Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Mathiơ 1.18-25: "SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT VÌ VUA"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT VÌ VUA
Mathiơ 1.18-25

1. Mấy câu nầy rất quen thuộc với tôi và có lẽ cũng quen thuộc với quý vị nữa. Chúng rất quen thuộc vì là sự kỷ niệm của chúng ta vào mùa lễ Giáng sinh. Tôi thường giảng luận từ mấy câu nầy với lẽ đạo ấy trong trí. Chúng ta cũng kết mấy câu nầy với Lễ Giáng sinh gần như là thừa thải khi sử dụng chúng vào trung tuần tháng Bảy. Nếu cửa hàng nào có bán quà “Giáng sinh vào tháng Bảy”, chúng ta cũng dám có một sứ điệp “Giáng sinh vào tháng Bảy” lắm!.
2. Tuần qua khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu sách Tin lành theo Mathiơ, chúng ta đã thấy thể nào Đức Chúa Trời đã hứa sửa soạn thế giới cho sự đến của Đấng Christ qua lịch sử trong bản gia phổ của Ngài. Giờ đây, chúng ta khởi sự sứ điệp nầy từ giây phút quan trọng đó trong lịch sử. Galati 4.4 chép: “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp”.
3. Mathiơ biệt riêng phần gia phổ của Đấng Christ kể từ lúc Đấng Christ giáng sinh bằng câu nầy: “Vả, sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy”. Bản gia phổ chỉ ra địa vị thiêng liêng của Chúa Jêsus trong lịch sử nhân loại, phân đoạn nầy cho chúng ta thấy sự giáng sinh thiêng liêng của Ngài, sự hoá thân thành nhục thể hay “sự mặc lấy xác thịt” của Con Đức Chúa Trời.
I. Sự thụ thai độc nhất vô nhị (câu 18).
A. Có nhiều sự ra đời đáng ngạc nhiên đã được ghi lại trong Kinh Thánh.
1. Ysác – vị tộc trưởng do Sara sanh ra khi bà ở tuổi 90 và Ápraham ở tuổi 99. Tên của ông có nghĩa là “cười” vì mẹ ông đã cười.
2. Samsôn – vị quan xét và là nhà vô địch của Ysơraên ra đời từ sự son sẻ của vợ Manôa.
3. Samuên – vị đại tiên tri và là người xức dầu cho các Vua đã ra đời từ sự son sẻ của Anne khi Đức Giêhôva nhậm lời cầu nguyện của bà.
4. Giăng Báptít ra đời trong tình trạng son sẻ của Êlisabét, là bà con của Mary.
5. Dù những sự ra đời nầy thật kỳ lạ, chúng không đáng sánh với sự ra đời bởi nữ đồng trinh của Chúa Jêsus. Sự ra đời ấy đứng một mình trong cõi lịch sử, không bao giờ được lặp lại.
B. Mẹ Chúa Jêsus – Mary “đã hứa gả cho Giôsép”.
1. Các tục lệ xưa của vùng Trung Đông khác biệt rất xa với tập tục hiện đại của Tây phương, đặc biệt trong lãnh vực hôn nhân.
2. Một cuộc hôn nhân của người Dothái hầu như luôn là hôn nhân được sắp đặt trước. Các chi tiết do hai bên gia đình lập ra, thường thì không có sự tán thành của cô dâu và chú rễ.
3. Đám cưới gồm có hai chặng: nghi thức đính hôn và cưới xin.
a. Cuộc đính hôn khởi sự khi chàng rễ hay gia đình chàng rễ tiếp xúc với cha của cô gái. Họ mặc cả về mohar hay của hồi môn. Điểm đáng thú vị là mohar đến từ một chữ Aram xưa có nghĩa là: “mua bằng một giá”. Đó là một “hợp đồng bảo hiểm” (insurance policy) cho cha của cô dâu nếu đám cưới không thành. Có khi việc mặc cả nầy sẽ kéo dài đến mấy giờ đồng hồ liền. Sau đó mohar được nộp ngay lập tức. Mặc dù đám cưới chưa cử hành, cô gái lúc đó được xem là vợ của chàng rễ, là tài sản của chàng rễ.
b. Đám cưới diễn ra có khi vài năm sau với tiệc tùng và tổ chức linh đình. Chỉ lúc đó thì mới được thành thân [về mặt tình dục] với nhau.
4. Vì Mary “đã hứa gả” cho Giôsép, chúng ta biết về mặt luật pháp họ đã cưới nhau và Giôsép đã nộp mohar rồi cho cha của nàng.
5. Có thể nàng ở độ tuổi từ 12 hoặc lớn hơn khoảng 18. Giôsép có lẽ là một người lớn ít nhất từ 20 tuổi sấp lên.
C. Trong thời gian hứa hôn, Mary “đã chịu thai”.
1. Điều nầy diễn ra trước lễ cưới và đêm tân hôn. Mathiơ nói rõ ràng họ: “chưa ăn ở cùng nhau” có ý nói tới mối quan hệ tình dục của họ.
2. Luca 1.26-38 ghi lại lời thiên sứ công bố cho Mary. Khi thiên sứ bảo nàng sẽ có một con trai, nàng liền hỏi: “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?” Cô gái nông thôn nầy vốn biết vì mình là gái đồng trinh, mang thai là điều khó có thể xảy ra được.
3. Cả Mary và Giôsép đều là hạng người công bình. Họ cẩn thận vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời và đã giữ sự thanh sạch về phương diện tình dục. Hỡi lớp người trẻ, hãy tưởng tượng xem điều chi sẽ xảy ra nếu Mary đã chung chạ về mặt tình dục. Nàng sẽ bỏ qua cơ hội để trở thành người phụ nữ phước hạnh nhất trong lịch sử. Nàng đã nói trong Luca 1.48: “muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước”. Đức Chúa Trời chúc phước cho người nào biết vâng theo Ngài. Nàng sẽ không được làm mẹ của Chúa Jêsus nếu nàng nhượng bộ tư dục của xác thịt trước khi nàng lấy chồng!
4. Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết nàng “đã chịu thai” như thế nào. Có lẽ nàng đã nói cho Giôsép biết cuộc viếng thăm của thiên sứ và ông đã không tin nàng. Có lẽ nàng đã nói cho nhiều người biết và chẳng có ai chịu tin nàng. Có lẽ bụng nàng ngày càng lớn lên đủ để người ta nhìn thấy nàng có thai. Tôi có khuynh hướng nghĩ là nàng đã nói cho Giôsép biết vì ông đã có ý định “kín đáo” muốn ly dị nàng.
D. Kinh Thánh khẳng định lẽ thật con trẻ là “bởi Đức Thánh Linh”.
1. Đây là một trong những lẽ mầu nhiệm rất quan trọng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã lấy mã di truyền (the genetic code) của Mary rồi trộn mã ấy với mã di truyền thiêng liêng tạo ra một người vừa là người vừa là trời. Chúa Jêsus là Người-Trời. Ngài có thần tính và cũng là con người giống như quý vị và tôi.
2. Đức Chúa Trời giải thích về phép lạ kỳ diệu nầy thế nào để chúng ta có thể hiểu được? Ngài không cố gắng để lý giải đâu! Ngài chỉ phán rằng con trẻ là “bởi Đức Thánh Linh”. Giống như những điều khác, bởi đức tin chúng ta chấp nhận sự Giáng Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh.
II. Một nan đề phức tạp (câu 19).
A. Giôsép được mô tả theo hai cách:
1. Ông là “chồng” của Mary. Giôsép đã nộp mohar để cưới Mary. Họ có giao ước hợp pháp để cưới xin hẳn hoi, song chưa có nghi thức chính và đêm tân hôn để thành thân. Tuy nhiên, trong mắt họ và trong mắt của xã hội và luật pháp, ông là người chồng.
2. Ông là “người có nghĩa”. “Có nghĩa” đây là “ngay thẳng” hoặc “công bình”. “Có nghĩa” là ngay thẳng như ngược lại với cong quẹo. Giôsép là hạng người luôn luôn tìm cách làm theo điều phải. Ông là hạng “người bắn trực xạ” (straight-shooter).
B. Giôsép có hai lựa chọn.
Vì ông là một “người có nghĩa”, ông không muốn lấy một người đờn bà là người không còn đồng trinh. Tính cách đạo đức của ông sẽ không cho phép ông làm như thế. Luật pháp cho phép ông có hai lựa chọn khi giải quyết việc ăn ở với Mary.
1. Ông có thể đưa Mary ra làm “gương công khai”. Phục truyền luật lệ ký 22.22-24 giải thích luật lệ của “gương công khai” đó. Giôsép vẫn có quyền đưa tình trạng của Mary cho mọi người đều biết. Không một ai chịu tin câu chuyện của nàng về thiên sứ và nàng sẽ bị ném đá cho đến chết mà thôi.
2. Ông có quyền “để nhẹm”. Không những Giôsép là “người có nghĩa”, mà ông còn là người có lòng thương xót nữa, Ông không để cho nàng phải chịu chết theo một cách thê thảm như vậy. “Mang xấu” là từ phổ thông để nói ly dị. Ông sẽ ly dị nàng theo một cách riêng. Làm như vậy sẽ cứu được mạng sống của nàng. Có lẽ gia đình của nàng sẽ đuổi nàng đi khi sanh con.
III. Lời công bố của thiên sứ (các câu 20-21).
A. Giôsép “ngẫm nghĩ về việc ấy”.
1. Trong khi làm việc với búa và cưa, ông đã ngẫm nghĩ. Ông bỏ đồ nghề xuống, lên giường nằm và suy nghĩ. “Hết thảy chúng ta há chẳng có nan đề khiến cho chúng ta thức cả đêm sao?”
2. Khi Giôsép đang ngẫm nghĩ về nan đề của mình, ông rơi vào giấc ngủ say. Khi đang ngủ, ông đã có “một giấc chiêm bao”. Trong thời kỳ của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thường phán qua các giấc chiêm bao.
B. Sứ điệp của thiên sứ.
1. Thiên sứ đã gọi Giôsép là “con cháu Đavít”. Đây là một tước hiệu của Đấng Mêsi. Mặc dù Chúa Jêsus không phải là con ruột của Giôsép, Ngài là Con của ông theo luật pháp. Quyền hạn vương giả của Chúa Jêsus là Vua đã đến từ phổ hệ của Giôsép.
2. Thiên sứ nói: “Chớ ngại”. Hầu hết từng lúc quý vị gặp một thiên sứ xuất hiện, quý vị nhìn thấy sứ điệp nầy! Các thiên sứ bảo đừng sợ!
3. Thiên sứ bảo ông đừng ngại khi “lấy Mary làm vợ”. Giôsép đã có ý định ly dị nàng. Thiên sứ đang nói rằng ông không nên ly dị nàng, mà cứ tiến hành cưới nàng theo hình thức.
4. Lý do họ phải lấy nhau là vì “con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh”. Đây không phải là con của người tình nào khác, mà là con thánh của Đức Chúa Trời. Giôsép đã có trách nhiệm rất lớn.
5. Giôsép phải đặt tên cho con trẻ nầy là “Jêsus”. Jêsus là hình thức Hy bá lai của tên “Joshua”, có nghĩa là “Đức Giêhôva sẽ giải cứu”. Đó là danh rất phổ thông thời bấy giờ. Chúa đã đến với hạng người bình thường với một cái tên cũng thật bình thường.
6. Sở dĩ gọi Ngài là “Jêsus” là vì “Ngài sẽ cứu dân Ngài ra khỏi tội”. Đây là cái nhìn từ lúc mới ra đời cho đến thập tự giá. Chúa Jêsus đã phán trong Luca 19.10: “Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất”. Chúng ta nhìn thấy thể nào Đức Chúa Trời đã tôn cao danh ấy trong Philíp 2.5-11. Danh “Jêsus” là phần biểu lộ mục đích khi Ngài giáng sinh và là lời tuyên bố thành tựu khi ngự lên cao.
J. C. Ryle đã viết: “Đấng Cứu Thế… là chức vụ đặc biệt của Ngài. Ngài giải cứu họ [dân Ngài] ra khỏi tội lỗi, bằng cách thanh tẩy họ bằng huyết cứu chuộc của Ngài. Ngài cứu họ ra khỏi quyền khống chế của tội lỗi, bằng cách đặt trong lòng họ Thánh Linh làm nên thánh. Ngài cứu họ ra khỏi sự hiện diện của tội lỗi, khi Ngài đưa họ ra khỏi thế gian nầy để yên nghỉ với Ngài. Ngài giải cứu họ ra khỏi mọi hậu quả của tội lỗi, khi Ngài ban cho họ một thân thể vinh hiển trong ngày sau rốt. Phước thay và thánh thay là dân sự của Đấng Christ! Họ không được cứu ra khỏi buồn rầu, thập tự giá, và sự tranh chiến; nhưng họ được ‘cứu ra khỏi tội’ cho đến đời đời”.
IV. Một lời khẳng định có tính cách tiên tri (các câu 22-23).
A. Sự làm chứng của Tiên tri (câu 22).
1. Đôi khi câu nầy bị hiểu sai là một phần trong sứ điệp của thiên sứ. Đức Thánh Linh đã cảm thúc Mathiơ phải thêm vào phần giải thích nầy.
2. “Mọi việc” gồm sự Đức Chúa Trời sửa soạn bảng gia phổ của Chúa Jêsus, các cách xử lý của Ngài đối với cả Giôsép và Mary cùng mọi bối cảnh quanh sự giáng sinh, “đã xảy ra như vậy” để cho lời tiên tri được ứng nghiệm.
3. Thi thiên 119. 89 chép: “Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời”. Lời Chúa vừa “đã ứng nghiệm” hay “sẽ ứng nghiệm”.
B. Sứ điệp của tiên tri (câu 23).
1. Đây là phần dẫn chứng trực tiếp từ Êsai 7.14. Lời tiên tri của Êsai đã có phần ứng nghiệm cho vua Asa trong thời của ông, nhưng lời ấy có một sự ứng nghiệm lớn lao hơn nơi sự giáng sinh của Đấng Christ.
2. Hãy suy nghĩ về điều đó, “một gái đồng trinh” chưa hề “nhận biết” người nam nào đang chịu thai một đứa trẻ ở trong lòng. Đây là một cái khó về mặt vật lý. Đức Chúa Trời đã chọn một dấu lạ bất thường nhất để đánh dấu sự nhập thể vào thế gian của Con Ngài. Vì Chúa Jêsus không có cha về mặt con người, Ngài không mang bổn tánh tội lỗi.
3. Danh Ngài sẽ là: “Emmanuên” có nghĩa là: “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Trong Cựu ước, Đức Chúa Trời đã tỏ ra sự hiện diện của Ngài cho dân sự Ngài thấy bằng nhiều cách: TRỤ MÂY, ĐỀN TẠM, ĐỀN THỜ. Giờ đây, Đức Chúa Trời sẽ ngự giữa vòng loài người bằng thịt và huyết. Họ sẽ rờ đến Ngài bằng hai bàn tay của họ, họ trông thấy Ngài bằng chính mắt trần của họ, họ nghe Ngài trò chuyện, giảng dạy bằng chính hai lỗ tai của họ.
4. “Jêsus” hay Đấng Cứu Thế là danh của Ngài. “Emmanuên” Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta là tước hiệu của Ngài.
V. Một phản ứng có tính vâng phục (các câu 24-25).
A. Giôsép tôn trọng Mary (câu 24).
1. Giôsép “thức dậy rồi” sau giấc chiêm bao gặp thiên sứ. Tôi tưởng tượng ông đang tìm kiếm Mary trong lúc tối trời để khẳng định điều thiên sứ nói.
2. Giôsép “làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn”, ông lập tức “đem vợ” về với mình. Họ đã có một đám cưới liền, có lẽ qua ngày hôm sau.
3. Giôsép đã làm điều nầy bất chấp tai tiếng của mình. Người ta luôn luôn cho rằng Giôsép là bố của đứa trẻ bất hợp pháp nầy.
B. Giôsép tôn vinh Đức Chúa Trời (câu 25).
1. Giôsép “không hề ăn ở với” có nghĩa là ông không có mối quan hệ tình dục nào với Mary, cuộc hôn nhân của họ không có sự thành thân “cho đến khi người sanh một trai”. Ông đã xem nàng và cái thai của nàng là “thánh”. Chúng ta biết rằng họ đã có nhiều đứa con khác sau nầy vì Kinh Thánh nhắc rằng Chúa Jêsus có nhiều em trai em gái. (Mathiơ 12.46; 13.55-56; Mác 6.3; v.v…).
2. Giôsép “đặt tên là Jêsus”. Đây là hành động sau cùng của sự vâng phục.
3. Một chú thích thêm về Giôsép: Chúng ta biết rất ít về Giôsép, ông đã đem Chúa Jêsus lên đền thờ để dâng hiến (Luca 2.22-23). Ông đã đem Mary sang Aicập để bảo hộ Chúa Jêsus tránh khỏi vua Hêrốt (Mathiơ 2.13-23). Ông đã đưa cả gia đình lên dự lễ Vượt Qua tại thành Jêrusalem khi Chúa Jêsus lên 12 tuổi (Luca 2.42-52). Chúng ta không biết Giôsép qua đời vào lúc nào. Có lẽ việc ấy đã xảy ra trước khi Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ công khai của Ngài, vì Giôsép không còn được nhắc tới nữa, và từ thập tự giá Chúa Jêsus đã nhường sự chăm sóc mẹ mình cho Giăng (Giăng 19.26).
IV. Bốn sự kiện cơ bản.
A. Khi quý vị phải đưa ra một quyết định khó khăn, tốt nhất là dành thì giờ tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời. Giôsép đã hành động rất khôn khéo khi không chịu để cho Mary bị ném đá.
B. Sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh phải được chấp nhận bởi đức tin. Sự giáng sinh nầy không thể được giải thích bằng cách chi khác hơn là Kinh Thánh. Chúng ta phải nắm lấy Đức Chúa Trời bằng lời của Ngài. Nhiều người ngày nay tự nhận mình là Cơ đốc nhân lại xưng nhận Sự Giáng Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh là truyền thuyết. Nếu thực như thế, thì Chúa Jêsus vừa là kẻ bị lừa gạt hoặc là kẻ dối gạt.
C. Niềm tin vào Sự Giáng Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh rất quan trọng để được cứu. Không có sự giáng sinh thiêng liêng đó, thì Chúa Jêsus chỉ là một con người bình thường. Sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh, sự chết chuộc tội, sự sống lại, sự thăng thiên và sự tái lâm của Ngài cùng nhau đứng hay ngã. Nếu quý vị chối bỏ bất kỳ một điều nào trong các sự dạy quan trọng nầy về Chúa Jêsus, thì kể như quý vị chối bỏ cả thảy.
D. Quý vị quyết định về sự giáng sinh của Chúa Jêsus như thế nào là một trong những quyết định quan trọng nhất trong đời sống của quý vị. Trong Mathiơ 22.42, Chúa Jêsus đã hỏi người Pharisi: “Về Đấng Christ, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai?” Cách quý vị trả lời cho câu hỏi ấy sẽ quyết định phương thức quý vị sống đời sống nầy và quý vị sẽ ở đâu trong cõi đời đời.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét