Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Mathiơ 9.27-38: "Bằng chứng sự thương xót của Nhà Vua"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Bằng chứng sự thương xót của Nhà Vua
Mathiơ 9.27-38
1. Mới đây thôi, phương tiện truyền thông làm cho người ta bị cuốn hút vào câu chuyện thật hứng thú nói về cậu bé 3 tuổi bị té ngã trong một cuộc triển lãm tại sở thú Brookfield, bang Illinois. Trong khi khách tham quan hoảng loạn, một con khỉ đột cái 8 tuổi có tên là Binti, trong lúc mang đứa con nhỏ của nó trên lưng đã đón lấy cậu bé với khuôn mặt hoảng hốt, nhẹ nhàng ôm gọn lấy cậu ta trong hai cánh tay của nó rồi đem đặt cậu bé gần cánh cửa, nơi nhân viên thảo cầm viên có thể nhận lại cậu bé kia. Các phát thanh viên liền tìm cách làm cho lòng thương xót của con thú nầy gần như giống với sự thương xót của con người được nổi bật lên. Tôi muốn đưa ra một câu hỏi thật quan trọng: "Tại sao xã hội của chúng ta bị cảm động bởi một hành vi theo bản năng của một con thú mà chẳng biết gì tới lòng thương xót hiển nhiên và thường xuyên của Đức Chúa Trời?"
2. Mỗi phút chúng ta sống, từng hơi thở chúng ta có là một hành động biểu lộ lòng cảm phục đối với sự thương xót của Đức Chúa Trời. Ngài cung ứng từng nhu cần của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống, sức khoẻ, gia đình, mọi khả năng. Kinh thánh phán rất rõ ràng về lòng thương xót của Chúa chúng ta.
A. Thi thiên 145.8-9 chép: "Đức Giêhôva hay làm ơn, có lòng thương xót, chậm nóng giận, và đầy sự nhơn từ. Đức Giêhôva làm lành cho muôn người, sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên”.
B. Giôên 2.13 chép: "Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Giêhôva Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài là nhơn từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ”.
C. Đaniên đã cầu nguyện: "Không phải cậy những sự công bình mình mà chúng tôi nài xin Ngài, nhưng cậy những sự thương xót cả thể của Ngài” (Đaniên 9.18).
D. Ca thương 3.22-23 chép: "Ấy là nhờ sự nhơn từ Đức Giêhôva mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm”.
E. Hêbơrơ 2.17 mô tả Chúa Giêxu là "thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín".
F. Êphêsô 2.7 làm cho mục đích của Đức Chúa Trời ra chi tiết hơn: "hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhơn từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
G. Tít 3.5 nói ơn cứu rỗi "không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài".
3. Đức Chúa Giêxu Christ là nhân vật đầy lòng thương xót đã từng sống trên đất. Ngài chữa lành, tha thứ, khích lệ, khóc lóc và chia sẽ niềm vui của Ngài với con người. Trong hành động quan trọng nhất của Ngài, Ngài đã chịu chết vì tội lỗi của toàn thể nhân loại và đã đắc thắng sống lại ra khỏi mồ mả.
4. Các sách tin lành, đặc biệt tin lành theo Mathiơ cung ứng cho chúng ta một tia nhìn thoáng vào tấm lòng của Đấng Mêsi. Từ phân đoạn nầy, chúng ta hãy lưu ý ba bằng chứng về sự thương xót cả thể của Chúa Giêxu.
I. CHÚA GIÊXU THƯƠNG XÓT DÙ CÓ SỰ BẤT TUÂN (các câu 27-31).
A. Tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng (câu 27).
1. Câu Kinh thánh nói rằng Chúa Giêxu "ở đó ra đi", nghĩa là Ngài ra khỏi nhà của Giairu, là “cai” nhà hội, sau khi làm cho đứa bé gái 12 tuổi từ kẻ chết sống lại.
2. Khi Chúa Giêxu rời khỏi nhà của Giairu, đám dân đông một lần nữa vây kín Ngài. Câu 26 chép: "Tin nầy đồn ra khắp cả xứ đó". Trong đám dân đông đi theo Chúa Giêxu đó là “hai người mù”.
Tình trạng mù loà rất phổ thông trong các thời kỳ Tân ước. Merrill Unger viết: “Tình trạng đau mắt là chứng bịnh thông thường nhất trong mọi tật bịnh ở các xứ Kinh thánh... Giữa các chứng tật đó, có lẽ muốn nhìn thấy người có cả hai mắt trọn vẹn thì ít lắm. Phần lớn cư dân đều bị hư một con mắt, và số người bị mù hoàn toàn là rất cao... Nguyên nhân là bụi của tia nắng mặt trời và hầu hết tật ở dơ của người dân làm cho bịnh tật dễ lan rộng, thường gây hại cho mắt".
3. “Hai người mù” nầy "kêu". Từ Hy lạp là krazo (krad'-zo) có nghĩa là "gào lên, la lên, hay hét lên inh tai với hết sức mình". Thực ra, thì động từ cho thấy họ không gào lên từng hồi từng lúc, mà họ liên tục kêu la với Chúa Giêxu.
4. Họ không thể nhìn thấy Chúa Giêxu. Họ mò mẫm theo dọc đám dân đông. Niềm hy vọng duy nhất của họ là mong nhận được sự chú ý của Ngài, họ cứ kêu gào cho tới khi phải chú ý tới họ.
5. Câu nói mà họ cứ gào lên như thế là: "Hỡi con cháu vua Đavít, xin thương chúng tôi cùng!" "Con cháu David" là tước hiệu quen thuộc đối với hầu hết những người Do thái. Đó là tước hiệu của Đấng Mêsi.
Trong một cuộc vận động, vị đại biểu được giới thiệu là "vị Tổng Thống kế nhiệm của nước Mỹ". Phần giới thiệu không có một sự tranh cãi nào nơi người mà phát ngôn viên ủng hộ trong cuộc bầu cử. Khi người ta đề cập tới Cứu Chúa là "Jesus Christ", họ phải nói tới Ngài như một nhân vật lịch sử hay một cấp lãnh đạo tôn giáo. Khi họ nói tới Ngài là "Đức Chúa Giêxu Christ", chúng ta hiểu rằng Ngài là Thầy của họ. Nhắc tới Chúa Giêxu là “con cháu vua David” đã khiến cho người nào nghe thấy tiếng của “hai người mù’ hiểu ngay rằng họ đã tin Chúa Giêxu là Con của Đức Chúa Trời.
6. Họ nài xin được "thương xót". Họ đang nài xin sự thương xót của Ngài. Con đường duy nhất để tiếp cận Đức Chúa Trời là qua sự thương xót của Ngài.
7. Hai người nầy đã trưng ra những điều cầu xin cần thiết để kiếm được sự chú ý của Chúa Giêxu. Họ đã có sự hiểu biết Ngài là ai, họ đã có đức tin nơi những gì Ngài có thể làm, và họ tin vào sự thương xót của Ngài.
B. Một thắc mắc của đức tin (câu 28).
1. Chúa Giêxu "đã vào nhà rồi". Chúng ta giả định đây là nhà của Phierơ, căn cứ hoạt động của Chúa Giêxu nằm ở xứ Galilê. Có lẽ Phierơ đã sửa chửa lại mái nhà của mình rồi!
2. Hai người nầy có lẽ là bạn đồng hành với nhau trong bóng tối nhiều năm rồi, không cứ cách nào đó họ cũng “vào trong nhà” và "đến với Ngài". Mỗi một sự chữa lành trong chương nầy cho thấy có nhiều sự kiên nhẫn lắm.
3. Kế đó, Chúa Giêxu đưa ra một câu hỏi dường như là một thắc mắc không cần thiết lắm: "Hai ngươi tin ta làm được đều hai ngươi ao ước [làm cho họ thấy được] sao?"
a. Câu hỏi nầy dường như không cần thiết vì họ đã bền đỗ theo sau Ngài qua đám đông. Nếu họ không tin, họ đã không có mặt ở đó.
b. Câu hỏi dường như không cần thiết vì họ đã công nhận Ngài là “con cháu vua David”, là Đấng Mêsi, là Con Đức Chúa Trời có lòng thương xót.
c. Câu hỏi dường như không cần thiết vì là Đức Chúa Trời toàn tri, Chúa Giêxu vốn biết rõ đức tin của họ rồi.
4. Tôi tin Chúa Giêxu đang yêu cầu họ đưa ra một lời xưng nhận công khai.
a. Ngài phán trong Mathiơ 10.32-33: "Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; còn ta chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời”.
b. Roma 10.9 chép: "Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”.
c. Tiến lên phía trước, đưa ra một lời tuyên xưng công khai không cứu được ai. Tuy nhiên, có một sự nghi ngờ đáng kể là người nào không tuyên xưng Đấng Christ công khai lại được cứu.
5. Hai người đáp: "Lạy Chúa, được". Đây là một lời tuyên xưng công khai đức tin của họ nơi Chúa Giêxu. Họ đã gọi Ngài là “Chúa”. Đây là bằng chứng chỉ ra sự họ hiểu biết Ngài là Chúa của các chúa và là Vua của các vua!
C. Cái chạm của sự thương xót (câu 29).
1. Chúa Giêxu đã chìa ra với hai bàn tay từng chữa lành cho nhiều người, làm cho kẻ chết sống lại, ẳm bồng con trẻ, vẽ dưới đất trước mặt người Pharisi tự xưng công bình, bị đóng đinh trên thập tự giá, mang lấy những vết sẹo của sự hy sinh. Chúa Giêxu "đã rờ mắt hai người".
2. Hãy tưởng tượng xem một đời sống chẳng biết gì khác hơn là sự tối tăm giờ đây bị ánh sáng chói chang bắt lấy. Hãy tưởng tượng khi có thể nhìn thấy lần đầu tiên xem!
3. Chúa Giêxu phán: "Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy".
D. Niềm vui không nín được (các câu 30-31).
1. Hãy để ý, khi "mắt hai người liền mở", Chúa Giêxu "lấy giọng nghiêm phán rằng". Câu nầy có thể được dịch là "quở trách họ". Chúa Giêxu rất nghiêm khắc trong lời phán của Ngài: "Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện nầy”.
2. Tại sao vậy? Chúa Giêxu không muốn địa vị Đấng Mêsi của Ngài được công bố ra quá sớm.
3. Câu 31 chép: "Song lúc hai người ra khỏi nhà, thì đồn danh tiếng Ngài khắp cả xứ”. Họ không thể giữ kín việc ấy trong lòng họ.
4. Là Con Đức Chúa Trời Toàn Tri, Chúa Giêxu vốn biết hết, hai người nầy sẽ không thể giữ kín được niềm vui mừng ở trong lòng của họ. Ngài biết họ sẽ không tuân theo lời của Ngài. Ngài vẫn chữa lành cho họ.
E. Thậm chí khi Chúa Giêxu biết chúng ta sẽ không nghe theo Ngài, chúng ta sẽ phạm tội, chúng ta sẽ xây lưng mình đối với những điều Ngài dạy dỗ chúng ta, Ngài vẫn đối xử với chúng ta bằng sự thương xót!
1. Như Ca thương 3.22 chép: Sự thương xót của Ngài "mỗi buổi sáng thì lại mới luôn".
2. Vì cớ sự thương xót của Ngài, Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta mặc dù chúng ta bất tuân.
a. Đức Chúa Trời đã dựng nên Ađam và Êva, Ngài biết họ sẽ phạm tội.
b. Đức Chúa Trời đã cứu Nôê, Ngài biết ông sẽ bị xấu hổ khi tuổi già.
c. Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ápraham, Ngài biết ông sẽ nói dối.
d. Đức Chúa Trời đã chọn David, Ngài biết ông sẽ phạm tội tà dâm.
e. Đức Chúa Trời tiếp đãi Giôna, Ngài biết ông sẽ bỏ trốn.
f. Đức Chúa Trời đã chọn Phierơ, Ngài biết ông sẽ chối Ngài.
g. Khi Chúa Giêxu phán cùng người đờn bà phạm tội tà dâm: "Hãy đi và đừng phạm tội nữa". Ngài vốn biết nàng ta sẽ phạm tội nhiều hơn.
h. Trong sự thương xót, Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn, dù bạn đã và sẽ làm buồn lòng Ngài.
II. CHÚA GIÊXU THƯƠNG XÓT DÙ BỊ NHẠO BÁNG (các câu 32-34).
A. Một người cần được chữa lành (các câu 32-33a).
1. Hãy chú ý cẩn thận câu 32. Trong bản Kinh thánh New King James, câu nầy đọc là: "Khi họ rời khỏi nơi ấy, nầy họ đem đến cho Ngài...". Mặc dù các bản dịch khác đọc hơi khác, có khả năng đây là hai người từng bị mù trước đây, chính họ đã đem tới cho Đấng Christ "một người câm bị quỉ ám".
2. Có thể họ là bạn bè. Có thể người nầy là con mắt của họ và họ là môi miệng của người đó. Họ đã cùng nhau ăn xin bên cỗng thành lâu ngày rồi.
3. Ai đem người “câm” đến, chúng ta biết tình trạng của ông ta là kết quả của việc “bị quỉ ám”.
4. Mathiơ không cung ứng cho chúng ta các chi tiết của việc chữa lành nầy. Bởi quyền phép của Chúa Giêxu "quỉ bị đuổi ra". Chúa Giêxu mới vừa đuổi một đạo binh ma quỉ ra khỏi một linh hồn đáng thương sống xa lánh sự hiện diện của Ngài.
5. Không bao lâu sau khi ma quỉ đã ra khỏi người rồi: "thì người câm nói được". Tôi chẳng nghi ngờ chi, khi lời nói đầu tiên của ông ta phải là những lời lẽ ngợi khen Chúa Giêxu!
B. Một câu nói đáng xem xét (câu 33b).
1. Khi ma quỉ ra khỏi và người kia được lành thì "đoàn dân lấy làm lạ". "Lấy làm lạ" ra từ một chữ có nghĩa là “ngạc nhiên hoàn toàn, kinh ngạc và thắng hơn sợ hãi". Chữ nầy nói tới sự kinh ngạc trỗi hơn sự kinh ngạc. Nói theo từ ngữ hiện đại, họ đã "dao động!"
2. Họ nói: "Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Ysơraên”. Họ đã biết rõ về các trận dịch trong xứ Ai cập và việc băng qua Biển Đỏ. Họ biết rõ việc Đức Chúa Trời ban ra luật pháp, được viết ra trên bảng đá bởi ngón tay của chính Ngài trên Núi Sinai. Họ biết rõ về những tiếng kèn thổi và sự sụp đổ của các tường thành Giêricô. Họ biết rõ về của lễ của Êli trên đỉnh Núi Cạtmên. Họ vốn biết rõ về những người mạnh sức của Vua David, ba bạn trẻ trong lò lửa và Đaniên trong hang sư tử.
3. Khi những điều ấy được đem sánh với những gì Chúa Giêxu đã làm trong thời gian chưa đầy một năm, sự bày tỏ của Ngài về quyền phép thiêng liêng thì trong lịch sử chẳng có một điều chi có thể sánh với được.
C. Một lời dối trá (câu 34).
1. Trong khi dân chúng "lấy làm lạ" và xem trọng quyền phép của Đấng Christ, người "Pharisi" đã nhìn Ngài theo cách khác. Họ đã xem Ngài là một kẻ chống nghịch, một rabi trẻ dại dột, là người hướng dân chúng xa khỏi Do thái giáo truyền thống của họ. Ngài là kẻ thù đối với mọi truyền thống của các trưởng lão rồi vì thế, trong suy nghĩ của họ, Ngài là kẻ thù của Đức Chúa Trời.
2. Thắc mắc phức tạp nhất dành cho người Pharisi là: "Làm sao người làm được các phép lạ nầy?" Họ không thể chối những gì họ đã trông thấy Ngài đang làm. Quyền phép siêu nhiên của Ngài là không thể cãi được. Trong suy tưởng của họ, vì họ từ chối không công nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời, Ngài phải rút quyền phép của Ngài ra từ "chúa quỉ". Thực ra, họ bắt đầu truyền sự nói dối ra: "Người nầy cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ”.
3. Khi bạn suy nghĩ về sự nầy, đây là một câu nói rất phi lý và rất dại dột khi nói ra. Hãy xem 12.22-26. Họ nói rằng Chúa Giêxu nhờ “Bêên-Xêbun” mà đuổi quỉ, từ nầy có nghĩa là "thần ruồi". "Bêên-Xêbun" là một vị thần của người Philitin được coi là "chúa quỉ" hay Satan. Chúa Giêxu hỏi: "Nếu quỉ Sa-tan trừ quỉ Sa-tan, ấy là tự nó chia xé nhau". Nói cách khác: "Các ngươi quyết định nghịch lại ta, các ngươi không khôn ngoan chi hết!"
D. Chúa Giêxu vốn biết người Pharisi sẽ dùng sự chữa lành của người nầy để đồn đãi dối trá về Ngài. Tuy nhiên, sự thương xót của Ngài vẫn cảm động Ngài chữa lành cho ông ta.
1. Chúa Giêxu đã đối diện với sự nhạo báng và sự sỉ nhục hoàn toàn tại thập tự giá. Vì sự thương xót Ngài đổ trên chúng ta, Ngài gánh lấy tội lỗi và nỗi xấu hổ của chúng ta. Hêbơrơ 12.2 nói về Đấng Christ: "là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng VÌ SỰ VUI MỪNG ĐÃ ĐẶT TRƯỚC MẶT MÌNH, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”.
2. Vì Ngài yêu thương bạn và có lòng thương xót bạn, Chúa Giêxu đã đối diện với nỗi xấu hổ của thập tự giá. Bạn có chịu tiếp nhận sự ban hiến của Ngài về sự sống đời đời không?
III. CHÚA GIÊXU THƯƠNG XÓT DÙ CÓ NHỮNG BẤT LỢI (các câu 35-38).
A. Việc làm trong chức vụ của Chúa Giêxu (câu 35).
1. Chúa Giêxu đã phục sự ở "khắp các thành các làng".
John MacArthur viết: “Chúng ta học biết từ sử gia Josephus người Do thái rằng lúc bấy giờ có khoảng 200 thị trấn và làng mạc trong khu vực Galilê, một khu vực khoảng 40 dặm bề ngang và 70 dặm bề dài. "Có nhiều thành và nhiều làng mạc ở khắp nơi, đông đúc người ta với đất đai trù phú, làng nhỏ nhất trong số đó chứa trên 15.000 dân cư". Căn cứ vào ước tính đó, thì xứ Galilê chứa ít nhất 3 triệu người, phần lớn trong số họ đều đã trực tiếp gặp gỡ Chúa Giêxu " (Quyển 2, trang103).
2. Chúa Giêxu "dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời". Khi tôi lớn lên, việc sau cùng tôi mong muốn trong cuộc sống là trở thành nhà truyền đạo. Khi tôi nhìn biết Chúa Giêxu là một nhà truyền đạo, đấy là thời điểm Đức Chúa Trời kêu gọi tôi bước vào chức vụ!
3. Khi Chúa Giêxu đang trên chuyến hành trình, Ngài đi đó đi đây "chữa lành các thứ tật bịnh”. Điều nầy dường như cho thấy rằng Chúa Giêxu đã chữa lành "từng" người có nhu cần mà Ngài gặp gỡ. Hãy tưởng tượng những đòi hỏi trong thời của Ngài xem! Tuy nhiên, vì cớ sự thương xót của Ngài, Chúa Giêxu đã có mặt ở đó vì cớ họ.
B. Cơn đau đầu trong chức vụ của Chúa Giêxu (câu 36).
1. Bất cứ đâu Chúa Giêxu đi đến, “đoàn dân đông” đều có mặt ở đó. Hàng trăm hàng ngàn người hết thảy đều đã la hét để cho Ngài chú ý tới, họ sốt sắng lắng nghe những gì Ngài đã phán dạy, luôn luôn với một sự khốn khó cần được chữa lành hay một đời sống cần được phấn hưng. Chúa Giêxu đã nhìn qua bên kia các nhu cần về phần xác thể, vào tận tấm lòng của họ.
2. Khi Ngài nhìn xem họ, Ngài đã "động lòng thương xót". Từ Hy lạp nói tới sự thương xót đề cập tới những nơi sâu thẳm là ngai của mọi xúc cảm, theo cùng phương thức chúng ta nói tới tấm lòng. Tấm lòng của Chúa Giêxu đã đau đớn vì dân sự.
3. Mathiơ nói ra lý do Chúa Giêxu đã “động lòng thương xót" trước tiên là "vì họ khốn cùng, và tan lạc". “Khốn cùng” xuất thân từ chữ có nghĩa là "bị lột da". Có phải bạn cảm thấy khốn khó giống như bị lột da chăng? "Tan lạc" có nghĩa là bị ném rãi ra và hoàn toàn vô dụng, giống như một đứa trẻ cô độc trên đường phố.
4. Lý do thứ hai Chúa Giêxu đã "động lòng thương xót" là vì dân chúng giống "như chiên không có người chăn". Bầy chiên là loài thú chỉ biết nương cậy vào người chăn. Chúng cần được bảo hộ và chăm sóc. “Những người chăn” của chúng không quan tâm tới chúng.
C. Sự kêu gọi trong chức vụ của Chúa Giêxu (các câu 37-38).
1. Trong Kinh thánh, "mùa gặt" có ý nói tới sự phán xét hầu đến. Trong chương 13, Chúa Giêxu đưa ra “Thí dụ nói về lúa mì và cỏ lùng”..
2. “Mùa gặt thì trúng lắm” có ý nói tới đoàn dân đông, họ đang cần nghe giảng Tin lành. Họ đã sẵn sàng. Đức Chúa Trời đã sửa soạn đồng ruộng và mùa màng sắp gặt hái.
3. “Con gặt thì ít”. Có một ít người đang sẵn lòng bước vào mùa gặt. Điều nầy không có ý nói tới các vị Mục sư cùng các nhà truyền đạo, mà có ý nói tới tất cả các tín đồ. Chúng ta hết thảy đều là "con gặt".
4. Cha chúng ta là "chủ mùa gặt". Hãy chú ý Chúa Giêxu không bảo cầu nguyện cho kẻ bị hư mất, mà cầu nguyện cho "các con gặt", họ sẽ đi ra mà "vào trong mùa gặt của Ngài".
D. Sự thương xót của Đấng Christ cao kỳ hơn những giới hạn của con người.
1. Điều nầy giống như hoàn thành một lý tưởng rồi phục vụ cho các “đoàn dân đông”. Điều nầy cũng giống như hoàn thành được một lý tưởng cho thế giới của chúng ta bằng tin lành. Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời của mọi lý tưởng.
2. Thậm chí khi bạn làm việc cho Đức Chúa Trời dường như chẳng tạo được điều chi khác biệt, việc ấy đang tạo ra một sự khác biệt đấy!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét