Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 6.9-18: "Về kiêng ăn và cầu nguyện?"



MATHIƠ - VUA CÁC VUA
Về kiêng ăn và cầu nguyện?
Mathiơ 6.9-18
1. Hãy cùng tôi xem Mác 9.14-29. Tại bối cảnh nầy, về sau trong chức vụ của Chúa Giêxu, Ngài và ba môn đồ thân cận là Phierơ, Giacơ và Giăng xuống từ Núi Hẹtmôn, ở đây Chúa đã bày tỏ ra sự vinh hiển của Ngài hay đã hoá hình trước mặt họ.
A. Khi họ từ trên núi xuống, họ đã nhìn thấy các môn đồ khác đang cãi cọ gay gắt với một đám đông về cậu con trai “bị quỉ câm ám” (câu 17).
B. Cha của cậu trai nầy bước tới trước mô tả cảnh con quỉ nầy ám vào con trai của ông ta (câu 18a). Ông ta nói: "Tôi đã xin môn đồ thầy đuổi quỉ ấy, song đuổi không được” (câu 18b).
C. Chúa Giêxu yêu cầu người ta đưa cậu con trai ấy đến. Sau khi hỏi người cha mấy câu, Ngài phán: "Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả". Người cha đó mới trả lời rằng: "Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!" (các câu 23-24).
D. Chúa Giêxu, đã bày tỏ ra quyền phép của Ngài truyền cho ma quỉ phải ra khỏi cậu con trai đó.
E. Về sau, các môn đồ đã đến “riêng” với Ngài và hỏi: "Sao chúng tôi đuổi quỉ ấy không được?” Chúa Giêxu đáp: "Nếu không cầu nguyện, thì chẳng ai đuổi thứ quỉ ấy ra được" (câu 31).
2. Chúa Giêxu đã sử dụng sự cố nầy để dạy cho các môn đồ biết hai trong số những kỹ luật quan trọng nhất của đời sống Cơ đốc là cầu nguyện và kiêng ăn. Ở đây trong phân đoạn Kinh thánh của chúng ta ở Mathiơ 6, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêxu đưa ra phần dạy dỗ cho cả hai vấn đề.
3. Người Do thái mà Chúa Giêxu giảng đạo cho, họ đã quên phứt phần cơ nghiệp thuộc linh của họ. Cựu ước cung ứng cho chúng ta nhiều trường hợp nói về quyền năng của sự kiêng ăn và cầu nguyện với Đức Chúa Trời.
A. Tôi tớ của Ápraham đã cầu nguyện và Rêbeca, vợ sắp cưới của Ysác bèn xuất hiện.
B. Giacốp đã cầu nguyện và đã vật lộn với Đức Chúa Trời suốt đêm, và Đức Chúa Trời đã đổi tâm thần cay đắng của Êsau, anh Giacốp thành tâm thần yêu thương và phục hoà.
C. Môise đã cầu nguyện và quân Amaléc bị đánh bại.
D. Anne đã cầu nguyện và Đức Chúa Trời đã ban Samuên là con trai ra từ tấm lòng son sẻ của bà.
E. Êsai và Êchêxia đã cầu nguyện và trong 12 giờ đồng hồ, 185.000 quân Asiri đã bị giết.
F. Giacơ 5.16-17 nhắc cho chúng ta nhớ: "Êli vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn, người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu”.
G. Câu 16 của phân đoạn nầy chép: "người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều”.
4. Hãy theo sát tôi khi chúng ta học biết từ Chúa Giêxu: Phương thức cầu nguyện đúng đắn và cách kiêng ăn phải lẽ.
I. PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN ĐÚNG ĐẮN (các câu 9-15).
A. Huấn luyện cơ bản về sự cầu nguyện.
1. Là một phần của Bải Giảng Trên Núi, Chúa Giêxu cung ứng cho chúng ta một mẫu cầu nguyện. Phần đoạn nầy thường được gọi là: "Bài cầu nguyện của Chúa". Tuy nhiên, tôi gọi đây là: "Bài cầu nguyện mẫu" vì đây không phải là lời cầu nguyện mà Chúa đã cầu nguyện, mà là một khuôn mẫu hay phiên bản, trên đó chúng ta có thể xây dựng đời sống cầu nguyện của chúng ta.
Nếu quí vị sắp sửa xây một ngôi nhà, quí vị phải có một phiên bản hay một sơ đồ. Nếu quí vị sắp sửa đi du hành khắp cả xứ, quí vị phải có tấm bản đồ chỉ ra các xa lộ và thị trấn dọc theo tuyến đường đi. Khi quí vị nghiên cứu Bài Cầu Nguyện Mẫu, hãy nghĩ đấy là tấm bản đồ hay một phiên bản, nó dạy chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào và điều chi có cần trong lời cầu nguyện của chúng ta.
2. Chúa Giêxu phán: "Vậy, các ngươi hãy cầu như vầy..." Nói cách khác, khi quí vị cầu nguyện, hãy cầu theo những dòng mẫu nầy...hãy cầu nguyện như thế nầy...
3. Hãy nhớ trong câu 7, Chúa cảnh cáo chúng ta đừng sử dụng "những lời lặp vô ích". Chúa Giêxu không cung ứng cho chúng ta lời cầu nguyện nầy để chúng ta sẽ lặp đi lặp lại vô ích. Thực ra, không một chỗ nào trong Tân ước chúng ta tìm gặp một lời cầu nguyện nào được lặp đi lặp lại và được sử dụng theo một kiểu cách vô ích, và trống không.
4. Bài Cầu Nguyện Mẫu không phải là một công thức có tính cách ma thuật để lặp đi lặp lại. Thật lấy làm tốt mà học thuộc lòng bài cầu nguyện đó, và suy gẫm nó. Tuy nhiên, tự nó không phải là một lời cầu nguyện, nó chỉ là một tóm tắt trên đó chúng ta có thể thêm vào những lời lẽ riêng của chúng ta, có đủ tính cách thờ phượng, ngợi khen, dâng lời biết ơn, và những điều cầu xin nữa.
5. Bài Cầu Nguyện Mẫu không được cung ứng cho chúng ta như một sự thay thế cho mọi lời cầu nguyện của riêng chúng ta, mà là một kim chỉ nam cho các lời cầu nguyện ấy.
B. Lời cầu nguyện nhắm vào Đức Chúa Cha (câu 9).
1. Chúa Giêxu đã cầu nguyện: "Lạy Cha chúng tôi ở trên trời.." khi chúng ta nói đến Đức Chúa Trời của mọi loài thọ tạo, chúng ta cần phải nhắc tới Ngài là “Cha” của chúng ta.
2. Hôm nay có đôi lúc tôi nghe thấy dân sự cầu nguyện với Chúa Giêxu. Tôi không nhìn thấy việc ấy trong Kinh thánh. Khi Chúa Giêxu dạy các môn đồ cầu nguyện, khi nào Chúa Giêxu cầu nguyện Ngài luôn luôn nói tới Cha trên trời. I Timôthê 2.5 cho chúng ta biết rằng Chúa Giêxu là “Đấng Trung Bảo” giữa con người và Đức Chúa Trời.
3. Khi quí vị cầu nguyện, hãy hình dung Đức Chúa Trời là Cha, là Đấng hay lắng nghe con cái Ngài. Điều nầy ám chỉ vài lẽ thật quan trọng:
a. Vì Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, Ngài sẽ thành tín với chúng ta.
b. Vì Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta tình yêu vô điều kiện.
c. Vì Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, Ngài sẽ chẳng lìa chẳng bỏ chúng ta đâu.
d. Vì Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, chúng ta là kẻ kế tự mọi sự giàu có của thiên đàng. Ngài sẽ tiếp trợ cho từng nhu cần của chúng ta.
e. Vì Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, Ngài sẽ lắng nghe khi chúng ta thưa chuyện cùng Ngài.
f. Vì Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, Ngài luôn luôn nghênh đón chúng ta về quê hương, dù khi chúng ta lạc sai xa cách Ngài.
4. Chúa Giêxu cũng dạy rằng Cha chúng ta đang ở “trên trời”. Nói như thế có nghĩa là Ngài đang ở “trên các từng trời”, theo thể số nhiều. Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tại, Ngài rất siêu việt, Ngài có mặt khắp mọi nơi. Tôi thích nói Ngài là ở đâu cũng có mặt, có nghĩa là Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi. Đức Chúa Trời đang hiện hữu trong các thiên hà xa xôi đối với hệ mặt trời của chúng ta, ấy thế mà Ngài cũng gần gũi sát một bên đối với chúng ta nữa.
5. Chúa Giêxu nói về Đức Chúa Cha: "Danh Cha được thánh". "Thánh" là một từ Anh ngữ cổ xưa, vượt thời gian, được dịch từ chữ gốc Hy lạp, từ chữ nầy chúng ta có các từ ngữ như: “thánh khiết, thánh thiện, nên thánh...". Vì thế cầu nầy đáng phải đọc là: "THÁNH KHIẾT là danh của Ngài".
6. Trong I Phierơ 1.16, Chúa phán cùng chúng ta: “Hãy nên thánh, vì ta là thánh”. Chúng ta phải làm việc để được nên thánh. Đức Chúa Trời là thánh! Bổn tánh Ngài là thánh.
7. Khi chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Cha, chúng ta nên đến trước mặt Ngài không những với sự thân mật như một người con, mà còn với một sự tin kính và kính sợ danh thánh của Ngài.
a. "Hỡi Đức Giêhôva, phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin cậy nơi Ngài; Vì Ngài chẳng từ bỏ kẻ nào tìm kiếm Ngài" (Thi thiên 9.10).
b. "Tôi sẽ ngợi khen Đức Giêhôva y theo sự công bình Ngài, và ca tụng danh Đức Giêhôva là Đấng Chí Cao” (Thi thiên 7.17).
c. Thi thiên 20.7 chép: “Kẻ nầy nhờ cậy xe cộ, kẻ khác nhờ cậy ngựa. Nhưng chúng tôi nhờ cậy danh Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời chúng tôi”.
C. Cầu nguyện ước mong Nước Đức Chúa Trời và Ý chỉ của Đức Chúa Trời (câu 10).
1. Chúa Giêxu đã nói với Philát Tổng đốc La mã: "Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy" (Giăng 18.36). Cho đến bây giờ, nước của Chúa là một nước thuộc linh. Cho đến bây giờ nước của Chúa Giêxu nằm trong tấm lòng của những người nam người nữ.
2. Ồ, nhưng Kinh thánh cho chúng ta biết một ngày tới đây khi Nước của Đức Chúa Trời sẽ trở thành một Nước thuộc thể. Chính mình Chúa Giêxu sẽ ngồi trên ngai David tại thành Jerusalem. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ cai trị và đồng trị với Ngài.
3. Khi cầu nguyện: "Nước Cha được đến" là nói rằng mục tiêu của chúng ta không nhắm vào các nhu cần và mong muốn tạm thời của chúng ta, mà nhắm vào chương trình của Đức Chúa Trời dành cho con người.
4. Nước của Đức Chúa Trời cũng đến như từng chút một mỗi khi có người được sanh lại.
5. Khi cầu nguyện "Ý Cha được nên" có nghĩa là quí vị mong muốn ý chỉ của Đức Chúa Trời sẽ trở thành ý muốn riêng của quí vị. Nói như thế có nghĩa là quí vị đang bằng lòng bỏ đi điều chi không phải là một phần những gì Đức Chúa Trời muốn dành cho đời sống của quí vị.
6. Âm điệu nầy giống như lời nói đơn sơ, thế nhưng sử dụng chúng làm một khuôn mẫu cho sự cầu nguyện sẽ cách mạng hoá đời sống thuộc linh của quí vị đấy!
D. Sự cầu nguyện nói tới mọi nhu cần của chúng ta (các câu 11-13a).
1. Chúng ta có một nhu cầu về "đồ ăn đủ ngày" (câu 11). "Đồ ăn" làm biểu tượng cho những điều cơ bản. Chúng ta nói về các nhu cần ở đây không thiếu thốn. Ngài không nói: "Xin cho chúng tôi bánh ăn mỗi ngày" hay "Xin cho chúng tôi một bữa ăn 7 món”. "Đồ ăn đủ ngày" làm biểu tượng cho mọi sự có cần cho sự sống: đồ ăn, quần áo, và một mái nhà che nắng che mưa.
2. Chúng ta có một nhu cần về sự tha thứ "các món nợ" (câu 12). Đúng như bánh cần cho thân thể vật lý, sự tha thứ cần cho linh hồn. Khi chúng ta phạm tội chúng ta đang mắc một món nợ. Cầu nguyện có nghĩa là xin Đức Chúa Trời "tha các món nợ của chúng tôi" và rồi bằng lòng "tha kẻ mắc nợ chúng tôi" những ai đã phạm tội nghịch cùng chúng ta.
3. Chúng ta có một nhu cần về sự giải cứu khỏi "điều ác" (câu 13a).
a. Có nhiều người suy gẫm ý nghĩa của lời Chúa Giêxu nói: "Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ". Tại sao Đức Chúa Trời lại làm như thế chứ!?! Ngài là thánh. Danh Ngài được “thánh”. Tại sao một Đức Chúa Trời là Đấng ghét bỏ tội lỗi lại để cho dân sự Ngài bị tội lỗi cám dỗ chứ?
b. Giacơ 1.13 chép: "Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai”.
c. Có người cho rằng điều nầy có nghĩa là: "Đừng dẫn chúng tôi đến với một sự thử thách". Tại sao Đức Chúa Trời không nên dẫn chúng ta vào những cuộc thử thách. Giacơ 1.3 chép: "vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục”. Đức Chúa Trời muốn đức tin chúng ta tấn tới qua các cuộc thử thách.
d. Tôi tin điều nầy có nghĩa là: "Đừng để chúng tôi bị thử thách phủ lút" hay "Xin giúp chúng tôi đừng chịu thua trước sự thử thách". Như thế thì phù hợp với lời cầu xin: "xin cứu chúng tôi khỏi điều ác”.
e. Robert Orbin đã nói: "Có nhiều người muốn được cứu ra khỏi cơn cám dỗ, nhưng lại muốn chạm đến sự cám dỗ đó”.
E. Cầu nguyện đầu phục ý Chúa (câu 13b).
1. Mặc dù có nhiều bản thảo không có chép câu cuối cùng nầy như một phần của Kinh thánh, bài cầu nguyện đẹp đẽ nầy dường như rất đúng. Chúng ta bắt đầu lời cầu nguyện của chúng ta với lời ngợi khen trước sự thánh khiết của Cha chúng ta rồi kết thúc trong việc đem mọi sự đầu phục trước "Nước, quyền, vinh hiển" của Chúa “đời đời”.
2. Khi quí vị dùng những lời cầu nguyện nầy, quí vị đang đem từng phần ý muốn của quí vị mà đầu phục với ý của Đức Chúa Trời.
3. Hãy lắng nghe Vua David nói gì trong I Sử ký 29.10-11: "Hỡi Giêhôva Đức Chúa Trời của Israel, tổ phụ chúng tôi ôi! đáng chúc tạ Ngài cho đến đời đời vô cùng. Hỡi Đức Giêhôva, sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giêhôva ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật".
F. Cầu nguyện bao gồm sự tha thứ (các câu 14-15).
1. Hai câu nầy là phụ lục cho Bài Cầu Nguyện Mẫu. Nghĩa là sau khi thuật lại phần cầu nguyện tóm tắt của Ngài, Chúa Giêxu dừng lại nói: "Thêm một việc nữa về sự tha thứ..."
2. Thứ nhứt, chúng ta cần phải biết rằng tha thứ cho người khác làm cho chúng ta mến thích tấm lòng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ưa thích người nào "tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi”. "Tha thứ" ở đây có nghĩa là "bỏ đi”. Hãy tha thứ giống như Giôsép, Êtiên, và Môise.
3. Thứ hai, chúng ta cần phải biết rằng nếu chúng ta không có lòng tha thứ, Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ chúng ta đâu (câu 14).
a. Đức Chúa Trời đã phán trong I Phierơ 1.16: "Phải nên thánh, vì ta là thánh". Chúng ta không hành động trong sự thánh khiết, chúng ta không hành động giống như Đức Chúa Trời nếu chúng ta không có lòng tha thứ.
b. Trong lời cầu nguyện của quí vị, một phần trong đó phải là sự tha thứ cho người đã làm mích lòng quí vị. HÃY GIỮ VIỆC CẦU XIN ĐỨC CHÚA TRỜI CẤT BỎ ĐI MỌI CẢM XÚC CAY ĐẮNG.
Một tác giả vô danh đã đề ra theo cách nầy:
Tôi không thể nói "chúng ta" nếu tôi chỉ biết sống cho bản thân mình.
Tôi không thể nói "Lạy Cha" nếu mỗi ngày tôi không gắng sức hành động giống như con cái Ngài.
Tôi không thể nói "sống trên thiên đàng" nếu tôi không chất chứa của cải ở đó.
Tôi không thể nói "danh Cha được Thánh" nếu tôi không phấn đấu để được nên thánh.
Tôi không thể nói "Nước Cha được đến" nếu tôi không dùng sức của mình để đẩy nhanh sự cố kỳ diệu ấy.
Tôi không thể nói "Ý Cha được nên" nếu tôi sống bất tuân đối với Lời của Ngài.
Tôi không thể nói "ở đất như ở trời" nếu tôi không hầu việc Ngài ở đây và ngay bây giờ.
Tôi không thể nói "xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày" nếu tôi sống không thành thật hoặc hoặc tìm kiếm mọi việc bằng sự lừa đảo.
Tôi không thể nói "xin tha tội lỗi cho chúng tôi" nếu tôi chất chứa ác cảm nghịch lại ai đó.
Tôi không thể nói "Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ" nếu tôi cố ý tự đặt mình vào đường lối của sự cám dỗ ấy.
Tôi không thể nói "xin cứu chúng tôi khỏi điều ác” nếu tôi không mặc lấy áo giáp của Đức Chúa Trời.
Tôi không thể nói "Nước Cha được đến" nếu tôi không dâng cho Nhà Vua lòng trung thành thích ứng với Ngài như một thần dân trung tín.
Tôi không thể quy cho Ngài "quyền phép” nếu tôi sợ mọi điều con người có thể làm.
Tôi không thể gán cho Ngài sự “vinh hiển” nếu tôi tìm kiếm vinh quang duy cho bản thân mình, và tôi không thể nói “đời đời” nếu đường chân trời của cuộc đời tôi bị thời gian khống chế.
II. CÁCH KIÊNG ĂN PHẢI LẼ (các câu 16-18).
A. Kiêng ăn là một kỹ luật quan trọng cho mọi tín đồ (câu 16a).
1. Chúa Giêxu không nói "nếu" ngươi kiêng ăn, Ngài phán: "Khi các ngươi kiêng ăn...." (câu 16a, 17a).
2. Xuyên suốt Kinh thánh, chúng ta có nhiều tấm gương về các môn đồ trung tín của Đức Chúa Trời, họ đã kiêng ăn khi họ cầu nguyện. Môise, Samsôn, Samuên, Anne, David, Êli, Exơra, Nêhêmi, Êxơtê, Đaniên, Anne, Giăng Báptít, Chúa Giêxu, sứ đồ Phaolô hết thảy đều đã cung ứng bằng chứng về sự kiêng ăn.
3. Vấn đề là, kiêng ăn không bắt buộc. Trong Cựu ước, vào ngày Lễ chuộc tội, người Do thái đã có một ngày kiêng ăn cho cả nước. Tuy nhiên, chúng ta không bắt buộc phải kiêng ăn trong Tân ước.
4. Mặc dù kiêng ăn không bắt buộc, đây là một trường hợp cung ứng cho chúng ta để biết sử dụng trong một tư thế tình nguyện, không gò ép.
5. Kiêng ăn giúp cho tôi biết dâng một ngày cho sự cầu nguyện vì một tình thế hay một quyết định nào đó. Những cơn đau khi đói khát nhắc cho tôi nhớ phải "cầu nguyện không thôi...".
B. Người Pharisi đã kiêng ăn để cho nhiều người khác nhìn thấy (câu 16b).
1. Chúa Giêxu phán rất rõ ràng: "chớ làm như bọn giả hình" hay những kẻ chuyên “làm bộ”. Một lần nữa Ngài đã bắn một phát súng vào hạng người tôn giáo mù quáng.
2. Ngài phán họ có một “gương mặt nhăn nhó” có nghĩa là "bộ buồn rầu". Họ có bộ dạng tôn giáo rất kỉnh kiền. Họ cố sức trông cho thật thuộc linh. Thực ra, Chúa Giêxu nói họ: “nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn”. Ý tưởng cho thấy rằng họ đã trang điểm cho bộ mặt có vẻ xanh xao, trông họ yếu đuối với đói khát để cho người ta tưởng họ sống rất thuộc linh kiêng ăn lâu ngày.
3. Tôi đã nhìn thấy hạng người Cơ đốc hành động theo cùng một cách thế đó. Có người làm bộ mặt ra dài sọc giống như họ đã ăn bắp đựng trong cái hộp Cocacola kia! Có người tệ hại lắm, lại là mấy vị Mục sư. Người nào nghiên cứu Kinh thánh phải là hạng người vui sướng nhất. Tuy nhiên, nhiều lúc họ lo sợ có người nhận biết họ và gia đình họ đến nỗi họ tỏ ra nhiệt tình tìm cách làm cho người ta nghĩ mình là thánh khiết lắm vậy.
4. Có người nghĩ họ trông thánh khiết lắm nếu họ luôn luôn mặc đẹp, comlê và cà vạt, không mặc quần sọt và áo thun ba lổ. Nhiều người khác nghĩ không cần phải giữ dáng vẻ thánh khiết: mái tóc rối nùi, thiếu dầu thơm, quần áo nhăn nheo và giày không đánh bóng. Dù quí vị có làm gì đi nữa để ra vẻ thánh khiết, "hãy bỏ đi". Đức Chúa Trời quan tâm đến tấm lòng, chớ không quan tâm đến quần áo.
5. Người Pharisi tỏ ra rất tôn giáo. Họ thích được người khác chú ý tới. Họ thích được để ý đến và được người ta vỗ tay tán thưởng. Điều Chúa Giêxu mong muốn là đây: Đừng sống giống như họ. Hãy nhớ: "bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi".
C. Khi quí vị kiêng ăn, hãy kiêng ăn chỉ để cho một mình Đức Chúa Trời trông thấy mà thôi (các câu 17-18).
1. Chúa Giêxu phán: "hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt". Trong nền văn hoá của chúng ta, điều nầy có nghĩa là: Hãy đi tắm rửa, cạo râu hoặc trang điểm. Hãy ăn mặc theo như quí vị luôn luôn ăn mặc. Hãy bình thường thôi.
2. Khi quí vị kiêng ăn, quí vị đừng gọi ai chú ý đến mình cả. Chúa Giêxu nói rằng quí vị nên làm cho người ta "không xem thấy ngươi đang kiêng ăn". Không một ai được biết, trừ ra quí vị và Đức Chúa Trời biết mà thôi.
3. Thỉnh thoảng Hội thánh chúng ta tuyên bố một ngày kiêng ăn và cầu nguyện trước một sự cố đặc biệt nào đó. Tôi tin điều đó đúng đấy. Mục đích là đây: bất kỳ ai trong văn phòng hay trong lớp học của quí vị đều không biết quí vị đang kiêng ăn.
4. Kiêng ăn phải tỏ ra rất đơn sơ. Sự kiêng ăn ấy phải tập trung vào Chúa Giêxu. Không ai đề xướng, khoe khoang hay tỏ ra mình đang kiêng ăn. Không nên có một hội nghị về sự kiêng ăn. Chúng ta nên âm thầm kiêng ăn và theo cách mình riêng.
5. Chúa Giêxu phán rằng "Cha là Đấng ở trong chỗ kín nhiệm” sẽ xem thấy "trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi". Nói cách khác, Đức Chúa Trời nhìn thấy lòng tin kính kín nhiệm của chúng ta đối với Ngài. Đức Chúa Trời biết, khi chẳng có ai khác biết và Ngài ban thưởng cho những lời cầu nguyện thành khẩn của chúng ta.
III. HAI LỜI KHUYÊN.
A. Khi ngươi cầu nguyện, hãy nhắm vào Đức Chúa Cha, đừng nhắm vào mọi lời cầu xin của mình.
B. Khi ngươi kiêng ăn, hãy thực hành theo cách riêng tư, đừng làm ở chỗ công cộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét