Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Mathiơ 8.18-27: "Bạn muốn trở thành một môn đồ..."



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Bạn muốn trở thành một môn đồ...
Mathiơ 8.18-27
1. Hầu hết chúng ta đều dành thì giờ để xem các trận đấu Thế Vận vào mùa hè nầy. Chúng ta cảm động khi xem phần biểu diễn thật dũng mãnh của Kari Strug khi cô vượt qua đội thể dục nữ đoạt huy chương vàng với một chân bị thương. Chúng ta thấy Michael Johnson lập kỳ tích Thế Vận khi thắng cuộc đua cả 200m và 400m. Dan O'Brian đã lội ngược dòng sau khi đội của anh không đạt được huy chương vàng ở Barcelona, giờ đây đã đoạt được huy chương vàng ở cuộc thi 10 môn thể dục dụng cụ trong năm nay ở Atlanta. Khi tôi xem phần tin tức, tôi mới hay rằng các vận động viên xuất sắc nầy đều là hạng người bình thường với những đời sống thật bình thường. Một vận động viên là bác sĩ phẫu thuật, vài người là bưu tá viên, và nhiều người khác là nhân viên thư ký, nông dân và sinh viên.
Khi tôi suy nghĩ về sự kiện đó, giống như nhiều người khác, tôi đã lấy làm lạ, trở thành một vận động viên Thế Vận thì phải sống như thế nào!?! Sau hết, tôi thường chạy vòng 800m và nhảy sào. Một khi tôi thực sự chịu khó... Đúng là một giấc mơ. Điều chúng ta bỏ quên khi quan sát những vận động viên như vậy: đó là hầu hết trong số họ đã bắt đầu luyện tập môn thi đấu của họ lâu dài hơn cả bốn năm trời. Phần nhiều trong số họ đã hiến toàn bộ đời sống cho giây phút tối thượng đó khi lá cờ của họ được kéo lên, bài quốc ca của họ được trỗi lên và chiếc huy chương vàng đã được choàng qua cổ của họ.
2. Muốn có hy vọng trở thành một vận động viên thế vận đoạt huy chương vàng, vận động viên phải hoàn toàn dâng mình cho mục tiêu đó. Nếu không cứ cách nào đó người chao đảo, người biết ngay mình sẽ không bao giờ nhận được huy chương. Về một phương thức, những vận động viên thế vận chính là những môn đồ. Trong kỹ nguyên Tân ước, một môn đồ là người tự dâng mình bước theo một đường lối sống hoặc theo một giáo sư nào đó. Từ ngữ “môn đồ” có nghĩa là “người học việc”. Các vận động viên thế vận đã quên đi mọi sự hầu dâng mình cho sự kêu gọi cao cả đó.
3. Trở thành một môn đồ của Đức Chúa Giêxu Christ đòi hỏi cùng sự đầu phục ấy. Phaolô đã nói trong I Côrinhtô 9.24-25: "Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát”.
4. Cũng có nhiều người chỉ mong muốn thêm Chúa Giêxu vào trong đời sống của họ, chớ không muốn lập Ngài làm Chúa của đời sống họ. Họ muốn sống giống như họ muốn sống suốt cả tuần và đến ngày Chúa nhựt thì đi nhà thờ. Họ muốn sống theo ý riêng mình và ơn phước của Ngài.
3. Trong phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay, chúng ta học biết từ Chúa Giêxu rằng địa vị môn đồ, thực sự bước theo Ngài, là rất đắc giá. Chúng ta hãy xét qua bốn đòi hỏi để trở thành một môn đồ của Chúa Giêxu.
I. NẾU BẠN MUỐN TRỞ NÊN MỘT MÔN ĐỒ, BẠN PHẢI BƯỚC THEO CHÚA GIÊXU (câu 18).
A. Chúa Giêxu đang di chuyển qua phía bên kia Biển Galilê (câu 18).
1. Ở chặng đường chức vụ nầy của Chúa Giêxu, thường có những “đoàn dân đông” vây quanh Ngài.
a. Ở 4.25, chúng ta đọc thấy: “Vả lại, từ xứ Galilê, xứ Đêcabôlơ, thành Giêrusalem, xứ Giuđê, cho đến xứ bên kia sông Giôđanh, thiên hạ kéo nhau rất đông mà theo Ngài”.
b. Ở 5.1 Chúa Giêxu "xem thấy đoàn dân đông" khi Ngài đi lên trên núi để giảng bài giảng quan trọng của Ngài. Đây chính là đám đông "lấy đạo Ngài làm lạ” ở 7.28.
c. Khi Chúa Giêxu từ núi xuống, 8.1 cho chúng ta biết “có đoàn dân đông lắm theo Ngài" .
d. Theo 8.16, đêm đó ở thành Cabênaum, toàn bộ thành phố tới đến và Ngài "chữa được hết thảy những người bịnh".
2. Dường như là kỳ quặc đối với chúng ta rằng ngay khi Ngài được lòng dân đã có một cơn sốt cao dấy lên, Chúa Giêxu luôn luôn tránh né khỏi đám đông. Tại sao vậy? Vì số người nầy có ấn tượng với những cái bề ngoài: việc làm ra các phép lạ, sự chữa lành cho những kẻ tật bịnh, cùng những lời nói đầy quyền lực đã chạm đến tấm lòng. Họ đã bất động trước những gì Chúa Giêxu đã làm, chớ không phải vì Ngài là ai. Họ đang nhắm vào những cái ngoại tại, chớ không nhắm vào những điều nội tại, họ nhắm vào thuộc thể chớ không nhắm vào thuộc linh.
3. Chúa Giêxu "truyền qua bờ bên kia". Ngài đang bước lên một chiếc thuyền để đi khỏi đoàn dân đông vì Ngài không muốn có nhiều người nhìn thấy. Ngài muốn ở với các môn đồ. Nếu họ thực sự muốn biết rõ Ngài, họ phải đi theo Ngài.
B. Chúa Giêxu luôn luôn vận hành trong đời sống chúng ta.
1. Đức Chúa Trời không bao giờ trì trệ. Ngài không bao giờ lọt vào một ngõ cụt. Ngài luôn luôn vận hành, luôn luôn làm một việc gì đó thật tươi mới, luôn luôn đi động và vận hành theo một phương thức mới giữa vòng những người mới.
2. Phải, Đức Chúa Trời luôn luôn y như nguyên cũ, đó là sự thật. Chúng ta nói rằng Ngài là bất biến, Ngài không bao giờ thay đổi. Hêbơrơ 13.8 chép: "Đức Chúa Giêxu Christ hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi". Cá tính, bổn tánh và sứ điệp của Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi, nhưng công việc của Ngài thì thường hay thay đổi.
C. Bạn không thể ở lại chỗ mình sinh sống rồi bước theo Chúa Giêxu.
1. Hãy suy nghĩ tới hết thảy những con người có đức tin xem, họ đã ra đi khi bước theo Đức Chúa Trời. Ápraham không thể ở lại Urơ xứ Canhđê. Nôê không thể ở lại trong cách sống bình thường của mình mà đóng một chiếc tàu. Môise không thể ở lại trong xứ Mađian mà lãnh đạo dân sự ra khỏi Ai cập được. David không thể ở lại với bầy chiên của mình mà trở thành vua đâu. Phierơ, Anhrê, Giacơ và Giăng không thể ở lại với nghề đánh cá của họ mà trở thành môn đồ. Mathiơ không thể ở lại trong căn phòng thu thuế của mình mà trở thành một môn đồ. Phaolô không thể ở lại trong vai trò người Pharisi mà trở thành một môn đồ đâu!
2. Bạn không thể ở lại chỗ mình sinh sống mà trở thành một môn đồ được. Muốn trở thành một môn đồ, bạn phải bỏ lại sau lưng cái gì? Có thể đó sẽ là một thái độ, một thói quen, một sự thiếu kỷ luật, một lối sống, hoặc thậm chí một con người.
3. Chúa Giêxu phán trong Luca 14.33: “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta”.
II. NẾU BẠN MUỐN TRỞ THÀNH MỘT MÔN ĐỒ, BẠN PHẢI RA KHỎI KHU VỰC AN NHÀN CỦA MÌNH (các câu 19-20).
A. Có một người “muốn trở thành môn đồ” tiếp cận Chúa Giêxu (câu 19).
1. Thứ nhứt, chúng ta biết từ sách Mathiơ rằng ông ta là “một thầy thông giáo”. Thầy thông giáo là giới chức có thẩm quyền trong luật pháp Hêbơrơ và giống như người Pharisi, là hạng người khắc khe trong mọi truyền khẩu về luật pháp. Họ là nhánh học thức cao trong xã hội. Dường như là kỳ lạ khi một cá nhân có học thức cao về tôn giáo như thế dám bỏ hết địa vị của mình và đối diện với sự nhạo báng để đi theo một nhà truyền đạo lưu động không có học thức. Điều nầy giống như một vị giáo sư đại học với bằng cấp Tiến Sĩ dám bỏ đi chức vụ của mình để đi theo một gã thợ mộc thất học vừa đổi thành nhà truyền đạo vậy.
2. Thứ hai, ông ta xưng Chúa Giêxu là "Thầy". Đây là từ Hy lạp didaskalos. Từ nầy có nghĩa là "một vị huấn luyện viên hay thầy". Chữ tương đương ngày nay là tước hiệu "Học giả". Ông ta phải nghe theo Chúa Giêxu. Ông ta phải đem lý trí sắc sảo của mình áp dụng Bài Giảng Trên Núi. Ông ta đã nhìn thấy với con mắt mở thật to lạ lùng khi Chúa Giêxu làm ra hết phép lạ nầy tới phép lạ khác. Ông ta nhìn thấy Chúa Giêxu không có gì khác hơn là “Thầy”. Ông ta đã nói giống như Nicôđem đã nói trong Giăng 3.2: “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được”.
3. Thứ ba, ông ta đã tỏ ra lòng trung thành của mình bằng cách tuyên bố: “Lạy thầy, thầy đi đâu, tôi sẽ theo đó”. Ông ta đã nhìn thấy Chúa Giêxu bước xuống thuyền và ông ta không muốn Ngài ra đi. Ông ta đã sẵn sàng ra đi ngay khi ấy nữa. Hãy chú ý không một chỗ nào Kinh Thánh nói rằng người nầy không đi theo Chúa Giêxu.
B. Chúa Giêxu đưa ra một đáp ứng thật kỳ lạ (câu 20).
1. Chúa Giêxu không thắc mắc về tính ngay thẳng của người nầy, Ngài chỉ lưu ý ông ta về cái giá của địa vị môn đồ mà thôi. Ngài đã phán: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu”.
2. Chúa Giêxu, Đấng Tạo Hoá của muôn vật, Vua các vua, Chúa các chúa đã sống trong một tình trạng nghèo khó, vô gia cư sâu sắc nhất. Ở Giăng 7.53 – 8.1, chúng ta đọc: “[Ai nấy đều trở về nhà mình. Đức Chúa Jêsus lên trên núi ôlive”. Trong khi những đoàn dân đông rúc vào giường của họ, Chúa Giêxu đã nằm ngủ dưới các ngôi sao.
3. Chúa Giêxu tự nhận mình là "Con Người" một tước hiệu đã được dùng đầu được tiên trong Đaniên 7.13 và được sử dụng hơn 80 lần trong các sách Tin lành. Từ nầy chỉ ra sự hạ mình của Chúa Giêxu. Dường như đây là từ ngữ Chúa Giêxu rất ưa thích người ta nói tới chính mình Ngài và đánh dấu lý tưởng của Ngài dành cho nhân loại. Một môn đồ chỉ biết nhắm vào tâm linh, chớ không nhắm vào xác thịt.
C. Trở thành một môn đồ đòi hỏi bạn phải di chuyển ra khỏi khu vực an nhàn của mình.
1. Khi di chuyển ra khỏi khu vực an nhàn của bạn có nghĩa là... công khai tuyên xưng Đấng Christ qua lễ báptêm... tham gia một Hội Thánh...gõ vào một cánh cửa và mời người ta đi nhà thờ...chia sẻ chứng cớ mình được cứu với bạn cùng làm việc bên bàn ăn trưa... nhận dạy một lớp học Kinh Thánh... tập dâng phần mười... cầu nguyện trong một tiếng đồng hồ thay vì năm phút...đầu phục đối với chức vụ ...ra hải ngoại trong vai trò giáo sĩ.
2. Ở lại nơi mình sinh sống thì thật là dễ dàng lắm. Một số người trong chúng ta đã không đi đâu trong nhiều năm trời. Nhưng bạn không thể lăn mình đi, cứ ở lại nằm xuống ngủ rồi trở thành một môn đồ. Chúa Giêxu đã phán trong Mathiơ 16.24: “Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta”.
III. NẾU BẠN MUỐN TRỞ THÀNH MỘT MÔN ĐỒ, BẠN PHẢI ĐẶT CHÚA GIÊXU Ở ĐẦU HẾT (các câu 21-22).
A. Có một người khác tiếp cận Chúa Giêxu với một lời cầu xin thật kỳ lạ (câu 21).
1. Người nầy là "một môn đồ khác trong số các môn đồ của Ngài". Nói cách khác, không giống như "thầy thông giáo" trong câu 19, người nầy đã thực hiện rồi sự dâng mình để đi theo Chúa Giêxu. Ông ta yêu mến Chúa Giêxu, nhưng còn có sự đầu phục khác nữa.
2. Ông ta nói: “Lạy Chúa, xin Chúa cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã". Chúa Giêxu là ưu tiên một, nhưng cha ông ta và cơ nghiệp của ông ta là những tiêu chuẩn cao hơn.
3. Lúc đầu, đối với chúng ta dường như người nầy đang yêu cầu Chúa Giêxu để cho ông ta đến dự một đám tang, nhưng đấy không phải là trường hợp. Trong tất cả khả năng có thể xảy ra, cha ông ta vẫn chưa chết.
4. Trong các xứ thuộc vùng Trung đông, chính trách nhiệm của một người con trai là phải giúp đỡ cha mình trong công việc gia đình cho tới khi người cha qua đời và cơ nghiệp được phân chia ra. Khi cơ nghiệp đã bị mất hay bị giảm sút, nếu người con trai không chu toàn bổn phận vốn có của mình, từ ngữ "chôn cha tôi" thực sự có nghĩa là "lãnh cơ nghiệp của tôi".
5. Người nầy muốn tương giao với Chúa Giêxu, nhưng chúa thật của ông ta chính là sự giàu có của cha ông ta.
B. Chúa Giêxu đã đáp ứng theo một cách thức dường như khá gay gắt (câu 22).
1. Ngài phán: "Hãy theo ta, để kẻ chết chôn kẻ chết". Đây là cách nói ví von. Chúa Giêxu đang nói: "Hãy để cho người thế gian lo liệu mọi sự thuộc về thế gian, còn môn đồ ta thì phải theo ta".
2. Ở một dịp khác, Chúa Giêxu đã phán với các môn đồ Ngài: "Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Mathiơ 10.37).
3. Nói cách khác, nếu bạn muốn trở thành môn đồ của Đức Chúa Giêxu Christ, bạn phải đặt Ngài ở trên hết. Mọi sự và mọi người phải đứng hàng thứ nhì sau Chúa Giêxu. Trở thành một môn đồ không có nghĩa là thêm Chúa Giêxu vào trong đời sống của bạn, mà Chúa Giêxu phải trở thành sự sống của bạn!
Hudson Taylor là một vị giáo sĩ lỗi lạc, ông đã sáng lập ra Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung Hoa, ở đó hàng ngàn người Trung hoa đã đạt tới mức tin theo Đấng Christ. Trong trình tự bước theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời đến Trung hoa, Taylor phải lìa bỏ người mẹ goá của mình ở lại một mình bên Anh quốc. Khi ông viết về lần chia tay sau cùng của họ lúc ông xuống tàu qua Đông phương, ông đã nói: "Vì cớ tôi bà đã ngăn lại mọi cảm xúc của mình như có thể được. Chúng tôi chia tay; và bà đã đi dọc theo bờ biển, chúa phước cho tôi! Tôi đứng một mình trên boong tàu, và bà đã dõi theo con tàu khi chúng tôi đang hướng ra hai cánh cửa của nơi đậu tàu. Lúc chúng tôi đi ngang qua hai cánh cửa, và sự phân ly thực sự bắt đầu, tôi không bao giờ quên tiếng kêu đau khổ rung lên từ con tim của một người mẹ. Tiếng kêu ấy đâm thấu vào tôi giống như một con dao vậy. Tôi chưa hề biết đủ trọn như thế cho tới khi đọc câu “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian”. Và tôi hoàn toàn biết chắc rằng người mẹ quí báu của mình đã học biết nhiều về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho người bị hư mất trong giờ đó hơn bất cứ điều chi khác trong đời sống bà trước đó".
4. Đức Chúa Cha “yêu thương” chúng ta đến nỗi Ngài đã ban mạng sống của Con Ngài. Chúa Giêxu "yêu thương" chúng ta nhiều đến nỗi Ngài "tự hạ mình xuống cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự". Làm sao chúng ta có thể ích kỷ đặt bất cứ điều chi khác hay bất cứ ai khác hơn ở trên trước Ngài?
5. Trong một câu chuyện tương tự, Chúa Giêxu đã phán trong Luca 9.62: "Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời”.
IV. NẾU BẠN MUỐN TRỞ THÀNH MỘT MÔN ĐỒ, BẠN PHẢI BƯỚC VÀO CƠN BÃO (các câu 23-27).
A. Chúa Giêxu đã đặt các môn đồ vào giữa cơn bão lớn (các câu 23-24).
1. Chúng ta biết từ câu 18 rằng vì cớ "đoàn dân đông" Chúa Giêxu đã sửa soạn băng ngang qua Biển Galilê. Trong khi Ngài đang sửa soạn cho chuyến hành trình ngắn ngủi nầy, có hai người đã đến gần Ngài.
2. Đúng thời điểm nầy, Chúa Giêxu "xuống thuyền" và "các môn đồ theo Ngài". Mác 4.36 chép: "cũng có các thuyền khác cùng đi nữa". Đúng là một bối cảnh thanh bình! Khi mặt trời chiếu sáng trên vai họ, họ đã cho thuyền đi chuyến hành trình 8 dặm băng ngang qua Biển Galilê.
3. Bối cảnh ấy tan vỡ đi trong câu 24. Câu Kinh Thánh chép: "thình lình" hay "mau chóng, bất ngờ" "biển nỗi bão lớn". Từ Hy lạp nói tới "bão lớn" là seismos từ đó chúng ta có từ seismic và seismograph khi nhắc tới động đất.
4. "Sóng dậy phủ thuyền". Hãy tưởng tượng sàn thuyền nghiêng ngã, cơn mưa đổ xuống thành từng mãng lớn, nước phủ lên chiếc thuyền nhỏ dường như muốn nhận chìm nó.
5. Khi ấy họ mới chú ý và thấy Chúa Giêxu "đương ngủ". Đây là cái nhìn đáng nhớ vào sự hoá thân thành nhục thể của Ngài. Ngài không giả vờ đâu. Ngài đã ngủ. Là Đức Chúa Trời, Ngài điều khiển từng cấu trúc phân tử của từng giọt nước. Cơn bão thuộc về Ngài. Là con người, Ngài đã ngủ một giấc ngủ của sự mệt mỏi.
6. Bạn có nhìn thấy rõ mục đích chưa? Chúa Giêxu đã đặt họ vào trong cơn bão. Ngài biết rõ khi Ngài ra lịnh cho các môn đồ phải xuống thuyền để cho họ sẽ đối mặt với cơn bão nầy. Ngài đưa họ vào một cơn bão nằm ngoài khả năng khống chế của họ.
B. Chúa Giêxu quở bão yên lặng và dạy dỗ các môn đồ (các câu 25-27).
1. Những người nầy không phải là thiếu kinh nghiệm đâu! Họ là những ngư phủ chuyên nghiệp từng đối diện với nhiều cơn bão. Trận bão nầy còn tệ hại hơn bất cứ trận bão nào mà họ đã nhìn thấy vì họ "đã đánh thức" Chúa Giêxu và nói: "Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!"
2. Mác 4.38 chép rằng họ cũng nói: "Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?" Bạn từng có mặt ở đó chưa? Bạn có từng nói với Chúa Giêxu: "Sao Ngài không lo liệu cho con?"
3. Tất nhiên là Chúa Giêxu có lo liệu rồi đó! Duy Ngài không hề sợ hãi mà thôi. Mọi sự thiên đàng đang nhắm vào là chiếc thuyền nhỏ đó. Chúa Giêxu vốn biết rõ từng giọt nước trong, dưới và trên chiếc thuyền ấy.
4. Chúa Giêxu đã nhìn thẳng vào họ khi họ kêu la lúc gặp bão: "Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ?" Khi bạn suy gẫm về câu chuyện nầy, tại sao họ đã có lòng sợ hãi như vậy chứ? Họ đang đối mặt với cơn bão dữ dằn nhất mà họ từng trông thấy. Chiếc thuyền của họ sắp sửa bị chìm. Họ đã kiệt sức không còn có khả năng hy vọng nữa. Nhưng họ đã có Chúa Giêxu ở trên thuyền với họ, và sự hiện diện của Ngài loại bỏ từng trở ngại một!
5. Chúa Giêxu "bèn đứng dậy" và Ngài "quở gió và biển". Mác 4.39 chép lại mạng lịnh của Ngài: "Hãy êm đi, lặng đi!" Đúng ra, câu nầy phải đọc là: "Hãy im miệng đi".
6. Theo lời phán của Ngài: "thì liền yên lặng như tờ". Cơn mưa thôi không đổ xuống nữa. Ngọn gió thôi không còn thổi nữa. Những lượn sóng biển thôi không ùa tới nữa. Biển trở phẳng lặng như một tấm gương. Âm thanh duy nhất là những giọt nước rơi xuống từ những cánh buồm đã bị xé rách kia.
7. Các môn đồ không còn nhớ được sứ điệp. Hãy chú ý câu 27 là họ đã "lấy làm lạ". Nói như vầy có nghĩa là "ngắm nhìn với sự lạ lùng". Họ đã hỏi nhau: "Người nầy là ai [đây là hạng người gì…], mà gió và biển đều vâng lịnh người?"
8. Bạn có nhìn thấy mục đích chưa? Chúa Giêxu đã đặt họ vào trong cơn bão, nhưng Chúa Giêxu đã có mặt trong cơn bão cùng với họ!
C. Chúng ta hãy tiếp thu bốn bài học từ cơn bão.
1. Bão tố là chắc chắn. Dù bạn là người tin Chúa hay là người chưa tin Chúa, là môn đồ hay là người đứng quan sát, bạn sẽ đối diện với nhiều cơn bão. Có thể đó là sự chết, bịnh tật, tai nạn, ly dị, thất nghiệp, mất mát bạn bè...
2. Bão tố đến thình lình. Hãy lưu ý một lần nữa từ ngữ "thình lình" trong câu 24. Bão tố dường như đến ngay lúc chúng ta ít mong đợi nhất. Vì thế chúng ta thường xuyên trải qua cuộc sống với cảm giác an ninh cho tới chừng bão tố ụp đến.
3. Bão tố rất khắc nghiệt. Chúng sẽ tàn phá đến độ chúng ta sẽ thắc mắc "Bộ Chúa Giêxu không còn lo liệu nữa sao?" Tất nhiên là Ngài đang quan phòng đấy. Ngài để cho chúng ta đối mặt với bão tố hầu cho chúng ta sẽ học biết đặt để mọi hy vọng, mọi sự tin cậy và toàn bộ sự sống của chúng ta vào Ngài!
4. Bão tố thần phục Cứu Chúa. Dù bạn đối diện với loại bão tố nào, đừng quên rằng Chúa Giêxu đang ở với bạn. Đừng sợ hãi bão tố, mà hãy đến gần Cứu Chúa.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét