Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

I Timôthê 5.19-25: "Kính trọng các trưởng lão - Phần 2"



I Timôthê – Chuyển giao ngọn đuốc
Kính trọng các trưởng lão - Phần 2
I Timôthê 5.19-25
Tối nay, chúng ta tiếp tục sứ điệp mà tôi đã bắt đầu trong tuần qua. Nguyên tôi đã dự trù giảng dạy các câu 17-25 trong một tiết. Tuy nhiên, vì cớ tầm quan trọng của các câu nầy và những thắc mắc mới đây đã được đưa ra, chúng ta để trọn thì giờ trong tuần qua với các câu 17 và 18 chủ yếu bàn về các trưởng lão phải "khéo cai trị" có ý nghĩa như thế nào!?! Nếu quí vị quên sứ điệp ấy, quí vị có thể xin một cuộn băng ghi âm hay bản sao bài giảng để quí vị được gây dựng thêm cho chính mình.
Mặt khác, khi tìm kiểu phần còn lại của chương, các câu 19-25 nương vào sự hiểu biết thích ứng các câu 17-18, vì vậy tôi sẽ nhận định lại cách tóm tắt những gì đã được giảng dạy trong tuần qua. Phaolô bình luận về vấn đề chức vụ trưởng lão và cấp lãnh đạo thuộc linh trong tất cả ba thư tín Mục vụ của ông, I Timôthê, II Timôthê và Tít vì một lẽ thật bao quát: khi cấp lãnh đạo tấn tới, thì Hội thánh sẽ tấn tới. Chúng ta không thể có một Hội thánh vững mạnh nếu không có các cấp lãnh đạo vững mạnh. Chúng ta không thể có một Hội thánh lập nền trên đạo thật trừ phi cấp trưởng lão của chúng ta đã được lập nền trên đạo thật. Chúng ta sẽ không có một Hội thánh chuyên tâm vào truyền giáo trừ phi cấp lãnh đạo của chúng ta chuyên tâm về truyền giáo.
Chúng ta sẽ không có một Hội thánh chú trọng vào truyền giáo trừ phi cấp lãnh đạo của chúng ta chú trọng vào truyền giáo. Vì lẽ đó, thật là quan trọng khi chúng ta là Hội thánh dành hết quyền ưu tiên cho chức năng lãnh đạo thuộc linh nói chung và chức vụ trưởng lão theo Kinh thánh một cách đặc biệt. Câu 17 cho chúng ta thấy hai phần việc chính của cấp trưởng lão. Họ cần phải "khéo cai trị" và họ cần phải "chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Tôi tin chắc rằng đây là một trong các câu Kinh thánh mà nhiều Cơ đốc nhân đã cho qua mà không xem xét theo cách đáng phải có. Chối bỏ quyền cai trị của hàng trưởng lão là xé toạc phân đoạn nầy ra khỏi Tân Ước. Một phần của vấn đề là sự hiểu biết thích ứng tình trạng "khéo cai trị" của hàng trưởng lão. Các trưởng lão không phải là vua chúa đang ngồi trên ngôi đâu. Họ là lãnh đạo với địa vị tôi tớ. Phierơ "cũng là trưởng lão như họ" bàn với chúng ta trong I Phierơ 5.2-3: “hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy”. Chúng ta thấy sự cân đối ở đây. Trưởng lão là "đấng tiên kiến". Như I Têsalônica 5.12 chép, các tín hữu cần phải: "…kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em". Họ làm việc với quí vị, nhưng phải cao hơn quí vị, vì họ phải khai trình trước mặt Chúa thay cho quí vị.
Hêbơrơ 13.17 chép: “Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em”.
Cho nên cấp trưởng lão là "đấng tiên kiến" theo ý nghĩa họ phải khai trình họ đã chăn giữ quí vị như thế nào!?! Nhưng ở mặt khác, họ không nên hành động giống như "bậc chúa tể". Họ không nên đi quanh quẩn những kẻ lăng xăng, thọc mũi họ vào các vụ việc riêng của mọi người. Họ cần phải nêu "gương cho cả bầy" về cách thức Cơ đốc nhân phải ăn ở như thế nào!
Cho phép tôi nói rằng không phải mỗi Hội thánh đều có những trưởng lão biết chiếu theo chức năng trưởng lão của Kinh thánh. Có sự khác biệt rất lớn giữa "cai trị" và "khéo cai trị". Muốn "khéo cai trị" thì phải lãnh đạo với sự xuất sắc. Như vậy, để đạt được sự ấy, trưởng lão phải sống như một tấm gương để ảnh hưởng của quí vị trên Hội thánh sẽ được thấy như một nguồn phước lớn.
Thẩm quyền cho sự cai trị của hàng trưởng lão là Kinh thánh. Họ không phải là ban trị sự nhóm lại chỉ lo công việc và quản lý tiền bạc của Hội thánh. Họ cần phải nghiên cứu, cầu nguyện và tìm kiếm sự khôn ngoan để hướng dẫn Hội thánh đạt tới mức trưởng thành thuộc linh. Công vụ các sứ đồ 15 cung ứng một trường hợp rất hay về quyết định theo Kinh thánh kèm theo là sự khẫn nguyện bởi các trưởng lão tại thành Jerusalem đến nỗi "được đẹp lòng cả Hội thánh" (Công vụ các sứ đồ 15.22).
Tuần qua tôi đã tóm tắt sự cai trị của các trưởng lão theo cách nầy. Các trưởng lão cần phải CANH GIỮ Hội thánh, HƯỚNG DẪN Hội thánh, KHUYÊN DỖ Hội thánh và tiếp lấy TRÁCH NHIỆM đối với Hội thánh.
Thứ hai, các trưởng lão cần phải "chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Họ cần được ơn và "có tài dạy dỗ" (3.2). Họ cần phải làm việc cho đến kiệt lực để hiểu rõ Lời của Đức Chúa Trời và trưởng dưỡng dân sự của Đức Chúa Trời với đạo thật. Một số trưởng lão có thể thực thi điều nầy trong một lớp học Kinh thánh. Nhiều người khác có thể hướng dẫn các nhóm nhỏ. Một số có thể làm việc với nhau từng người một. Tôi, trong vai trò Mục sư/Giáo sư giảng dạy cho Hội thánh như một tổng thể. Tuy nhiên, hết thảy chúng ta đều cần phải đứng giảng dạy.
Hội thánh đáp ứng thế nào với chức vụ lãnh đạo đó? Hội thánh cần phải "kính trọng bội phần" đối với những trưởng lão ấy. "Kính trọng" ở đây mang ý tưởng cả khâm phục và cung lương cho họ. Kính trọng đó có nghĩa là kính trọng và trả công xứng đáng. Tất cả những trưởng lão nhơn đức đều đáng được kính trọng. I Têsalônica 5.13 chép phải: "… lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm". Một số trưởng lão cần phải được cung lương vì cớ việc làm của họ. Trong câu 18, Phaolô trưng dẫn từ cả Cựu và Tân Ước khi tham khảo đến nguyên tắc nầy. Luật pháp chép: "Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa". Chúa Jêsus phán trong Tin lành Luca: "và người làm công thì đáng được tiền công mình". Nếu quí vị cho phép một con vật được trả công bằng thực phẩm và người làm công được trả công vì việc làm mình, thì quí vị sẽ bằng lòng trả công bao nhiêu cho những người rất siêng năng trong sự hầu việc Chúa? Phaolô đã hỏi ở I Côrinhtô 9.11: "Nếu chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, mà muốn thâu lại của vật chất của anh em, thì nào có phải một việc quá lẽ đâu?" Ông tóm tắt trong câu 14: "Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành".
Vì chức vụ lãnh đạo rất quan trọng, vì các trưởng lão phải "khéo cai trị" và "chịu chức rao giảng", Hội thánh phải rất cẩn trọng khi biệt riêng ai sẽ nắm giữ vai trò trưởng lão. Hội thánh phải cẩn thận trong cách đối xử với một trưởng lão phạm sai lầm. Tuy nhiên, vì cớ trưởng lão cũng là con người, vì họ giống như mọi người khác đang tranh đấu với xác thịt và có khuynh hướng phạm tội, Phaolô đưa ra cả hai: một điều khoản cho cách xử lý với các trưởng lão ở trong tội lỗi mà chưa chịu ăn năn và một lời cảnh cáo phải rất cẩn trọng về những kẻ mà chúng ta biệt riêng ra trong vai trò trưởng lão. Chúng ta hãy xem xét hai lẽ thật nầy trong từng chi tiết khi chúng ta đào sâu vào các câu 19-25.
I. Cấp trưởng lão cần phải chịu kỷ luật cách cẩn trọng (các câu 19-21).
A. Tố cáo một trưởng lão là một hành động rất nghiêm trọng (câu 19). Phaolô nói với Timôthê: "Đừng chấp một cái đơn nào kiện một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng". Từ cách nói như truyền lịnh mà Phaolô đang sử dụng, quả là không khó lắm khi phải tưởng tượng một tình huống đang diễn ra trong Hội thánh tại thành Êphêsô, trong đó một trưởng lão tin kính bị ai đó trong hội chúng nói xấu. Ông đang bảo Timôthê phải chổi dậy và không để cho điều đó diễn ra.
Số người đang ở trong chức vụ lãnh đạo luôn luôn là những mục tiêu dễ dàng cho sự vu cáo. Một giáo sư Kinh thánh viết: “Luôn luôn có hạng người sốt sắng vu cáo người của Đức Chúa Trời. Họ có thể làm vậy vì họ bực tức ơn kêu gọi của người, chối bỏ sự dạy của người, chống cự lại thẩm quyền theo Kinh thánh của người, bực bội các giá trị, hay ganh tỵ về ơn phước của Chúa giáng trên đời sống của người. Tuy nhiên, họ đang chứng tỏ qua những lời vu cáo đó rằng họ đã trở thành sứ giả của Satan. Những lời vu cáo kia là một trong những thứ vũ khí nguy hiểm nhất của hắn.
Satan được gọi là "kẻ kiện cáo anh em chúng ta" (Khải huyền 12.10). Hắn rình mò chung quanh tìm kiếm một lãnh đạo thuộc linh mà hắn có thể câu nhữ được. Hắn biết rõ nếu hắn có thể khiến mọi người nghi ngờ tính ngay thẳng của một người, hắn sẽ tuyên bố người ấy không đủ tư cách rồi hủy diệt chức vụ của người. Hắn rất giỏi trong chiến lược nầy vì hắn đã luyện tập nó trong một thời gian rất dài. Hắn kích động nhiều người vu cáo Giô-sép, Môise, David, Giêrêmi, Nêhêmi, Phaolô, Phierơ và tất nhiên là Chúa Jêsus nữa. Một tín đồ Thanh giáo, John Trapp đã nói như sau: "Lẽ thật luôn luôn có một khuôn mặt với nhiều vết trầy xước".
John Calvin, khi suy gẫm về những năm tháng giữ vai trò Mục sư tại Geneva, Switzerland đã viết như sau: …không bao lâu sau khi có một bản án nào được lập ra chống lại quí Mục sư của Ngôi Lời, thì chắc như đinh rằng bản án ấy đã được minh chứng rồi. Điều nầy xảy ra không những vì một tiêu chuẩn ngay thẳng cao hơn được đòi hỏi từ nơi họ, mà còn vì Satan đang khiến cho hầu hết mọi người, thực vậy, gần như là từng người một, đều cả tin mà chẳng cần phải suy nghĩ chi hết, họ mau mắn xét đoán quí Mục sư của họ, trong khi lẽ ra họ phải bảo vệ cho danh tốt của những người ấy.
Một lần nữa, hãy nhìn vào chữ "chấp". Chữ nầy có ý nói "sẵn sàng vui lòng xem xét". Khi có ai đến với quí vị với một đơn "kiện" riêng nghịch lại một trong các trưởng lão của mình, quí vị không nên "chấp" đơn ấy. Quí vị không cần phải lưu ý đến bất cứ điều chi họ nói. Quí vị không nên sẵn sàng xem xét hay suy nghĩ tới đơn kiện của họ. Quí vị cần phải gạt bỏ chúng ngay lập tức. Nếu không, quí vị sẽ thấy mình đang ở trong sự phục vụ cho Satan. Châm ngôn 12.6 chép: "Các lời kẻ hung ác rình rập làm đổ huyết ra; Song miệng người ngay thẳng giải cứu người khỏi".
Chúng ta không nên nghi ngờ một tín hữu nào, đặc biệt một trưởng lão. Nếu có ai đến với tôi bằng một lời than phiền nghịch lại quí vị, trước tiên tôi bảo người ấy (dù nam hay nữ) rằng họ cần phải đến gặp quí vị theo cách riêng và xử lý vấn đề ấy ngay. Tôi mong rằng khi có ai đến với quí vị bằng lời than phiền hay thọc mách về tôi hay về một trưởng lão nào đó, mong quí vị sẽ nói: "Tôi không muốn nghe chuyện ấy đâu. Kinh thánh dạy tôi không nên ‘chấp’ nó từ (ông, bà). Quí vị đừng nên nói với ai khác trừ ra nhân vật có liên quan đến vấn đề nầy".
Ngoại lệ duy nhứt trong mạng lịnh nầy là nếu có đơn "kiện" chống lại một trưởng lão thì phải "có hai hay ba người làm chứng". Đây là tiêu chuẩn của Cựu Ước. Phục truyền luật lệ ký 19.15 chép: "Chứng độc chiếc không đủ cớ định tội cho người nào, bất luận gian ác, tội lỗi nào mà người đã phạm; cứ theo lời của hai hay ba người chứng, thì sự mới định tội được". Chúa Jêsus đã trưng dẫn câu nói ấy trong Mathiơ 18.16 khi Ngài đặt nền tảng kỷ luật cho Hội thánh: "Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn". Phaolô nhắc lại điều khoản nầy một lần nữa ở II Côrinhtô 13.1.
Nói như vậy không có nghĩa là một người đi ra lôi kéo một hay hai người mua lấy câu chuyện của mình. Nói như thế có nghĩa là nếu quí vị nghe chuyện nầy từ người nầy ở đây và cùng câu chuyện ấy được kể lại bởi người khác ở đàng kia và có thể lần thứ ba ở đâu đó. Quí vị gom hết chứng cớ của họ lại rồi quí vị biết rõ mình đang có cớ cho sự điều tra. Chỉ vì đã có "hai ba người làm chứng" chưa luận ra tội phạm đâu. Nó có nghĩa là, đây mới là thời điểm cho một cuộc điều tra toàn diện. Mục đích của cuộc điều tra nầy không phải là cho phép các trưởng lão không khai trình mà để bảo vệ họ tránh những đơn vu cáo giả dối.
Đây là một vấn đề nghiêm trọng khi đưa đơn kiện chống lại một trưởng lão. Mới đây, chúng ta đã nghiên cứu trong loạt bài học về đời sống của David, thể nào ông đã có cơ hội để giết Vua Sau-lơ trong hang đá Ên-ghê-đi. Thay vì giết Vua, David đã cắt đứt vạt áo tơi của nhà Vua. I Samuên 24.6 chép rằng sau khi làm như vậy: "đoạn, lòng người tự trách". Ông đã xưng nhận tội lỗi mình và đã nói với người của mình trong câu 6: "Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va, mà tra tay trên mình người, vì người là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va". Về sau David đã hành quyết một gã A-ma-léc khi hắn tự nhận mình đã kết liễu mạng sống của Sau-lơ trên núi Ghinh-bô-a. Ông tra hỏi hắn: "Cớ sao ngươi không sợ giơ tay lên giết kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va?" (II Samuên 1.14). Trong Thi thiên 105.15 Đức Chúa Trời phán: "Đừng đụng đến kẻ chịu xức dầu ta, chớ làm hại các đấng tiên tri ta". Đức tính đầu tiên và bao quát của một trưởng lão và một chấp sự là người "không thể trách được". Người cần phải có tính ngay thẳng không ai nói gì được người. Một trưởng lão "không chỗ trách được" sẽ chẳng có gì để che giấu ở đàng sau câu nầy. Cả đời sống người sẽ như một quyển sách mở rộng và người sẽ khai trình với mọi người. Tôi càng lớn tuổi thêm, tôi càng phục vụ lâu dài trong vai trò một vị Mục sư, càng quan trọng nhất, ấy là tôi càng trở nên "không chỗ trách được".
B. Một trưởng lão phạm tội phải bị quở trách cách công khai (câu 20).
Việc gì sẽ xảy ra khi có một đơn "kiện" có chứng cớ nghịch lại một trưởng lão, với nhiều người làm chứng đáng tin cậy? Đấy là khi chúng ta bước vào câu 19: "Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ".
Câu nầy không nói tới trường hợp mẫu về kỷ luật trong Hội thánh đâu. Có những phân đoạn Kinh thánh khác cho chúng ta biết cách quản lý tình huống trong đó một thuộc viên của Hội thánh bị kéo vào trong một tội lỗi mà chẳng chịu ăn năn. Trong Mathiơ 18, Chúa Jêsus cung ứng ba bước để xử lý với những lỗi phạm cá nhân. Trong I Côrinhtô 5, Phaolô đưa ra những huấn thị để xử lý với tội lỗi công khai. Ở 1 Timôthê 1.18-20, Phaolô nói tới việc trục xuất hai người ra khỏi Hội thánh vì đạo giả. Vị sứ đồ đã bảo Tít phải kỷ luật "kẻ theo tà giáo" (Tít 3.10-11).
Câu nầy nói về trường hợp đặc biệt kỷ luật một lãnh đạo mà ai cũng biết rõ trong Hội thánh, một trưởng lão. Ông nầy có trách nhiệm lớn lao cho nên ông ta phải chịu xử một cách khác biệt. Nếu ông ta "có lỗi" ông ta phải bị quở trách. Đó là loại tội lỗi nào? Kinh thánh không liệt kê ra tội nào là đặc biệt cả. Kinh thánh không nói: "Nếu ông ta phạm tội tà dâm…" hay "Nếu ông ta lạm dụng quỹ Hội thánh…". Kinh thánh nói: "Kẻ có lỗi" phải đối diện với một sự "quở trách" công khai. "Quở trách" dịch từ chữ elencho và có ý nói "bày ra, chỉnh đốn hay quở trách".
Sự quở trách nầy không được làm theo cách riêng tư hay chỉ trong sự hiện diện của các trưởng lão khác, một phải "trước mặt mọi người". Tôi muốn nói, trước mặt "mọi người" trong Hội thánh. Khi A-na-nia và Sa-phia-ra bị Đức Chúa Trời xét đoán, Công vụ các sứ đồ 5.11 chép: "Cả Hội thánh đều rất sợ hãi, cho đến người nào nghe tin cũng vậy". Đây là mục tiêu. Nếu một Hội thánh không ngần ngại khi quở trách công khai một trưởng lão phạm lỗi, chắc chắn sự quở trách ấy sẽ đưa kỷ luật đến với một thuộc viên phạm lỗi.
Khi một trưởng lão bị kết án vi phạm những đức tính của mình, người ấy phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo ngay. Người ấy phải giữ lấy tiêu chuẩn cao hơn. Giacơ 3.1 chép: "Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn". Điều nầy cần phải được thực hiện công khai hầu cho ai nấy sẽ biết rõ lý do tại sao người ấy không còn ở trong chức vụ lãnh đạo nữa. Nếu điều nầy được giữ trong im lặng, dân sự không hiểu và thậm chí nhiều nan đề thậm tệ hơn sẽ phát sinh. John MacArthur nói: “Nếu các Hội thánh ở mọi nơi duy trì tiêu chuẩn cao đối với cấp trưởng lão, những người không xứng đáng sẽ ngăn trở chức vụ Mục sư. Khi tiêu chuẩn đang bị hạ thấp trong thời của chúng ta, sự thật thường cho thấy rằng khi một Mục sư phạm tội bị mất ơn trong Hội thánh, ông ta tìm một địa vị danh dự ở một chỗ khác. Hội thánh cần phải quyết định có nên bảo vệ tiếng tăm của những người ấy hay không, hay tiếng tăm của Đức Chúa Trời … những kẻ nào ăn năn cần phải được hội chúng tha thứ và tiếp nhận. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là họ được phục hồi lại chức vụ một cách máy móc. Nương theo tính nghiêm trọng của tội lỗi, họ sẽ được xem là có đủ tư cách một cách thường trực.
Một lần nữa điều nầy tái khẳng định sự khôn ngoan của việc chấp nhận các trưởng lão của chúng ta theo từng năm một. Chúng ta không để cho một người nắm lấy chức vụ nầy trọn đời, nhưng bao lâu người ấy có thể giữ được những đức tính và chu toàn chức vụ của mình.
C. Kỷ luật chống lại một trưởng lão phải không có thành kiến hay thiên vị (câu 21).
Phaolô trở nên nghiêm trọng hơn trong câu 21 khi ông đưa ra một "bản án" hay mạng lịnh rất đặc biệt. Ông nói: "Trước mặt Đức Chúa Trời, trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ, và trước mặt các thiên sứ được chọn, ta răn bảo con…". Đây là một sự nhắc nhớ những gì đang diễn ra trong Hội thánh đã được quan sát rất cẩn thận ở trên trời (Êphêsô 3.10). Những gì chúng ta đang làm ở đây không phải là làm trong góc xó. Tất cả những ai ở trên thiên đàng đều nhắm vào những sự cân nhắc của chúng ta. Đấy là lý do tại sao chúng ta muốn làm theo điều đó bởi Kinh thánh, chớ không phải bởi truyền thống!
Phải xem xét phần kỷ luật về các sai phạm trong Mathiơ 18, Chúa Jêsus quyết rằng khi chúng ta hành động phù hợp với Kinh thánh, chúng ta hành động với thẩm quyền của thiên đàng nơi phần của chúng ta. Phaolô bảo Timôthê và chúng ta bằng cách nói: "giữ những điều đó, đừng in trí trước, phàm việc gì cũng chớ tây vị bên nào".
Không một ai được lãnh lấy sự đối xử ưu đãi. Không có một hệ thống nào được gọi là "cậu bé già nua nhơn đức" trong Hội thánh. Trưởng lão nào và được mọi người nhìn biết đều nhận lãnh cùng một sự đối đãi như trưởng lão đang đứng dạy một nhóm nhỏ và có ít người quen biết. Phân đoạn Kinh thánh nầy là một thanh gươm hai lưỡi. Nó bảo hộ trưởng lão nào bị vu cáo nhưng nó quở trách và gạt bỏ đi trưởng lão nào vi phạm những đức tính đáng phải có của mình.
II. Cấp trưởng lão cần phải được chọn cách cẩn thận (các câu 22-25).
A. Chọn cấp trưởng lão là công việc rất quan trọng (các câu 22-23).
Phaolô nói với Timôthê như sau: "Đừng vội vàng đặt tay trên ai…". Về mặt lịch sử, có hai phần giải thích cho câu nầy. Một phần nói câu nầy đề cập tới việc tiếp một trưởng lão phạm lỗi trở lại với Hội thánh. Phần giải thích kia rộng rãi hơn chấp nhận quan điểm nói rằng ở đây đề cập tới sự tấn phong cho cấp trưởng lão mới. Như thế phù hợp với văn mạch nhiều hơn.
Khi một người được biệt riêng ra trong vai trò trưởng lão hay Mục sư, nhiều người khác đặt tay trên người rồi cầu nguyện cho người, tương thông với người và khẳng định độ tin cậy của họ nơi người là một cấp lãnh đạo. Điều nầy đi ngược về với Cựu Ước khi một thầy tế lễ sẽ đồng hoá với của lễ bằng cách đặt hai bàn tay mình lên nó.
Trong thế kỷ thứ nhứt, các vị sứ đồ đã tấn phong cấp trưởng lão. Công vụ các sứ đồ 14.23 chép: "Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến". Về sau họ trao trách nhiệm cho những người mà họ đã tấn phong rồi. Thí dụ, Phaolô bảo Tít trong Tít 1.5: "Ta đã để con ở lại Cơ-rết, đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp, và theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành".
Chữ chìa khoá trong mệnh đề nầy là "vội vàng". Chúng ta không nên vội vàng biệt một người riêng ra trong vai trò một trưởng lão. Trở lại với 3.6, Phaolô cảnh cáo một trưởng lão không nên "tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng". Tôi đã được tấn phong nắm lấy chức vụ khi tôi được 22 tuổi. Khi tôi nhìn lại, tôi thấy mình cả gan quá. Ở tuổi 22, tôi vừa mới cưới vợ được có một năm thôi. Làm sao những người kia biết tôi có lãnh đạo được gia đình mình hay không? Ở tuổi 22, tôi là một Cơ đốc nhân trong 8 năm trời nhưng thực sự vẫn "tự kiêu" trong đức tin. Ở tuổi 22, Tôi chưa được thử thách và Hội thánh đã tấn phong tôi khi chỉ mới biết tôi có vài tháng.
Một thanh niên có nên được trao cho một chức vụ không? Tuyệt đối! Thanh niên ấy có được trao cho cơ hội để sử dụng tài năng và tấn tới trong khả năng của mình không? Quí vị hãy đoán xem. Thanh niên ấy có nên được biệt riêng ra để lãnh đạo Hội thánh không? Không đời nào. Phaolô đã nói với Timôthê: "Chớ để ai khinh dễ con vì trẻ tuổi " (4.12) và có nhiều ngoại lệ, ở đó những người trẻ tuổi hơn sẽ được tấn phong trong vai trò trưởng lão … nhưng đây là những ngoại lệ, chớ không phải là luật. Tại sao chứ? Vì một người trẻ tuổi hay một người chưa trưởng thành sẽ "lên mình kiêu ngạo". Thanh niên ấy sẽ nghĩ nhiều về bản thân mình hơn là anh ta tưởng. Thanh niên ấy sẽ kiêu căng, cao ngạo và vô dụng đối với công việc của Chúa. Những người trẻ tuổi cần phải nhớ 1 Phierơ 5.6: "Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên".
Theo câu 22, nếu chúng ta "đặt tay" trên ai đó một cách vội vàng, không có thì giờ xem xét thích đáng, chúng ta sẽ "nhúng vào tội lỗi kẻ khác". Chúng ta sẽ chịu trách nhiệm vì đã trợ giúp cho thanh niên ấy cứ "lên mình kiêu ngạo" và chịu lấy một phần lỗi vì cớ tội lỗi của anh ta.
Kế đó, sự việc cho thấy dường như Phaolô kéo Timôthê ra để nói riêng vậy. Ông nhắc cho Timôthê nhớ phải "giữ mình cho thanh sạch", nghĩa là coi chừng chính đời sống và tiếng tăm của mình. Hãy chịu khó làm việc ở chỗ "không vết". Kế tiếp ông nói với Timôthê một lời khích lệ: "Đừng chỉ uống nước luôn; nhưng phải uống một ít rượu, vì cớ tì vị con, và con hay khó ở" (câu 23).
Dường như Timôthê đã chịu khó nhọc nhiều quá đến nỗi hết sức lực. Ông đang uống chỉ có nước lạnh và như thế rất nguy hiểm trong thời điểm và địa vị ấy. Nước đem lại nhiều chứng bịnh như bịnh lỵ. Rõ ràng Phaolô rất quan tâm vì những sự "khó ở" thường xuyên của Timôthê và dè chừng Timôthê vì quá sốt sắng. Rượu ở đây có đặc tính chữa bịnh và rõ ràng đây không phải là một lời cáo lỗi vì uống rượu.
B. Ứng cử viên cấp trưởng lão phải được chọn cách cẩn thận vì không phải ai cũng phạm tội cũng không phải mọi việc làm đều tốt cả đâu (các câu 24-25). Trong hai câu cuối Phaolô quay trở lại với quan niệm xem xét cách cẩn thận bất kỳ người nào sẽ là trưởng lão xuất sắc nhất. Ông nói rằng: "Có người thì tội lỗi bị bày tỏ và chỉ người đó ra trước khi phán xét". Nói cách khác, có người rõ ràng không sẵn sàng cho chức vụ lãnh đạo thuộc linh vì họ vẫn đứng một chân trong thế gian. Tôi lấy chữ "phán xét" ở đây để nói tới sự xét nét của Hội thánh về bản tánh của những người nào sẽ nắm vai trò lãnh đạo. Mặt khác, tội lỗi của một số người "sau rồi mới bị bày tỏ ra". Ở mặt ngoài dường như họ là những ứng cử viên sáng giá. Tuy nhiên, khi bị đặt dưới áp lực, tình trạng tội lỗi của họ sẽ được bày tỏ ra. Nếu quí vị muốn biết bản chất của một người, hãy quan sát cách thức người ấy đáp ứng khi người ấy bị căng thẳng và áp lực.
Có một số người "các việc lành" của họ thì "bày ra". Có một số người, họ thực sự không cần trải qua sự đánh giá vì họ đã phục vụ rất tốt lâu nay. Thời gian lâu dài của họ về sự trung tín trong chức vụ cũng đủ nói lên họ xứng đáng rồi. Tuy nhiên, sẽ có những người khác, họ đầy dẫy "các việc lành" và có những đức tính cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không biết điều nầy cho tới khi chúng ta xem xét đời sống của họ và kế đó là những việc tốt "không giấu kín được".
Chức năng lãnh đạo mạnh mẽ không những là theo Kinh thánh, mà nó còn quan trọng cho sức khoẻ lâu dài của Hội thánh nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các cấp lãnh đạo mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta và cầu xin Ngài dấy lên nhiều người thích ứng cho các phần việc.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét