Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Mathiơ 13.44-46: "Các ví dụ nói tới giá trị"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Các ví dụ nói tới giá trị
Mathiơ 13.44-46
1. Suốt cả phân đoạn nầy của sách Mathiơ có tám ví dụ nói về Nước Trời.
A. Trong 13.1-9 và các câu 18-23 chúng ta học Ví dụ nói tới người gieo giống, trong đó Chúa Giêxu mô tả người ta tiếp nhận tin lành bằng nhiều cách thức khác nhau.
B. Trong các câu 24-30, trong Ví dụ nói tới Lúa Mì và Cỏ Lùng, chúng ta học biết thể nào người tin và người không tin Chúa sẽ cùng tồn tại cho tới Ngày Phán Xét.
C. Trong Ví dụ nói tới Hột Cải (các câu 31-32) và Ví dụ nói về Men (câu 33), chúng ta học biết Quyền phép của Nước Trời và quyền phép ấy rải ra như thế nào!?!
2. Trong phân đoạn nầy, Ví dụ nói tới của báu và Ví dụ nói tới Ngọc châu vô giá, Chúa Giêxu dạy về giá trị của Nước Trời và làm thế nào để thưởng thức nó.
I. Ví dụ nói tới Của Báu (câu 44).
A. Nước Trời giống như "Của báu chôn trong đám ruộng kia".
1. Những thứ có giá trị cao thường được chôn trong đất ở các thời kỳ Kinh Thánh. Không có ngân hàng hoặc các hộp gửi tiền an toàn nào đâu! Nếu người ta có thứ gì giá trị như tiền bạc ngọc ngà châu báu, người ấy phải đặt thứ ấy vào một chiếc hộp làm bằng đất hay hộp bằng cây rồi đem chôn nó.
2. Trong thời kỳ chiến tranh, dân Israel sẽ cất giấu quần áo, lương thực, cùng các thứ có giá trị để bảo vệ chúng không bị những kẻ xâm lược lấy cướp.
3. Đôi khi người chủ đất sẽ qua đời hay bị trục xuất ra khỏi đất đai của mình hoặc bị lưu đày đến một xứ xa và của cải của người ấy sẽ bị thất lạc cho tới chừng có người khám phá ra của ấy nhiều năm về sau.
B. Khi người kia tìm được một của báu, người ấy bán hết mọi thứ để mua nó.
1. Trong ví dụ, Chúa Giêxu mô tả một người tìm được "của báu chôn trong đám ruộng kia". Có lẽ người ấy là một người được thuê mướn đã tình cờ đào được nó khi người đang cày ruộng. Có thể người đang đi ngang qua cánh đồng rồi nhìn thấy góc chiếc hộp lòi ra từ đất.
2. Tuy nhiên, vì ruộng không phải là của người, người "bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó".
3. Của báu mà người tìm được có giá trị cao hơn mọi thứ khác mà người đang có. Người bằng lòng bán đi hết mọi của cải đời nầy để mua lấy “của báu” đặc biệt nầy.
4. Có người cho rằng việc mua đám ruộng kia là không đúng với nguyên tắc xử thế. Không phải như vậy đâu! Cho phép tôi đưa ra cho quí vị thấy ba lý do tại sao:
a. Thứ nhứt, người chủ hiện tại không biết về của báu hoặc người đã đào nó lên trước khi đem bán nó.
b. Thứ hai, luật của các rabi tuyên bố một nguyên tắc "ai tìm thấy thì giữ lấy". Luật ấy chép như sau: "nếu có ai tìm được trái cây hay tiền bạc rơi rớt, tiền ấy thuộc về người tìm thấy".
c. Thứ ba, nếu người không lương thiện, người sẽ lấy đi “của báu” thay vì bán đi “gia tài mình” để mua đám ruộng đó.
II. Ví dụ về ngọc châu (các câu 45-46).
A. Nước Trời giống như "người lái buôn kiếm ngọc châu tốt" (câu 45).
1. “Người lái buôn” [emporos] là một người chuyên mua bán, công việc của người là mua và bán hàng hoá để kiếm lời. Người sẽ đi đó đi đây để mua các thứ hàng hoá và rồi bán chúng với giá cao hơn trong các khu vực khan hiếm hàng hoá.
2. Trong thời của Chúa Giêxu, các thương buôn theo kiểu du cư đã đem các thứ gia vị, vải vóc, dầu thơm, và những món nữ trang từ Đông phương đến bán cho những người mua hàng ở vùng Trung Đông.
3. Người lái buôn đặc biệt mà Chúa Giêxu nói tới ở đây là người đi đây đi đó để "kiếm ngọc châu tốt". Họ là tay buôn chuyên nghiệp. Người sẽ đi qua các khu vực thuộc miền biển, ở đây châu ngọc được cất giữ dành dụm và mặc cả với nhiều giá cả khác nhau.
4. "Ngọc châu" là thứ hàng hoá có giá trị rất cao trong thế giới thời xa xưa. Thường thì chúng được người ta mua lấy như vốn đầu tư, giống như kim cương ngày nay vậy. Với thứ hàng hoá đắt giá như châu ngọc, một sự đầu tư lớn lao sẽ được giấu đi ở một khu chợ nhỏ.
5. Trong Mathiơ 7.6, Chúa Giêxu đã bảo các môn đồ Ngài đừng "ném ngọc châu cho heo". Ngài có ý nói nói rằng chúng ta đừng lo lắng chi về việc bố thí một thứ quí báu và vô giá như Tin Lành cho những kẻ hay chỉ trích, phê phán, họ chỉ muốn làm cho lẽ thật phải suy giảm đi mà thôi.
6. Cần phải nói thêm rằng vì Hoàng đế La mã điên cuồng là Caligula sẽ phô trương sự giàu có cực độ của mình bằng cách làm cho một viên ngọc phải tan ra trong giấm rồi uống lấy giấm đó.
7. Trong Khải huyền 21.21, Giăng mô tả thành Jerusalem Mới rất xinh đẹp nơi mỗi cánh cỗng trong 12 cỗng của nó "một hột châu". Mục đích là, trong lý trí của khán thính giả của Chúa Giêxu, không có một thứ gì có giá trị cho bằng một viên ngọc châu.
B. Khi một lái buôn tìm gặp một viên Ngọc Châu có giá trị, người sẽ bán hết gia tài mà mua nó (câu 46).
1. “Tên lái buôn” trong ví dụ của Chúa Giêxu đã tìm được "một hột châu quí giá" hay một “giá cao” đến nỗi chỉ có ông mới có ngọc châu đó. Người xem ngọc châu nầy không những là có giá trị cao hơn hết thảy những viên ngọc châu khác của ông ta hợp lại, mà còn giá trị hơn mọi thứ mà ông đã có.
2. Giống như người kia đã tìm ra của báu chôn trong ruộng, người nầy vui sướng bán đi mọi thứ của cải đời nầy để mua lấy “một viên châu ngọc” có giá trị vô giá.
III. Các nguyên tắc thực tế từ những thí dụ.
A. Thứ nhứt, Nước Trời có tính cách cá nhân.
1. Lẽ thật chính cho cả hai ví dụ nầy, ấy là Nước Trời phải thích ứng theo cách cá nhân. Chúng ta không trở thành công dân của Nước Trời bởi ưu điểm của sự sanh ra theo phần xác mà bởi sự chọn lựa.
2. Cả hai nhân vật trong hai ví dụ đều tìm thấy một thứ có giá trị cao nhất so với những gì họ đã có kết hợp lại. Cả hai nhân vật nầy đều bằng lòng bán đi tất cả gia tài của họ để mua lấy kho báu mà họ mới tìm được.
3. Sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giêxu Christ là "kho báu" và là "hột châu quí giá". Để cho một người thực sự nhận được ơn cứu rỗi nầy, người ấy phải bằng lòng bỏ đi mọi sự khác trong cuộc sống.
4. Giống như hai nhân vật trong ví dụ sẽ xem xét mọi của cải mà không có mua chúng, cũng một thể ấy nhiều người sẽ xem xét của báu quí giá của Nước Trời. Họ đi nhà thờ, lắng nghe sự dạy dỗ theo Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh, và ngay cả chịu phép báptêm và có địa vị thuộc viên của Hội Thánh nữa. Họ có thể làm theo mọi sự nầy mà không từng bước vào Nước Trời hay được cứu cách thực sự.
5. Chúng ta không được cứu do đạo đức của đức tin của bố mẹ mình, do phép báptêm bằng nước, do địa vị thuộc viên của Hội Thánh, do trung tín nhóm lại, do các việc lành dù bất cứ ở khả năng nào (Êphêsô 2.8-9).
6. Chúng ta được cứu chỉ bởi đến với Đấng Christ trong sự nghèo khó về mặt thuộc linh, bằng lòng từ bỏ bất cứ điều chi để nhận được ơn cứu rỗi.
7. Tôi tin có nhiều người đã “tuyên xưng đức tin”, nhận lãnh phép báptêm và địa vị thuộc viên Hội Thánh, họ lại chưa được cứu cách thực sự và không phải là "con cái của Nước Trời”. Tại sao vậy? Vì họ muốn thêm Chúa Giêxu vào trong đời sống của họ, chớ không muốn xưng Ngài làm Chúa đâu. Họ không hề bằng lòng từ bỏ mọi sự để đổi lấy Đấng Christ. Trong ngày phán xét, họ sẽ bị "quăng… vào lò lửa…" , ở đó sẽ có "khóc lóc và nghiến răng" (câu 42).
B. Thứ hai, Nước Trời là vô giá.
1. Sách Gióp mô tả con người tìm kiếm của cải nhất thời, theo đời nầy (28.12-15, 21, 23, 28).
2. Dù giá trị sự sáng tạo của Đức Chúa Trời rất là cao, món trang sức cứu rỗi thuộc linh là vô giá. Vì người ta sẽ lấy chi mà mua linh hồn đời đời của họ được? Điều chi có giá trị trong thế giới tạm bợ đời nầy được xem là có giá trị hơn mọi sự giàu có đời đời của Nước Trời?
3. Chúa Giêxu phán trong Mathiơ 6.20-21: "nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”.
4. Phaolô đã nói trong II Côrinhtô 4.7: "Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”. Phierơ mô tả trong giá trị ấy trong I Phierơ 1.4 như sau: "là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em".
Hãy lắng nghe phần mô tả của Thomas Guthrie: "Trong huyết của Đấng Christ tẩy sạch mọi tì vít đen tối nhất của tội lỗi, trong ân điển của Đức Chúa Trời làm cho tấm lòng bẩn thỉu nhất được thanh sạch, trong sự bình an làm cho mọi cơn bão hung hãn nhất của cuộc sống phải bình tịnh, trong sự trông cậy làm cho giờ tối tăm nhất của tội lỗi được vui vẻ, trong sự dạn dĩ dám thách thức sự chết và bình thản đi thẳng vào huyệt mộ, với mọi sự ấy làm cho người nghèo trở nên giàu có nhất và làm cho kẻ giàu nhất ra nghèo khó, thực vậy, tin lành ‘có của báu quí giá hơn cả đông và tây phương trải rộng ra, và phần thưởng của nó là quí giá hơn mọi kho vàng ròng nữa".
C. Thứ ba, Nước Trời không thấy được cách dễ dàng đâu.
1. Có bao nhiêu người đã bước đi bên cạnh hay đi ngang qua của báu trong ruộng kia mà không nhìn thấy nó? Có bao nhiêu người đã chú ý viên ngọc quí giá mà không lường được chân giá trị của nó?
2. Cũng một thể ấy, có nhiều người nghe Tin Lành, nhưng lại kháng cự sự kêu gọi của Đức Thánh Linh ở trong lòng họ. Satan đang làm mù lòng họ với nhiều trò lôi cuốn hấp dẫn và họ không tin.
3. I Côrinhtô 2.14 chép: "Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng”.
D. Thứ tư, Nước Trời là Nguồn vui mừng thật.
1. Chúa Giêxu phán rằng nhân vật trong ví dụ thứ nhứt đã bán đi gia tài mình có để mua lấy thửa ruộng "vì sự vui mừng của nó".
2. Là con người, chúng ta bỏ cả cuộc đời để truy tìm sự vui mừng. Chúng ta sẽ tìm thấy sự vui mừng nhất thời nơi của cải mới hay tình bạn mới, còn niềm vui mừng đời đời duy nhất chúng ta có thể tìm được thì có ở trong ơn cứu rỗi đời đời!
3. Trong Giăng 15, khi Chúa Giêxu nói tới gốc nho và các nhánh nho trong bài giảng của Ngài, Ngài nói thêm ở Giăng 15.11: "Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn”. Nếu quí vị xưng mình biết Đấng Christ, nhưng vẫn còn tìm kiếm niềm vui trong những việc nhất thời, hãy tự hỏi lòng mình xem mình có thực sự nhìn biết Ngài chưa!?!
E. Thứ năm, có thể bước vào Nước Trời từ những hoàn cảnh khác nhau.
1. Trong ví dụ thứ nhứt, người nầy đến với của báu của mình do tình cờ. Trong ví dụ thứ hai, người lái buôn tìm thấy ngọc châu quí giá như một kết quả của sự tìm kiếm lâu dài.
2. Người ta bước vào Nước Trời bằng nhiều đường lối khác nhau.
F. Thứ sáu, Nước Trời được thiết lập do cách giải quyết cá nhân.
1. Cả hai nhân vật đều bán đi mọi sự để mua của báu cho mình. Chúng ta biết rằng ơn cứu rỗi là một ơn miễn phí và không bao giờ mua được. Tuy nhiên, có một ý nghĩa trong đó người tin Chúa thực sự đem mọi sự mà đầu phục Đấng Christ.
2. Chúng ta đánh đổi đời sống cũ rích của mình để lấy một đời sống mới. Chúng ta hãy xem xét ở Luca 14.28-33 và Philíp l.3, 5-7.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét