Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Mathiơ 15.21-39: "Đấng Christ hay thương xót"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Đấng Christ hay thương xót
Mathiơ 15.21-39
1. Tôi đã rao giảng suốt sách Mathiơ trong hai năm qua. Tới thời điểm nầy là chương 15, tôi đã giảng 58 sứ điệp. Tối nay, chúng ta sẽ kết thúc chương 15 và kế đó chúng ta sẽ còn 13 chương nữa. Nếu kế hoạch tối Chúa nhựt cho phép, tôi dự tính giảng xong loạt bài đi từng câu một qua sách Tin lành cho tới cuối năm hầu bắt đầu thiên niên kỷ mới.
2. Một trong các thuộc tính của Đức Chúa Trời là sự thương xót của Ngài. Ca thương 3.22 chép: "Ấy là nhờ sự nhơn từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt". Chúa Giêxu là hình ảnh bày tỏ ra Đức Chúa Trời hay thương xót của chúng ta. Ai có thể quên các cảm xúc của Ngài dành cho đám dân đông ở Mathiơ 9.36: "Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ khốn cùng, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn".
3. Trong phân đoạn khá dài tối nay, chúng ta có ba bức tranh nói tới Đấng Christ hay thương xót. Chúng ta sẽ xét qua từng bức tranh đó và rồi ứng dụng một số bài học về sự thương xót.
I. Sự thương xót dành cho người đờn bà khốn khổ (các câu 21-27).
A. Chúa Giêxu đã đi qua xứ của dân Ngoại (câu 21). Chúa Giêxu "đi từ đó", nghĩa là Ngài rời xứ Galilê rồi di chuyển qua phía tây bắc "vào bờ cõi thành Tyrơ và Siđôn". Ngài rời khỏi phạm vi quyền hạn của Hêrốt và các cấp lãnh đạo người Do thái. Ngài đến đó để nghỉ ngơi, mà cũng làm thoả mãn các nhu cần của dân Ngoại sinh sống tại nơi ấy nữa. Chúa Giêxu là Vua của người Do thái, nhưng há quí vị không vui sướng khi Ngài cũng là Vua của chúng ta sao!?!
B. Chúa Giêxu gặp một người đờn bà có đứa con gái bị quỉ ám (câu 22). Trong khi Ngài có mặt ở đó "xảy có một người đờn bà Canaan" đến gặp Ngài. Mác 7.26 chép bà ta là "người Gờ-réc [dân Ngoại], dân Sy-rô-phê-ni-xi". Bà ta không phải là người Do thái, nhưng điều đó không giữ cho bà ta đừng thốt ra câu nói: "Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng!" Bà ta vốn biết rõ Ngài là ai và Ngài có lòng "thương xót". Bà ta nói con gái của bà ta bị "quỉ ám, khốn cực lắm". Chúa Giêxu đã trở thành nguồn trông cậy duy nhứt của bà ta.
C. Chúa Giêxu làm thoả mãn nhu cần của bà ta chiếu theo đức tin của bà ta (các câu23-28).
1. Không hay, "Ngài chẳng đáp một lời". Đối với các rabi đương thời ấy, bà ta chẳng bằng được một con người.
2. Bà ta không tỏ ra nhu cần của mình, mà chỉ cứ kêu cầu với Chúa Giêxu. Bà ta chỉ quấy rối như thế, các môn đồ nói: "Xin thầy truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta".
3. Sau cùng, Chúa Giêxu phán với người đờn bà. Một lần nữa, Ngài đáp ứng dường như khá gay gắt: "Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi".
4. Như thế vẫn chưa đủ. Bà ta phủ phục xuống ở trước mặt Ngài mà "lạy Ngài". Tôi gần như nghe được tiếng thổn thức của bà ta khi bà ta nài nĩ: "Lạy Chúa, xin giúp tôi cùng!"
5. Để thử bà ta, Chúa Giêxu nói: "Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn". Dĩ nhiên Ngài có ý nói rằng Ngài đến chủ yếu với người Do thái chớ không phải đến với loài chó dân Ngoại. Tuy nhiên lời nói của Ngài có ý đề cập tới loài chó kiểng nuôi trong nhà.
6. Hãy nghe lời đáp của bà ta. Đây không phải là lời có tính cách tranh luận, lời nầy đến từ một tấm lòng tìm kiếm của đức tin chân thật: "Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống".
7. Tôi nghĩ Chúa Giêxu đã nở một nụ cười rộng cả dặm chớ không ít! Ngài phán: "Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!" Câu 28 tiếp tục nói như sau "Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành".
II. Sự thương xót dành cho đoàn dân đông (các câu 29-31).
A. Chúa Giêxu đi qua một khu vực dân Ngoại khác (câu 29).
1. Chúa Giêxu "từ đó đi đến gần Biển Galilê" nghĩa là có lẽ Ngài đã đi vòng lên bờ biển phía Đông Bắc. Theo Mác 7.31, Ngài đã đến tại "địa phận Đêcabôlơ" nhằm phía Đông Nam của Biển Galilê. "Đêcabôlơ" có nghĩa là "10 thành phố" có ý nói tới 10 thành phố nằm trong khu vực đó.
2. Các chuyến đi nầy, trước tiên đến "bờ cõi thành Tyrơ và Siđôn" còn bây giờ tại "địa phận Đêcabôlơ" cả hai khu vực đều thuộc dân Ngoại song đây chỉ là một cái nhìn thoáng qua những gì về sau sẽ hiển nhiên hơn trong sách Công Vụ các Sứ Đồ, tin lành không những dành cho người Do thái mà còn dành cho dân Ngoại nữa.
3. Khi Ngài đến tại khu vực nầy, Chúa Giêxu "lên trên núi mà ngồi". Là Con Toàn Tri của Đức Chúa Trời, Ngài vốn biết rõ điều chi sắp sửa diễn ra. Ngài vốn biết rõ dân chúng sẽ kéo đến. Ngài đang sửa soạn để phục vụ họ.
B. Chúa Giêxu chữa lành mọi thứ tật bịnh (câu 30).
1. Câu 30 chép rằng khi ấy "có đoàn dân đông đến gần Ngài". Cả khu vực ấy đều biết Chúa Giêxu vừa mới đến. 4.25 chép: "Vả lại, từ xứ Ga-li-lê, xứ Đê-ca-bô-lơ, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, cho đến xứ bên kia sông Giô-đanh, thiên hạ kéo nhau rất đông mà theo Ngài".
2. Chúng ta cũng không xem nhẹ sự làm chứng của "người đờn bà xứ Canaan". Quí vị có thể đoán rằng câu chuyện của bà ta đã được tường thuật lại thật sâu rộng và có nhiều người đã theo Ngài xuống từ Tyrơ và Siđôn.
3. Dĩ nhiên là “đoàn dân đông” còn đem theo với họ những kẻ khốn cùng. Đặc biệt họ đem theo "những kẻ què, đui, câm và tàn tật".
4. Phần mô tả "tàn tật" rất là thú vị. Từ ngữ được sử dụng trong bản Kinh Thánh New KJV có ý nói tới “lặt lìa”. Tuy nhiên, Chúa Giêxu đã sử dụng từ Hy lạp nầy kullos (kool-los') để mô tả một người có tay hay chân bị cụt trong Mathiơ 18.8. Vì lẽ đó từ ngữ nầy được sử dụng để mô tả sự cắt bỏ hay mất đứt hoàn toàn một chi.
5. Những người bạn nầy là mấy người bà con "để họ dưới chơn Chúa Giêxu". Dường như Chúa Giêxu không di động qua đám đông, mà đám đông đã đến tại nơi Ngài đang “ngồi”. Có lẽ các môn đồ đã sắp xếp cho họ ngồi thành hàng thật dài. Có lẽ họ dồn đống lại. Cho dù thế nào đi nữa, chúng ta biết rõ sự thương xót của Chúa Giêxu làm bằng chứng cho "Ngài chữa cho họ được lành". Điều nầy dường như cho thấy rằng Ngài đã chữa lành cho họ cả thảy.
C. Dân chúng ngợi khen Đức Chúa Trời (câu 31).
1. "Dân chúng lấy làm lạ lắm”. "Lấy làm lạ" ra từ chữ Hy lạp có nghĩa là "chú ý với lo sợ". Những gì họ trông thấy đều là những việc siêu nhiên. Đây là một sự tuôn tràn không dứt của những sự chữa lành bằng phép lạ xảy ra tức thì. Mác 7.37 chép: "Chúng lại lấy làm lạ quá đỗi mà rằng: Ngài làm mọi việc được tốt lành".
2. Họ đã trông thấy những gì vậy? Họ đã nhìn thấy "kẻ câm được nói, kẻ tàn tật được khỏi, kẻ què được đi, kẻ đui được sáng".
John MacArthur viết: "Tưởng tượng những tiếng kêu van xin cứu giúp pha trộn với âm thanh vui mừng thì chẳng khó đâu, khi một số người chạy đến với Chúa Giêxu thì bịnh tật, trong khi nhiều người khác đang rời khỏi đó được chữa lành và mạnh khoẻ. Dân chúng kẻ đau bịnh vừa được chữa lành; còn có người thì đến với một tay hay một chân khi ra về thì đủ tay đủ chân; có người thì mù loà, điếc lác khi ra về thì họ hô to và nghe được. Có người chưa hề nói một câu nào giờ đây đang hô lên những lời ngợi khen Chúa Giêxu. Có người chưa hề đi một bước nào giờ đây nhảy nhót và chạy đi với niềm vui khôn xiết".
3. Họ đã đáp ứng ra sao? Họ "đều ngợi khen Đức Chúa Trời của Israel". Họ vốn biết rõ các thần dân Ngoại của họ không thể làm được những gì đang xảy ra ở trước mắt họ. Họ biết rõ rằng Chúa Giêxu là một người Do thái và Ngài đã làm ra mọi sự nầy nhơn danh Đức Giêhôva, vì vậy họ đã thờ lạy Ngài.
III. Sự thương xót dành cho một đoàn dân đang đói khát (các câu 32-39).
A. Việc cho 4.000 người ăn là một phép lạ đặc biệt đối với việc cho 5.000 người ăn.
1. Hai phép lạ nầy đã bị những người thuộc phái phê bình công kích thực sự là hai phần mô tả mâu thuẫn trong việc cho đoàn dân đông ăn trong chương 14. Có nhiều điểm khác biệt trong hai sự cố nầy.
2. Bằng chứng mà những người thuộc phái phê bình sử dụng là các môn đồ thắc mắc trong câu 33: "Ở nơi đồng vắng nầy, ta há dễ kiếm đâu đủ bánh, đặng cho dân đông dường ấy ăn no nê sao?" Ở phép lạ đầu tiên trong chương 14, các môn đồ đã hoài nghi khả năng cho người ta ăn của Chúa Giêxu. Lần nầy, họ chỉ thắc mắc với Chúa Giêxu làm sao Ngài cho đoàn dân đông ăn đây!?! Chúa Giêxu không hề làm cùng một phép lạ hai lần đâu.
3. Có vài điểm khác biệt lớn giữa hai phép lạ:
a. 5.000 người đã ở với Chúa Giêxu chỉ trong một ngày thôi. Còn 4.000 người đã ở với Chúa Giêxu những ba ngày.
b. Với phép lạ đầu tiên, các môn đồ được truyền cho phải đi tìm đồ ăn. Với phép lạ thứ hai, họ đã có sẵn đồ ăn rồi.
c. 5.000 người được cho ăn từ 5 cái bánh và 2 con cá, trong khi 4.000 người được cho ăn từ 7 cái bánh và "vài con cá".
d. Lần thứ nhứt, đám đông được truyền cho phải ngồi xuống trên thảm cỏ. Lần thứ hai họ đã ngồi trên mặt đất.
e. Với 5.000 người, Chúa Giêxu đã chúc phước theo truyền khẩu của người Do thái. Với 4.000 người, đã có hai lời cầu nguyện.
f. Sau phép lạ thứ nhứt 12 giỏ bánh thừa còn dư lại. Sau phép lạ thứ hai, còn dư 7.
g. Trong câu 19, Chúa Giêxu đưa ra một sự phân biệt giữa hai phép lạ cho các môn đồ thấy.
h. Sau cùng, các phép lạ đã được làm ra vì hai nhóm người đối ngược nhau. 5.000 người kia đều là khán thính giả người Do thái. Còn 4.000 người nầy phần lớn đều là dân Ngoại.
B. Chúa Giêxu luận lẽ với các môn đồ (các câu 32-34).
1. Chúng ta đã học biết trong câu 32 rằng đám dân đông giờ đây đã ở với Chúa Giêxu trong "ba ngày". Dịch vụ chữa lành nầy không kết thúc trong một bữa trưa mà kéo dài tới 72 giờ đồng hồ. Chắc chắn mọi người kể cả Chúa Giêxu đều rất mệt mỏi. Tôi tin họ đã ở lại và Ngài tiếp tục chữa lành cho tới chừng mọi nhu cần đều được thoả mãn.
2. Tại điểm nầy, Chúa Giêxu "gọi môn đồ đến". Không những Ngài muốn họ hiểu điều gì đang xảy ra, mà còn phải hiểu rõ Ngài cảm nhận thể nào về dân chúng nữa.
3. Ngài phán: "Ta thương xót đoàn dân nầy; vì đã ba ngày ở cùng ta, bây giờ không có chi ăn hết".
4. "Thương xót" ở đây đến từ một chữ Hy lạp có nghĩa là "cảm động ở trong lòng" là chỗ người xưa suy nghĩ giống như ngai của tình cảm vậy. Từ ngữ nầy dịch trong văn hoá của chúng ta là "một sự đau lòng". Có người xác định từ nầy như sau: "cảm giác thông cảm sâu sắc, buồn rầu, kèm theo một sự khao khát mạnh mẽ muốn cho nỗi đau khổ được vơi đi và cất bỏ nguyên nhân của nó".
5. Chúa Giêxu đã động lòng thương xót đối với mọi nhu cần thuộc linh của dân chúng. Ngài đã động lòng thương xót trước sự đau khổ về phần xác của họ. Tuy nhiên, Ngài không ngừng lại ở đó. Ngài đã động lòng thương xót đối với sự đói khát ở trong bụng của họ nữa.
6. Đôi khi chúng ta, những người tin Chúa trong thời buổi hiện đại có thể trở nên thiển cận trước nhu cần cấp bách của người ta. Trong khi tôi không có ý khích một “tin lành xã hội”, chúng ta phải nhớ rằng đôi khi chúng ta có được cơ hội làm thoả mãn nhu cầu quan trọng nhất (ơn cứu rỗi) của người ta nếu chúng ta làm thoả mãn nhu cầu cấp bách nhất của họ (đói bụng). Đây là khuôn mẫu của Chúa Giêxu.
7. Ngài phán: "Ta không muốn để họ nhịn đói mà về, e phải mệt lủi dọc đường chăng". Mặc dù dân chúng rất phởn phơ vì sự chữa lành của họ, mặc dù họ lấy làm vui vẻ lắm bởi sự thờ lạy đáng kính sợ của họ, Chúa Giêxu không muốn họ “mệt lủi” hay xỉu trên đường họ về nhà vì họ chưa ăn uống chi hết.
8. Kế đó, các môn đồ đã hỏi thật ngô nghê, với cái nhìn đầu tiên thì thật là như thế: "Ở nơi đồng vắng nầy, ta há dễ kiếm đâu đủ bánh, đặng cho dân đông dường ấy ăn no nê sao?" Há họ chưa trông thấy Ngài cho một đoàn dân ăn còn đông hơn ở gần Bếtsaiđa với khẫu phần ăn trưa của một cậu bé sao?
9. Rõ ràng họ đã nhớ lại. Tôi tin họ muốn nói: "Lạy Chúa, chúng con vô quyền ở chỗ nầy, trong đồng vắng hoang vu nầy, chúng con không thể cho đám dân nầy ăn giống như cho đám dân đông hơn ăn ở gần Bếtsaiđa được". Chẳng có bằng chứng nào cho thấy họ nghi ngờ Chúa Giêxu cả. Họ chỉ hỏi: "Ngài muốn chúng con phải làm gì đây?"
10. Chúa Giêxu hỏi: "Các ngươi có mấy cái bánh?" Nói cách khác: "Từ số bánh mang theo, chúng ta còn bao nhiêu?" Họ đáp: "Có bảy cái bánh, cùng vài con cá".
C. Chúa Giêxu cho dân chúng ăn (các câu 35-39).
1. Chúa Giêxu "biểu dân chúng ngồi xuống đất". Có lẽ một lần nữa Ngài đã bảo họ ngồi thành từng nhóm một trăm và năm chục như Ngài đã làm lần trước (đối chiếu Mác 6.40).
2. Kế đó Ngài "lấy bảy cái bánh và cá; tạ ơn rồi". Cũng vậy, quí vị có ngừng lại để tạ ơn Chúa khi quí vị ngồi xuống ăn không? Nếu Chúa Giêxu đã tạ ơn, chúng ta bày tỏ ra lòng biết ơn còn nhiều hơn, quan trọng hơn dường bao vì có “bánh ăn mỗi ngày”.
3. Chúa Giêxu "bẻ bánh ra đưa cho môn đồ". Câu nầy cũng được dịch là "Ngài cứ giữ việc bẻ bánh". Thức ăn càng tăng nhiều thêm thật lạ lùng ở trong hai bàn tay Ngài. Các môn đồ khi ấy mới "phân phát cho dân chúng".
4. Câu 37 chép "ai nấy ăn" và tất cả đều "no cả". Chúa Giêxu làm thoả mãn một cách hoàn toàn. Khi bữa ăn xong rồi, bánh thừa "lượm được bảy giỏ đầy".
5. Từ Hy lạp nói tới "giỏ" đề cập tới một cái giỏ lớn, lớn đủ chứa một người lớn. Đây là loại giỏ mà Saulơ được dòng xuống trong đó qua bức tường ở thành Đa mách (Công Vụ các Sứ Đồ 9.25).
6. Họ bắt đầu với "bảy" cái bánh rồi kết thúc với "bảy giỏ đầy". Chúa Giêxu đã phán trong Luca 6.38: "Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy".
7. Khi "số người ăn là bốn ngàn, không kể đờn bà con trẻ" đều đã no nê rồi, Chúa Giêxu mới sai họ về và dùng thuyền băng qua bờ cõi xứ "Magađan".
IV. Các bài học về lòng thương xót.
A. Đức tin rất hay lây.
1. "Người đờn bà Sirô Phênixi" không nghi ngờ chi nữa đã giúp góp phần cho "đoàn dân đông" chạy đến với Chúa Giêxu ở Đêcabôlơ.
2. Sự phấn hưng tác động y như thế. Khi chúng ta tin Đức Chúa Trời đối với những việc lớn và chúng ta thấy Ngài đang tác động trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể giữ đức tin ấy cho chính mình. Chúng ta muốn phân biệt Đức Chúa Trời đang tác động ở chỗ nào rồi hiệp tác với Ngài ở chỗ đó.
B. Chúa Giêxu là một Cứu Chúa toàn năng.
1. Ngài "chữa lành cho họ" cả thảy, thậm chí những kẻ "tàn tật" hay hoàn toàn lặt lìa. Không những Ngài đã chữa lành cho họ, Ngài còn cho họ ăn nữa. Ngài vốn quan tâm đến từng phương diện trong đời sống của họ.
2. Ngài vốn quan tâm đến từng phương diện trong đời sống chúng ta nữa. Chúng ta cần phải đến với Ngài cùng với từng nhu cần, cho dù nhu cần đó có nhỏ nhắn ra sao đi nữa.
3. II Phierơ 1.3 chép: "Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính…"
C. Chúng ta phải chia sẻ trong ơn thương xót của Cứu Chúa. Hãy chú ý cách thức Chúa Giêxu đưa các môn đồ vào trong sự phục vụ dân chúng. Về sau, trong Công Vụ các Sứ Đồ chúng ta đọc thấy thể nào họ biết quan tâm đến người nghèo thiếu.
Có một phụ nữ từng tìm cách ám sát Nữ Hoàng Elizabeth. Nữ Hoàng hỏi: "Nếu ta gia ơn cho ngươi, ngươi sẽ đưa ra lời hứa như thế nào trong tương lai?" Phụ nữ kia ngước mắt nhìn lên đáp: "Ơn có điều kiện, ơn có sự đề phòng, thì chẳng phải là ơn chi cả". Nữ Hoàng suy nghĩ một chút rồi nói: "Ngươi nói đúng. Ta tha cho ngươi theo ơn của ta". Lịch sử cho chúng ta biết kể từ giây phút ấy Nữ Hoàng Elizabeth không cần có thêm tôi tớ dâng mình trung tín hơn người đờn bà từng dự tính cất lấy mạng sống của bà.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét