Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 3.14-16: "Những nguyên tắc cơ bản của Hội thánh"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Những nguyên tắc cơ bản của Hội thánh
I Timôthê 3.14-16
Có một câu chuyện xưa thường được thuật lại về Vince Lombardi, vị huấn luyện viên thần kỳ của đội Green Bay Packers. Rất sớm sủa trong sự nghiệp của ông với đội, sau một thất bại đáng thất vọng nhất, Lombardi đã cho tập trung các cầu thủ lại chung quanh mình rồi nói: "Đây là một trận túc cầu". Khi ấy ông dẫn cả đội vào quá trình ôn lại những vấn đề cơ bản làm thế nào để xử lý, ngăn cản, chạy, qua mặt và bắt bóng. Ông xây dựng một đội vô địch thế giới bằng cách chấm ngay vào các vấn đề cơ bản.
Cách đây vài năm, tôi để ý thấy sở trường chơi golf của tôi giảm hẳn đi. Tôi đã thử một số cách để hoàn thiện lại. Mấy người bạn thân của tôi cung ứng cho tôi lời khuyên nhũ. Bất luận tôi làm gì hay tôi thay đổi ra sao hoặc tôi thử thế nào, tôi không thể giữ được quả bóng trên thảm cỏ. Tôi đã đánh chúng đi khắp chỗ. Một người bạn chỉ cho tôi thấy những cú đánh golf của tôi làm cho ông ta nhớ tới việc giảng dạy của tôi … dài dòng và hướng sang phải. Trong khi ấy, tôi có gặp một chuyên gia dạy đánh golf. Tôi muốn trao đổi với ông ta về Tin lành để tôi soạn một bài học. Đến gần chỗ phát bóng, ông ta quan sát những lần tôi đánh vào quả bóng.
Khi ấy ông ta nói: "Giang rộng hai cánh tay rồi vỗ vào nhau vài lần xem". Ngạc nhiên thay, lối đánh cũ của tôi liền bật trở lại và những quả bóng đã đi đúng hướng mà tôi đã nhắm tới. Bạn tôi, vị giáo sư dạy chơi golf đã có cùng cách tiếp cận giống như huấn luyện viên Lombardi, nếu quí vị khó tiếp cận các mục tiêu của mình, hãy quay trở lại với những động tác cơ bản. Trong bóng đá, chính sự ngăn trở và xử lý. Trong môn golf, chính cái nắm thật chắc và một tư thế thật chuẩn. Với điều đó trong trí, hãy nhìn vào cụm từ trong câu 14 ở phân đoạn Kinh thánh gốc xem. Phaolô nói: "Ta viết thơ nầy, …con biết làm thế nào". Câu nói ấy bao gồm toàn bộ nội dung của bức thư. Phaolô nói dứt khoát mục đích của ông khi viết thư tín I Timôthê là để cho Timôthê có thể dạy dỗ các tín hữu tại thành Êphêsô biết cách Hội thánh cần phải sống trong thế gian nầy. Cách nói nầy tương đương với lời mà Lombardi đã nói với đội của mình: "Đây là một trận túc cầu".
Trong sứ điệp nầy, chúng ta sẽ xem xét ba điều cơ bản của Hội thánh. Chúng ta sẽ xem xét cách ăn ở, sứ mệnh và sứ điệp của chúng ta. Quí vị ơi, đây là Kinh thánh. Quí vị là Hội thánh. Đây là những điều cơ bản của chúng ta. Chúng ta hãy học lại chúng để chúng ta có thể đạt được những mục tiêu của Đức Chúa Trời.
I. Cách ăn ở của Hội thánh (các câu 14-15a).
Trước tiên, Phaolô nói: "Ta mong mau mau đến thăm con, nhưng viết thơ nầy, phòng ta có chậm đến". Phaolô đang nói cho chúng ta biết mục đích của ông khi viết thư tín nầy. Như tôi đã nói cách đây một phút, "viết thơ nầy" đề cập lại mọi sự mà Phaolô đã viết trước kia và cũng là phần còn lại của bức thư. Ông nói: "phòng ta có chậm đến". Đối với tôi, dường như là Phaolô muốn đến Êphêsô để giúp cho Timôthê với Hội thánh đang gặp rắc rối thật sớm, nhưng đã dè trước sẽ bị "chậm" vì vậy ông viết bức thư nầy để nói ra mọi sự mà ông sẽ nói một khi ông đích thân đến.
Đâu là mục đích? Ấy là những điều cơ bản của Hội thánh. Ông nói: "Ta viết… thì con biết làm thể nào trong nhà Đức Chúa Trời". Mục đích của ông là dạy cho các tín hữu biết tư thế, cách ứng xử hay hành vi thích ứng của họ ở trong nhà của Đức Chúa Trời. Lẽ đạo tổng quát của I Timôthê là cách ăn ở hay tư thế của Hội thánh. Các chương 2 và 3 gần như nhắm vào cách ăn ở. Trong 2.1-8, chúng ta được kêu gọi phải cầu nguyện liên tục. Trong 2.9-15, nữ giới được kêu gọi phải sống giản dị thích ứng, với địa vị xứng đáng và sự hiểu biết đúng đắn trong vai trò đặc biệt của họ. Ở 3.1-7, bậc trưởng lão được kêu gọi nhắm tới một tiêu chuẩn hay cách ứng xử cao độ. Ở 3.8-13, các chấp sự cần phải dè giữ để nêu gương để tất cả các tín hữu biết “xử sự” bản thân họ.
Cách ứng xử của chúng ta rất quan trọng vì thế gian đang quan sát chúng ta. 2.3-4 chép: "Ấy là một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật". Có người gửi cho tôi một email vào tuần nầy khiến tôi phải bật cười. Cho phép tôi chia sẻ một ít với quí vị.
Một người Ai-len bước vào một quán bar ở Dublin, gọi ba cốc bia rồi đến ngồi ở phía sau căn phòng, uống từng cốc bia một. Khi uống xong, ông ta trở ra quầy và gọi ba cốc khác. Người phục vụ đến gần rồi nói cho ông ta biết: "Ông ơi, một cốc vô vị lắm sau khi tôi rót ra; nó sẽ nếm ngon hơn nếu ông mua mỗi lần một cốc". Người Ai-len kia đáp: "Được thôi, ông thấy đấy, tôi có hai anh em. Một thì ở Mỹ, còn người kia ở Úc, và tôi thì ở đây Dublin. Khi tất cả chúng tôi rời khỏi nhà, chúng tôi hứa rằng chúng tôi sẽ uống theo cách nầy để nhớ lại những ngày chúng tôi còn uống với nhau. Vì vậy, tôi uống một ly cho mỗi anh em kia còn một ly thì cho tôi".
Nhân viên phục vụ nhìn nhận rằng đây là một cách làm rất hay, rồi để ly bia tại đó. Người Ai-len kia rất đều đặn đến quán bar, và luôn luôn uống theo cách đó. Ông gọi ba cốc bia rồi uống chúng lần lượt. Ngày nọ, ông ta bước vào và gọi hai cốc. Tất cả những khách quen đều để ý và yên lặng hết. Khi ông ta trở lại quầy để gọi lần thứ nhì, nhân viên phục vụ quầy nói: "Tôi không dám xâm phạm vào nỗi buồn của ông, nhưng tôi muốn thốt ra lời chia buồn với sự mất mát lớn của ông".
Người Ai-len kia thấy lúng túng trong một thoáng, thế rồi ánh mắt ông ta sáng lên và bật cười đáp: "Ồ, không đâu, ai nấy đều mạnh giỏi cả mà. Chỉ vì vợ tôi muốn chúng tôi gia nhập Hội thánh Báp tít và tôi phải thôi không uống nữa. Điều nầy chẳng đá động gì tới mấy anh em của tôi".
Chúng tôi đã bật cười khi nghe một câu chuyện giống như thế vì nó có một sự gần gũi với gia đình. Chúng ta biết có những người muốn dự phần trong Hội thánh nhưng không chịu bỏ thế gian lại đàng sau. Nhưng đấy không phải là một việc để cười. Khi dân sự của Đức Chúa Trời xem trọng "cách ứng xử" của họ. Đức Chúa Trời chúc phước cho sự họ vâng lời trong khi nâng cao lẽ thật của Tin Lành y như họ đang công bố ra lẽ thật đó. Đấy là lý do tại sao mỗi cuộc phấn hưng đầu bắt đầu với giai đoạn Cơ đốc nhân xưng nhận tội lỗi và tẩy rửa đời sống của họ.
Kent Hughes thuật lại câu chuyện nói về sự dẫn dắt một thanh niên đến với Đấng Christ cách đây mấy năm. Anh ta đã triệt để thay đổi lối sống của mình, nhiều đến nỗi người cha độc đoán, hay răn đe đã nhường cho Mục sư Hughes một sự thăm viếng không báo trước tại nhà của mình. Ông đã quan sát mọi sự từ những đứa trẻ cho đến đồ đạt rồi nói: "điều nầy đã thực tốt rồi, tôi sẽ còn để ý đến anh đấy". Nhiều tháng trời trôi qua và người con thúc giục Hughes đến thăm cha mình. Mục sư Hughes viết: "Tôi nhớ tới nỗi khủng khiếp khi nhấn chuông cửa. Buổi tối bắt đầu với một lời rủa sả– khi con người khô cằn ấy đã rủa sả sự gian ác của mình rồi bắt đầu bật khóc. Ông ta đã tìm kiếm sự tha thứ của Đấng Christ đêm hôm đó và đã tìm được nó, thế rồi đã sống phần đời còn lại của mình cho Đấng Christ và cho Hội thánh của Ngài".
II. Sứ mệnh của Hội thánh (câu 15b).
Trong phân nửa đầu của câu 15, Phaolô cung ứng cho chúng ta cách ứng xử của chúng ta, chúng ta cần phải "cư xử" hay ăn ở sao cho xứng đáng. Trong nửa phần sau của câu 15, ông nói cho chúng ta biết lý do tại sao, vì cớ sứ mệnh của chúng ta. Ông mô tả lai lịch và sứ mệnh của chúng ta trong ba hình bóng. Chúng ta là "nhà của Đức Chúa Trời", "Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống" và "trụ và nền của lẽ thật".
A. Chúng ta là nhà của Đức Chúa Trời.
Từ ngữ nói tới "nhà" là từ ngữ rất phổ thông oikos và có thể đề cập tới một toà nhà bằng vật chất làm bằng đá hay bằng gỗ. Tuy nhiên, từ ngữ có thể được sử dụng để mô tả những cư dân trong một ngôi nhà, hay một gia đình. Khi tôi nói: "Tới nhà của Mục sư Wylie chúng ta phải làm như vầy, như vầy" quí vị biết ngay tôi không nói về toà nhà chúng ta đang sống trong đó, mà nói tới gia đình, chính là chúng ta. Cũng ý nghĩa ấy, khi Tân ước nói tới "nhà của Đức Chúa Trời" Tân ước không đề cập tới một toà nhà mà nói tới một con người.
Khi tôi còn là một thiếu niên, tôi vốn hiểu rõ đã có những luật lệ đặc biệt về cách ứng xử trong nhà thờ vì nhà thờ là "nhà của Đức Chúa Trời". Tất nhiên lớp tuổi thanh niên cần phải học tôn kính các chức dịch trong nhà thờ nhưng chúng ta không nhấn mạnh quá mức đối với toà nhà vật chất kia.
Là tín đồ, mỗi một chúng ta là một "đền thờ của Đức Thánh Linh" là Đấng đang ngự trong chúng ta (I Côrinhtô 6.19). Chúng ta đang ở "trong Hội thánh" bất cứ đâu chúng ta sống vì chúng ta là Hội thánh! Vậy thì "Nhà của Đức Chúa Trời" hay "người nhà của Đức Chúa Trời" (bản Kinh thánh NIV) đề cập tới sự thực: tất cả các tín đồ là gia đình. Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta. Chúng ta là anh chị em. Êphêsô 2.19 chép: "Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời".
Galati 6.10 chép: "Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin". Tôi luôn thích trưng dẫn I Giăng 1.3: "chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ". Như vậy, Hội thánh, gia đình của Đức Chúa Trời giống như một hình tam giác. Đức Chúa Trời là đỉnh. Tôi là một trong hai góc nhỏ hơn và mỗi một tín đồ ở trong góc nhỏ kia. Chúng ta được kết với nhau cho đến đời đời.
A.W. Tozer từng viết: “Bạn có từng thấy một trăm chiếc đàn dương cầm hết thảy đều rung lên cùng một âm thoa với nhau không? Chúng có cùng âm khi rung lên, không phải với nhau, mà với tiêu chuẩn khác, mỗi chiếc đàn đều phụ vào tiêu chuẩn ấy. Cũng vậy, hàng trăm người thờ phượng nhóm lại với nhau, mỗi người đều hướng về Đấng Christ, tấm lòng của mỗi người kề gần nhau, gần như là ý thức "hiệp một" và hướng mắt tới Đức Chúa Trời để đạt cho kỳ được một mối tương giao gần gũi hơn”.
Phương thức cho chúng ta sống, động và hiệp một như gia đình, người nhà của Đức Chúa Trời là mỗi một chúng ta phải phấn đấu sống trong sự hội hiệp với chính mình Đấng Christ. Nếu chúng ta là gia đình của Đức Chúa Trời, thì chúng ta cần phải sống giống như gia đình của Đức Chúa Trời.
B. Chúng ta là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống.
Thứ hai, Phaolô mô tả chúng ta là "Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống". Đôi khi chúng ta hành động giống như thể Hội thánh thuộc về chúng ta vậy. Chúng ta đang nói tới "Hội thánh của chúng ta". Tuy nhiên, nếu đấy thực sự là "Hội thánh của chúng ta" thì không phải là Hội thánh thực đâu. Hội thánh thực thuộc về Đức Chúa Trời. Phaolô bảo các trưởng lão thành Êphêsô trong Công vụ Các Sứ đồ 20.28 phải: "chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình". Hội thánh thuộc về Đấng Christ. Ngài đã mua và đã trả giá cho Hội thánh. Sự sống lại của Ngài là tờ biên lai! Chúng ta là Hội thánh của Đức Chúa Trời. Êphêsô 1.14 nói tới Đức Thánh Linh là "Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài". Chúng ta, Hội thánh là "cơ nghiệp" của Đức Chúa Trời. I Côrinhtô 6.19b-20 chép: "…và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời". Tít 2.14 chép Chúa "liều mình vì chúng ta, để chuộc [mua lại] chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành". Trong Khải huyền 5.9, các trưởng lão ở quanh ngôi đã hát ca tụng Chúa: "Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước".
Đức Chúa Trời, Ngài đã mua lấy chúng ta và sở hữu chúng ta, là "Đức Chúa Trời hằng sống". Ngài không phải là một Đức Chúa Trời chết, không phải là một Đức Chúa Trời không có sự sống giống như các thần làm bằng đá bằng gỗ trong nền văn hoá tà giáo của người thành Êphêsô là nơi Timôthê phục vụ. Chúng ta là "Hội thánh" hay ekklesia của Đức Chúa Trời. Đây là một từ kép. Ek là tiếp đầu ngữ có nghĩa là "ra", Kaleo là tiếp vĩ ngữ có nghĩa là "khỏi". Cho nên, ekklesia đúng ra có ý nói tới "những người được kêu gọi ra khỏi". Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống đã được dựng lên gồm những tín đồ chân chính, họ được kêu gọi ra khỏi thế gian để đi theo Đấng Christ và trở nên môn đồ của Ngài. Khi các tín hữu có Đức Thánh Linh ngự ở trong lòng nhóm lại với nhau như Hội thánh địa phương, chúng ta là "đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống". II Côrinhtô 6.16 chép: "Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta". Như vậy há chẳng quan trọng sao? Chúng ta được kêu gọi cùng bước đi và đồng đi với Đức Chúa Trời và trở nên dân sự của Ngài. Các câu 17-18 tiếp tục: "Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Cha các ngươi, các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy".
Đấy là lý do tại sao Hội thánh địa phương quan trọng như vậy. Ở đây chúng ta không những tìm gặp tình yêu thương, sự khích lệ và sự gây dựng. Chúng ta còn tìm gặp sự năng động thuộc linh đặc biệt mà chúng ta không thể tự có được. Chúng ta có thể cầu nguyện một mình. Chúng ta có thể đọc Kinh thánh một mình. Chúng ta có thể một mình lắng nghe Đạo được dạy dỗ. Chúng ta có thể hát một mình. Nhưng tốt hơn là phải nhóm lại với anh chị em khác nữa để cầu nguyện, đọc Kinh thánh, ca hát, và lắng nghe! Martin Luther từng nói: "Ở nhà, tại nhà riêng của mình chẳng có một sự ấm áp hay sự hăng hái nào nơi tôi cả, nhưng tại nhà thờ khi đám đông nhóm lại rồi, một ngọn lửa được nhóm lên trong lòng tôi và nó xuyên thấu vào". Khi chúng ta đến đây, chúng ta đừng hành động giống như một nhóm Cơ đốc nhân mệt mỏi mà phải giống như "Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống".
C. Chúng ta là trụ và nền của lẽ thật.
Hãy nhớ lại đi, sứ mệnh của chúng ta là phải hành động giống như gia đình của Đức Chúa Trời và Hội thánh của Đức Chúa Trời, nhưng cần phải thêm vào một việc khác nữa. Chúng ta cần phải trở thành "trụ và nền của lẽ thật". Ở Êphêsô, nơi Timôthê sinh sống là đền thờ của nữ thần Diana (hay Artemis). Bề ngoài của đền thờ đó rất là đẹp mắt, nó là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ. Barclay lưu ý: "Đền thờ nầy có 127 cột trụ, mỗi vị vua đã tặng hiến từng cây cột nầy. Hết thảy đều được làm bằng cẩm thạch, và một số được cẩn với các thứ nữ trang và vàng", ông nói: "Dân chúng ở thành Êphêsô đều biết rõ một cây cột đẹp đẽ là dường nào. Có thể nói từ “cột” ở đây chưa thể dùng cái đẹp của mấy cây cột kia mô tả được”.
"Nền" ra từ chữ hedraioma, chỉ có ở đây trong Tân ước. Nó có nghĩa là "nâng đỡ" hay "nền tảng". Hội thánh là nền tảng nâng đỡ lẻ thật của Đức Chúa Trời. Cũng một thể ấy, nền và trụ của đền thờ nữ thần Diana đã nâng đỡ và chứng thực cho thứ tà giáo giả dối, Hội thánh cần phải năng đỡ và chứng thực lẽ thật của Đức Chúa Trời cho thế giới sa ngã nầy.
Tất nhiên "lẽ thật" ở đây đề cập tới sự mặc khaỉ của Đức Chúa Trời về chính mình Ngài, Lời của Đức Chúa Trời, Kinh thánh. Mặc dù chúng ta không thờ lạy Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta ủng hộ Kinh thánh trong mọi sự. Chúng ta rao giảng Kinh thánh từ toà giảng nầy. Chúng ta dạy dỗ Kinh thánh trong từng lớp học và trong từng nhóm nhỏ. Chúng ta mưu luận từ Kinh thánh. Chúng ta làm chứng từ Kinh thánh. Chúng ta nghiên cứu Kinh thánh. Chúng ta phiên dịch Kinh thánh. Chúng ta giải thích Kinh thánh. Chúng ta học thuộc lòng Kinh thánh. Chúng ta suy gẫm Kinh thánh. Chúng ta ủng hộ Kinh thánh. Chúng ta canh giữ Kinh thánh. Quan trọng nhất, chúng ta vâng theo Kinh thánh.
III. Sứ điệp của Hội thánh (câu 16).
Sau khi dạy rằng trọng tâm sứ mệnh của Hội thánh phải là "trụ và nền của Hội thánh", giờ đây Phaolô tiếp tục công bố ra trọng tâm của lẽ thật đó, cốt lõi của sứ điệp ấy Hội thánh luôn luôn công bố ra và là trách nhiệm của chúng ta phải công bố ra cho đến ngày nay. Mặc dù Kinh thánh là nguồn chu cấp vô hạn định về lẽ thật thuộc linh, cái điều Phaolô đang dạy dỗ là trọng tâm của mọi lẽ thật theo Kinh thánh và là mục tiêu chính trong sứ điệp của Hội thánh.
Phaolô nói: "Mọi người đều cho” hay chẳng một ai có thể tranh luận nghịch lại với sự thực rằng "lẽ mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm". "Lẽ mầu nhiệm" trong thuật ngữ của Phaolô không đề cập tới một số điều bí ẩn hay nan đề nào khó giải quyết. Nó đề cập tới một việc từng kín giấu nhưng giờ đây đã hiển lộ. Lẽ thật quan trọng nói tới sự cứu rỗi, làm thể nào một con người sa ngã có thể bước đi trong "sự tin kính" mà một người không thể có được cho tới khi Đức Chúa Trời bày tỏ sự tin kính ấy ra. Đây là những dòng thơ Hy lạp và có lẽ một khổ của một bài thánh ca Cơ đốc xưa. Thơ văn của chúng ta xem trọng nhịp điệu và vần gieo. Thơ văn Hy lạp xem trọng những đối chiếu và các tương xứng. Trong bài ca thánh nầy, bài thơ nầy, có ba cặp đối chiếu có hai dòng. Chúng ta sẽ xem xét chúng theo thứ tự.
A. Cặp #1. Sự khải thị về Chúa Jêsus.
Trước tiên Phaolô nói: "Đức Chúa Trời đã tỏ ra trong xác thịt". Đức Chúa Trời đã trở thành một con người. Đó là sự hoá thân thành nhục thể, sự Đức Chúa Trời "mặc lấy xác thịt". Chúa Jêsus đã được "tỏ ra", được bày tỏ, hay được làm cho thấy được bằng mắt thường trong xác thịt con người. Chúa Jêsus vốn là Đức Chúa Trời tự hữu hằng hữu, nhưng Ngài đã mặc lấy xác thịt con người. Mặc dù chúng ta có thể xem xét hết phân đoạn nầy tới phân đoạn khác, có lẽ phân đoạn Kinh thánh nói trực tiếp đến sự hoá thân thành nhục thể của Đấng Christ là Philíp 2.6-7. Ở đây nói tới Chúa Jêsus: "Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người". Khi nói Chúa Jêsus ở "trong loài xác thịt" không có ý nói rằng Ngài đã có bổn tánh sa ngã giống như bổn tánh của chúng ta, nhưng có ý nói rằng Ngài có một thân thể giống như thân thể của chúng ta.
Hêbơrơ 10.5-7 chép: "Bởi vậy cho nên, Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng: Chúa chẳng muốn hy sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi. Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội. Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến-Trong sách có chép về tôi-Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa" (đối chiếu Thi thiên 40.6-8).
Tôi thích cách nói của Hughes hơn. Ông viết: "Cho nên phải nói như vầy, Ngài đứng bên lề của vũ trụ rồi xuyên thẳng qua hàng tỉ tỉ ngôi sao, qua dãy ngân hà, rồi nhập vào lòng của Nữ đồng trinh Mary, ở đó Ngài đã động đậy rồi lớn lên cho tới chừng ra đời trong một đêm đông đầy giá tuyết. ‘Ngài hiện ra trong một thân thể’, Hội thánh đầu tiên đã hát như thế. Đây là sự khải thị lúc ban đầu của Đấng Christ. ‘Vì trong Đấng Christ tất cả sự đầy dẫy của Thần Linh đang sống trong hình hài con người".
Chúa Jêsus "được Đức Thánh Linh xưng là công bình". "Xưng công bình" hay "chứng minh là đúng" có ý nói "tuyên bố công bình". Cách nói nầy có thể có hai ý nghĩa. Thứ nhứt, Chúa Jêsus "Thánh Linh" không đề cập tới Đức Thánh Linh mà nói tới chính mình Chúa Jêsus. Cho nên Chúa Jêsus đã được tuyên bố công bình trong Thánh Linh của Ngài. Ngài đã minh chứng lai lịch của Ngài là Đấng Mêsi bởi đời sống vô tội và sự chết có tính cách hy sinh của Ngài.
"Được Đức Thánh Linh xưng là công bình" cũng có ý nói rằng Đức Thánh Linh đã chứng minh đời sống Chúa Jêsus là đúng. Cả hai đều là thực: Rôma 1.4 chép Chúa Jêsus "theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép", Rôma 8.11 nói tới "Thánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết". Thế là chúng ta có phần chức vụ ở trên đất của Chúa Jêsus: sự hoá thân thành nhục thể và sự sống lại.
B. Cặp #2. Sự làm chứng của Chúa Jêsus.
Cặp thứ hai nói Chúa Jêsus "được thiên sứ trông thấy, được giảng ra cho dân Ngoại". Chúng ta hãy xem xét trước tiên Ngài đã được "thiên sứ trông thấy". Các thiên sứ nhìn ngắm Chúa Jêsus. Họ có mặt ở đó để đưa ra những lời công bố cho Mary và Giô-sép. Họ có mặt ở đó lúc Ngài ra đời. Họ đã phục sự Ngài khi Ngài chịu cám dỗ và thêm sức cho Ngài trong đêm Ngài bị nộp. Họ đã nhìn thấy sự chết có tính cách hy sinh và sự đắc thắng khi Ngài trở về trời. Một thiên sứ đã lăn hòn đá ra. Các thiên sứ đã hiện ra với mấy người đờn bà. Các thiên sứ đã giải thích sự thăng thiên cho các môn đồ. I Phierơ 1.12 nói tới các tiên tri như sau: "Các đấng ấy đã được tỏ cho rằng chẳng phải vì mình, bèn là vì anh em mà truyền ra những điều đó, là những điều hiện nay đã rao cho anh em, bởi những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin Lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó".
Sự làm chứng của thiên sứ chỉ là một sự xác minh khác về vai trò của Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của chúng ta. Tuy nhiên, không những Chúa Jêsus đã được trông thấy từ các từng trời, mà còn ở đây trên đất nữa. Ngài đã và đang được "rao giảng giữa vòng dân Ngoại". Các thiên sứ đã nhìn thấy Ngài và họ đã ở gần Ngài nhất. Các dân Ngoại đã và đang có Tin lành của Ngài được rao giảng cho họ và họ đang ở xa Ngài lắm. Vì vậy, tất cả các loài thọ tạo, cả gần và xa đã nhìn thấy sự làm chứng của Chúa Jêsus.
C. Cặp #3. Sự tiếp đón Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus được "thiên hạ tin cậy và được cất lên trong sự vinh hiển". Chúa Jêsus đã được nhận lãnh ở hai nơi khác biệt: "thế gian" và "trong sự vinh hiển". Sự thực cho thấy rằng sứ điệp nói tới Đức Chúa Jêsus Christ đã làm thay đổi nhiều đời sống trong hơn 2000 năm qua là sự làm chứng không thể chối cãi được. Hãy suy nghĩ xem! Một người thợ mộc từ xứ Galilê bị đóng đinh trên thập tự giá tại xứ Palestine. Thế mà, trong 70 năm, sứ điệp của Ngài đã lan rộng khắp trên thế giới có người ở và ngày nay vẫn còn lan rộng.
Giăng 1.10-13 chép: "Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy".
Phaolô nói: "Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu. Nhưng ta đã đội ơn thương xót, hầu cho Đức Chúa Jêsus Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời".
Người ta vẫn còn tiếp nhận Chúa Jêsus hôm nay. Giúp cho họ tiếp nhận là sự vui mừng và khoái lạc của chúng ta. Tuy nhiên, không những có nhiều người tiếp nhận Chúa Jêsus "trong thế gian", hãy hình dung sự Ngài được tiếp nhận "trong sự vinh hiển" xem. Nếu các thiên sứ đã cất tiếng hát vang lừng khi Ngài hạ sanh, hãy tưởng tượng họ đã cất tiếng hát ra sao khi Ngài ngồi xuống, công việc Ngài đã hoàn tất! Họ phải hát ca bằng lời của Thi thiên 24.7-10: "Hỡi các cửa, hãy cất đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên! Thì Vua vinh hiển sẽ vào.Vua vinh hiển nầy là ai? Ấy là Đức Giê-hô-va có sức lực và quyền năng, Đức Giê-hô-va mạnh dạn trong chiến trận. Hỡi các cửa, hãy cất đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên, thì vua vinh hiển sẽ vào. Vua vinh hiển nầy là ai? Ấy là Đức Giê-hô-va vạn quân, chính Ngài là Vua vinh hiển".
Chúng ta có thể ăn ở với một tư thế xứng hiệp và hoàn tất sứ mệnh của mình là những người canh giữ lẽ thật vì cớ quyền phép của sứ điệp. “Đức Chúa Trời được tỏ ra trong xác thịt, thì đã được Đức Thánh Linh xưng là công bình, được thiên sứ trông thấy, được giảng ra cho dân ngoại, được thiên hạ tin cậy, được cất lên trong sự vinh hiển” Amen!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét