Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Ti-mô-thê 3.1-7: "Những đấng tiên kiến của Đức Chúa Trời"



I Ti-mô-thê – Chuyển giao ngọn đuốc
Những đấng tiên kiến của Đức Chúa Trời
I Ti-mô-thê 3.1-7

Để hiểu rõ phân đoạn Kinh thánh gốc, chúng ta phải có một cái nắm bắt vững chắc về lẽ đạo của thứ tín I Ti-mô-thê. Sứ đồ vĩ đại Phaolô đang viết cho Ti-mô-thê, là "con đức tin" của ông, là người được chỉ định vào chức vụ Mục sư của Hội thánh Êphêsô. Trong những thời quá khứ, Hội thánh Êphêsô là một tấm gương về đạo thật và chức năng lãnh đạo mạnh mẽ, còn trong thời gian gần đây, phần nhiều người đã không được như thế. Các cấp lãnh đạo thuộc linh của bầy chiên đã bị chìm đắm trong những sự dạy giả dối chôn vùi Tin lành trong những chuyện tầm phào. Thay vì dạy Lời không thể sai sót của Đức Chúa Trời, họ đã nhắm vào "những phù ngôn và gia phổ vô cùng" (1.4). Thay vì rao giảng Tin lành ân điển, họ muốn trở thành "thầy dạy luật pháp" và đã dạy cách tuân giữ luật pháp lai căng Cơ đốc giáo và Do thái giáo (câu 7). Phaolô bảo Ti-mô-thê phải nhắm vào oikonomos, luật lệ trong nhà của Đức Chúa Trời, "công việc của Đức Chúa Trời" (NIV) hay "sự gây dựng tin kính" (1.4). Hội thánh một lần nữa lo biến công việc của họ thành công việc của Đức Chúa Trời, công việc của họ là công việc của Đức Chúa Trời. Họ cần phải đặt công việc chứng đạo và môn đồ hoá ở trước mặc khải của họ.
Phaolô minh hoạ công việc của Đức Chúa Trời trong chính đời sống ông là một người "ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo", là người đã nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời thật "dư dật". Vì ông là "đầu" hay tội nhân hạng nhất trong hạng tội nhân, đời sống của chính ông là một "gương cho những kẻ sẽ tin". Vì cớ đó, Phaolô truyền cho Ti-mô-thê phải "đánh trận tốt lành". Vị Mục sư trẻ tuổi nầy phải đánh trận tốt lành hầu giữ công việc của Đức Chúa Trời làm công việc của Hội thánh địa phương dù công việc ấy cần phải cất bỏ những vị lãnh đạo kia. Trong chương 2, Phaolô bước sang lẽ đạo cấu trúc của Hội thánh. Ông nói rằng "trước hết mọi sự" ưu tiên một phải là "cầu nguyện… cho mọi người". Hội thánh cần phải cầu nguyện để mọi người ở khắp mọi nơi đều sẽ được cứu. Lời cầu nguyện nầy là "lành và đẹp mắt" đối với Đức Chúa Trời. Đây là "ước muốn" của Ngài. Sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá là "giá chuộc mọi người". Vì thế, trong câu 8, Phaolô bảo "những người đàn ông" đều "giơ tay thánh sạch lên trời" mà cầu nguyện trước mặt Chúa.
Còn những người đàn bà thì sao? Nếu quí vị không có mặt ở đây tuần vừa qua, thì quí vị thiếu sót rồi. Chúng ta đã đặt nữ giới vào đúng chỗ của họ … như những nữ hoàng đẹp đẽ, thuận phục, có ảnh hưởng trong hội chúng, họ lo nuôi dạy con cái theo đường tin kính và quả thực đang trao ngọn đuốc cho thế hệ hầu đến. Hãy kiếm cuộn băng ghi âm đi! Tôi không thể giảng lại bài ấy đâu!
Thắc mắc rất hợp lý theo sau là ai sẽ lãnh đạo Hội thánh? Đây là lẽ đạo của chương 3 và 4. Chương 3 bắt đầu với các trưởng lão hay đấng tiên kiến và kế tiếp nói tới những chấp sự. Chương 4 đặc biệt xử lý với chức vụ của Mụcsư/Giáo sư. Vì vậy trong sứ điệp nầy từ 3.1-7, chúng ta sẽ xem xét ƯỚC AO muốn lãnh đạo Hội thánh trong vai trò một trưởng lão cùng những ĐỨC TÍNH để lãnh đạo Hội thánh trong vai trò một trưởng lão.
I. Một trưởng lão phải có sự ưa muốn lãnh đạo (câu 1).
Phaolô nói: "Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành". Tôi đi vào câu nầy với từng chi tiết trong phần nghiên cứu mới đây về sách Tít, vì vậy tôi sẽ tóm tắt và chỉ ra ở đây. "Giám mục" ra từ chữ episkopos, có nghĩa là "đấng tiên kiến". Có hai từ đề cập đến cùng một chức vụ. Từ rất phổ thông là presbuteros, thường được dịch là "trưởng lão" nói tới hạng người khôn ngoan, chín chắn. Từ thứ ba là poimen hay "mục sư".
Ba từ nầy mô tả những chức năng khác nhau của cùng một chức vụ. Trong I Phierơ 5.1-2, tất cả ba từ kết lại với nhau trong một phân đoạn nầy. Phierơ viết: "Tôi gởi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão [presbuteros] trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ, và cũng có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra: hãy chăn [poimaino, hình thức động từ của poimen có nghĩa là "chăn"] bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm [episkopos] việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm".
Vì lẽ đó một "giám mục" cũng chính là người đứng vai trò "trưởng lão". Các bổn phận của người bao gồm tiên kiến hay lãnh đạo Hội thánh, dạy dỗ Hội thánh, trông coi Hội thánh và cầu thay cho Hội thánh. Khi Phaolô thiết lập các Hội thánh, ông đã ấn định các trưởng lão để lãnh đạo họ. Công vụ các Sứ đồ 14.23 chép: "Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến". Phaolô đã viết cho Tít: "Ta đã để con ở lại Cơ-rết, đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp, và theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành" (Tít 1.5).
Quí vị sẽ thắc mắc: "Nếu Kinh thánh nói rõ ràng như vậy, các trưởng lão phải lãnh đạo Hội thánh địa phương, tại sao có nhiều Hội thánh không làm theo?" Cơ đốc giáo Mỹ và các Hội thánh Mỹ có bốn hình thức quản lý cơ bản.
 Thứ nhứt, có KIỂU MẪU THEO GIÁO HỘI. Kiểu mẫu nầy gồm có một giám mục cai trị trên một số nhà thờ hay giáo khu. Kiểu mẫu nầy trước tiên dấy lên trong lịch sử Hội thánh đầu tiên và vẫn còn được thực thi bởi Giáo hội Công giáo và những tín đồ Tin lành chuộng theo nghi thức. Vấn đề, ấy là Kinh thánh không hề áp dụng sự dạy của các trưởng lão vượt quá cấp độ của Hội thánh địa phương.
 Thứ hai, có KIỂU MẪU HỘI CHÚNG. Thực sự đây là một hình thức quản lý Mỹ nương vào ý muốn dân chủ của toàn thể Hội thánh. Theo mẫu mực nầy, mỗi người đều có một lá phiếu. Người tín đồ trưởng thành, tin kính nhất trong Hội thánh sẽ có lá phiếu của mình bị hủy bởi kẻ có địa vị thuộc viên, song chưa trưởng thành, chưa tin kính lắm.
Thực vậy, với ngoại lệ được hạn định trong Công vụ các Sứ đồ 6, chẳng có một tường trình nào trong Tân ước về việc bỏ phiếu cả. Chúng ta thấy các hội chúng đều nhất trí với và khẳng định các quyết định của những trưởng lão, nhưng không hề rút lại những quyết định chính yếu đối với các lá phiếu của hội chúng.
 Thứ ba, có KIỂU MẪU CAI TRỊ VỚI CHỨC VỤ MỤC SƯ. Một số Hội thánh để cho Mục sư đưa ra tất cả các quyết định. Từ ký các ngân phiếu cho đến kỹ luật Hội thánh, một mình Mục sư nắm hết quyền hành.
Bao lâu ông không sai sót và không đau ốm thì chẳng sao! Tôi không thể làm như thế vì tôi thường sai sót và đôi khi không thành công. Như thế sẽ là quá nhiều trách nhiệm cho một người. Hơn nữa, Phierơ nói rằng chúng ta những Mục sư "chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy" (I Phierơ 5.3).
 Thứ tư, có KIỂU MẪU TRƯỞNG LÃO THEO KINH THÁNH. Được kêu gọi, những người có đủ tư cách lãnh đạo và dạy dỗ Hội thánh. Ban trị sự trang bị cho Hội thánh. Hội thánh đang thực thi công tác truyền giáo. Hội thánh đang phát triển. Công việc của Đức Chúa Trời được thực thi. Những người chưa tin Chúa đã được nghe truyền giảng Tin lành.
Nhiều tín hữu đã được môn đồ hoá. Cộng đồng thay đổi. Đức Chúa Trời được vinh hiển. Đây là những gì kiểu mẫu ấy đang lo liệu cho chúng ta. Những trưởng lão của chúng ta gặp nhau mỗi tối thứ Tư lúc 8 giờ tối. Những buổi nhóm của chúng ta thường kết thúc rất muộn vào buổi tối. Chúng ta học hỏi Kinh thánh, bàn bạc nhiều đề mục và sử dụng nhiều thì giờ trên hai đầu gối trong sự cầu thay cho quí vị và cho cộng đồng của chúng ta. Khi những nan đề phát sinh, chúng ta yêu cầu mỗi người tìm kiếm mặt Chúa trong sự cầu nguyện. Nếu chúng ta không có một sự đồng lòng nào, chúng ta không đưa ra một quyết định nào cả. Khi Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta hết thảy theo cách riêng đối với một quyết định với sự nhất trí, chúng ta cảm thấy chúng ta đã tìm được ý muốn của Đức Chúa Trời cho Hội thánh của chúng ta!
Chúng ta hãy trở lại với phân đoạn Kinh thánh gốc. Cụm từ đầu tiên: "lời đó là phải lắm…" khi chúng ta đã chú ý đặc biệt đối với các Thư tín Mục vụ. Cụm từ nầy được sử dụng 5 lần (1.15; 4.9; II Timôthê 2.11; Tít 3.8). "Lời ấy" có ý nói tới một lẽ thật hiển nhiên không cần phải minh chứng nữa. Đây là lời nói rất phổ thông giữa vòng các Cơ đốc nhân đầu tiên công tác lãnh đạo Hội thánh là một "việc tốt lành". Mọi người trong các Hội thánh đầu tiên đều tin rằng quả là một việc tốt lành khi "ưa muốn" lãnh đạo Hội thánh trong công việc của Đức Chúa Trời. Hãy chú ý cho cẩn thận, Phaolô nói vai trò nầy là dành cho "một người". Chúng ta xử lý chi tiết với vai trò của nữ giới trong Hội thánh vào tuần sau. Một phụ nữ không thể là một trưởng lão vì người không được phép "dạy dỗ hay cầm quyền trên đàn ông". Đặc biệt chức vụ của trưởng lão là chức vụ của giáo sư có thẩm quyền.
Bảng Kinh thánh NKJV cũng như bảng Kinh thánh KJV sử dụng từ "ưa muốn" hai lần trong câu nầy. Tuy nhiên, trong bảng Hy lạp, có hai từ khác nhau. Trong trường hợp thứ nhứt, từ ngữ nầy có ý nói "làm rộng ra". Hãy hình dung quí vị đang làm cho một cái gì đó được rộng thêm ra. Hãy hình dung một vận động viên vươn mình vói tới đích trước đối thủ mình không đầy một giây xem. Đây không có ý nói tới động lực ở bên trong mà nói tới một sự vươn mình ra ở bề ngoài để thực hiện những bước cần thiết hầu trở thành một trưởng lão. Từ nầy phác hoạ ra một người cẩn thận nghiên cứu Kinh thánh, cẩn trọng xem xét cách xử sự và cá tánh của mình, khó chịu đối với chính tội lỗi của mình và lo chứng đạo và kỷ luật nhiều người khác.
Đây là một người bề ngoài làm công việc của một trưởng lão với hay không có sự chỉ định chính thức. Từ thứ hai dịch là "ưa muốn" giống như trong "ưa muốn một việc tốt lành" có nghĩa là "tấm lòng chú về" hay "ép buộc". Từ nầy có ý nói tới một ước muốn ở trong lòng về điều thiện thay vì điều ác. Hai động từ này cùng nhau mô tả một người bề ngoài dấn thân vào công tác truyền giáo vì cảm xúc bên trong vì cớ sự vinh hiển của Chúa và sự nhơn đức của con người.
Sự kêu gọi vào chức vụ trưởng lão khi ấy là một cảm xúc ở bên trong được đánh dấu bằng thể hiện ở bên ngoài. Đây không phải là sự ưa muốn nắm lấy quyền hành. Đây không phải là sự ưa muốn cai trị trên mọi người đâu. Đây không phải là sự ưa muốn nắm trong tay và sử dụng quyền hành. Đây không phải là sự ưa muốn được người ta chú ý và công nhận. Đây không phải là một sự ưa muốn được vinh quang cá nhân. Đây không phải là một sự ưa muốn mà ai đó truyền đạt cho quí vị. Đây là một sự kêu gọi sản sinh ra từ đáy lòng của người thuộc về Đức Chúa Trời. Một sự ưa muốn về địa vị là một sự ưa muốn không xứng đáng. Một người thể ấy không am hiểu vai trò hay mọi đòi hỏi của vai trò đó.
Khi một người nhận lãnh ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời ở trong lòng, khi sự ưa muốn của người là hướng về công việc của Chúa, khi người vươn mình tới và ưu tiên hoá sự chứng đạo trên những ham muốn ích kỷ riêng của mình, tình cảm của người là vì "một việc tốt lành", sát nghĩa là một việc đẹp đẽ. Hãy gạch dưới chữ "việc", vì chức năng trưởng lão là một phần việc rất khó nhọc. Phaolô nói trong I Têsalônica 5.12: "Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em". Từ ngữ nói tới chữ "việc" có ý nói tới: "lao động tới kiệt lực". Các trưởng lão của chúng ta dâng mọi sự của họ để phục vụ quí vị, cả những kẻ đang làm những công việc khác đặng nuôi gia đình của họ, và những kẻ đang kiếm sống từ chức vụ. Chức năng trưởng lão không phải là một địa vị; mà đó là công việc!
Tuần nầy, tôi có đọc một câu nói của Alvin L. Reid. Ông nói: "Hãy tưởng tượng xem. Osama bin Laden là một người, chẳng có vai trò gì chính thức trong bất kỳ một chính quyền nào, nhưng ông ta đang gây ảnh hưởng toàn bộ quả đất. Ông ta minh hoạ cho thực tại một cá nhân có thể có nhiều quyền lực hơn thủ lĩnh của các bang. Chỉ hãy tưởng tượng những gì Đức Chúa Trời có thể làm qua một người với một tình cảm muốn rao truyền Tin lành giống như bin Laden đang có đối với sự khủng bố. Nguyện tấm gương của ông ta, mặc dù là một kẻ tối tăm, khiến cho chúng ta phải tìm kiếm Đức Chúa Trời để lo liệu một việc lớn cho Đức Thánh Linh".
Có phải quí vị đang có sự “ưa muốn” tin kính, theo Kinh thánh vì cớ "việc tốt lành" của Đức Chúa Trời không? Vậy thì hãy áp dụng cho bản thân mình. Hãy chịu khó trong sự chứng đạo. Hãy hướng dẫn những người chưa tin đến với Đấng Christ. Hãy môn đồ hoá những người tin Chúa ra giống theo ảnh tượng của Đấng Christ. Khi ấy Đức Chúa Trời sẽ đặt quí vị vào vai trò lãnh đạo mà Ngài đang dành cho quí vị.
II. Một trưởng lão phải có những đức tính lãnh đạo (các câu 2-7).
Chúng ta chọn những trưởng lão như thế nào? Có phải chúng ta yêu cầu phải có những người tình nguyện không? Có phải chúng ta thực hiện những chỉ định rồi bỏ phiếu bầu không? Có phải chúng ta quyết định ai là thương gia giỏi nhất hoặc ai thành công nhất trong lãnh vực của họ không? Có phải chúng ta yêu cầu ai có ảnh hưởng lớn nhất không? Không, chẳng một ai trong số nêu trên. Trong Công vụ các Sứ đồ 14.23, Phaolô và Banaba: "lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh". Trong Tít 1.5, Phaolô dặn Tít trên đảo Cờ-rết phải "theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành" .
Phaolô nói với Ti-mô-thê trong I Ti-mô-thê 5.22: "Đừng vội vàng đặt tay trên ai…". Chúng ta chọn những trưởng lão như thế nào? Tiến trình theo Kinh thánh dường như là lãnh đạo chọn lãnh đạo. Chọn như thế chưa đủ để ưa muốn chức vụ của đấng tiên kiến hay trưởng lão. Một người cũng phải có tư cách xứng đáng. Giờ đây Phaolô trao cho Ti-mô-thê một danh sách mười sáu thuộc tính của một trưởng lão. Danh sách không phải chỉ có từng ấy thôi, mà là tiêu biểu cho loại người mà Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi để lãnh đạo Hội thánh của Ngài. Chúng ta sẽ mau chóng bước qua từng đức tính một.
A. Người cần phải không chỗ trách được (câu 2a).
"Trách" có nghĩa là "quở trách" hay "không thể cáo được". Cách xử sự của người phải như vậy, nghĩa là chẳng có một tì vít nào rõ ràng về mặt đạo đức. Trong phần nghiên cứu sách Tít của chúng ta, tôi đã nói tới đức tính nầy: "Không chỗ trách được mô tả một người chẳng có một cáo buộc nào. Cá tánh cùng cách ứng xử của người chẳng có gì phải thắc mắc. Người rất thoải mái không bị ai cáo giác điều gì. Bạn có thể ném bùn vào người suốt cả ngày và vì tính cách sống của người, chẳng một ai làm gì được người. Người là một nhân vật ngay thẳng hoàn hảo, thành thật và đạo đức không chao đảo. Người là một nhân vật mà bạn sẽ tin cậy với gia đình và tiền bạc của bạn. Nếu bạn cho người mượn chiếc xe của bạn, người sẽ trả nó lại với bình xăng đầy và rửa sạch đàng hoàng".
Để "không chỗ trách được" không phải là đức tính đầu tiên trong 16 đức tính, mà là đức tính mà 15 đức tính kia mô tả từng chi tiết rộng lớn hơn. Một người "không chỗ trách được" là loại người chỉ có một chồng một vợ. Người có hai con mắt chỉ dành cho vợ của mình mà thôi.
Một người "không chỗ trách được" là một người có con cái tin Chúa và biết vâng phục. Một người "không chỗ trách được" hiểu mình là một "quản gia", một quản lý các tài nguyên của Đức Chúa Trời. Một người "không chỗ trách được" không sống ích kỷ, không dễ giận, không uống rượu say sưa, không bạo lực, không ham mến tiền bạc và thành công. Mặt khác, một người "không chỗ trách được" mở cửa nhà mình, chia sẻ với người khác, yêu thích các việc lành, xem trọng đời sống mình, làm điều chi là phải, theo đuổi sự nên thánh, kềm chế bản thân và đào sâu vào những kho chứa Lời của Đức Chúa Trời. Cá tánh chính của một lãnh đạo thuộc linh là phải "không chỗ trách được". Phần còn lại các đức tính kia chỉ mở rộng trên ý nghĩa của tình trạng "không chỗ trách được".
Cho phép tôi nói thêm rằng tình trạng "không chỗ trách được" không có nghĩa là trọn vẹn vô tội đâu. Thậm chí người nào trông giống như Đấng Christ nhất giữa vòng chúng ta vẫn còn thừa tự tình trạng tội lỗi trong mọi xác thịt. Vì thế, một người "không chỗ trách được" là một người chẳng có một khuyết điểm nào rõ ràng về mặt đạo đức đem lại xấu hổ và quở trách trên danh của Đấng Christ và Hội thánh.
Tình trạng "không chỗ trách được" rất là quan trọng vì khi cấp lãnh đạo đi thì dân sự cũng đi theo. Những trưởng lão phải đề ra tiêu chuẩn công bình trên hết cho Hội thánh. Nếu những trưởng lão tìm cách lãnh đạo nhiều đời sống nên thánh, dân sự cũng sẽ làm theo như thế. Nếu các trưởng lão lo chứng đạo, Hội thánh sẽ lo truyền giảng. Nếu các trưởng lão giữ chặt lấy Ngôi Lời, thì hội chúng cũng sẽ như thế. Ngược lại, những trưởng lão dễ bị quở trách làm cho một Hội thánh cũng dễ bị trách cứ.
B. Người phải là chồng của một vợ (câu 2b).
Sát nghĩa dịch là: "Chồng của một vợ" nghĩa là "chồng của một vợ" hay "một đàn ông của một đàn bà". Quan niệm ở đây không những một người đàn ông chỉ có một người vợ cho cả trọn đời mình, mà người còn phải trung tín với người vợ mà Đức Chúa Trời đã ban cho người. Vấn đề không phải là số lượng nhiều người vợ, mà là đức tính của người chồng.
Tại một bữa tiệc, người ta đến hỏi Winston Churchill: "Nếu ông không là ông trong lúc bây giờ, ông muốn mình sẽ giống ai?" Vị Thủ Tướng Anh quốc bập bập điếu xi gà trong một phút rồi đáp: "Nếu tôi không phải là tôi trong lúc bây giờ, tôi muốn mình sẽ trở thành người chồng thứ hai của Bà Churchill". Khán thính giả ồ lên tán thưởng và Churchill đã minh chứng mình là một người đàn ông rất tin kính.
Một "đàn ông cho một đàn bà" có đôi mắt chỉ dành cho vợ mình mà thôi. Người không nhìn cách thèm muốn nơi những đàn bà khác. Người không phạm tội tà dâm. Người không tán tỉnh, ve vản. Người không được chung chạ bừa bãi. Người canh giữ cẩn thận tâm trí mình tránh những ý nghĩ kỳ quặc về tình dục bất hợp pháp. Người xây khỏi báo khiêu dâm. Người làm mọi sự có thể làm để giữ thanh sạch về tình dục và tránh bị quở trách như đã nói ở trên. Thắc mắc luôn luôn phát sinh: "Một người đã ly dị có thể làm một trưởng lão hay một chấp sự không?" Thứ nhứt, việc nầy nương vào bản chất của sự ly dị. Sự ly dị của người phải chăng là theo Kinh thánh? Phải chăng vợ người đã bỏ người? Phải chăng nàng phá vỡ lời thề về một thịt trong một mối quan hệ tà dâm? Hay, mặt khác, có phải người bỏ vợ mình để sống với một phụ nữ khác? Có phải sự ly dị của người là kết quả của sự người ham muốn tội lỗi không? Thứ hai, sự ly dị nầy nương vào loại người nào mà người đang thuộc về trong lúc bây giờ. Có phải người đã lập gia đình với người vợ thứ hai của mình để đỡ một thời gian không? Có phải người chung thủy với nàng không? Có phải cuộc hôn nhân của họ là một tấm gương cho nhiều người khác phải noi theo không?
Sự thực, ấy là một người đàn ông phải là "chồng của một vợ" nhưng chưa hẳn là một người “đàn ông của một người đàn bà". Tôi có biết nhiều người đàn ông chỉ làm một đám cưới nhưng đã có nhiều người đàn bà. Từ Nhà Trắng cho đến nhà của người lân cận của quí vị, đáng buồn lắm vì chuyện nầy quá thường rồi. Mặt khác, tôi biết những người đàn ông đã ly dị cách đây nhiều năm, nhưng giờ đây là những người chồng gương mẫu, họ yêu thương và ấp ủ vợ mình cùng lãnh đạo những gia đình tin kính. Quí vị muốn một trưởng lão cai trị trên quí vị thuộc hạng người nào?
Chúng ta hãy xem xét nội dung. Một trưởng lão phải là người "không chỗ trách được". Nói như thế có nghĩa là người chưa hề bị đổ thừa về bất cứ việc gì? Người phải "có tiết độ". Nói như thế có nghĩa là, chúng ta phải tìm cho ra những người chưa bao giờ, chưa hề uống một giọt rượu? Người cũng phải "hay tiếp khách". Nói như thế có nghĩa là người chưa hề tránh né một lời yêu cầu phải tiếp đón ai đó vào trong nhà mình? Người không được "hung bạo". Nói như thế có nghĩa là người chưa hề có mặt trong một cuộc tranh đấu? Tất nhiên là không rồi.
Tôi không nghĩ "chồng của một vợ" có ý nói người không xứng đáng trên cơ sở một cuộc ly dị ở đâu đó trong quá khứ kia của người. Nếu chúng ta xem xét từng tính chất giống như một số người xét đoán người nầy, chúng ta sẽ không hề tìm gặp bất cứ người nào không vít đủ để phục vụ trong vai trò trưởng lão hay chấp sự.
C. Người phải có tiết độ (câu 2c).
Sát nghĩa "tiết độ" dịch là "không lẫn lộn với rượu" hay "không có mùi rượu". Mặc dù Kinh thánh tuyệt đối chưa hề cấm đoán bất cứ ai sử dụng rượu, chắc chắn là có những mưu luận nghịch lại việc xả láng với rượu. Châm ngôn 20.1 chép: "Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống say làm cho hỗn hào; Phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn ngoan".
Từ ngữ được áp dụng ở đây dường như có ý nói tới một người vốn có sức lực ở bên trong để nói “không” với sự quá độ của trần gian. Những áp lực của người không phải là áp lực cho người có lý trí, mà là cho người có linh hồn. Người có sự tiết độ.
D. Người phải có tài trí (câu 2d).
Có "tài trí" muốn nói phải khôn ngoan, biệt riêng ra, có sự xét đoán đúng đắn. Người là một người có sự bình an ở trong lòng. Người đang sẵn sàng và đáng tin. Chúng ta không cần những trưởng lão nào gàn dỡ và khoe khoang khoác lác từ đây trở đi. Chúng ta không muốn những trưởng lão nào không biết khi nào phải thôi nói, họ không thể giúp giữ lòng tin cậy, họ nói bất cứ thứ chi thoáng qua trong tâm trí họ.
Chúng ta muốn có những trưởng lão thật "nghiêm trang".
E. Người phải xứng đáng (câu 2e).
Gốc rễ của chữ nầy là kosmos, chữ nói tới sự sáng tạo có thứ tự của Đức Chúa Trời về muôn vật. Theo ý nghĩa đó, trưởng lão phải là một người có cách xử sự biết theo thứ tự. Đời sống của người đã được sắp xếp có thứ tự. Quí vị có bao giờ biết hạng người sống bừa bãi chưa? Chúng ta đã biết những gia đình sống bừa bãi như thế, họ không biết họ sẽ đến hay đi đâu. Nhà cửa của họ là một đống lộn xộn. Xe cộ của họ là một chỗ lung tung. Kế hoạch làm việc của họ là hỗn độn. Đời sống của họ là đủ thứ linh tinh. Trong khi chúng ta có thể yêu mến hạng người thể ấy, họ không phải là hạng người mà chúng ta cần cho chức vụ trưởng lão. Như câu 5 chép: "vì nếu có ai không biết cai trị [giữ cho có thứ bậc] nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?"
F. Người phải hay tiếp khách (câu 2f).
"Tiếp khách" ra từ một từ kép có nghĩa là "mến khách". Trong kỹ nguyên Tân ước, khi có một vài nhà nghỉ hay quán trọ và những kẻ từng sống trong hầm tội lỗi, Cơ đốc nhân thường mở cửa nhà của họ cho những Cơ đốc nhân vãng lai khác, mặc dù họ chưa hề gặp trước đây bao giờ. Trưởng lão trong các Hội thánh đầu tiên cần phải nêu gương cho loại tiếp khách giàu ơn nầy. Trưởng lão vẫn phải là những người mở cửa nhà của họ tiếp các vị khách. Họ không phải canh chừng đời sống riêng tư của họ trong sự ích kỷ, mà phải mở cửa nhà mình tiếp các vị khách, giáo sĩ cùng những tôi tớ khác của Chúa vãng lai đến. Họ cần phải mời khách vào vì mối tương giao, sự cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh.
G. Người phải khéo dạy dỗ (câu 2g).
Một trưởng lão phải bằng lòng và có khả năng dạy dỗ Lời của Đức Chúa Trời. Dạy dỗ Ngôi Lời là một đặc ân rất giàu ơn của Đức Thánh Linh. Một số có đặc ân ấy và một số thì không có. Không một chỗ nào trong danh sách các đức tính của hàng chấp sự là đặc ân dạy dỗ nầy. Tại sao? Chấp sự là những tôi tớ. Trưởng lão là hàng giáo sư. Một trưởng lão phải có đặc ân dạy dỗ, sự bằng lòng dạy dỗ và khả năng dạy dỗ.
Người phải là một nhân vật thuộc về Ngôi Lời. Tít 1.9 chép trưởng lão phải "giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả". Một trong những nguyên tắc tự lo liệu các trưởng lão của chúng ta đã áp đặt cho chúng ta, ấy là chúng ta phải dấn thân vào chức vụ dạy dỗ.
Dù là dạy dỗ ở toà giảng, trong lớp học, nhóm nghiên cứu Kinh thánh tại gia hay tương giao học tập từng đôi một, mỗi trưởng lão phải dạy dỗ. Tại sao vậy? Có ba lý do. Thứ nhứt, chúng ta chu toàn nhiệm mạng theo Kinh thánh. Thứ hai, khi quí vị phải dạy dỗ, quí vị phải học hỏi. Thứ ba, nếu một người trong chúng ta sa vào tà giáo, sự dạy của người sẽ làm cho sáng tỏ ra.
Những trưởng lão khéo dạy dỗ là những trưởng lão chuyên tâm học tập. Không một người nào học Kinh thánh giống như những người phải đứng dạy Kinh thánh ấy. Trưởng lão phải xử lý có những thắc mắc khó về giáo lý. Họ phải là hạng người mạnh mẽ của Ngôi Lời, họ thường xuyên vững chãi hơn.
H. Người không được mê rượu (câu 3a).
Chúng ta đã nhắc tới rượu dưới "sự điều độ" rồi. Một lần nữa, không có một sự ngăn cấm nào trong Kinh thánh. Tôi không tin rượu trong Kinh thánh đề cập tới nước nho. Nếu đấy là trường hợp, tại sao Phaolô lại quan tâm một khi trưởng lão được cung ứng cho "nhiều nước nho"?
Tôi không uống rượu hay bất cứ một thứ rượu nào khác như một thứ bổn phận. Chủ yếu là tôi không muốn con cái của tôi khi lớn lên biết uống rượu. Tôi không muốn nêu một tấm gương cho quí vị phải dùng rượu. Tôi không muốn đưa ra một lời xin lỗi vì một người chưa tin Chúa từ chối Tin lành. Tôi biết một người nhơn đức với một người vợ tin kính, bà vợ nghĩ chồng mình chẳng cần gì đến Đấng Christ hay Hội thánh chỉ vì ông ấy uống bia mỗi tuần với một hai ông chấp sự.
I. Người cũng không hung bạo (câu 3b).
Một số người khó kềm được tánh nóng của mình. Giống như một ngọn núi lửa, khi hơi nóng bên trong lên tới độ sôi cực độ, chúng làm tan chảy bất cứ thứ chi nằm trên đường đi của chúng. Họ phun ra những lời nói và hành động hung bạo không còn có thể rút lại được. Chức vụ của Hội thánh sẽ thử sự kiên nhẫn của bất kỳ người nào. Người nào không thể kềm chế tánh ý mình thì chẳng sẵn sàng cho chức năng lãnh đạo trong Hội thánh.
J. Người không được tham tiền (câu 3c).
Mặc dù "đừng ham tiền bạc" không thấy có trong một số bản thảo Tân ước xưa nhất và vì lẽ đó không có trong các bản hiện đại, đức tính nầy chắc chắn là phải tùy theo Kinh thánh. Người sẽ không sử dụng chức vụ để nhét đầy túi mình và người sẽ không tiêu pha năng lực của mình cho sự thờ lạy đồng đôla. Thay vì thế, trưởng lão phải là một người rời rộng. Người luôn luôn sẵn sàng bố thí để giúp đỡ cho ai đó đang có cần.
K. Người phải mềm mại (câu 3d).
Trưởng lão là một người giàu ơn, kiên nhẫn; là người nhìn thấy những tác động gây nguy hại của tội lỗi và có lòng thương xót cho những ai đang vấp ngã.
L. Người phải hoà nhã (câu 3e).
Người sống rất bình an. Người không tìm cách gây hấn. Người sẽ chiếm lấy một chỗ đứng, nhưng người chọn chiến trận của mình cách cẩn thận. Người mau tha thứ và không cưu mang hận thù.
M. Người không được ham muốn (câu 3f).
Một số bản Kinh thánh dịch cụm từ nầy là: "thoải mái không ham muốn tiền bạc". Người không đánh giá sự thành công của mình trong cuộc sống bằng của cải vật chất cùng những thành tựu, mà bằng cách thức người đã phục vụ Chúa.
N. Người phải là nhân vật khéo cai trị nhà riêng mình (các câu 4-5).
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất khi xem xét đức tính của một người trong vai trò trưởng lão là nhà riêng mình. Có phải người "cai trị" hay quản lý khéo "nhà riêng mình" hay không? Có phải cuộc sống hôn nhân của người là một tấm gương cho nhiều người khác? Có phải con cái người đều sống "trong sự đầu phục" hoặc chịu dạy không? Có phải chúng đang tỏ ra "sự ngay thật" và lịch sự không? Không một người nào là một người chồng và người cha trọn vẹn cả đâu. Hết thảy chúng ta đều phạm phải sai lầm. Hết thảy chúng ta đều có những bất đồng với vợ của mình. Hết thảy chúng ta đều tỏ ra sự xét nét nghèo nàn với con cái của chúng ta hết lúc nầy tới lúc khác. Phần thử nghiệm ở đây, ấy là có phải gia đình của người sống phù hợp với tấm gương nêu trong Kinh thánh không?
Tại sao điều nầy quan trọng như vậy? Câu 5 hỏi: "vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?" Nếu một người thất bại trong vai trò làm chồng làm cha, chắc chắn người sẽ thất bại trong vai trò trưởng lão. Những người làm cha và trưởng lão có nhiều điểm chung với nhau. Cả hai đều lo dàn xếp những cuộc tranh cãi. Cả hai phải hành động cách khôn ngoan. Cả hai phải sử dụng thẩm quyền một cách cẩn thận.
Cả hai phải dạy dỗ nhiều. Cả hai phải nêu gương. Cả hai phải lo xử lý với hạng người tội lỗi, ích kỷ. Cả hai phải thực thi phần kỷ luật thường xuyên. Cả hai phải khích lệ. Bảng danh sách còn tiếp tục nhiều nữa. Nếu một người không thể quản lý con cái của chính mình, người sẽ không bao giờ quản được con cái ngày càng tấn tới của Đức Chúa Trời được.
O. Người không được tự kiêu (câu 6).
"Một người mới học việc" có ý nói tới một người vừa mới trở lại đạo, một tân tín hữu. Tôi yêu mến những tân tín hữu, bất luận họ ở độ tuổi nào. Họ rất sốt sắng vì Chúa. Họ rất sốt sắng muốn học hỏi và lớn lên. Họ rất sốt sắng lo làm chứng, sốt sắng thờ phượng, sốt sắng cầu nguyện và sốt sắng học hỏi. Đối với mọi ao ước của họ, các tân tín hữu không hề được giao cho những địa vị có quyền lực. Họ chưa sẵn sàng và họ sẽ làm tổn thương và cũng một thể ấy với dân sự ở chung quanh họ. Tại sao vậy? Vì giao cho một tân tín hữu quyền hành giống như trao một đống 357 chai một lít rưỡi cho một đứa bé 5 tuổi. Nó sẽ xô đổ hết. Người sẽ dễ dàng rơi vào chỗ "tự kiêu". "Tự kiêu" có nghĩa là "thổi lên ngọn khói". Cái đầu của người sẽ ở trong ngọn khói. Người sẽ bị mù quáng bởi tính kiêu căng và người sẽ "sa vào án phạt của ma quỉ chăng". Lucifer, từng là một thiên sứ sáng láng, đã tưởng mình sẽ là Đức Chúa Trời và lãnh đạo một sự loạn nghịch trên thiên đàng. Hắn bị xét đoán và bị trục xuất. Chính sự kiêu ngạo đã hạ thấp Satan đó sẽ hạ thấp tân tín hữu xuống. Châm ngôn 16.18 chép: "Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã".
Phải mất bao lâu thì một Cơ đốc nhân mới lớn lên, ra khỏi chẳng đường "học việc"? Một số tấn tới rất nhanh chóng. Những người khác thì không. Tôi biết nhiều người họ đã được cứu chừng mấy chục năm nay, nhưng vẫn không thể nắm được quyền lãnh đạo. Ấy là do cái đầu của họ.
P. Người phải được người ngoại làm chứng tốt cho (câu 7).
Một trưởng lão phải "được người ngoại làm chứng tốt cho". Những người chưa tin Chúa cũng như các tín hữu phải tôn trọng người. Hãy suy nghĩ về sự ấy trong một phút xem. Những người chưa tin Chúa nhìn quí vị như thế nào? Có phải họ biết quí vị là một người chuyên trả hoá đơn đúng hạn không? Có phải họ nhìn thấy quí vị lịch sự, đáng trọng và tuân giữ luật pháp không? Có phải họ công nhận rằng quí vị giữ lời, quí vị đáng tin cậy không?
Làm sao một người chia sẻ Tin lành trong một cộng đồng đang nhìn thấy người ấy giống như một kẻ lừa gạt cho được? Loại danh tiếng nào Hội thánh sẽ có nếu Hội thánh cất nhắc một người lên nắm quyền lãnh đạo mà người ngoại biết rõ hắn là một kẻ chuyên lừa đảo và là kẻ bịp bợm?
Philíp 2.15 nói chúng ta cần phải cư xử theo một cách thức "được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian". Chúa Jêsus phán trong Mathiơ 5.16: "Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời".
Nếu một người với sự làm chứng nghèo nàn trong cộng đồng được biệt riêng ra trong vai trò trưởng lão, người ấy chắc chắn sẽ: "sa vào án phạt của ma quỉ". Satan là một kẻ hay săn lùng. I Phierơ 5.8 mô tả hắn là kẻ: "như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được". Hắn theo dấu chúng ta và lùng sục tìm kiếm chúng ta rồi mai phục để bắt lấy chúng ta. Hắn cũng là kẻ hay gài bẫy chuyên rình rập chúng ta. Khi tôi còn là một thiếu niên, tôi thường gài những cái bẫy trong thung lũng ở đàng sau nhà tôi. Tôi muốn bắt gấu trúc hay gấu túi. Những cái bẫy phải thật tinh vi. Chúng phải được che giấu, ngụy trang cho kỹ. Chúng phải có loại mồi với sự cám dỗ không thể cưỡng lại được. Satan đặt những cái bẫy rình rập cấp lãnh đạo của Hội thánh. Nếu hắn có thể "bẫy" một trưởng lão phạm tội, hắn có thể đưa cả Hội thánh vào trong sự "quở trách" trước mặt cả thế gian đang quan sát.
Cho phép tôi đưa ra cho quí vị ba ý tưởng.
1. Nếu quí vị có sự ưa muốn ở trong lòng về chức vụ lãnh đạo, hãy sánh nó với sự ham muốn ở bên ngoài về sự chuẩn bị.
2. Dù quí vị có là trưởng lão hay không, hãy nhận biết những đức tính nầy là mẫu mực cho tất cả những tín đồ.
3. Hãy cầu thay cho các trưởng lão để họ trở thành hạng người mạnh mẽ nắm chặt lấy những đức tính nầy và tránh được những cái bẫy của kẻ tội ác.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét