Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

1 Timothy 3.8-13: "Các chấp sự – Tôi tớ bầy chiên của Đức Chúa Trời"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Các chấp sự – Tôi tớ bầy chiên của Đức Chúa Trời
1 Timothy 3.8-13
Lẽ đạo quan trọng của thư tín I Timôthê là oikonomos của Đức Chúa Trời, luật lệ trong nhà của Đức Chúa Trời, công việc của Ngài. Phaolô đã viết cho con mình trong chức vụ, là Timôthê, để dạy dỗ và khích lệ Timôthê trong chức vụ với Hội thánh Êphêsô. Mục đích của ông khi viết đã được trình bày rất rõ ràng trong 3.14-15: "Ta…viết thơ nầy,…con biết làm thể nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật vậy”. Tất nhiên khi Tân ước nói tới "nhà Đức Chúa Trời" và "Hội thánh", thì không có ý ám chỉ đến toà nhà, mà ám chỉ đến hội chúng những tín đồ. Timôthê không cần các lời giáo huấn nói tới toà nhà để làm nhà thờ sẽ ra như thế nào, nhưng nói tới những con người dựng nên Hội thánh, họ phải suy nghĩ, hành động, dáng dấp và nói năng phải như thế nào kìa! Chúng ta có thể tóm tắt I Timôthê theo cách nầy. Mục đích của chúng ta là lấy việc của Đức Chúa Trời làm công việc của chúng ta. Chúng ta cần phải làm mọi sự chúng ta đang làm vì mục đích thực thi công việc truyền giáo và môn đồ hoá của Đức Chúa Trời.
Sau khi khích lệ chúng ta cầu nguyện "cho mọi người" để được cứu và vai trò của phụ nữ trong Hội thánh, Phaolô bước sang chương ba nói cho Timôthê biết phải lãnh đạo Hội thánh như thế nào! Các vị lãnh đạo chủ chốt trong Hội thánh cần phải là những trưởng lão hay các đấng tiên kiến. Những người nầy đã được kêu gọi, có đủ tư cách và ân tứ để lãnh đạo Hội thánh, dạy dỗ Hội thánh, chăn dắt Hội thánh và cầu thay cho Hội thánh. Mọi nổ lực mở mang Hội thánh của Phaolô luôn bao gồm việc phát triển đông đảo các trưởng lão để lãnh đạo từng hội chúng địa phương. Công vụ Các Sứ đồ 14.23 chép: "Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến”.
Trong 3.1-7, Phaolô đã đưa ra chi tiết các đức tính của những người hầu việc Chúa trong vai trò trưởng lão. Trong các câu 8-13, ông đưa ra một danh sách các đức tính cùng những phần thưởng cho chức vụ đứng hàng nhì trong Hội thánh, các chấp sự. Với tất cả phần chú trọng mới đây của chúng ta về chức vụ trưởng lão, tôi dám chắc có một sự lộn xộn mà vai trò chấp sự sẽ đóng trong công cuộc truyền giáo của Hội thánh. Đây sẽ là mục tiêu của chúng ta trong bài nghiên cứu nầy. Một trong những điều lợi lớn trong việc giảng từng câu một suốt cả Kinh thánh, ấy là quí vị xem xét từng câu trong nội dung của nó. Kinh thánh giải đáp mọi thắc mắc của chúng ta theo trình tự. Hôm nay chúng ta sẽ giải đáp nhiều thắc mắc về hạng chấp sự. Thực ra, tôi nghĩ chúng ta hết thảy sẽ tiếp thu một vài việc sẽ làm cho chúng ta phải ngạc nhiên.
Phân đoạn Kinh thánh nầy rõ ràng cho thấy có những chức vụ đã được công nhận trong Hội thánh địa phương: trưởng lão và chấp sự. Chúng ta sẽ bắt đầu phần nghiên cứu bằng cách xác định Ý NGHĨA chức vụ chấp sự, xem xét CÁC ĐỨC TÍNH dành cho chức vụ chấp sự và xem xét hai PHẦN THƯỞNG khi phục vụ Chúa trong vai trò một chấp sự trung tín.
I. Ý nghĩa chức vụ chấp sự (câu 8a).
A. Ý nghĩa từ ngữ “chấp sự”.
Vậy chấp sự là gì nào? Từ ngữ “chấp sự” có nghĩa gì? "Chấp sự" là một chuyển ngữ qua tiếng Anh từ Hy lạp diakonos, cơ bản từ nầy có nghĩa là "tôi tớ". Diakonos cùng với hai từ diakonia (phục vụ) và diakoneo (hầu việc) đã được sử dụng khoảng 100 lần khắp cả Tân ước. Chỉ có hai lần chúng được sử dụng để ám chỉ một chức vụ, ở đây trong I Timôthê 3 và trong Philíp 1.1 là chỗ Phaolô viết: "gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, ở thành Phi líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự".
Từ ngữ gốc đề cập tới việc phục vụ như người đầy tớ, như đang đứng đợi bên mấy cái bàn. Theo thời gian, từ ngữ ấy được mở rộng đề cập tới bất kỳ một sự phục vụ nào. Chúng ta đã lần theo họ chữ trong Tân ước Hy lạp trải theo thời gian, chúng đề cập tới sự phục vụ lẫn nhau của chúng ta. Thí dụ, trong Mác 10.43-45, Chúa Jêsus phán: "Song trong các ngươi không như vậy; trái lại hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ [diakonos, chấp sự]; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người. Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc [diakoneo, được hầu việc] mình, song để hầu việc [diakoneo, phục vụ] người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”.
Ý nghĩa thứ hai của từ ngữ đề cập tới một ân tứ thuộc linh. Trong Rôma 12, Phaolô đưa ra một trong ba danh mục nói tới các ân tứ thuộc linh. Trong câu 7, ông nhắc tới ân tứ "chức vụ" hay phục vụ. Ân tứ nầy chính là diakonia. Nói cách khác, một số người có ân tứ "làm chấp sự", một ao ước và khả năng thuộc linh đặc biệt muốn phục vụ nhiều người khác bằng nhiều cách thức khác nhau.
Ý nghĩa thứ ba, trong đó diakonos được nhắc tới, ấy là nói về một chức vụ chính trong Hội thánh. John MacArthur bình luận như sau: "Theo ý nghĩa chung mỗi người đều là chấp sự, có người đặc biệt được ơn bởi Đức Thánh Linh đặng hầu việc, song vẫn có nhiều người khác nắm giữ chức vụ chấp sự. Họ nêu gương phục vụ về mặt thuộc linh cho mọi người khác. Họ hoạt động bên cạnh các trưởng lão, cung ứng sự giảng dạy và giám sát sinh hoạt thực tế của Hội thánh ".
B. Các chấp sự đầu tiên (Công vụ Các Sứ đồ 6).
Khi chúng ta quay sang Công vụ Các Sứ đồ 6, chúng ta thấy những gì tôi đang tin sẽ là trường hợp đầu tiên nói tới chức vụ chấp sự. Mặc dù từ ngữ "chấp sự" không thấy có ở đây và mặc dù một số giáo sư Kinh thánh sẽ không đồng ý, tôi tin phân đoạn nầy tóm tắt công việc của hàng chấp sự ở bên trong Hội thánh. Chúng ta nhớ rằng Hội thánh ở thành Jerusalem trong những ngày đầu sớm sủa đang tấn tới một cách nhanh chóng. Câu 1 chép: "bởi số môn đồ càng thêm lên". Các tín hữu ở đó đã có mọi sự và họ đã chia sẻ đồ ăn của họ. Trong hoàn cảnh ấy: "người Hê-lê-nít [Hy lạp] phàn nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa bụa của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày". Những người goá bụa Hy lạp không nhận được sự chia sẻ công bằng về đồ ăn và sự phục vụ.
Cụm từ "mười hai sứ đồ", đó là các sứ đồ nào đang phục vụ như mẫu mực dành cho các trưởng lão đã nói: "Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp". Họ vốn hiểu rõ ưu tiên một của họ trong sự giảng dạy, lãnh đạo và cầu thay cho Hội thánh. Họ đã nói trong câu 4 rằng họ sẽ dâng chính mình họ "chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo". Ý của họ là chỉ định "bảy người có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn" rồi giao phó cho phần việc nầy.
Ý kiến nầy "cả hội đều lấy lời đó làm đẹp lòng" và họ đã chọn "bảy người đó cho các sứ đồ; các sứ đồ cầu nguyện rồi, thì đặt tay lên". Kết quả đã được thấy trong câu 7: "Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa".
Mặc dù từ ngữ "chấp sự" không thấy có ở đây, mặc dù không ai trong bảy người đó từng được gọi là "chấp sự" ở một chỗ nào khác, chúng ta vẫn thấy một mẫu mực hay một gương về những gì hàng chấp sự phải lo làm.
C. Sự khác biệt giữa hàng chấp sự và hàng trưởng lão.
Khi ấy bèn có thắc mắc như sau: "Đâu là sự khác biệt giữa hàng trưởng lão và hàng chấp sự?" Cả hai chức vụ đều đòi hỏi hạng người chín chắn, đáng tôn trọng và có đủ tư cách. Tuy nhiên, họ khác biệt ở các bổn phận của họ. Trưởng lão, như các sứ đồ đã dâng mình vào sự "cầu nguyện và chức vụ giảng đạo". Trưởng lão cần phải có "khả năng giảng dạy". Trưởng lão cần phải lãnh đạo, là Mục sư và là người chăn trong Hội thánh. Mặt khác, chấp sự cần phải phục vụ. Họ cần phải nhận lấy những phần việc nào sẽ làm cản trở cho hàng trưởng lão. Tôi nghĩ có lẽ cách tốt nhứt để hiểu điều nầy được thấy ở trong câu nói nầy: trưởng lão là QUẢN GIA; chấp sự là ĐẦY TỚ. Trưởng lão lo liệu về mặt thuộc linh; chấp sự lo liệu về mặt thuộc thể. Thực tế mà nói, thì đúng như thế đấy. Các trưởng lão thường xuyên nhóm lại đặng cầu thay cho hội chúng, nghiên cứu Ngôi Lời và quyết định dẫn dắt Hội thánh đi theo và các quyết định Hội thánh cần phải đưa ra. Họ đi ra để làm thoả mãn các nhu cần thuộc linh của dân sự. Mặt khác, các chấp sự, đảm nhiệm các nhu cần về mặt thuộc thể của dân sự và thậm chí cả tài sản để cho các trưởng lão có thể tập trung trực tiếp vào những nhu cần thuộc linh.
Thí dụ, các chấp sự của chúng ta đang có vài trách nhiệm. Họ lo liệu về nhà thờ và tài sản của chúng ta. Họ giám sát chi tiêu của chúng ta. Họ đang khởi sự một chức vụ dành cho hạng người goá bụa. Họ lo liệu chức vụ trong bịnh viện. Họ phục sự Tiệc Thánh, lo công tác truyền giảng và giữ sự hiệp một trong Hội thánh.
II. Những đức tính dành cho chức vụ chấp sự (các câu 8b-12).
Trong bản Kinh thánh Anh ngữ, ở câu nầy có chữ "likewise" (tương tự thế). Điều nầy ấn định đây là chức vụ thứ hai trong Hội thánh. Cũng một thể ấy cùng với hàng trưởng lão, các chấp sự phải thoả các đức tính nhất định. Chấp sự phải lo liệu những phần việc giản đơn, nhưng họ chưa hẳn là hạng người tình nguyện. Họ nêu một tấm gương và lãnh lấy một số quyền hành nào đó.
A. Những đức tính cá nhân (các câu 8-9).
Thứ nhứt, một chấp sự phải thực "nghiêm trang". Từ ngữ có thể được dịch là "nghiêm trang" hoặc "chân thành". Họ nắm giữ các trách nhiệm một cách thẳng thắn. Warren Wiersbe nói một chấp sự nên "sử dụng chức vụ chứ không phải chỉ có đảm trách nó". Chức vụ chấp sự, giống như chức vụ của một trưởng lão là một chỗ để phục vụ, chớ không phải là chỗ để gây thanh thế. Thứ hai, và là đức tính thứ nhứt trong ba đức tính tiêu cực, một chấp sự không nên có "hai lời". Người không nên giống như con cắc kè bông, là hạng người nói một việc trước mặt người nầy rồi nói khác đi ở trước mặt người khác. Ở Đông Texas chúng ta có một câu nói về hạng người như thế: "Con chó ấy sẽ đi săn với bất cứ ai". Ai biết rõ về giống chó tai cụp đều biết chúng rất trung thành với chủ của chúng. Có người nói: "Nếu bạn nghĩ bạn là một nhân vật có ảnh hưởng, hãy thử ra lịnh cho con chó của ai đó xem". Chẳng có gì tệ hại cho bằng con chó tai cụp kia chạy săn mồi trước mặt từng thợ săn khác mà không phải là chủ của nó. Cũng một thể ấy, một chấp sự phải là một người trung thành với lời nói của mình. Will Rogers đã mô tả một người thể ấy như sau: "không sợ bán con vẹt của gia đình cho kẻ ngồi lê đôi mách ở phố chợ".
Thứ ba, một chấp sự không được "ghiền rượu". Chúng ta đã nói về vấn đề nầy rất chi tiết trong phần nghiên cứu cả ở đây trong I Ti-mô-thê và trong sách Tít. Chúng ta biết Kinh thánh truyền rằng không tuyệt đối kiêng rượu, nhưng chắc chắn rất ghét cảnh say xỉn. Một cấp lãnh đạo Hội thánh dù là trưởng lão hay chấp sự, là hạng người đạt tới mức độ chắc chắn sự làm chứng của người không bị hư đi, giống như thể kiêng hẳn rượu vậy.
Thứ tư, một chấp sự không được "tham lợi phi nghĩa". Người không được say xỉn về rượu hay tiền bạc. Mặc dầu người phải lo trợ cấp cho gia đình, một chấp sự không sống vì tiền bạc hay của cải. Điều nầy cũng rất là quan trọng vì trong nhiều Hội thánh các chấp sự phải lo thu những của dâng. Họ phải thật rời rộng và trong một số trường hợp phải lo ngân sách của Hội thánh. Các chấp sự phải biết thương người và biết sử dụng tiền bạc, chớ không phải chỉ lo sử dụng con người và ham mến tiền bạc.
Thứ năm, trong câu 9 chúng ta đọc rằng một chấp sự phải "lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin". "Lẽ mầu nhiệm của đức tin" là gì? "Lẽ mầu nhiệm" hay musterion là một từ ngữ Phao-lô mượn từ các thứ tôn giáo mầu nhiệm trong thời của ông. "Hệ thống thờ lạy hình tượng mầu nhiệm" nầy vốn có những sự dạy kín rằng quí vị chỉ có thể học hỏi bằng cách trở thành một chi thể trong các nhóm thờ lạy hình tượng đó. Chúng ta thấy một việc tương tự với việc đó trong các hội đoàn hay câu lạc bộ. Hội Masonic Lodge giữ nhiều điều kín nhiệm chỉ được truyền dạy cho các thuộc viên của hội mà thôi. Phao-lô đã thực thi cách chơi chữ khi ông đề cập tới "lẽ mầu nhiệm của đức tin". Cơ đốc giáo không thể hiểu được trừ phi người ta tiếp nhận nó. Một người hư mất không thể hiểu được hệ thống tín điều của chúng ta trừ phi người ấy tiếp nhận nó cho bản thân mình. Đấy là những gì I Cô-rinh-tô 2.14 nói tới: "Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng".
Tuần nầy tôi thực sự rất ngạc nhiên khi thấy các phóng viên phỏng vấn Heather Mercer và Dayna Curry, hai vị giáo sĩ người Mỹ đã bị quân Taliban bắt làm con tin nhưng đã được phóng thích vào tuần nầy. Khi họ đưa ra những thắc mắc về Cơ đốc giáo và lý do tại sao những phụ nữ nầy đang lo làm những việc mà họ đang làm, tôi nhận ra hai người nầy chẳng có một ý niệm là một Cơ đốc nhân thì phải như thế nào! Đối với các chấp sự lo giữ "lẽ mầu nhiệm của đức tin" ắt họ phải hiểu rõ Cơ đốc giáo và phải là học viên Kinh thánh.
Họ không bị buộc phải dạy dỗ giống như cấp trưởng lão, nhưng họ cần phải biết rõ Kinh thánh và tỏ ra một sự đầu phục vâng theo Kinh thánh. Đấy là ý nghĩa của một "lương tâm thanh sạch". Họ là hạng người biết vâng theo Kinh thánh. Họ là những tấm gương cần phải noi theo. Như có người đã nói: "Chúng ta là quyển Kinh thánh duy nhứt mà nhiều người từng đọc được. Cái họ cần là một ấn bản mới".
B. Sự thử thách của hàng chấp sự (câu 10).
Hãy chú ý trong câu 10 nói rằng hễ ai trở thành một chấp sự phải "chịu thử thách trước đã". Giống như các trưởng lão, họ không cần phải là nhà tu hay tân tín hữu (câu 6). Họ phải là hạng người là những tấm gương phục vụ trong một khoảng thời gian nào đó trước khi họ chính thức biệt riêng ra trong vai trò chấp sự.
"Thử thách" nằm trong thì hiện tại cho thấy đây là một hành động đang tiếp diễn. Đúng ra câu nầy phải được dịch là: "Cứ giữ họ bị thử thách luôn". Nhiều truyền khẩu cho thấy chấp sự trong Hội thánh là một sự ấn định trọn đời. Nghĩa là, từng là một chấp sự, thì luôn luôn là một chấp sự. Theo ý của tôi, một chấp sự nên giữ lấy chức vụ bao lâu người ấy có đủ tư cách để làm chấp sự. Trong khi làm chấp sự, người phải "không chỗ trách được".
Khi chúng ta lo liệu chức vụ trưởng lão, chúng ta quyết định rằng cấp trưởng lão phải được phê chuẩn hàng năm. Có lẽ đấy sẽ là một chương trình tốt đẹp cho hàng chấp sự của chúng ta nữa.
C. Các đức tính dành cho nữ giới (câu 11).
Hãy chú ý cách cẩn thận câu 11: "Vợ các chấp sự cũng phải nghiêm trang, chớ nói xấu…". Hãy chú ý "của các chấp sự" được in nghiêng có ý nói đây là một từ ngữ không có trong bản gốc. Từ được dịch là "vợ" là gune cũng được dịch một là "vợ" hay "người nữ" như nhau. Chúng ta có thể dịch một cách chính xác cụm từ nầy: "Tương tự thế, nữ giới phải cho nghiêm trang…" Bản Kinh thánh NRSV chép: "Nữ giới phải cho nghiêm trang…" Bản Kinh thánh NAS chép cũng y như vậy. Điều nầy đưa chúng ta đến với hai sự giải thích khả thi. Thứ nhứt, những lời giáo huấn nầy quả thực đang đề cập tới vợ của các chấp sự hay thứ hai, chúng đề cập tới một giai cấp khác thuộc phái yếu hay các nữ chấp sự.
Đây không phải là một quan điểm có định kiến mới mẻ trong Kinh thánh. Thực ra đây là một sự dạy đáng chấp nhận trong Hội thánh rất sớm sủa trong thế kỷ thứ hai. Tham khảo theo Kinh thánh duy nhứt chúng ta có đối với chức vụ nữ chấp sự là Rôma 16.1: "Tôi gởi gắm Phê-bê, người chị em chúng ta cho anh em, người làm nữ chấp sự [diakonos – nữ chấp sự] của Hội thánh Xen-cơ-rê". Bản Kinh thánh NRSV dịch là "nữ chấp sự".
Là một việc đáng phải xem xét, cho phép tôi cung ứng cho quí vị một vài lý do tại sao điều nầy đề cập tới một chức vụ phân biệt về nữ chấp sự thay vì là vợ của các chấp sự.
+ Thứ nhứt, câu 11 biệt riêng nữ giới với chữ “tương tự” giống như các chấp sự phải biệt riêng ra đối với hàng trưởng lão trong câu 8. Cho nên câu nầy đáng phải dịch là: "tương tự, các chấp sự" và "tương tự, các nữ chấp sự".
+ Thứ hai, cụm từ "của các chấp sự" không phải là một phần có trong bản gốc. Không có một đại từ sở hữu hoặc mạo từ xác định nào đứng trước từ ngữ "vợ" để nối chúng với các chấp sự.
+ Thứ ba, Phaolô không đưa ra bất cứ một đức tính nào dành cho vợ của các trưởng lão cả. Tại sao vợ của các chấp sự phải thoả các tiêu chuẩn nhất định không áp đặt lên vợ của hàng trưởng lão?
+ Thứ tư, cụm từ "nữ chấp sự" không được sử dụng vì không có một từ như thế trong ngôn ngữ Hy lạp. Hình thái giống đực của từ diakonos đã được sử dụng nói tới cả người nam lẫn người nữ như phần nhắc tới chức vụ của Phê-bê trong Rôma 16.1.
Vì lẽ đó, chúng ta có thể kết luận rằng mặc dù chúng ta không biệt riêng ra một người nữ hay nhiều người nữ nắm lấy chức vụ chính thức về nữ chấp sự, thì chắc chắn chẳng có gì là phi Kinh thánh khi làm như vậy. Warren Wiersbe tóm tắt thắc mắc nầy như sau: Một số học viên [của Kinh thánh] nghĩ rằng câu 11 đề cập tới nữ chấp sự, chớ không đề cập tới vợ của các chấp sự, mà còn đề cập tới thứ tự khác của những người phục vụ – những nữ chấp sự. Nhiều Hội thánh đang có những nữ chấp sự, họ đang phụ giúp với việc làm của nữ giới, trong lễ báptêm, trong những thì giờ thông công, v.v… Phê-bê là một nữ chấp sự trong Hội thánh tại Xen-cơ-rê. Có lẽ trong một số Hội thánh, vợ của các chấp sự đã phục vụ trong vai trò nữ chấp sự. Chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời vì chức vụ của nữ giới tin kính trong Hội thánh địa phương, dầu họ nắm giữ chức vụ hay không! Nắm lấy một chức vụ để có một công việc hay luyện tập một ân tứ thì chẳng phải là cần thiết đâu.
Trong trường hợp chúng ta đề cập tới vợ của các chấp sự hiện nay của chúng ta hay tại một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng ta ấn định một người nữ tin kính vào chức vụ nữ chấp sự, có một vài đặc điểm mà họ cần phải tỏ ra.
Thứ nhứt, người phải sống sao cho "nghiêm trang". Đây cũng chính là từ ngữ biểu thị đặc điểm dành cho hàng chấp sự. Người phải là một người nữ tin kính, nghiêm nghị. Người ta sẽ bắt chước theo người về lòng tin kính của người đối với Chúa và đối với Hội thánh của Ngài.
Thứ hai, người không nên là kẻ chuyên "nói xấu" hay một "kẻ ngồi lê đôi mách" (bản Kinh thánh NAS). Thú vị thay, từ Hy lạp ở đây là diabolos, một từ ngữ thường dùng để mô tả Satan. Người không phải giống như ma quỉ đâu, hắn là "kiện cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời” (Khải huyền 2.10).
Thứ ba, người phải "tiết độ", chớ không phải một người say xỉn, mà là một nhân vật tỉnh táo.
Sau cùng, người cần phải "trung tín trong mọi việc". Người phải đáng tin cậy với lời lẽ và hành động của mình. Người phải là loại người có tiếng tốt, không chỗ trách được.
D. Những đức tính gia đình (câu 12).
Giống như các trưởng lão, những chấp sự phải là "chồng của một vợ". Chúng ta đã đi vào chi tiết điều nầy trong câu 2, vì vậy tôi sẽ không đi vào chi tiết ở đây. Giống như bậc trưởng lão, chấp sự phải là một người nam của một người nữ. Người phải tuyệt đối chung thủy với vợ mình. Như John Piper nói: "Người phải theo đuổi niềm vui thích riêng nơi sự vui vẻ thánh khiết với vợ của mình". Tôi không tin điều nầy cản trở một người đã có sự ly dị theo Kinh thánh đâu đó trong quá khứ. Vấn đề không phải là số lượng của những cuộc hôn nhân mà là chất lượng cuộc hôn nhân của người. Có nhiều người chỉ kết hôn một lần duy nhứt song chẳng phải là hạng người chung thủy. Tương tự, có nhiều người đã chịu khổ qua một lần ly dị không do sự lựa chọn riêng của họ, nhưng giờ đây là người chồng rất chung thủy, tin kính của người vợ chung thủy, tin kính. Chấp sự cũng phải là hạng người ai cũng biết là "khéo cai trị con cái và nhà riêng mình". Giống như cấp trưởng lão, gia đình của chấp sự phải là những tấm gương cho phần còn lại của hội chúng.
III. Phần thưởng cho chức vụ chấp sự (câu 13).
Câu 13 chép: "Vì ai khéo làm chức vụ mình thì được…". Họ "được" hai phần thưởng đặc biệt.
A. Chấp sự trung tín phát triển một bực cao trọng (câu 13a).
"Bực cao trọng" là một cách bày tỏ rất hay. Bản Kinh thánh KJV nói: "một cấp độ nhơn đức". Nếu quí vị muốn một học vị, quí vị phải đến trường đến lớp! Đấy không phải là điều được nói tới ở đây. "Bực" ra từ chữ bathmos. Trong các nhà tắm của người La mã, quí vị đi lên vài bực thang để bước vào trong hồ bơi. Ý ở trong cách nói nầy là "một bước lên cao". Một chấp sự phục vụ tốt kiếm được một cấp độ tôn trọng, ấy là "một bước lên cao" hơn so với nhiều người khác.
Đây không phải là vấn đề kiêu ngạo tội lỗi vì các chấp sự nhơn đức không tìm kiếm nấc thang đó. Tuy nhiên, họ có được nó. Hãy suy nghĩ về một vài chấp sự của chúng ta và họ được tôn trọng thể nào!?! Họ không phục vụ để được tôn lên trên một cái bệ. Tuy nhiên, chúng ta tôn trọng họ vì sự họ sẵn lòng phục vụ đó thôi.
B. Chấp sự trung tín phát triển một lòng dạn dĩ rất lớn (câu 13b).
"Dạn dĩ" có ý nói tới sự tin cậy. Họ càng cung ứng sự phục vụ cao chừng nào thì lòng tin cậy của họ càng lớn lên chừng nấy. Họ được lòng dạn dĩ "trong đức tin", họ xông xáo làm chứng sứ điệp Tin lành cho những người chưa tin. Họ đầy lòng tin cậy dấn thân vào sinh hoạt của hội chúng. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì các chấp sự của chúng ta và cầu xin rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy lên nhiều người hơn nữa trong sự hầu việc Ngài!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét