Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

1 Timôthê 6.11-16: "Làm thế nào để trở thành người của Đức Chúa Trời"



1 Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Làm thế nào để trở thành người của Đức Chúa Trời
1 Timôthê 6.11-16
Mỗi năm tạp chí Time đều dành trang bìa cho mục chọn lọc "Nhân vật trong năm". Tờ báo địa phương của chúng ta chọn từ giữa những công dân có ảnh hưởng cả hai: "Người đàn ông trong năm" và "Người phụ nữ trong năm". Tạp chí People hàng năm in một danh sách của những người "đẹp nhất" và giải thưởng cho "người đàn ông gợi cảm nhất". Tạp chí Forbes in danh sách những người giàu nhất. Có nhiều người trên thế giới, nhiều người thuộc giới thương mại, và những người thuộc giới chính trị. Chúng ta đọc thấy nhân vật của nữ giới hay nhân vật của công chúng. Trong phân đoạn Kinh thánh gốc nầy, Phaolô đề cập tới Timôthê là người của Đức Chúa Trời. Ông gọi Timôthê bằng tước hiệu quan trọng đó: "người của Đức Chúa Trời".
Tước hiệu nầy thường được sử dụng khắp cả Cựu Ước, nhưng được áp dụng chỉ cho Timôthê trong Tân Ước mà thôi. Có cách sử dụng khác nữa trong Tân Ước là ở II Timôthê 3.16-17, ở đây chép: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.
Tước hiệu được sử dụng trong Cựu Ước để mô tả vài nhân vật nổi tiếng cũng như nhiều người ít được biết đến. Thí dụ, Môise được gọi là "người của Đức Chúa Trời" trong một vài cơ hội. Tước hiệu ấy cũng được áp dụng cho Samuên, David, Ê-li, Ê-li-sê và nhiều tiên tri và phát ngôn viên khác của Đức Giêhôva ít được biết đến.
Vì vậy, tước hiệu "người của Đức Chúa Trời" được sử dụng hạn chế theo ý nghĩa mô tả nhân vật nói thay cho Đức Chúa Trời và công bố Lời của Ngài trong bất kỳ thế hệ nào. Cũng có một ý nghĩa rộng hơn, trong đó "người của Đức Chúa Trời" có thể ám chỉ đến bất kỳ tín đồ nào đã được "trang bị" và chủ động trong công việc của Chúa. Từ trường hợp của Timôthê, tôi nghĩ chúng ta chủ yếu áp dụng tước hiệu ấy cho người nào chổi dậy nắm lấy chức vụ lãnh đạo trong Hội thánh.
Hãy chú ý câu nói đặc biệt nầy: "Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời". "Hỡi" là hiếm có trong Tân Ước Hy lạp. Tước hiệu nầy trong Tân Ước với mạo từ hiếm hoi có chủ ý gây sốc cho Timôthê khi ông lần đầu tiên đọc thư tín nầy và nắm lấy sự chú ý của ông.
Cách đây mấy năm, Hội thánh trao cho tôi một bức ảnh còn treo trong văn phòng của tôi tại nhà thờ. Bức ảnh ấy chụp một thanh niên đang đứng sau toà giảng, Kinh thánh cầm trong tay, rõ ràng là đang công bố Lời của Chúa. Đàng sau anh ta ở cả hai bên, chiếu sáng thềm của nhà thờ rất dễ nhận ra, "người của Đức Chúa Trời" theo Kinh thánh. Bức ảnh ấy có đề tựa: "Di sản" và mục đích rất rõ ràng. Khi một người được chỉ định và có quyền công bố Ngôi Lời, người ấy là một "người của Đức Chúa Trời" và được đứng trong hàng ngũ của các nhân vật thể ấy.
Trong phân đoạn Kinh thánh phong phú và lên cao dần nầy, sứ đồ Phaolô cho chúng ta biết làm thế nào để trở thành một "người của Đức Chúa Trời" bằng cách cung ứng cho chúng ta sáu phần mô tả một con người thể ấy.
I. Người của Đức Chúa Trời phải tránh tội lỗi đi (câu 11a).
Trước tiên, Phaolô nói: "Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi". "Tránh" được dịch từ pheuge từ đó chúng ta có chữ fugitive trong Anh ngữ. Nó có nghĩa là (tránh, lánh đi, trốn tránh, tránh né, xây khỏi). "Nhưng, hỡi con", đối chiếu Timôthê với các giáo sư giả trong thời của ông. Timôthê cần phải tránh né tư tưởng không chính thống của họ và theo đuổi tư tưởng chính thống. Ông cần phải tránh né những cuộc cãi vã và tranh chiến vô mục đích của họ về những lời nói và theo đuổi một cuộc xét nghiệm lành mạnh về đức tin. Ông cần phải gạt bỏ đi lòng ham mến tiền bạc của họ và học đòi "sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn" (câu 6).
Thì của động từ "tránh" cho thấy rằng Timôthê cần phải liên tục ở trong tình trạng tránh né. Mặc dù xác thịt ông sẽ cám dỗ ông, sự dè chừng của ông cần phải không được xuống thấp. Tất nhiên tấm gương trong Kinh thánh thoạt đến với lý trí là GIÔ-SÉP. Quí vị nhớ lại rằng sau khi ông bị bán làm nô lệ và bị đưa tới nhà của Phô-ti-pha người Ai cập, vợ của chủ đã quyến rũ chàng. Sáng thế ký 39.7 chép: "Sau các việc nầy, vợ chủ đưa mắt cùng Giô-sép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta". Thực vậy, câu 10 chép rằng sự quyến rũ nầy xảy có liên tục: "Thường ngày người dỗ dành mặc dầu, thì Giô-sép chẳng khứng nghe lời dụ dỗ nằm cùng hay là ở cùng người chút nào". Sau cùng, Bà Phô-ti-pha lấy làm thất vọng đến nỗi bà ta đã chụp lấy Giô-sép rồi "nắm áo chàng". Một lần nữa, bà ta nói: "Hãy nằm cùng ta". Tuy nhiên, Giô-sép "liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy trốn ra ngoài" (câu 12).
Giô-sép là tấm gương Cựu Ước cho nguyên tắc Tân Ước được thấy có trong I Côrinhtô 6.18: "Hãy tránh sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình".
Giô-sép không phải là trường hợp duy nhứt nói tới ai đó đang trốn tránh những việc của đời nầy đâu. DAVID cũng thoạt đến trong lý trí nữa. Ông đã chạy trốn trước mặt Sau-lơ. Chúng ta biết rằng David đã từ chối không chịu giết chết Sau-lơ trong nhiều cơ hội. Ông thắc mắc: "…ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không bị phạt?" (I Samuên 26.9). David không thực sự trốn tránh Sau-lơ, mà ông trốn tránh sự cám dỗ muốn kết thúc mạng sống của Sau-lơ và sự tiếp thu lấy ngai vàng cho chính mình.
CHÚA JÊSUS là tấm gương quan trọng nhất trong việc trốn tránh điều ác. Khi bị Satan cám dỗ, Chúa Jêsus đã trưng dẫn Kinh thánh và lánh khỏi điều ác. Chúng ta cần phải học đòi các tấm gương nầy và vâng theo mạng lịnh của vị Sứ đồ. Chúng ta phải "tránh" tất cả điều chi kéo chúng ta ra khỏi Đấng Christ. Đối với một số người "tránh né" có thể là rời bỏ một việc làm. Đối với nhiều người khác, nó có nghĩa là rời bỏ một mối quan hệ hay một nhà thờ hoặc một nhóm bạn hữu. Bất luận là giá nào, kiếm được một mối tương giao xứng đáng với Đấng Christ là vô giá.
II. Cuộc sống mà người của Đức Chúa Trời phải theo đuổi (câu 11b).
Khi chúng ta xây khỏi một việc gì đó, chúng ta đang hướng sang một việc khác. Hãy xem xét một đồng tiền. Nếu quí vị giữ ở mặt nầy, một cách máy móc quí vị đang đặt mặt kia ở phía dưới. Nếu quí vị hướng mặt mình nhìn về phía đông, một cách tự nhiên quí vị đang xây lưng mình về phía tây. Tác giả Thi thiên vốn hiểu rõ sự thực nầy. Ông đã viết trong Thi thiên 1.1-2: “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm”. Ở đây là một người đã xây khỏi "mưu kế của kẻ dữ", "đường tội nhân" và "chỗ của kẻ nhạo báng". Tuy nhiên, cùng một lúc ấy, ông đã xây sang "luật pháp của Đức Giêhôva", là Lời của Đức Chúa Trời và ở đó tìm được sự "vui vẻ" của mình khi ông "suy gẫm ngày và đêm".
John Stott giải thích vấn đề nầy theo cách sau: Chúng ta chỉ lánh khỏi điều ác giống như chúng ta chạy tránh nguy hiểm vậy, và chạy theo sự nhơn đức giống như chúng ta chạy theo thành công vậy. Nghĩa là, chúng ta phải dành lý trí, thì giờ và năng lực cho cả hai: bỏ chạy và theo đuổi.
Cũng một thể ấy, Phaolô bảo Timôthê phải "tránh những sự đó đi", những sự thuộc về thế gian, một phải "tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại". "Tìm" ra từ chữ dioke có ý nói "theo đuổi, săn đuổi, tìm cầu, phấn đấu để đạt được". Bức tranh bằng lời đang nói tới một con cáo săn đang hướng về con mồi của nó hay một vận động viên điền kinh với cặp mắt nhìn về đích. Có một cường độ mạnh, gần như là quá khích trong các từ vựng nầy. Chúng ta cần phải mạnh mẽ xây khỏi tình trạng thế gian và bền chí theo đuổi sáu đức tính nầy: "Công bình" ra từ chữ dikaiosunen có nghĩa là "điều chi là phải". Đây không phải là sự công bình được quy cho đâu, mà là sự công bình thực tiễn. Chúng ta cần phải "tìm" một lối sống luôn luôn cố gắng làm theo điều chi là phải bất luận là điều gì. "Tin kính" dịch chữ eusebeian, chữ nầy đề cập tới một động lực ở bên trong buộc phải làm theo điều chi là phải. Một nhà giải kinh gọi chữ nầy là: "sự sùng kính của một người, là người nhận biết toàn bộ cuộc sống của mình là phải sống ở trước mặt Đức Chúa Trời". Chúng ta có thể có một cách ứng xử công bình ở mặt ngoài vì cớ một thái độ tin kính đáng ca ngợi ở bên trong. Như có người đã nói rất hay: "Thái độ là điều quan trọng bậc nhất ".
"Đức tin" là pistis là từ ngữ rất thông thường trong Tân Ước nói tới đức tin hay lòng trung thành. Nó có ý nói tới sự trung tín, đáng tin cậy và nương cậy qua cả trũng tối tăm và trên đỉnh cao của cuộc lữ hành thuộc linh của chúng ta. "Yêu thương" ở đây là agape hay tình yêu tin kính. Đây là thứ tình yêu mà Đức Chúa Trời đã có cho thế gian. Cách xác định mà tôi ưa thích về agape là "yêu không giới hạn". Chúng ta cần phải tìm cầu một đời sống cứ giữ luôn sự yêu thương và yêu thương mà không hề bỏ cuộc. "Nhịn nhục" là hupomonen mang ý tưởng "bền bĩ chịu đựng". Tuy nhiên, chữ nầy còn hơn cả im lặng chịu đựng một sự khó nhọc. Nó đề cập tới đức tin vững chắc và lòng trung thành ở giữa nghịch cảnh và khó nhọc. Nó có ý ngăn chặn sự ta thán, rên rỉ, và non nớt của chúng ta, rồi khoác lấy công việc mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta phải bước vào. "Mềm mại" ra từ chữ praupathian được sử dụng chỉ ở đây trong toàn bộ Tân Ước. Nó đề cập tới sự nhu mì hay khiêm nhường. Đây là một từ mà sử gia Philo sử dụng để mô tả cá tánh của Ápraham. William Barclay viết về từ ngữ nầy như sau: Chữ được dịch là mềm mại thực sự rất khó dịch. Nó mô tả tinh thần không bao giờ bộc phát thành giận dữ vì những sai lầm của nó mà có thể nổi giận vì những sai lầm của người khác. Nó mô tả tinh thần biết phải tha thứ và biết phải đánh trận về sự công bình như thế nào. Nó mô tả tinh thần bước đi tức khắc với sự khiêm nhường và tự hào về sự kêu gọi cao cả của nó từ Đức Chúa Trời. Nó mô tả bản chất bởi đó con người có khả năng đối xử tốt với đồng loại và biết quý trọng mình.
Cơ đốc nhân không chỉ trở thành công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục và mềm mại. Chỉ vì quí vị đã được cứu, điều nầy không có nghĩa là quí vị giờ đây sẽ phát triển những dấu hiệu nầy. Mà ngược lại, chúng không được phát triển cách tự nhiên mà phải theo cách siêu nhiên! Đấy là lý do tại sao có nhiều Cơ đốc nhân lớn tuổi, họ không sống công bình hay tin kính hoặc trung tín hay yêu thương hoặc nhịn nhục hay mềm mại. Họ không hề quyết định phải "tránh" tình trạng thế gian và "tìm" hay theo đuổi những đức tính nầy giống như con cáo theo đuổi con mồi của mình!
Cho phép tôi cung ứng cho quí vị thêm một hình ảnh trước khi chúng ta tiếp tục. Chúng ta hãy nói rằng quí vị đi gặp bác sĩ vì một chứng bịnh và ông ta nói: “Ông ơi, ông không khoẻ đâu. Nếu ông muốn sống thọ, ông cần phải làm mất một số trọng lượng đi". Quí vị sẽ làm gì nào? Quí vị có muốn thôi không ăn nữa chăng? Nếu thực vậy, quí vị sẽ mất trọng lượng nhưng quí vị chắc chắn cũng chết vì chứng biếng ăn. Quí vị sẽ đói mà chết. Câu trả lời cho việc béo phì không phải là thôi không ăn nữa mà là ăn các thứ thức ăn đúng đắn và tập luyện đều đặn. Cũng vậy, chìa khoá cho việc trở thành người của Đức Chúa Trời không chỉ là xây khỏi thế gian một cách hợp lẽ, mà còn phải tìm cầu sự nhơn đức một cách xông xáo nữa!
III. Trận chiến mà người của Đức Chúa Trời phải đánh (câu 12a).
Hãy cùng tôi quan sát kỹ mệnh đề đầu của câu 12: "Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành". Điều nầy rất giống với 1.18, ở đó vị Sứ đồ viết: "phải nhờ những lời đó mà đánh trận tốt lành". Động từ "đánh trận" ra từ chữ agonizou từ đó chúng ta mới có chữ "agony" (chiến đấu) theo Anh ngữ. Cũng gốc rễ đó nằm trong danh từ "chiến đấu". Chúng ta có thể dịch sát nghĩa mệnh đề nầy "chiến đấu trận chiến đức tin tốt lành".
Những chữ nầy đã được sử dụng một cách cơ bản để mô tả cả hai: phục vụ trong quân đội và đặc biệt hơn là sự tranh tài của vận động viên điền kinh. Hãy suy nghĩ về những người lính, ngã gục và đổ máu, đang chiến đấu quanh ngọn cờ của họ để chấp hành lịnh lạc chống chọi lại trong bãi chiến trường bất khả thi. Họ chiến đấu với trận chiến tốt lành. Hãy suy nghĩ về một vận động viên marathon xem. Người buộc thân thể mình phải chạy nhiều dặm đường. Cho đến khi mức đến hiện rõ trong tầm mắt. Người phải cứ tiếp tục chạy. Người không thể đứng lại ngay lúc bây giờ. Vận động viên nầy đang đánh một trận đánh tốt lành.
Có lẽ bức tranh đầy sức sống nhất về tư tưởng nầy là đấu sĩ trong môn quyền anh. Tôi phải công nhận tôi luôn luôn là cổ động viên cuồng nhiệt của bộ phim Rocky, phải… ít nhất là bốn hiệp đầu! Tôi nhớ có xem phim gốc Rocky tại nhà hát khi tôi còn là một thiếu niên. Tôi đã mua cuộn băng phim ấy cho riêng mình! Thậm chí tôi đã thử uống một quả trứng sống … ngay khi ấy!
Những gì đã và vẫn còn hấp dẫn về phim gốc Rocky, ấy là không một đấu sĩ nào có cú đánh với tước hiệu thế giới. Ai nấy xem đấu sĩ như một trò đùa. Đấu sĩ biết rõ mình chắc chắn không có cơ hội thắng trận. Nhưng đấu sĩ muốn thi đấu hết mình. Đấu sĩ muốn "tạo khoảng cách". Vì vậy đấu sĩ chiến đấu trận chiến tốt lành. Đấu sĩ đánh hết cú đánh nầy đến cú đánh khác vào mặt từ hai bàn tay nhanh như chớp của Apollo Creed. Tới một điểm, người công bố trận đấu nói: "Rocky đang ngăn cản những cú đấm với gương mặt của mình!" Nhưng ngạc nhiên thay, đấu sĩ vẫn đứng trên chân của mình. Gương mặt của đấu sĩ bị đánh nát bét đổ máu ra. Mắt của người khép kín lại không thể mở hẳn ra được. Mũi của người bị gãy. Tuy nhiên, người cứ ở trong sự chiến đấu. Người không chịu thua và tất nhiên … người thắng trận!
Phaolô đang nói rằng "người của Đức Chúa Trời" phải có sự dẻo dai giống như Rocky. Người cứ tiếp tục tham dự trận đánh tốt lành, chiến đấu trận chiến tốt lành. Tuy nhiên, "trận đánh" của chúng ta không phải là bất kỳ trận đánh nào. Đây là "chiến trận của đức tin". Trong tiếng Hy lạp có một mạo từ xác định đứng trước chữ "đức tin" cho nên sát nghĩa phải đọc là: "đánh TRẬN đức tin", như trong "… vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi" (Giuđe 3).
Một vài lần trong I Timôthê, Phaolô nói tới "lẽ thật" và "đạo thật". "Người của Đức Chúa Trời" đang đứng chân kề chân với kẻ ác; người lo toan đủ thứ với các giáo sư giả; người từ chối không chịu thua hay bỏ đi. Người nhìn thấy thể nào có người đã "bội đạo" (câu 10, đối chiếu câu 21). Người biết rõ có người "đã chối bỏ lương tâm đó, thì đức tin họ bị chìm đắm" (1.19). Người quyết định phải đứng vững chắc. Người chiến đấu trận chiến tốt lành vì đức tin. Trong bức thư thứ nhì gửi cho Timôthê, Phaolô dùng chính mình ông làm một tấm gương như một người đã đánh trận khó nhọc vì đạo. Ông đã nói trong II Timôthê 2.3: "Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ". Về bản thân, trong những ngày cuối cùng ở trên đất của ông, ông viết: "Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin" (II Timôthê 4.7).
Chúng ta đánh trận tốt lành vì đạo bằng cách nào? Chúng ta đánh trận nầy trên hai chiến tuyến. Thứ nhứt, chúng ta đánh trận đức tin trong lãnh vực đời sống cá nhân của chúng ta. Chúng ta phải xử lý nghiệt ngã với tội lỗi của chính mình. Chúng ta phải tranh đấu để giữ lấy mọi hết thảy tình trạng nguyên vẹn. Chúng ta phải quyết định kỷ luật. Chúng ta phải sống đời sống của mình bằng một phương thức để chúng ta sẽ "không vết tích" và không bị quở trách. Hãy lắng nghe lời lẽ của Phaolô trong I Côrinhtô 9.24-27: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát. Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”.
Thứ hai, chúng ta đánh trận đức tin trong khu vực của Hội thánh. Như câu 20 chép: chúng ta phải "giữ lấy sự giao phó đã nấy cho con". Chúng ta phải từ chối không để cho Tin Lành bị chôn giấu đi trong hình thức thiên về với luật pháp hay truyền thống của loài người. Chúng ta không dời đổi bởi chấp hành theo hệ phái, là điều cướp mất Tin lành khiến Tin lành mất đi quyền phép của nó hay bởi thần học hào phóng, là thứ cướp mất thực chất của nó. Chúng ta không có mặt ở đây để làm vui cho con người hay để chiều chuộng họ. Chúng ta có mặt ở đây để công bố ra sứ điệp lịch sử chân thật nói tới đức tin và chuyển giao ngọn đuốc cho thế hệ các tín đồ nối tiếp. Chúng ta đánh trận nầy như thế nào? Chúng ta nắm chặt lấy Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta phân phối Lời ấy cách đúng mức, dạy dỗ chính xác Lời ấy và sẵn sàng làm theo Lời ấy. John Calvin đã nói: Nếu những người lính đời nầy không ngần ngại khi đánh trận, khi kết quả còn chưa rõ rệt, và khi có một kẻ liều mạng bị giết, chúng ta phải dũng cảm còn nhiều hơn nữa để đánh trận dưới sự dẫn dắt và ngọn cờ của Đấng Christ, khi chúng ta chắc chắn đoạt lấy chiến thắng?
Là một người Texas, tôi không thể làm chi khác hơn là nhớ tới trận đánh Alamo. Chỉ có một số ít người, chừng hơn 100 người đã cầm chân hàng ngàn người trong quân đội Mễ trong 13 ngày. Họ biết rõ không có tiếp viện họ sẽ bị hư mất. Thế mà họ cứ giữ vững sứ mệnh đó và đã dâng mạng sống của họ cho tự do. Họ đã đánh trận đánh tốt lành. Chúng ta phải đánh trận còn nhiều hơn nữa vì chúng ta biết rõ chiến thắng hoàn toàn thuộc về chúng ta?
IV. Sự kêu gọi mà người của Đức Chúa Trời cần phải nắm lấy (câu 12b).
Kế đó trong câu 12, Phaolô truyền cho Timôthê: "bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến". "Bắt lấy" dịch từ chữ epilabou có nghĩa là "bám chặt lấy, nắm giữ, bắt lấy, chụp lấy". Trong Công vụ các sứ đồ 21.33, khi Phaolô bị bắt trong đền thờ, Kinh thánh nói rằng quản cơ La mã "bắt người". Đây là gốc rễ của chính chữ ấy. Với một tư thế tương tự, chữ được sử dụng trong Mathiơ 14.31 mô tả thể nào Chúa Jêsus "giơ tay nắm lấy người" Phierơ khi ông bị chìm dưới biển. A.T. Robertson dịch chữ nầy là "kẹp chặt".
Khi Phaolô bảo Timôthê phải “bắt lấy” hay kẹp chặt lấy sự sống đời đời thì có nghĩa gì? Phải chăng nói như thế nghĩa là Timôthê chưa được cứu sao? Không đâu. Phải chăng Timôthê phải giữ lấy ơn cứu rỗi của riêng mình? Tất nhiên là không rồi. Vị Sứ đồ đang bảo Timôthê phải đeo đuổi sự sống đời đời, nắm lấy nó, ôm chặt lấy nó, sống với nó tới mức độ trọn vẹn nhất.
Khi tôi nghiên cứu câu nầy tuần qua, tôi đã nhìn thấy một bức tranh trong lý trí về Gia-cốp đang vật lộn với Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký 32. Gia-cốp nói với Người nầy: "Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi!" Quí vị thấy đấy, chúng ta thường nghĩ tới sự sống đời đời là một thứ sẽ khởi sự khi chúng ta qua đời. Ồ không phải như vậy đâu! Sự sống đời đời bắt đầu khi chúng ta được cứu! Chúng ta đang sống đời sống ấy trong lúc bây giờ. Chúng ta không những thấy thoả lòng khi sống với đời sống ấy mà còn bắt lấy nó rồi sống với nó ở một mức độ đầy đủ nhất!
Phaolô mô tả sự sống đời đời như sự kêu gọi của Timôthê. Ông nói: "bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến". Nếu quí vị đã được cứu, quí vị đã được kêu gọi bởi Đức Chúa Trời phải lìa bỏ đời sống cũ của mình lại sau lưng và sống đời mới nầy ở mức tối đa! Không những Timôthê đã được kêu gọi đến với sự sống đời đời, Timôthê cũng còn làm chứng về sự sống ấy nữa. Phaolô nói Timôthê "đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến". Có người nghĩ câu nầy đề cập tới phép báptêm của Timôthê; nhiều người khác tin câu nầy đề cập tới việc Timôthê được tấn phong vào chức vụ. Dầu là cách thế nào đi nữa, Timôthê đã công khai phó mình cho đạo Cơ đốc.
Quí vị có nhớ lúc nào quí vị được "gọi" đến với sự sống đời đời không? Quí vị có nhớ lúc nào quí vị "làm chứng tốt lành" cách công khai không? Tôi nhớ Chúa đang hành động với sự tể trị trong đời sống của tôi để tái tạo tôi và đưa tôi đến chỗ làm chứng và biến đổi. Tôi nhớ niềm vui mừng khôn xiết kể mà tôi đã cảm nhận được ngay giây phút tôi biết rõ mình đã được cứu! Tôi nhớ cái ngày tôi chịu phép báptêm. Tôi công khai xưng nhận niềm tin của mình nơi Đấng Christ và lòng trung thành của tôi đối với đạo Cơ đốc bằng cách trầm mình trong nước trước mặt "nhiều người chứng kiến".
Mục đích là, khi tôi khởi sự bước xuống con đường đức tin nầy, tôi không quay trở lại hay xây sang hướng khác. Tôi bám chặt lấy sự kêu gọi nầy, là sự sống mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi. Tôi không muốn mình phải có một đời sống thuộc linh tầm thường. Tôi không thấy thoả lòng với việc chỉ có đi nhà thờ. Tôi không thấy thoả lòng với những gì tôi đang nhìn biết về Đức Chúa Trời. Tôi cần phải tiếp tục luôn. Tôi phải uống, uống từ dòng nước sống đời đời kia!
V. Mạng lịnh mà người của Đức Chúa Trời phải tuân giữ (các câu 13-14a).
Phaolô nói trong câu 13: "Ta khuyên con" nhưng tiếp tục nói trong câu 14. Ông đã khuyên Timôthê phải làm gì? Ông khuyên Timôthê phải "giữ điều răn". Điều răn nào vậy? Toàn bộ điều răn: "…là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi" (Giuđe 3). "Điều răn nầy" đề cập tới Tin Lành, đạo thật, toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời; thân thể trọn vẹn của lẽ thật đã được tỏ ra của Đức Chúa Trời. "Người của Đức Chúa Trời" phải trở thành một người của Ngôi Lời. Khi ấy Phaolô cung ứng cho Timôthê bốn động lực cho việc giữ lấy Ngôi Lời.
Động lực thứ nhứt là SỰ HIỆN DIỆN của Đức Chúa Trời. Phaolô nhắc cho Timôthê nhớ rằng đời sống và chức vụ của Timôthê sẽ được tỏ ra "trước mặt Đức Chúa Trời". Hêbơrơ 4.13 chép: "Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại". Satan đẩy ra nhiều sự cám dỗ trước mặt người của Đức Chúa Trời. Người bị cám dỗ với tham lam, biếng nhác, tính tự cao tự đại và một đạo quân bịnh hoạn khác nữa. Timôthê phải thường xuyên nhớ rằng mặc dầu Hội thánh không nhìn thấy hết mọi sự, Đức Chúa Trời nhìn thấy.
Động lực thứ hai là QUYỀN PHÉP của Đức Chúa Trời. Phaolô nhắc cho Timôthê nhớ rằng Đức Chúa Trời "ban sự sống cho mọi vật". Người phải lo toan việc của Đức Chúa Trời ở dưới uy quyền của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị. Đức Chúa Trời đang quan phòng. Thậm chí nếu Timôthê chết như một người tuận đạo khi thi thành bổn thận của mình, Đức Chúa Trời sẽ làm cho người sống lại. Thi thiên 118.6 hỏi: "Đức Giê-hô-va binh vực tôi, tôi chẳng sợ; Loài người sẽ làm chi tôi?"
Động lực thứ ba là MẪU MỰC của Đấng Christ. Phaolô nhắc cho Timôthê nhớ rằng đời sống của Timôthê cũng được sống ở "trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng tốt nơi Bôn-xơ Phi-lát". Ở Mathiơ 27.11, Phi-lát đã hỏi Chúa Jêsus: " Có phải ngươi là Vua của dân Giu-đa không?" Chúa Jêsus trả lời: "Thật như lời". I Phierơ 2.23 chép về Chúa Jêsus rằng Ngài: "…cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình".
Động lực thứ tư là SỰ HIỆN RA của Đấng Christ. Trong câu 14, Phaolô nhắc cho Timôthê nhớ rằng Timôthê cần phải giữ luôn điều răn "cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". "Sự hiện ra" ra từ chữ epiphaneias. Hãy lắng nghe những gì Heibert nói về động lực của Phaolô: Phaolô đã tuân giữ lẽ thật nói tới sự tái lâm của Chúa làm cái nền suy tưởng và trông cậy của ông. Trong khi Phaolô sốt sắng trông đợi biến cố ấy, ông không hề giả vờ nhìn biết ngày tháng của sự tái lâm đó. Tầm quan trọng của Sự Tái Lâm dường như khiến cho nó ra gần gũi và thắt gút lại thời điểm xen giữa, giống như một ngọn núi to lớn kia, chân của nó, đỉnh của nó nằm trên đường chân trời, dường như gần gũi lắm, dầu nó đang ở một khoảng cách xa xa.
Câu 14 cũng nhắc tới hai phương thức mà Timôthê cần phải tuân giữ điều răn. Timôthê cần phải làm theo "không vết tích" và "không chỗ trách được". Timôthê không được kéo Lời của Đức Chúa Trời ngang qua đống bùn lầy tội lỗi của chính mình. Timôthê cần phải bảo tồn Lời ấy như một báu vật vô giá rồi chuyển nó đi còn nguyên vẹn và không bị nhơ nhuốc.
Ồ, tôi muốn trở thành loại "người của Đức Chúa Trời" như thế lắm, một người cứ giữ trung tín cho đến cuối cùng. Đôi khi tôi sợ rằng mình sẽ sa ngã bên lề đường. Lời cầu nguyện hàng ngày của tôi cầu xin cho có sức lực để bền đổ. Tôi rất cảm động bởi bài thơ của Robertson McQuilkin với đề tựa là: "Cho phép con về quê hương trước khi tối tăm”:
"Lạy Chúa, mặt trời đã lặn rồi
Bóng cuộc đời trải dài sau lưng
Trong sự mờ ảo của những năm tháng qua.
Con không sợ chết,
vì sau cùng kẻ thù tàn nhẫn đó phản lại chính mình,
Xin đưa con vào trong sự sống cho đến đời đời.
Với Ngài, sự sống không bợn nhơ và rời rộng.
Nhưng con đang sợ;
Con sợ Bóng Ma tối tăm không lâu nữa sẽ đến –
Hay con phải nói, quá trễ rồi?
Con sẽ kết thúc trước khi đến đích hay
xong cuộc, nhưng không hoàn hảo.
Con sẽ làm ô uế vinh hiển Ngài, làm xấu hổ danh Ngài,
Làm buồn tấm lòng yêu thương của Ngài.
Có mấy người, họ nói cho con biết, xong rồi …
Lạy Chúa,
xin cho con được về quê hương trước khi tối tăm.
Bóng tối tăm của một linh hồn
Nó lớn lên rồi nhỏ đi như trái khô lại trên cây nho,
Bầu bạn con nếm mùi cay đắng,
Những kẻ can đảm kia, họ vẫn yêu thương con,
khi trổ ra lại trở làm gánh nặng.
Không, lạy Chúa.
Xin cho trái được tươi tốt, sum suê và ngọt ngào,
Một niềm vui cho những ai nếm;
Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang hành động,
Mạnh mẽ hơn, đầy đủ hơn;
sáng láng hơn lúc cuối cùng.
Lạy Chúa, xin cho con
được về quê hương trước khi tối tăm.
Bóng tối tăm của những món quà xưa cũ,
Không còn giá trị, đã xài qua rồi hay cũ kỹ,
Một đời sống từng được Đức Chúa Trời sử dụng
Giờ đây bị gạt qua một bên.
Buồn rầu vì vinh hiển qua đi hay
bực dọc vì phần việc
mà Đức Chúa Trời không hề giao cho.
Than khóc trong trũng ký ức,
khi liếc nhìn thấy
những ngọn cờ đắc thắng không còn phấp phới nữa.
Con không thể chạy cho đến cuối cùng được?
Lạy Chúa, xin đưa con về quê hương trước khi tối tăm
VI. Vẽ oai nghi mà người của Đức Chúa Trời thờ lạy (các câu 14-16).
Chúng ta tin gì về Đức Chúa Trời sẽ quyết định các giá trị của chúng ta, những thứ ưu tiên một và phương thức chúng ta sống đời sống của chúng ta. Nhà thần học và triết gia lỗi lạc A.W. Tozer từng viết: “…thắc mắc quan trọng nhất ở trước mặt Hội thánh luôn luôn là chính mình Đức Chúa Trời, và điều chi trang trọng nhất về bất kỳ người nào không phải là những gì người nói hay làm một lúc nào đó, mà là những gì người ấy chứa trong lòng mình giống như Đức Chúa Trời … Chúng ta có thể rút ra từ bất kỳ người nào một câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi: "Điều chi có trong trí bạn khi bạn nghĩ về Đức Chúa Trời?" chúng ta sẽ đoán trước với sự chắc chắn phần tương lai thuộc linh của người đó.
Tôi tin Sứ đồ Phaolô sẽ nhất trí với Tozer. Đấy là lý do tại sao chương cuối cùng nầy lặp lại những gì chúng ta nhìn thấy trong chương thứ nhứt, một bài kinh cầu, một biểu thức của sự thờ phượng (đối chiếu 1.17). Phaolô đã cặm cụi viết trên bàn giấy của ông bằng cây đèn dầu olive và khi ấy ông dựa đầu về phía sau biểu lộ sự ngợi khen đối với Đấng Chí Cao. Tôi nghĩ Phaolô đã viết giống như ông đã rao giảng vậy. Khi ông làm cho đối tượng của mình được ấm áp rồi, tình cảm của ông lên cao dần. Chúng ta nhìn thấy điều đó ở đây. Như với bất cứ một buổi thờ phượng chính thống nào, có nhiều sự dạy về bổn tánh của Đức Chúa Trời. Khi ấy Phaolô đã thờ lạy Đức Chúa Trời, dạy dỗ thần học và nắn đúc hệ thống tín điều cho Timôthê. Chúng ta hãy mau mau chú ý 5 lẽ thật về Đức Chúa Trời trong mấy câu cuối cùng nầy.
A. Đức Chúa Trời của chúng ta không thấy được bằng mắt thường (các câu 14b-15a).
Trong câu 14, Phaolô bảo Timôthê phải tuân giữ điều răn "cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Câu 15 nối với tư tưởng ấy bằng cách thêm: "là sự mà Đấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra". Mọi sự trong lịch sử cứu chuộc và lịch sử nhân loại sẽ lên tới cực điểm nơi sự Tái Lâm của Đức Chúa Jêsus Christ. Phaolô không biết rõ thì giờ tái lâm của Chúa. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 24.36: "Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi".
Cái điều chắc chắn, ấy là ngày và giờ đã được đề ra. Ngài sẽ đến "đúng kỳ của Ngài". Ngài không chậm trễ đâu. Hêbơrơ 10.37 chép: "Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu". Vì lẽ đó, chúng ta phải sống trong sự chuẩn bị sẵn sàng.
B. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời hạnh phước (câu 15b).
Kế đó Phaolô nói: "Ngài là Đấng chủ tể hạnh phước". "Hạnh phước" là makarios, có nghĩa là "hạnh phúc" hay "thoả lòng". Đức Chúa Trời không phải là một người cha cộc cằn đâu. Ngài là Đức Chúa Cha hoàn toàn hạnh phước. Ngài không hề thất bại. Ngài không có gì phải lo âu. Bổn tánh thiêng liêng của Ngài bảo đảm rằng Ngài luôn luôn ở trong sự bình an và thoả lòng trong sự vinh hiển của chính Ngài.
C. Đức Chúa Trời của chúng ta là tối cao (câu 15c).
Lý do Đức Chúa Trời là "hạnh phước" hay hạnh phúc, những lý do mà Ngài không hề thất bại hoặc lo âu là vì Ngài là "Đấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa". "Chủ tể" là một từ cổ xưa nói tới "Đấng cai trị" dịch từ chữ dunastes từ gốc rễ của chữ dunamis, một từ nói tới quyền lực và oai nghi. Từ đó, chúng ta mới có những chữ như "dynamite" (năng động) và "dynamic" (sôi nổi). Vì vậy, không những Ngài là "Vua của mọi vua và Chúa của mọi chúa", không những Ngài là một quan tướng, mà Ngài còn là Quan Tướng QUYỀN NĂNG nữa. Bản Kinh thánh NASV dịch từ ngữ nầy là "Chí Cao". Ngài điều khiển từng loài thọ tạo. Chúng ta không nên lo lắng hay bực bội vì Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta cũng là Đức Chúa Trời Chí Cao của chúng ta nữa.
D. Đức Chúa Trời của chúng ta là bất tử (câu 16a).
Câu 16 nói rằng Đức Chúa Trời của chúng ta "mình Ngài có sự không hề chết". Chỉ có Đức Chúa Trời mới tuyệt đối bất tử mà thôi. Đức Chúa Trời đã dựng nên hàng thiên sứ để sống cho đến đời đời. Ngài đã dựng nên con người và ban cho họ ân tứ sự sống đời đời. Tuy nhiên Đức Chúa Trời rất khác biệt ở chỗ Ngài luôn luôn hằng hữu và sẽ luôn luôn hằng hữu. Các linh bất tử khác nhận được tình trạng bất tử của họ từ nơi Ngài. Từ ngữ Hy lạp là athanasian là chữ kép của từ a có nghĩa là "không" và thanatos có nghĩa là "chết". Ghép lại với nhau chữ nầy có nghĩa là "bất tử". Đức Chúa Trời là tự hữu hằng hữu. Ngài chẳng nương vào ai hay chẳng nương vào vật gì để sống còn cả. Vì lẽ đó, Ngài không có khả năng phải chết đâu. Thi thiên 90.2 chép: "Trước khi núi non chưa sanh ra, đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời". Habacúc 1.12 hỏi: "Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Đấng Thánh của tôi! Ngài há chẳng phải là từ đời đời vô cùng sao?"
E. Đức Chúa Trời của chúng ta là thánh khiết (câu 16b).
Cuối cùng, Phaolô nói rằng Đức Chúa Trời của chúng ta đang "ở nơi sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài". Câu nầy mô tả sự kín nhiệm đáng kinh khiếp của Ngài, sự thánh khiết trọn vẹn của Ngài. Chúng ta nói Đức Chúa Trời là siêu việt, nghĩa là Ngài cao tột hơn chúng ta và trổi hơn chúng ta. Cách duy nhứt chúng ta có thể nhìn biết Ngài hay bất cứ điều chi về Ngài, ấy là Ngài đã tự tỏ chính mình Ngài ra cho chúng ta biết. Thi thiên 104.1-2 chép: “Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Chúa thật lớn lạ kỳ. Mặc sự sang trọng và oai nghi! Chúa bao phủ mình bằng ánh sáng khác nào bằng cái áo, giương các từng trời ra như cái trại”.
Khi Môise yêu cầu được nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Đức Giêhôva đáp: "Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ làm cho các sự nhân từ ta phát ra trước mặt ngươi; ta hô danh Giê-hô-va trước mặt ngươi; làm ơn cho ai ta muốn làm ơn, và thương xót ai ta muốn thương xót. Ngài lại phán rằng: Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống" (Xuất Êdíptô ký 33.19-20).
Hêbơrơ 12.29 chép: "vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt". Êsai có được một cái nhìn thoáng qua Đức Giêhôva trong sự vinh hiển của Ngài và cái nhìn ấy đã thay đổi ông cho đến đời đời (đối chiếu Êsai 6). Ở đây Phaolô nói rằng Chúa ở nơi sự sáng không thể đến gần được. "Chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được" Ngài vì chúng ta không thể đứng trước sự thánh khiết và sống động của Ngài. Chỉ khi nào chúng ta đã được làm cho vinh hiển một cách hoàn toàn rồi, thân thể, linh hồn và tâm linh, chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài mặt đối mặt như vốn có thật vậy (đối chiếu Mathiơ 5.8; I Côrinhtô 13.12).
Sự hiện thấy của Êsai về Đức Giêhôva cao cả được cất lên cao trong đền thờ đã làm cho ông phải thay đổi cho đến đời đời. Ông đã được luyện sạch bởi đốm than lửa thánh khiết và sẵn sàng kêu lên: "Có tôi đây, xin hãy sai tôi!" Chính sự hiểu biết về nét oai nghi của Đức Chúa Trời trang bị cho một người để trở thành "người của Đức Chúa Trời".
Phaolô nhấn mạnh và đặt trên vai Timôthê tước hiệu "người của Đức Chúa Trời". Có lẽ một phần luận lý của ông là hướng đôi mắt của vị Mục sư trẻ tuổi nhìn về Đức Chúa Trời của con người. Vì dù trách nhiệm của chúng ta là rất lớn và dù phần việc rất khó khăn, quyền năng của Đức Chúa Trời chúng ta vẫn lớn lao hơn!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét