Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Mathiơ 1.1-17: "PHỔ HỆ CỦA NHÀ VUA"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
PHỔ HỆ CỦA NHÀ VUA
Mathiơ 1.1-17

1. Bốn sách đầu tiên của Tân ước ai cũng biết là “bốn sách Tin lành”. “Tin lành” có ý nói tới “các tin tức tốt lành”. Trong trường hợp nầy, “các tin tức tốt lành” đó là Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời hiện đến để sống giữa vòng con người, chịu chết vì tội lỗi của họ, và đã đắc thắng sống lại ra khỏi mồ mả để cung ứng cho hết thảy những ai chạy đến với Ngài, một thiên đàng đời đời ở trên trời.
2. Mỗi một trước giả của các sách Tin lành đều viết về một thân vị và cùng một chuỗi các biến cố. Tuy nhiên, mỗi người viết theo cung cách của mình, từ từ ngữ đến quan điểm. Kỳ diệu dường bao, Đức Thánh Linh đã cảm thúc bốn nhận định khác nhau về đời sống của Đức Chúa Jêsus Christ.
A. MÁC phác hoạ Chúa Jêsus là một Tôi tớ. Lẽ đạo của ông cho Chúa Jêsus là nhà Vua đến để phục vụ. Câu gốc cho sách Mác là Mác 10.45: “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”.
B. LUCA phác hoạ Chúa Jêsus là Con Người. Là một y sĩ, ông nhấn mạnh nhân tính của Chúa Jêsus. Ông viết để lôi cuốn những người dân Ngoại.
C. GIĂNG phác hoạ Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. Ông cung ứng cho chúng ta về thần tính của Đấng Christ nhiều hơn các sách Tin lành khác.
D. MATHIƠ phác hoạ Chúa Jêsus là Vua của người Do thái. Tuy nhiên, theo một cấp độ lớn lao hơn, ông tỏ Ngài ra là Vua các vua. Quyển sách có nhiều tham khảo tới Nước của Đức Chúa Trời. Sách nầy chủ yếu là viết cho người Do thái.
3. Ý niệm về một vị Vua hầu đến là trọng tâm của lời tiên tri trong Cựu ước. Từ Sáng thế ký 3.15, Đức Chúa Trời tuyên bố rằng dòng dõi của người nữ sẽ “giày đạp” đầu của Satan, qua các sách tiên tri, sẽ có một vị Vua đến để khởi sự một Nước đời đời. Không có một vị vua nào của Ysơraên trong Cựu ước đến để làm ứng nghiệm lời tiên tri nầy. Hãy chú ý các phân đoạn Kinh Thánh sau đây:
Thi thiên 2.6 chép: “Dầu vậy, ta đã lập Vua ta Trên Si-ôn là núi thánh ta”.
Thi thiên 24.9-10 chép: “Hỡi các cửa, hãy cất đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên, thì vua vinh hiển sẽ vào. Vua vinh hiển nầy là ai? Ấy là Đức Giê-hô-va vạn quân, chính Ngài là Vua vinh hiển”.
Êsai 7.14 chép: “Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên”.
Êsai 9.5-6 chép: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ làm nên sự ấy!”
Michê 5.1 chép: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng”.
Sôphôni 3.15 chép: “Đức Giê-hô-va đã trừ bỏ sự phán xét ngươi, khiến kẻ thù nghịch cách xa ngươi; Vua của Y-sơ-ra-ên, tức là Đức Giê-hô-va, ở giữa ngươi, ngươi sẽ không gặp tai vạ nữa”.
Xachari 9.9 chép: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái”.
4. Phierơ đã viết ra lời tiên tri nầy trong I Phierơ 1.10-11: “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau”. Toàn bộ Tân ước xưng nhận Chúa Jêsus phải là Vua. Từ ngữ “Nước” được sử dụng 147 lần. Từ ngữ “vua” đề cập tới Đấng Christ 35 lần và có ít nhất 10 tham khảo tới “sự trị vì” của Đấng Christ.
5. Mathiơ – trước giả quyển sách thuộc linh nầy là một nhân viên thu thuế đã trở lại đạo. Ông rất khiêm tốn và chỉ nói tới mình bằng ngôi thứ ba. Ông đã viết bản thảo vài năm sau khi Chúa Jêsus thăng thiên.
6. Mathiơ cho chúng ta thấy ba pương diện trong chức vụ của Đấng Christ, Ngài là vị Vua đã được TỎ RA, vị Vua bị CHỐI BỎ, và vị Vua sẽ TÁI LÂM.
7. Để lập Chúa Jêsus làm Vua, Mathiơ bắt đầu bằng cách tỏ ra cho chúng ta thấy phổ hệ vương giả của Ngài, gia phả của Ngài. Kể từ khi thành Jêrusalem bị huỷ diệt vào năm 70 SC, không một người Do thái nào có thể lần theo dấu về phổ hệ của mình. Đối với những ai vẫn chờ đợi một Đấng Mêsi, họ chấp nhận tước vị vương giả của Ngài bằng cách nào?
8. Có hai bản gia phổ của Đấng Christ trong Tân ước:
Bản gia phổ của Mathiơ trải từ Ápraham xuống Giôsép, ông là cha theo luật pháp của Chúa Jêsus chớ không phải là cha ruột. Dự tính của Mathiơ là xác nhận lời xưng nhận hợp pháp của Chúa Jêsus về ngai Đavít.
Luca tường trình gia phổ của Chúa Jêsus trong Luca 3.23-38. Ông đã viết theo thứ tự, dự tính cho thấy Chúa Jêsus là dòng dõi ruột thịt của Vua Đavít. Dòng dõi nầy hiển nhiên được lần theo phía Mary. “Hêli” có lẽ là cha vợ của Giôsép. Vì lẽ ấy, Chúa Jêsus thuộc dòng vua chúa và thừa kế ngai vàng của Ysơraên.
9. Dường như nghiên cứu về phổ hệ của Đấng Christ là việc rất khô khan và tẻ nhạt. Nhiều Cơ đốc nhân bỏ qua chữ “sanh” khi họ đọc Kinh Thánh. Tuy nhiên, nếu quý vị chịu khó chú ý cho kỹ, quý vị sẽ ngạc nhiên khi thấy Đức Chúa Trời thiết lập phổ hệ của Vua các vua rất chi tiết.
10. Bản gia phổ nầy dạy chúng ta rằng Chúa Jêsus không những có quyền Làm Vua của người Do thái, mà Ngài còn là Vua các vua và Chúa các chúa nữa.
I. Phổ hệ của Chúa Jêsus xác minh Ngài là Vua trên Ysơraên.
A. Chúa Jêsus là “con của Đavít” (câu 1)
1. Như phần gia phổ tỏ ra trong câu 6 và trong Luca 3, Chúa Jêsus là dòng dõi trực hệ của Vua Đavít. Thực ra từ ngữ “Con của Đavít” là tước hiệu Đấng Mêsi của Đấng Christ. Tước hiệu nầy có ý nói Ngài là Cứu Chúa của Ysơraên.
2. Đavít là vị vua tài ba nhất trong lịch sử của quốc gia. Ông đã đem lại thịnh vượng về mặt quân sự, kinh tế, và xã hội cho Ysơraên. Mặc dù ông là một con người tội lỗi, Đức Chúa Trời đã gọi ông là “một người theo lòng Ngài” (Công vụ các sứ đồ 13.22; đối chiếu I Samuên 13.14).
3. Đức Chúa Trời đã lập một lời hứa đặc biệt với Đavít. Trong II Samuên 7.16, Đức Chúa Trời đã phán qua Nathan: “Như vậy, nhà ngươi và nước ngươi được bền đổ trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi”. Câu nầy không ứng nghiệm nơi Salômôn, mà là nơi Chúa Jêsus!
B. Chúa Jêsus là “con của Ápraham” (câu 1).
1. Đức Chúa Trời đã gọi Ápraham từ Urơ xứ Canhđê khi ông được 75 tuổi. Trong Sáng thế ký 12, Ngài đã lập một lời hứa mà ai cũng biết là Giao uớc với Ápraham. Trong câu 3, Đức Giêhôva phán: “các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”.
2. Chúa Jêsus là sự ứng nghiệm của lời hứa đó. Ngài là dòng dõi trực hệ của Ápraham và nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài, mọi dân trên đất sẽ nhận được ơn phước của sự cứu rỗi.
3. Trong Sáng thế ký 22.18, Đức Giêhôva phán: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước”. Galati 3.16 chép: “Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người. không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ”.
C. Chúa Jêsus là dòng dõi của “Ysác” (câu 2). Ysác cũng là một trong các vị tộc trưởng. Trong Sáng thế ký 22, Ápraham trong sự vâng phục Đức Chúa Trời đã dâng con ông làm của lễ thiêu, một hình ảnh của Đấng Christ. Ápraham nói: “Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con”.
D. Chúa Jêsus là dòng dõi của “Giacốp” (câu 2). Giacốp là con của Ysác, tên ông có nghĩa là “kẻ dối gạt”. Trong Sáng thế ký 32, ông đã vật lộn với “Một Con Người”. Câu 28 và Ôsê 12.3 cho chúng ta biết Con Người là Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jêsus Christ. Khi ấy Chúa Jêsus đã chúc phước cho Giacốp và gọi ông là “Ysơraên” có nghĩa là “hoàng tử của Đức Chúa Trời”.
E. Chúa Jêsus là dòng dõi của “Giuđa” (câu 2). Giacốp có 12 người con, họ trở thành 12 chi phái của Ysơraên. Khi Giacốp nằm trên giường hấp hối, ông đã chúc phước cho Giuđa và nói trước về Đấng Christ, ông nói: “Cây phủ việt [biểu tượng của nhà vua] chẳng hề dời khỏi Giuđa, kẻ lập pháp không dứt khỏi chơn nó, cho đến chừng Đấng Silô hiện tới, và các dân vâng phục Đấng đó”.
II. Phổ hệ của Chúa Jêsus xác minh Ngài là Vua trên tội nhân.
A. Chúa Jêsus là dòng dõi của “Tama” (câu 3).
1. Bà là con dâu người Canaan của Giuđa. Vì sự gian ác của họ, Đức Chúa Trời đã cất đi mạng sống của hai người chồng đầu tiên của bà là E-rơ và em ông là Ot-nan. Giuđa hứa với bà rằng khi người con út là Sê-la lớn lên sẽ trở thành chồng của bà và có con cái lấy theo danh của hai người anh mình. Tuy nhiên, khi Sê-la lớn lên, Giuđa đã không làm đúng lời hứa của mình.
2. Sáng thế ký 38 ghi lại câu chuyện nói về Tama đã giả dạng kỵ nữ rồi lừa Giuđa vào quan hệ tình dục. Từ chỗ loạn luân, việc lấy nhau bất hợp pháp nầy đã có hai đứa con sanh đôi: “Phêrết và Xêrách”.
3. Mặc dù là đĩ điếm, dối gạt và loạn luân, ân sủng của Đức Chúa Trời đã đưa hạng tội nhân chuyên dối gạt nầy vào phổ hệ của nhà Vua.
B. Chúa Jêsus là dòng dõi của “Raháp” (câu 5)
1. Raháp cũng là một phụ nữ người xứ Canaan. Không những bà ăn mặc như kỵ nữ, bà còn là kỵ nữ sống trên các đường phố của thành Giêricô.
2. Vì bà kính sợ Đức Chúa Trời và tôn trọng dân sự Ngài, bà đã bao che cho hai thám tử người Do thái do Giôsuê sai đến. Khi thành phố bị huỷ diệt, không những Đức Chúa Trời buông tha mạng sống của bà, mà còn đưa bà vào phổ hệ của Chúa Jêsus nữa.
3. Bà đã lấy “Sanh-môn” làm chồng và đã trở thành mẹ của “Bôô” là ông cố của Vua Đavít (đối chiếu Giôsuê 2.1-21; 6.22-25).
C. Chúa Jêsus là dòng dõi của “Đavít và vợ của Uri” (câu 6)
1. Mặc dù Đavít là một vị vua rất có tài, ông cũng là một tội nhân. Ngày nọ ông nhìn thấy Bátsêba – vợ của một tướng lãnh có tên là Uri đang tắm. Ông đã ham muốn và đã phạm tội tà dâm với bà.
2. Bà có thai một con trai với Đavít. Đavít quyết định đưa Uri về nhà, nhưng Uri không ngủ với vợ mình. Thế rồi Đavít đã sai Uri ra tuyến đầu để bị giặc giết chết. Sau đó ông lấy Bátsêba làm vợ mình.
3. Đức Chúa Trời đã xét đoán Đavít cùng Bátsêba vì cớ tội lỗi họ và đứa nhỏ đã chết. Tuy vậy, trong ơn thương xót, Đức Chúa Trời đã ban cho họ người con khác là “Salômôn”. Từ Salômôn mà ra phổ hệ của Chúa Jêsus.
D. Hết thảy những người đó trong phổ hệ của Chúa Jêsus đều là tội nhân. Hết thảy chúng ta đều là tội nhân. Há chẳng ngạc nhiên sao khi thấy Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta bất chấp tội lỗi của chúng ta.
III. Phổ hệ của Chúa Jêsus xác minh Ngài là Vua trên dân Ngoại.
A. Chúng ta đã nhắc tới kỵ nữ “Raháp” người xứ Canaan đã trở thành một trong các tổ mẫu của Chúa Jêsus. Có điều nầy tôi chưa nhắc tới: ấy là Đức Chúa Trời đã truyền rằng họ sẽ bị huỷ diệt. Phục truyền luật lệ ký 7.2 chép: “khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã phó cho các dân ấy cho, và ngươi đánh bại chúng, thì phải diệt hết chúng đi, chớ lập giao ước cùng, và cũng đừng thương xót lấy”.
B. “Rutơ” cũng là một người Ngoại (câu 5).
1. Rutơ là một người nữ Mô-áp. Người Mô-áp là sản phẩm của mối quan hệ loạn luân giữa Lót và hai người con gái chưa chồng của ông. Hai chị em đã cho ra hai người con trai từ cha của họ và một là Mô-áp – tổ phụ của một nước đã trở thành kẻ thù cay đắng của Ysơraên.
2. Rutơ đã lấy một người Ysơraên có tên là Mạc-lôn làm chồng. Khi ông qua đời, bà đã theo mẹ chồng mình là Naômi về lại xứ Ysơraên, ở đó bà lấy “Bôô” làm chồng và đã trở thành bà nội của Vua Đavít.
C. Chúng ta lấy làm vui mừng khi thấy Chúa Jêsus không những là Vua của dân Do thái, mà còn là Vua của tất cả nhân loại nữa.
IV. Phổ hệ của Chúa Jêsus xác minh Ngài là Vua trên những người thất bại.
A. Trong câu 11, chúng ta thấy rằng dân Do thái “bị đày qua nước Babylôn”. Vì họ thất bại không vâng theo Đức Chúa Trời và sống trung tín với Ngài, Ngài đã cho phép kẻ thù họ thắng hơn và đưa họ đi lưu đày tại xứ Babylôn.
B. Đức Chúa Trời không chọn một quốc gia trọn vẹn để cho Chúa Jêsus ra đời từ quốc gia đó. Thực ra, Ysơraên là một quốc gia thất bại. Điều đáng vui mừng là Đức Chúa Trời vốn yêu thương họ và đã đại dụng họ không cứ cách nào. Quý vị đã thất bại trong mọi sự quý vị bắt tay làm, nhưng Chúa Jêsus vẫn cứ tiếp nhận quý vị. Ngài vốn hiểu rõ mọi thất bại.
V. Phổ hệ của Chúa Jêsus xác minh Ngài là Vua trên hạng người vô dụng.
A. Xuyên suốt bản gia phổ nầy, chúng ta thấy danh xưng của các vị tộc trưởng, các vua, và hạng người quan trọng. Chúng ta cũng thấy tên tuổi của hạng người tầm thường, dường như là hạng người vô nghĩa. Mặc dù thế gian ít nhớ đến họ, Đức Chúa Trời Ngài ghi nhớ.
B. Hãy suy nghĩ về “Mary” mẹ của Chúa Jêsus. Bà thụ thai không bình thường. Bà là một cô gái Do thái rất đơn sơ. Bà là một tội nhân rất cần có một Cứu Chúa. Trong Luca 1.46-48, bà đã nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi. Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước”.
C. Quý vị có thể là một “người vô dụng” trong thế gian và vẫn là một “người có giá trị” trong Nước của Đức Chúa Trời.
VI. Phổ hệ của Chúa Jêsus xác minh Ngài là Vua trên thời gian.
A. Câu 14 cho chúng ta thấy phổ hệ trải dài hơn ba thời kỳ quan trọng của lịch sử: “từ Ápraham đến Đavít… từ Đavít cho tới kỳ lưu đày tại xứ Babylôn… từ kỳ lưu đày tại xứ Babylôn cho tới Đấng Christ”.
B. Trong mỗi thời kỳ nầy, Đức Chúa Trời đã vận hành chuẩn bị thế giới cho sự đến của Nhà Vua. Ân sủng của Ngài đang nắm quyền tể trị.
C. Ngày nay, Đức Chúa Trời đang sửa soạn thế giới cho sự Tái Lâm của Nhà Vua. Lần tới đây, Ngài sẽ không đến như một người quê mùa, sanh trong chuồng chiên máng cỏ, mà là một Đấng chiến thắng (Khải huyền 19.11-16).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét