Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 6.19-24: "Về chủ nghĩa vật chất"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Về chủ nghĩa vật chất
Mathiơ 6.19-24
1. Nếu quí vị cùng nghiên cứu với chúng tôi, quí vị nhận ra ngay các nhà lãnh đạo tôn giáo, họ đã bị nhiễm với một loại tôn giáo trình diễn, phần nhiều trong số họ đều đã nghe Chúa Giêxu phán ra những lời nầy. Họ “thổi kèn” trước khi bố thí cho người nghèo (câu 2). Họ ưa “đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường” (câu 5). Khi phải kiêng ăn, họ khoác “bộ mặt buồn rầu” và “nhăn mặt” để cho ai nấy đều biết họ đang kiêng ăn (câu 16). Mục đích của Chúa Giêxu là ĐỪNG SỐNG GIỐNG NHƯ NGƯỜI DÒNG PHARISI. Thực ra trong 5.20, Ngài phán: "Nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pharisi, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng”.
2. Không những các cấp lãnh đạo tôn giáo lo chăm chút ưa trình diễn bộ mặt tôn giáo của họ; mà họ còn thích phô trương sự giàu có của họ nữa. Thực vậy, người dòng Pharisi vốn xu hướng vào chủ nghĩa vật chất, tham lam, keo cú, và lôi kéo. Luca 16.14 đặc biệt mô tả người Pharisi là hạng người “ham mến tiền tài”.
3. Họ thường sử dụng sự giàu có của họ để làm bằng chứng về ơn phước của Đức Chúa Trời. Dưới sóng mũi kỉnh kiền của họ, là ánh mắt của họ chiếu vào người nghèo. Họ trưng dẫn sai các phân đoạn Cựu ước để dạy rằng Đức Chúa Trời ban sự giàu có cho những người xứng đáng được giàu có và Ngài khiến cho những người khác phải lâm cảnh nghèo khó. Xưng nhận sự Đức Chúa Trời tán thưởng trên cơ sở giàu có và uy tín là bóp méo Lời Đức Chúa Trời và đang sử dụng danh Ngài trong sự hư không.
4. Nền văn hoá của chúng ta có một nét quyến rũ với sự giàu có. Căn bịnh số 1 trong xã hội Mỹ không phải là AIDS, mà căn bịnh ấy chính là chủ nghĩa vật chất. Chúng ta muốn, chúng ta vay mượn, và chúng ta mua sắm. Chúng ta phấn đấu để có nhiều hơn và tốt đẹp hơn chúng ta từng có trước đây. Dường như những người Mỹ ngày nay tìm gặp hình tượng của họ không ở trong đền thờ mà ở trên tờ hoá đơn đô la của họ.
Vào ngày đầu tiên sau kỳ lễ Giáng Sinh, một vị giáo viên cấp mẫu giáo đã yêu cầu học trò của mình kể cho cô giáo nghe cách thức gia đình chúng tổ chức Lễ Giáng Sinh. Một bé trai đáp: "Chúng em là người theo đạo Công giáo, vì vậy chúng em đi chơi lúc nửa đêm và trở về nhà rồi lên giường ngủ. Sáng hôm sau, chúng em có một bữa ăn sáng thật to và mở các gói quà ra". Một bé gái nói: "Chúng em là người Báp tít, vì vậy chúng em đến với buổi thờ phượng đêm Giáng sinh có đốt nến rồi trở về nhà lên giường ngủ. Sáng hôm sau, chúng em có bữa ăn sáng thật to rồi mở các gói quà ra". Một bé trai khác nói: "Chúng em không phải là Cơ đốc nhân, vì vậy chúng em không đi nhà thờ. Tuy nhiên, chúng em có một bữa ăn sáng thật to rồi mở các gói quà ra. Sau đó, bố của em chất chúng em vào xe và chúng em được chở ra siêu thị. Ở đấy, bố chỉ cho chúng em thấy mọi ngăn kệ trống rỗng và toàn bộ số tiền ông đem theo. Kế đó, chúng em đi một vòng quanh chiếc máy tính tiền rồi cất tiếng hát: 'Đúng là người bạn mà chúng em có trong Chúa Giêxu!'”
5. Trong phân đoạn nầy ở giữa Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêxu phán về chủ nghĩa vật chất, đặc biệt mỗi người phải đưa ra ba sự lựa chọn. Chúng ta chọn: các sự đầu tư, tầm nhìn và lòng trung thành của chúng ta.
I. HÃY XEM XÉT SỰ ĐẦU TƯ CỦA QUÍ VỊ (các câu 19-21).
Hãy dành một phút xem coi quí vị có một số quỹ thặng dư để đầu tư hay không!?! Đối với một số người trong chúng ta, điều nầy phải có một chút tưởng tượng đấy! Chọn lựa đầu tư tiền bạc vào chỗ nào thì gần như là vô hạn. Nếu quí vị đầu tư vào chỉ một công ty, thì quí vị sẽ chọn công ty nào? Cũng phương thức ấy, nếu quí vị chỉ đầu tư đời sống mình vào "của cải dưới đất" hay "của cải ở trên trời", quí vị sẽ chọn thứ nào? Quí vị sẽ thực hiện đầu tư vào chỗ có lãi suất trả cho đến đời đời hoặc đầu tư của quí vị sẽ bị bỏ lại sau lưng khi quí vị qua đời!?!
A. Chúa Giêxu phán chúng ta đừng quan tâm tới các đầu tư ở dưới đất ( câu19a).
1. “Của cải dưới đất” là gì? Chúng ta hãy nghiên cứu xem Chúa Giêxu đang nói điều gì!?!
a. Ngài không phán chúng ta không nên có tiền bạc hay của cải. Ngài không hề biện hộ sự nghèo thiếu là một phương tiện để đạt được mặt thuộc linh. Thực ra, một số người tin kính nhất trong Kinh thánh đều là hạng người giàu có cực kỳ: GIÓP, ÁPRAHAM, GIÔ-SÉP, GIÔ-SÉP NGƯỜI ARIMATHÊ...
b. Ngài không phán chúng ta không nên hoạch định cho tương lai. Hết thảy chúng ta đều là quản gia các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải sử dụng các ơn ấy cách khôn ngoan.
c. Ngài không phán chúng ta không nên tận hưởng của cải hay những thứ đẹp đẽ chúng ta đang có trong tay. Thực ra, I Timôthê 6.17 nói rằng chính Đức Chúa Trời: "là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng”. Phaolô nói ở Philíp 4.1-12: "Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật". Ông đã sống trong nhà đúc cũng như trong nhà lều.
2. “Của cải dưới đất” là gì? Chúa Giêxu đang phán rằng chúng ta không nên lấy sự làm ra tiền và có được của cải vật chất làm mục tiêu chính trong đời sống của chúng ta. Đấy là chủ nghĩa vật chất. Bất cứ đâu, người ta đang khao khát thành công, tiền bạc, và nhiều của cải.
3. Cả hai từ "chất chứa" và "của cải" đều ra từ gốc Hy lạp chữ thesauros, từ đó chúng ta có từ "thesaurus" theo tiếng Anh, một chữ mô tả nhà kho. Một bản dịch sát nghĩa câu nầy đọc là: "Đừng chất chứa của cải cho các ngươi".
4. Từ ngữ "chất chứa" cũng mang ý niệm tích trữ hay xếp chồng các đồng tiền lên cao. Vì cớ đó, thực chất của câu nầy: ấy là chúng ta đừng dự trữ sự giàu có mà không đem ra sử dụng.
5. Dù chúng ta có xem của cải của mình là một thứ đem chi xài hay tích trữ theo cách ích kỷ – những của cải đó đã trở thành hình tượng rồi. Khi ấy tiền bạc đã trở thành một vị thần. I Timôthê 6.10 chép: "Sự THAM tiền bạc là cội rễ mọi điều ác..."
B. Đầu tư dưới đất dễ bị thua thiệt (câu 19b).
1. Trong thời buổi xa xưa, người giàu rất lo về "sâu mối” (theo bản Kinh thánh tiếng Anh, moths là loài hay cắn phá quần áo). Giàu có thường được để ý tới qua cách ăn mặc. Thực ra, cách ăn mặc của họ tiêu biểu cho một sự làm ăn lớn. Hạng người giàu có thường mặc áo màu tía rất đắt tiền, loại vải nầy dệt bằng chỉ vàng. Loại quần áo đắt tiền nhất thường làm bằng len, tất nhiên đây là thứ mà loài sâu mối (moths) chọn để cắn phá.
2. Trong thời buổi xa xưa, người giàu rất lo về "gỉ" (ten rét). Từ Hy lạp dịch là "gỉ" có nghĩa là "một thức ăn". Theo ý nghĩa nguyên thủy, từ nầy không đề cập nhiều tới “gỉ” như nó đề cập tới loài côn trùng và loài chuột gậm nhấm gạo thóc được những nông gia giàu có chất chứa.
3. Trong thời buổi xa xưa, người giàu rất lo về "trộm cướp". Những giá trị không thể hư mất thường được để trong loại bình bằng đất sét rồi được chôn trong đất khi chẳng có một sự an ninh, nhà băng hay loại hộp ký gửi an toàn. “Trộm cướp” thường “phá vỡ” (sát nghĩa "đào ngạch khoét vách") rồi lấy đi của cải.
4. Nỗi lo to lớn nhất có thể không phải là "moth" (sâu mọt), "gỉ" (ten rét) hay ngay cả "trộm cướp" nữa, nhưng chẳng có một thứ gì quí vị đang cầm giữ trong đời nầy là an toàn cả: TIỀN BẠC, NHÀ CỬA, CỦA CẢI, NĂNG KHIẾU, SỨC KHOẺ, GIA ĐÌNH...
C. Chúa Giêxu phán chúng ta cần phải quan tâm chủ yếu đến của cải ở trên trời (câu 20a).
1. Quí vị có biết Đức Chúa Trời đã dựng nên quí vị cho cõi đời đời không? Bảy mươi hay tám mươi năm quí vị sống ở đây chỉ là một cái chớp mắt trong cõi đời đời. Thời gian ở trên đất của chúng ta chỉ cho phép chúng ta đạt tới chỗ nhìn biết Đức Chúa Trời mà chúng ta sẽ phục sự cho đến đời đời mà thôi.
2. Quí vị đầu tư đời sống mình vào những việc nào, thì giờ và năng lực của quí vị sẽ qua đi thôi, có phải không? TIỀN BẠC, NHÀ CỬA, XE CỘ, CÔNG ĂN VIỆC LÀM, CHƠI GOLF, CÂU CÁ...
3. Chúng ta sẽ đầu tư đến vĩnh viễn ở những lãnh vực nào? ĐỜI SỐNG THUỘC LINH, GIA ĐÌNH – CON CÁI - HỘI THÁNH, BẠN BÈ...
Có người đã viết: “Tiền bạc sẽ mua một cái giường; nhưng không mua được giấc ngủ; mua được sách vỡ, nhưng không mua được bộ óc; mua được thức ăn, song không mua được sự ngon miệng; mua được quần áo lộng lẫy, nhưng không mua được vẻ đẹp; mua được thuốc men nhưng không mua được sức khoẻ; mua được lộng lẫy xa hoa nhưng không mua được văn hoá; mua được nhiều thứ tiêu khiển nhưng không mua được hạnh phúc; mua được tôn giáo nhưng không mua được sự cứu rỗi; mua được một cây thập tự chớ không mua được một Cứu Chúa; mua được giấy thông hành đi khắp nơi nhưng không mua được thiên đàng”.
D. Những đầu tư ở trên trời đều an toàn trọn vẹn (câu 20b).
1. Không những đầu tư trên đất nầy đều là liều lĩnh, chúng chỉ là tạm thời mà thôi. HỎI: Thường thì ba thứ nầy có cái gì nào?: một thẻ VISA bằng vàng, một thuyền đánh cá, và một cú chấp trong môn đánh golf? ĐÁP: Chúng chỉ là tạm thời. Việc duy nhất chúng đặt vào chiếc quan tài với quí vị là quí vị đấy.
2. Ở trên trời chẳng có “sâu mối”, “ten rét” hay "trộm cướp". Thiên đàng là một ngân hàng, trong đó mọi đầu tư của quí vị không bao giờ giảm sút, nhưng lãi ròng càng lúc càng tăng thêm!
E. Đầu tư của chúng ta bày tỏ ra tình yêu chơn thật của chúng ta (câu 21).
1. Những của cải mà người ta ấp ủ và mọi khao khát sâu sắc nhất của họ đều không thế tách rời ra được. Nếu “tấm lòng” của quí vị đem đặt ở trên trời, thì mọi “của cải” của quí vị sẽ đặt ở trên trời. Nếu “tấm lòng” của quí vị đem đặt vào những việc của trần gian, thì “của cải” của quí vị sẽ đặt ở trần gian và nhất thời.
2. Chúa Giêxu không phán rằng nếu chúng ta đặt mọi “của cải” của mình vào đúng chỗ thì “tấm lòng” của chúng ta cũng sẽ được đặt ở đúng chỗ nữa. Đúng hơn mọi “của cải” của chúng ta hiển nhiên đang bày tỏ ra “tấm lòng” của chúng ta.
3. Chúa Giêxu đang dạy hãy đặt “tấm lòng” của quí vị vào đúng chỗ thì mọi “của cải” của quí vị sẽ đi theo “tấm lòng” của quí vị ngay.
G.Campbell Morgan đã viết: “Quí vị cần phải nhớ với tình cảm đang nung nấu bên trong quí vị đến nỗi quí vị không còn là con trẻ ngày hôm nay nữa. Quí vị không thuộc về thế gian nầy, quí vị còn hơn cả bụi đất nữa; quí vị là con cái của ngày mai, quí vị thuộc về cõi đời đời, quí vị là dòng dõi của Đức Chúa Trời...Quí vị thuộc về cõi vô hạn. Nếu quí vị tạo dựng của cải mình ở trên đất – hỡi linh hồn nghèo nàn, buồn khổ, dại dột – quí vị đã tạo dựng của cải, và chất chứa nó ở một chỗ mà quí vị không cầm giữ nó được ở tại đó. Hãy tạo dựng của cải cho mình, nhưng hãy chất chứa nó ở chỗ mà nó sẽ chào đón quí vị trong buổi bình minh của một ngày mới”.
II. HÃY XEM XÉT TẦM NHÌN CỦA QUÍ VỊ (các câu 22-23).
A. Con mắt cung ứng sự thấy cho toàn thân thể (câu 22a).
1. Chúa Giêxu phán rằng con mắt của chúng ta là ngọn "đèn" của thân thể chúng ta. Con mắt của chúng ta là nguồn duy nhất cho sự thấy. Chúng là loại thấu kính, là khung cửa sổ qua đó chúng ta nhìn thấy thế giới quanh chúng ta. Nếu con mắt chúng ta bị lé, chúng ta có một cái nhìn về thế gian méo mó. Nếu con mắt của chúng ta bị mù, chúng ta không thể nhìn thấy thế giới quanh chúng ta.
2. Nếu chúng ta đã được sanh lại, chúng ta có “con mắt thuộc linh” thêm vào với con mắt thuộc thể. Chúng ta nhìn thấy sự vật khác biệt với hạng người hư mất quanh chúng ta. “Con mắt thuộc linh” của chúng ta giúp chúng ta nhìn thấy rõ ràng mọi điều đang xảy ra quanh chúng ta.
3. Những điều mấy câu nầy đề xuất: ấy là chúng ta xem xét “con mắt thuộc linh”của chúng ta để quyết định chúng ta đang nhìn thấy rõ như thế nào.
B. Toàn thân thể nhờ mắt tốt mà được ích (câu 22b).
1. Chúa Giêxu phán rằng thật là tốt nếu mắt của quí vị “sáng sủa” hoặc theo như bản King James nói: "đơn sơ". Có lẽ cách dịch hay hơn sẽ là "rõ ràng" hay "có mục tiêu". Cho phép tôi diễn giải: "Nếu mắt ngươi nhìn thấy rõ ràng, toàn thân ngươi được ích".
2. Khi chúng ta học biết nhìn xem của cải vật chất của đời nầy theo cách thích ứng, chúng ta đang có “con mắt thuộc linh” “sáng sủa”. Khi chúng ta xem tiền bạc và của cải như những phương tiện hầu việc Chúa và giúp đỡ cho người khác, chúng ta đang có tầm nhìn thuộc linh 20/20.
C. Toàn thân thể bị ngăn trở bởi con mắt xấu (câu 23a).
1. Chúa Giêxu tiếp tục nói rằng nếu con mắt quí vị “xấu” hay "gian ác" (bản Kinh thánh King James) thì thân thể của quí vị "sẽ tối tăm". Một lần nữa chúng ta hãy phân tích để có được sự hiểu biết: "Nếu con mắt ngươi không nhìn thấy rõ ràng thân thể ngươi sẽ bị hư mất trong chỗ tối tăm”.
a. Con mắt giống như chiếc cửa sổ cho thân thể. Có bao giờ quí vị cố gắng lái xe với chiếc kính bị vấy bẩn hay bị rạn nứt chưa? Lái xe trong cơn mưa với cặp quạt nước bị hư hoặc với kính đục ngầu vào một buổi sáng mùa đông thì sẽ ra sao nào?!?
b. Nếu quí vị đeo kính, quí vị biết nó sẽ kích thích thể nào khi hai cái tròng đều bị bẩn cả. Sự dơ bẩn ngăn trở tầm nhìn của quí vị.
2. Khi suy tưởng của chúng ta về tiền bạc hay về của cải là sai, thì giống như cố gắng nhìn qua một kính chắn gió đục ngầu hay cặp kính dơ bẩn, tầm nhìn của quí vị bị suy giảm đi. Tình trạng ích kỷ của linh hồn giữ chúng ta không nhìn thấy được giống như Đức Chúa Trời đang nhìn thấy đâu!
D. Tầm nhìn của chúng ta tỏ ra sự sáng ở trong linh hồn chúng ta (câu 23b).
1. Chúa Giêxu phán rằng nếu "sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao”. Nếu quí vị nghĩ quí vị đang nhìn thấy rõ, thế nhưng thực sự không phải như vậy, vậy thì cái thấy đó chỉ là mù loà và từ chối không công nhận bị mù.
2. Có người đã bị giảm sút “tầm nhìn thuộc linh” mà không chịu nhìn nhận như thế.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đeo kính. Tầm nhìn gần của tôi đã bị điều chỉnh. Thình lình thay vì nhìn thấy màu xanh lá cây nơi cây cối, tôi đã nhìn thấy những chiếc lá. Thay vì nhìn thấy màu xanh lá cây trên mặt đất, tôi đã nhìn thấy những chiếc lá cỏ. Mọi sự đến từ sự chú ý đúng đối tượng. Trước khi tôi đeo kính, tôi không biết tầm nhìn của tôi tồi tệ như thế nào. Cũng vậy, nhiều người nghĩ chẳng có gì sai trong cách họ nhìn xem của cải vật chất, nan đề là: họ đang có con mắt “xấu” và không chịu nhìn nhận con mắt ấy xấu.
E. Thử nghiệm tầm nhìn thuộc linh:
1. Quí vị có thường mua những đồ vậy quí vị có cần trước khi quí vị đủ sức mua sắm chúng hay không?
2. Quí vị có cảm thấy mình được yên ủi và lấy làm tự hào trong việc có khả năng làm ra và tiết kiệm tiền bạc không?
3. Quí vị có tự đánh giá mình và người khác, mình đang sinh sống ở đâu, mình lái xe gì, và mình đang sở hữu cái gì không?
4. Quí vị có rời rộng, phóng khoáng không? Quí vị có bố thí cho những ai đang trong cảnh có cần không? Quí vị có nhớ không?
5. Quí vị có dâng hiến cho công việc của Đức Chúa Trời đều đặn, có hệ thống không?
F. Chúng ta chỉnh sửa tầm nhìn thuộc linh nghèo nàn bằng cách nào?
1. Hãy tra mắt và lý trí của quí vị vào Nước Đức Chúa Trời. Côlôse 3.1-3 chép: “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời”.
2. Hãy cẩn thận canh giữ lý trí của quí vị. Philíp 4.8 chép: "Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều cho chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến".
III. HÃY CHỌN LÒNG TRUNG THÀNH CỦA QUÍ VỊ (câu 24).
A. Trong thế gian nầy, lòng trung thành bị chia ra là một việc không chấp nhận được (câu 24a).
1. Chúa Giêxu phán: "Chẳng ai được làm tôi hai chủ". Giống như chúng ta không có của cải trên đất và trên trời, cũng vậy, chúng ta không thể có cả sự sáng và sự tối tăm trong thân thể của chúng ta, chúng ta không thể phân chia lòng trung thành được.
2. Quí vị không thể làm cổ động viên cho hai đội bóng được. Quí vị không thể ưa thích cả hai đội Dallas Cowboys và Washington Redskins cho được.
3. Chúa Giêxu đang phán dạy về tầm cở của hạng nô lệ.
a. Từ Hy lạp nói đến "chủ" là kurios, chữ nầy thường được dịch là "chúa” (lord). Chữ nầy đề cập tới chủ nhân của nô lệ.
b. Nhiều người ngày nay có thể làm hai nghề và chu toàn cho cả các chủ thuê. Tuy nhiên, chẳng ai được làm tôi hai “chủ”. Qua cách định nghĩa, một chủ nô có toàn quyền điều khiển đời sống của nô lệ.
4. Giống như chúng ta không thể đi theo hai hướng cùng một lúc, chúng ta không thể "phục vụ hai chủ". Nếu chúng ta cố gắng chúng ta sẽ "ghét người nầy mà yêu người kia" hoặc giả sẽ "trọng người nầy mà khinh người kia”.
B. Trong nước của Đức Chúa Trời, lòng trung thành bị phân chia ra cũng là một sự không thể chấp nhận được (câu 24b).
1. Là nô lệ của Đức Chúa Giêxu Christ, chúng ta không thể dâng lòng trung thành hay bổn phận của mình cho bất cứ điều chi hay bất cứ ai khác, kể cả bản thân mình.
2. Chúa Giêxu phán, quí vị "không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn” hay "sự giàu có" nữa.
Có một câu chuyện rất thú vị kể về một người Ấn độ đến viếng thăm người bạn sống tại thành phố New York. Khi họ cùng đi xuống phố ngày nọ, ở giữa mọi sự nô nức và ồn ào của thành phố, người Ấn độ kia nói: "Tôi nghe thấy tiếng con dế gáy”. Bạn ông ta hỏi: "Làm sao ông nghe được tiếng dế gáy trong mọi sự ồn ào dộn dực nầy? Ông có điên không đấy?" Ngay giây phút đó, người Ấn độ lắc nhẹ chiếc chậu hoa rồi nhìn xuống bên dưới bụi cây nhỏ rồi trao cho bạn mình một con dế. Ông ta nói: "Thiệt là ngộ à, ông có cái lỗ tai siêu nhân đấy”. Người Ấn độ kia đáp ngay: Ồ không, tôi không nghe khá hơn ông đâu. Chỉ nhờ vào việc mà ông hay nghe thấy đó thôi". Người New York nầy hỏi: "Ý ông muốn nói gì?" Người Ấn độ đáp: "Hãy xem đây!" Ông ta thò tay vào túi và rút ra mấy đồng tiền lẽ. Khi ông ta bỏ đồng tiền rơi xuống đất, có đến hai tá người xây lại nhìn. Người Ấn độ nói: "Tất cả chúng ta đều thấy và nghe điều chi quan trọng cho chúng ta".
Tôi thích thể thơ trữ tình của bài ca xưa nầy:
Tôi ưa Chúa Giêxu hơn vàng và bạc,Tôi muốn thuộc về Ngài hơn là giàu nứt vách,Tôi muốn có Chúa Giêxu hơn là nhà cửa và đất đai,Tôi muốn bàn tay có dấu đinh của Ngài dẫn dắt.
Tôi muốn có Chúa Giêxu hơn là
tiếng vỗ tay tán thưởng của con người,Tôi muốn trung tín với lý tưởng đáng yêu của Ngài;
Tôi muốn có Chúa Giêxu hơn là
danh tiếng khắp thế giới,Tôi muốn sống chơn thật với danh thánh của Ngài.Hơn là làm Vua với quyền hành rộng lớn Hoặc bị cầm giữ trong thế lực khủng khiếp của tội lỗi;
Tôi muốn có Chúa Giêxu hơn bất cứ thứ gì khác mà thế gian nầy cung ứng cho hôm nay.
PHẦN KẾT LUẬN: Nếu mọi sự quí vị đang có là Chúa Giêxu, quí vị có thoả lòng không?
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét