Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Mathiơ 7.24-29: "Câu chuyện nói về hai cái nền"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Câu chuyện nói về hai cái nền
Mathiơ 7.24-29
1. Trong mấy năm trời, vợ tôi và tôi đã sinh sống ở phía Tây Dallas County. Phần Texas nầy ai cũng biết là vùng "Thảo Nguyên Đất Đen” (Black Land Prairie). Đất có màu xám đen và chứa nhiều đất sét cao. Đất nầy rất màu mở cho việc trồng bông cùng các thứ cây trồng khác tương tự. Tuy nhiên, đất sét cao khiến cho những nền nhà phải di động và rạn nứt. Khi có nhiều mưa, đất hoá nhão và ẩm ướt luôn. Khi trời ít mưa, đất nứt nẻ ra. Như một kết quả, các nhà thầu làm cho người ta sống vững chắc bằng cách nâng nền lên.
Cũng một thể ấy, Chúa Giêxu cung ứng cho chúng ta một câu chuyện, một câu chuyện nói tới hai cái nền, có hai ngôi nhà được xây trên chúng. Câu chuyện rất đơn sơ và rất nổi bật. Nghe qua thì rất quen, cho phép tôi khích lệ quí vị đọc câu chuyện ấy như là lần đầu tiên vậy. Có lẽ quí vị sẽ nhìn thấy một vài lẽ thật mà quí vị chưa hề để ý thấy trước đây.
2. Trong nhiều tuần lễ, chúng ta đã xét qua phân đoạn của sách Mathiơ mà ai cũng biết là Bài Giảng Trên Núi.
A. Bắt đầu ở chương 5 rồi kết thúc với phân đoạn nầy, Chúa Giêxu đã đưa ra một bài giảng quan trọng nhất đã từng được rao giảng.
B. Mathiơ 5.1 nói rằng sau khi "xem thấy đoàn dân đông" có lẽ cả ngàn người, Chúa Giêxu "bèn lên núi kia" ở đó Ngài đã "ngồi" rồi "Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy".
C. Ngài bắt đầu với Tám Phước Lành giải thích đời sống “được phước” trong Vương quốc của Ngài ở các câu 3-10.
D. Ngài dạy chúng ta phải trở nên "muối" và "sự sáng" trong thế gian.
E. Ngài muốn chúng ta phải nhận biết rằng sự công bình của chúng ta rất nông cạn. Chúng ta không nên thực hành thứ tôn giáo giả hình của người Pharisi. Ngài phán trong 5.20: “Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pharisi, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng”.
F. Ngài nhắc cho chúng ta nhớ rằng tà dâm diễn ra ở trong lòng và Đức Chúa Trời xem hôn nhân là thánh và bắt buộc.
G. Ngài buộc chúng ta phải sống chân thật và đáng tin cậy, phải thì nói phải không thì nói không. Chúng ta phải đi dặm thứ nhì, phục vụ cao hơn sự kêu gọi của bổn phận.
H. Trong chương 6, Chúa dạy chúng ta phải làm những việc lành cho Đức Chúa Trời xem thấy chớ không phải cho loài người xem. Ngài dạy chúng ta biết cách cầu nguyện và nguyên tắc cầu nguyện cùng kiêng ăn.
I. Ngài chỉ ra sự dại dột khi chỉ biết đầu tư theo đời nầy và khích lệ chúng ta chất chứa “của cải ở trên trời”.
J. Kế đó Chúa tấn công tội lo lắng và chỉ cho chúng ta thấy đức tin chân thật nơi Đức Chúa Trời trục xuất sự lo lắng ra khỏi chúng ta.
K. Trong chương 7, Chúa Giêxu xét đoán thái độ hay phê phán của chúng ta, Ngài dạy chúng ta "đừng xét đoán ai để các ngươi khỏi bị xét đoán”.
L. Ngài tác động chúng ta nên bền đỗ trong sự cầu nguyện, luôn giữ việc cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa.
3. Khi Ngài đến với những câu kết thúc của bài giảng tráng lệ nầy, Chúa Giêxu khiến khán thích giả của Ngài phải đưa ra một quyết định. Ngài cảnh báo chúng ta về sự phán xét hầu đến. Ngài nài xin chúng ta nên chọn "cửa hẹp" trong các câu 13-14. Ngài nhắc cho chúng ta nhớ rằng không phải ai gọi Ngài là “Chúa, Chúa” đều sẽ được vào Vương quốc của Ngài đâu! Phân đoạn cuối cùng nầy là một chuổi liên tục của sự dạy dỗ đó.
4. Trước khi xem xét mấy câu nầy, thật là quan trọng khi chúng ta chú ý tới phần đáp ứng của dân sự lúc họ nghe Chúa Giêxu rao giảng. Các câu 28-29 nói họ “lấy đạo Ngài làm lạ; vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo”.
5. Một yếu tố trong việc rao giảng đúng đắn là “lý lẽ vững chắc”. Đây là một câu chuyện nằm ở phần cuối của sứ điệp minh họa một cách trọn vẹn cùng kết thúc những gì diễn giả sẽ nói. Một “lý lẽ vững chắc” bắt lấy sự xúc cảm sâu sắc của chúng ta và nhắm vào lẽ thật. Chúa Giêxu kết thúc Bài Giảng Trên Núi bằng cách chia sẻ một thí dụ, một “lý lẽ vững chắc” thì đơn sơ, có quyền lực, nó vẫn còn làm thay đổi nhiều đời sống 2.000 năm sau.
6. Chúng ta hãy xem xét bốn lẽ thật đời đời nổi bật lên từ thí dụ nầy.
I. HẾT THẢY CHÚNG TA ĐỀU CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI.
A. Chúng ta cần phải nhớ rằng Chúa Giêxu là con đường duy nhất dẫn tới thiên đàng.
1. Trong câu 14, Ngài phán: "Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống”.
2. Ngài phán trong Giăng 10.9: “Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi”.
3. Ngài đã phán trong Giăng 14.6: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”.
4. Công vụ Các sứ đồ 4.12 chép: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”.
5. I Timôthê 2.5 chép: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người”.
B. Mọi người sẽ trả lời câu hỏi: "Ta sẽ xử thế nào với Giêxu?"
1. Trong câu 24, Ngài mô tả người nào "nghe và làm theo lời ta phán đây" là một "người khôn ngoan". Mặt khác, trong câu 26, Ngài mô tả "Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo”, khác nào như “người dại”.
2. Hãy chú ý cả người "khôn ngoan" và "kẻ dại” đều nghe lời của Chúa Giêxu. Cái khác biệt không nằm ở những gì họ nghe mà là những gì họ làm.
3. Hết thảy chúng ta sẽ trả lời với Đức Chúa Trời về những gì chúng ta đã làm với Chúa Giêxu. Đây là một lẽ thật.
a. Hêbơrơ 9.27 chép: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét”.
b. Philíp 2.10-11 nói tới thì tương lai khi “nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.
4. Trong xã hội ngày nay, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều lý do để bào chữa cho một việc gì đó. Chúng ta đỗ thừa cho cha mẹ, giáo viên, người bạn đời, và con cái của chúng ta. Toà án của chúng ta đầy dẫy những người liên quan tới các việc tố tụng vì chẳng một ai chấp nhận sự đỗ thừa. Hãy đánh dấu lời nói của tôi, mọi người sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời và không một ai có được lý do để bào chữa cho việc chối bỏ Chúa Giêxu. Không một ai được phép thông qua hoặc nhận lấy “thẻ được tự do ở ngoài địa ngục”.
a. Trong Giăng 15.22, Chúa Giêxu đã phán về nhân loại: “Nếu ta không đến và không phán dạy họ, thì họ chẳng có tội lỗi gì; song bây giờ họ không có thể chữa chối được tội lỗi mình".
b. Roma 1.20 chép: “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa lành mình được”.
C. Quí vị và tôi mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời. Quí vị sẽ trả lời với Đức Chúa Trời về Chúa Giêxu. Quí vị sẽ trả lời về mỗi lần quí vị nghe giảng sứ điệp Tin lành, nhưng lại từ chối sứ điệp đó. Quí vị sẽ trả lời về từng bài giảng, từng bài học Kinh Thánh, từng lần trao đổi, từng tài liệu chứng đạo Tin lành, từng chương trình phát thanh hay TV đã rao giảng ơn cứu rỗi của Chúa Giêxu.
II. HẾT THẢY CHÚNG TA CHỌN LẤY MỘT CÁI NỀN ĐỂ SINH SỐNG.
A. Thứ nhứt, chúng ta hãy xem xét người đã xây dựng nhà mình trên cái nền vững chắc (câu 24).
1. Ý tưởng về một người đang xây một “ngôi nhà” trong thí dụ nầy là đồng nghĩa với mỗi một người chúng ta đang xây dựng đời sống của mình. Hết thảy chúng ta đang chọn những điều chúng ta tin và không tin. Chúng ta đang chọn lấy phần đạo đức. Chúng ta đang chọn các giá trị. Chúng ta đang chọn những điều ưu tiên một. Chúng ta đang chọn các thái độ. Chúng ta đang chọn các thứ triết lý. Chúng ta đang chọn những điều chúng ta sẽ làm với sứ điệp nói tới Đức Chúa Giêxu Christ.
2. Người thứ nhứt được Chúa Giêxu gọi là "khôn ngoan". Người nầy "khôn ngoan" vì người biết nhìn qua hiện tại, để thấy tương lai. Người có thể hình dung ra một ngày lúc người sẽ cần tới một cái nền vững chắc. Người đã nghe mọi điều Chúa Giêxu đã phán rồi đã vâng theo. Người đã bước vào cánh "cửa hẹp".
3. Chúa Giêxu nói rằng cái nền mà người nầy chọn là "hòn đá". "Hòn đá" ở đây đến từ chữ Hy lạp petra không có ý nói tới một hòn đá hay ngay cả một tảng đá cuội, mà là một phần đá lồi lên giống như sườn của một ngọn núi vậy. Đá nầy rất cứng, vững chắc và không thể di dời được.
4. Kinh Thánh đề cập tới Chúa Giêxu là petra, "Vầng Đá". Ngài đã phán trong Mathiơ 16.18: “ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó”. Ở nhiều phân đoạn khác, Chúa Giêxu được gọi là "hòn đá góc".
5. Tôi thích lời của một bài thánh ca mà dân sự đã hát hơn một thế kỷ qua:
Hồn tôi chỉ quyết neo luôn trong nơi công nghĩa
với huyết Giêxu mà thôi
Thật tôi không dám ỷ sở năng tôi, duy đứng
vững chắc trên Giêxu thôi
Nương trên Giêxu như Tảng Đá khối, các chỗ
đứng khác dường cát lún thôi
Thật bao nơi kia giống như sa bồi.
6. Quí vị có thể trở thành một người "khôn ngoan" bằng cách xây dựng đời sống mình trên Chúa Giêxu. Một tấm biển quảng cáo xưa thường ghi: "Hãy lấy theo mình một hòn đá”. Câu nầy có ý nói tới sự bảo đảm về tài chính. Bằng cách xây dựng trên “Tảng Đá” quí vị sẽ có sự an ninh cho đến đời đời. Hãy lưu ý một vài phương thức chúng ta xây dựng đời sống mình trên Chúa Giêxu.
a. Trước tiên và trên hết, phải biết chắc về sự cứu rỗi của mình.
b. Thứ hai, bước theo Chúa Giêxu bằng cách chịu phép báptêm.
c. Thứ ba, có địa vị thuộc viên năng động trong thân của Chúa Giêxu, là Hội Thánh địa phương.
d. Thứ tư, bằng cách học hỏi và sống theo Lời của Đức Chúa Trời.
e. Thứ năm, bằng cách sống trong sự hiệp một với thân và sử dụng các ân tứ thuộc linh của chúng ta trong công cuộc truyền giáo.
B. Thứ hai, hãy xem xét người đã cất nhà mình trên cái nền cát (câu 26a).
1. Hãy chú ý Chúa Giêxu thẳng thừng mô tả người nầy là “kẻ dại”. Người nầy đã nghe giảng lời của Chúa Giêxu song chẳng vâng theo. Đây là người đã chối bỏ lời kêu gọi của Đức Chúa Trời trong đời sống của mình. Người nầy đã gạt qua một bên hoặc đã từ chối ơn cứu rỗi. Người nầy đã nghe nhiều bài giảng cùng các bài học của Kinh Thánh. Người nầy đã nghe bạn bè và các thành viên trong gia đình nói tới nhu cần của người về Đấng Christ. Người nầy không đáp ứng.
2. Có thể quí vị nghĩ Chúa Giêxu đã nói rất khó nghe khi gọi người nầy là “kẻ dại”.
Tôi muốn quí vị nhắm mắt mình lại cùng tưởng tượng với tôi. Hãy tưởng tượng ngôi nhà của người lân cận của quí vị đang bốc cháy. Hãy tưởng tượng xem cả gia đình đã ra ngoài hết, chỉ còn có người cha thôi. Ông ấy chọn ngồi lại trên chiếc ghế dựa dù ngôi nhà đang bốc cháy. Người ta gọi ông ơi ới từ bãi cỏ ngoài kia. Cánh cửa mở ra. Các nhân viên cứu hoả tìm cách đưa ông ra ngoài. Ông ta chẳng nhúc nhích gì hết. Quí vị há không gọi ông ta là “kẻ dại” sao!?! Đây là người không tiếp nhận Đấng Christ.
3. Chúa Giêxu phán rằng ông ta đang cất nhà trên "cát". "Cát" không bao giờ ổn định. Nó thay đổi, trôi giạt, và bị cuốn đi với gió.
4. Đường lối của thế gian có rất nhiều như "cát" vậy. Dư luận, triết lý, tiêu chuẩn, đạo đức của con người thường hay thay đổi. Chúng ta đang sống vào thời buổi mà trong đó chẳng có điều gì đúng hay là sai tuyệt đối hết. Nền văn hoá hậu-Cơ đốc tin rằng mọi sự đều cân đối. Đấy là “cát” không ổn định.
5. Trong thời của Chúa Giêxu, người Pharisi cùng các thầy thông giáo đã có một hệ thống truyền khẩu tôn giáo rất phức tạp mà họ đã tìm cách tuân giữ.
6. Thế thì loại nền nào là tốt nhứt cho quí vị chứ? Quí vị nên xây dựng trên nền an ninh đời đời của Đức Chúa Trời Toàn Năng hay trên nền cát dư luận của con người hay dời đổi?
C. Thứ ba, hãy lưu ý rằng mấy ngôi nhà nầy bề ngoài rất giống nhau.
1. Chúa Giêxu đang sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ trong câu 24 và 26. Mấy ngôi nhà đó đều va chạm với cùng một cơn bão. Có rất ít khác biệt ở bề ngoài.
2. Cũng một thể ấy, có nhiều người trông giống như hạng Cơ đốc nhân chân chính, nói năng giống như hạng Cơ đốc nhân chân chính, thậm chí hành động giống như hạng Cơ đốc nhân chân chính, nhưng trong thực tế đã xây dựng đời sống họ trên cát hay dời đổi.
a. Trong các câu 15-16, Chúa Giêxu phán rằng có nhiều "tiên tri giả", họ là muông sói đội lốt chiên.
b. Trong các câu 17-20, Ngài ví họ với "cây xấu", họ sinh ra "trái xấu", họ chẳng có gì tốt đẹp hết, nên phải bị "đốn rồi quăng vào lửa”.
c. Trong các câu 21-23, Chúa Giêxu phán rằng họ sẽ kêu cầu Ngài "Lạy Chúa, lạy Chúa", nhưng Ngài sẽ phán cùng họ: "Hãy lui ra khỏi ta, ta chẳng biết các ngươi".
3. Có nhiều người lắng nghe sứ điệp nầy, trông họ giống như, nói năng như, và hành động như những người tin Chúa, nhưng trong đáy lòng họ, họ không nhìn biết Đấng Christ. Phải biết chắc phần nền của quí vị.
III. HẾT THẢY CHÚNG TA ĐANG ĐỐI DIỆN VỚI NHIỀU TRẬN BÃO KHÁC NHAU.
A. Chúa Giêxu đang mô tả nhiều dạng bão tố đang giáng trên hai ngôi nhà kia.
1. Câu 25 và câu 27 gần như giống hệt nhau. Ngài phán rằng "có mưa sa" và "nước chảy" và "gió lay".
2. Những trận bão sẽ giáng xuống, đây là điều chắc chắn. Vô luận chúng ta xây nhà trên nền nào. Chúng, những trận bão sẽ xảy đến. Dù quí vị là người tin Chúa hoặc là một người không tin Chúa, thì chẳng có gì khác biệt hết, các trận bão sẽ đến.
3. Đôi khi có những lời cảnh báo bão và đôi khi bão tố đến thình lình.
B. Chúng ta đang kinh nghiệm nhiều loại bão khác nhau.
1. Có những cơn bão BỊNH TẬT. Phần nhiều người trong chúng ta đã và sẽ đối diện với các nan đề trầm trọng về sức khoẻ trên chính cơ thể của chúng ta hoặc nơi những người chúng ta yêu thương. Chẳng một điều gì bực bội hơn là phải xử lý với một chứng bịnh mà quí vị không thể khống chế hoặc thay đổi được.
2. Có những trận bão TÀI CHÍNH. Có nhiều lần chúng ta đối diện với áp lực của nợ nần to lớn hơn tài khoản ngân hàng của chúng ta.
3. Có những cơn bão NGÃ LÒNG. Đôi khi chúng ta lọt vào chỗ mà ở đó bầu trời chẳng trong xanh chút nào. Mọi thứ chúng ta nom thấy chỉ toàn là mây mù.
4. Có những trận bão CHẾT CHÓC. Hết thảy chúng ta sẽ đối diện với trận bão đầy cay đắng nầy. Quí vị đã sửa soạn cho cái chết của mình chưa?
Charles Spurgeon từng nói: Có hàng chục ngàn người giảng tin lành cho họ giống như âm nhạc xuyên vào lỗ tai của một xác chết vậy. Họ đóng tai mình lại không chịu nghe, dù có sự làm chứng về Con độc sanh của Đức Chúa Trời, về sự sống đời đời cùng phương thức tránh khỏi cơn thạnh nộ đời đời... Khi rối rắm đời nầy xảy đến như một trận bão, những người không nghe theo lời của Chúa Giêxu không có một sự yên ủi nào để làm cho họ được phấn chấn; khi bịnh tật đến, tấm lòng họ chẳng có chút vui vẻ gì để nâng họ lên hầu được đỡ đau đớn; rồi khi sự chết, là cơn bão khủng khiếp nhất giáng trên họ, họ cảm nhận được sự điên tiết của nó, nhưng họ không sao tìm được một nơi ẩn náu. Họ trì huỡn không lo liệu cho linh hồn của họ và khi trận bão thạnh nộ nổ ra trên thế gian, họ sẽ không có một chỗ nào để nương náu mình. (Swindoll. Trang 246).
IV. HẾT THẢY CHÚNG TA ĐANG KINH NGHIỆM CÁC HẬU QUẢ CỦA SỰ CHÚNG TA LỰA CHỌN.
A. Thứ nhứt, hãy xét qua hậu quả của việc xây nhà trên cái nền vững chắc.
1. Chúa Giêxu phán "người khôn ngoan", là người xây nhà mình trên “hòn đá” đã kinh nghiệm mọi sức mạnh của các loại bão của cuộc sống. Tuy nhiên, vô luận các cơn bão có đập vào ngôi nhà của người như thế nào đi nữa, Chúa Giêxu phán: "song không sập vì đã cất trên đá".
2. Khi quí vị xây dựng đời sống mình trên Chúa Giêxu, quí vị sẽ bất chấp các trận bão gào thét đó.
3. Khi đời sống của quí vị được xây dựng trên Chúa Giêxu, quí vị sẽ chẳng dao động dù là trận bão chết chóc. Phaolô đã nói trong Philíp 1.21: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy”.
B. Thứ hai, hãy xét qua hậu quả của việc xây nhà trên cái nền cát.
1. Chúa Giêxu phán rằng "kẻ dại" là người xây nhà mình trên nền "cát", đã đối diện với những cơn bão khó khăn trong cuộc sống và nhà của người “bị sập”.
2. Tôi không biết người ta đối diện với bão tố như thế nào trong đời nầy khi không có Đấng Christ. Khi tôi nhìn lại từng cơn khủng hoảng, Chúa Giêxu chính là thuẩn đỡ và là Đấng yên ủi tôi.
3. Hãy chú ý, Chúa Giêxu không những phán rằng nhà “bị sập” mà còn "hư hại rất nhiều”. Sự sụp đổ của một đời sống không xây dựng trên Đấng Christ là một sự rơi thẳng vào cõi đời đời không có Đấng Christ, một cõi đời đời trong địa ngục.
PHẦN KẾT LUẬN: Hai tư tưởng sau cùng
1. Nếu quí vị chỉ có nghe và đọc lẽ thật thôi, quí vị chưa sửa soạn đủ để ngăn đón những cơn bão hầu đến.
2. Nếu cái nền của quí vị chắc chắn, không một cơn bão nào sẽ làm cho đời sống của quí vị bị suy sụp được.
Earl Palmer viết: Chiếc cầu Golden Gate ở San Francisco được xây dựng trực tiếp từ vùng đứt đoạn San Andreas. Nó được xây dựng bằng những nhịp cầu cách nhau một dặm. Bí quyết tính lâu bền của nó chính là độ dẻo khiến cho nó có thể lúc lắc, đu đưa, nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu thôi đâu! Theo dự án, từng phần của chiếc cầu – phần đường lộ bằng bê tông, cáp treo, xà ngang của nó – được kết chắc chắn từ một mối hàn qua hệ thống cáp to lớn với hai cái tháp thật to và hai móng cầu neo trên đất. Hai cái tháp chịu gần hết sức nặng, và chúng được gài sâu vào rặng đá nằm dưới biển. Nói cách khác, chiếc cầu dính cứng với cái nền của nó. Đây là bí quyết của chiếc cầu! Độ dẻo và cái nền.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét