Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Mathiơ 3.13-17: "PHÉP BÁPTÊM CỦA NHÀ VUA"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
PHÉP BÁPTÊM CỦA NHÀ VUA
Mathiơ 3.13-17
1. Các lễ báptêm thường là những sự cố đáng nhớ. Tôi từng chứng kiến môt lễ báptêm, trong đó có một người đờn ông to lớn đã làm phép báptêm cho một người thiếu nữ rất to con. Hết thảy nước tràn ra ở cuối hồ báptêm và tràn vào chỗ ca viên hát giọng 4 đứng ở bên dưới. Khi chúng tôi lấy lại bình tĩnh, tôi nói: “Đó là thời điểm duy nhất tôi nhìn thấy người ta bị nhúng trong nước và nước tràn ra ngoài”.
2. Phép báptêm của một người là một trong các biến cố có ý nghĩa nhất trong đời sống của người ấy. Đây là bước vâng phục đầu tiên trong đời sống đức tin. Đây là một quyết định thuộc linh có tính cách riêng tư tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa. Phép báptêm không giải cứu được ai. Mà đúng hơn phép ấy công khai đồng hoá chúng ta với Đấng Christ. Phép ấy nói với thế gian: “Tôi là một Cơ đốc nhân và tôi muốn mọi người nhìn biết điều đó”.
3. Mỗi Cơ đốc nhân đều phải chịu một Hội thánh địa phương theo Tân ước làm phép báptêm cho. Chúa Jêsus phán: “Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi nầy, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh” (Mác 8.38).
4. Tất cả lễ báptêm đều quan trọng, nhưng có một việc rất đặc biệt về phép báptêm của Chúa Jêsus. Phép báptêm ấy đưa mọi sự đã xảy ra trong các sách tin lành nổi bật lên rất rõ nét. Cho đến lúc nầy, mọi sự đã được chuẩn bị và có tính cách giới thiệu mà thôi. Đây là giây phút mà toàn bộ lịch sử loài người xoay quanh trên đó. Phaolô đã viết về giây phút nầy trong Galati 4.4-5: “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài”.
5. Trong câu Kinh Thánh nầy chúng ta xét qua 5 phương diện có trong phép báptêm của Chúa Jêsus,
I. Sự xuất hiện (câu 13).
A. Thời NIÊN THIẾU của Chúa Jêsus.
1. “Khi ấy”, từ ngữ nầy đề cập tới thời điểm đặc biệt đúng kỳ cho sự xuất hiện của Chúa Jêsus. Mathiơ đã kể cho chúng ta biết về sự giáng sinh của Chúa Jêsus, sự trốn tránh của Ngài sang Aicập và cuộc sống của Ngài ở thành Naxarét. Luca thuật lại Lễ Vượt Qua khi Ngài lên 12 tuổi. Từ 12 tuổi đến 30 tuổi là 18 năm im lặng, chúng ta chẳng biết gì trong khoảng thời gian đó trừ chỗ Luca 2.52 chép: “Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta”.
2. “Khi ấy” cũng đề cập tới sự giảng đạo của Giăng. Theo Luca 1.26, Giăng lớn hơn Chúa Jêsus khoảng 6 tháng tuổi. Luca 3.23 cho chúng ta biết Chúa Jêsus “khoảng 30 tuổi” khi Ngài bắt đầu chức vụ của Ngài. Có lẽ là hợp lý khi cho rằng Giăng đã giảng đạo khoảng 6 tháng rồi.
3. Nhà vua đã rời khỏi chỗ ẩn dật và tình trạng ít người biết đến để bày tỏ chính mình Ngài ra cho nhân loại. Giăng đã lo dọn đường cho Ngài.
B. SỰ ĐẾN của Chúa Jêsus.
1. “Đến” chính là từ ngữ được dùng ở Giăng trong câu 1. Chữ nầy mang ý nghĩa sự đến chính thức hay một sự xuất hiện công khai.
2. Chúa Jêsus đã đến “từ xứ Galilê”. Đó là khu vực, ngôi làng có tên là Naxarét (câu 23).
3. Tất cả các sách Tin lành dường như đang chỉ ra Chúa Jêsus đi đến đấy có một mình mà thôi. Khi ấy, Ngài chưa kêu gọi môn đồ nào hết.
4. Hãy tưởng tượng Con Đức Chúa Trời, với 30 năm chuẩn bị về mặt con người, đóng cửa phân xưởng mộc, khởi sự đi xuống một con đường kết thúc tại thập tự giá.
C. Lòng MONG MUỐN của Chúa Jêsus.
1. Chúa Jêsus đã đến nhìn thấy “Giăng” đang giảng đạo và làm phép báptêm “tại sông Giôđanh”. Mặc dù họ là bà con với nhau, chúng ta không có một tường trình nào cho thấy họ đã gặp gỡ nhau trước đó bao giờ. Chắc chắn Êlisabết, bà biết rõ Chúa Jêsus là ai (Luca 1.43) đã kể cho Giăng nghe về Ngài và vai trò của chính ông là người tiền khu.
2. Giăng 1 dường như chỉ ra Chúa Jêsus đã có mặt trong đám đông ít nhất một ngày trước khi Ngài chịu phép báptêm. Trong các câu 19-28, “mấy thầy tế lễ, mấy người Lêvi” đã đến để hỏi Giăng: “Ông là ai?”. Có người nghĩ ông là Đấng Christ hay Êli. Giăng đáp trong câu 26: “Ta làm phép báptêm bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết”.
3. Giăng 1.29 chép: “Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi”.
4. Chúa Jêsus đã đến có mục tiêu rõ ràng: “đặng chịu phép báptêm”. Tại sao Chúa Jêsus muốn chịu phép báptêm? Phép báptêm cùng song hành với việc xưng tội (câu 6) và là một dấu hiệu bề ngoài của sự ăn năn bề trong. Chúa Jêsus đã sống trong tình trạng vô tội. Ngài không có một tội lỗi nào để phải ăn năn hay xưng ra hết. Chúng ta sẽ trả lời cho điều nầy về sau.
II. Phần tranh luận (câu 14).
A. Phần CAN NGĂN của Giăng.
1. Câu nói: “Giăng từ chối” là thì chưa hoàn thành cho thấy rằng Giăng tiếp tục tìm cách can ngăn Chúa Jêsus đừng chịu phép báptêm.
2. Tôi hình dung Chúa Jêsus đang lội ra dòng sông để đến gần Giăng. Có lẽ Giăng đã tìm cách đẩy Chúa Jêsus lên bờ. Có lẽ ông đã lui lại hay tìm cách ra khỏi dòng sông. Ông không cảm thấy xứng đáng làm phép báptêm cho Chúa Jêsus.
B. Cách LÝ LUẬN của Giăng.
1. Giăng không tin những gì tai mình đã nghe thấy. Có lẽ ông nghĩ ông nghe lầm Chúa Jêsus. Lối lý luận của ông nhấn mạnh: “Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báptêm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao?”.
2. Giăng đã chống cự không chịu làm báptêm cho “người Pharisi” và “người Sađusê” vì họ không chịu ăn năn (các câu 7-8). Ông không chịu làm báptêm cho Chúa Jêsus vì Ngài không có nhu cần phải ăn năn!
3. Trong câu 11 Giăng nói ông không xứng đáng “xách” giày Ngài, huống chi là làm phép báptêm cho Ngài. Giăng đã rao giảng về Chúa Jêsus trong nhiều tháng trời. Giờ đây, khi ông trông thấy tận mắt Đấng mà ông đã rao giảng, ông cảm thấy bất xứng dù là rờ chạm đến Ngài. Chúng ta cảm nhận thế nào khi chúng ta gặp Ngài mắt đối mặt? Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta ra xứng đáng!
III. Câu trả lời (câu 15).
A. YÊU CẦU của Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus phán với Giăng: “Bây giờ cứ làm đi”. Nói cách khác, Ngài đang phán: “Ta biết việc nầy dường như là kỳ lạ lắm, song hãy tin ta. Ta có lý do để làm như vậy”. Chúa chúng ta thường dẫn chúng ta vào những hoàn cảnh dường như rất kỳ lạ đối với chúng ta. Chúng ta phải vâng theo Ngài!
B. LÝ DO của Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus phán: “Vì chúng ta nên làm trọn cho mọi việc công bình như vậy”. Vì chương trình của Đức Chúa Trời phải được hoàn thành, Chúa Jêsus phải chịu Giăng làm phép báptêm cho. Tại sao vậy? Tôi thấy có ba lý do.
1. Thứ nhất, phép báptêm của Chúa Jêsus ĐỒNG HOÁ Ngài với chúng ta.
G. Gambell Morgan viết như sau: “Yếu tố tối thượng trong phép báptêm của Chúa Jêsus là sự đồng hoá của Đấng vô tội với tội nhân. Ngài là Đấng chẳng có tội lỗi để mà ăn năn, Ngài sống giữa vòng những kẻ cần phải ăn năn tội. Ngài là Đấng không có tội lỗi, lại đi xuống nước để chịu báptêm là phần của hạng tội nhân. Trong Êsai 53 chúng ta đọc: ‘Ngài bị kể vào hàng kẻ dữ’. Trong phép báptêm đó, cũng như trong sự hoá thân thành nhục thể và sự giáng sinh, rồi sau cùng là sự hoàn thành, trong lẽ mầu nhiệm của sự Ngài chịu khổ hình, chúng ta thấy nhà Vua đang đồng hoá chính mình Ngài với hạng người cần Ngài đến trị vì, trong sự nhu cần sâu sắc và thất bại của họ”. Ngài đã bị nhúng vào những thất bại, đau khổ và sự chết của toàn thể nhân loại. Vì Ngài đã trở nên một với chúng ta, Ngài hiểu rõ chúng ta.
2. Thứ hai, phép báptêm của Chúa Jêsus là một TẤM GƯƠNG cho chúng ta. Nếu Chúa Jêsus là Đấng không có nhu cần về ơn cứu rỗi lại bằng lòng chịu phép báptêm. Chúng ta là hạng người chịu ơn cứu rỗi của Ngài thì phải bằng lòng càng hơn!
3. Thứ ba, phép báptêm của Chúa Jêsus là một MINH HOẠ cho chúng ta. Phép ấy phác họa ra trước sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài. Ngài đã phán trong Luca 12.50: “Có một phép báp-tem mà ta phải chịu, ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành!”. Spurgeon nói: “Phép báptêm chỉ ra thật đẹp đẽ Chúa chúng ta chịu nhúng mình trong sự thương khó, sự chôn và sự sống lại”.
C. SỰ VÂNG LỜI của Giăng.
1. Hãy chú ý Chúa Jêsus đã phán: “Vì chúng ta nên làm…”. Chúa Jêsus muốn chịu phép báptêm. Ngài muốn Giăng làm phép báptêm cho. Giăng là chi tiết đặc biệt trong chương trình của thiên đàng.
2. Đức Chúa Trời cũng có một chương trình cho quý vị nữa. Đừng sống bất tuân hoặc quý vị sẽ bị loại ra ngoài.
3. Giăng “bèn vâng lời Ngài”. Ông đã nhúng Ngài trong nước sông Giôđanh.
IV. Sự xức dầu (câu 16).
A. Chúa Jêsus RA KHỎI nước.
1. Tôi không muốn làm phiền lòng anh em chúng ta trong các hệ phái khác, song hãy lưu ý rằng khi Chúa Jêsus đã chịu phép báptêm xong, Ngài liền “ra khỏi nước”. Phương thức của Giăng là làm báptêm ở chỗ “có nhiều nước” (Giăng 3.23). Nếu Chúa Jêsus không bị nhúng trọn trong nước, làm thể nào Ngài ra khỏi nước cho được?
2. Từ ngữ “báptêm” là một chuyển ngữ từ chữ Hy lạp baptizo, có nghĩa là “nhúng trong nước, nhận chìm, hay ngâm trong nước”.
3. Phép báptêm tượng trưng cho sự đồng hoá với sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ. Sự ấy được phác hoạ rõ ràng trong sự nhúng mình trong nước. Rảy hay đổ nước không phù hợp hay phác hoạ ra bức tranh nói về Đấng Christ.
4. Cơ đốc nhân luôn luôn bị nhúng trong nước cho tới Thời Trung Cổ khi Giáo hội Công giáo La mã bày ra việc rảy nước. Ngay cả những người Công giáo đã nhúng mình trong nước trước đó.
B. Các từng trời ĐÃ MỞ RA.
1. Khi Chúa Jêsus “ra khỏi nước”, đứng bên bờ sông, “bỗng chúc các từng trời mở ra”.
2. Êxêchiên đã nhìn thấy mặc khải về bốn con sanh vật, xe ngựa và các bánh xe khi các từng trời mở ra cho ông thấy (Êxêchiên 1.1-19). Lúc qua đời, Êtiên đã nhìn thấy “các từng trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công vụ các sứ đồ 7.56). Giăng đã nhìn thấy vài sự mặc khải trên trời.
3. Có người nói: “Giống như bức màn đền thờ bị xé làm hai tượng trưng cho sự tiếp cận của mọi người đến gần Đức Chúa Trời, cũng một thể ấy ở đây các từng trời đã bị xé ra cho thấy Chúa Jêsus ở gần Đức Chúa Trời là dường nào, và Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời”.
C. Thánh Linh Đức Chúa Trời NGỰ XUỐNG.
1. Hết thảy những người đó đã trông thấy “Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài”. Giăng 1.33 cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã hứa dấu lạ nầy cho Giăng Báptít: “Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh”. Sự xức dầu của Đức Thánh Linh là một lẽ mầu nhiệm, cũng là một dấu lạ đầy năng quyền cho thấy Chúa Jêsus quả thực là Đấng Mêsi, là Vua các vua!
2. Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời. Tại sao Ngài cần phải chịu xức dầu bởi Đức Thánh Linh? Ngài cần Đức Thánh Linh vì Ngài cũng là một con người trọn vẹn. Êsai 61.1 nói tiên tri về Ngài: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục”. Thánh Linh của Đức Chúa Trời mặc lấy quyền phép cho nhân tính của Chúa Jêsus để ban quyền phép cho Ngài.
3. Chúa Jêsus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời”. Đức Thánh Linh đã ngự đến giống như “chim bồ câu”. Đối với người Do thái, cả hai đều là những loài vật để làm con sinh tế.
V. Chứng minh xác thực (câu 17).
A. TIẾNG PHÁN từ trời.
1. Hãy hình dung giờ phút quan trọng đó. Chúa Jêsus đã thuyết phục Giăng làm báptêm cho Ngài. Khi Ngài ra khỏi nước, bầu trời mở ra và Đức Thánh Linh lấy hình thể chim bồ câu ngự xuống và đáp đậu trên Ngài. Bấy nhiêu chừng như đã đủ rồi. Thế nhưng, Giăng và tất cả những người đứng ở đó đều nghe “tiếng phán đến từ trời”.
2. Ở bối cảnh nầy chúng ta nhìn thấy ba thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
B. SỨ ĐIỆP đến từ trời.
1. Đức Chúa Trời phán: “Nầy là Con yêu dấu của ta”. Như vậy Đức Chúa Trời có một con trai không phải là một ý mới. Câu nầy đan chéo với Thi thiên 2.7-8 trong Cựu ước, ở đây nói: “Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức Giêhôva phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; Ngày nay ta đã sanh Ngươi. Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, Và các đầu cùng đất làm của cải”.
2. Đức Chúa Trời đã xác định thần tính của Chúa Jêsus. Phải, Ngài là Con Người, con trai của Mary. Đồng thời, vì Ngài được Đức Thánh Linh thai dựng trong lòng người trinh nữ, Ngài là Con của Đức Chúa Trời.
3. Đức Chúa Trời phán Chúa Jêsus là “yêu dấu”. Chữ nầy đề cập tới một mối liên hệ sâu sắc, ý nghĩa. Cũng chữ đó đã được sử dụng ở Rôma 1.7, ở đây các tín hữu được gọi là “những người yêu dấu của Đức Chúa Trời”.
4. Đức Chúa Trời đã phán về Chúa Jêsus: “đẹp lòng ta mọi đàng”. Trước khi con sinh được đem dâng cho Đức Chúa Trời, nó phải thanh sạch, không vít, không tì. Trong thực tế, không một chiên con nào được dâng cho Đức Chúa Trời là hoàn toàn không tì vít đâu. Thực ra, không một của lễ nào thực sự đẹp lòng Đức Chúa Trời cả. Hêbơrơ 10.4 chép: “Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được”. Tất cả những thứ của lễ đó là hình ảnh duy nhất nói bóng trước về của lễ thật sắp đến, là của lễ mà Giăng gọi là: “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1.29).
5. Khi Đức Chúa Trời nhìn vào Chúa Jêsus, Ngài có trọn vẹn cả thần và nhân tính, sau cùng Ngài đã tìm được một của lễ trọn vẹn. Đấy là lý do tại sao Ngài lấy làm “đẹp lòng”.
Nikolai Berdaev đã lìa bỏ chủ nghĩa Marx rồi trở thành một Cơ đốc nhân tin kính. Tuy nhiên, ông đã khẳng định rằng chẳng phải lịch sử, thần học, hay nhà thờ đã đưa ông đến chỗ tin cậy Đấng Christ, mà là hành động đơn sơ của một phụ nữ có tên là Maria. Ông bị tù trong trại tập trung ở Balan, nơi quân Phát xít đang giết hàng trăm người Do thái trong các phòng hơi ngạt. Một sáng kia, khi họ đang đứng xếp hàng, một người mẹ trẻ bị đưa đi hành quyết, nhưng cô nầy không chịu rời xa đứa con nhỏ. Maria nhìn thấy viên sĩ quan chỉ chú ý vào số lượng, vì vậy cô đã đẩy người mẹ trẻ kia qua một bên rồi đứng vào chỗ của cô ấy. Hành động đó minh hoạ trọn vẹn cho Nikolai thấy công việc của Đấng Christ.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét