Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tít 2.1-3: "Điển hình một Hội Thánh trưởng thành – Phần 1"



TÍT – MỘT MỤC SƯ TRƯỞNG THÀNH
Điển hình một Hội Thánh trưởng thành – Phần 1
Tít 2.1-3
Ở I Côrinhtô 3.6, sứ đồ Phaolô đã viết: "Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên". Công việc của tôi là trồng Lời của Đức Chúa Trời vào đời sống của bạn rồi tưới nó với phần ứng dụng thuộc linh. Công việc của Đức Chúa Trời là làm cho Hội Thánh Ngài được "lớn lên". Chúa Jêsus đã phán ở Mathiơ 16.18: "Ta sẽ lập Hội Thánh ta". Vì lẽ đó, tôi chẳng quan tâm nhiều tới sự lớn lên theo số lượng của Hội Thánh nầy bằng sự trưởng thành về mặt thuộc linh. Tôi quan tâm đến chiều sâu của hội chúng và tin cậy Đức Chúa Trời tể trị, Ngài quyết định chiều rộng. Hội Thánh được mô tả là "thân thể của Đấng Christ". Có phải chúng ta là một thân thể khỏe mạnh hay bịnh hoạn?
Trong phần cuối của chương 1, Phaolô viết cho Tít về mối nguy hiểm của các giáo sư giả, những kẻ mà "miệng họ đáng phải bịt lại". Sự dạy giả dối thì giống như virus, bịnh tật hay ung thư trong thân thể của Đấng Christ. Bằng cách đối chiếu, vị sứ đồ căn dặn Tít phải "lập các trưởng lão", là những người biết cầm giữ "đạo thật" (các câu 5,9). Sau khi nói tới những kẻ dạy những lẽ đạo nguy hiểm, Phaolô đã nói ở câu 13 rằng Tít phải "quở nặng họ, hầu cho họ có đức tin vẹn lành". Nếu sự dạy giả dối là một chứng bịnh hủy diệt sức khỏe của thân thể Đấng Christ, "đạo thật" là bài thuốc phục hồi cho sức khỏe thuộc linh.
Thực ra Phaolô nói với Tít trong câu mở đầu của chương 2: "Nhưng con [ngược lại với các giáo sư giả] hãy dạy điều hiệp với đạo lành". "Lành" có nghĩa là "khỏe mạnh, tráng kiện", như "lý trí và thân thể khỏe mạnh". Từ ngữ "dạy" không nhất thiết có ý nói phải đứng giảng từ đàng sau bục giảng, thay vì thế “dạy” đề cập tới những cuộc trao đổi thường xuyên, hàng ngày. Thì hiện tại cho thấy phải liên tục dạy nhiều lần. "Hiệp với" có ý nói "chắc chắn với". Vì vậy, kết lại với nhau, thì Phaolô giống như đang nói: "Tít ơi, bất luận các giáo sư giả dạy cái gì, con cứ giữ việc nói với dân sự mỗi ngày về những việc chắc chắn với đạo lành, tráng kiện. Như thế sẽ làm cho Hội Thánh được trưởng thành".
"Đạo thật" tất nhiên đề cập tới lẽ thật của Kinh Thánh, chỉnh đốn thần học và lối suy nghĩ đúng đắn: "Điều hiệp với đạo lành" đề cập tới sự khác biệt những gì chúng ta tin tạo ra những điều chúng ta làm, thể nào những điều chúng ta tin quyết định phương thức chúng ta sinh sống. Trưởng thành trong đức tin thì nhiều hơn là có một sự hiểu biết về thần học; nó ám chỉ một sự vâng phục thực tiễn trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Một tín đồ trưởng thành không những biết điều chi là đúng, người còn làm theo điều chi là đúng nữa. Trong Kinh Thánh chẳng có một sự phân rẽ giữa lẽ đạo và bổn phận hoặc giữa niềm tin và cách ứng xử. Lẽ đạo đúng đắn tạo ra bông trái của sự sống công bình. Đức Chúa Jêsus Christ không những là Cứu Chúa của chúng ta cho đến đời đời, Ngài còn là tấm gương của chúng ta ngày hôm nay nữa.
Mục đích của chương hai, là những gì chúng ta tin sẽ quyết định cách chúng ta ứng xử. Việc của tôi không những là dạy cho bạn biết "đạo thật" mà còn phải biết sống như thế nào trong một phương thức phù hợp với đạo ấy nữa. Việc của bạn là tiếp thu "đạo thật" và để cho đạo ấy nắn đúc lối sống của bạn.
Tuần nầy, Deb và tôi xem chương trình mới trên vô tuyến truyền hình có đề tựa là “The Weakest Link”. Người phụ nữ Anh kia đang nguội lạnh! Bà ta nhắc cho tôi nhớ tới một trong những vị giáo sư Trung học dạy Anh ngữ! Trong chương trình, mấy người kia bầu chọn người dường như thiếu sót nhiều câu trả lời nhất. Bà chủ nói: "Bạn là mắc xích yếu nhất. Vĩnh biệt". Hội Thánh cũng có những mắc xích yếu đuối nữa. Câu nói xưa cho rằng "một sợi dây xích chỉ mạnh bằng mắc xích yếu nhất của nó". Sự trưởng thành thuộc linh và chiều sâu của Hội Thánh nầy không những là trách nhiệm của Mục sư, cấp trưởng lão, hàng chấp sự, các giáo sư hay bất cứ cấp lãnh đạo nào khác. Sự trưởng thành của Hội Thánh nầy nương cậy vào bạn. Có phải bạn bằng lòng sống theo những điều bạn nói bạn tin không?
Ở 2.1-10, chúng ta thấy phần mô tả lối sống trưởng thành của những người nam, người nữ Cơ đốc lớn tuổi hơn, người nam người nữ và những tôi tớ hay người học việc Cơ đốc trẻ tuổi hơn. Có một việc quan trọng cho mỗi một người chúng ta ở đây. Phân đoạn Kinh Thánh tô điểm một bức tranh đầy màu sắc về một Hội Thánh trưởng thành. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét lời lẽ của Phaolô nói về những người nam người nữ lớn tuổi hơn trong cộng đồng Cơ đốc.
I. Lối sống của các ông già Cơ đốc (câu 2).
Khi người ta có tuổi hơn, một là họ sẽ khá hơn hay họ sẽ tệ hại hơn. Một là họ sẽ tấn tới trong ân điển và sự khôn ngoan hay họ càng dễ cáu kỉnh, cay đắng và tức tối hơn. Bạn và tôi cả hai đều biết những người nam người nữ lớn tuổi hơn, họ chúc phước cho bạn mỗi lần bạn sống với họ. Ngược lại, có lẽ hết thảy chúng ta đều biết một hay hai người có tánh dễ cáu kỉnh.
Không có Đấng Christ, tuổi già là một bạo chúa. Nó cướp khỏi chúng ta sức khỏe, năng lực, sức sống và khả năng của lý trí. Không có Đấng Christ, chúng ta sẽ nhìn thấy tuổi già và sự chết theo cùng một cách với nhà văn sáng tác nhiều, người Mỹ có tên là Mark Twain, ông đã nhìn thấy nó một cách ngắn ngủi trước khi qua đời. Ông viết: "Vô số người ta ra đời; họ lao động, đổ mồ hôi và phấn đấu ... họ cãi nhau, mắng mỏ và đánh nhau; họ tranh giành nhau những lợi ích nhỏ nhoi; tuổi tác len lỏi đến trên họ; những sự ốm yếu theo sau; ... những kẻ họ yêu mến được đem đi khỏi họ, và niềm vui trong cuộc sống bị đổi thành buồn rầu nhức nhối. Nó (sự chết) sau cùng hiện đến – chỉ còn có đất là dành cho họ, đó là món quà duy nhứt không bị đầu độc, – và họ biến mất đi khỏi cái thế giới mà họ từng ở đó, ... thế giới ấy sẽ than vãn họ trong một ngày rồi lãng quên họ cho đến đời đời". Khủng khiếp dường bao khi sống mà chẳng có sự vui mừng của Chúa Jêsus!
Mặt khác, một đời sống được xây dựng trên Vầng Đá Tảng Đức Chúa Jêsus Christ sẽ thấy khá hơn khi nó được thêm tuổi tác. Là một tín đồ tận tụy có tuổi tác, người (nam hay nữ) tấn tới trong một đời sống yêu thương, tin kính, hiểu biết, thương xót, đức tin, cầu nguyện, phục vụ và còn nhiều thứ nữa. Có những tín đồ cao tuổi hơn, họ là một phần trong hội chúng của chúng ta, phần lớn họ là những người chỉ ở quanh quẩn trong nhà. Cơ thể họ suy yếu và chậm chạp dần; tuy nhiên đức tin của họ rất mạnh mẽ! Họ vẫn tỏa ra tình yêu của Đấng Christ trong khi chờ đợi được giải cứu ra khỏi những kềm chế yếu ớt của đời nầy.
Trong Hội Thánh, tuổi già được tôn trọng và được đánh giá cao. Gióp 12.12 chép: "Người già cả có sự khôn ngoan, kẻ hưởng trường thọ được điều thông sáng". Đây là mấy câu Kinh Thánh mà tôi đặc biệt ưa thích. Châm ngôn 16.31 chép: "Tóc bạc là mão triều thiên vinh hiển, miễn là thấy ở trong đường công bình". Châm ngôn 20.29 chép: "Sức lực của gã trai trẻ là vinh hiển của người; Còn tóc bạc là sự tôn trọng của ông già". Lêvi ký 19.32 chép: "Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già cả, và kính sợ Đức Chúa Trời ngươi. Ta là Đức Giê-hô-va". Những thánh đồ cao tuổi đều có sự khôn ngoan rất lớn và nhiều năm tháng kinh nghiệm để chia sẻ với những thánh đồ nào còn trẻ trung hơn. Một Hội Thánh không có một số tín đồ cao tuổi thì bất lợi lớn lắm.
Thường thì lớp người trẻ tuổi hơn không đánh giá cao lớp người lớn tuổi hơn. Họ muốn tự do làm mọi điều theo phương thức riêng của họ. Họ không muốn mấy "ông già hủ lậu" xâm phạm quyền tự do của họ. Trong tình trạng chưa trưởng thành ấy, họ lờ đi và đánh giá thấp một trong những thứ ơn quí báu nhất của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh. Bất cứ Cơ đốc nhân nào không đánh giá cao và tìm cách bước theo sự khôn ngoan của những tín đồ cao tuổi, trưởng thành hơn, họ đang làm chứng cho tình trạng chưa trưởng thành của họ.
Những tín đồ trẻ tuổi hơn trong Hội Thánh cần phải nhìn biết rằng nếu Chúa chúc phước cho họ với tuổi thọ, một ngày kia họ sẽ trở thành thế hệ cao tuổi hơn. Thực vậy, điều đó là thực cho hết thảy chúng ta, những ai đang trong thời kỳ còn trẻ trung. Hơn 20 đến 25 năm tới, sẽ có một sự gia tăng 74% dân số Hoa kỳ trên tuổi 50. Trong chính khoảng thời gian đó, sẽ chỉ có 1% dân số dưới tuổi 50. Những tín đồ trẻ tuổi hơn phải học biết đánh giá cao và xem trọng những thánh đồ tin kính, cao tuổi hơn.
Khi Chúa ban cho sức khỏe, những Cơ đốc nhân cao tuổi hơn cần phải trở thành cấp lãnh đạo cao trong Hội Thánh. Khi tôi xem qua những trang Kinh Thánh, tôi thấy hết tấm gương nầy đến tấm gương khác những người nam người nữ cao trọng của Đức Chúa Trời, họ không khởi sự công việc của họ cho tới khi họ đang ở tuổi đã cao. Chúng ta sẽ nói gì về Ápraham, ông không nhận lãnh ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời cho tới lúc ông được 75 tuổi và chưa có đứa con của lời hứa cho tới khi ông được 100 tuổi? Còn Môise thì sao? Ông không đứng trước mặt Pharaôn như phát ngôn viên của Đức Chúa Trời cho tới khi ông được 80 tuổi. Một trong những người tôi ưa thích là Calép. Ông là một trong 12 thám tử được sai đi dọ thám xứ Canaan. Chỉ có ông và Giôsuê đã đưa ra báo cáo thật trung tín. Như kết quả của một sự loạn nghịch, phần còn lại của thế hệ ông đã qua đời trong đồng vắng. Khi ông được 85 tuổi, ở Giôsuê 14, ông nói: "Rày tôi cũng còn mạnh khỏe như ngày Môi-se sai tôi đi … Vậy, hãy ban cho tôi núi này". Hình ảnh sau cùng chúng ta có về ông là đang cùng với các con trai mình lo đánh chiếm hòn núi, đánh đuổi kẻ thù ở trước mặt ông.
John Wesley ở tuổi 83 đã đi đó đây chừng 250.000 dặm trên lưng ngựa, rao giảng hơn 40.000 bài giảng và đã in ấn hơn 200 quyển sách và truyền đạo đơn. Ở tuổi 83, ông còn tiếc nuối do mắt ông đã hạn chế ông chỉ được đọc và viết sách khoảng 15 giờ một ngày mà thôi. Ở tuổi 86, ông đã phát triển một khuynh hướng ngủ … đến 5H30 sáng. I Timôthê 5.1 chép: "Chớ quở nặng người già cả, nhưng hãy khuyên dỗ họ như cha". Xin vui lòng cho phép tôi "khuyên dỗ" một số người trong quí vị như cha mẹ thuộc linh trong gia đình của Đức Chúa Trời. Phần còn lại trong chúng tôi đều CẦN ĐẾN QUÍ VỊ! Chúng tôi cần quí vị càng nên dấn thân vào Hội Thánh và trong đời sống của lớp người trẻ tuổi hơn. Mặc dù vậy, tôi rất biết ơn vì chức vụ của người cao tuổi rất tuyệt vời đó, chúng tôi cần quí vị bước vào mối tương giao với nhiều người khác với độ tuổi của quí vị và gắn bó với lớp người trẻ tuổi hơn, họ rất cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm của quí vị. Rất nhiều người trong chúng tôi rất cần học hỏi từ quí vị đấy.
Nếu bạn là một thanh thiếu niên, tráng niên hay trung niên, bạn cần đến những tín đồ trưởng thành, lớn tuổi hơn. Đức Chúa Trời để họ lại đây vì ích cho bạn đấy. Nếu quí vị là một tín đồ cao tuổi hơn, làm ơn, làm ơn chia sẻ những gì Đức Chúa Trời đã làm trong đời sống của quí vị với những người còn trẻ tuổi hơn. Ai biết được, công việc lớn lao nhất của quí vị làm cho Chúa hiện đang ở trước mặt của quí vị đây? Thi thiên 71.9 chép: "Xin Chúa chớ từ bỏ tôi trong thì già cả; Cũng đừng lìa khỏi tôi khi sức tôi hao mòn". Thi thiên 92.14 chép: "Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái, được thạnh mậu và xanh tươi". Êsai 46.4 là một lời hứa tuyệt vời cho những ai đang ở trong những năm tháng chiều tà của mình: "Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải cứu các ngươi". Khi nói: "điều hiệp với đạo lành", chúng ta hãy xem xét sáu đức tính cần phải được tìm thấy nơi những người Cơ đốc đứng tuổi.
A. Những người Cơ đốc đứng tuổi cần phải tiết độ.
Chúng ta trở lại với phân đoạn Kinh Thánh gốc, Phaolô bảo Timôthê phải khuyên "những người già cả" phải "tiết độ". Mệnh đề "những người già cả" ra từ gốc của cùng một chữ được dịch là "trưởng lão" ở 1.5. Tuy nhiên, trong văn mạch nói rất rõ bằng cách đối chiếu với "các bà già" cho thấy đây là một từ ngữ bao quát đề cập tới hết thảy "người già cả" và không đề cập riêng tới những người đang là lãnh đạo trong Hội Thánh.
"Tiết độ" không mang ý gốc của sự tự do không say sưa mà có một ý nghĩa tổng quát. Phải sống "tiết độ" là phảy nhạy bén và biết xét nét trong tư tưởng. Hội Thánh cần những người già cả biết "tiết độ", họ có những thứ tự ưu tiên đã được thiết lập vững chắc trong đời sống của họ. Họ nêu gương về việc tránh né sự tiêu pha và ham mê không cần thiết. Họ tỏ ra cho nhiều người khác thấy phải biết thỏa lòng với tính cách đơn sơ. Họ biết điều chi quan trọng và điều chi không quan trọng. Lớp người trẻ hơn luôn luôn phấn đấu ngày càng nhiều hơn ngược lại với những Cơ đốc nhân khôn ngoan, đứng tuổi hơn thì ngày càng kém đi, điều nầy há chẳng ngạc nhiên sao?
B. Cơ đốc nhân già cả cần phải nghiêm trang.
Từ ngữ "nghiêm trang" ở đây có ý nói "trang trọng, kỉnh kiền". Từ ngữ nầy mang ý tưởng chỉ ra một người đang nói và làm với sự khôn ngoan và ý thức xứng đáng với sự tôn kính mà người ta gán cho họ theo lẽ tự nhiên. Một người "kỉnh kiền" hay trang trọng không dính dáng với việc chi là phù phiếm hay nông cạn. Người ấy không cười cợt với những điều khiếm nhã hay thô tục.
Một người già cả "kỉnh kiền" hay trang trọng đã được nắn đúc bởi sự khó nhọc nhiều rồi. Người ấy biết những thứ vật chất chẳng có một sự thỏa mãn nào lâu dài. Người đã từng chịu khổ và than khóc. Người đã chôn cất cha mẹ, anh chị em, có lẽ ngay cả vợ và con cái nữa. Người biết rõ bóng sự chết và nhận ra rằng rồi đây đời mình cũng qua đi. Người dự trù sống phần đời còn lại của mình lo làm đẹp lòng Chúa của mình.
Ngay trong tuần nầy, tôi được phước trao đổi với một tín hữu ở độ tuổi 70. Ông nầy là một lính TQLC ở Nam Thái Bình Dương trong Đệ II Thế Chiến và được tưởng tưởng Huy Chương Đồng cũng như Chiến Thương Bội Tinh. Ông cụ nói: "Khi bạn nằm suốt đêm dưới chiến hào chỉ có cầu nguyện xin cho trời mau sáng và bạn sẽ sống chỉ thêm có một đêm thôi, bạn sẽ biết ngay điều chi quan trọng và điều chi không quan trọng".
Gần như là các thế hệ trẻ hơn trong xã hội của chúng ta biết rất ít về sự khó nhọc và nhu cần. Hầu hết chúng ta đều được trưởng dưỡng trong sự xa hoa thoải mái. Trong xã hội hưởng thụ của chúng ta, chúng ta biết rất ít về lao động nhọc nhằn theo phần xác. Chúng ta biết rất ít về sự hy sinh cá nhân cho sự ích chung của xã hội. Ồ, chúng ta cần tới thế hệ già cả để neo chúng ta vào những gì là quan trọng nhất.
C. Cơ đốc nhân già cả cần phải khôn ngoan.
Từ ngữ nói tới "khôn ngoan" ở đây có nghĩa là "nghiêm túc" hay "tự chủ". Một người tin kính, già cả biết kềm chế những ước muốn và sự bốc đồng. Người luyện tập sự phân biện, suy xét chín chắn và xét nét kỷ lưỡng. Người từ chối những tiêu chuẩn đời nầy. Người là mẫu mực của lời lẽ Phaolô nói ở Rôma 12.3: "Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người". Samuel Johnson từng viết: "Người nào trải phần đời còn lại của mình với sự trang nghiêm, đứng đắn, khi còn trẻ người ấy phải xét rõ: ngày kia mình sẽ già đi; và hãy nhớ, khi người già rồi, người đã từng trẻ tuổi". Hỡi người già cả, tôi khuyên quí vị phải nên "khôn ngoan" hay suy nghĩ cách khéo léo về vai trò của mình trong đời sống của lớp người trẻ tuổi hơn trong Hội Thánh. Họ cần quí vị dấn thân vào đời sống của họ.
D. Cơ đốc nhân già cả cần phải có đức tin thật.
Như đã lưu ý rồi, "thật" có nghĩa là lành mạnh. Những người già cả trong Hội Thánh cần phải có đức tin lành mạnh. Họ đã học biết bởi kinh nghiệm trong mọi sự chỉ có Đức Chúa Trời là đáng tin cậy nhất mà thôi. Họ không lo lắng chi về ngày mai, vì Đức Chúa Trời luôn luôn làm thỏa mãn mọi nhu cần của họ trong quá khứ. Họ không nghi ngờ tình yêu, quyền phép, sự tiếp trợ hay sự đầy dẫy của Ngài. Họ đứng vững trên Ngôi Lời. Tôi luôn luôn thích được xem qua những quyển Kinh Thánh của người khác, đặc biệt những quyển Kinh Thánh của các Cơ đốc nhân già cả. Bạn có thể nói nhiều về một người bằng cách xem qua quyển Kinh Thánh riêng của họ. Tôi giữ một bản Kinh Thánh cũ của mẹ tôi trên bàn làm việc của tôi. Nhìn qua quyển Kinh Thánh của một người tin kính, đứng tuổi thì bạn sẽ thấy rõ mồ hôi và nước mắt đến từ việc đọc nhiều và học hỏi nhiều quyển sách ấy. Người phải "có đức tin" vì người đã dành nhiều thì giờ với Ngôi Lời.
E. Cơ đốc nhân già cả cần phải có lòng yêu thương.
Một người già cả trưởng thành phải "có lòng yêu thương". Người đã phát triển một tình yêu sâu sắc dành cho Đức Chúa Trời, cho Hội Thánh của Ngài và cho những người nào đã được cứu. Người bằng lòng gánh lấy gánh nặng của người khác và làm phu phỉ Luật pháp của Đấng Christ (Galati 6.2). Người liên tục yêu thương khi người bị chối bỏ và chẳng ai màng đến. Khi phật lòng, người tha thứ và cứ mãi yêu thương. Người sống theo I Giăng 4.11: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau".
F. Cơ đốc nhân già cả cần phải có tánh nhịn nhục.
Một người trưởng thành đứng tuổi cũng phải có "tánh nhịn nhục". Người đã học biết phải kiên nhẫn như thế nào rồi! Người đã chịu đựng nhiều sự khó nhọc, thất vọng và thất bại. Tuy nhiên, người được thỏa lòng nơi Chúa. Khi người có tuổi thêm, người đối diện với sự yếu đuối, sức khỏe kém đi và tình trạng cô đơn, thế nhưng người cứ bước tới. Người cảm thấy mình hiểu sai và thường không đứng đúng vị trí. Lớp người trẻ hơn không hoan nghênh người như họ đáng phải hoan nghênh, nhưng người vẫn yêu thương họ. Bất luận điều chi xảy ra, người nhịn nhục chịu đựng và phó sự sống mình theo Rôma 8.28: "Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định".
II. Lối sống của các bà già (câu 3).
Hãy gạch dưới cụm từ "cũng vậy" ở câu 3. Cụm từ có ý nói rằng với cùng phương thức mấy ông già cần được đối xử với sự tôn trọng, kính mến vì cớ tuổi tác của họ, các bà già cũng cần được tôn trọng nữa. Thực vậy ở I Timôthê 5.2, Phaolô dặn Timôthê phải đối xử "đàn bà có tuổi cũng như mẹ". Vị sứ đồ không xem trọng một đức tính nào khác hơn là tuổi tác. Dù bà ấy có là một tay khỗng lồ thuộc linh hay một con đỏ thuộc linh, hết thảy các bà già trong Hội Thánh cần phải được đối xử với một sự tôn trọng xứng đáng.
Từ lúc gia đình tôi chuyển sang Amarillo, rất xa đối với gia đình của chúng tôi, Đức Chúa Trời đặc biệt đã tiếp trợ cho Deb và tôi với những bà mẹ thuộc linh, những bà già tin kính, họ vốn chú trọng đặc biệt đến gia đình tôi. Điều nầy rất quan trọng cho tôi vì lúc bấy giờ mẹ ruột tôi đã về ở với Chúa rồi.
Chính xác thì Phaolô muốn nói gì về các bà "già"? Bao nhiêu tuổi thì một phụ nữ được coi là "già"? John MacArthur nói rằng vì việc có con cái kết thúc ở độ tuổi 40-45 và nuôi dạy con cái kết thúc ở tuổi 60-65, thì hợp lý lắm khi giả định rằng Phaolô đang đề cập tới những phụ nữ ít nhất đang ở độ tuổi 60. Trong I Timôthê 5.9, Phaolô nhắc: "sáu mươi tuổi" là tuổi tối thiểu cho một bà góa cần được Hội Thánh trợ giúp về tài chính. Tôi biết rõ một số quí bà ở đây bây giờ đã cảm thấy thoải mái khi nhận ra mình CHƯA ĐƯỢC xem là "các bà già".
Những bà già tin kính là nguồn tài nguyên quí báu như thế cho Hội Thánh nên Phaolô đã đưa ra những lời dạy dỗ đặc biệt ở I Timôthê 5.3-10 về sự chăm sóc họ. Những bà góa tin kính cần được "tôn trọng" (câu 3). Nếu bà hơn "sáu mươi tuổi" mà không có con cháu để tiếp trợ cho bà (câu 9), nếu bà "thật góa ở một mình", nếu bà "để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, ngày đêm bền lòng cầu nguyện nài xin" (câu 5), nếu bà "được tiếng khen vì việc phước đức mình, như đã nuôi con cái, đãi đằng khách lạ, rửa chân thánh đồ, cứu giúp kẻ khốn nạn, và làm đủ các việc phước đức” (câu 10), thì Hội Thánh không những phải "kính trọng" bà, mà còn trợ giúp bà về mặt tài chính nữa.
Trong kỷ nguyên Tân Ước, các bà già đã góp phần phục vụ Hội Thánh bằng nhiều cách thức lắm. Họ dành nhiều thì giờ với những người nữ trẻ tuổi,dạy dỗ và khích lệ họ bằng Kinh Thánh, môn đồ hóa họ theo đường lối của Chúa. Họ đã phục vụ cho những kẻ có cần, đặc biệt những người đau ốm hay bị tù. Họ mở cửa nhà mình cho những Cơ đốc nhân vãng lai.
Trong một số thành thị thời bấy giờ, có những đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường phố. Phá thai rất đắc tiền và rất nguy hiểm, những đứa trẻ bị bỏ rơi vì chẳng ai cần đến chúng. Một số được những nô lệ, gái điếm, đấu sĩ nhặt lấy rồi nuôi dưỡng. Những người nữ Cơ đốc thường giải cứu những đứa trẻ nầy rồi trao chúng cho các gia đình trong Hội Thánh làm con nuôi. Các bà già luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong Hội Thánh. Chúng ta hãy xem xét bốn đức tính cần được thấy rõ nơi các bà già trong Hội Thánh của chúng ta.
A. Các bà già Cơ đốc cần phải có thái độ hiệp với sự thánh.
"Thái độ hiệp với sự thánh" ở đây trong câu 3 ra từ một chữ Hy lạp đặc biệt chỉ được dùng một lần trong Kinh Thánh. Từ ngữ nầy có nghĩa là sống "giống như thầy tế lễ" và mang ý nghĩa của sự thánh khiết cá nhân. Bản Kinh Thánh King James ghi như sau: "họ cần phải xử sự giống như đã được nên thánh rồi vậy". Nói cách khác, các bà già trong Hội Thánh cần phải nêu gương thánh khiết cho phần còn lại của Hội Thánh.
Có nhiều nữ phó tế trong xã hội Hy lạp cổ. Có lẽ một số phụ nữ có lòng tin kính nầy ở trên đảo Crete từng là nữ phó tế cho tà giáo. Giờ đây, họ đã được buông tha khỏi tà giáo của họ và có thể xử sự như nữ phó tế của Đức Chúa Trời duy nhứt chơn thật. Mỗi tín đồ là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. I Phierơ 2.9 nói tới toàn thể Hội Thánh, thân thể của Đấng Christ là "là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh". Là tín đồ, chúng ta được tiếp cận với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta được mặc lấy sự công bình của Đấng Christ. Tội lỗi của chúng ta đã được che phủ và đã được chuộc lấy rồi. Thân thể của chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh. Vì lẽ đó, một bà già Cơ đốc cần phải xem mình là một "nữ tư tế" hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, vì vậy bà cần phải "nghiêm trang" trong mọi cách "xử sự" của mình.
Một trong "các bà già" tôi rất ưa thích trong Kinh Thánh là Anne. Luca 2.37 chép bà "ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi". Bà là một phụ nữ lớn tuổi, già cả; chồng bà đã qua đời khi bà hãy còn rất trẻ. Thay vì tìm cách làm phu phỉ tư dục của bản thân mình bằng cách sống với người chồng khác, trong "84 năm" bà "chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện". Bà thấy mình là một "nữ phó tế". Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho sự phục vụ trung tín của bà bằng cách cho phép bà nhận ra con trẻ Jêsus là Đấng Mêsi của Israel. Khi bà nhìn thấy Ngài, bà đã "ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem" (câu 38).
Người đàn bà nào "có thái độ hiệp với sự thánh" đang sống theo I Timôthê 2.9-10. Họ "ăn mặc một cách gọn ghẽ, lấy nết na và đức hạnh giồi mình, không dùng những tóc gióc, vàng, châu ngọc và áo quần quí giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đang nhiên của người đàn bà tin kính Chúa. nhưng dùng việc lành, theo lẽ đang nhiên của người đàn bà tin kính Chúa". Mặc dù nét đẹp bề ngoài của họ đã tàn phai, vẻ đẹp thuộc linh bên trong của họ đang tỏa ra từ đời sống của họ. Các bà già nào "có thái độ hiệp với sự thánh", họ là những tấm gương thánh khiết không lo lắng chi về những đổi mới và việc trở thành cây đinh chốn đông người. Họ không theo đuổi dòng suối thanh xuân khó nắm giữ được lâu dài kia. Họ giàu ơn chấp nhận sự già cỗi trầm trọng ấy và đặt hy vọng của mình vào sự vinh hiển đời đời chớ không đặt vào vẻ đẹp tạm thời nữa.
B. Các bà già Cơ đốc không được nói xấu.
"Nói xấu" ra từ chữ Hy lạp diabolos có ý nói "vu cáo". Từ nầy được sử dụng 34 lần trong Tân Ước như một tước hiệu dành cho Satan. Chúa Jêsus đã gọi hắn là cha của sự nói dối. Một bà già Cơ đốc không nên trở thành kẻ vu cáo người khác. Nói thẳng ra, bà không nên trở thành kẻ ngồi lê đôi mách.
Quí ông có khuynh hướng lạm dụng về phần xác. Quí ông dễ bị kích thích để đánh nhau. Quí bà có khuynh hướng lạm dụng về lời nói. Họ không đánh bằng nấm đấm của họ, nhưng có thể đưa ra những cú nốc ao bằng miệng lưỡi của họ. Đôi khi bạo lực bằng lời nói lại kéo dài và hủy diệt nhiều hơn một trận đánh nhau bằng đấm đá. I Timôthê 5.13 nói tới hạng người nữ phi thuộc linh, họ "hay ở không, quen thói chạy nhà nầy sang nhà khác; nào những họ ở không thôi đâu, lại còn thày lay thóc mách, hay nói những việc không đáng nói nữa".
Mặc dầu thư tín nầy áp dụng cho cả Hội Thánh, đặc biệt nó áp dụng cho các bà già. Khi bạn nghe một mẫu tin lý thú về ai đó, hãy đem chôn nó đi. Nói đi nói lại chỉ làm cho mẫu tin ấy ra tệ hại thêm. Châm ngôn 11.13 chép: "Kẻ đi thèo lẻo tỏ ra điều kín đáo; Còn ai có lòng trung tín giữ kín công việc". Châm ngôn 26.20 chép: "Lửa tắt tại thiếu củi; Khi chẳng có ai thèo lẻo cuộc tranh cạnh bèn nguôi". Giacơ 1.26 chép: "Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo, mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích".
Một lời nói về chuổi cầu nguyện cần được nói ra ở đây. Chúng có thể trở thành loại công cụ rất tốt. Tuy nhiên, chúng cũng có thể dễ dàng trở thành thứ cỏ cho cuộc ngồi lê đôi mách đấy. Nếu bạn biết được một chuổi cầu nguyện, hãy sử dụng nó chỉ trong sự cầu nguyện mà thôi.
C. Các bà già Cơ đốc không được uống rượu quá độ.
Đúng ra, các bà già tin kính không được "làm nô lệ cho rượu". Rượu dường như cực kỳ phát triển trên đảo Crete, đặc biệt giữa vòng những người đứng tuổi. Rượu làm dịu đi sự buồn chán, làm khuây khỏa những cơn đau đầu, nhức nhối và giải quyết tình trạng cô độc, thất bại của tuổi già. Tôi đã xử lý với vấn đề rượu và cách xử sự Cơ đốc ở 1.7, vì vậy tôi không lần lại đề tài đó ở đây. Cần phải nói rằng bất cứ tín đồ nào trong xã hội chúng ta, già hay trẻ khó mà tìm được bất kỳ sự xưng công bình nào theo Kinh Thánh cho việc say sưa cả.
D. Các bà già Cơ đốc cần phải lấy điều khôn ngoan dạy bảo.
"Lấy điều khôn ngoan dạy bảo" đề cập tới việc dạy dỗ người khác về điều chi là tin kính. Cụm từ nầy có quan hệ tới "khôn ngoan" ở câu 2. Đúng ra từ nầy có ý nói "khiến cho người khác biết nghiêm trang". Ý nói rằng các bà già cần phải giúp phát triển các thái độ đúng đắn nơi nhiều người khác, những thái độ ấy dẫn tới các hành vi đúng đắn. I Timôthê 2.12 chép rằng một phụ nữ không được phép "dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông", tuy nhiên bà phải có trách nhiệm dạy dỗ con cái và phải "dạy đàn bà trẻ tuổi" (câu 4).
Hội Thánh gần như luôn luôn có nhiều phụ nữ hơn nam giới. Theo thống kê thì có nhiều nữ giới hơn nam giới trên thế giới nầy. Vì thế thật là quan trọng cho các bà già bước đi, dạy dỗ, khuyên dạy những phụ nữ trẻ tuổi hơn, chuyền cho họ sự khôn ngoan tin kính từ thế hệ nầy sang thế hệ kia. Các bà già cần phải kỷ luật những người nữ trẻ tuổi hơn trong đức tin bằng cách nêu gương tin kính và cung ứng lời khuyên tin kính. Tôi được nên như người ngày hôm nay vì cớ sự dạy dỗ tin kính của mẹ tôi, những gì bà đã nhận từ bà ngoại, bà cố ngoại của tôi.
Hãy chú ý cẩn thận, Phaolô không hề dặn Tít phải dạy dỗ những người nữ trẻ tuổi. Ông trao trách nhiệm ấy cho các bà già. Tôi nghĩ có ba động lực cho vấn đề nầy. Thứ nhứt, như chúng ta sẽ thấy rõ vào tuần tới, cấp lãnh đạo thuộc linh chính của một phụ nữ phải là chồng của người, chớ không phải Mục sư của người đâu. Tít không được chiếm chỗ lãnh đạo thuộc linh của người chồng. Thứ hai, vì Tít khi dạy dỗ những phụ nữ còn trẻ tuổi sẽ đặt ông vào mối nguy hiển thực sự trong sự cám dỗ về tình dục. Ông cần phải "không chỗ trách được" và là "chồng của một vợ". Thứ ba và quan trọng nhất, Tít chẳng biết gì về việc là một người nữ. Những phụ nữ còn trẻ tuổi khi ấy và những phụ nữ trẻ tuổi lúc bây giờ đều cần tới mưu luận khôn khéo của những người phụ nữ đã tấn tới khôn ngoan trong Chúa.
Cho phép tôi kết luận với một lời khuyên sau cùng cho những tín hữu đứng tuổi, cả nam và nữ giới. CHÚNG TÔI CẦN QUÍ VỊ! Làm ơn đừng rút lui khỏi công việc của Chúa! Làm ơn đừng tự sống cô lập trong một chức vụ trung lão rồi tự dời mình ra khỏi đời sống của những tín hữu còn trẻ tuổi kia. Hãy nắm lấy quyền chủ động. Hãy tìm kiếm họ. Hãy mời họ bước vào mối tương giao. Hãy gây dựng các mối quan hệ. Hãy sử dụng kỷ thuật của bóng chày, chúng tôi cần quí vị bước tới vòng tròn kia … dù gậy đập bóng cứ run run. Khi Bill Veeck bán đội Chicago White Sox vào năm 1975, ông được thuê làm huấn luyện viên cho đội Minnie Minoso, ông là ngôi sao cho đội Sox cũng như các đội khác vào thập niên 40, 50 và 60. Luôn là ngôi sao trong các sự cố làm vui lòng đám đông, Veeck quyết định chơi cho đội Minoso thêm một năm nữa vào thập niên 50. Mike Veeck, con trai của Bill, nhớ lại đã nhìn thấy tay đập bóng Minoso trong một trận đấu: "Ông ấy đập bóng như thường lệ. Đây là một trong những việc quan trọng nhất tôi đã từng xem thấy. Hãy hỏi bất cứ ai có mặt ở đó xem. Ông ấy đã chạy ra khỏi sân với một cảm xúc như thế, với đầy sự tự hào. Nhìn thấy ông ấy chạy, cảm xúc lâng lâng, cảm động làm sao ấy! Những người hâm mộ đã dành cho ông ấy một sự hoan hô nhiệt liệt".
Minnie Minoso dành cho ông ấy mọi sự, và trong việc làm đó đã khiến cho sân bóng càng nhiều cảm động, khích lệ, ý nghĩa hơn cho nhiều người khác trong cuộc chơi. Đấy là những gì Hội Thánh cần từ những tín đồ già cả, không nhất thiết là khả năng đập bóng ra ngoài biên đâu, mà là tấm gương biết quyết định! Thi sĩ người Mỹ nổi tiếng là Henry Wadsworth Longfellow từng viết ra mấy câu nầy khích lệ chúng ta hết thảy sẽ già đi nhưng không phai tàn:
Tuổi già là cơ hội
chẳng kém người trẻ tuổi hơn,
dù trong lớp áo khác
Rồi khi buổi xế chiều biến dần đi,
Bầu trời có thêm những ngôi sao
mà ban ngày không trông thấy được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét