giáo chuyên thờ lạy hình tượng. Những người trở lại đạo tại thành Êphêsô đã trở thành hạng môn đồ mạnh mẽ và rõ ràng Phaolô đã chỉ định một số người có tư cách, được ơn làm trưởng lão để lãnh đạo Hội thánh. Khi ông trên đường lên thành Jerusalem, ở đó ông sẽ bị bắt, Phaolô đã dặn các trưởng lão đến gặp ông tại thành Mi-lê (câu 17). Nước mắt đầm đìa, ông nói với họ: "Hiện bây giờ, tôi biết rằng giữa anh em mà tôi đã ghé qua giảng về nước Đức Chúa Trời, thì chẳng có một ai sẽ thấy mặt tôi nữa. Nên bữa nay tôi nói quyết trước mặt các anh em rằng tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời. Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ. Vậy, hãy tỉnh thức, nhớ lại rằng trong ba năm hằng đêm và ngày, tôi hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người luôn. Bây giờ tôi giao phó anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo của ơn Ngài, là giao phó cho Đấng có thể gây dựng, và ban gia tài cho anh em chung với hết thảy những người được nên thánh" (các câu 25-32). Khi ông đã nói với họ xong rồi, Phaolô "bèn quì xuống và cầu nguyện với hết thảy các người ấy. Ai nấy đều khóc lắm, ôm lấy cổ Phao-lô mà hôn" (các câu 36-37). Tiếp đến Phaolô xuống tàu rời khỏi họ. Ý chính trong sứ điệp của Phaolô nói với các trưởng lão thành Êphêsô là một lời cảnh cáo, một lời cảnh cáo nghịch lại những con sói nào len lỏi giữa bầy chiên của Đức Chúa Trời và phá hủy bầy. Các giáo sư giả đã hành hại những Hội thánh đầu tiên và họ vẫn còn rất năng động hôm nay. Chúa Jêsus phán trong Mathiơ 7.15: "Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé". Phierơ viết: "Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình" (II Phierơ 2.1). Giăng nói trong I Giăng 4.1: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ".
Trong nhiều Hội thánh, đặc biệt những Hội thánh trong khu vực xứ Galati, họ đang xử lý với các giáo sư giả đang xâm nhập vào trong Hội thánh từ bên ngoài. Những người theo giáo Giu-đa đã vây lấy những Hội thánh nầy, họ dạy rằng sự cứu rỗi đòi hỏi việc thêm luật pháp vào đức tin. Tuy nhiên, các giáo sư giả không luôn luôn đến từ bên ngoài; đôi khi họ phát sinh từ bên trong. Lao thẳng vào trong lịch sử, thư tín I Timôthê đưa chúng ta trở lại với thành Êphêsô một vài năm sau khi Phaolô cảnh cáo các trưởng lão của Hội thánh nơi phần tình cảm của ông. Thực vậy, những con sói đã phát sinh ngay từ bên trong bầy, từ trong vòng các trưởng lão, những người nào đã nắm giữ trách nhiệm lo bảo hộ bầy chiên của Đức Chúa Trời. Đây không phải là những kẻ theo giáo Giu-đa từ bên ngoài giống như ở các Hội thánh xứ Galati, mà là các giáo sư từ bên trong, họ đã sa vào đạo dối. Phaolô truyền cho Timôthê phải đối mặt với các trưởng lão sai trái và đưa Hội thánh trở về với "đạo thật".
Lần vừa qua tôi đã nói cho quí vị biết rằng lẽ đạo trong I Timôthê là chuyển giao ngọn đuốc lẽ thật cho thế hệ kế tiếp. Nếu quí vị suy nghĩ về công việc ấy, Timôthê là một phần của làn sóng thứ ba, thế hệ Cơ đốc nhân thứ ba. Thứ nhứt có Chúa Jêsus, thứ hai là các sứ đồ và giờ đây là Timôthê và Tít. Nếu họ không xử lý với sự dạy giả dối trong kỷ nguyên của họ, đặc biệt là sự dạy giả dối phát sinh từ bên trong Hội thánh, chúng ta sẽ không có một tin lành chính xác hôm nay. Chúng ta lo bảo hộ Tin lành, điều nầy quả là rất cấp bách. Chúng ta đã được ban cho một sự tin cậy thiêng liêng phải chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp. Chúng ta hãy xem xét nan đề, mục tiêu và lầm lỗi của các trưởng lão sai trái.
I. Nan đề của các trưởng lão sai trái (các câu 3-4).
A. Mạng lịnh của Timôthê (câu 3).
Trước hết, làm ơn gạch dưới chữ "răn bảo" trong câu 3. Từ nầy lẽ ra phải dịch là “ra lịnh”. Timôthê không phải dạy dỗ theo cách dịu ngọt, gia ơn đối với các giáo sư giả nầy, sự sai trái trong suy tưởng của họ, mà phải ra lịnh hay bảo họ phải chấm dứt ngay những sự dạy như vậy! Những vị Mục sư phải quở trách! Phaolô nói ông đã "truyền" cho Timôthê khi ông lìa khỏi đó để sang xứ "Ma-xê-đoan", Timôthê phải ở lại "Êphêsô để răn bảo những người kia đừng truyền dạy một đạo giáo khác". Phaolô đã có mặt tại thành Êphêsô chiến đấu với nan đề, giờ đây ông tiếp tục ra đi rồi để phần việc lại cho Timôthê nối tiếp công việc. Phaolô không nói "những người kia" ở đây là ai, nhưng chúng ta có thể kết luận chính xác rằng họ là những trưởng lão vì một số lý do. Thứ nhứt, trong câu 7 họ được xem là "thầy dạy luật". Trọng tâm chức vụ của trưởng lão là dạy dỗ. Thứ hai, hai trong số họ đặc biệt được nhắc đến bằng tên trong câu 20: "Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ" là những kẻ mà Phaolô đã kỷ luật rồi và đã trục xuất ra khỏi Hội thánh. Điều nầy là công việc bình thường của chính các trưởng lão, nhưng Phaolô phải làm công việc đó. Thứ ba, chương ba cung ứng cho chúng ta một danh sách chi tiết những đức tính của các trưởng lão. Thứ tư, chương năm cung ứng những huấn thị rất rõ ràng về việc phải kỷ luật một trưởng lão bị bắt quả tang đang phạm lỗi và phạm tội. Mặc dù chúng ta sẽ xem xét theo chi tiết điều nầy trong một phút, câu 4 chép các cấp lãnh đạo Hội thánh theo cách bất tuân nầy đã dạy dỗ "phù ngôn và gia phổ vô cùng". Câu 6 nói họ đã "xây bỏ" mục đích và "đi tìm những lời vô ích". Câu 7 cho biết họ đã có một ao ước muốn có danh tiếng là "thầy dạy luật" ngay cả khi họ "không hiểu họ nói gì, hay những việc mà họ không dám chắc". Nói cách khác, họ đang dạy nhiều điều ngớ ngẩn, vô mục đích mà bản thân họ không hiểu để gây ấn tượng cho mọi người với sự hiểu biết của họ. Quí vị lấy làm lạ ở điểm nào? Tại sao chúng ta hôm nay phải quan tâm đến một nan đề trong Hội thánh thời xa xưa? Mục đích là, chính việc ấy sẽ diễn ra ở đây! Chính việc ấy đang diễn ra trong nhiều Hội thánh ngày nay. Nhiều người bị lèo lái bởi các trưởng lão sai trái, nhiều người đang nắm giữ chức vụ nhưng không có những đức tính hoặc sự dâng mình cho lẽ thật. Còn về những Hội thánh không có một trưởng lão nào thì sao? Phần lớn trong số họ đã bị các Mục sư, chấp sự và những giáo viên Trường Chúa Nhựt sai trái dẫn dắt.
Khi điều đó xảy ra ở đây, chúng ta cần phải công khai "răn bảo" họ, truyền cho họ hay ra lịnh cho họ phải chấm dứt sự dạy có tính huỷ diệt và những suy tưởng vô nghĩa của họ đi. Chúng ta cần phải dời họ ra khỏi chức năng lãnh đạo trong Hội thánh và trách nhiệm quí báu trong việc kỷ luật các thánh đồ. Tại sao vậy? Vì…
B. Phù ngôn và gia phổ vô cùng (câu 4a).
Hãy xem lại câu 4. Những trưởng lão sai trái nầy đã bị kéo vào "phù ngôn và gia phổ vô cùng, là những điều gây nên sự cãi lẫy". Nói như thế có nghĩa gì? Nghĩa là, thay vì dạy lẽ thật trong sách của Lời Đức Chúa Trời, họ đã tìm kiếm điều cao thấp để che giấu ý nghĩa đi. John Stott nói: "Chắc chắn họ là những nhà tư tưởng. Họ đối xử với luật pháp [Cựu Ước] giống như một vùng đất săn vui sướng cho những tư tưởng của họ".
Họ không khởi sự đề xướng như những kẻ dị giáo, mà giống như những nhà chú giải Kinh thánh vậy. Lấy tấm gương của thuyết Gnosticism trong thời của họ, họ muốn đào sâu hơn nữa vào Kinh thánh bằng cách đưa ra mọi phương cách lý giải theo kiểu hình bóng những câu chuyện đơn giãn. Họ đào bới trong những truyền thuyết của các rabi Do thái về những nhân vật đã được liệt kê ra trong những bảng “gia phổ” Cựu Ước chẳng có một nền tảng nào trong lẽ thật đã được tỏ ra, tỉ như George Washington và cây anh đào vậy. Họ tạo ra những sự dạy có tính tưởng tượng thay vì tiếp thu ý nghĩa của Ngôi Lời.
Hãy lấy câu chuyện trong Kinh thánh nói về Ađam và Êva. Thay vì cho rằng Ađam và Êva là người nam người nữ đầu tiên, tổ mẫu và tổ phụ của cả nhân loại, các trưởng lão sai trái nầy dám nói rằng Ađam đứng cho phần tâm linh, còn Êva đứng cho phần xác thịt. Họ đã lấy tên tuổi, lời nói rồi chuyển ý nghĩa trong sáng thành ra những kiểu cách và hình bóng. Người ta vẫn ưa thích những sự dạy theo kiểu tiểu thuyết. Sự việc nầy đang xảy ra trong các Hội thánh khắp thành phố của chúng ta và trên khắp thế giới nữa. Sự thể ấy có lẽ đang xảy ra trong Hội thánh nầy từng hồi từng lúc. Đây là tình trạng cùng khốn ở trong thân thể của Đấng Christ! Không phải là hầu hết các vị giáo sư nầy không tin theo Tin lành, họ chỉ làm nghẹt ngòi Tin lành ấy với sự dạy quá tầm thường của họ!
Hỡi Hội thánh, mục tiêu của chúng ta là phải xử lý với sự rao giảng đơn sơ và đơn giãn. Đừng tìm kiếm những ý nghĩa kín giấu trong những câu nói khi lẽ thật đơn sơ là những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải hiểu. Khi quí vị đọc một cái tên của một người hay một thành phố, trừ phi câu gốc gắn với một ý nghĩa đặc biệt, quí vị đừng gán thêm một ý nghĩa nào nữa cả. Đừng tạo ra những sự dạy có tính tưởng tượng vượt quá sự dạy trong sáng của phân đoạn Kinh thánh.
Điều nầy xảy ra ở một phong cách khác nữa đang tạo ra lệch lạc bởi nhiều vấn nạn khác. Khi quí vị nhóm lại trong các lớp học Kinh thánh, quí vị cần phải bàn bạc ý nghĩa của Kinh thánh, không nên bàn về có sự sống trên các hành tinh khác hay không, nạn dịch của chủ nghĩa cộng sản hay các kiểu tóc của phụ nữ mà chi!
Quí vị có bao giờ nghe những nhà truyền đạo tìm cách lý giải ý nghĩa của con số antichrist không? Chuyện ấy quả là vô mục đích và không cần thiết. Hãy trở lại một chút với nhà toán học người Do thái, Tấn sĩ Elijahu Rips nói rằng ông đã giải mã Cựu Ước với một công thức của máy tính và đã mở ra được những lời tiên tri nói tới những biến cố hiện đại giống như sự ám sát Tổng thống Kennedy, diệt chủng của phát xít, bom nguyên tử và sự bầu chọn Tổng thống của Bill Clinton. Quyển sách The Bible Code [Mã Kinh thánh] là quyển sách bán rất chạy. Tôi biết có nhiều vị Mục sư rất mê say với quyển sách nầy!
Có lẽ thật mang rất nhiều giá trị trong Kinh thánh hơn, chúng ta có thể dạy hay tiếp thu trong đời sống của chúng ta, chúng ta đừng phí thì giờ vào những việc tầm phào che mờ đi lẽ thật. Nếu I Timôthê dạy chúng ta một việc quan trọng, ấy là Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ phải có nơi cốt lõi của nó sự dạy thường trực về "đạo thật" vì những việc tầm phào vô ích chẳng có tác dụng gì trừ ra "gây nên sự cãi lẫy" hay những tranh chấp vô mục đích. Vì lẽ đó khi Timôthê bị Phao-lô "thúc giục" phải "răn bảo" các trưởng lão sai trái nầy "họ đừng truyền dạy một đạo giáo nào khác", hôm nay chúng ta sẽ nhắm vào phần việc dạy duy nhứt "đạo thật [lành]" mà thôi.
C. Mục đích của Hội thánh (câu 4b).
Tại sao mọi điều nầy lại quan trọng như thế chứ? Vì những chuyện tầm phào kia không những "gây nên sự cãi lẫy" mà còn che giấu mục đích thật của Hội thánh là : "bổ sự mở mang công việc của Đức Chúa Trời, là công việc được trọn bởi đức tin". Cụm từ nầy rất là quan trọng, tôi muốn dừng ở đây trong một phút và đào sâu cụm từ ấy.
Cụm từ "bổ sự mở mang" đã được dịch bằng nhiều hình thức khác trong các bản dịch Kinh thánh khác. Bản NASV dịch cụm từ nầy là: "sự quản lý của Đức Chúa Trời". Bản Kinh thánh NIV chỉ dịch cụm từ nầy là "công việc của Đức Chúa Trời". Cụm từ nầy dựa vào cụm từ La tinh oiknomian theos. Nghe thì hơi khó đấy, nhưng nếu tôi có thể hiểu được cụm từ ấy, thì quí vị cũng có thể hiểu được. Chúng ta hãy chia cụm từ ấy ra thành nhiều phần nhỏ hơn xem.
Oikos là một từ Hy lạp nói tới "ngôi nhà". Nomos có ý nói tới "luật pháp" như một kẻ phi luật pháp. Một kẻ phi luật pháp là một người đang chống nghịch lại pháp luật. Vì thế một từ kép như oikonomos có nghĩa là "ngôi nhà luật pháp" hay "luật lệ trong nhà". Chúng ta có một vài oikonomos trong gia đình của mình. Thí dụ, khi quí vị ra khỏi giường ngủ, thì phải xếp gường lại. Đôi giày không bị bỏ trong xó. Chúng ta không ăn cho tới khi ai nấy đều ngồi vào chỗ và đã cầu nguyện cảm tạ, v.v…Quí vị cũng có những luật lệ ấy trong gia đình của mình nữa. Các luật lệ trong gia đình, rất đơn sơ. Những hình thái khác của từ ngữ nầy đã được rãi khắp Tân Ước với ý nghĩa cơ bản về chức năng quản lý, về kinh tế hay quản trị. Khi được áp dụng ở đây, từ nầy có ý nói tới chức năng quản lý mà Đức Chúa Trời đã giao cho Hội thánh của Ngài "là công việc được trọn trong đức tin".
Đức Chúa Trời đã truyền cho chúng ta phải chăm sóc Hội thánh của Ngài, người nhà của Ngài, và Tin lành của Ngài. Phaolô trình bày mục đích nầy trong thư tín ở 3.15: "phòng ta có chậm đến, thì con biết làm thể nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật vậy".
Chức năng quản lý của chúng ta oikonomos là như thế nào theo ý của Đức Chúa Trời? Ấy là phải bảo hộ, giữ gìn và nhân giống Tin lành "là công việc được trọn bởi đức tin". "Bổ sự mở mang" là dạy dỗ, giảng dạy sứ điệp: "Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi" (Công vụ các sứ đồ 16.31). Chúng ta đừng bao giờ để cho lẽ thật tối thượng nầy phải bị chôn vùi bởi những "phù ngôn và gia phổ vô cùng" hay bởi những sự dạy gàn dở và tiểu thuyết đó. Chúng ta phải luôn luôn in trong trí mục đích của chúng ta là một Hội thánh, oikonomos của chúng ta, luật lệ trong nhà của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải tái sản xuất những người nam ngươi nữ có đức tin, họ sẽ chuyển giao ngọn đuốc cho nhiều người khác nữa. Cho phép tôi chỉ ra loại người mà chúng ta muốn Hội thánh mình phát triển.
Thứ nhứt, chúng ta muốn họ phải là NHỮNG NGƯỜI TRỞ LẠI ĐẠO. Chúng ta muốn những người ấy phải thực sự được sanh lại. Chúng ta muốn chia sẻ Tin lành trong mọi sự trong sáng và quyền phép của Tin lành ấy hầu cho mọi người lo liệu mọi công việc ở đây đều là những Cơ đốc nhân chân chính, có quyền phép, có Đức Thánh Linh ngự ở trong lòng. Vấn đề trong nhiều Hội thánh, ấy là phần nhiều người ngồi trong các hàng ghế chưa thực sự được cứu!
Thứ hai, chúng ta muốn họ phải biết ĐẦU PHỤC. Chúng ta muốn khích lệ và môn đồ hoá họ theo một phương thức họ biết đầu phục cách tuyệt đối đối với Đức Chúa Trời, hầu cho họ không có một chân đứng trong thế gian và một chân đứng trong Hội thánh. Chúng ta muốn họ phải biết đầu phục đối với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, sự thờ lạy Đức Chúa Trời, Lời của Đức Chúa Trời và chương trình của Đức Chúa Trời!
Thứ ba, chúng ta muốn họ phải có NĂNG LỰC. Chúng ta muốn dạy cho họ biết những lẽ thật trong Kinh thánh, là đạo thật và cách thức học Kinh thánh cho bản thân họ. Chúng ta muốn dạy cho họ biết cách thức cầu nguyện và cách thức thờ phượng. Chúng ta muốn dạy cho họ biết cách thức chứng đạo và chia sẻ đức tin của họ với nhiều người khác.
Thứ tư, chúng ta muốn dạy cho họ biết NHÓM LẠI. Chúng ta không cần nhiều Cơ đốc nhân kiểu "Biệt Động Cô Độc". Chúng ta muốn họ phải gắn bó với đời sống của nhiều Cơ đốc nhân khác qua các nhóm nhỏ. Chúng ta muốn họ phải có một số người ở quanh họ, những người nầy giúp họ biết trình sổ về mọi hành động của họ.
Sau cùng, chúng ta muốn họ phải có tính SÁNG TẠO. Chúng ta muốn họ phải khám phá ra các ân tứ mà Đức Chúa Trời đã phó cho họ và là một con người đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã dựng nên họ. Chúng ta muốn họ đem các ân tứ và tính cách đặc biệt của họ để gánh vác công việc của Đức Chúa Trời qua cách phục vụ đầy tính sáng tạo trong thân thể. Hỡi quí tín hữu, Hội thánh chúng ta tồn tại để tạo ra loại môn đồ nầy. Đây là công việc của Đức Chúa Trời, chức năng quản lý của Ngài ban cho chúng ta là để quản trị. Chúng ta chẳng dung chịu một thứ chi khác, tỉ như “cãi lẫy”, làm hạ thấp hay ngăn trở sứ mệnh nầy.
II. Mục tiêu của các trưởng lão sai trái (các câu 5-7a).
Trong tiểu đoạn kế tiếp, Phaolô đối chiếu mục tiêu của ông với mục tiêu của các trưởng lão sai trái.
A. Mục tiêu của đạo thật (câu 5).
Ông nói: "Mục đích của sự răn bảo…" Whoa. "Răn bảo" ư? Vấn đề nầy cần phải xem lại oikonomos của Đức Chúa Trời, các luật lệ trong nhà của Ngài. Mục đích của Hội thánh trong sự bền giữ đức tin là gì? Đó là: "sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra".
Tác động trong chức vụ của Hội thánh là tình yêu thương, tình yêu dành cho Đức Chúa Trời và kế đó là tình yêu dành cho nhân loại. Hội thánh cần phải gieo ra và sản xuất tình yêu thương. Khi một thầy dạy luật đến hỏi Chúa Jêsus điều răn nào là quan trọng nhất, Ngài đáp từ shama, là điều răn chính trong mọi điều răn của Cựu Ước: "Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra" (Mathiơ 22.37-40).
Khi một Hội thánh dạy dỗ đạo thật, người ta học biết kính sợ Đức Chúa Trời và yêu nhau. John Piper nói: "Tình yêu thương là sự tràn ngập niềm vui mừng trong Đức Chúa Trời, là thứ làm thoả mãn các nhu cần của tha nhân". Khi quí vị học biết lẽ thật trong Kinh thánh, quí vị tìm thấy tình yêu cao cả và sự vui mừng khôn xiết ở trong Chúa. Từ tình yêu nầy, chúng ta tự nhiên đáp ứng rất tình cảm với người khác. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 13.35: "Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta".
Chúng ta nên có loại tình yêu nào? Trước tiên đó là sẽ một tình yêu phát xuất "từ tấm lòng trong sạch". Chúa Jêsus đã phán trong Các Phước Lành: "Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!" (Mathiơ 5.8). Thi thiên 86.11 chép: "Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ dạy cho tôi biết đường lối Ngài, Thì tôi sẽ đi theo sự chân thật của Ngài; Xin khiến tôi một lòng kính sợ danh Ngài".
Giêrêmi 32.38-39 nói tiên tri về kết quả của Tin lành: "Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó. Ta sẽ ban cho chúng nó một lòng một đường lối như nhau, hầu cho kính sợ ta đời đời, để chúng nó và con cháu nối sau đều được phước". Công việc của Đức Chúa Trời trong Hội thánh tạo ra hạng người không biết đến chia rẻ, tấm lòng trong sạch, sống tin kính.
Thứ hai, tình yêu nầy xuất phát từ "một lương tâm tốt". Sâu lắng bên trong mỗi một người, Đức Chúa Trời đã đặt để một "lương tâm", một áp kế ở bên trong về điều thiện và điều ác. Lương tâm của chúng ta một là tán thành hay là tố cáo các hành vi cùng thái độ của mình. Khi chúng ta tấn tới trong tình yêu thương và hành động trong tình yêu thương, chúng ta không bị xét đoán hay thuyết phục bởi lương tâm của chúng ta.
Thứ ba, tình yêu nầy xuất phát từ "một đức tin thật". Sát nghĩa, chỗ nầy đọc là: "một đức tin không có sự giả hình". Khi Hội thánh thực thi theo các luật lệ của nhà Đức Chúa Trời, dân sự không phải là những kẻ giả hình được. Chúng ta áp dụng những gì chúng ta tiếp thu vào đường lối chúng ta đang sinh sống. Chúng ta trở nên trước sau như một. Chúng ta đã được biến đổi ra giống với ảnh tượng của Đấng Christ.
B. Mục tiêu của đạo dối (câu 6-7a).
Trong câu 6, Phaolô nói rằng các trưởng lão sai trái không có trong trí tình yêu trưởng thành xuất phát từ đạo thật. Thay vì thế, họ đã "xây bỏ" và đã "đi tìm những lời vô ích". Tất nhiên là họ đã lạc đường và đã tẻ tách ra khỏi con đường chính đáng. "Xây bỏ" ra từ một chữ mô tả một cánh tay đã bị vặn cong. Họ đang đi xuống con đường lạc sai, nó sẽ dẫn họ đến chỗ "những lời vô ích" hoặc tranh cãi vô mục đích. Một số người chỉ thích tranh luận. Đúng hay sai thì chẳng thành vấn đề. Thậm chí họ không phải tin vào những gì họ đang nói, họ chỉ thích ồn ào và cảm giác mình cao tay trong bất kỳ một cuộc tranh luận nào. Chúng ta đã có hạng người ấy ở đây. Mục tiêu của họ không phải là khích lệ và gây dựng nhiều người khác trong đức tin. Thay vì thế, họ ao ước "muốn làm thầy dạy luật". Luôn luôn có một số người, họ bước vào trong nhà thờ, không phải để nắm bắt những luật lệ của nhà Đức Chúa Trời, mà để đề ra luật lệ riêng của họ. "Thầy dạy luật" là một tước hiệu đã được ban ra cho các rabi Do thái có học vấn cao. Các trưởng lão sai trật nầy ở thành Êphêsô đều muốn có loại uy thế đó.
Không có một chỗ nào cho hạng giáo sư kiêu ngạo ở trong Hội thánh. Thực vậy, người nào đang dạy Kinh thánh cần phải trở thành hạng người khiêm nhường đến đều. Gia-cơ 3.1 chép: "Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn. Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn".
III. Lầm lỗi của các trưởng lão sai trái (các câu 7b-11).
Những người nầy có ý đồ gì khi họ bất chấp luật lệ trong nhà Đức Chúa Trời và ao ước muốn “làm thầy dạy luật"? Họ "không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tự quyết". Nói cách khác, họ không biết họ đang nói tới điều gì nữa. Họ khó nhọc tìm kiếm những sự dạy đầy tính tưởng tượng đến nỗi họ không hiểu được sự dạy đơn giãn của Ngôi Lời! Cho phép tôi giải thích cho quí vị thấy tôi dạy Kinh thánh như thế nào và tại sao tôi dạy như thế. Kiểu cách dạy dỗ của tôi được gọi là giải thích hoặc làm rõ bằng cách đưa ra những chi tiết. Tôi muốn nói tôi đang cố gắng trình bày chi tiết của câu Kinh thánh. Một từ ngữ có liên quan là lý giải và bình luận, nghĩa là tôi đang tìm cách “vạch ra” những lẽ thật Kinh thánh mà chúng ta có thể nhờ đó mà sống theo. Có một cung cách khác nữa được gọi là theo chủ đề. Theo chủ đề có nghĩa là quí vị chọn một đề tài rồi tìm cho ra những vấn đề trong Kinh thánh phù hợp với đề tài của quí vị. Tôi gắn bó với sự giảng dạy theo cách giải thích hoặc làm rõ bằng cách đưa ra những chi tiết vì cách thức nầy để cho Kinh thánh phán về chính mính. Điều nầy cung ứng "đạo thật". Thành thật mà nói, tôi không thể là một Mục sư nếu tôi không thể giảng theo cách giải thích hoặc làm rõ bằng cách đưa ra những chi tiết. Cách thức nầy làm cho tôi phải say mê với những gì đã được rao giảng trong mỗi tuần. Không có gì phải lạ lùng cả khi những vị Mục sư kia chỉ giảng có 20 hay 30 phút. Khi quí vị không có nhiều điều để nói, thì làm sao nói cho đủ được bài giảng ấy. Vấn đề của tôi, ấy là tôi phải có nhiều điều để giảng. Tôi có sẵn nhiều quyển sách và phân đoạn Kinh thánh mà tôi muốn lý giải và bình luận cũng như dạy dỗ cho quí vị. Tôi phải tiếp thu thật nhiều để giảng dạy hơn là tôi có thể làm tròn phận sự!
Các câu 8-11 là một tiểu đoạn đi ra ngoài đề. Đây là tình huống. Trong ba năm Phaolô đã giảng dạy cho Hội thánh Êphêsô. Ông đã cung ứng cho họ "toàn bộ mưu luận" trong Lời của Đức Chúa Trời. Họ đã nghe đạo của Đức Chúa Trời trực tiếp từ một trong những văn sĩ có tài nhất của Lời Đức Chúa Trời. Chẳng có gì trong sạch hơn thế! Giờ đây ba năm sau, một số bị hướng dẫn sai lạc, các cấp lãnh đạo kiêu ngạo đã vây lấy chức năng trưởng lão và họ tưởng họ có thể thực sự dạy "luật pháp". Phaolô lấy làm buồn trong một phút khi đưa ra mục tiêu thích ứng của luật pháp.
Điều nầy vẫn còn đang xảy ra ngày hôm nay. Hãy lắng nghe những gì Kent Hughes đã viết: "Chúng ta phải cẩn thận, đừng yên nghỉ trên những đắc thắng và các thành tựu của công cuộc truyền giáo trong những năm gần đây – những nhà truyền đạo cao trọng nhất của lịch sử, các nhà thờ to lớn, nhiều trường học và thần học viện mọc lên, ảnh hưởng văn hoá nữa. Chúng ta phải nhớ rằng Êphêsô là ngọn hải đăng của xứ Tiểu Á. Tới thời điểm nầy, đấy là một câu chuyện thành công về truyền giáo. Thành nầy đã được truyền giáo theo đúng ý nghĩa thanh sạch của truyền giáo với chú trọng chính của nó nhằm vào Tin lành và vào sứ mệnh. Nhưng Hội thánh đang bắt đầu lui đi từ bên trong".
Có bao nhiêu thần học viện và trường Kinh thánh ngày nay có được thẩm quyền tuyệt đối của Kinh thánh? Chỉ một vài mà thôi. Có bao nhiêu hệ phái hoàn toàn nắm bắt được tính cực kỳ chính xác của Kinh thánh? Gần như là không có. Có bao nhiêu Hội thánh lo rao giảng sự cảm thúc và khải thị của Lời Đức Chúa Trời? Ít, ít lắm. Mối nguy hiểm thực sự không phải là cuộc công kích từ bên ngoài, mà là thối lui từ bên trong. Mối nguy hiểm thực sự là người nào đang có mặt trong Hội thánh, họ đang thất bại trong việc chuyển giao ngọn đuốc cho thế hệ hầu đến, họ đang thay thế đạo thật để lấy những cái kẹo thuộc linh. Luật pháp Cựu Ước là "tốt lành cho kẻ dùng ra cách chính đáng" (câu 8). Mục đích của luật pháp không phải là tìm tòi những ý nghĩa và đoán chừng kín giấu. Luật pháp "không phải lập ra cho người công bình, bèn là vì những kẻ trái luật pháp" (câu 9). Luật pháp hiện hữu để dạy cho kẻ: “trái luật pháp”, "không tin kính", "phạm tội", "những kẻ vô đạo, nói phạm thánh thần", "những kẻ giết cha mẹ”, “giết người”, "những kẻ tà dâm", "kẻ đắm nam sắc", "ăn cướp người", "nói dối", "thề dối" và bất cứ điều chi, bất cứ ai đang "trái nghịch với đạo lành". SỰ CÔNG BÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ SỰ ĐỒI BẠI CỦA CON NGƯỜI! Mục đích của luật pháp là để XÉT ĐOÁN qua đạo “Tin lành vinh hiển” xem coi tội nhân nào sẽ được CỨU!
Martin Luther nói rằng luật pháp là một cây búa sắc bén chà nát sự tự xưng công bình của con người và tỏ ra cho họ thấy tội lỗi để họ hạ mình xuống và sống lâu vì cớ ân điển của Đấng Christ. Galati 3.24 chép: "Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình". Chúng ta phải chuyển giao ngọn đuốc. Chúng ta phải canh giữ đức tin. Chúng ta phải tạo ra một thế hệ mới các tín đồ, họ phải nắm bắt được oikonomos, là luật lệ của nhà Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao các Thư tín Mục vụ là quan trọng. Các thư tín ấy dạy chúng ta sự năng động của Hội thánh địa phương.
Cho phép tôi kết luận bằng cách giúp cho quí vị nhìn thấy Hội thánh giống như một con tàu. Dưới làn nước của một con tàu là lườn tàu. Nó không được thấy rõ ràng, nhưng nó giữ cho con tàu vững chắc trong đại dương đang nhiễu loạn. Lườn của Hội thánh là các cấp lãnh đạo tin kính, những trưởng lão, các vị chấp sự và ban trị sự. Không có những con người tin kính ở các địa vị nầy, không sớm thì muộn Hội thánh sẽ lung lay thôi. Thân của con tàu, nơi mà mọi công việc đã được làm ra và hàng hoá được chứa ở đó chính là các thuộc viên, những người tình nguyện. Tấm buồm của con tàu là sự giảng dạy theo Kinh thánh. Không có chúng, chúng ta bị trôi giạt trong đại dương văn hoá chẳng có một hướng đi nào hết. Ngọn gió tác động lên cột buồm tất nhiên là Đức Thánh Linh.
Đức Thánh Linh thúc đẩy chúng ta đi theo hướng mà Đức Chúa Trời đã ấn định. Ngài vận hành với ngọn buồm, sự dạy theo Kinh thánh giữa cho con tàu cứ đi tới. Ngài dầm thấm đạo thật vào tấm lòng của chúng ta để giữ chúng ta đi cho ngay thẳng. Sau cùng, chiếc bánh lái, đấy là sự cầu nguyện. Qua sự cầu nguyện, chúng ta học biết di động với nhịp đập của Đức Chúa Trời.
Quí vị muốn trở thành loại cá nhân nào trong Hội thánh nầy? Chúng ta muốn những cá nhân đã trở lại đạo, biết đầu phục, có năng lực, hay nhóm lại, và đầy sáng tạo. Làm sao chúng ta có được họ? Chúng ta dạy dỗ và huấn luyện họ. Chúng ta dạy dỗ họ về Ngôi Lời. Chúng ta đào tạo họ phải nghiên cứu thể nào, phải cầu nguyện ra sao, và phải chứng đạo như thế nào. Tiếp đến chúng ta phải để cho họ có thì giờ và phát triển. Đấy là những oikonomos của Đức Chúa Trời, các luật lệ trong nhà của Ngài. 1 R. Kent Hughes, 1 & 2 Timôthê and Titus, (Wheaton. Crossway Books, 2000), p.35.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét