Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Mathiơ 5.1-3: "SỨ ĐIỆP CỦA NHÀ VUA"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
SỨ ĐIỆP CỦA NHÀ VUA
PHƯỚC CHO NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG
Mathiơ 5.1-3
1. HẾT THẢY lời lẽ trong Kinh Thánh đều do Đức Thánh Linh cảm thúc. Theo II Timôthê 3.16: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” hay nói thẳng ra, cả Kinh Thánh đã được “Đức Chúa Trời hà hơi”. Từng câu không thể sai được, không thể sai sót hoặc không có khả năng sai sót. Trong một bản Kinh Thánh [Anh ngữ], những câu được in màu đỏ đều xuất phát từ môi miệng của Con Đức Chúa Trời.
2. Tôi thường tìm cách hình dung khuôn mặt của Chúa Jêsus, đôi mắt của Ngài và đặc biệt là giọng nói của Ngài. Đó là một giọng nói thương xót dành cho thế giới bị hư mất. Ngài phán: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít (9.37). Đó là một giọng nói dịu dàng dành cho hạng người đang sống trong đau khổ. Ngài phán với bố mẹ của một đứa trẻ đã chết: “Đứa trẻ chẳng chết đâu, song nó ngủ”. Ngài phán rất dịu dàng với đứa gái nhỏ đã chết: “Talitha, cumi”, dịch là “Hỡi con gái nhỏ, ta phán cùng ngươi, hãy chờ dậy”. Đó là một giọng nói mạnh mẽ quở trách dành cho kẻ kiêu ngạo và kẻ không chịu ăn năn. Ngài phán với người Pharisi: “Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?” (23.33). Đó là một giọng nói đầy sự tôn kính và vâng phục đối với Đức Chúa Cha. Trong vườn, Ngài đã cầu nguyện: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (26.39). Đó là một giọng nói dạt dào tình yêu thương dành cho hạng tội nhân. Từ thập tự giá, Ngài phán: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Luca 23.34). Đó là một giọng nói đắc thắng sau sự sống lại. Ngài phán: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (28.18-20).
3. Trong phần nghiên cứu tin lành theo Mathiơ, chúng ta đã nghe tiếng của Chúa Jêsus chỉ có bốn lần: khi Ngài chịu Giăng Báptít làm phép báptêm (3.15), khi Ngài đáp trả những lời cám dỗ của Satan bằng Kinh Thánh (4.1-11), khi Ngài bắt đầu chức vụ giảng dạy (4.17), và khi Ngài kêu gọi các môn đồ đầu tiên (4.19).
4. Phân đoạn Kinh Thánh trước mặt chúng ta hôm nay không giống với một phân đoạn nào khác trong Kinh Thánh. Đó là lời phán dạy do Chúa Jêsus thốt ra ở một thời điểm thật đặc biệt. Các lẽ thật trong đó có tính cách mạng vào lúc bây giờ và cứ tiếp tục thách thức con người trong 2000 năm. Các chương 5-7 thường được gọi là Bài Giảng Trên Núi. Mặc dù chúng ta đi khá nhanh qua bốn chương đầu tiên, ở đây chúng ta sẽ đi chậm lại và tiếp thu cho đầy đủ lời dạy phong phú của Cứu Chúa chúng ta một khi Đức Thánh Linh ứng dụng chúng vào đời sống chúng ta.
5. Trước khi tiếp tục, chúng ta cần phải nắm lấy NỘI DUNG đã được ghi lại trong các câu 1-2.
A. Chúa Jêsus đã nhìn thấy “đoàn dân đông” (câu 1a). Đây là số người được nhắc tới ở 4.24-25. Chúa Jêsus vốn yêu thương mọi người và họ được kéo đến cùng Ngài.
B. Chúa Jêsus “bèn lên núi kia” (câu 1b). Trước khi ngọn núi ở xứ Galilê nầy trở thành nơi thánh và toà giảng của Ngài, nó nằm giữa nhiều ngọn núi. Ngài đã làm cho nó nên thánh cho một sự sử dụng thánh và theo truyền khẩu giờ đây nó được gọi là: “Ngọn núi của các phước lành”.
C. Chúa Jêsus “đã ngồi” (câu 1c). Nếu một rabi giảng dạy khi đang đứng, lời lẽ của ông bị xem là không theo thủ tục quy định. Khi ông ta ngồi xuống, điều nầy nhấn mạnh uy quyền chức vụ của ông. Điều nầy ngược lại với tập quán của chúng ta ngày nay. Sự kiện Chúa Jêsus “đã ngồi” khiến cho đoàn dân đông phải im lặng lắng nghe.
D. “thì các môn đồ đến gần” (câu 1d). Bài Giảng Trên Núi làm phu phỉ hai mục tiêu.
1. Thứ nhứt, bài giảng này dạy cho người chưa tin Chúa biết các tiêu chuẩn tối hậu về sự công bình trong Vương quốc. Sự dạy nầy tỏ ra cho đoàn dân đông thấy rằng họ chưa đến gần Đức Chúa Trời trong tình trạng hiện tại của họ. Họ cần phải tin cậy Cứu Chúa đang ở trước mặt họ. Quý vị không thể thực thi các sự dạy của Kinh Thánh cho tới chừng nào quý vị đã được cứu. Quý vị không có quyền phép để thắng hơn tội lỗi nếu chưa tiếp nhận Đấng Christ.
2. Thứ hai, bài giảng nầy dạy cho người chưa tin Chúa cách thức họ phải sống như hạng người công dân trong Vương quốc. Sự dạy nầy tỏ ra cho “các môn đồ Ngài” khi ấy và các môn đồ thời đại lúc bây giờ làm thể nào chúng ta có thể sống vì Chúa Jêsus đang sống trong chúng ta!
E. Chúa Jêsus “mở miệng mà truyền dạy rằng” (câu 2). Đây là lối nói thông thường rất phổ thông trong thời đó. Cách nói ấy cho thấy những gì được nói ra là rất quan trọng.
6. Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ nội dung của phần giới thiệu Bài Giảng Trên Núi (các câu 3-12).
A. Bài giảng nầy thường được gọi là Các Phước Lành. Từ ngữ nầy được rút ra từ một tiếng Latinh đề cập tới tình trạng phước hạnh.
B. Mỗi một phước lành bắt đầu với chữ “Phước cho”. Từ ngữ nầy đền từ chữ makarios có nghĩa là “hạnh phúc, may mắn, ơn phước”.
C. Kinh Thánh thường nói tới Đức Chúa Trời là “Hạnh phước” (đối chiếu Thi thiên 68.35; 72.18; I Timôthê 1.11). Giống như hạnh phước là một đặc điểm của Đức Chúa Trời, hạnh phước cũng là một đặc điểm của con người chỉ khi họ dự phần vào bổn tánh của Đức Chúa Trời nhờ ơn cứu rỗi.
D. Xã hội của chúng ta nói với chúng ta: “Phước cho người giàu, người nổi tiếng, người có uy quyền, người đưa ra đề nghị và người gây sửng sốt, nhân vật quan trọng…”. Còn Chúa Jêsus phán: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn… những kẻ than khóc… những kẻ nhu mì… những kẻ đói khát sự công bình… những kẻ hay thương xót… những kẻ có lòng trong sạch… những kẻ làm cho người hoà thuận… những kẻ chịu bắt bớ…”. Chúa Jêsus dạy rằng những khó khăn mà người ta chịu đựng vì lý do đúng đắn sẽ đem lại phước hạnh.
E. Salômôn là một trong số người uy quyền nhất trong thời của ông. Ông đã có mọi sự mà thế giới đã cung ứng cho. Sách Truyền đạo là câu chuyện nói về sự ông theo đuổi “ơn phước” đời nầy. Kết luận của ông thế nào? Sau khi tìm kiếm “ơn phước” trong mọi sự, ông nói: “Hư không của sự hư không, thay thảy đều hư không” (Truyền đạo 1.2). “Vô luận đời sống bạn có cái gì đi nữa, ngoài Đức Chúa Trời chẳng có phước hạnh chi hết. Cho dù bạn không có chi hết, sống trong mối giao thông với Đức Chúa Trời thì có đầy dẫy ơn phước”.
7. Với điều nầy trong trí, chúng ta hãy xét qua phước hạnh thứ nhứt trong các phước lành ở câu 3: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!”.
I. Ý NGHĨA CỦA SỰ KHIÊM NHƯỜNG.
A. Xác định từ ngữ “khó khăn”
1. Trong câu nầy “khó khăn” ra từ một động từ có nghĩa “co rút lại, thu mình lại hay khúm núm”. Các trước giả Hy lạp đã sử dụng từ ngữ nầy để mô tả hạng người hoàn toàn nghèo khó, họ đang ngồi co rút lại, bó gối trong một góc kẹt xin ăn. Cơ bản chữ nầy có nghĩa là hạ mình xuống.
2. Trong thế kỷ đầu tiên, chẳng có một hệ thống phúc lợi nào hết, người nào không làm việc sẽ phải đi ăn xin mà thôi. Cũng chính từ ngữ nầy được dịch là “ăn mày” (beggar) ở Luca 16.20 và thường mô tả gã ăn mày Laxarơ.
3. Ở đây, tại Texas, chúng ta nói rằng có người thì nghèo khó, còn một số người khác thì “nghèo mà bẩn”.
B. Chúa Jêsus không đề cập tới việc nghèo vật chất, mà đề cập tới nghèo “trong tâm linh”.
1. Chúa Jêsus không nói rằng nghèo vật chất là một phước hạnh đâu. Thường thì những người có ít vật chất đời nầy không bị chúng ta quên lãng đi, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì hết. Luôn luôn có hạng người giàu có dâng mình làm tôi tớ của Đức Chúa Trời.
2. “Lòng khó khăn” có ý nói nghèo khó về mặt thuộc linh. Nói như thế là công nhận bạn bị hư mất, thiếu thốn, nghèo khổ xa cách Đức Chúa Trời.
3. Mỗi người được sanh ra trong thế gian nầy đều chết về mặt thuộc linh. Êphêsô 2.1 nói chúng ta đã “chết trong sự quá phạm và tội lỗi mình”.
4. Chúng ta phải hiểu rằng chỉ khi chúng ta nhìn nhận chúng ta “có lòng khó khăn”, chết về mặt thuộc linh thì chúng ta mới có thể được cứu.
C. Có nhiều tham khảo trong Kinh Thánh về sự “có lòng khó khăn”.
1. Êsai 66.2 chép: “Đức Giê-hô-va phán: Mọi sự nầy đều bởi tay ta làm ra, và có như vậy. Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó, có lòng ăn năn đau đớn, nghe lời nói ta mà run”.
2. Thi thiên 34.18 chép: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương, Và cứu kẻ nào có tâm hồn thống-hối”.
3. Luca 18.9-14 mô tả những lời cầu nguyện của người Pharisi và người thâu thuế. Trong khi người Pharisi cứ bi bô khoe khoang, người thâu thuế đã có “lòng khó khăn” vì ông ta đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội”. Chúa Jêsus đã khen ngợi ông ta: “Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.
4. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi, Môise đã nài xin vì ông thấy mình không xứng đáng.
5. Phierơ nói: “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội” (Luca 5.8).
6. Phaolô nói rằng ông là đầu trong những kẻ có tội (I Timôthê 1.15).
D. Trước khi chúng ta được cứu hay được Đức Chúa Trời sử dụng chúng ta phải biết hạ mình xuống.
1. Điều kiện ắt có và đủ để được cứu là phải hạ mình xuống rồi nhìn nhận tình trạng đáng buồn của chúng ta là hạng tội nhân (đối chiếu Rôma 3.10, 23).
2. Chúng ta đã từng được cứu, chúng ta vô dụng cho Đức Chúa Trời khi chúng ta sanh lòng kiêu ngạo.
3. I Phierơ 5.5-6 chép: “Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên”.
4. Giacơ 4.10 chép: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên”.
II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ HẠ MÌNH.
A. Chúa Jêsus đưa sự hạ mình lên đầu danh sách.
John MacArthur viết: “Chúa Jêsus đặt phước lành nầy trước tiên vì sự hạ mình là nền tảng cho mọi thứ ơn khác, một yếu tố chính trong việc trở thành Cơ đốc nhân. Kiêu ngạo không có phần trong Nước của Đấng Christ, và cho tới khi một người biết khắc phục sự kiêu ngạo, người đó không thể vào trong Nước Trời được. Cánh cửa bước vào Nước Trời rất thấp, và không một người nào đứng cao ngạo đi ngang qua nó được. Chúng ta không thể được châm đầy cho tới chừng nào chúng ta trống rỗng, chúng ta không được kể là xứng đáng cho tới chừng chúng ta nhìn nhận tình trạng bất xứng của mình; chúng ta không thể sống cho tới chừng chúng ta công nhận chúng ta đã chết. Chúng ta trông đợi trái mọc ra mà chẳng có cây y như trông đợi các ân tứ khác của đời sống Cơ đốc trổ ra mà chẳng có sự hạ mình. Chúng ta không thể bắt đầu cuộc sống Cơ đốc nếu không có sự hạ mình và chúng ta không thể sống cuộc sống Cơ đốc với sự kiêu ngạo được”.
B. Ngày nay, Cơ đốc nhân nghe giảng rất ít về sự hạ mình. Sách báo Cơ đốc, cùng những giáo hội nghĩ đầy dẫy với lượng thông tin làm thể nào để trở thành một con người [nam hay nữ] tin kính, làm thế nào để quản lý tài chính, hôn nhân, con cái cùng vô số những vấn đề khác. Tuy nhiên, khi đến cửa hàng sách mới đây, tôi chẳng tìm thấy một quyển sách nào nói về việc phải tự hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời hết.
C. Cho dù bạn đã được cứu, bạn vẫn cần phải “có lòng khó khăn”.
1. Có người nói: “Thưa Mục sư, chúng ta là hạng thánh đồ, là những người thánh, là Cơ đốc nhân chúng ta được cung ứng cho sự công bình của Đấng Christ, tôi thắc mắc về vấn đề nầy. Tại sao chúng ta phải hạ thấp những gì Đức Chúa Trời đã nhấc cao lên chứ! Chúng ta không còn có ‘lòng khó khăn’ nữa, điều đó chỉ dành cho hạng người bị hư mất mà thôi”.
2. Nếu đây là quan niệm của bạn, bạn đã bỏ qua mục đích rồi. Khi bạn được cứu, Đức Chúa Trời đã ban cho bạn sự công bình của Đấng Christ và nhận bạn làm con nuôi trong gia đình của Ngài. Tuy vậy, bạn hãy còn sống trong xác thịt tội lỗi và tự xác thịt đó bày tỏ ra tánh kiêu ngạo của nó. Châm ngôn 16.5 chép: “Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va”. Chúng ta phải tiêu trừ sự kiêu ngạo để sống đời sống Cơ đốc đắc thắng.
III. THÀNH TỰU CỦA SỰ HẠ MÌNH.
Con người không thể đạt tới sự hạ mình là vì xác thịt đang tranh chiến chống lại sự hạ mình đó. Hạ mình là công việc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta phải sống khiêm nhường. Tôi có thể nghĩ tới, ít nhất 5 bước tạo ra sự hạ mình đó.
A. Bước thứ nhất là công nhận tội lỗi của chúng ta và được cứu. Người nào chưa được cứu không thể khởi sự học tập sự hạ mình được. Bạn phải tự hạ mình xuống, nhìn nhận tội lỗi của mình và tiếp nhận Đấng Christ trước tiên!
B. Bước thứ hai là tập trung về Đức Chúa Trời.
1. Khi chúng ta tự kỷ luật học hỏi Kinh Thánh hàng ngày và cầu nguyện, khi chúng ta tìm kiếm ý chỉ Ngài trong từng quyết định và phấn đấu làm đẹp lòng Ngài, chúng ta đang trên đường hướng tới việc “có lòng khó khăn”.
2. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải có mặt trong các nhóm học Kinh Thánh.
C. Bước thứ ba là phải tự bỏ mình.
1. Chúa Jêsus đã phán trong Luca 9.23: “Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta”.
2. Điều nầy cần phải tập trung nổ lực, nhưng khi người ta khen ngợi bạn, đừng hả hê vì sự khen ngợi đó, hãy dâng nó cho Đức Chúa Trời và hãy cảm tạ Ngài!
D. Bước thứ tư là cầu xin để sống hạ mình. Đavít đã cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi thiên 51.10). Đức Chúa Trời ban cho mọi ân tứ tốt lành. Hãy cầu nguyện mỗi ngày xin Đức Chúa Trời dạy cho bạn biết sự hạ mình.
E. Bước thứ năm là quyết định bày tỏ ra sự hạ mình mỗi ngày.
1. Trong cuộc sống hãy đặt người khác ở trước mình. Hãy nhường điều gì đó cho ai đó.
2. Khi chúng ta đòi hỏi mọi quyền lợi của mình, chẳng có ai thắng đâu. Philíp 2.3-4 chép: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.
IV. NHỮNG THỬ THÁCH CHO SỰ HẠ MÌNH.
A. Một người biết hạ mình, người ấy sống để tôn cao Đấng Christ. Người xem trọng sự thờ phượng. Người nghiên cứu Lời Chúa vì người muốn học biết thêm về Đấng Christ. Người cầu nguyện vì người cần mối giao thông với Đấng Christ. Người chia sẻ làm chứng cho Đấng Christ. Giống như Phaolô, người biết hạ mình nói: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi” (Philíp 1.21).
B. Một người biết hạ mình không tập trung vào mọi điều mình ao ước. Có người nói: “Hạ mình không phải là suy nghĩ về bản thân mình rất ít, hạ mình là không còn suy nghĩ về chính bản thân mình”. Người đặt Đấng Christ lên trên hết, người khác thứ nhì, và đặt bản thân mình là sau chót.
C. Một người biết hạ mình từ chối không than vãn. Một dấu hiệu chắc chắn nơi người còn đang sống trong sự loạn nghịch với Đấng Christ là khi người than vãn, kêu ca và than phiền về mọi sự và mọi người. Chẳng có điều chi làm thoả mãn mọi sự người trông mong và chẳng có một điều gì làm cho người hài lòng vì người chỉ suy nghĩ về chính bản thân mình mà thôi!
D. Một người biết hạ mình lo gây dựng người khác. Bạn luôn luôn nghe người nói với một lời nói khích lệ, ngợi khen người khác và cảm tạ Đức Chúa Trời vì cớ họ.
E. Một người biết hạ mình hay cầu nguyện. Giống như kẻ ăn mày xin xỏ để có được các nhu cần vật chất, một người biết hạ mình nài xin để có được các nhu cần về thuộc linh. Nếu đời sống cầu nguyện của bạn quá nghèo nàn, bạn cần có một lượng khiêm nhường.
F. Một người biết hạ mình hay cảm tạ. Người biết rõ mọi sự mình có đều đến từ Đức Chúa Trời. Người dâng cho Đức Chúa Trời công trạng và sẽ chẳng bao giờ cảm ơn Ngài đủ.
G. Một người biết hạ mình sống rất minh bạch. Người không biết rõ sự ấy, song người khác nhìn thấy sự hạ mình ấy nơi người.
V. KẾT QUẢ CỦA SỰ HẠ MÌNH.
A. Chúa Jêsus phán về sự hạ mình hay “có lòng khó khăn” “vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy”.
B. Người nào tuyên bố họ bất xứng, Đức Chúa Trời làm cho xứng đáng. Người nào tuyên bố họ vô giá trị, Đức Chúa Trời làm cho có giá trị. Người nào tuyên bố tình trạng tội lỗi của họ, Đức Chúa Trời làm cho họ nên thánh. Người nào nhìn nhận tình trạng nghèo khổ thuộc linh của họ, Đức Chúa Trời làm cho họ giàu có về mặt thuộc linh.
C. Mỗi người, dù được cứu hay chưa được cứu đều cần phải trở nên kẻ “có lòng khó khăn”. Khi ấy chúng ta mới nhìn biết các phước hạnh của “nước thiên đàng”, quyền tể trị và sự trị vì của Đấng Christ trong đời sống chúng ta.
Có ba thời điểm hạ mình lớn lao trong đời sống của tôi: Tôi ĐƯỢC CỨU, SỰ KÊU GỌI tôi BƯỚC VÀO CHỨC VỤ, và SỰ KÊU GỌI tôi LÊN ĐƯỜNG.
Một người khôn ngoan từng nói: “Muốn hưởng lấy nước của Đức Chúa Trời, bạn phải đem nước của bạn ra mà đầu hàng”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét