Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 4.6-11: "Làm thế nào để trở thành cấp lãnh đạo thuộc linh – Phần 1"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Làm thế nào để trở thành cấp lãnh đạo thuộc linh – Phần 1
I Timôthê 4.6-11
Cách đây mấy ngày, ngọn đuốc Olympic đã chạy ngang qua thành phố Amarillo của chúng ta trên đường của nó đến thành phố Salt Lake, Utah nhơn dịp lễ khai mạc các trận đấu Olympic mùa đông. Ngạc nhiên thay, mặc dù ngọn đuốc đến bằng xe lửa vào lúc 2 giờ sáng, hơn 9.000 người đã trở dậy, có mặt trên các đường phố để đón xem các cấp lãnh đạo của cộng đồng cùng chạy với ngọn lửa Olympic. Khi nghi thức đã hoàn tất, ngọn đuốc đã được đưa trở lại xe lửa và rồi chuyển đến thành phố kế tiếp. Nhu cần quan trọng nhất của Hội thánh địa phương ngày nay là các cấp lãnh đạo thuộc linh sẽ chuyển giao ngọn đuốc lẽ thật cho thế hệ kế tiếp. Chúng ta có Con Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta. Chúng ta có Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt chúng ta. Chúng ta có Lời của Đức Chúa Trời dạy dỗ chúng ta. Vậy thì, Hội thánh của chúng ta và từng Hội thánh địa phương khác cần điều chi nhất? Chúng ta cần các cấp lãnh đạo thuộc linh. Dầu họ là Mục sư, giáo sư, trưởng lão, chấp sự, nhạc sĩ, hay bất cứ chức vụ nào. Chúng ta cần những người nam người nữ nào chưa định vị cho một đức tin bình thường nhưng nhận biết rằng Hội thánh của Đấng Christ là "nhà của Đức Chúa Trời", "Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống" và "trụ và nền của lẽ thật".
Trước khi chúng ta đi vào phần chú giải, tôi muốn chỉ ra một cụm từ làm bản lề trên đó cả phân đoạn Kinh thánh gốc xoay quanh. Ấy là trong câu 6, Phaolô bảo Timôthê rằng nếu Timôthê làm trọn vai trò của mình là một cấp lãnh đạo thuộc linh, thì Timôthê sẽ trở thành "kẻ giúp việc ngay lành của Đức Chúa Jêsus Christ".
Khi lần đầu tiên chúng ta đọc cụm từ ấy, hầu hết trong chúng ta đều nghĩ rằng vị Sứ đồ chỉ đang nói tới những người nào được Đức Chúa Trời kêu gọi, được biệt riêng ra và được tấn phong làm Mục sư/Giáo sư cho Hội thánh. Có người nhìn thấy cụm từ nầy: "kẻ giúp việc", thì một cách máy móc nghĩ rằng phân đoạn Kinh thánh nầy chẳng nói gì tới họ cả. Đó là một thái độ sai lầm. Trong khi chắc chắn cụm từ ấy áp dụng cho các vị Mục sư phục vụ trọn thời gian, nó cũng áp dụng cho bất kỳ tín hữu nào sẽ chịu khoác lấy chiếc áo choàng lãnh đạo thuộc linh trong Hội thánh. Thú vị thay, cụm từ "kẻ giúp việc" dịch từ chữ diakonos, và được chuyển ngữ thành "chấp sự" trong 3.8. Chúng ta có thể dịch sát nghĩa cụm từ nầy: "bạn sẽ trở thành một chấp sự nhơn đức hay xuất sắc". Phaolô đặc biệt không đề cập tới chức vụ Mục sư/Giaó sư hoặc chức vụ chấp sự. Diakonos trong phạm trù nầy đã được dịch hay nhất là "tôi tớ hữu dụng" hay "người hầu việc".
Vì lẽ đó, phân đoạn Kinh thánh nầy áp dụng cho quí Mục sư, chấp sự, trưởng lão, giáo sư dạy Kinh thánh, hướng dẫn thờ phượng, v.v… bất kỳ ai và bất cứ người nào đang lãnh đạo và phục vụ trong Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta thường xét đoán không đúng các cấp lãnh đạo thuộc linh bởi những tiêu chuẩn không đúng. Thí dụ, nếu một vị Mục sư có một Hội thánh lớn, người ta nghĩ ông rất thành công. Nếu ông chăn một Hội thánh nhỏ, người ta chỉ xem ông là xoàng trong chức vụ. Chúng ta xét đoán các cấp lãnh đạo thuộc linh khác trong Hội thánh với cùng một tiêu chuẩn sai lạc ấy. Chúng ta phải nhớ những gì Đức Thánh Linh thì thầm với Samuên khi các con trai của Gie-sê đến đứng trước mặt ông: "Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng" (I Samuên 16.7).
Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, Lời của Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta tâm ý của Đức Chúa Trời về chức vụ lãnh đạo thuộc linh. Từ câu 6 đến hết chương, tôi sẽ chỉ ra 12 đặc điểm của chức vụ lãnh đạo thuộc linh thật, đổi lại hết thảy chúng ta sẽ tiếp thu trọn vẹn làm thế nào để trở thành cấp lãnh đaọ thuộc linh. Trong tiểu đoạn nầy, chúng ta sẽ xem xét 7 đặc điểm đầu tiên.
I. Cấp lãnh đạo thuộc linh dạy Ngôi Lời (câu 6a).
Phaolô bắt đầu câu nầy với phát biểu như sau: "Con giải tỏ các việc đó cho anh em, thì con sẽ nên kẻ giúp việc ngay lành của Đức Chúa Jêsus Christ". Bản Kinh thánh NKJV sử dụng từ "truyền" bản Kinh thánh KJV dịch "làm cho nhớ" trong khi bản Kinh thánh NASV chép: "chỉ ra". Từ ngữ nầy ra từ một động từ có thể được dịch chính xác là "gợi ra" hay "đặt trước mặt". Hình ảnh ở đây không phải là công bố lớn tiếng, ầm ĩ (dù có một chỗ cho sự đó), mà là thuyết phục nhẹ nhàng, tử tế. Chính trong thì hiện tại nầy, cụm từ có ý nói rằng Timôthê cần phải giữ luôn việc dạy dỗ hội chúng.
Phaolô muốn nói gì khi nhắc tới "các việc đó", ông đang nhắc tới "các việc" nào? Tôi tin ông đang chỉ ngược lại những gì ông đã nói rồi trong phân đoạn đứng trước đó. Các "việc" mà Timôthê cần phải đặt trước mặt Hội thánh tại Êphêsô cả hai phương diện: tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, ông cần phải nhắc cho họ biết cách "ăn ở" như thế nào "ở trong nhà của Đức Chúa Trời, là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật". Ông cần phải truyền đạt cho họ biết “sự mầu nhiệm của sự tin kính", sự dạy nền tảng của Hội thánh. Timôthê cần phải liên tục giải tỏ những lẽ đạo chính của đức tin, rằng "Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt, thì đã được Đức Thánh Linh xưng là công bình, được thiên sứ trông thấy, được giảng ra cho dân ngoại, được thiên hạ tin cậy, được cất lên trong sự vinh hiển" (3.15-16).
Về mặt tiêu cực, Timôthê cần phải nhắc cho họ nhớ rằng "trong những ngày sau rốt", họ đang sống ở trong đó và trong đó chúng ta đang sinh sống "có mấy kẻ sẽ bội đạo", có người sẽ bội đạo vì họ sẽ bị dụ dỗ bởi "thần lừa dối, đạo lý của quỉ dữ". Trong sự "giả hình" họ sẽ đi dạo quanh mà "nói dối" vì lương tâm của họ đã bị chai lì tới một mức độ mà họ không còn phân biệt được đúng hay sai. Trong thời buổi của chúng ta, họ tấn công thẩm quyền của Kinh thánh. Trong thời của Timôthê, họ đã thực hành chủ nghĩa khổ hạnh (asceticism): "cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn". "Các việc đó" có ý nói tới toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời. Một cấp lãnh đạo thuộc linh là một người của Ngôi Lời. Nhưng đấy mới chỉ là vấn nạn thôi. Dường như người ta muốn học biết mọi sự trừ ra Ngôi Lời trong thời buổi nầy! Họ sẽ học hỏi nhiều sách vở nói về Kinh thánh thay vì nghiên cứu ngay chính gốc, là Kinh thánh!
Cấp lãnh đạo thuộc linh là những người nhận biết Kinh thánh và đang dạy Kinh thánh. Tít bảo những người nữ trưởng thành cần phải dạy dỗ những người còn trẻ tuổi hơn. Phaolô bảo Timôthê: "Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác" (II Timôthê 2.2). Cấp lãnh đạo thuộc linh không nắm giữ lẽ thật cho bản thân họ.
Tôi thích câu chuyện Cựu Ước nói tới những người phung trong II Các Vua 7. Trong chức vụ của Êlisê, quân Syri đến bao vây thành Samari. Dân cư rất đói khát, có người phải ăn thịt đồng loại mình. Bốn người phung nầy vốn biết rõ nếu họ ở lì trong thành, họ sẽ bị chết đói. Họ biết rõ rằng quân Syri có lẽ sẽ giết họ nếu họ ở lại. Tuy nhiên, họ hy vọng họ sẽ bị bắt làm phu tù và được cho ăn uống đàng hoàng. Vì vậy, chiều đến, họ rời thành phố rồi đi hướng tới trại quân Syri. Đức Chúa Trời một cách siêu nhiên đã phóng đại tiếng bước của họ đến nỗi quân Syri tưởng họ đã nghe thấy "tiếng xe, ngựa và tiếng đạo binh lớn". Họ hoảng hốt đến nỗi chạy "trốn đặng cứu mạng sống mình". Bốn người phung bất ngờ tìm thấy trại quân bỏ hoang, nhưng đồ đạt hãy còn vung vải ra đó. Họ đã ăn uống suốt cả đêm. Sau cùng, họ nói: "Chúng ta làm chẳng phải; ngày nay là ngày có tin lành, và chúng ta nín lặng sao!" Họ rời khỏi đó rồi loan báo các tin tức cho dân sự của họ biết. Họ không chôn giấu các phước hạnh của Đức Chúa Trời cho bản thân họ.
Cũng vậy, chúng ta không nắm giữ Lời tốt lành của Đức Chúa Trời cho bản thân mình. Chúng ta phải trưởng dưỡng bằng Lời ấy và truyền dạy Lời ấy. Chúng ta phải huấn luyện nhiều người khác nhìn thấy mọi sự theo thế giới quan của Kinh thánh. Chúng ta không để cho dân sự của chúng ta trở thành "trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc" (Êphêsô 4.14). John MacArthur viết: “Thất bại không suy nghĩ theo Kinh thánh và thần học khiến cho Hội thánh phải trả giá. Thất bại ấy khiến cho đủ thứ sai lạc xâm nhập vào. Hội thánh sẽ trở nên lộn xộn và yếu đuối. Sự rao giảng không thuyết phục, bao gồm sự dạy dỗ chiếu lệ, nhàm chán, và thần học lỏng lẻo đã thế chỗ cho sự rao giảng theo cách chú giải thiên về lẽ đạo mạnh mẽ. Kết quả là một sự lộn lạo, triết lý lấn át, chủ nghĩa thần bí, thậm chí đồng bóng và thờ lạy hình tượng đang gây ảnh hưởng. Phần lớn những sự lộn lạo đó có thể gán cho thất bại của những Mục sư không suy gẫm nhiều và không rao giảng với sự thuyết phục. Nhiều vị Mục sư đã thất bại không vạch ra lằn ranh rõ ràng giữa đúng và sai và gây dựng dân sự của họ trong đạo thật rất phong phú của Lời Đức Chúa Trời. Những nhà truyền đạo kém cõi ấy phải đền bù lại sao cho có được cái gọi là "tấm lòng của Mục sư". Tuy nhiên, tấm lòng của vị Mục sư không được đánh giá là một người nhơn đức khi nuông chiều bầy chiên, mà phải đánh giá bằng cách người bảo hộ chúng tránh khỏi bầy muông sói và nuôi dưỡng chúng sao cho chúng lớn lên trưởng thành và mạnh mẽ”.
Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta không chỉ có chăn bầy chiên của Ngài, mà còn trưởng dưỡng họ bằng những sự phong phú của Ngôi Lời. Đây là lý do tại sao tôi dấn thân vào công tác rao giảng Kinh thánh, từng sách, từng chương, từng câu và từng chữ một. Tôi muốn trở thành một "kẻ giúp việc ngay lành của Đức Chúa Jêsus Christ". Tôi muốn trở thành một đầy tớ trung tín, hiệu quả, biết sử dụng các thứ ơn của ân điển Đức Chúa Trời để gây dựng nhiều người khác.
Charles Spurgeon thường thuật lại câu chuyện kể lúc ông còn là một thiếu niên. Ông đã gặp một thương nhân hay quảng cáo phiên bản dao găm nổi tiếng Swiss Army. Ông ta dí mũi dao dưới sóng mũi của Spurgeon rồi làm nhiều động tác với lưỡi dao đó. Nhà truyền đạo lỗi lạc tiếp tục nói: "Nếu ông ta giữ con dao nhiều lưỡi đó trong túi áo của mình, rồi bình tỉnh nói: ‘Nếu có người nào muốn xem con dao có nhiều lưỡi, tôi có một con ở trong túi’, khi ấy ông ta sẽ không bán được một con dao nào trong một thế kỷ. Nhưng ông ta đem tôi ra làm một khách hàng, rồi mở con dao nhiều lưỡi đó ra giống như thể ông ta biết rõ một con dao thể ấy sẽ rất lôi cuốn đối với một thiếu niên còn đi học. Năng lực của người đó dạy tôi một bài học mà tôi thường đem ra kể khi tôi cố gắng thuyết phục người ta ‘mua lấy lẽ thật’".
Chúng ta không cần phải nói cho người ta biết sự cao trọng của Lời Đức Chúa Trời rồi để nó ở trong túi của mình. Chúng ta không thể thuyết phục họ với một quyển sách gấp lại. Chúng ta cần phải mở nó ra, đưa những báu vật hữu ích của nó ngang qua sóng mũi của họ hầu cho họ sẽ: "mua chân lý, sự khôn ngoan, sự khuyên dạy, và sự thông sáng; chớ hề bán đi" (Châm ngôn 23.23).
II. Cấp lãnh đạo thuộc linh nghiên cứu Ngôi Lời (câu 6b).
Phaolô bảo Timôthê rằng Timôthê cần phải "được nuôi bởi các lời của đức tin và đạo lý lành mà con đã theo". "Được nuôi" mang ý tưởng được cho ăn và rút tỉa sức lực từ đó. Động từ nầy ở thì hiện tại phân từ, sát nghĩa có ý nói như vầy: "được nuôi hoài". Cấp lãnh đạo thuộc linh không đạt tới một điểm mà họ thấy họ đầy dẫy Ngôi Lời bao giờ.
Chúng ta không thể tiếp tục "giải tỏ các việc đó cho anh em" nếu chúng ta không liên tục tự mình học hỏi. Ở điểm nầy rất nguy hiểm đây. Trừ phi cấp lãnh đạo thuộc linh liên tục được "nuôi bởi các lời của đức tin" và liên tục cẩn thận noi theo "đạo lành", họ sẽ không thể giải tỏ cho một ai khác. Họ sẽ ngày càng trì trệ trong đời sống thuộc linh của họ.
Đúng là một thảm hoạ lớn cho lý tưởng của Đấng Christ khi có ai giữa vòng cấp lãnh đạo thuộc linh thôi không nghiên cứu Ngôi Lời nữa. Tôi không có ý nói rằng họ thôi không đến nhóm lại với Hội thánh. Tôi không có ý nói họ đã lui đi khỏi toà giảng hay các lớp học Kinh thánh của họ. Tôi muốn nói họ đã lìa bỏ phần nghiên cứu cá nhân của họ. Họ đã thôi không còn tấn tới theo cách riêng nữa rồi. Họ đang nương cậy trên những gì họ đã tiếp thu vào ngày hôm qua. Họ trụ lại, tự mãn, cho là đủ ở vị trí của họ. Kent Hughes trưng dẫn từ John Stott khi lưu ý: "Khi một nhà truyền giáo không nghiên cứu nữa, ông ta sẽ trở thành nhà đa cảm giữa đời trong sự rao giảng của mình – chủ yếu nương vào vốn những câu chuyện ngớ ngẩn muốn lôi kéo những xúc động sâu xa nhất".
Có bao nhiêu bài giảng hay bài học mà quí vị đã nghe giống như thế? Những bố cục đã được hâm nóng lại, các chú thích vay mượn của ai đó, những minh hoạ và các lần lặp đi lặp lại vô nghĩa. Như thế có nghĩa là họ chưa được "nuôi". Họ chưa "giữ lấy đạo sự sống" (Philíp 2.16). Họ chưa kéo từ giếng lên cho bản thân họ và vì thế chẳng có miếng nước nào mới cho người khác cả.
Mới đây, tôi có đọc quyển sách bán chạy nhất của Mark Bowden và giờ đây là phim ăn khách nhất Black Hawk Down. Bowden mô tả cuộc chiến sống động có thật ở Mogadishu tại Somalia vào năm 1993. Lực lượng đặc biệt và Biệt động quân được đưa vào trong thành phố bị phân tán để bắt lấy những lãnh chúa đẳng cấp cao trong một cuộc họp mật. Khi sứ mệnh bắt đầu Biệt động quân nhanh tay tuột dây thừng từ hai bên hông của trực thăng Diều Hâu Đen (Black Hawk) xuống đường phố ở bên dưới. Một Biệt động trẻ quên nắm lấy dây và rơi thẳng xuống từ cao độ 70 feet. Khi các binh sĩ khác đến gần anh ta, thì thấy máu đã chảy ra từ hai lỗ tai, mũi và miệng. Anh ta cần được đưa di tản ngay lập tức. Câu chuyện khiến cho tôi thấy rằng cấp lãnh đạo thuộc linh trong thế gian nầy không cứ cách nào đó rất giống với những chiến sĩ biệt kích thuộc linh. Chúng ta bước vào một môi trường thù nghịch trên sứ mệnh phục vụ cho Quan Tướng Đạo Binh của chúng ta. Nếu chúng ta thôi không nghiên cứu Kinh thánh hay một phần của bất kỳ phân đoạn Kinh thánh nào, chúng ta đã "quên nắm lấy dây" và chúng ta sẽ mất đi hiệu quả, bị nhiều thương tích trong chiến trường thuộc linh.
III. Cấp lãnh đạo thuộc linh phải cầu nguyện (câu 6b).
Trong câu 5 chúng ta thấy rằng tất cả các ân tứ của Đức Chúa Trời được "nên thánh nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện". Ở đây trong câu 6, chúng ta thấy rằng cấp lãnh đạo thuộc linh được "nuôi bởi các lời của đức tin". Hầu hết các học giả Kinh thánh đều nói rằng "các lời của đức tin" có lẽ đề cập tới toàn bộ Kinh thánh, "toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời" cũng như "đạo lành" đề cập tới giải thích thần học hay các hệ thống tri thức thích ứng được rút ra trực tiếp từ Kinh thánh. Mặc dù tôi có chút ít tự do ở đây, tôi nghĩ "các lời của đức tin" cũng bao gồm cả sự cầu nguyện nữa. Được "nuôi bởi các lời của đức tin" quả rất khó nếu không đáp ứng với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện. Một lãnh đạo thuộc linh là một con người của sự cầu nguyện.
Trong quyển “What’s Wrong with Preaching Today” (Có gì sai với sự rao giảng hôm nay), Al Martin viết: “Tôi thấy, đây là một chút xưng tội cũng như một chút khích lệ, rằng lời lẽ của tôi đang chế giễu tôi khi tôi rao giảng – khi tôi nói ra từ "địa ngục" mà không cảm thấy kinh khiếp về nó; khi tôi nói tới “thiên đàng” mà chẳng thấy ấm áp với một sự ấm áp thánh khiết trong ánh sáng của sự thực Chúa đang sửa soạn một chỗ cho tôi. Tôi không tìm được một câu trả lời nào cho vấn đề nầy, nhưng phải suy gẫm lâu dài về các phân đoạn Kinh thánh nói tới các thực tại thuộc linh nầy, và cầu xin Đức Chúa Trời Chí Thánh nung đúc chúng trong tấm lòng của tôi. Tôi nài xin Ngài ban quyền cho tôi để nói với những người tôi gặp gỡ để họ nghe được những lời nói kinh khủng đó: "Hỡi các ngươi là những kẻ bị rủa sả, hãy lìa khỏi ta mà bước vào hồ lửa đời đời". Tôi thấy tôi phải nài xin Đức Chúa Trời khiến cho những người ấy đến nói với tôi tại nơi cửa: "Thưa Mục sư! Cảm ơn ông vì bài giảng" cũng chính là những giọng nói mà một ngày kia sẽ thốt ra những tiếng kêu van của kẻ bị đoạ đày. Tôi phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ tôi biết tin theo những sự nầy, xin giúp tôi rao giảng chúng hầu cho nhiều người khác sẽ nhận biết rằng quả thật tôi tin những sự ấy. Lẽ thật được nung nấu vào ngày Chúa nhựt có thể là giá lạnh vào ngày thứ Hai. Lẽ thật nung nấu trong phòng riêng vào ngày thứ Bảy có thể là không có sự sống trong ngày Chúa nhựt. Những lẽ thật đã nhận được trong lò thử thách phải chờ đợi nơi Đức Chúa Trời sẽ được giữ trong sự ấm áp của chúng đúng phạm trù đó. Nếu tôi đọc đúng phần tiểu sử của hạng người cao trọng của Đức Chúa Trời, tôi thấy rằng chứng cớ của họ đáng chấp nhận. Mọi người đều nhất trí công bố rằng nếu có bất kỳ một sự kín nhiệm nào trong chức vụ của họ, thì là điều nầy: đó là người chuyên trau dồi đời sống bề trong của mình trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời”.
Sự cầu nguyện riêng là phần công bố hiển nhiên dầu đã được châm! Nếu chúng ta muốn rao giảng và công bố ra Lời Đức Chúa Trời cách có quyền, chúng ta phải dâng mình vào sự cầu nguyện.
IV. Cấp lãnh đạo thuộc linh phải bỏ đi những lời hư ngụy phàm tục (câu 7a).
Kế đó, Phaolô bảo chàng trai trẻ Timôthê phải "bỏ đi những lời hư ngụy phàm tục". "Bỏ" là một động từ rất mạnh có ý nói tới "khử" hay "chẳng có gì phải làm với". "Hư ngụy" ra từ chữ bebelos, có ý nói những đối chọi của sự thánh khiết hoặc "phi đạo đức". "Phàm tục" là muthos, từ đó chúng ta có chữ "myths" (hoang đường). Phaolô nói những lời hư ngụy phàm tục nầy là "chuyện bịa các bà già" hay "chỉ thích hợp với mấy bà già"(bản Kinh thánh NASV).
Trong xã hội thời ấy, nữ giới thường vô học và thường bị coi là hay ngồi lê đôi mách. Có lẽ đây là phần tham khảo đến chủ nghĩa khổ hạnh và sự dạy giả dối đã được nhắc tới trong các câu 1-3. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn áp dụng điều nầy cho cấp lãnh đạo thuộc linh không nên phung phí thì giờ hay các tế bào não của họ vào những lời hư ngụy phàm tục. Kẻ thù có nhiều cách dụ dỗ, lôi kéo tâm trí chúng ta ra khỏi việc theo đuổi sự nên thánh. Hầu hết những gì xảy có trong bộ môn giải trí ngày nay ít nhiều gì cũng là những lời ấy.
Cấp lãnh đạo thuộc linh cần phải thư giãn. Họ cần nhiều thì giờ để giải lao, tiêu khiển. Chúa Jêsus hay cùng với các môn đồ tẻ tách ra để nghỉ ngơi và lấy sức lại. Tuy nhiên, cấp lãnh đạo thuộc linh phải "bỏ đi", không biết đến, không nên tìm sự thú vị nơi bất kỳ việc gì lôi kéo tâm trí họ xa khỏi những lẽ thật đẹp đẽ của Ngôi Lời. Phaolô đã nói trong Philíp 4.8: "Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến". Côlôse 3.1-2 chép: "Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất”.
V. Cấp lãnh đạo thuộc linh lo gây dựng cơ bắp thuộc linh (các câu 7b-9).
Kế đó Phaolô nói: "Tập tành sự tin kính". "Tập tành" ra từ chữ gumnazo, từ đó chúng ta có chữ "gymnasium" (phòng tập thể dục) và "gymnastics" (rèn luyện). Chữ nầy được dịch là "đào tạo" hay "rèn luyện". Nó tô vẽ một bức tranh nói tới một sự làm việc căng thẳng. Thì của động từ nói: "luôn luôn rèn luyện". Là cấp lãnh đạo thuộc linh, chúng ta cần phải liên tục làm việc để phát triển "sự tin kính".
Mỗi thành phố Hy lạp đều có một gymnasium và thành Êphêsô không có gì khác biệt. Một phần của đòi hỏi về mặt giáo dục cho lớp trẻ Hy lạp giữa độ tuổi 16-18 là đào tạo về mặt thể chất. Nếu khả thi, người Hy lạp vốn ưa thích với xác thịt hơn xã hội đương thời của chúng ta. Họ vốn mê đắm với thân thể con người cũng như các sự kiện thuộc bộ môn điền kinh. Để đóng ngoặc kép, Phaolô đang nói: "Hãy tự rèn tập nhắm tới sự tin kính".
Cũng một thể với lớp người trẻ đang tập tành để làm cho thân thể họ được mạnh mẽ, Timôthê phải làm việc để gây dựng và làm cho đời sống thuộc linh của mình được vững chắc. Là cấp lãnh đạo thuộc linh, dạy dỗ Ngôi lời và nghiên cứu Ngôi Lời cũng chưa phải là đủ; chúng ta phải vâng theo Ngôi Lời nữa. Mới đây, tôi đang nghiên cứu từ sách Ôsê trong Cựu Ước, ở đây Đức Chúa Trời bảo vị tiên tri của Ngài lấy một kỵ nữ có tên là Gô-me làm vợ, phác hoạ Israel có mối quan hệ bất trung, tà dâm với Đức Giêhôva. Gô-me không thể ở mãi ngoài đường phố. Ôsê có hai đứa con đầu, nhưng hai đứa con thứ nhì của Gomer rõ ràng ra từ những người cha khác. Ôsê đặt tên cho đứa sau cùng là Lô-Ammi, sát nghĩa là "không phải của tôi". Ôsê không những được kêu gọi để giảng một sứ điệp. Đời sống ông chính là sứ điệp. Giống như Ôsê, đời sống của chúng ta chính là sứ điệp. Vấn đề là chúng ta biết bao nhiêu về Kinh thánh hay chúng ta có thể giảng dạy Kinh thánh cách hùng hồn nếu chúng ta hủy diệt những gì chúng ta rao giảng bằng môi miệng của mình với đời sống chúng ta. Một trong những Mục sư và là nhà văn thuộc hệ phái Thanh Giáo là Richard Baxter. Ông đã viết quyển The Reformed Pastor, vào năm 1656:
“Đừng thoả lòng với việc trụ lại trong một tình trạng được ơn, mà cũng nên cẩn thận, các thứ ơn của bạn phải được lưu giữ trong chỗ đầy khí thế và tập luyện cách sống động, và bạn giảng cho chính mình những bài giảng mà bạn đang nghiên cứu, trước khi bạn giảng chúng cho nhiều người khác nghe … Khi tâm trí bạn nằm trong cái khuôn thánh khiết, thuộc về trời, dân sự của bạn chắc chắn sẽ dự phần vào bông trái của cái khuôn ấy. Những lời cầu nguyện của bạn, và những lời ngợi khen, và lẽ đạo sẽ được ngọt ngào và thiên thượng đối với họ. Chắc chắn họ sẽ cảm nhận được khi nào bạn ở lâu với Đức Chúa Trời. Những gì có trong tấm lòng của bạn sẽ ở nơi hai lỗ tai của họ … Khi tôi để cho lòng tôi phải nguội lạnh đi, việc giảng dạy của tôi sẽ trở nên nguội lạnh ngay; và khi tấm lòng ấy bị chao đảo; và tôi thường theo dõi hết mức nơi khán thính giả của mình, khi tôi bắt nguội lạnh trong việc rao giảng, họ cũng đâm ra nguội lạnh luôn; và những lời cầu nguyện kế đó mà tôi đã nghe thấy từ nơi họ cũng giống y như sự rao giảng của tôi vậy”.
Phaolô nói: "Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm". Chẳng có gì sai với việc ở trong khuôn khổ, luyện tập, ăn uống đúng mức và nghỉ ngơi cả. Rôma 12.1 gọi gọi quí vị phải "dâng thân thể mình làm của lễ sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời". Những con sinh trong Cựu Ước đều là con tốt nhất trong những con tốt nhất. Của lễ theo Tân ước của quí vị mang những chất lượng nào? I Côrinhtô 6.19 hỏi: "Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?" Khi chúng ta muốn đền thờ bằng đá và có quét vôi đẹp kia phản ảnh sự vinh hiển và sự thanh sạch của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đòi hỏi kém hơn nơi một đền thờ bằng thịt và bằng huyết sao? Một trong những động lực của tôi cho việc duy trì trong cái khuôn hợp lý kia, ấy là tôi không muốn bề ngoài của tôi che lấp sứ điệp mà tôi đang rao giảng.
Tuy nhiên, vị sứ đồ nói thêm: "còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa. Ấy đó là một lời nói chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy". "Tập tành thân thể" là lo toan ở BỀ NGOÀI. "Sự tin kính" là lo toan ĐỜI ĐỜI. "Sự tin kính" phải luôn luôn được quyền ưu tiên hơn "sự tập tành thân thể". Tình trạng của linh hồn luôn quan trọng lớn lao hơn tình trạng của thân thể quí vị. "Lời chắc chắn" như trong 1.15 có lẽ có ý nói rằng đây là một tín điều hay lời nói rất thông thường trong Hội thánh đầu tiên. Tất cả các lãnh đạo thuộc linh ở khắp mọi nơi phải luôn giữ việc thể hiện mình ngày càng giống như Chúa Jêsus hơn. William Barclay nói: “Dạy dỗ trong sự tin kính phát triển con người toàn diện nơi thân thể, ý chí và tâm linh, và mọi kết quả của nó tác động không những vào thời gian, mà còn tác động vào cõi đời đời nữa. Cơ đốc nhân không phải là vận động viên của sân tập thể dục; người là vận động viên thi đấu cho Đức Chúa Trời”.
VI. Cấp lãnh đaọ thuộc linh chịu khó làm việc (câu 10).
Phaolô nói trong câu 10: "Vả, nếu chúng ta khó nhọc và đánh trận [‘phấn đấu’ trong khó nhọc, dịch như thế thì hay hơn] ấy là đã để sự trông cậy ta trong Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài là Cứu Chúa của mọi người, mà nhất là của tín đồ".
Cấp lãnh đạo thuộc linh là những người chịu khó lao động. Họ "đánh trận" đến độ kiệt lực và chịu khổ trong sự vất vả nặng nhọc của chức vụ. Hầu việc là chịu khó làm việc. Ngược lại với quan niệm thông thường, quí Mục sư, người nào xem trọng chức vụ của họ thì làm việc thêm một ngày cho một tuần! Phải tẻ tách sao cho hợp lẽ Ngôi Lời và chăn bầy, phải dành thì giờ cho việc nghiên cứu. Thăm viếng và trao đổi với dân sự của Đức Chúa Trời thì phải chịu khó. Hội thánh càng phát triển lớn rộng ra chừng nào, trách nhiệm sẽ càng thêm nặng chừng nấy. Người mà tôi thán phục nhất là truyền đạo tình nguyện hay Mục sư chuyên nghiệp. Ông dâng mình trọn thời gian vào công việc khác để lo liệu cho mọi nhu cần thuộc thể của gia đình mình và dâng thì giờ cách rộng rãi cho bầy chiên của Đức Chúa Trời. Có một nguyên tắc mà mỗi Hội thánh và từng vị lãnh đạo cần phải biết rõ. Có một thắc mắc mà từng vị Mục sư hay thành viên ban trị sự có ăn lương phải đưa ra: “Tôi có làm mọi việc mà tôi đang làm trong Hội thánh nầy nếu tôi không được cung lương chăng?” Tôi đã tự hỏi lòng mình câu hỏi ấy nhiều lần. Tôi sẽ nghiên cứu và rao giảng và hầu việc dân sự ở đây tại Cornerstone nếu quí vị không cung lương cho tôi!?! Câu trả lời của tôi là “Có”. Nếu tôi phải làm công việc khác để chu toàn mọi bổn phận về tài chính của mình, tôi không thể cung ứng thì giờ và nổ lực cho chức vụ mà tôi đang có trong lúc bây giờ đây, nhưng gánh nặng trong lòng tôi và các thứ ơn của Đức Thánh Linh sẽ không thay đổi. Tôi vẫn sẽ rao giảng, dạy dỗ Ngôi Lời trong một số khả năng. Kết quả là, chúng ta đừng nghĩ chức vụ là một nghề nghiệp. Người nào được cung lương trong chức vụ là những người sẽ thi hành chức vụ của họ dù được trả lương hay không.
Tại sao chúng ta "đánh trận", phấn đấu và chịu khó làm việc? Chúng ta làm thế là vì chúng ta "trông cậy" hay có hy vọng "trong Đức Chúa Trời hằng sống". Chúng ta biết chúng ta sẽ đứng trước mặt Ngài một ngày kia để trình sổ (II Côrinhtô 5.10). Chúng ta "trông cậy" rằng công việc của chúng ta không rơi vào chỗ hư không. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là "Cứu Chúa của mọi người, mà nhất là của tín đồ".
Đây là một mệnh đề rất khó. Chúng ta biết chắc rằng mọi người sẽ không được cứu. Đó là thuyết phổ độ (universalism) và đấy là một lời dối trá của địa ngục. Thực sự thì sự chết của Đấng Christ là đủ cho "mọi người" (I Giăng 2.2) nhưng chỉ có hiệu quả cho "người nào tin" mà thôi. Tuy nhiên, từ ngữ "nhất là" dường như muốn nói rằng Đức Chúa Trời vốn thực là "Cứu Chúa của mọi người" theo ý nghĩa Ngài kìm hãm lại sự phán xét của Ngài đối với họ một cách tạm thời nhưng "nhất là" và đời đời "Cứu Chúa" là của "người nào tin".
Tóm lại, chúng ta chịu khó làm việc và chịu khổ trong công tác rao giảng Ngôi Lời vì việc làm của chúng ta là đời đời trong bản chất và hậu quả. Chúng ta hiệp với Đức Chúa Trời trong việc bày tỏ ra các chương trình khôn ngoan của Ngài và tôn vinh Ngài trong sự vinh hiển Ngài.
VII. Cấp lãnh đạo thuộc linh luyện tập uy quyền (câu 11).
Sau cùng, Phaolô nói: "Kìa là điều con phải rao truyền và dạy dỗ". Có nhiều việc phải chuyển giao trong sự rao giảng và dạy dỗ hôm nay không phải là có quyền. Dù là giải trí, giáo dục nhưng đôi khi phải rao truyền. Tuy nhiên, cấp lãnh đạo thuộc linh cần phải trở thành hạng người luyện tập uy quyền tới một điểm có khả năng "rao truyền" khi họ "dạy dỗ" các lẽ thật có trong Lời của Đức Chúa Trời. Trong II Timôthê 4.2, Timôthê được truyền cho rằng: "hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi".
Uy quyền nầy đến từ đâu?? Từ ngữ Mục sư có được đặt trước tên của quí vị không? Một trưởng lão được tấn phong chăng? Hội thánh bầu chọn chăng? Không. Chúa Jêsus phán: "Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta" (Mathiơ 28.18). Khi chúng ta dạy dỗ Lời của Ngài, quyền phép của Ngài đang đi kèm theo sự dạy ấy. Vì lẽ đó, chúng ta lấy lòng dạn dĩ mà công bố lẽ thật ra trong một thế giới đầy sự dối trá.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét