Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Mathiơ 14.34 – 15.20: "Còn tấm lòng của quí vị thì sao?"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Còn tấm lòng của quí vị thì sao?
Mathiơ 14.34 – 15.20
1. Trước khi chúng ta đào sâu vào phân đoạn Kinh Thánh nầy, tôi muốn quí vị cùng xem với tôi một vài phân đoạn Cựu Ước. Thứ nhứt, chúng ta hãy xem qua Êsai 1.13-20. Trong chương mở đầu của sách tiên tri nầy, Đức Chúa Trời làm cho dân sự của Ngài nhìn biết sự thay đổi đột ngột của Ngài nơi sự thờ lạy giả hình, không thành thật của họ. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào chương cuối của cùng sách ấy, 66.1-3.
2. Từ hai tiểu đoạn trong Kinh Thánh Cựu Ước chúng ta kiếm được một lẽ thật thiêng liêng: Đức Chúa Trời gần như chẳng ưa những cách thức bề ngoài mà chúng ta tỏ ra cho bằng Ngài ưa thích nơi tình trạng của tấm lòng chúng ta. Ngài phán trong Amốt 5.21-24: "Ta ghét; ta khinh dể những kỳ lễ của các ngươi; ta không đẹp lòng về những hội trọng thể của các ngươi đâu. Dầu các ngươi dâng những của lễ thiêu và của lễ chay cho ta, ta sẽ không nhận lấy; ta chẳng đoái xem những con thú mập về của lễ thù ân các ngươi. Hãy làm cho tiếng của các bài hát các ngươi xa khỏi ta! Ta không khứng nghe tiếng đờn cầm của các ngươi. Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn". Sau khi phạm tội với Bátsêba, David đã nhận biết điều nầy. Ông đã nói trong Thi thiên 51.16-17: "Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh dể đâu". Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Ngài không bao giờ thay đổi. Ngài đang cảm nhận y như thế hôm nay.
3. Khi Đức Chúa Trời xem xét Hội thánh nầy hay Hội thánh kia, Ngài chẳng có ấn tượng gì với chất lượng âm nhạc, tính hiệu quả của mọi chương trình, hay thậm chí số lượng người đến nhóm lại của chúng ta. Đức Chúa Trời nhìn xem tấm lòng của chúng ta. Ngài tìm kiếm những cách thể hiện hết lòng, chơn thật trong sự thờ phượng.
4. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Chúa Giêxu nhìn xem tấm lòng của ba nhóm người: những người với đức tin yếu đuối, đức tin tự xưng công bình và đức tin đang tấn tới. Khi chúng ta tra xét phần đáp ứng của Ngài đối với từng nhóm người nầy, hãy nhận biết rằng Ngài cũng đang tra xét tấm lòng của quí vị nữa đấy.
I. Chúa Giêxu động lòng thương xót đối với những kẻ có đức tin yếu đuối (các câu 24-26).
A. Một lần nữa, đoàn dân đông đã đến tìm kiếm sự chữa lành (các câu 34-35).
1. Quí vị hãy nhớ lại ở phần đứng trước tiểu đoạn nầy, Chúa Giêxu đã cho 5000 người ăn và rồi đã hiện ra với các môn đồ, Ngài đi bộ trên Biển Galilê ở giữa một trận bão lớn. Câu 32 chép: "khi họ lên thuyền rồi, thì gió yên lặng". Giăng 6.21 chỉ ra một việc siêu nhiên khác đã diễn ra: "Bấy giờ, môn đồ muốn rước Ngài vào thuyền; tức thì chiếc thuyền đậu vào bờ, là nơi định đi".
2. Họ đến tại "xứ Ghênêxarết", một khu vực nông nghiệp phì nhiêu giữa Cabênaum và Mađala. Tại địa điểm đẹp đẽ tốt tươi nầy, có lẽ Chúa Giêxu một lần nữa dự tính Ngài và các môn đồ đã kiệt sức cần thì giờ nghỉ ngơi.
3. Dường như ngay lập tức Ngài bị người ta "nhận biết" và họ "sai người báo tin cho khắp các miền xung quanh". Người ta kéo nhau tới, họ đem đến cho Ngài "các kẻ bịnh".
B. Một lần nữa, Chúa Giêxu đã chữa lành cho những kẻ có bịnh (câu 36).
1. Dân chúng vốn biết nhiều về Chúa Giêxu. Có lẽ họ đã nghe câu chuyện nói về người đờn bà bị bịnh mất huyết đã được chữa lành bởi cái chạm nơi "viền áo Ngài". Họ đã có chính niềm hy vọng ấy và đã "xin" Ngài cho phép họ cũng được rờ đến Ngài.
2. Với lòng thương xót lớn lao, Chúa Giêxu đã cho phép họ làm thế và "ai rờ đến cũng đều được lành bịnh cả". Quí vị không thể hình dung được bối cảnh ấy sao?
3. Mặc dù Chúa Giêxu muốn chữa lành cho thân thể họ, Ngài còn muốn chữa lành cho linh hồn họ nhiều hơn nữa. Ngài không những muốn làm thoả mãn mọi nhu cầu cấp bách của họ, Ngài còn muốn làm thoả mãn mọi nhu cần đời đời của họ nữa. Phần nhiều người trong số dân đông ấy giống với những kẻ mà chúng ta gặp gỡ hôm nay, họ tìm kiếm Đức Chúa Trời vì những thứ họ cần và chẳng quan tâm mấy đến những gì Ngài mong muốn. Phải, Chúa Giêxu đã làm thoả mãn mọi nhu cần của họ không cứ là nhu cần gì.
MacArthur mô tả sự ấy như thế nầy: "Vì họ không xin một bữa ăn đầy, Ngài đã không từ chối không cho họ một miếng bánh. Vì họ đã không xin Ngài cứu giúp về mặt thuộc linh, Ngài đã không từ chối không giúp họ về mặt thuộc thể. Mặc dù họ hời hợt, vô ơn và chỉ biết lấy cái tôi làm trọng, Ngài động lòng thương xót chữa lành cho họ hầu tỏ ra tấm lòng đầy sự thương xót của Đức Chúa Trời".
4. Có một bài học cho Hội thánh chúng ta ở đây. Chúng ta phải làm thoả mãn cho người ta ở nơi họ sinh sống trước khi chúng ta có thể giúp họ sống ở nơi mà Đức Chúa Trời muốn họ sống. Chúng ta phải bằng lòng với tình yêu thương làm thoả mãn mọi nhu cần của họ hầu cho có được cơ hội làm thoả mãn mọi nhu cần đời đời của họ.
II. Chúa Giêxu có sự xét đoán đối với những kẻ có đức tin tự xưng công bình (các câu 1-9).
A. Thắc mắc của người dòng Pharisi (các câu 1-2).
1. Mặc dù Chúa Giêxu động lòng thương xót đối với những kẻ muốn có điều chi đó ra từ Ngài, Ngài có sự xét đoán đối với những kẻ chẳng muốn chi ra từ Ngài. Đây đúng là trường hợp khi "mấy người Pharisi và mấy thầy thông giáo" xuất hiện trên bối cảnh.
2. Họ là những tên thám tử đã đến từ "thành Jerusalem". Họ đã tìm kiếm sẵn một phương thức để vu cáo và giết Ngài.
3. Họ hỏi: "Sao các môn đồ thầy phạm lời truyền khẩu của người xưa? Vì họ không rửa tay trước khi ăn". Đây không phải là vấn đề của sự thanh sạch mà là vấn đề của “truyền khẩu đời xưa”.
4. Trải qua nhiều thế kỷ kể từ khi Đức Chúa Trời ban bố luật pháp của Ngài qua Môise, các nhà lãnh đạo người Do thái đã thêm thắt những cách lý giải của họ về luật pháp. Điều nầy được gọi là "truyền khẩu của người xưa". “Những lời truyền khẩu” nầy đã được xem trọng, người Do thái hiển nhiên đã xem mọi lối lý giải nầy còn cao hơn cả chính mình Kinh Thánh nữa.
5. Còn về trường hợp rửa tay. Các rabi dạy rằng có một con quỉ có tên là Shibtah tự nhập vào hai bàn tay của con người trong khi họ còn ngủ mê và rồi nhập vào thân thể họ qua thức ăn từ bàn tay của họ. Vì thế họ đã cẩn thận rửa tay trước khi ăn hoặc họ sẽ không ăn uống chi hết.
6. Các môn đồ đã không phá vỡ luật pháp của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời thậm chí không hề nhắc tới một việc càn dỡ như vậy. Chắc chắn có nghi thức rửa tay trong Cựu Ước, song đấy chỉ là những dấu hiệu bên ngoài của các lẽ thật thuộc linh.
B. Phản ứng của Chúa Giêxu (các câu 3-9).
1. Chúa Giêxu đáp trả thắc mắc nầy bằng cách hỏi lại một câu hay hơn: "Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời?" Ngài chẳng màng tới những lời truyền khẩu của loài người nhưng tuyệt đối quan tâm đến Lời của Đức Chúa Trời.
2. Ngài nhắc tới điều răn thứ 5 trong câu 4 cũng chỉ ra án phạt cho những ai "mắng nhiếc cha mẹ".
3. Hãy chú ý sự khác biệt trong câu 4 và câu 5: "Vì Đức Chúa Trời đã truyền… nhưng các ngươi lại nói…". Truyền khẩu của người xưa dạy rằng một người có thể dâng hiến hết thảy tiền bạc và của cải của mình như "của dâng cho Đức Chúa Trời" và người ấy "không cần phải hiếu kính cha mẹ". Việc nầy giống như có tiền bạc biệt riêng ra cho việc xây cất nhà thờ hay dâng cho một chức vụ nào đó và rồi từ chối không sử dụng số tiền ấy phụ giúp cho cha mẹ đã cao tuổi đang có cần vậy.
4. “Lời truyền khẩu” nầy chẳng có gì khác hơn một phương thức khéo léo trong việc lẫn tránh trách nhiệm gắn bó với điều răn thứ 5. Đây là một lời cáo lỗi cho việc bất tuân Đức Chúa Trời. Họ đang sử dụng việc dâng hiến cho Đức Chúa Trời như một lời cáo lỗi để không làm theo những điều Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Không có gì phải ngạc nhiên khi Chúa Giêxu gọi họ là "kẻ giả hình".
5. Bởi “lời truyền khẩu” của họ, họ cho "điều răn của Đức Chúa Trời" là không có hiệu lực nữa. Những kẻ giả hình, khi ấy và bây giờ cũng y như thế. Họ thích cái vẻ bề ngoài của tôn giáo và vẻ đứng đắn bên ngoài song lại là ích kỷ và lấy cái tôi làm trọng ở bên trong.
6. Chúa Giêxu phán: "Êsai đã nói tiên tri về các ngươi là phải lắm…" "Êsai đã mô tả các ngươi… Êsai có một mục tiêu khi ông ấy nói tới các ngươi…" Mặc dù vị tiên tri đã nói với thế hệ của chính ông, lời nói của ông là đầy đủ cho hạng người giả hình khi ấy và bây giờ, các câu 8-9. II Timôthê 3.5 mô tả hạng người thể ấy là "bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó".
7. Đồng minh thân thiết nhất của Satan chính là những "kẻ giả hình". Quí vị có thể là một kẻ giả hình đáng tin sao? Tôi nghĩ…hết thảy đều có một ít giả hình đó. Đấy là lý do tại sao chúng ta cần phải biết chắc tấm lòng của chúng ta đang ở gần Đức Chúa Trời, chớ không phải đang ở cách xa Ngài.
8. Chúa Giêxu không thiếu lòng thương xót dành cho người nghèo thiếu, nhưng Ngài chẳng nói một lời nào với các đối tượng giả hình… chúng ta cũng không nên nói một lời nào với họ.
III. Chúa Giêxu có sự chỉnh sửa với hạng người có đức tin đang tấn tới (các câu 10-20).
A. Chúa Giêxu chia sẻ nguyên tắc ô uế với đoàn dân đông (các câu 10-11).
1. Giờ đây Chúa Giêxu "gọi đoàn dân đến" để "nghe và hiểu" một lẽ đạo quan trọng. Ngài làm thoả mãn mọi nhu cầu, tiếp đến Ngài dạy đạo.
2. Dân chúng đã nghe sự trao đổi của Ngài với các nhà lãnh đạo tôn giáo và Ngài sử dụng thì giờ vàng ngọc nầy để giúp cho họ hiểu rằng sự ô uế không đến từ bên ngoài, mà đến từ bên trong (câu 11). Chúng ta được sanh ra đã bị ô uế!
3. Có một vấn đề quan trọng với sự ô uế trong thế giới của chúng ta. Là Cơ đốc nhân, chúng ta có một trách nhiệm đạo đức phải canh giữ sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải quan tâm tới sự ô uế về mặt thuộc linh. Từ ngữ "dơ dáy" trong câu 11 có ý nói tới "ô uế hay làm cho dơ dáy".
B. Chúa Giêxu chia sẻ các điểm đặc trưng của sự ô uế với các môn đồ (các câu 12-20).
1. Mác 7.17 cho chúng ta biết ở điểm nầy Chúa Giêxu "vào trong nhà, cách xa đoàn dân". Các môn đồ, có lẽ đã hỏi với nỗi sợ hãi: "Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?" Tất nhiên Ngài biết rõ họ đã "phiền giận", Ngài cố ý làm mất lòng họ! Hãy tiếp thu điều nầy: những kẻ giả hình LUÔN LUÔN bị mất lòng bởi lẽ thật!
2. Không những hạng người giả hình bị mất lòng bởi lẽ thật, họ còn bị định cho sự phán xét nữa. Họ là thứ cỏ lùng mà "Cha trên trời không trồng" cùng lượt với lúa mì, và họ sẽ bị "nhổ đi" rồi bị ném vào ngọn lửa.
3. Chúa Giêxu đã đưa ra một lời cảnh cáo mạnh mẽ về hạng người thể ấy: "Hãy để vậy". Thậm chí đừng đến gần họ nữa. Quí vị không phải "quăng ngọc trai cho heo". Đừng phí thì giờ với những kẻ không chịu nghe lẽ thật.
4. Tại sao vậy? Họ rất nguy hiểm và dẫn người ta đi lạc đường. Họ bị “mù” về mặt thuộc linh và sẽ nhóm nhiều người khác quanh họ, họ cũng bị “mù” và hết thảy họ sẽ cùng nhau “té xuống hố” (nghĩa là, chịu phán xét).
5. Phierơ thấy thật là khó tin rằng các cấp lãnh đạo tôn giáo đáng kính lại bị “mù” về mặt thuộc linh. Ông thấy khó chấp nhận sự thực ô uế lại xuất phát từ bên trong, vì vậy ông đã nói: "Xin thầy cắt nghĩa lời ví dụ ấy cho chúng tôi".
6. Chúa Giêxu phán: "Các ngươi cũng còn chưa hiểu biết sao?" Quí vị có nhận thấy sự buồn rầu trong giọng nói của Ngài chăng? Các môn đồ, sau hơn 2 năm truyền giáo vẫn chưa nhìn thấy sự khác biệt giữa cái gì là thuộc thể, cái gì là thuộc linh.
7. Vì vậy, Chúa Giêxu phán: "Vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín đáo". Đồ ăn theo phần xác sẽ không làm hại về mặt thuộc linh. Nó đi ngang qua thân thể. Mác 7.19 nói sở dĩ như vậy là "vì sự đó không vào lòng người".
8. Ngược lại, điều chi "ra từ tấm lòng" ra từ tâm linh, linh hồn và tâm thần: "thì những điều đó làm dơ dáy người".
9. Trong tấm lòng của con người tự nhiên là "ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn". Danh sách nầy còn nữa và dài lắm. Khi quí vị nhìn vào danh sách ấy quí vị phải nhìn nhận rằng mọi sự đó đều có trong lý trí của mình không lúc nầy thì lúc khác. Chúng đến từ đâu? Chúng đã đến từ “tấm lòng” của quí vị. Giêrêmi 17.9 chép: "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?"
10. Trong 23.27, Chúa Giêxu phán với người Pharisi: "Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy".
Chúa Giêxu đang nhìn vào tấm lòng của chúng ta. Ngài làm thoả mãn mọi nhu cần của chúng ta nơi chúng ta sinh sống, nhưng Ngài nhìn xem tấm lòng của chúng ta. Ngài là Đấng duy nhứt có thể biến tấm lòng dơ dáy thành một tấm lòng thanh sạch.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét